ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
854/QĐ-UBND
|
Bình
Dương, ngày 21 tháng 3 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUY HOẠCH KARAOKE, VŨ TRƯỜNG TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2011 – 2015, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2006 của Chính phủ về việc ban hành
Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng;
Căn cứ Thông tư số 04/2009/TT-BVHTTDL ngày 16/12/2009 của Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch về việc Quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Quy chế hoạt
động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định
103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ và Thông tư số 54/2006/TT-BVHTT
ngày 24/5/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
về việc hướng dẫn quy hoạch nhà hàng karaoke, vũ trường;
Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 15 /TTr-SVHTTDL
ngày 14/3/2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án
quy hoạch karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 –
2015, tầm nhìn đến năm 2020 (kèm theo).
Điều 2. Giao Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, đơn vị có liên
quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai thực hiện hiệu quả các nội
dung của Đề án quy hoạch đã được phê duyệt.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định
này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 259/2006/QĐ-UBND ngày
30/11/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt quy hoạch
karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Huỳnh Văn Nhị
|
ĐỀ ÁN
QUY HOẠCH KARAOKE, VŨ TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
GIAI ĐOẠN 2011 – 2015, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 854 /QĐ-UBND ngày 21/3/2011 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Bình Dương)
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH
Bình Dương
là một tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng
điểm phía Nam, phía Bắc giáp với tỉnh Bình Phước, phía Nam và Tây Nam giáp
với thành phố Hồ Chí Minh, phía Tây giáp với tỉnh Tây Ninh, phía Đông giáp
tỉnh Đồng Nai. Bình Dương có diện tích tự nhiên 2.695,5km2, dân số là
1.663.450 người. Cơ cấu bộ máy hành chính gồm 03 thị xã và 04 huyện
với 91 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh có 584 khu phố, ấp (trong đó có 219
khu phố và 365 ấp)
Trong những
năm qua, Bình Dương đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên lĩnh vực
kinh tế - xã hội; về văn hóa, bên cạnh các loại hình nghệ thuật
truyền thống thì tỉnh cũng xuất hiện thêm một số loại hình dịch vụ
văn hóa công cộng mới như vũ trường, karaoke…làm cho hoạt động văn hóa
càng thêm phong phú và đa dạng góp phần nâng cao đời sống tinh thần
và giải quyết nhu cầu vui chơi giải trí cho một bộ phận không nhỏ
trong nhân dân nhất là đối tượng thanh, thiếu niên.
II. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH KARAOKE, VŨ TRƯỜNG
Cùng với
các cơ sở công lập, hệ thống dịch vụ văn hóa ngoài công lập do các
tổ chức, cá nhân đầu tư như: Dịch vụ băng đĩa, biểu diễn nghệ thuật,
câu lạc bộ hát với nhau, karaoke… cũng phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh
đó, do sự tăng trưởng nhanh về kinh tế, và sự phát triển đô thị khá mạnh
mẽ của tỉnh cũng là điều kiện để các cơ sở dịch vụ văn hóa phát
triển, cơ sở kinh doanh được đầu tư xây dựng quy mô, hiện đại và chất
lượng phục vụ ngày càng được nâng cao. Hệ thống dịch vụ văn hóa ngoài
công lập như loại hình karaoke được các tổ chức, cá nhân đầu tư đã
trở thành một hoạt động rộng rãi góp phần đưa những tác phẩm âm nhạc
phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh.
Thực hiện
Thông tư số 54/2006/TT-BVHTT ngày 24/5/2006 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về việc hướng dẫn quy hoạch nhà hàng karaoke,
vũ trường; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 259/2006/QĐ-UBND ngày
30/11/2006 về việc phê duyệt Quy hoạch karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh
Bình Dương đến năm 2020. Quy hoạch đã được triển khai thực hiện nghiêm
túc, hiệu quả, phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch.
