Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 154/2005/NĐ-CP thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan hướng dẫn Luật Hải quan

Số hiệu: 154/2005/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 15/12/2005 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 154/2005/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2005

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HẢI QUAN VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN, KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 (gọi chung là Luật Hải quan) về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan.

Thủ tục hải quan điện tử, thủ tục hải quan đối với hành lý, quà biếu thực hiện theo quy định riêng.

2. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với Nghị định này thì thực hiện theo quy định tại Điều ước quốc tế đó.

Điều 2. Đối tượng phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan

1. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; ngoại hối, tiền Việt Nam, kim khí quý, đá quý, văn hoá phẩm, di vật, bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; các vật phẩm khác xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hoặc lưu giữ trong địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan.

2. Phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường sông xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cảng.

3. Hồ sơ hải quan và các chứng từ liên quan đến đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Điều 3. Nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan

1. Nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan, giám sát hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 15 Luật Hải quan.

2. Nguyên tắc kiểm tra hải quan:

a) Kiểm tra hải quan được thực hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan và sau thông quan;

b) Kiểm tra hải quan được giới hạn ở mức độ phù hợp kết quả phân tích thông tin, đánh giá việc chấp hành pháp luật của chủ hàng, mức độ rủi ro về vi phạm pháp luật hải quan;

c) Thủ trưởng cơ quan hải quan nơi tiếp nhận hồ sơ hải quan quyết định hình thức, mức độ kiểm tra hải quan.

Điều 4. Địa điểm làm thủ tục hải quan

1. Địa điểm làm thủ tục hải quan gồm:

a) Trụ sở Chi cục hải quan cửa khẩu: cảng biển quốc tế, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế, bưu điện quốc tế, cửa khẩu biên giới đường bộ;

b) Trụ sở Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu: địa điểm làm thủ tục hải quan cảng nội địa, địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu.

2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy hoạch và công bố hệ thống cảng nội địa.

Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định điều kiện và quyết định thành lập địa điểm làm thủ tục hải quan quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Điều 5. Người khai hải quan

1. Chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Tổ chức được chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu uỷ thác.

3. Người được uỷ quyền hợp pháp (áp dụng trong trường hợp hàng hoá, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại).

4. Người điều khiển phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh.

5. Đại lý làm thủ tục hải quan.

6. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế.

Điều 6. Ưu tiên làm thủ tục hải quan đối với chủ hàng chấp hành tốt pháp luật về hải quan

1. Chủ hàng chấp hành tốt pháp luật về hải quan là chủ hàng có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu đáp ứng các điều kiện: không buôn lậu; không trốn thuế; không nợ thuế quá hạn; thực hiện chế độ báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể khoản này.

2. Nội dung ưu tiên:

a) Được đăng ký, kiểm tra hồ sơ hải quan theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 Luật Hải quan;

b) Được miễn kiểm tra thực tế hàng hoá.

Chương 2:

THỦ TỤC HẢI QUAN, KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN ĐỐI VỚI CÁC LOẠI HÌNH XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ

MỤC 1: HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THƯƠNG MẠI

Điều 7. Hồ sơ hải quan

Khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan phải nộp các giấy tờ sau:

1. Đối với hàng hoá xuất khẩu:

a) Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu (bản chính); bản kê chi tiết hàng hóa đối với hàng có nhiều chủng loại hoặc hàng đóng gói không đồng nhất (bản chính);

b) Giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hóa phải có giấy phép xuất khẩu theo quy định của pháp luật (bản chính); chứng từ khác theo quy định của pháp luật đối với từng mặt hàng cụ thể (bản sao);

c) Hợp đồng mua bán hàng hoá hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng (bản sao).

2. Đối với hàng hoá nhập khẩu:

a) Tờ khai hải quan hàng hoá nhập khẩu (bản chính); tờ khai trị giá hàng nhập khẩu (tuỳ theo từng trường hợp); bản kê chi tiết hàng hóa đối với lô hàng có nhiều chủng loại hoặc đóng gói không đồng nhất (bản chính);

b) Giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hóa phải có giấy phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật (bản chính); chứng từ khác theo quy định của pháp luật đối với từng mặt hàng cụ thể;

c) Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng (bản sao); hóa đơn thương mại (bản chính); vận tải đơn (bản copy chính);

d) Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (bản chính);

đ) Giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa hoặc Giấy thông báo miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng (bản chính).

3. Các giấy tờ là bản sao quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này do người đứng đầu thương nhân hoặc người được người đứng đầu thương nhân uỷ quyền xác nhận, ký tên, đóng dấu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của các giấy tờ này.

4. Cơ quan hải quan phải có văn bản khi yêu cầu người khai hải quan nộp, xuất trình các chứng từ ngoài quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Điều 8. Khai hải quan

1. Việc khai hải quan được thực hiện trên mẫu tờ khai hải quan do Bộ Tài chính quy định.

2. Người khai hải quan khai đầy đủ, chính xác, rõ ràng về tên và mã số hàng hoá, đơn vị tính, số lượng, trọng lượng, chất lượng, xuất xứ, đơn giá, trị giá hải quan, các loại thuế suất và các tiêu chí khác quy định tại tờ khai hải quan; tự tính để xác định số thuế, các khoản thu khác phải nộp ngân sách nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã khai.

Điều 9. Đăng ký tờ khai hải quan

1. Thời hạn đăng ký tờ khai hải quan

a) Thời hạn đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan;

b) Đối với hàng hoá xuất khẩu qua cửa khẩu đường sông quốc tế, đường bộ, đường hàng không, bưu điện quốc tế, thời gian đăng ký tờ khai hải quan chậm nhất là 02 giờ trước khi hàng hoá được xuất khẩu qua biên giới;

c) Người khai hải quan được đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu trước khi hàng hóa đến cửa khẩu dỡ hàng quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Hải quan;

d) Trường hợp không chấp nhận đăng ký tờ khai hải quan, cơ quan hải quan thông báo lý do bằng văn bản cho người khai hải quan biết.

2. Trường hợp có lý do chính đáng, Chi cục trưởng Hải quan quyết định gia hạn thời gian nộp bản chính một số chứng từ kèm theo tờ khai hải quan (trừ giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa phải có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu) trong thời hạn không quá 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

3. Trước thời điểm kiểm tra thực tế hàng hoá hoặc quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hoá, nếu người khai hải quan có lý do chính đáng, có văn bản đề nghị và được Chi cục trưởng Hải quan chấp nhận thì được bổ sung, sửa chữa tờ khai hải quan đã đăng ký; trường hợp thay đổi loại hình xuất khẩu, nhập khẩu thì được thay tờ khai hải quan khác.

4. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực của tờ khai hải quan quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan được áp dụng các chính sách quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai.

5. Đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo quy định của Điều 35 Luật Hải quan, người khai hải quan được nộp tờ lược khai hải quan để thông quan, sau đó nộp tờ khai chính thức và chứng từ kèm theo tờ khai trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày đăng ký tờ lược khai.

Tờ lược khai hải quan có các nội dung sau: tên, địa chỉ người xuất khẩu hàng hoá, người nhập khẩu hàng hoá; những thông tin sơ bộ về tên hàng, lượng hàng; cửa khẩu nhập; thời gian phương tiện vận tải vận chuyển lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu.

Hàng có thuế được áp dụng chính sách thuế có hiệu lực tại thời điểm đăng ký và nộp tờ lược khai hải quan.

Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể các trường hợp khẩn cấp khác tại điểm c khoản 1 Điều 35 Luật Hải quan.

6. Đăng ký tờ khai hải quan một lần.

a) Người khai hải quan thường xuyên xuất khẩu, nhập khẩu đối với mặt hàng nhất định, trong một thời gian nhất định của cùng một hợp đồng mua bán hàng hoá, qua cùng cửa khẩu được đăng ký tờ khai và nộp hồ sơ hải quan một lần để làm thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng đó nhiều lần trong khoảng thời gian giao hàng quy định trong hợp đồng mua bán hàng hoá;

b) Thời hạn thanh khoản tờ khai hải quan đăng ký một lần chậm nhất là 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày xuất khẩu, nhập khẩu lô hàng cuối cùng hoặc kết thúc hợp đồng.

Điều 10. Kiểm tra hồ sơ hải quan

1. Nội dung kiểm tra gồm: kiểm tra nội dung khai của người khai hải quan trên tờ khai hải quan, đối chiếu nội dung khai với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan quy định tại Điều 7 Nghị định này; kiểm tra sự phù hợp giữa nội dung khai với quy định hiện hành của pháp luật.

2. Mức độ kiểm tra:

a) Đối với chủ hàng chấp hành tốt pháp luật về hải quan:

Công chức hải quan kiểm tra việc khai các tiêu chí trên tờ khai, kiểm tra sơ bộ nội dung khai của người khai hải quan, kiểm đếm đủ số lượng, chủng loại các chứng từ kèm theo tờ khai hải quan. Trường hợp phát hiện có sai phạm thì thực hiện kiểm tra hồ sơ theo quy định tại điểm b khoản này.

b) Đối với chủ hàng khác:

Công chức hải quan kiểm tra nội dung khai của người khai hải quan, kiểm tra số lượng, chủng loại giấy tờ thuộc hồ sơ hải quan, tính đồng bộ giữa các chứng từ trong hồ sơ hải quan; kiểm tra việc tuân thủ chính sách quản lý xuất khẩu, nhập khẩu, chính sách thuế và các quy định khác của pháp luật.

Điều 11. Kiểm tra thực tế hàng hoá

1. Nội dung kiểm tra gồm: kiểm tra tên hàng, mã số, số lượng, trọng lượng, chủng loại, chất lượng, xuất xứ của hàng hoá. Kiểm tra đối chiếu sự phù hợp giữa thực tế hàng hoá với hồ sơ hải quan.

2. Mức độ kiểm tra:

a) Miễn kiểm tra thực tế hàng hoá đối với:

a.1) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng chấp hành tốt pháp luật về hải quan;

a.2) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu sau đây của các chủ hàng khác:

- Hàng hoá xuất khẩu (trừ hàng hoá xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu và hàng hoá xuất khẩu có điều kiện theo quy định về chính sách quản lý xuất khẩu hàng hoá);

- Máy móc thiết bị tạo tài sản cố định thuộc diện miễn thuế của dự án đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước;

- Hàng hoá từ nước ngoài đưa vào khu thương mại tự do, cảng trung chuyển, kho ngoại quan; hàng hoá quá cảnh; hàng hoá cứu trợ khẩn cấp theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 Luật Hải quan; hàng hoá chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho an ninh quốc phòng; hàng hoá viện trợ nhân đạo; hàng hoá tạm nhập - tái xuất có thời hạn quy định tại các Điều 30, 31, 32 và 37 Nghị định này;

- Hàng hoá thuộc các trường hợp đặc biệt khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định;

- Hàng hoá khác không thuộc các trường hợp trên được miễn kiểm tra thực tế khi kết quả phân tích thông tin cho thấy không có khả năng vi phạm pháp luật hải quan (trừ hàng hóa nêu tại điểm b1, khoản 2 Điều này).

b) Kiểm tra thực tế tới toàn bộ lô hàng đối với:

b.1) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng nhiều lần vi phạm pháp luật hải quan;

b.2) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra thực tế, nhưng cơ quan hải quan phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan;

b.3) Hàng hoá xác định có khả năng vi phạm pháp luật hải quan qua kết quả phân tích thông tin của cơ quan hải quan.

c) Kiểm tra xác suất để đánh giá việc chấp hành pháp luật hải quan của chủ hàng tối đa không quá 5% tổng số tờ khai hải quan.

3. Xử lý kết quả kiểm tra.

a) Trường hợp người khai hải quan không nhất trí với kết luận kiểm tra của cơ quan hải quan về tên, mã số, trọng lượng, chủng loại, chất lượng của hàng hoá thì cùng cơ quan hải quan lựa chọn cơ quan, tổ chức giám định chuyên ngành để giám định. Kết luận của cơ quan, tổ chức giám định chuyên ngành có giá trị để các bên thực hiện. Cơ quan, tổ chức giám định chuyên ngành chịu trách nhiệm về kết luận giám định của mình;

Trường hợp người khai hải quan và cơ quan hải quan không thống nhất được trong việc lựa chọn tổ chức giám định thì cơ quan hải quan lựa chọn tổ chức giám định và căn cứ vào kết quả giám định này để kết luận. Nếu người khai hải quan không đồng ?ý với kết luận này thì thực hiện khiếu nại theo quy định của pháp luật.

b) Đối với hàng hoá nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng, trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày cấp giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng, cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng có thẩm quyền phải có kết luận về chất lượng hàng hoá nhập khẩu để cơ quan hải quan hoàn thành việc thông quan hàng hoá.

Đối với hàng hoá xuất khẩu, người khai hải quan chịu trách nhiệm thực hiện đúng quy định của pháp luật về chất lượng hàng xuất khẩu.

Điều 12. Thông quan hàng hoá

1. Cơ quan hải quan thông quan hàng hoá căn cứ vào:

a) Khai báo của người khai hải quan hoặc kết luận của cơ quan kiểm tra nhà nước, tổ chức giám định đối với trường hợp hàng hoá miễn kiểm tra thực tế;

b) Kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa của cơ quan hải quan đối với trường hợp hàng hoá được kiểm tra thực tế;

c) Giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa hoặc Giấy thông báo miễn kiểm tra nhà nước do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng;

d) Kết quả giám định đối với hàng hóa có yêu cầu giám định;

đ) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu không thuộc diện chịu các loại thuế ở khâu nhập khẩu, hàng được miễn thuế, hàng gia công, hàng đặc biệt khác được thông quan ngay sau khi có xác nhận của cơ quan hải quan trên tờ khai về kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa;

e) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện có thuế được thông quan sau khi người khai hải quan đã nộp thuế hoặc có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc được áp dụng thời gian nộp thuế quy định tại điểm c, d, đ khoản 1 Điều 15 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

2. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian chờ kết quả giám định để xác định có được xuất khẩu, nhập khẩu hay không, nếu chủ hàng có yêu cầu đưa hàng hoá về bảo quản thì Chi cục trưởng Hải quan chỉ chấp nhận trong trường hợp đáp ứng yêu cầu giám sát hải quan.

3. Các trường hợp thông quan có điều kiện:

a) Trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 25 Luật Hải quan;

b) Hàng hoá được phép xuất khẩu, nhập khẩu nhưng phải xác định giá, trưng cầu giám định, phân tích, phân loại hàng hoá để xác định chính xác số thuế phải nộp được thông quan theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Luật Hải quan.

Điều 13. Giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

1. Hàng hoá chịu sự giám sát hải quan gồm:

a) Hàng hóa đã làm xong thủ tục hải quan xuất khẩu nhưng chưa thực xuất khẩu;

b) Hàng hóa đã làm xong thủ tục hải quan nhập khẩu nhưng chưa được thông quan;

c) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chưa làm thủ tục hải quan được lưu trong kho, bãi thuộc phạm vi địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan;

d) Hàng hoá, phương tiện vận tải quá cảnh;

đ) Hàng hoá, phương tiện vận tải chuyển cửa khẩu;

e) Hàng hoá, phương tiện vận tải chuyển cảng.

2. Các phương thức giám sát hải quan:

a) Niêm phong hải quan, bao gồm: niêm phong bằng giấy niêm phong hải quan, bằng dây hoặc bằng khoá chuyên dụng hải quan. Niêm phong hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định này;

b) Giám sát trực tiếp của công chức hải quan;

c) Giám sát bằng phương tiện kỹ thuật;

Không áp dụng phương thức giám sát trực tiếp của công chức hải quan đối với hàng hoá được lưu giữ, vận chuyển ở ngoài phạm vi, địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan, trừ trường hợp cần thiết do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định.

