ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
16/CT-UBND
|
Hưng
Yên, ngày 20 tháng 10 năm 2016
|
CHỈ THỊ
VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẤP BÁCH VỀ BẢO
VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong những năm
qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành và
toàn dân chung tay thực hiện đạt được kết quả quan trọng. Công tác quản lý nhà
nước về bảo vệ môi trường được tăng cường; chất lượng môi trường trên địa bàn
được cải thiện; những vấn đề bức xúc, điểm nóng về môi trường từng bước được kiểm
soát và tập trung giải quyết. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường vẫn phổ biến, gây bức
xúc trong xã hội; tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn diễn ra
phức tạp, đang là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững, ảnh hưởng sức
khỏe, đời sống của nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do một
số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về công tác bảo vệ môi trường,
chưa sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; công tác
tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường chưa thường xuyên, hiệu quả chưa
cao; ý thức trách nhiệm của một số doanh nghiệp và người dân còn hạn chế; công
tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống tội phạm môi trường đạt
hiệu quả chưa cao; một số thói quen trong sản xuất, sinh hoạt chưa bảo đảm vệ
sinh, xả thải gây ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục; nguồn lực đầu tư bảo
vệ môi trường chưa tương xứng với nhiệm vụ, yêu cầu thực tế; kết quả xã hội hóa
công tác bảo vệ môi trường đạt thấp.
Để chủ động
phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm, tạo bước chuyển biến căn bản trong
công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ
thị:
1. Sở Tài
nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp với các
ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán
triệt chủ trương, đường lối của Đảng về công tác bảo vệ môi trường, tổ chức thực
thi có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, các văn bản hướng dẫn thi
hành, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp
bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của
Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường,
Đề án bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu tỉnh Hưng Yên giai đoạn
2016-2020, Đề án nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt
nông thôn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020; tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng
chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi
trường.
b) Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành liên quan tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành Quy định bảo vệ môi trường
trên địa bàn tỉnh thay thế Quy định bảo vệ môi trường được ban hành kèm theo
Quyết định số 12/2010/QĐ-UBND ngày 29/4/2010 của UBND tỉnh đáp ứng các yêu cầu
bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và phù hợp với tình hình
thực tiễn; Quy chuẩn kỹ thuật môi trường của tỉnh Hưng Yên để phù hợp với sức
chịu tải môi trường, nhằm bảo vệ, cải thiện môi trường tỉnh.
c) Tăng cường hiệu quả của
công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối
với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các cơ sở
có lưu lượng nước thải từ 100 m3/ngày đêm trở lên, kiên quyết xử lý
nghiêm các đối tượng vi phạm.
d) Nâng cao năng lực, chất lượng
thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; rà soát đánh giá tác động môi
trường, công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án nguy cơ cao gây ô
nhiễm môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện báo cáo
đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường
phục vụ giai đoạn vận hành của dự án.
e) Triển khai lắp đặt các trạm
quan trắc tự động môi trường nước, không khí trên địa bàn tỉnh, tập trung ở các
khu vực: Nguồn nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, các nguồn xả thải
nước thải lớn vào môi trường không khí tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu
tập trung công nghiệp, làng nghề. Năm 2017, lắp đặt 01 trạm quan trắc tự động
nước mặt, 01 trạm quan trắc tự động không khí; đầu tư, lắp đặt hệ thống nhận dữ liệu quan trắc tự động của các khu công
nghiệp, doanh nghiệp có lưu lượng nước thải, khí thải lớn; đầu tư, lắp đặt thiết
bị giám sát, lấy mẫu tự động nước thải sau xử lý xả thải ra môi trường tại Khu
công nghiệp dệt may Phố Nối, duy trì 24/24 giờ truyền dữ liệu tự động, liên tục
về Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, giám sát, kết quả làm căn cứ xử lý
các hành vi vi phạm. Lập kế hoạch giám sát,
quan trắc định kỳ các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, các nguồn
thải của các cơ sở phát sinh lưu lượng nước thải trên 200 m3/ngày
đêm tần suất 2 tháng/lần, trên 500 m3/ngày đêm tần suất 1 tháng/lần.
g) Hướng dẫn,
đôn đốc UBND huyện Văn Lâm, UBND huyện Yên Mỹ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
khẩn trương hoàn thành việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường
nghiêm trọng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Làng nghề tái chế nhựa
Minh Khai, làng nghề tái chế chì xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, làng nghề thuộc da
Liêu Xá, huyện Yên Mỹ; Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội tỉnh).