Tính đến
31/12/2010, toàn tỉnh có 294 cơ sở hoạt động kinh doanh karaoke, trong
đó tập trung nhiều nhất tại thị xã Thủ Dầu Một với 71 cơ sở, thị xã
Dĩ An 60 cơ sở và Thuận An 53 cơ sở; huyện Tân Uyên 38 cơ sở, Dầu Tiếng
31 cơ sở, Bến Cát 32 cơ sở và Phú Giáo 09 cơ sở.
Về hoạt
động vũ trường, hiện nay chủ yếu là loại hình dance sport hoặc khiêu
vũ thiếu nhi do các Trung tâm Văn hóa hoặc Nhà thiếu nhi tổ chức, chưa
có hồ sơ đề nghị mở vũ trường đủ điều kiện của các cơ sở ngoài
công lập.
Trong thời
gian qua, quản lý nhà nước trên lĩnh vực dịch vụ văn hóa công cộng
từ khâu giải quyết cấp giấy phép cho đến công tác kiểm tra hoạt động
được thực hiện khá tốt; đa số các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa trong đó có
loại hình kinh doanh karaoke đều chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp
luật, nhiều cơ sở kinh doanh karaoke mới mở chủ yếu là ở dạng gia đình lành mạnh
với sự đầu tư xây dựng phòng ốc rộng rãi, đảm bảo tiêu chuẩn quy định về diện
tích, trang thiết bị hiện đại; cơ sở kinh doanh karaoke có nhiều tiếp viên nữ
phục vụ đang có xu hướng giảm, việc thực hiện quy định về quyền tác giả
và các quyền có liên quan được triển khai thực hiện có hiệu quả, không có
tình trạng hoạt động quá giờ quy định…
Tuy nhiên,
công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này còn một số hạn chế như: Việc tổ chức
triển khai phổ biến các văn bản quy định của pháp luật trực tiếp đến đối tượng
là chủ cơ sở kinh doanh và doanh nghiệp chưa chặt chẽ và chưa đạt hiệu quả cao.
Công tác cấp giấy phép hoạt động kinh doanh karaoke còn những sai sót nhất định
dẫn đến việc phải thu hồi lại giấy phép đã cấp… Công tác kiểm tra và xử lý chưa
nhiều, chỉ tập trung đối với những cơ sở kinh doanh có quy mô lớn ở trung tâm
thị xã và trung tâm huyện; một số cơ sở hoạt động kinh doanh không có giấy phép
chưa được kiểm tra xử lý kịp thời…
Nguyên nhân
là do đội ngũ cán bộ, công chức nghiệp vụ chuyên môn chưa cao, số lượng cán bộ
làm công tác kiểm tra còn ít; số lượng cơ sở cần phải kiểm tra khá lớn. Về phía
các cơ sở kinh doanh, có một số cơ sở đã lợi dụng những mặt sơ hở,
thiếu sót trong quy định của pháp luật và công tác quản lý của các cơ
quan chức năng, nên lén lút tổ chức hoạt động kinh doanh karaoke có các vi
phạm hành chính như: Sử dụng người lao động làm việc tại cơ sở không có hợp
đồng lao động, sử dụng nhân viên nữ phục vụ trong một phòng karaoke vượt quá số
lượng quy định; dùng các phương thức phục vụ, câu khách không phù hợp với
thuần phong mỹ tục; một số cơ sở kinh doanh vi phạm hành chính tuy đã bị tước
giấy phép lại thay đổi người đứng tên và tiếp tục xin cấp giấy phép mới để hoạt
động kinh doanh nhưng hành vi vi phạm thì không thay đổi; có biểu hiện mua bán,
chuyển nhượng giấy phép; việc đổi tên, gia hạn, mở rộng quy mô và chuyển địa điểm
kinh doanh đến nơi mới có một số trường hợp sai phạm trong việc xác nhận về điều
kiện không chính xác buộc cơ quan chức năng phải thu hồi lại giấy phép đã cấp…
III. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG QUY HOẠCH
Quyết định
259/2006/QĐ-UBND ngày 30/11/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh được ban hành và
thực hiện đến nay đã 05 năm; so với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội
của tỉnh và các văn bản quy định mới ban hành thì một số tiêu chí của quy
hoạch đến nay đã không còn phù hợp với tình hình thực tế nên cần phải có sự
điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch.