Điều 14. Niêm phong hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

Các trường hợp sau đây phải niêm phong hải quan:

1. Hàng hoá nhập khẩu chuyển cửa khẩu.

2. Hàng hoá nhập khẩu chuyển cảng được dỡ xuống cửa khẩu nhập và xếp lên phương tiện vận tải khác để vận chuyển đến cảng đích.

3. Hàng hoá xuất khẩu được kiểm tra tại địa điểm ngoài cửa khẩu vận chuyển ra cửa khẩu xuất.

4. Hàng hoá xuất khẩu do hải quan cửa khẩu xuất kiểm tra thực tế.

Điều 15. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ

1. Hàng hoá xuất khẩu tại chỗ coi như hàng xuất khẩu; hàng hoá nhập khẩu tại chỗ coi như hàng nhập khẩu, phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và chính sách thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Căn cứ để xác định hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ là hàng hoá phải có hai hợp đồng riêng biệt:

a) Hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng gia công, hợp đồng thuê mướn có điều khoản ghi rõ hàng hoá được giao cho người nhận hàng tại Việt Nam;

b) Hợp đồng nhập khẩu, hợp đồng gia công, hợp đồng thuê mướn có điều khoản ghi rõ hàng hoá được nhận từ người giao hàng tại Việt Nam.

3. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ.

MỤC 2 : HÀNG HOÁ CHUYỂN CẢNG, CHUYỂN CỬA KHẨU, QUÁ CẢNH

Điều 16. Nguyên tắc quản lý hải quan đối với hàng chuyển cảng, chuyển cửa khẩu, quá cảnh

Hàng hóa chuyển cảng, chuyển cửa khẩu, quá cảnh phải đảm bảo các điều kiện sau: giữ nguyên trạng hàng hoá, niêm phong; vận chuyển đúng tuyến đường, địa điểm, cửa khẩu và thời gian đăng ký trong hồ sơ hải quan.

Điều 17. Hàng hoá chuyển cảng

1. Hàng hoá nhập khẩu chuyển cảng là hàng hoá từ nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam đến cửa khẩu nhập, nhưng được người vận tải tiếp tục vận chuyển đến cảng đích ghi trên vận tải đơn theo hợp đồng vận tải để làm thủ tục nhập khẩu.

Cảng đích là cửa khẩu cảng biển quốc tế, cửa khẩu cảng hàng không dân dụng quốc tế, cửa khẩu ga đường sắt liên vận quốc tế, cửa khẩu đường bộ, bưu điện quốc tế, cửa khẩu cảng sông quốc tế và cảng nội địa.

Hàng hoá nhập khẩu chuyển cảng do chính phương tiện vận tải nhập cảnh hoặc do phương tiện vận tải khác vận chuyển lô hàng đến cảng đích.

2. Hàng hoá xuất khẩu chuyển cảng là hàng hoá xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan, người xuất khẩu đã giao hàng hoá cho người vận tải theo hợp động vận tải tại cửa khẩu giao hàng, người vận tải đã ký phát vận tải đơn cho lô hàng nhưng hàng hoá chưa được xuất khẩu tại cửa khẩu giao hàng, mà được người vận tải tiếp tục vận chuyển đến cửa khẩu khác để xếp lên phương tiện vận tải xuất cảnh.

Cửa khẩu giao hàng là cửa khẩu cảng biển quốc tế, cửa khẩu cảng hàng không dân dụng quốc tế, cửa khẩu ga đường sắt liên vận quốc tế, bưu điện quốc tế, cửa khẩu cảng sông quốc tế và cảng nội địa.

Hàng hoá xuất khẩu chuyển cảng do một hoặc nhiều phương tiện vận tải vận chuyển từ cảng giao hàng đầu tiên đến cảng xuất cảnh và ra nước ngoài.

3. Thủ tục chuyển cảng:

a) Trách nhiệm của người vận tải:

- Làm thủ tục hải quan để chuyển cảng hàng hoá;

- Luân chuyển hồ sơ hải quan giữa hải quan cảng đi, hải quan cảng đến;

- Đảm bảo nguyên trạng hàng hoá, niêm phong hải quan (nếu có), niêm phong của hãng vận tải trong quá trình vận chuyển hàng chuyển cảng.

b) Trách nhiệm của hải quan cảng đi:

- Lập biên bản bàn giao: 02 bản;

- Niêm phong hồ sơ hải quan gồm: 01 biên bản bàn giao, 01 bản lược khai hàng hoá (bản sao), 01 vận tải đơn (bản sao), giao người vận tải chuyển cho hải quan cảng đến;

- Lưu 01 bản lược khai hàng hoá (bản sao), 01 vận tải đơn (bản sao), 01 biên bản bàn giao.

c) Trách nhiệm của hải quan cảng đến:

- Tiếp nhận hồ sơ chuyển cảng và thực hiện giám sát cho đến khi hàng hoá được xuất khẩu, hàng hoá nhập khẩu làm xong thủ tục nhập khẩu;

- Lưu 01 bản lược khai hàng hoá, 01 vận tải đơn (bản sao), 01 biên bản bàn giao;

- Thông báo ngay cho hải quan cảng đi về việc tiếp nhận hàng hoá, hồ sơ chuyển cảng và tình hình hàng hoá chuyển cảng.

Điều 18. Hàng hoá chuyển cửa khẩu

1. Hàng hoá xuất khẩu chuyển cửa khẩu là hàng hoá xuất khẩu đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan, được vận chuyển từ địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm kiểm tra hàng hóa ở nội địa đến cửa khẩu xuất.

2. Hàng hoá nhập khẩu chuyển cửa khẩu là hàng hoá nhập khẩu đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan, được vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm kiểm tra hàng hóa ở nội địa.

3. Hàng hoá nhập khẩu được chuyển cửa khẩu gồm:

a) Thiết bị, máy móc, vật tư nhập khẩu để xây dựng nhà máy, công trình được đưa về địa điểm kiểm tra hàng hoá ở nội địa là chân công trình hoặc kho của công trình;

b) Nguyên liệu, vật tư, linh kiện, phụ tùng sản xuất được đưa về địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm kiểm tra hàng hoá ở nội địa nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất;

c) Hàng hoá nhập khẩu của nhiều chủ hàng có chung một vận tải đơn được đưa về địa điểm kiểm tra hàng hoá ở nội địa;

d) Hàng hoá tạm nhập để dự hội chợ, triển lãm được chuyển cửa khẩu từ cửa khẩu nhập về địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm; hàng hoá dự hội chợ, triển lãm tái xuất được chuyển cửa khẩu từ địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm ra cửa khẩu xuất;

đ) Hàng hoá nhập khẩu vào cửa hàng miễn thuế được chuyển cửa khẩu về cửa hàng miễn thuế;

e) Hàng hoá nhập khẩu đưa vào kho ngoại quan được phép chuyển cửa khẩu từ cửa khẩu nhập về kho ngoại quan; hàng hoá gửi kho ngoại quan xuất khẩu được chuyển cửa khẩu từ kho ngoại quan ra cửa khẩu xuất;

g) Hàng hoá nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất trong khu chế xuất được chuyển cửa khẩu từ cửa khẩu nhập về khu chế xuất; hàng hoá xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất trong khu chế xuất được chuyển cửa khẩu từ khu chế xuất ra cửa khẩu xuất.

4. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá chuyển cửa khẩu:

a) Đối với hàng hoá nhập khẩu chuyển cửa khẩu:

- Người khai hải quan: có đơn đề nghị chuyển cửa khẩu gửi Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu; nộp hồ sơ hải quan theo quy định; luân chuyển hồ sơ giữa Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập với Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu; bảo đảm nguyên trạng hàng hoá, niêm phong hải quan, niêm phong của hãng vận tải trong quá trình vận chuyển hàng hoá từ cửa khẩu nhập đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu;

- Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu: tiếp nhận hồ sơ; đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu; ghi ý kiến xác nhận vào đơn xin chuyển cửa khẩu. Niêm phong hồ sơ hải quan theo quy định giao người khai hải quan chuyển cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập để làm thủ tục chuyển cửa khẩu cho lô hàng từ cửa khẩu nhập về địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu; tiếp nhận hàng hoá được chuyển đến từ cửa khẩu nhập; đối chiếu hàng hoá với biên bản bàn giao và xác nhận vào biên bản bàn giao do Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập lập; làm thủ tục nhập khẩu cho hàng hoá theo đúng quy định; thông báo bằng văn bản cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập biết kết quả kiểm tra về các thông tin về hàng hoá đã được Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập lưu ý;

- Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập: kiểm tra tình trạng bên ngoài của hàng hoá; lập biên bản bàn giao và giao hàng hoá cho người khai hải quan chuyển đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu; niêm phong hàng hoá thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này; thông báo cho Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu những thông tin cần lưu ý về hàng hoá.

b) Đối với hàng hoá xuất khẩu chuyển cửa khẩu:

- Người khai hải quan: nộp hồ sơ hải quan theo quy định tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu; đưa hàng hoá đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu để cơ quan hải quan kiểm tra thực tế hàng hoá (đối với lô hàng phải kiểm tra thực tế); luân chuyển hồ sơ giữa Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu với Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất; đảm bảo nguyên trạng hàng hoá, niêm phong hải quan (nếu có) trong quá trình vận chuyển hàng hoá từ địa điểm kiểm tra thực tế hàng hoá đến cửa khẩu xuất;

- Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu: làm thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất khẩu theo đúng quy định; lập biên bản bàn giao, giao hàng hoá và hồ sơ hải quan cho người khai hải quan chuyển đến Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất;

- Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất: tiếp nhận hàng hoá; đối chiếu hàng hoá với biên bản bàn giao do Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu chuyển đến; giám sát hàng hoá cho đến khi hàng hoá được xuất khẩu.

Điều 19. Hàng hóa quá cảnh

1. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh phải được thực hiện tại trụ sở hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên và cửa khẩu xuất cuối cùng.

2. Hàng hoá quá cảnh không qua lãnh thổ đất liền được lưu kho trong khu vực cửa khẩu.

3. Hàng hoá quá cảnh có lưu kho ngoài khu vực cửa khẩu hoặc đi qua lãnh thổ đất liền thì phải xin phép Bộ Thương mại.

4. Chứng từ phải nộp khi làm thủ tục hải quan cho hàng hoá quá cảnh:

a) Bản kê khai hàng hoá quá cảnh do người khai hải quan hoặc người đại diện nộp cho cơ quan hải quan cửa khẩu đối với hàng hóa quá cảnh giữ nguyên trạng đi thẳng; quá cảnh chuyển tải sang cùng loại phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không (trừ hàng hoá quá cảnh đi thẳng bằng đường hàng không);

b) Tờ khai hải quan hàng hoá quá cảnh và bản kê khai hàng hoá quá cảnh do người khai hải quan hoặc người đại diện nộp cho cơ quan hải quan cửa khẩu đối với hàng hóa quá cảnh phải lưu kho hoặc thay đổi loại phương tiện vận tải.

5. Trách nhiệm của cơ quan hải quan:

a) Cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá nhập cảnh tiếp nhận bản kê khai hàng hoá quá cảnh hoặc tờ khai hải quan về lô hàng quá cảnh, niêm phong nơi chứa hàng hoá và xác nhận nguyên trạng hàng hóa trên bản kê khai hàng hóa và tờ khai hải quan (đối với trường hợp phải khai hải quan) và giao cho người điều khiển phương tiện vận tải chuyển đến cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá xuất cảnh;

b) Trường hợp hàng hoá quá cảnh thuộc diện không niêm phong được thì người vận tải, người khai hải quan, công chức hải quan đi cùng (nếu có) chịu trách nhiệm bảo đảm nguyên trạng hàng hóa từ cửa khẩu nơi hàng hoá nhập cảnh đến cửa khẩu nơi hàng hoá xuất cảnh;

c) Cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá xuất cảnh tiếp nhận bản kê khai hoặc tờ khai hải quan do cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá nhập cảnh chuyển đến, kiểm tra tình trạng niêm phong hải quan hoặc nguyên trạng hàng hoá để đối chiếu với các nội dung xác nhận của cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá nhập cảnh trên bản kê khai hàng hóa hoặc tờ khai hải quan quá cảnh để làm thủ tục xuất cảnh.

6. Trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố bất khả kháng làm suy chuyển niêm phong hải quan hoặc thay đổi nguyên trạng hàng hoá thì người vận tải, người khai hải quan, công chức hải quan đi cùng (nếu có) phải áp dụng các biện pháp để hạn chế tổn thất và báo ngay cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi gần nhất để lập biên bản xác nhận hiện trạng của hàng hoá.

MỤC 3 : HÀNG HOÁ ĐƯA VÀO, ĐƯA RA CẢNG TRUNG CHUYỂN, KHU THƯƠNG MẠI TỰ DO, KHO NGOẠI QUAN, KHO BẢO THUẾ

Điều 20. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá từ nước ngoài vào, ra cảng trung chuyển

1. Hàng hoá trung chuyển là hàng hoá từ nước ngoài đưa vào cảng trung chuyển, sau đó tiếp tục được đưa ra nước ngoài. Hàng hoá trung chuyển được đưa ra nước ngoài toàn bộ hoặc từng phần của lô hàng đã chuyển vào cảng.

2. Hàng hoá trung chuyển phải khai hải quan, chịu sự giám sát hải quan trong suốt quá trình lưu giữ tại cảng. Việc kiểm tra thực tế hàng hoá trung chuyển chỉ áp dụng trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

3. Trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ trung chuyển hàng hoá:

a) Làm thủ tục hải quan cho hàng hoá đưa vào, đưa ra cảng trung chuyển;

b) Chịu trách nhiệm đảm bảo nguyên trạng hàng hoá trong suốt quá trình hàng hoá lưu giữ tại cảng;

c) Theo uỷ quyền của chủ hàng, người kinh doanh dịch vụ trung chuyển hàng hoá được thực hiện các dịch vụ gia cố bao bì, chia gói, đóng gói lại để bảo quản hàng hoá và phù hợp với yêu cầu vận chuyển.

Điều 21. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá đưa vào, đưa ra khu thương mại tự do

Hàng hoá đưa vào, đưa ra khu thương mại tự do chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan như sau:

1. Hàng hóa từ nước ngoài đưa vào khu thương mại tự do, hàng hóa đưa từ khu thương mại tự do ra nước ngoài phải khai hải quan. Kiểm tra thực tế hàng hóa chỉ áp dụng trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

2. Hàng hoá từ khu thương mại tự do đưa vào nội địa phải làm thủ tục như đối với hàng hoá nhập khẩu.

3. Hàng hoá từ nội địa đưa vào khu thương mại tự do theo hợp đồng thương mại phải làm thủ tục như đối với hàng hoá xuất khẩu.

4. Hàng hoá chuyển từ khu thương mại tự do này sang khu thương mại tự do khác thực hiện thủ tục hải quan như hàng chuyển cửa khẩu quy định tại Điều 18 Nghị định này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với hàng hoá đưa vào, đưa ra khu thương mại tự do và các khu phi thuế quan khác.

Điều 22. Kho ngoại quan

1. Kho ngoại quan là khu vực kho, bãi được ngăn cách với khu vực xung quanh để tạm lưu giữ, bảo quản hoặc thực hiện các dịch vụ đối với hàng hoá từ nước ngoài hoặc từ trong nước đưa vào kho theo hợp đồng thuê kho ngoại quan được ký giữa chủ kho ngoại quan và chủ hàng.

