ỦY BAN DÂN TỘC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 158/QĐ-UBDT
|
Hà Nội, ngày 22
tháng 03 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIŨA CÁC VỤ, ĐƠN VỊ THUỘC ỦY BAN DÂN TỘC THAM MƯU, CHUẨN
BỊ Ý KIẾN CHO BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM - THÀNH VIÊN CHÍNH PHỦ
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC
Căn cứ Nghị định số 13/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng
02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Ủy ban Dân tộc;
Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng
10 năm 2016 ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng
5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật
Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy chế phối hợp giữa các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc tham
mưu, chuẩn bị ý kiến cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm - thành viên Chính phủ.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thư ký Bộ trưởng, Chủ nhiệm, thủ trưởng các Vụ, đơn
vị thuộc Ủy ban Dân tộc chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm (để b/c);
- Các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm;
- Cổng thông tin điện tử UBDT;
- Lưu: VT, PC (05 bản).
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
THỨ TRƯỞNG, PHÓ CHỦ NHIỆM
Lê Sơn Hải
|
QUY CHẾ
PHỐI
HỢP GIỮA CÁC VỤ, ĐƠN VỊ THUỘC ỦY BAN DÂN TỘC THAM MƯU, CHUẨN BỊ Ý KIẾN CHO BỘ
TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM - THÀNH VIÊN CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 158/QĐ-UBDT ngày 22 tháng 03 năm 2018 của Bộ
trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc)
Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh, đối
tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định nguyên tắc, phương thức,
trách nhiệm phối hợp giữa Vụ Pháp chế với Văn phòng Ủy ban, Thư ký Bộ trưởng,
Chủ nhiệm và các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc trong công tác tham mưu, chuẩn
bị ý kiến cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm - thành viên Chính phủ đối với các dự án luật,
pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề án, báo cáo, văn bản đề xuất
khác trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
2. Quy chế này áp dụng đối với các Vụ, đơn vị thuộc
Ủy ban Dân tộc.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
1. Chủ động, kịp thời, đúng trình tự, thủ tục và
yêu cầu quản lý nhà nước.
2. Đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phân định
rõ trách nhiệm.
3. Bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc.
Điều 3. Phương thức phối hợp
Căn cứ quy định của pháp luật và tính chất, nội
dung, yêu cầu cụ thể của các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm
pháp luật, đề án, báo cáo, văn bản đề xuất khác trình Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, việc phối hợp được thực hiện bằng các phương thức như lấy ý kiến bằng
văn bản, tổ chức cuộc họp, sử dụng hệ Điều hành tác nghiệp, thư điện tử, điện
thoại hoặc các phương thức phù hợp khác.
Điều 4. Tiếp nhận, thời hạn xử
lý văn bản đến
1. Ngay sau khi nhận được phiếu lấy ý kiến thành
viên Chính phủ đối với các dự thảo văn bản quy định tại Khoản 1 Điều 1 Quy chế
này, Thư ký Bộ trưởng, Chủ nhiệm chuyển hồ sơ văn bản cho bộ phận làm công tác
văn thư để scan, gửi qua hệ Điều hành tác nghiệp và thư điện tử, điện thoại
thông báo cho Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chánh Văn phòng; bản chính gửi Bộ trưởng,
Chủ nhiệm.
2. Trong thời hạn 1/2 ngày làm việc kể từ ngày nhận
được dự thảo văn bản, Vụ trưởng Vụ Pháp chế có trách nhiệm nghiên cứu, phân
công nhóm chuyên viên xử lý văn bản. Trường hợp nội dung dự thảo văn bản liên
quan đến chức năng, nhiệm vụ của các Vụ, đơn vị chuyên môn thì thừa ủy quyền của
Bộ trưởng, Chủ nhiệm gửi dự thảo văn bản qua hệ Điều hành tác nghiệp và thư điện
tử đến Vụ, đơn vị chuyên môn để phối hợp thực hiện.
Điều 5. Trách nhiệm phối hợp của
thủ trưởng các Vụ, đơn vị
1. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày nhận được dự
thảo văn bản do Vụ Pháp chế gửi, thủ trưởng các Vụ, đơn vị liên quan có trách
nhiệm tổ chức nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến bằng văn bản, thông qua tập thể lãnh
đạo Vụ, đơn vị, gửi Vụ Pháp chế để tổng hợp.
Ý kiến của Vụ, đơn vị phải nêu rõ phương án lựa chọn
(nếu có), phân tích rõ cơ sở, ưu điểm, hạn chế của phương án lựa chọn.
Quá thời hạn trên, thủ trưởng Vụ, đơn vị không có
văn bản trả lời phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Chủ nhiệm về nội
dung dự thảo văn bản liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Vụ, đơn vị.
2. Trong thời hạn 01 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến
của các Vụ, đơn vị, Vụ trưởng Vụ Pháp chế có trách nhiệm tổ chức cuộc họp tập
thể lãnh đạo Vụ và nhóm chuyên viên được phân công để góp ý vào dự thảo văn bản
tham mưu cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm.
Trường hợp dự thảo văn bản có quy định chính sách đối
với vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban
Dân tộc hoặc có ý kiến khác nhau giữa các Vụ, đơn vị về các phương án lựa chọn
thì Vụ trưởng Vụ Pháp chế báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm xem xét, quyết định.
3. Trong thời hạn 1 ngày kể từ khi kết thúc cuộc họp,
Vụ trưởng Vụ Pháp chế có trách nhiệm hoàn thiện văn bản tham gia ý kiến, trình
Bộ trưởng, Chủ nhiệm (qua Thư ký) bằng hệ Điều hành tác nghiệp và thư điện tử.
Thư ký Bộ trưởng, Chủ nhiệm có trách nhiệm hoàn thiện phiếu lấy ý kiến thành
viên Chính phủ (bản chính), báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm trước khi gửi Văn
phòng Chính phủ theo quy định.
4. Thời hạn chuẩn bị ý kiến cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm
không quá 5 ngày, kể từ ngày nhận được phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ.
Trong trường đặc biệt, cần xử lý gấp theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, thời hạn chuẩn bị ý kiến của thành viên Chính phủ thực hiện theo chỉ
đạo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Vụ trưởng Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với
Chánh Văn phòng, Thư ký Bộ trưởng, Chủ nhiệm, thủ trưởng các Vụ, đơn vị liên
quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này.
2. Kinh phí thực hiện công tác tham mưu, chuẩn bị ý
kiến cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm - thành viên Chính phủ được đảm bảo từ ngân sách
nhà nước giao cho Ủy ban Dân tộc theo Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng
12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết
toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm
pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật và Quy chế chi tiêu nội bộ của Ủy
ban Dân tộc.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng
mắc, đề nghị các Vụ, đơn vị kịp thời phản ánh về Vụ Pháp chế để tổng hợp, trình
Bộ trưởng, Chủ nhiệm xem xét, quyết định./.