Nghị định
số 11/2006/NĐ-CP ngày 18/01/2006 của Chính phủ về ban hành Quy chế
hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng và Thông tư
số 69/2006/TT-BVHTT ngày 28/8/2006 của Bộ Văn hóa Thông tin về hướng
dẫn thực hiện một số quy định về kinh doanh vũ trường, karaoke, trò
chơi điện tử quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh
dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định 11/2006/NĐ-CP
ngày 18/01/2006 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và
kinh doanh dịch vụ văn hóa cộng cộng nay đã có văn bản quy định mới thay thế.
Tình hình
kinh tế - xã hội cùng với tốc độ phát triển đô thị, dân số của tỉnh ngày
càng phát triển nhanh. Hiện nay 02 huyện Thuận An và Dĩ An đã được công
nhận là thị xã thuộc tỉnh, nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa tinh
thần và vui chơi giải trí của nhân dân ở hai địa phương này cũng được
nâng lên.
Từ thực tiễn
của nhu cầu vui chơi giải trí tinh thần lành mạnh, hưởng thụ văn hóa của nhân
dân và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020; nên đòi hỏi
phải điều chỉnh Quy hoạch karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến
năm 2015 và định hướng đến năm 2020 là việc làm cần thiết.
IV. NỘI DUNG QUY HOẠCH
1. Quan điểm
xây dựng quy hoạch
Quán triệt
quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương 5
(khóa VIII): “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục
tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.
Đẩy mạnh
việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa hoạt
động văn hóa nhằm huy động các nguồn lực của xã hội vào việc phát
triển sự nghiệp văn hóa, tạo điều kiện cho người dân được hưởng thụ
văn hóa.
Quy hoạch
phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch
phát triển đô thị của địa phương giai đoạn đến năm 2015 và định hướng
đến năm 2020; trong đó chú trọng đến tốc độ gia tăng dân số (kể cả cơ
học), phát triển du lịch, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí và sinh
hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân ở từng khu vực khác nhau như thị
xã, thị trấn, vùng nông thôn; tạo quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo an ninh
trật tự, an toàn xã hội.
Quan tâm đến
đối tượng là công nhân và người lao động, mở thêm các tụ điểm sinh hoạt
văn hóa, vui chơi giải trí lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh
thần cho công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp, góp phần
làm giảm các tệ nạn xã hội và những hoạt động phi văn hóa tự
phát.
Quy hoạch
dịch vụ văn hóa đi đôi với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước
và nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp chính quyền, đoàn
thể và toàn xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra
đối với các hoạt động văn hóa để đảm bảo cho phát triển văn hóa đúng
định hướng của Đảng và Nhà nước.
2. Mục tiêu
quy hoạch
Góp phần thực
hiện tốt cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời
sống văn hóa”, phát triển kinh tế song song với phát triển văn hóa, tạo
môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh trong hoạt động kinh doanh dịch vụ văn
hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Đảm bảo sự
phát triển theo quy hoạch và có định hướng đối với hoạt động kinh doanh dịch
vụ văn hóa, tạo nên sự hài hòa; cạnh tranh bình đẳng, khuyến khích hoạt
động kinh doanh lành mạnh; chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động
kinh doanh dịch vụ văn hóa.
Tạo cơ sở
pháp lý trong công tác quản lý, chống những tiêu cực trong thực hiện thủ
tục giấy phép; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa
đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần và hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của quần
chúng nhân dân.