2. Kho ngoại quan được phép thành lập ở các khu vực sau:

a) Cảng biển quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, cửa khẩu đường sắt và đường bộ quốc tế là đầu mối giao lưu hàng hoá giữa Việt Nam với nước ngoài, có điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;

b) Khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu kinh tế đặc biệt khác.

3. Điều kiện thành lập kho ngoại quan:

a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Có chức năng kinh doanh kho bãi, giao nhận hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Kho, bãi được thành lập tại các khu vực quy định tại khoản 2 Điều này được ngăn cách với khu vực xung quanh bằng hệ thống tường rào, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan hải quan;

d) Có cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện vận chuyển phù hợp yêu cầu lưu giữ, bảo quản hàng hoá và kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.

4. Kho ngoại quan, hàng hoá, phương tiện vận tải ra, vào hoặc lưu giữ, bảo quản trong kho ngoại quan phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.

5. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định thành lập kho ngoại quan.

Điều 23. Các dịch vụ được thực hiện trong kho ngoại quan

Chủ hàng hoá gửi kho ngoại quan trực tiếp thực hiện hoặc uỷ quyền cho chủ kho ngoại quan thực hiện các dịch vụ sau đối với hàng hoá gửi kho ngoại quan:

1. Gia cố, chia gói, đóng gói bao bì; phân loại phẩm cấp hàng hoá, bảo dưỡng hàng hoá.

2. Làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa ra, đưa vào kho ngoại quan.

3. Vận chuyển hàng hoá từ cửa khẩu vào kho ngoại quan, từ kho ngoại quan ra cửa khẩu, từ kho ngoại quan này sang kho ngoại quan khác.

4. Chuyển quyền sở hữu hàng hoá.

Điều 24. Thuê kho ngoại quan

1. Đối tượng được phép thuê kho ngoại quan:

a) Thương nhân Việt Nam được phép kinh doanh xuất nhập khẩu thuộc các thành phần kinh tế;

b) Thương nhân nước ngoài;

c) Tổ chức, cá nhân nước ngoài.

2. Hợp đồng thuê kho ngoại quan:

Hợp đồng thuê kho ngoại quan do chủ kho ngoại quan và chủ hàng thoả thuận theo quy định của pháp luật. Hợp đồng thuê kho ngoại quan phải quy định rõ tên hàng hoá, chủng loại hàng hoá, khối lượng hàng hoá, chất lượng hàng hoá, thời hạn thuê kho, các dịch vụ quy định tại Điều 23 Nghị định này nếu chủ hàng có yêu cầu, trách nhiệm của các bên ký hợp đồng thuê kho ngoại quan.

3. Thời hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan không quá 365 (ba trăm sáu mươi lăm) ngày, kể từ ngày hàng hóa được gửi vào kho. Chủ kho ngoại quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho hải quan kho ngoại quan biết trước khi hợp đồng thuê kho hết hạn. Trường hợp chủ hàng có đơn đề nghị, được sự đồng ý bằng văn bản của Cục trưởng Hải quan thì thời hạn hợp đồng thuê kho được gia hạn thêm không quá 180 (một trăm tám mươi) ngày, kể từ ngày hợp đồng thuê kho hết hạn.

4. Quá thời hạn 90 (chín mươi) ngày, kể từ ngày hết hạn hợp đồng mà chủ hàng không ký hợp đồng gia hạn hoặc không đưa hàng ra khỏi kho ngoại quan thì Cục Hải quan tổ chức thanh lý hàng hoá gửi kho ngoại quan theo quy định của pháp luật.

5. Trong thời hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan, nếu chủ hàng có văn bản từ bỏ hàng hoá gửi kho ngoại quan thì Cục Hải quan tổ chức thanh lý hàng hoá đó.

6. Việc thanh lý hàng hoá gửi kho ngoại quan được tiến hành theo quy định của pháp luật. Tiền thu được từ thanh lý hàng hoá được nộp vào ngân sách nhà nước sau khi trừ chi phí lưu kho, các chi phí khác liên quan đến việc thanh lý hàng hoá theo quy định của pháp luật.

Điều 25. Quản lý lưu giữ, bảo quản hàng hoá gửi kho ngoại quan

1. Hàng hoá từ Việt Nam đã làm xong thủ tục hải quan xuất khẩu, hàng hoá từ nước ngoài muốn quá cảnh, lưu kho tại Việt Nam để chờ xuất khẩu sang nước thứ ba hoặc làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam của các đối tượng được phép thuê kho ngoại quan quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định này được đưa vào lưu giữ trong kho ngoại quan.

Hàng hoá sau đây không được gửi kho ngoại quan:

a) Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu hoặc tên gọi xuất xứ Việt Nam;

b) Hàng hoá gây nguy hiểm cho người hoặc ô nhiễm môi trường;

c) Hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

2. Hàng hóa từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan gồm:

a) Hàng hóa của chủ hàng nước ngoài chưa ký hợp đồng bán hàng cho doanh nghiệp ở Việt Nam;

b) Hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài chờ đưa vào thị trường trong nước, chưa phải nộp thuế nhập khẩu;

c) Hàng hóa từ nước ngoài quá cảnh, lưu kho tại Việt Nam để chờ xuất khẩu sang nước thứ ba.

3. Hàng hóa từ nội địa Việt Nam đưa vào kho ngoại quan bao gồm:

a) Hàng hóa xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan chờ xuất khẩu;

b) Hàng hóa hết thời hạn tạm nhập phải tái xuất;

c) Hàng hóa do cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc tái xuất khẩu.

4. Hàng hoá lưu giữ, bảo quản trong kho ngoại quan phải phù hợp với hợp đồng thuê kho ngoại quan. Hàng hoá đưa vào, đưa ra kho ngoại quan phải làm thủ tục hải quan theo đúng quy định của pháp luật.

5. Chủ kho ngoại quan phải mở sổ kế toán theo dõi xuất kho, nhập kho theo quy định của Bộ Tài chính. Định kỳ 6 (sáu) tháng một lần, chủ kho ngoại quan phải báo cáo bằng văn bản cho Cục trưởng Hải quan về thực trạng hàng hóa trong kho và tình hình hoạt động của kho.

6. Trong trường hợp muốn tiêu huỷ những lô hàng đổ vỡ, hư hỏng, giảm phẩm chất hoặc quá thời hạn sử dụng phát sinh trong quá trình lưu kho, chủ kho ngoại quan phải có văn bản thỏa thuận với chủ hàng hoặc đại diện hợp pháp của chủ hàng về việc đồng ý tiêu huỷ hàng hoá. Văn bản thoả thuận được gửi cho Cục Hải quan nơi có kho ngoại quan. Thủ tục tiêu hủy hàng hoá thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá đưa vào, đưa ra kho ngoại quan

1. Hàng hoá đưa vào kho ngoại quan:

a) Đối với hàng hóa từ nước ngoài: chủ hàng hoặc người đại diện hợp pháp của chủ hàng phải nộp hợp đồng thuê kho ngoại quan, tờ khai nhập kho ngoại quan, vận tải đơn;

b) Đối với hàng hóa từ nội địa Việt Nam: chủ hàng hoặc đại diện hợp pháp của chủ hàng phải nộp hợp đồng thuê kho ngoại quan, tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan.

2. Hàng hoá đưa ra khỏi kho ngoại quan:

a) Đối với hàng hóa đưa ra nước ngoài: chủ hàng hoặc đại diện hợp pháp của chủ hàng nộp tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu; giấy uỷ quyền xuất hàng (nếu không ghi trong hợp đồng thuê kho); phiếu xuất kho theo đúng mẫu quy định của Bộ Tài chính;

b) Đối với hàng hoá nhập khẩu vào thị trường Việt Nam:

- Hàng hoá từ nước ngoài gửi kho ngoại quan được chuyển quyền sở hữu, hàng hoá gửi kho ngoại quan được Cục Hải quan thanh lý, nếu nhập khẩu vào thị trường Việt Nam phải làm thủ tục hải quan như đối với hàng hoá nhập khẩu khác theo quy định;

- Thời điểm nhập khẩu thực tế hàng hoá là thời điểm cơ quan hải quan đăng ký tờ khai hải quan hàng nhập khẩu.

c) Đối với hàng hoá gửi kho ngoại quan thuộc diện buộc phải tái xuất theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thì không được phép nhập khẩu trở lại thị trường Việt Nam.

Điều 27. Thành lập kho bảo thuế

1. Kho bảo thuế là kho được thành lập chỉ để lưu giữ nguyên liệu nhập khẩu nhưng chưa nộp thuế để sản xuất hàng xuất khẩu của chính doanh nghiệp có kho bảo thuế.

2. Điều kiện thành lập kho bảo thuế:

a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Không nợ thuế thuộc diện phải cưỡng chế;

c) Có hệ thống sổ sách, chứng từ theo dõi việc xuất khẩu, nhập khẩu, xuất kho, nhập kho đầy đủ theo quy định của pháp luật;

d) Kho được xây dựng trong khu vực bảo đảm yêu cầu quản lý, giám sát của cơ quan hải quan.

3. Cục trưởng Hải quan ra quyết định thành lập kho bảo thuế.

4. Doanh nghiệp có kho bảo thuế chịu trách nhiệm tổ chức việc quản lý kho bảo thuế; phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan trong việc thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát kho bảo thuế. Cơ quan hải quan không trực tiếp giám sát, niêm phong kho bảo thuế.

Điều 28. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá đưa vào kho bảo thuế

1. Thủ tục hải quan đối với nguyên liệu nhập khẩu đưa vào kho bảo thuế thực hiện như thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu, trừ thủ tục nộp thuế.

2. Phần nguyên liệu nhập khẩu đưa vào kho bảo thuế để sản xuất hàng xuất khẩu, cơ quan hải quan chưa thu thuế nhưng phải xác định rõ tên hàng, chủng loại, lượng hàng trên tờ khai hải quan và phải vào sổ theo dõi theo quy định của pháp luật.

Điều 29. Xử lý hàng hoá gửi kho bảo thuế bị hư hỏng, giảm phẩm chất và thanh khoản hàng hoá trong kho bảo thuế

1. Hàng hoá gửi vào kho bảo thuế bị hư hỏng, giảm phẩm chất, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất được làm thủ tục hải quan để tái xuất hoặc tiêu huỷ. Việc tiêu huỷ được thực hiện như sau:

a) Doanh nghiệp có văn bản gửi Cục Hải quan quản lý kho bảo thuế, nêu rõ lý do cần huỷ, tên nguyên liệu, chủng loại, số lượng nguyên liệu, tờ khai hải quan nhập khẩu (số, ngày, tháng, năm);

b) Doanh nghiệp tự tổ chức và chịu trách nhiệm về việc tiêu huỷ. Việc tiêu huỷ được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan hải quan, cơ quan thuế và cơ quan môi trường;

c) Kết quả tiêu huỷ phải được lập biên bản chứng nhận. Biên bản này là chứng từ thanh khoản sau này.

2. Thanh khoản hàng tại kho bảo thuế.

Kết thúc năm kế hoạch (ngày 31 tháng 12 hàng năm), chậm nhất là ngày 31 tháng 01 năm tiếp theo, doanh nghiệp phải lập bảng tổng hợp các tờ khai hải quan nhập khẩu và tổng lượng nguyên liệu đã nhập khẩu theo chế độ bảo thuế, tổng hợp các tờ khai hải quan xuất khẩu và tổng lượng sản phẩm phải xuất khẩu gửi cơ quan hải quan.

- Nếu tỷ lệ xuất khẩu thấp hơn tỷ lệ được bảo thuế thì doanh nghiệp phải nộp thuế ngay cho phần sản phẩm hoàn chỉnh chênh lệch giữa lượng sản phẩm phải xuất khẩu và lượng sản phẩm thực xuất. Việc nộp chậm thuế được xử lý theo quy định của pháp luật.

- Nếu tỷ lệ xuất khẩu cao hơn tỷ lệ được bảo thuế thì doanh nghiệp được hoàn thuế phần chênh lệch giữa xuất khẩu và phần đã nộp thuế.

- Doanh nghiệp có kho bảo thuế chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của các báo cáo tổng hợp quy định tại Điều này.

MỤC 4:HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THEO CÁC LOẠI HÌNH KHÁC

Điều 30. Hàng hoá tạm xuất khẩu, tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm

1. Hàng hoá tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm (dưới đây gọi chung là hàng hóa tạm nhập).

a) Hàng hóa tạm nhập được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập hoặc kiểm tra tại nơi tổ chức hội chợ, triển lãm;

b) Hàng hóa tạm nhập thuộc diện cấm nhập khẩu, nhập khẩu có điều kiện muốn bán, tặng, trao đổi tại Việt Nam phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Hàng hoá tạm xuất khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu hàng hóa ở nước ngoài (dưới đây gọi chung là hàng hóa tạm xuất).

a) Hàng hóa tạm xuất được làm thủ tục hải quan tại trụ sở Hải quan cửa khẩu hoặc tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu;

b) Hàng hóa tạm xuất thuộc diện cấm xuất khẩu, xuất khẩu có điều kiện muốn bán, tặng, trao đổi tại thị trường nước ngoài phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

3. Hàng hóa tạm nhập thuộc diện cấm nhập khẩu, hàng hoá tạm xuất thuộc diện cấm xuất khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cùng một cửa khẩu.

Điều 31. Máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm xuất, tạm nhập có thời hạn

1. Máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp cần thiết cho công việc của người xuất cảnh, nhập cảnh được tạm xuất, tạm nhập trong thời hạn nhất định, phù hợp với yêu cầu công việc của người xuất cảnh, nhập cảnh.

2. Hồ sơ hải quan gồm:

a) Tờ khai hải quan; bản kê chi tiết hàng hoá;

b) Văn bản đề nghị của người khai hải quan;

c) Vận tải đơn (đối với hàng tạm nhập);

d) Giấy tờ xác nhận công việc có sử dụng máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm xuất, tạm nhập của cơ quan, tổ chức nơi người xuất cảnh, nhập cảnh công tác.

Điều 32. Linh kiện, phụ tùng tạm nhập, tái xuất để phục vụ việc thay thế, sửa chữa của tàu biển, tàu bay nước ngoài

1. Các hãng vận tải đường biển, đường hàng không nước ngoài có tàu biển, tàu bay đến sửa chữa ở Việt Nam được phép gửi linh kiện, phụ tùng tới để phục vụ việc sửa chữa.

2. Linh kiện, phụ tùng tạm nhập, tái xuất để phục vụ việc thay thế, sửa chữa của tàu biển, tàu bay nước ngoài do chính tàu bay, tàu biển đó mang theo khi nhập cảnh hoặc gửi trước, gửi sau theo địa chỉ của đại lý hãng tàu hoặc của nhà máy sửa chữa.

3. Người khai hải quan là người điều khiển tàu bay, tàu biển hoặc đại lý hãng tàu hoặc nhà máy sửa chữa. Người khai hải quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng linh kiện, phụ tùng tạm nhập đúng mục đích đã khai báo và thanh khoản.

4. Hồ sơ hải quan gồm:

a) Tờ khai hải quan; bản kê chi tiết hàng hoá;

b) Vận tải đơn;

c) Văn bản đề nghị của người khai hải quan.

Điều 33. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo đường bưu chính, gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế

1. Hàng hóa thuộc loại hình xuất khẩu, nhập khẩu nào thì áp dụng quy định thủ tục hải quan đối với loại hình xuất khẩu, nhập khẩu đó.

2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế là đại diện hợp pháp của chủ hàng. Khi làm thủ tục hải quan cho hàng hoá, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ sau đây của chủ hàng:

a) Khai hải quan;

b) Xuất trình hàng hoá để hải quan kiểm tra;

c) Nộp thuế (nếu hàng có thuế);

d) Nhận hàng để chuyển trả cho chủ hàng.