Đôn đốc Sở Y tế đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
tại các cơ sở y tế theo Quyết định số 1742/QĐ-UBND ngày 13/10/2011 của UBND tỉnh
Hưng Yên. Hằng năm, chủ trì tổng hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt Danh sách các
cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc thẩm quyền của tỉnh để tổ chức
thực hiện. Công bố công khai những tổ chức, cá nhân
gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các hình thức xử lý trên các phương tiện
thông tin đại chúng nhằm khuyến cáo ý thức chấp hành pháp luật về môi trường.
h) Hướng dẫn,
đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, tổ chức triển khai thực hiện
Đề án nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn
tỉnh Hưng Yên. Năm 2016, đầu tư xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt ở xã Dị Sử,
huyện Mỹ Hào; năm 2017, đầu tư xây dựng Khu xử lý rác thải Minh Khai, huyện Văn
Lâm làm cơ sở nhân rộng đầu tư lò đốt rác thải trên địa bàn các huyện, thành phố.
i) Chủ
trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh hướng
dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
2. Sở Kế hoạch
và Đầu tư
a) Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh hạn chế việc thu hút các dự án đầu tư ngoài
các khu công nghiệp, chỉ tiếp nhận các dự án có công nghệ cao, công nghiệp sạch,
thân thiện môi trường; kiên quyết từ chối các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu,
sử dụng nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở
Khoa học và Công nghệ có biện pháp kiểm soát các dự án, cơ sở sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ thuê nhà xưởng của các dự án có mục tiêu cho thuê nhà xưởng công
nghiệp; các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ có công nghệ sản
xuất, máy móc thiết bị lạc hậu, lĩnh vực sản xuất gây ô nhiễm môi trường như:
tái chế phế liệu nhựa, tẩy rửa bề mặt bằng hóa chất, sơn, mạ, giặt mài, nhuộm,
chế biến thủy, hải sản…
3. Sở Tài
chính
a) Tham mưu UBND tỉnh bố trí
kinh phí cho các huyện, thành phố tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải
sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở
Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thường xuyên sự
nghiệp môi trường hàng năm không dưới 1% tổng chi ngân sách của tỉnh.
4. Sở Xây dựng
a) Rà soát, trình UBND tỉnh
phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hưng Yên đến năm 2025
phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh hiện nay; tổ chức thực hiện ngay quy hoạch
đã được phê duyệt.
b) Chủ trì, phối hợp với Sở
Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh ban hành suất đầu tư,
giá dịch vụ trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Y tế
a) Chỉ đạo các cơ sở y tế trên
địa bàn tỉnh thực hiện công tác quản lý chất thải y tế theo đúng các quy định của
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT
ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất
thải y tế và các văn bản khác có liên quan.
b) Xây dựng Kế hoạch thay thế
các lò đốt không đáp ứng QCVN 02:2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò
đốt chất thải rắn y tế và tổ chức thực hiện.
c) Tập trung các giải pháp đầu
tư xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của các cơ sở y tế công lập
trên địa bàn tỉnh; đồng thời chỉ đạo các cơ sở y tế đã được đầu tư xử lý triệt
để ô nhiễm môi trường khẩn trương hoàn thiện hồ sơ gửi Sở Tài nguyên và Môi trường
kiểm tra, xem xét chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Kiểm
soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo
quản nông sản, thức ăn và thuốc phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi, nuôi trồng
thủy sản.
b) Chủ
trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, tuyên
truyền cho các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thu
gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; phối hợp với Sở Tài nguyên và
Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và
xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
c) Quy hoạch,
xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đáp ứng các yêu cầu
về vệ sinh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; tăng cường xử lý chất thải
chăn nuôi, thu hồi năng lượng từ biogas.
d) Tổ chức
thực hiện nghiêm túc tiêu chí về bảo vệ môi trường trong việc công nhận địa
phương đạt chuẩn nông thôn mới.
7. Sở Khoa học
và Công nghệ
a) Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển
giao công nghệ xử lý môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp với điều kiện
thực tế của tỉnh.
b) Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành liên quan thẩm định công nghệ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để phòng
ngừa, ngăn chặn việc đưa công nghệ, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, cũ, lạc hậu,
chất lượng kém và gây ô nhiễm môi trường vào tỉnh.
8. Sở Lao động,
Thương binh và Xã hội đẩy nhanh tiến độ thực hiện các biện pháp xử lý triệt để
ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã
hội tỉnh theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
đến năm 2020.