3. Căn cứ
pháp lý
- Nghị định số
103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động
văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng;
- Chỉ thị số
215/CT-BVHTTDL ngày 11/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về
việc tổ chức thực hiện Nghị định số 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Quy
chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng;
- Thông tư số
04/2009/TT-BVHTTDL ngày 16/12/2009 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và
kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số
103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ;
- Nghị định số
72/2009/NĐ-CP ngày 03/9/2009 của Chính phủ Quy định điều kiện về an ninh, trật
tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;
Căn cứ vào
các quy định của pháp luật; quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và định
hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh đến năm 2020, bao gồm các yếu
tố: Tình hình số lượng dân cư trên địa bàn, phát triển đô thị, nhu cầu
phát triển du lịch, nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, điều kiện đảm bảo
an ninh trật tự, an toàn xã hội … quy hoạch karaoke, vũ trường giai đoạn 2011
-2015, tầm nhìn đến năm 2020 như sau:
4. Giai đoạn
2011- 2015
4.1 Về hoạt động
karaoke
a) Cơ sở hoạt
động kinh doanh karaoke phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Phòng
karaoke phải có diện tích sử dụng từ 20 m2 trở lên, không kể công
trình phụ; bảo đảm các điều kiện về cách âm, phòng, chống cháy nổ;
- Cửa phòng
karaoke phải là cửa kính không màu, bên ngoài có thể quan sát toàn bộ
hoạt động diễn ra bên trong phòng;
- Không được
đặt khóa, chốt cửa bên trong hoặc lắp đặt các thiết bị báo động nhằm
đối phó với hoạt động kiểm tra của cơ quan chức năng;
- Địa điểm
hoạt động karaoke phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo,
tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa, cơ quan hành chính nhà nước
từ 200m trở lên;
- Phù hợp
với quy hoạch về karaoke của tỉnh Bình Dương.
b) Khi hoạt
động kinh doanh karaoke, chủ cơ sở kinh doanh phải tuân thủ các quy định
sau:
- Đảm bảo
ánh sáng trong phòng trên 10 lux (tương đương một bóng đèn sợi đốt 40W
cho 20m2);
- Âm thanh lọt
ra ngoài phòng karaoke không vượt quá quy định của Nhà nước về tiêu
chuẩn mức ồn tối đa cho phép;
- Cơ sở
karaoke có nhiều phòng thì phải đánh số thứ tự hoặc đặt tên cho
từng phòng;
- Chỉ được
sử dụng bài hát được phép phổ biến; băng, đĩa đã dán tem, nhãn kiểm
soát theo quy định;
- Không bán
rượu hoặc để cho khách uống rượu trong phòng karaoke;
- Đảm bảo
các điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại Nghị định số
72/2009/NĐ-CP ngày 03/9/2009 của Chính phủ;
- Mỗi phòng
karaoke chỉ được sử dụng 01 (một) nhân viên phục vụ từ 18 tuổi trở
lên; nếu nhân viên phục vụ là người làm thuê thì phải có hợp đồng
lao động và được quản lý theo quy định của pháp luật về hợp đồng
lao động;
- Cơ sở kinh
doanh karaoke không được hoạt động sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng; trừ
trường hợp phòng karaoke trong các cơ sở lưu trú du lịch được xếp
hạng từ 4 sao trở lên hoặc hạng cao cấp được hoạt động sau 12 giờ đêm
nhưng không quá 2 giờ sáng.
- Cơ sở kinh
doanh dịch vụ tổ chức karaoke tại nơi kinh doanh để đáp ứng nhu cầu
của nhân viên thuộc cơ sở mình thì phải riêng biệt với khu vực kinh
doanh và không được để cho khách vào hát karaoke tại nơi dành riêng cho
nhân viên thuộc cơ sở mình.
- Cơ sở kinh
doanh dịch vụ tổ chức hoạt động karaoke tại nơi kinh doanh để đáp ứng
nhu cầu của khách dù không thu riêng tiền dịch vụ karaoke mà chỉ thu
tiền ăn, uống hoặc dịch vụ khác tại phòng hát karaoke cũng phải đảm
bảo đủ điều kiện và phải được cấp giấy phép theo quy định.
c) Về số lượng:
- Cơ sở kinh doanh karaoke được cấp phép không vượt quá số lượng
05 cơ sở/ấp, khu phố (03 cơ sở/ấp, 05 cơ sở /khu phố);
- Đối với địa
phương có số lượng cơ sở kinh doanh karaoke vượt quá số lượng quy định nêu trên
thì khi có trường hợp bị xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép hoặc ngừng hoạt động
thì cũng không được cấp phép thêm cơ sở mới.
d) Về địa điểm
kinh doanh:
Cơ sở kinh
doanh karaoke ở thành phố, thị xã, thị trấn phải ở ngoài khu chung cư và có đường
vào rộng từ 4m trở lên để xe chữa cháy có thể vào, ra thuận lợi khi xảy ra cháy
nổ.