3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế được khai hàng hoá của nhiều chủ hàng trên một tờ khai hải quan.

Điều 34. Hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới

1. Người cư trú trong khu vực biên giới mang hàng hóa qua lại biên giới theo mức quy định thì không phải khai hải quan, nếu vượt mức quy định thì phải khai hải quan và thực hiện các quy định của pháp luật về thuế, chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Nơi không có cơ quan hải quan thì Bộ đội Biên phòng thực hiện việc quản lý hàng hoá quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 35. Tài sản di chuyển xuất khẩu, nhập khẩu

1. Người nước ngoài đưa tài sản di chuyển vào Việt Nam phục vụ cho công tác và sinh hoạt trong thời hạn ở Việt Nam, khi làm thủ tục hải quan phải nộp và xuất trình các giấy tờ sau:

a) Tờ khai hải quan; bản kê chi tiết tài sản;

b) Giấy xác nhận đến công tác, làm việc tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp;

c) Vận tải đơn.

2. Người nước ngoài chuyển tài sản di chuyển ra khỏi Việt Nam, khi làm thủ tục hải quan phải nộp và xuất trình các giấy tờ sau:

a) Tờ khai hải quan; bản kê chi tiết tài sản;

b) Giấy xác nhận hết thời gian làm việc, cư trú do Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam cấp;

c) Tờ khai nhập khẩu có xác nhận của cơ quan hải quan kèm theo chứng từ thanh khoản tài sản tạm nhập với cơ quan hải quan và chứng từ nộp thuế đối với hàng hoá thuộc diện phải nộp thuế.

3. Tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân Việt Nam đưa từ Việt Nam ra nước ngoài để làm việc hoặc mua tại nước ngoài, khi hết thời hạn chuyển về nước phải làm thủ tục hải quan. Hồ sơ hải quan gồm:

a) Tờ khai hải quan;

b) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép kinh doanh và làm việc ở nước ngoài hoặc cho phép trở về Việt Nam;

c) Tờ khai hải quan xuất khẩu và các chứng từ khác chứng minh đã mang hàng ra nước ngoài hoặc hóa đơn mua hàng ở nước ngoài.

4. Tài sản di chuyển của người Việt Nam và gia đình định cư ở nước ngoài mang về nước khi được phép trở về định cư ở Việt Nam hoặc mang ra nước ngoài khi được phép định cư ở nước ngoài phải làm thủ tục hải quan. Hồ sơ hải quan gồm:

a) Tờ khai hải quan; bản kê chi tiết tài sản;

b) Quyết định cho phép định cư tại Việt Nam hoặc quyết định cho phép định cư ở nước ngoài (nếu xuất cảnh);

c) Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản, trừ đồ dùng, vật dụng phục vụ sinh hoạt bình thường của gia đình, cá nhân.

Điều 36. Ngoại hối, kim khí quý, đá quý, tiền Việt Nam xuất khẩu, nhập khẩu

1. Người xuất cảnh, nhập cảnh có mang theo hàng hoá là đá quý, kim khí quý (trừ vàng tiêu chuẩn quốc tế) phải thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và phải làm thủ tục hải quan.

2. Người xuất cảnh, nhập cảnh có mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng tiền mặt Việt Nam:

a) Người xuất cảnh, nhập cảnh có mang theo số ngoại tệ tiền mặt (bao gồm tiền giấy, tiền xu và séc du lịch), đồng Việt Nam bằng tiền mặt, vàng vượt mức quy định của Ngân hàng Nhà nước thì phải khai hải quan tại cửa khẩu;

b) Người xuất cảnh có mang theo số ngoại tệ tiền mặt và đồng Việt Nam bằng tiền mặt vượt mức quy định hoặc vượt số ngoại tệ đã khai hải quan khi nhập cảnh thì phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước;

c) Người xuất cảnh có mang theo số ngoại tệ tiền mặt và đồng Việt Nam bằng tiền mặt vượt mức quy định nhưng không vượt quá số ngoại tệ đã khai hải quan khi nhập cảnh thì phải xuất trình tờ khai hải quan khi nhập cảnh mà không cần phải xin phép Ngân hàng Nhà nước.

3. Người nhập cảnh, xuất cảnh có mang vàng tiêu chuẩn quốc tế thì thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 37. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ các yêu cầu khẩn cấp; hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyên dùng trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh

1. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá phục vụ các yêu cầu khẩn cấp:

a) Thủ trưởng cơ quan có văn bản xác nhận hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ các yêu cầu khẩn cấp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về xác nhận của mình;

b) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp được thông quan trước khi nộp các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan. Thời hạn nộp chậm không quá 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày hàng hoá được thông quan;

c) Chi cục trưởng Hải quan căn cứ vào tính chất, chủng loại hàng hoá, mức độ khẩn cấp để quyết định hình thức kiểm tra thực tế hàng hoá phù hợp.

2. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ trực tiếp các yêu cầu về an ninh, quốc phòng:

a) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có văn bản của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xác nhận là phục vụ trực tiếp các yêu cầu về an ninh, quốc phòng được thông quan hàng hoá trước khi nộp các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan. Thời hạn chậm không quá 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày hàng hoá được thông quan;

b) Hàng hoá phục vụ các yêu cầu trực tiếp về an ninh, quốc phòng có văn bản xác nhận của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xác nhận phải được bảo đảm an toàn cao hoặc có yêu cầu bảo mật đặc biệt (tối mật, tuyệt mật) được miễn kiểm tra thực tế và miễn khai hải quan.

Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nội dung văn bản xác nhận của mình.

Điều 38. Thủ tục hải quan theo chế độ ưu đãi, miễn trừ

1. Túi ngoại giao, túi lãnh sự được miễn làm thủ tục hải quan.

2. Hành lý cá nhân, phương tiện vận tải của cá nhân, tổ chức sau đây được miễn kiểm tra hải quan:

a) Phương tiện vận tải, đồ vật dùng vào công việc chính thức của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật;

b) Những người mang hộ chiếu ngoại giao do Bộ Ngoại giao hoặc các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán của nước ta ở nước ngoài cấp hoặc do Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan có thẩm quyền của những nước đã công nhận Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp;

c) Vợ (hoặc chồng), các con chưa đến tuổi thành niên cùng đi với đối tượng quy định tại điểm b khoản này.

3. Hàng hoá khác được miễn khai, miễn kiểm tra hải quan do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Khi có căn cứ để khẳng định phương tiện vận tải, hàng hoá, vật dụng của các đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này vi phạm chế độ ưu đãi, miễn trừ theo quy định của pháp luật, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định việc kiểm tra, xử lý các đối tượng này theo quy định tại Điều 62 Luật Hải quan.

Điều 39. Hàng hoá, hành lý ký gửi xuất khẩu, nhập khẩu thất lạc, nhầm lẫn

1. Khi làm thủ tục hải quan để nhận lại hàng hoá, hành lý ký gửi xuất khẩu, nhập khẩu bị trôi dạt, thất lạc, nhầm lẫn, chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu uỷ quyền phải nộp các giấy tờ sau:

a) Chứng từ chứng minh quyền sở hữu đối với hàng hoá, hành lý ký gửi;

b) Bản kê hàng hoá, hành lý ký gửi (nếu có).

2. Trường hợp không xác định được người nhận hàng hoá, hành lý ký gửi quy định tại Điều này thì xử lý theo quy định tại Điều 45 Luật Hải quan.

Chương 3:

THỦ TỤC HẢI QUAN, KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH, QUÁ CẢNH

Điều 40. Quy định chung

1. Phương tiện vận tải khi xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nơi phương tiện vận tải đó xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Khi làm thủ tục hải quan, nếu cơ quan hải quan phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì người điều khiển phương tiện vận tải phải thực hiện các yêu cầu của cơ quan hải quan để kiểm tra, khám xét theo quy định của pháp luật.

2. Cảng vụ, sân bay, cảng biển, ga đường sắt liên vận quốc tế có trách nhiệm thông báo trước cho Chi cục Hải quan cửa khẩu các thông tin quy định tại Điều 56 Luật Hải quan. Các tổ chức vận tải có trách nhiệm cung cấp cho Chi cục Hải quan cửa khẩu các thông tin về hàng hoá, hành khách, tổ lái, người làm việc trên các phương tiện vận tải và các thông tin khác có liên quan đến công tác quản lý phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của cơ quan hải quan.

3. Các thông tin quy định tại khoản 2 Điều này được cung cấp bằng văn bản hoặc qua máy tính được nối mạng trực tiếp với Chi cục Hải quan.

4. Phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh chịu sự giám sát hải quan quy định tại Điều 13 Nghị định này.

5. Phương tiện vận tải quân sự chở hành khách và hàng hoá dân sự khi xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phải làm thủ tục hải quan như các phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh khác.

Điều 41. Tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh

1. Ngay sau khi tàu bay nhập cảnh và trước khi cơ quan hàng không hoàn thành thủ tục hàng không cho hành khách xuất cảnh và hàng hoá xuất khẩu, người điều khiển tàu bay hoặc người đại diện phải nộp cho cơ quan hải quan tại cảng hàng không các chứng từ sau:

a) Bản kê hàng hoá và hành lý;

b) Danh sách tổ lái và nhân viên làm việc trên tàu bay;

c) Danh sách hành khách.

2. Tàu bay quá cảnh khi dừng kỹ thuật không phải làm thủ tục kê khai hải quan, nhưng phải chịu sự giám sát hải quan.

Điều 42. Tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh

1. Thủ tục hải quan:

a) Chậm nhất 01 (một) giờ trước khi tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh đã sẵn sàng làm thủ tục hải quan, cơ quan cảng vụ và chủ tàu hoặc đại diện của chủ tàu có trách nhiệm thông báo cho cơ quan hải quan tại cảng các thông tin quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 40 Nghị định này;

b) Cơ quan hải quan làm thủ tục cho tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh tại vị trí quy định. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định tàu biển neo đậu tại địa điểm khác trên vùng biển của Việt Nam thì thủ tục hải quan đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh sẽ được làm tại địa điểm đó.

2. Hồ sơ hải quan:

Thuyền trưởng hoặc người đại diện khi làm thủ tục hải quan phải xuất trình cho cơ quan hải quan tại cảng nhật ký hành trình tầu (đối với nhập cảnh), sơ đồ xếp hàng trên tàu và nộp các bản khai sau:

a) Bản kê khai hàng hoá chuyên chở trên tàu biển;

b) Tờ khai tàu đi, đến đối với xuất cảnh, nhập cảnh;

c) Bản khai nguyên nhiên vật liệu, lương thực, thực phẩm của tàu;

d) Bản khai chất nổ, chất cháy, thuốc mê, thuốc độc, vũ khí có trên tàu;

đ) Danh sách thuyền viên;

e) Danh sách hành khách (nếu có hành khách);

g) Tờ khai hàng hoá, hành lý của thuyền viên.

3. Không được rút lại và sửa chữa các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đã nộp cho cơ quan hải quan, trừ trường hợp có lý do chính đáng và việc sửa chữa các chứng từ đó không ảnh hưởng đến việc chấp hành các quy định của pháp luật về thuế, chính sách quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và được Chi cục trưởng Hải quan chấp nhận.

Điều 43. Tàu biển, tàu bay chuyển cảng

1. Tàu biển, tàu bay chuyển cảng là việc tàu biển, tàu bay đang trong thời gian chuyển từ cảng này sang cảng khác để dỡ hàng nhập khẩu hoặc xếp hàng xuất khẩu dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.

2. Trước khi chuyển cảng, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người đại diện hợp pháp phải nộp bản kê khai hàng hóa cho cơ quan hải quan.

3. Cơ quan hải quan tại khu vực cảng nơi tàu biển, tàu bay chuyển đi làm thủ tục chuyển cảng và giao hồ sơ cho người điều khiển tàu chuyển đến cơ quan hải quan taị khu vực cảng nơi tàu biển, tàu bay chuyển đến.

4. Hàng hoá chuyển cảng, kho lương thực, thực phẩm của tàu biển chuyển cảng phải được niêm phong hải quan, trừ trường hợp hàng nhập khẩu vẫn nằm trong khoang chứa hàng, chưa di chuyển khỏi tàu.

Điều 44. Tàu liên vận quốc tế xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh bằng đường sắt

1. Tàu liên vận quốc tế xuất cảnh: khi đoàn tàu xuất cảnh tới ga biên giới, trưởng tàu hoặc người đại diện phải nộp cho cơ quan hải quan tại ga những giấy tờ sau đây:

a) Tờ khai thành phần đoàn tàu, danh sách, tờ khai hành lý của tổ lái và những người làm việc trên tàu;

b) Bản kê khai hàng hoá xuất khẩu, kể cả hàng quá cảnh, giấy giao tiếp toa xe (nếu là tàu chuyên chở hàng hoá);

c) Danh sách hành khách và phiếu gửi hành lý không theo người của hành khách (nếu là tàu chuyên chở hành khách);

d) Tờ khai nhiên liệu, vật liệu, lương thực, thực phẩm của đoàn tàu.

2. Tàu liên vận quốc tế nhập cảnh: khi đoàn tàu nhập cảnh tới ga biên giới, trưởng tàu hoặc người đại diện nộp cho cơ quan hải quan tại ga những giấy tờ sau:

a) Tờ khai thành phần đoàn tàu, tờ khai, bản kê hành lý của tổ lái và nhân viên làm việc trên tàu;

b) Bản kê khai hàng hoá nhập khẩu, giấy giao tiếp toa xe (nếu là tàu chuyên chở hàng hoá);

c) Danh sách hành khách và các phiếu gửi hành lý không theo người (nếu là tàu chuyên chở hành khách);

d) Tờ khai nhiên liệu, vật liệu, lương thực, thực phẩm của đoàn tàu;

đ) Bản trích lược khai hàng hóa dỡ xuống từng ga liên vận nội địa.

3. Tàu liên vận quốc tế tại ga liên vận nội địa: khi đoàn tàu tới ga liên vận nội địa, trưởng tàu hoặc người đại diện hợp pháp phải nộp cho cơ quan hải quan tại ga:

a) Bản trích lược khai hàng hoá nhập khẩu có xác nhận của cơ quan hải quan tại ga liên vận biên giới;

b) Vận tải đơn;

c) Giấy giao tiếp hàng quá cảnh (nếu có hàng quá cảnh quốc tế).

4. Người phụ trách tàu liên vận quốc tế hoặc chủ hàng chịu trách nhiệm bảo đảm nguyên trạng hàng hoá, toa xe trong quá trình vận chuyển từ ga xếp hàng ở nội địa đến ga xuất cảnh (đối với hàng xuất) và từ ga nhập cảnh tới ga dỡ hàng ở nội địa (đối với hàng nhập).

Điều 45. Ô tô xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh

1. Ô tô quy định tại Điều này bao gồm xe ô tô chuyên chở hàng hoá, hành khách với mục đích thương mại.

2. Ô tô xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tới cửa khẩu biên giới phải đỗ đúng nơi quy định để làm thủ tục hải quan. Người khai hải quan phải khai báo và nộp cho cơ quan hải quan cửa khẩu những giấy tờ sau đây:

a) Giấy phép xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định tại Điều ước quốc tế về vận tải đường bộ được ký kết giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới hoặc Điều ước quốc tế về vận tải đường bộ giữa các nước trong khu vực;

b) Tờ khai hải quan đối với ô tô xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh;

c) Tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (nếu có chuyên chở hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu);

d) Tờ khai hành lý xuất khẩu, nhập khẩu của lái xe;

đ) Danh sách hành khách và tờ khai hành lý của hành khách (nếu có hành khách).