9. Ban Quản
lý các khu công nghiệp tỉnh
a) Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành tham mưu UBND tỉnh thu hút các dự án đầu tư trong các khu công nghiệp có
công nghệ cao, công nghiệp sạch, hiện đại, thân thiện với môi trường và phù hợp
với các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất trong báo cáo đánh giá tác động môi trường
của khu công nghiệp đã được phê duyệt.
b) Tăng cường giám sát việc thực
hiện công tác bảo vệ môi trường của các chủ đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp trong
khu công nghiệp; việc đầu tư, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ
thống quan trắc nước thải tự động, liên tục của khu công nghiệp để kịp thời
phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kiến nghị cơ quan
có thẩm quyền xử lý.
c) Yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng
khu công nghiệp phải dành ít nhất 5% diện tích đất để xây dựng hồ điều hòa giám
sát chất lượng nước thải sau xử lý trước khi thải ra môi trường.
10. Công an
tỉnh tăng cường chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường
chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm về môi trường,
đặc biệt tăng cường nắm tình hình, trinh sát nhằm kịp thời phát hiện và cương
quyết xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hành vi xả chất
thải chưa xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường, trọng điểm là các khu
công nghiệp, khu tập trung doanh nghiệp, làng nghề, các doanh nghiệp có lưu lượng
xả nước thải lớn.
11. Đài Phát
thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên tăng thời lượng phát sóng trên truyền
hình, tin, bài, phóng sự tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường; chủ động
thu thập thông tin, phát huy vai trò của báo chí trong công tác bảo vệ môi trường.
12. Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố
a) Tổ chức thực thi có hiệu quả
nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn theo phân cấp của Luật Bảo vệ môi trường
năm 2014. Xây dựng, phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường của địa phương giai đoạn
2016-2020 làm cơ sở triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, biện pháp bảo vệ môi trường,
nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.
b) Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra
việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh
trong các cụm công nghiệp, làng nghề, các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh
thuộc đối tượng lập bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định; xử lý nghiêm
các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.
c) Thực hiện điều tra, thống
kê, lập danh sách làng nghề, ngành nghề được khuyến khích phát triển, cơ sở sản
xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề trên địa bàn;
chỉ đạo cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện xem xét thu hồi Giấy chứng nhận
đăng ký hộ kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề không thuộc
ngành nghề được khuyến khích phát triển gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng,
không đảm bảo khoảng cách đối với khu dân cư.
d) Chỉ đạo xây dựng và kiểm
tra, theo dõi việc thực hiện nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước, quy ước;
trong xây dựng nông thôn mới và làng văn hóa.
đ) Rà soát, đề xuất quy hoạch
các cụm công nghiệp tập trung, bố trí khu chăn nuôi, khu sản xuất tập trung xa khu dân cư đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường để lập kế hoạch,
tổ chức thực hiện việc di dời cơ sở sản xuất không thuộc ngành nghề được khuyến
khích phát triển gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.
e) Thực hiện trách nhiệm về
thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng quy định
tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016. Tổ chức,
hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng
trên địa bàn; quản lý việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn;
xử lý tiêu thoát nước thải ở khu dân cư khi để tù đọng;
g) Tăng cường công tác thu
gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn; đẩy mạnh phân
loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Chịu trách nhiệm toàn diện trước
UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng rác thải đổ, đốt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường
trên địa bàn.
h) Chỉ đạo cấp xã thành lập tổ,
đội vệ sinh môi trường tự quản ở 100% các thôn, khu dân cư ngay trong năm 2016;
nghiên cứu đưa hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt nông thôn vào
quản lý của HTX dịch vụ nông nghiệp.
i) Quy hoạch khu xử lý rác thải
sinh hoạt tập trung quy mô liên xã, huyện phù hợp với Quy hoạch quản lý chất thải
rắn tỉnh Hưng Yên đến năm 2025.
k) Riêng đối với UBND huyện
Văn Lâm và UBND huyện Yên Mỹ đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để ô nhiễm các làng
nghề theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về
phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;
hoàn thành trong năm 2016.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc
Việt Nam tỉnh Hưng Yên và các tổ chức thành viên tích cực phối hợp và tham gia,
giám sát hoạt động bảo vệ môi trường; các sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường
tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, thu gom, phân loại
rác thải tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; nâng cao ý thức,
trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân về chấp hành pháp luật bảo
vệ môi trường và tích cực tham gia bảo vệ môi trường; đồng thời, kịp thời biểu
dương, khen thưởng, tuyên truyền và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến
về bảo vệ môi trường.
Yêu cầu thủ trưởng các sở, ban,
ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo phạm vi quyền hạn, trách
nhiệm được phân công, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này; định kỳ hàng năm báo
cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường (trước ngày 30/11) để tổng
hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Phóng
|