4.2 Về hoạt động
vũ trường
a) Về điều kiện:
Cơ sở lưu trú
du lịch đã được xếp hạng sao hoặc hạng cao cấp, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa
có tư cách pháp nhân kinh doanh vũ trường phải có các điều kiện sau đây:
- Phòng khiêu
vũ trong vũ trường phải có diện tích từ 80m2 trở lên, cách trường
học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn
hóa, cơ quan hành chính nhà nước từ 200m trở lên, đảm bảo các điều
kiện về cách âm, phòng chống cháy, nổ;
- Trang
thiết bị, phương tiện hoạt động của phòng khiêu vũ đảm bảo tiêu chuẩn
âm thanh, ánh sáng theo quy định;
- Phù hợp
với quy hoạch về vũ trường của tỉnh Bình Dương.
b) Về số lượng:
- Thị xã Thủ
Dầu Một, Thuận An và Dĩ An: Số lượng cơ sở vũ trường được cấp phép không vượt
quá 05 cơ sở/thị xã.
- Các huyện
còn lại: Số lượng cơ sở vũ trường được cấp phép không quá 03 cơ sở/trung tâm
huyện.
c) Khi hoạt
động kinh doanh vũ trường, chủ cơ sở kinh doanh phải tuân theo các quy
định sau đây:
- Có nội
quy hoạt động được niêm yết công khai ở vũ trường nơi mọi người dễ
nhận biết và thực hiện; nội dung nội quy phải ghi rõ về thời gian
hoạt động, độ tuổi và trang phục của người khiêu vũ, những quy định
cấm đối với người ở trong vũ trường.
- Đảm bảo
ánh sáng trong phòng khiêu vũ trên 10 lux (tương đương một bóng đèn sợi
đốt 40W cho 20m2);
- Âm thanh lọt
ra ngoài phòng khiêu vũ không vượt quá quy định của Nhà nước về tiêu
chuẩn mức ồn tối đa cho phép;
- Chỉ sử
dụng những bài hát, tác phẩm âm nhạc được phép lưu hành để khiêu
vũ;
- Khi phát
hiện người say rượu, bia, người sử dụng các chất ma túy và các chất
kích thích bị cấm sử dụng phải yêu cầu người đó ra khỏi vũ trường;
- Không cho
người dưới 18 tuổi làm việc hoặc vào khiêu vũ tại vũ trường;
- Đảm bảo
các điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại Nghị định số 72/2009/NĐ-CP
ngày 03/9/2009 của Chính phủ;
- Nếu sử
dụng nhân viên phục vụ phải có hợp đồng lao động và được quản lý
theo quy định của pháp luật về hợp đồng lao động;
- Không được
hoạt động từ sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng, trừ trường hợp là các
cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 3 sao trở lên hoặc hạng cao
cấp được hoạt động sau 12 giờ đêm nhưng không quá 2 giờ sáng.
5. Định hướng
từ năm 2016 đến năm 2020:
Trong giai đoạn
từ năm 2016 đến năm 2020, cơ sở hạ tầng và đô thị của thành phố mới Bình
Dương đã hình thành, những khu đô thị hiện đại mới thuộc các quận,
huyện nội - ngoại thành đã cơ bản hoàn thiện, mật độ dân cư phát
triển và nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần cũng tăng lên.
Mạng lưới cơ
sở kinh doanh karaoke, vũ trường sẽ tiếp tục được quy hoạch theo hướng phát
triển ở thành phố, thị xã, khu du lịch, khu vui chơi giải trí hiện đại, các
khu đô thị mới tập trung đông dân cư.