Điều 46. Các phương tiện vận tải khác

Đối với các phương tiện vận tải thô sơ khi xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện phải khai báo và nộp cho cơ quan hải quan những giấy tờ sau:

1. Tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (nếu có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu).

2. Tờ khai hành lý của người điều khiển phương tiện vận tải và của những người làm việc trên phương tiện vận tải và của hành khách (nếu có).

Điều 47. Phương tiện vận tải của cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập không vì mục đích thương mại

1. Phương tiện vận tải của cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức xuất cảnh, nhập cảnh không vì mục đích thương mại quy định tại Điều này gồm xe ô tô chở người, xe vừa chở người vừa chở hàng, xe gắn máy, thuyền, xuồng có gắn máy và không gắn máy. Khi tạm nhập, tạm xuất phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều ước quốc tế về vận tải đường bộ giữa Việt Nam và nước có chung đường biên giới.

2. Phương tiện vận tải của cá nhân, tổ chức khu vực biên giới thường xuyên qua lại biên giới không phải xin cấp giấy phép.

3. Hồ sơ hải quan gồm:

a) Tờ khai hải quan;

b) Giấy phép (trừ trường hợp tạm nhập lưu hành tại khu vực cửa khẩu);

c) Giấy đăng ký lưu hành.

4. Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Chương 4:

KIỂM SOÁT VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

Điều 48. Thủ tục tạm dừng làm thủ tục hải quan

1. Chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc người được uỷ quyền hợp pháp (dưới đây gọi tắt là người nộp đơn) có quyền nộp đơn đề nghị dài hạn hoặc trong từng trường hợp cụ thể để cơ quan hải quan tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (dưới đây gọi tắt là đề nghị tạm dừng).

2. Việc ủy quyền nộp đơn thực hiện như sau:

a) Cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác của Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam uỷ quyền cho tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp thực hiện việc nộp đơn;

b) Pháp nhân nước ngoài có văn phòng đại diện tại Việt Nam, cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam được uỷ quyền cho văn phòng đại diện, cơ sở sản xuất kinh doanh tại Việt Nam hoặc tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp thực hiện việc nộp đơn;

c) Cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam và không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, pháp nhân nước ngoài không có đại diện hợp pháp và không có cơ sở sản xuất kinh doanh tại Việt Nam chỉ có thể uỷ quyền cho tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp thực hiện việc nộp đơn.

3. Khi đề nghị tạm dừng, người nộp đơn phải cung cấp cho cơ quan hải quan các tài liệu sau:

a) Đối với trường hợp đề nghị dài hạn:

- Đơn đề nghị (theo mẫu quy định);

- Bản sao văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp hoặc tài liệu khác chứng minh quyền sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ tại Việt Nam hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; bản sao giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan hoặc tài liệu khác chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan;

- Giấy uỷ quyền nộp đơn (trường hợp uỷ quyền);

- Mô tả chi tiết hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm ảnh chụp (nếu có), các đặc điểm phân biệt hàng thật với hàng xâm phạm quyền;

- Danh sách những người xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp hàng hoá có yêu cầu giám sát; danh sách những người có khả năng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

- Phương thức xuất khẩu, nhập khẩu và những thông tin khác liên quan đến việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá xâm phạm quyền (nếu có);

- Nộp lệ phí tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

b) Đối với trường hợp đề nghị cụ thể:

- Đơn đề nghị (theo mẫu quy định);

- Bản sao văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp hoặc tài liệu khác chứng minh quyền sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ tại Việt Nam, hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; bản sao giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan hoặc tài liệu khác chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan;

- Giấy uỷ quyền nộp đơn (trường hợp nộp đơn theo uỷ quyền);

- Tên địa chỉ của người xuất khẩu, người nhập khẩu hàng hoá (nếu có);

- Các thông tin dự đoán về thời gian và địa điểm làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu;

- Bản mô tả chi tiết hoặc ảnh chụp hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

- Kết quả giám định của tổ chức giám định về sở hữu trí tuệ đối với chứng cứ ban đầu;

- Chứng từ nộp tiền bảo đảm vào tài khoản tạm gửi của cơ quan hải quan tại Kho bạc Nhà nước mức nộp bằng 20% giá trị lô hàng theo giá ghi trong hợp đồng hoặc tối thiểu 20 triệu đồng (trường hợp chưa biết trị giá lô hàng nghi ngờ xâm phạm) hoặc chứng từ bảo lãnh của tổ chức tín dụng để đảm bảo bồi thường thiệt hại cho chủ hàng và thanh toán các chi phí do yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan không đúng gây ra cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

- Nộp lệ phí tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Điều 49. Thời hạn, phạm vi yêu cầu

1. Thời hạn hiệu lực của đơn đề nghị dài hạn là 01 (một) năm kể từ ngày cơ quan hải quan chấp nhận đơn. Thời hạn nói trên có thể được gia hạn thêm 01 (một) năm nhưng không được quá thời hạn bảo hộ đối tượng sở hữu trí tuệ liên quan và người nộp đơn có trách nhiệm nộp lệ phí gia hạn theo quy định của Bộ Tài chính.

2. Nơi nhận đơn yêu cầu:

a) Chi cục Hải quan là nơi nhận đơn nếu phạm vi yêu cầu là các cửa khẩu thuộc phạm vi quản lý của Chi cục Hải quan đó;

b) Cục Hải quan là nơi nhận đơn nếu phạm vi yêu cầu là các cửa khẩu thuộc địa bàn quản lý của Cục Hải quan đó;

c) Tổng cục Hải quan là nơi nhận đơn nếu phạm vi yêu cầu là các cửa khẩu thuộc địa bàn quản lý của từ 02 Cục Hải quan trở lên.

3. Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu dài hạn hoặc 24 giờ làm việc, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu trong từng trường hợp cụ thể, cơ quan hải quan có trách nhiệm xem xét, ra thông báo chấp nhận đơn và ghi nhận các thông tin trong đơn nếu đơn được nộp đầy đủ theo quy định tại khoản 3 Điều 48 Nghị định này. Trường hợp từ chối đơn phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 50. Thủ tục thực thi quyền sở hữu trí tuệ

1. Sau khi chấp nhận đơn yêu cầu, Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan cung cấp cho các Chi cục Hải quan thuộc phạm vi yêu cầu nêu trong đơn các thông tin đã được ghi nhận về hàng hoá giả mạo nhãn hiệu hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và chỉ đạo việc tổ chức thực hiện.

2. Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu, căn cứ các thông tin được ghi nhận nêu trong đơn yêu cầu và chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Chi cục Hải quan có trách nhiệm triển khai việc kiểm tra để phát hiện hàng hoá nghi ngờ giả mạo nhãn hiệu và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Khi phát hiện lô hàng nghi ngờ giả mạo nhãn hiệu hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Chi cục trưởng Hải quan tạm dừng làm thủ tục hải quan và thông báo ngay bằng văn bản cho người nộp đơn, đồng thời yêu cầu trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày ra thông báo phải nộp tiền tạm ứng hoặc chứng từ bảo lãnh (nếu chưa nộp).

a) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ thời điểm tạm dừng, nếu người nộp đơn không đề nghị tiếp tục tạm dừng làm thủ tục hải quan và không nộp khoản tiền tạm ứng hoặc chứng từ bảo lãnh thì Chi cục Hải quan tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng đó;

b) Trường hợp người nộp đơn đáp ứng các yêu cầu nêu trên thì Chi cục trưởng Hải quan ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng đó và gửi ngay quyết định này cho các bên liên quan.

Quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan phải nêu rõ lô hàng bị tạm dừng làm thủ tục hải quan; tên, địa chỉ, số fax, điện thoại liên lạc của chủ lô hàng và người nộp đơn; chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ; lý do tạm dừng làm thủ tục hải quan và thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan.

Điều 51. Thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan và kiểm tra xác định tình trạng pháp lý về sở hữu trí tuệ

1. Thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan là 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan.

Trong thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan, nếu người nộp đơn yêu cầu gia hạn và nộp bổ sung tiền bảo đảm theo mức quy định tại khoản 3
Điều 48 Nghị định này, Chi cục trưởng Hải quan có quyết định kéo dài thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan thêm một thời hạn tối đa là 10 (mười) ngày làm việc.

2. Thời gian dành cho các bên liên quan bổ sung chứng cứ, lập luận và tài liệu hoặc thời gian trưng cầu giám định tại cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ theo yêu cầu của Chi cục Hải quan không tính vào thời hạn nêu tại khoản 1 Điều này.

3. Xác định tình trạng pháp lý về sở hữu trí tuệ của hàng hoá bị tạm dừng làm thủ tục hải quan

a) Nội dung cần xác định bao gồm:

- Có chứa yếu tố vi phạm hay không;

- Có phải là hàng hoá do chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ, người được phép của chủ sở hữu hoặc người có quyền sử dụng hợp pháp (dưới đây gọi là chủ sở hữu) đã đưa ra thị trường.

b) Chi cục Hải quan xác định tình trạng pháp lý về sở hữu trí tuệ đối với hàng hoá bị tạm dừng làm thủ tục hải quan trên cơ sở các chứng cứ, lập luận và tài liệu chứng minh của chủ lô hàng, chủ sở hữu. Chứng cứ, lập luận và tài liệu chứng minh của người nộp đơn chỉ được xem xét khi cung cấp cho Chi cục Hải quan trong thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan;

c) Trường hợp Chi cục Hải quan căn cứ các chứng cứ, lập luận và tài liệu đã cung cấp mà không xác định được tình trạng pháp lý về sở hữu trí tuệ của hàng hoá bị tạm dừng làm thủ tục hải quan, có quyền yêu cầu người nộp đơn gửi văn bản trưng cầu giám định tại tổ chức giám định về sở hữu trí tuệ để cho ý kiến kết luận.

Điều 52. Tiếp tục làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá bị tạm dừng làm thủ tục hải quan và xử lý các bên liên quan

1. Chi cục trưởng Hải quan ra quyết định tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng bị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với các trường hợp sau:

a) Kết thúc thời hạn tạm dừng mà Chi cục Hải quan không nhận được đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người nộp đơn hoặc văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc toà án xác nhận đã tiếp nhận đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến lô hàng bị tạm dừng làm thủ tục hải quan;

b) Kết quả xác định tình trạng pháp lý về sở hữu trí tuệ khẳng định rằng lô hàng bị tạm dừng làm thủ tục hải quan không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

c) Quyết định của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ, trong đó khẳng định lô hàng bị tạm dừng thủ tục hải quan không phải là hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

d) Quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan bị đình chỉ hoặc thu hồi theo quyết định giải quyết khiếu nại;

đ) Người nộp đơn rút đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan.

2. Cơ quan Hải quan ra quyết định buộc người nộp đơn phải thanh toán các khoản chi phí phát sinh cho chủ lô hàng do việc tạm dừng làm thủ tục hải quan không đúng gây ra. Chi phí phát sinh bao gồm phí lưu kho bãi, xếp dỡ, bảo quản hàng hoá. Thiệt hại từ việc tạm dừng làm thủ tục hải quan do hai bên thoả thuận hoặc được xác định theo thủ tục tố tụng dân sự.

3. Hoàn trả các khoản tiền bảo đảm đã nộp vào tài khoản tạm gửi của cơ quan hải quan hoặc chứng từ bảo lãnh của tổ chức tín dụng cho người nộp đơn sau khi người nộp đơn đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán các chi phí và thiệt hại phát sinh theo quyết định của cơ quan hải quan hoặc cơ quan có thẩm quyền.

4. Thời hạn nộp thuế (nếu có) tính từ ngày ra quyết định tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng.

Điều 53. Xử lý các bên liên quan trong trường hợp xác định xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

1. Trong trường hợp kết luận hàng hoá bị tạm dừng làm thủ tục hải quan là hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì chủ hàng hóa và hàng hóa bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chịu trách nhiệm trước pháp luật, thực hiện các quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu và thanh toán các chi phí phát sinh do việc tạm dừng gây ra.

3. Chủ hàng hoá và người nộp đơn có quyền khiếu nại các quyết định, kết luận của cơ quan hải quan về việc áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.

Điều 54. Trách nhiệm của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ

Chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin liên quan tới hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cho cơ quan hải quan; phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật và Tổng cục Hải quan trong việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ liên quan cho công chức hải quan nhằm nâng cao khả năng nhận biết, chủ động kiểm tra, ngăn chặn hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại cửa khẩu.

Điều 55. Trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền

1. Tổng cục Hải quan có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu trí tuệ theo đúng quy định pháp luật.

2. Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm cung cấp cho Tổng cục Hải quan các thông tin liên quan đến các đối tượng sở hữu trí tuệ đang được bảo hộ tại Việt Nam và phối hợp với Tổng cục Hải quan chỉ đạo nghiệp vụ và tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ cho các đơn vị Hải quan trực tiếp thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới về sở hữu trí tuệ.

3. Cục Sở hữu trí tuệ, Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật, các cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ địa phương có trách nhiệm thực hiện giám định về sở hữu trí tuệ theo yêu cầu của cơ quan hải quan và các bên liên quan theo thẩm quyền và thủ tục quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.

Chuong 5:

TỔ CHỨC THU THUẾ VÀ CÁC KHOẢN THU KHÁC ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

Điều 56. Quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan khi kê khai, tính thuế, nộp thuế

1. Người khai hải quan có quyền:

a) Được yêu cầu cơ quan nhà nước giải thích, hướng dẫn về chính sách thuế, các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;

b) Được yêu cầu cơ quan hải quan giữ bí mật theo quy định của pháp luật về thông tin đã kê khai và đã cung cấp cho cơ quan hải quan;

c) Yêu cầu cơ quan hải quan và các cơ quan khác có liên quan miễn thuế; xét miễn thuế; giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

d) Yêu cầu cơ quan nhà nước thông báo về kết luận thanh tra, kiểm tra hoặc có ý kiến về kết luận thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kê khai, tính, nộp thuế và các khoản phải thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của mình; được quyền yêu cầu cơ quan hải quan và cơ quan khác có liên quan giải thích những nội dung thanh tra, kiểm tra, tính thuế khác với nội dung tính thuế đã khai báo;

đ) Yêu cầu cơ quan hải quan, cơ quan khác có liên quan bồi thường những thiệt hại do chậm ra quyết định hoàn thuế, quyết định sai về thuế hoặc các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

e) Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo theo quy định của pháp luật.

2. Người khai hải quan có nghĩa vụ:

a) Tự kê khai đầy đủ, rõ ràng các căn cứ tính thuế, số tiền thuế, các khoản thu khác trên tờ khai hải quan và tự chịu trách nhiệm về nội dung kê khai;

b) Tự tính, tự nộp thuế, nộp phạt và các khoản thu khác đầy đủ, đúng thời hạn theo hướng dẫn của cơ quan hải quan.

Trường hợp người khai hải quan không được ủy quyền nộp thuế thì trách nhiệm nộp thuế thuộc chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

c) Cung cấp thông tin xác thực và các tài liệu cần thiết liên quan đến căn cứ tính thuế, cách tính số thuế và các khoản thu khác theo yêu cầu của cơ quan hải quan;

d) Ghi chép, hạch toán kế toán, báo cáo kế toán; tổ chức lưu trữ hồ sơ hải quan, hoá đơn, chứng từ có liên quan; cung cấp các tài liệu này theo yêu cầu của cơ quan hải quan theo đúng quy định của pháp luật;

đ) Chấp hành quyết định của cơ quan hải quan xử lý về thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;

e) Giải thích khi cơ quan hải quan và các cơ quan khác có liên quan có cơ sở nghi vấn về các căn cứ tính thuế, cách tính số thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; về những nội dung chưa rõ trong quá trình kê khai, tính, nộp thuế.