Trong giai
đoạn này số lượng cơ sở karaoke, vũ trường sẽ được quy hoạch phát triển theo
mật độ dân số và nhu cầu phát triển du lịch, chủ yếu là các cơ sở (cơ sở lưu
trú du lịch, khu du lịch, khu vui chơi giải trí…) có quy mô đầu tư lớn,
công nghệ kỹ thuật và trang thiết bị hiện đại nhằm phục vụ nhu cầu hưởng
thụ ngày càng cao của nhân dân.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch
Triển khai việc
phân cấp cấp giấy phép kinh doanh karaoke đối với hộ cá thể cho Phòng Văn hóa
và Thông tin các huyện, thị xã; thời gian chuẩn bị, tập huấn hướng dẫn và tiến
hành các thủ tục để bàn giao trước ngày 30/6/2011.
Tổ chức tuyên
truyền, phổ biến các văn bản quy định của pháp luật về lĩnh vực karaoke,
vũ trường để thực hiện có hiệu quả Đề án quy hoạch.
Tăng cường
công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường, các
cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng sao hoặc hạng cao cấp. Chủ trì phối hợp
với các ngành chức năng tổ chức thanh, kiểm tra hoạt động karaoke, vũ trường, xử
lý nghiêm các hành vi vi phạm;
Phối hợp chặt
chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện việc cấp giấy chứng nhận đăng ký
kinh doanh cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Công bố công
khai Đề án Quy hoạch hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường tại bộ phận tiếp
nhận hồ sơ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và trên website của Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch… để mọi tổ chức, cá nhân biết và thực hiện.
2. Sở Lao động
– Thương binh và Xã hội
Hướng dẫn việc
ký và đăng ký hợp đồng lao động theo quy định; phối hợp với các ngành liên quan
tổ chức thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, cơ sở lưu trú
du lịch đã được xếp hạng sao hoặc hạng cao cấp và xử lý các hành vi vi phạm
theo thẩm quyền.
3. Sở Kế hoạch
và Đầu tư
Căn cứ Luật
Doanh nghiệp, Quy hoạch về karaoke, vũ trường đã được phê duyệt để phối hợp chặt
chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký
kinh doanh.
4. Công an tỉnh
Cấp Giấy chứng
nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy đối với ngành, nghề
kinh doanh có điều kiện (theo quy định tại Nghị định số 72/2009/NĐ-CP ngày
03/9/2009 của Chính phủ Quy định về điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số
ngành, nghề kinh doanh có điều kiện); phối hợp với các ngành liên quan tổ chức
thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, cơ sở lưu trú du lịch
đã được xếp hạng sao hoặc hạng cao cấp, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý
nghiêm các hoạt động vi phạm pháp luật.
5. Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã
Căn cứ vào
quy hoạch được tỉnh phê duyệt, chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai ở địa
phương, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các hộ cá thể (sau khi đã
xây dựng kế hoạch triển khai ở địa phương) đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
cho các doanh nghiệp. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra theo địa bàn và xử
lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Phòng
Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã được phân cấp cấp Giấy phép kinh doanh
có trách nhiệm phổ biến đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật hiện hành đối
với lĩnh vực kinh doanh karaoke cho các tổ chức, cá nhân được cấp phép biết; đồng
thời yêu cầu cam kết không để xảy ra vi phạm.
Các cơ sở
kinh doanh karaoke, vũ trường nếu để xảy ra vi phạm thì phải xử phạt nghiêm (phạt
hành chính, thu hồi giấy phép, tước quyền sử dụng giấy phép…), trường hợp chủ
cơ sở kinh doanh bị tước quyền sử dụng giấy phép sẽ không được cấp lại giấy
phép kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường trên địa bàn toàn tỉnh.
Thu hồi giấy
phép đối với tổ chức, cá nhân đã được cấp phép mà sau 12 tháng không triển
khai, hoạt động.
Trong quá
trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, cần sửa đổi, bổ sung;
các cơ quan, đơn vị kịp thời có ý kiến bằng văn bản gửi đến Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch để tổng hợp báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải
quyết./.