Điều 57. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan hải quan

Trong quá trình tổ chức thu thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, cơ quan hải quan có trách nhiệm và quyền hạn sau:

1. Giải thích, hướng dẫn, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để người khai hải quan kê khai, tính thuế, nộp thuế, nộp phạt và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Kiểm tra, thanh tra việc kê khai, tính thuế, nộp thuế của người khai hải quan.

3. Quản lý thống nhất việc thu thuế, nộp thuế; thực hiện miễn thuế, xét miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế và các khoản phải thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

4. Bảo mật thông tin của người khai hải quan đã khai báo và cung cấp.

5. Yêu cầu người khai hải quan cung cấp đầy đủ, kịp thời hồ sơ, tài liệu, chứng từ, sổ sách kế toán để kiểm tra việc kê khai, tính, nộp thuế và các khoản thu khác khi có cơ sở nghi vấn về căn cứ tính thuế, cách tính số thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; về những nội dung chưa rõ trong quá trình kê khai, tính, nộp thuế.

6. Truy thu, ấn định thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật.

7. Áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để đảm bảo việc thu đủ thuế.

8. Xử lý vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại về thuế theo quy định của pháp luật.

9. Trả tiền lãi do hoàn thuế chậm theo quy định của pháp luật.

Điều 58. ấn định thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

Cơ quan hải quan ấn định thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp sau:

1. Người khai hải quan dựa vào các tài liệu không hợp pháp để khai báo căn cứ tính thuế, tính và kê khai số thuế phải nộp; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, chính xác các căn cứ tính thuế làm cơ sở cho việc tính thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

2. Người khai hải quan từ chối hoặc trì hoãn, kéo dài quá thời hạn quy định việc cung cấp các tài liệu liên quan cho cơ quan hải quan để xác định chính xác số thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

3. Cơ quan hải quan có căn cứ về việc khai báo trị giá không đúng với giá thực tế mua hàng.

4. Việc ấn định số thuế phải nộp căn cứ vào chính sách thuế hiện hành, thông tin hải quan và nguyên tắc xác định trị giá tính thuế quy định tại Điều 4 Nghị định quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Điều 59. Nộp thuế và khấu trừ tiền thuế

1. Việc nộp thuế, nộp phạt và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện tại Kho bạc Nhà nước.

2. Việc nộp thuế, nộp phạt và các khoản thu khác được thực hiện theo trình tự sau:

a) Nộp các khoản trừ nợ gồm: nợ phạt, nợ thuế và các khoản nợ phải thu khác (nếu có);

b) Nộp tiền thuế và các khoản phải thu khác.

3. Tiền thuế, tiền phạt và các khoản thu khác nếu đã nộp lớn hơn số phải nộp thì được xử lý theo trình tự sau:

a) Khấu trừ vào tiền thuế, tiền phạt, các khoản thu khác mà người khai hải quan còn nợ ngân sách;

b) Bù trừ vào tiền thuế, các khoản thu khác của lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu lần sau liền kề theo đề nghị của người khai hải quan;

c) Hoàn trả từ ngân sách nhà nước.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể về hình thức, hồ sơ, thủ tục, trình tự nộp và khấu trừ tiền thuế, tiền phạt, các khoản thu khác.

Điều 60. Chứng từ nộp thuế và các khoản thu khác

1. Chứng từ nộp thuế, nộp phạt và các khoản thu khác do Bộ Tài chính phát hành thống nhất. Người khai hải quan khi nộp thuế, nộp phạt và các khoản thu khác phải ghi cụ thể rõ ràng từng khoản nộp và số tờ khai hải quan.

2. Cơ quan kho bạc nhà nước hoặc cơ quan hải quan khi thu tiền thuế, tiền phạt, các khoản thu khác phải cấp chứng từ thu hoặc ký, đóng dấu, xác nhận thu vào chứng từ nộp thuế.

Điều 61. Quyết toán thuế

Hàng hoá nhập khẩu được hưởng ưu đãi thuế theo quy định pháp luật về thuế phải quyết toán thì người khai hải quan phải quyết toán với cơ quan hải quan.

Sử dụng hàng hoá nhập khẩu không đúng mục đích ưu đãi về thuế thì sẽ bị truy thu đủ thuế và phạt theo quy định của pháp luật về thuế.

Điều 62. Trách nhiệm trong trường hợp thay đổi pháp nhân và địa chỉ

1. Tổ chức, cá nhân có đăng ký mã số xuất khẩu, nhập khẩu để hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh nếu có sự thay đổi về pháp nhân trong trường hợp sáp nhập, giải thể, phá sản và có sự thay đổi địa chỉ, trụ sở phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan hải quan biết và phải thanh toán các khoản nợ cho ngân sách nhà nước.

2. Cơ quan chức năng có thẩm quyền quyết định việc giải thể, phá sản, sáp nhập có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan hải quan và phối hợp giải quyết các khoản nợ thuế, nợ phạt và các khoản thu khác trước khi có quyết định về việc giải thể, phá sản, sáp nhập.

Điều 63. áp dụng các biện pháp để đảm bảo việc thu đủ thuế

1. Việc áp dụng các biện pháp để bảo đảm thu đúng, thu đủ thuế và các khoản thu khác được thực hiện đối với chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu hoặc người được chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu uỷ quyền.

2. Các biện pháp áp dụng:

a) Yêu cầu ngân hàng, Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng khác trích tiền từ tài khoản tiền gửi của đối tượng nộp thuế để nộp tiền thuế, tiền phạt;

b) Không làm thủ tục nhập khẩu cho chuyến hàng tiếp theo của đối tượng nộp thuế cho đến khi thu đủ nợ thuế và các khoản thu khác. Trong trường hợp người khai hải quan thực sự có khó khăn về tài chính, cơ quan hải quan được phép cho đối tượng này hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu để nộp dần số nợ thuế theo kế hoạch và không để nợ mới phát sinh;

c) Tạm giữ hàng hoá hoặc kê biên tài sản của đối tượng nộp thuế theo quy định của pháp luật để đảm bảo thu đủ thuế. Quá thời hạn theo quy định của pháp luật kể từ ngày cơ quan hải quan có quyết định tạm giữ hàng hoá hoặc kê biên tài sản mà đối tượng nộp thuế vẫn chưa nộp đủ tiền thuế, tiền phạt thì cơ quan hải quan được bán đấu giá hàng hoá, tài sản theo quy định của pháp luật để thu đủ tiền thuế, tiền phạt. Số tiền còn lại sau khi đã trích để nộp thuế, nộp phạt chuyển trả cho đối tượng nộp thuế;

d) áp dụng các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể thẩm quyền, thủ tục, trình tự áp dụng các biện pháp để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Chương 6:

KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN

Điều 64. Các trường hợp kiểm tra sau thông quan

Kiểm tra sau thông quan được thực hiện sau khi hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan trong các trường hợp sau:

1. Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan hoặc xác định có khả năng vi phạm pháp luật hải quan dựa trên kết quả phân tích thông tin của cơ quan hải quan.

2. Kiểm tra theo kế hoạch để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật hải quan của người khai hải quan (sau đây gọi là đơn vị được kiểm tra) đối với các trường hợp không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 65. Nội dung kiểm tra sau thông quan

1. Kiểm tra hồ sơ hải quan:

a) Kiểm tra tính hợp pháp, chính xác của các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, sự phù hợp của các chứng từ kèm theo tờ khai với các nội dung khai trong tờ khai và các quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá;

b) Kiểm tra việc xác định trị giá; căn cứ tính thuế, cách tính số thuế và các khoản thu khác; việc tuân thủ các quy định về chính sách quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, các Điều ước quốc tế quy định khác về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá;

c) Kiểm tra chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính và các chứng từ khác có liên quan đến hàng hoá đã được thông quan tại doanh nghiệp.

2. Kiểm tra thực tế hàng hoá nhập khẩu của đơn vị được kiểm tra trong trường hợp cần thiết và còn điều kiện.

Điều 66. Phương pháp kiểm tra

Cơ quan hải quan thực hiện phương pháp kiểm tra sau thông quan như sau:

1. Yêu cầu đơn vị được kiểm tra xuất trình hồ sơ, sổ sách, chứng từ kế toán và các chứng từ khác có liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan lưu tại doanh nghiệp, giải trình với cơ quan hải quan tại trụ sở cơ quan hải quan.

2. Xác minh tính chính xác, trung thực của các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan tại các cơ quan, tổ chức có liên quan.

3. Kiểm tra trực tiếp tại đơn vị được kiểm tra sau thông quan trong trường hợp cần thiết.

4. Người khai hải quan tự kiểm tra, rà soát đối với các lô hàng đã được thông quan về tính chính xác, trung thực của nội dung khai hải quan, tính thuế, nộp thuế. Trường hợp phát hiện có sai sót, tự giác thông báo cho cơ quan hải quan, tự nguyện khắc phục hậu quả trong thời hạn theo quy định của pháp luật được miễn xử phạt.

Điều 67. Thẩm quyền quyết định kiểm tra

1. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định kiểm tra trong trường hợp:

a) Kiểm tra theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Nghị định này. Cục Hải quan nào phát hiện dấu hiệu, xác định được khả năng vi phạm thì quyết định kiểm tra đồng thời báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;

b) Kiểm tra theo kế hoạch quy định tại khoản 2 Điều 64 Nghị định này đối với đơn vị đặt trụ sở trên địa bàn quản lý.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan đối với các trường hợp có nội dung kiểm tra phức tạp, phạm vi kiểm tra liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 68. Thời hạn kiểm tra

1. Thời hạn kiểm tra của mỗi quyết định kiểm tra tại trụ sở đơn vị được kiểm tra tối đa là 05 (năm) ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 64 Nghị định này; tối đa là 15 (mười lăm) ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 64 Nghị định này.

2. Trường hợp phức tạp người quyết định kiểm tra gia hạn thời gian kiểm tra không quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 68 Nghị định này. Thời gian gia hạn, lý do gia hạn được thông báo bằng văn bản cho đơn vị được kiểm tra.

3. Cơ quan hải quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho đơn vị được kiểm tra về quyết định kiểm tra sau thông quan chậm nhất là 05 (năm) ngày làm việc trước khi tiến hành kiểm tra (trừ trường hợp kiểm tra quy định tại khoản 1 Điều 64 Nghị định này).

Điều 69. Xử lý kết quả kiểm tra

1. Kết quả kiểm tra được cập nhật vào hệ thống thông tin hải quan để phân tích, đánh giá việc chấp hành pháp luật của chủ hàng, mức độ rủi ro vi phạm pháp luật, làm căn cứ cho việc kiểm tra khi làm thủ tục hải quan, xác định doanh nghiệp có quá trình chấp hành tốt pháp luật hải quan và phục vụ cho hoạt động của cơ quan hải quan trong công tác chống buôn lậu.

2. Kết luận kiểm tra, giải trình của đơn vị được kiểm tra (nếu có), biên bản vi phạm pháp luật đối với đơn vị được kiểm tra là căn cứ để cơ quan hải quan quyết định việc truy thu thuế, hoàn thuế, xử lý vi phạm pháp luật về thuế theo quy định của pháp luật.

3. Việc truy thu thuế, hoàn thuế, xử lý vi phạm pháp luật về thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và pháp luật có liên quan.

Điều 70. Quyền và nghĩa vụ của người kiểm tra

1. Nghĩa vụ của người kiểm tra:

a) Xuất trình quyết định kiểm tra và chứng minh thư hải quan;

b) Thực hiện đúng nguyên tắc, nội dung và trình tự kiểm tra;

c) Không đưa ra các yêu cầu trái pháp luật; không cố ý kết luận sai sự thật; chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản kết luận kiểm tra;

d) Báo cáo người quyết định kiểm tra và kiến nghị các biện pháp xử lý kết quả kiểm tra;

đ) Chấp hành quy chế bảo mật; quản lý và sử dụng đúng mục đích các chứng từ, tài liệu được cung cấp.

2. Quyền của người kiểm tra:

a) Được kiểm tra tại trụ sở cơ quan hải quan, tại trụ sở đơn vị được kiểm tra;

b) Yêu cầu đơn vị được kiểm tra trả lời những nội dung có liên quan;

c) Kiểm tra, sao chụp và tạm giữ hồ sơ hải quan, các chứng từ, sổ kế toán, báo cáo tài chính, các hồ sơ tài liệu có liên quan khác của đơn vị được kiểm tra;

d) Kiểm tra, sao lưu, tạm giữ các hệ thống máy tính và thiết bị khác đang lưu giữ dữ liệu, số liệu về hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị được kiểm tra;

đ) Kiểm tra thực tế hàng hoá nhập khẩu đã được thông quan;

e) Sử dụng trang thiết bị cần thiết để hỗ trợ cho việc kiểm tra;

g) Được nhận sự hỗ trợ của chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn;

h) Lập biên bản làm việc, bản kết luận kiểm tra;

i) Lập biên bản và áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính về hải quan theo quy định của pháp luật;

k) áp dụng biện pháp cưỡng chế làm thủ tục hải quan và các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật trong trường hợp đơn vị được kiểm tra không chấp hành các yêu cầu bằng văn bản của cơ quan hải quan.

Điều 71. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị được kiểm tra

1. Quyền của đơn vị được kiểm tra:

a) Yêu cầu người kiểm tra xuất trình quyết định kiểm tra, chứng minh thư hải quan;

b) Từ chối việc kiểm tra nếu quyết định kiểm tra không đúng với quy định của pháp luật;

c) Nhận bản kết luận kiểm tra;

d) Được giải trình về bản kết luận kiểm tra, kiến nghị về biện pháp giải quyết của người kiểm tra;

đ) Yêu cầu cơ quan hải quan bồi thường thiệt hại do việc xử lý kết quả kiểm tra không đúng pháp luật gây ra;

e) Khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người kiểm tra trong quá trình kiểm tra và các quyết định xử lý kết quả kiểm tra sau thông quan;

g) Được hưởng những ưu tiên trong quá trình làm thủ tục hải quan nếu chấp hành tốt pháp luật hải quan và các quy định về kiểm tra sau thông quan.

2. Nghĩa vụ của đơn vị được kiểm tra:

a) Cử người có thẩm quyền làm việc với người kiểm tra;

b) Tạo điều kiện để người kiểm tra thi hành nhiệm vụ; không cản trở hoạt động kiểm tra dưới mọi hình thức;

c) Lưu giữ hồ sơ hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan trong thời hạn 05 (năm) năm, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan; lưu giữ các chứng từ, sổ kế toán, báo cáo tài chính và hồ sơ tài liệu khác liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan trong thời hạn pháp luật quy định;

d) Trả lời những nội dung có liên quan theo yêu cầu của người kiểm tra;

đ) Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời hồ sơ hải quan, các chứng từ, sổ kế toán, báo cáo tài chính và hồ sơ tài liệu có liên quan khác theo yêu cầu của người kiểm tra;

e) Tạo điều kiện cho việc kiểm tra hàng hoá nhập khẩu;

g) Chấp hành các quy định về kiểm tra sau thông quan, quyết định kiểm tra, bản kết luận kiểm tra và các quyết định xử lý.

Chương 7:

THÔNG TIN HẢI QUAN

Điều 72. Hệ thống thông tin hải quan

1. Thông tin hải quan là tập hợp những thông tin về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; về tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải; về các thông tin khác liên quan hoạt động hải quan.

2. Thông tin hải quan là cơ sở để thực hiện thống kê hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; đánh giá mức độ chấp hành pháp luật của người khai hải quan, mức độ rủi ro về vi phạm pháp luật hải quan phục vụ cho hoạt động thông quan, kiểm tra sau thông quan và phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong các hoạt động có liên quan đến hải quan.

3. Nghiêm cấm hành vi truy cập trái phép, làm sai lệch, phá huỷ hệ thống thông tin hải quan.

Điều 73. Xây dựng, thu thập, xử lý, khai thác hệ thống thông tin hải quan

1. Tổng cục Hải quan có trách nhiệm tổ chức xây dựng, quản lý và phát triển cơ sở dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật của hệ thống thông tin hải quan thống nhất từ cơ quan Tổng cục Hải quan đến đơn vị cơ sở; tổ chức đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ thu thập, xử lý thông tin, đơn vị chuyên trách quản lý cơ sở dữ liệu và bảo đảm duy trì, vận hành hệ thống thông tin hải quan; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài ngành hải quan để kết nối mạng trao đổi thông tin liên quan.

2. Cơ quan hải quan các cấp có trách nhiệm thu thập, xử lý, cập nhật thông tin hải quan vào hệ thống theo mục tiêu và yêu cầu quản lý của từng giai đoạn.

Thông tin hải quan được thu thập và xử lý từ các nguồn sau: hồ sơ tài liệu do Tổng cục Hải quan lưu giữ; hoạt động tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, phân tích, phân loại hàng hoá; kết quả hoạt động của các lực lượng kiểm soát hải quan; tố giác vi phạm pháp luật về hải quan của cơ quan, tổ chức và công dân; các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan đến hoạt động hải quan; các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài; trao đổi với hải quan các nước, tổ chức hải quan thế giới; các nguồn thông tin khác.

3. Các đơn vị, công chức hải quan, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có quyền khai thác thông tin hải quan.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể việc xây dựng, thu thập, xử lý, phạm vi và mức độ khai thác thông tin hải quan.

Điều 74. Trách nhiệm cung cấp thông tin

1. Trách nhiệm của cơ quan hải quan

Cơ quan hải quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khai thác, sử dụng thông tin hải quan.

2. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân

a) Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật.

b) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động hải quan như sau:

- Bộ Thương mại: cung cấp thông tin về chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của Việt Nam và nước ngoài; thông tin về quản lý thị trường;

- Bộ Công an: cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến đấu tranh phòng, chống tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và an ninh quốc gia liên quan đến quản lý nhà nước về hải quan; cung cấp thông tin về cá nhân xuất cảnh, nhập cảnh và thông tin về đăng ký, quản lý phương tiện giao thông;

- Bộ Quốc phòng: cung cấp, trao đổi thông tin về công tác quản lý nhà nước về biên giới, vùng biển, hải đảo và thông tin về cá nhân xuất cảnh, nhập cảnh liên quan đến công tác quản lý nhà nước về hải quan;

- Bộ Bưu chính, Viễn thông: chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp làm dịch vụ bưu chính viễn thông cung cấp cho cơ quan hải quan các thông tin về bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu; thông tin về người nhận hàng, người gửi hàng; phối hợp xây dựng mạng thông tin;

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố cung cấp thông tin về đăng ký kinh doanh, đầu tư, thành lập, sáp nhập, giải thể của doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu;

- Bộ Giao thông vận tải: chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, đại lý vận tải đường biển, đường hàng không có trách nhiệm cung cấp thông tin về lược khai hàng hóa (manifest), vận tải đơn, tuyến đường vận chuyển và các loại thông tin khác về hàng hoá, hành khách, phương tiện vận tải tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh;

- Ngân hàng và các tổ chức tín dụng: cung cấp thông tin về hoạt động thanh toán liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp;

- Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, các Bộ, ngành khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm cung cấp, trao đổi với cơ quan hải quan các thông tin liên quan đến công tác quản lý chuyên ngành về các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

3. Thông tin cung cấp, trao đổi được thực hiện bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử thông qua mạng máy tính kết nối trực tiếp giữa cơ quan hải quan và các cơ quan, tổ chức, cá nhân nêu trên.

4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng các quy định cụ thể về trao đổi, cung cấp thông tin hải quan.

Chương 8:

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 75. Khiếu nại, tố cáo

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về những quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hải quan, công chức hải quan khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Cá nhân có quyền tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức hải quan với Thủ trưởng các cấp của cơ quan hải quan.

2. Thủ trưởng cơ quan hải quan các cấp khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo phải có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời các khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại và tố cáo.

3. Tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại toà hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hải quan, công chức hải quan theo quy định của pháp luật.

Điều 76. Khen thưởng, xử lý vi phạm

1. Cơ quan hải quan, công chức hải quan, tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu và tổ chức, cá nhân khác có thành tích trong việc thực hiện, phối hợp thực hiện các quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Người khai hải quan và tổ chức, cá nhân có liên quan nếu vi phạm các quy định tại Nghị định này, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại (nếu có) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

3. Cán bộ, công chức hải quan và tổ chức, cá nhân có liên quan nếu có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định tại Nghị định này thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, bồi thường thiệt hại vật chất (nếu có) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương 9:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 77. Hiệu lực thi hành của Nghị định

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế các Nghị định số 101/2001/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan; Nghị định số 102/2001/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết về kiểm tra sau thông quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ.

Điều 78. Trách nhiệm thi hành Nghị định

Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các
ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,
Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b). A.

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Phan Văn Khải

THE GOVERNMENT
 -------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No. 154/2005/ND-CP

Hanoi, December 15, 2005

 

DECREE

DETAILING THE IMPLEMENTATION OF A NUMBER OF ARTICLES OF THE CUSTOMS LAW REGARDING CUSTOMS PROCEDURES, INSPECTION AND SUPERVISION

THE GOVERNMENT

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to Customs Law No. 29/2001/QH10 of June 29, 2001, and Law No. 42/2005/QH11 of June 14, 2005, Amending and Supplementing a Number of Articles of the Customs Law;
At the proposal of the Finance Minister,

DECREES:

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Regulation scope

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Electronic customs procedures and customs procedures for luggage and gifts shall comply with separate regulations.

2. Where treaties to which Vietnam is a contracting party otherwise provide for, the provisions of such treaties shall apply.

Article 2.- Objects of customs procedures, inspection and supervision

1. Imported, exported and transit goods; articles onboard means of transport on entry, exit or in transit; imported or exported foreign and Vietnamese currencies, precious metals, gems, cultural products, relics, postal packages and parcels; luggage of persons on entry or exit; other objects imported, exported, transited or stored within operation areas of customs offices.

2. Means of transport by road, railway, air, sea or river on entry or exit, in transit, or moving from port to port.

3. Customs dossiers and vouchers related to objects defined in Clauses 1 and 2 of this Article.

Article 3.- Principles for carrying out customs procedures, customs inspection and supervision

1. Principles for carrying out customs procedures, customs inspection and supervision shall comply with the provisions of Article 15 of the Customs Law.

2. Customs inspection principles:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Customs inspection shall be restricted to an extent compatible with the results of information analysis and assessment of law observance by goods owners, as well as the risks of violations of customs law;

c/ Heads of customs offices which receive customs dossiers shall decide customs inspection forms and extent.

Article 4.- Customs clearance venues

1. Customs clearance venues include:

a/ Headquarters of border-gate Customs Sub-Departments: international seaports, river ports and civil airports, transnational railway stations, post offices and land border gates;

b/ Headquarters of outside-border-gate Customs Sub-Departments: customs clearance points of inland ports and outside border gates.

2. The Transport Minister shall plan and publicize the inland port system.

The Finance Minister shall specify conditions for, and decide on, the establishment of customs clearance venues provided for at Point b, Clause 1 of this Article.

Article 5.- Customs declarants

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Organizations designated by owners of imports or exports.

3. Lawfully authorized persons (where goods or articles are imported or exported for non-commercial purposes).

4. Operators on means of transport on entry or exit.

5. Customs agents.

6. International postal service- or express mail service-providing enterprises.

Article 6.- Customs clearance priority for goods owners strictly observing customs law

1. Goods owners strictly observing customs law mean those who are involved in import or export activities and satisfy the following conditions: having not committed acts of smuggling and evading tax; not owed overdue tax debts; and implemented the financial reporting regime in accordance with the provisions of law.

The Finance Minister shall detail this clause.

2. Contents of priority:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ To be exempt from actual goods inspection.

Chapter II

CUSTOMS PROCEDURES, CUSTOMS INSPECTION AND SUPERVISION FOR GOODS IMPORT AND EXPORT OF DIFFERENT TYPES

Section I. COMMERCIAL IMPORTS AND EXPORTS

Article 7.- Customs dossiers

When filling in customs procedures, customs declarants shall have to submit the following papers:

1. For exports:

a/ The export customs declaration (original); the detailed list (original) of goods of different categories or goods packed differently;

b/ The export permit (original) issued by a competent state agency, for goods required by law to have such permit; other documents (copies) required by law for each goods item;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. For imports:

a/ The import customs declaration (original); the declaration of imports value (submitted on a case-by-case basis); the detailed list (original) of goods, for goods lots of different categories or goods packed differently;

b/ The import permit (original) issued by a competent state agency, for goods required by law to have such permit; other documents (copies) required by law for each goods item;

c/ The goods sale and purchase contract or papers of equivalent legal validity (copies); commercial invoices (originals); and bills of lading (originals).

d/ The certificate of origin (original);

e/ The written registration for state inspection of goods quality or the written notice (original) on exemption of state inspection of goods quality, issued by a competent state management agency for imports or exports subject to state quality control.

3. Copies of papers defined in Clauses 1 and 2 of this Article shall be certified, signed and stamped by heads of traders or their authorized persons, who shall take responsibility before law for the validity of such papers.

4. Customs offices’ requests for customs declarants to submit or present documents other than those defined in Clauses 1 and 2 of this Article must be made in writing.

Article 8.- Customs declaration

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Customs declarants shall declare fully, accurately and explicitly appellations and codes of goods, units of calculation, quantities, weights, quality, origin, unit prices, customs value, assorted tax rates and other elements specified in customs declaration forms; calculate by themselves to determine tax amounts and other amounts payable to the state budget, and take responsibility before law for their declarations.

Article 9.- Registration of customs declarations

1. Deadline for registration of customs declarations

a/ The deadline for registration of customs declarations for imports and exports shall comply with the provisions of Clauses 1 and 2, Article 18 of the Customs Law;

b/ For goods exported through international river, land or airway border-gates or international post offices, the customs declarations must be registered at least 02 hours before goods are exported across the border;

c/ Customs declarants may register customs declarations for imports before such imports reach the border-gate of unloading under the provisions of Clause 1, Article 18 of the Customs Law.

d/ If refusing to register customs declarations, customs offices shall notify in writing customs declarants of the reasons therefor.

2. In case of plausible reasons, directors of Customs Sub-Departments shall decide to extend the time limit for submission of the originals of some documents enclosed with customs declarations (except import/export permits for goods requiring such permits), which, however, must not exceed 30 (thirty) days, counting from the date of registration of customs declarations.

3. Before the time of actual goods inspection or the issuance of the decision on exemption from actual goods inspection, if customs declarants give plausible reasons, make a written request and get the consent of directors of Customs Sub-Departments, they may supplement or amend the registered customs declarations; in case of changing the mode of import or export, they may make new customs declarations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. For imports and exports serving emergency needs under the provisions of Article 35 of the Customs Law, customs declarants may submit brief customs declarations for customs clearance, then submit the official ones and accompanied documents within 15 (fifteen) days after the date of registration of brief declarations.

A brief customs declaration shall have the following details: name and address of the importer or exporter; brief information on goods’ appellations and quantity; border-gate of importation; and time of transportation of the imported or exported goods lot.

Dutiable goods shall be entitled to tax policies effective at the time of registration and submission of brief customs declarations.

The Finance Minister shall specify other cases of urgency provided for at Point c, Clause 1, Article 35 of the Customs Law.

6. Single registration of customs declarations

a/ Customs declarants who regularly import or export certain goods items within a certain period under the same goods sale and purchase contracts and through the same border-gate may register customs declarations and submit customs dossiers only once for multiple customs clearance for such goods items within the goods delivery time limit specified in the goods sale and purchase contracts.

b/ A customs declaration for single registration must be liquidated within 15 days after the last goods lot is imported or exported or the contract terminates.

Article 10.- Examination of customs dossiers

1. Examination shall cover examining what declared by customs declarants in customs declarations, comparing the declared contents with documents in customs dossiers defined in Article 7 of this Decree, and examining the compliance of such contents with current provisions of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ For goods owners strictly observing customs law:

Customs officers shall examine the declaration of the elements in declaration forms, preliminarily examine the contents declared by customs declarants, count documents accompanying such declarations and check their types. Where violations are detected, dossiers shall be examined under the provisions of Point b of this Clause.

b/ For other goods owners:

Customs officers shall examine the contents declared by customs declarants, check the quantity and types of papers in customs dossiers and their consistency; and examine the observance of import and export management and tax policies, and other provisions of law.

Article 11.- Actual goods inspection

1. Inspection shall cover inspecting goods’ appellations, codes, quantities, weights, categories, quality and origin; inspecting and comparing the compatibility of the actual condition of goods with customs dossiers.

2. Extent of inspection:

a/ Actual goods inspection shall be exempt for:

a.1. Imports and exports whose owners strictly observe customs law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Exports (except those produced from imported materials and those subject to conditional export under the export management policy);

- Duty-free machinery and equipment for creation of fixed assets of foreign or domestic investment projects.

- Goods brought from overseas into free trade zones, entrepots or bonded warehouses; transit goods; emergency relief goods defined at Point b, Clause 1, Article 35 of the Customs Law; specialized goods in direct service of defense or security; humanitarian aid goods; goods temporarily imported for re-export within a definite term as specified in Articles 30, 31, 32 and 37 of this Decree;

- Goods in other special cases as decided by the Prime Minister;

- Goods other than those mentioned above shall be exempt from actual inspection when the results of information analysis show that they will possibly not violate customs law (except for goods mentioned at Point b1, Clause 2 of this Article).

b/ Actual inspection of all goods lots shall apply to:

b.1. Imports and exports of owners that have repeatedly violated customs law;

b.2. Imports and exports entitled to actual inspection but showing signs of violating customs law as detected by customs offices;

b.3. Goods possibly in violation of customs law as shown by the results of information analysis by customs offices.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Handling of inspection results

a/ Where customs declarants disagree with customs offices’ inspection conclusions on goods’ appellations, codes, weights, categories or quality, they may join the latter in selecting specialized expertise agencies or organizations to expertize goods. The specialized expertise agencies or organizations shall take responsibility for their expertise conclusions.

Where customs declarants and customs offices fail to reach agreement in the selection of expertise organizations, customs offices shall select such organizations and base themselves on such organizations’ expertise results to make conclusions. If customs declarants disagree with such conclusions, they may make complaints in accordance with the provisions of law.

b/ With regard to imports subject to state quality control, within 30 (thirty) days after issuing state quality control registration papers, the competent state management agency in charge of quality must make conclusions on the quality of imports for customs offices to complete customs clearance.

With regard to exports, customs declarants shall have to strictly comply with legal provisions on quality of exports.

Article 12.- Customs clearance

1. Customs offices shall allow customs clearance on the basis of:

a/ Declarations of customs declarants, or conclusions of state inspection agencies or expertise organizations for goods exempt from actual inspection;

b/ Results of their actual goods inspection, for goods having gone through such inspection;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Expertise results, for goods requested to be expertized;

e/ Imports or exports which are non-dutiable at the stage of importation, duty-free goods, processed goods or other special goods shall be cleared from customs procedures immediately after customs offices certify the results of actual goods inspection in customs declarations;

f/ Dutiable imports or exports shall be cleared from customs procedures after customs declarants have paid duties or been granted guarantee by credit institutions or when they are allowed to apply the tax payment time limit specified at Point c, d or e, Clause 1, Article 15 of the Import Tax and Export Tax Law.

2. For imports or exports awaiting expertise results to determine whether they will be imported or exported or not, if the goods owners request to receive them back for preservation, the directors of Customs Sub-Departments shall accept such requests only when they satisfy customs supervision requirements.

3. Conditional customs clearance cases:

a/ Cases specified in Clauses 2 and 3, Article 25 of the Customs Law;

b/ Goods permitted for import or export, provided that the goods valuation, expertise, analysis and classification shall be conducted to determine accurately tax amounts payable for customs clearance under the provisions of Clause 4, Article 25 of the Customs Law.

Article 13.- Supervision of imports and exports

1. Goods subject to customs supervision include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Goods having gone through customs procedures for import but not yet enjoyed customs clearance;

c/ Imports or exports having not yet gone through customs procedures and being kept in warehouses or storing yards within operation areas of customs offices;

d/ Goods or means of transport in transit;

e/ Goods or means of transport moving from border-gate to border-gate;

f/ Goods or means of transport moving from port to port.

2. Modes of customs supervision:

a/ Customs sealing, either by customs paper, string or locks. Customs sealing shall comply with the provisions of Article 14 of this Decree;

b/ Personal supervision by customs officers;

c/ Supervision with technical equipment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 14.- Customs sealing for imports and exports

The following cases are subject to customs sealing:

1. Imports moving from border-gate to border-gate.

2. Imports moving from port to port, unloaded at the border-gate of importation and loaded onto other means of transport for transportation to the port of destination.

3. Exports inspected outside border-gates and transported to the border-gate of exportation.

4. Exports subject to actual inspection by border-gate customs.

Article 15.- Customs procedures for goods imported or exported on the spot

1. Goods exported on the spot which are considered as exports and goods imported on the spot which are considered as imports shall have to comply with legal provisions on imports and exports management and tax policies for imports and exports.

2. Basis for determining that goods imported or exported on the spot must have two separate contracts:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ The import, processing or hire contract containing a provision that the goods shall be received from deliverers in Vietnam.

3. The Finance Ministry shall guide in detail customs procedures for goods imported or exported on the spot.

Section 2. GOODS TRANSPORTED FROM PORT TO PORT, FROM BORDER-GATE TO BORDER-GATE, OR IN TRANSIT

Article 16.- Principles for customs management of goods transported from port to port, from border-gate to border-gate, or in transit

Goods transported from port to port, from border-gate to border-gate, or in transit must satisfy the following conditions: their condition being kept unchanged with unbroken seals; being transported by proper routes, to proper places and border-gates and on schedule already registered in the customs dossiers.

Article 17.- Goods transported from port to port

1. Imports transported from port to port mean goods imported from overseas into Vietnam which, when reaching the border-gate of importation, are further transported to the port of destination stated in the bill of lading under the transportation contract for completion of import procedures.

The port of destination means the border-gate of an international seaport, civil airport or railway station, a land border-gate, an international post office, the border-gate of an international river port or an inland port.

Imports transported from port to port shall be transported by the very means of transport which have entered Vietnam, or by other means of transport to the port of destination.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The border-gate of delivery means the border-gate of an international seaport, civil airport or railway station, an international post office, the border-gate of an international river port or an inland port.

Exports transported from port to port may be transported by one or different means of transport from the first port of delivery to the port of exit to a foreign country.

3. Port-to-port transportation procedures:

a/ Responsibilities of transporters:

- To carry out customs procedures for port-to-port transportation of goods;

- To circulate customs dossiers between the customs office at the port of departure and that at the port of arrival;

- To keep the conditions of goods unchanged with unbroken customs seals (if any) and seals of transportation companies in the course of transporting goods from port to port.

b/ Responsibilities of the customs office at the port of departure:

- To make 02 hand-over records;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- To keep a manifest (copy), a bill of lading (copy) and a hand-over record.

c/ Responsibilities of the customs office at the port of arrival:

- To receive the port-to-port transportation dossier and supervise the goods until they are exported or until the imports have gone through import procedures;

- To keep a manifest and a bill of lading (copies) and a hand-over record;

- To immediately notify the customs office at the port of departure of the receipt of goods and port-to-port transportation dossiers as well as the situation of goods transported from port to port.

Article 18.- Goods transported from border-gate to border-gate

1. Exports transported from border-gate to border-gate mean exports being under customs inspection or supervision, transported from a customs clearance point outside border-gate or from an inland goods inspection site to the border-gate of exportationation.

2. Imports transported from border-gate to border-gate mean exports being under customs inspection or supervision, transported from the border-gate of importation to the customs clearance point outside border-gate or to an inland goods inspection site.

3. Imports transported from border-gate to border-gate include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Raw materials, materials, parts and accessories for production, transported to customs clearance points outside border-gate or to inland goods inspection sites where factories or production establishments are located;

c/ Imports  of many owners sharing the same bill of lading, which are transported to inland goods inspection sites;

d/ Goods temporarily imported for participation in fairs or exhibitions, which are transported from the border-gate of importation to the fair or exhibition venues; fair or exhibition goods transported from fair or exhibition venues to the border-gate of exportation for re-export.

e/ Goods imported for duty-free shops, transported from border-gates to duty-free shops;

f/ Imports brought into bonded warehouses, which are allowed for transportation from the border-gate of importation into bonded warehouses; goods kept in bonded warehouses for export, transported from such bonded warehouses to the border-gate of exportation;

g/ Imports of export-processing enterprises in export-processing zones, which are transported from the border-gate of importation to export-processing zones; exports of export-processing enterprises in export-processing zones, which are transported from export-processing zones to the border-gate of exportation.

14. Customs procedures for goods transported from border-gate to border-gate:

a/ For imports  transported from border-gate to border-gate:

- Customs declarants: shall send written requests to Customs Sub-Departments outside border-gate; submit customs dossiers as prescribed; circulate customs dossiers between Customs Sub-Departments of border-gates of importation and those of border-gates of exportation; keep the condition of goods unchanged, customs seals and seals of transportation companies unbroken in the course of transportation of goods from border-gates of importation to customs clearance venues outside border-gate;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Customs Sub-Departments of border-gates of importation shall inspect the outer condition of goods; make hand-over records and hand over goods to customs declarants for transportation to customs clearance points outside border-gate; seal up goods in cases defined in Clause 1, Article 14 of this Decree; and notify Customs Sub-Departments outside border-gate of noteworthy information about the goods.

b/ For exports transported from border-gate to border-gate

- Customs declarants shall submit customs dossiers as prescribed at Customs Sub-Departments outside border-gate; transport goods to customs clearance points outside border-gate for customs offices to conduct actual goods inspection (with regard to goods lots subject thereto); circulate customs dossiers between Customs Sub-Departments outside border-gate and those of border-gates of exportation; keep the condition of goods unchanged, customs seals (if any) unbroken in the course of transportation of goods from actual goods inspection sites to border-gates of exportation;

- Customs Sub-Departments outside border-gate shall carry out customs procedures for exports strictly according to regulations; make hand-over records, hand over goods and customs dossiers to customs declarants for transfer to Customs Sub-Departments of border-gates of exportation;

- Customs Sub-Departments of border-gates of exportation shall receive goods; collate goods with hand-over records transferred from Customs Sub-Departments outside border-gate; and supervise goods until they are exported.

Article 19.- Goods in transit

1. Customs procedures for goods in transit must be carried out at headquarters of customs offices at the first border-gate of importation and the last border-gate of exportation.

2. Goods in transit not transported across the mainland territory shall be kept in border-gate warehouses.

3. Goods in transit to be kept in warehouses outside border-gate areas or transported across the mainland territory must be permitted by the Trade Ministry.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ A list of goods in transit, submitted by customs declarants or their representatives to border-gate customs offices, for non-stop transit goods which are kept in the condition as imported and transit goods transshipped from one means of land, railway, river, sea or air transport to another of the same type (except for non-stop air-transported goods in transit);

b/ A customs declaration and a list of goods in transit, submitted by customs declarants or their representatives to border-gate customs offices, for goods in transit which must be warehoused or transshipped from a means of transport of one type to another means of transport of another type.

5. Responsibilities of customs offices

a/ Customs offices at border-gates of entry shall receive the lists of or customs declarations of goods in transit, seal up the places where the goods are stored and certify the condition of the goods in their lists or customs declarations (where customs declaration is required) and hand them to operators of the means of transport for transfer to customs offices at border-gates of goods’ exit;

b/ Where goods in transit cannot be sealed, transporters, customs declarants and accompanying customs officers (if any) shall have to ensure that the goods are kept in the same condition from border-gates of their entry to border-gates of their exit;

c/ Customs offices at border-gates of exit shall receive the lists or customs declarations of goods transferred from customs offices at border-gates of entry, inspect the customs seals or condition of goods and compare them with the contents certified by customs offices at border-gates of entry in such lists or customs declarations before carrying out exit procedures for those goods.

6. In case of accidents or force majeure circumstances, which alter the customs seals or condition of goods, transporters, customs declarants and accompanying customs officers (if any) must apply measures to limit losses and immediately notify such to the nearest commune/ward/township People’s Committees for making written records to certify the altered condition of the goods.

Section 3. GOODS BROUGHT INTO OR OUT OF ENTREPOTS, FREE TRADE ZONES, BONDED WAREHOUSES OR TAX SUSPENSION WAREHOUSES

Article 20.- Customs procedures for goods brought from overseas into or out of entrepots

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Transshipped goods lots shall be subject to customs declaration and supervision while being kept in entrepots. Actual inspection shall only apply to those goods showing signs of law violation.

3. Responsibilities of entrepot traders:

a/ To carry out customs procedures for goods brought into or out of entrepots;

b/ To keep the condition of goods unchanged throughout the time they are kept in entrepots;

c/ To provide services of reinforcing packages, putting goods into smaller parcels and re-packing goods for preservation and to meet transportation requirements.

Article 21.- Customs procedures for goods brought into or out of free trade zones

Goods brought into or out of free trade zones shall be subject to customs inspection and supervision as follows:

1. Goods brought from overseas into free trade zones or vice versa shall be subject to customs declaration. Actual inspection shall only apply to goods showing signs of law violation.

2. Goods brought from free trade zones to inland areas must go through customs procedures like exports.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Goods brought from one free trade zone to another must go through customs procedures like goods transported from border-gate to border-gate under the provisions of Article 18 of this Decree.

The Finance Minister shall specify customs procedures for goods brought into or out of free trade zones and other non-tariff zones.

Article 22.- Bonded warehouses

1. A bonded warehouse means a storehouse or storing yard area separated from the surrounding area for temporary storage and preservation of, or for provision of services for, goods taken from overseas or the country under a bonded warehouse-hire contract between the bonded warehouse’s owner and the goods owner.

2. Bonded warehouses may be established in the following areas:

a/ International seaports or civil airports, international railway or land border-gates, which are goods exchange hubs between Vietnam and foreign countries and convenient for transportation of imports and exports;

b/ Industrial parks, hi-tech parks, export-processing zones or other special economic zones.

3. Conditions for the establishment of bonded warehouses:

a/ Enterprises established under the provisions of law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Storehouses and storing yards established in the areas defined in Clause 2 of this Article must be separated from the surrounding area with fencing walls and meet the requirements of regular customs inspection and supervision;

d/ Having adequate material and technical facilities and means of transport up to the requirements of goods storage and preservation as well as customs inspection and supervision.

4. Bonded warehouses, goods and means of transport, which leave or enter, are kept or preserved in bonded warehouses, shall be subject to customs procedures, inspection and supervision.

5. The General Director of Customs shall issue decisions on the establishment of bonded warehouses.

Article 23.- Services provided within bonded warehouses

Owners of goods in bonded warehouses may personally provide or authorize bonded warehouse owners to provide the following services related to their goods:

1. Reinforcing, parceling or packing goods; classifying goods by quality, maintaining goods.

2. Carrying out customs procedures for goods brought into or out of bonded warehouses.

3. Transporting goods from border-gates into bonded warehouses or vice versa, from one bonded warehouse to another.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 24.- Hire of bonded warehouses

1. Subjects permitted to hire bonded warehouses:

a/ Vietnamese traders of all economic sectors that are licensed to engage in import/export business;

b/ Foreign traders;

c/ Foreign organizations and individuals.

2. Bonded warehouse-hire contracts:

A bonded warehouse-hire contract is an agreement made between a bonded warehouse owner and a goods owner in accordance with the provisions of law. Such a contract must specify goods appellations, categories, quantity, quality, hire term, and services defined in Article 23 of this Decree if requested by the goods owner, and responsibilities of the contracting parties.

3. The term of a bonded warehouse-hire contract shall not exceed 365 days (three hundred and sixty five) days from the date the goods are warehoused. The bonded warehouse owner shall have to give the bonded warehouse-customs office a written advance notice of the expiration of the term of the bonded warehouse-hire contract. If requested in writing by the goods owner and consented in writing by the director of the Customs Department, such term may be extended for not more than 180 (one hundred and eighty) days after the expiration of the contract.

4. Past ninety (90) days after the expiration of the contract, if the goods owner fails to sign an extended contract or bring the goods out of the bonded warehouse, the Customs Department shall organize the liquidation of goods kept in such warehouse under the provisions of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. The liquidation of goods kept in bonded warehouses shall comply with the provisions of law. The proceeds from goods liquidation (less the warehousing costs and other costs connected with the liquidation according to the provisions of law), shall be remitted into the state budget.

Article 25.- Management and preservation of goods in bonded warehouses

1. Goods having gone through customs procedures for export from Vietnam, overseas goods in need of transit and storage in Vietnam before export to a third country or completion of procedures for import into Vietnam, which are owned by subjects permitted to hire bonded warehouses defined in Clause 1, Article 24 of this Decree, may be put into bonded warehouses for preservation.

The following goods must not be kept in bonded warehouses:

a/ Goods with fake Vietnamese labels, appellations or origin;

b/ Goods which are dangerous for humans or pollute the environment;

c/ Goods banned from import or export, except when permitted by the Prime Minister.

2. Goods brought from overseas into bonded warehouses include:

a/ Goods of foreign owners that have not yet entered into sale contracts with Vietnamese enterprises;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Goods transited and warehoused in Vietnam before export to a third country.

3. Goods brought from inland Vietnam into bonded warehouses include:

a/ Exports having gone through customs procedures and waiting to be exported;

b/ Goods which must be re-exported and the term of temporary import has expired; and,

c/ Goods which are forced to be re-exported by competent state agencies.

4. Goods kept and preserved in bonded warehouses must be compatible with bonded warehouse-hire contracts. Goods brought into or out of bonded warehouses must go through customs procedures according to the provisions of law.

5. Bonded warehouse owners must open accounting books to monitor the warehousing and ex-warehousing of goods under regulations of the Finance Ministry. Once very 6 (six) months, they must report in writing to the directors of Customs Departments on the actual condition of warehoused goods and the situation of operation of their warehouses.

6. In case bonded warehouse owners want to destroy goods which are broken, damaged, deteriorated or expired while being stored in their warehouses, they must reach written agreement with the owners of such goods or their lawful representatives on the destruction thereof. The written agreements shall be sent to Customs Departments of the localities where the bonded warehouses are located. The destruction procedures shall comply with the provisions of law.

Article 26.- Customs procedures for goods brought into or out of bonded warehouses

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ For goods from overseas: Goods owners or their lawful representatives must submit bonded warehouse-hire contracts, declarations of goods to be warehoused and bills of lading;

b/ For goods from inland Vietnam: Goods owners or their representatives shall have to submit bonded warehouse-hire contracts and customs declarations of exports which have gone though customs procedures.

2. Goods brought out of bonded warehouses:

a/ For goods brought to foreign countries: Goods owners or their lawful representatives shall have to submit customs declarations of exports; written authorizations for goods ex-warehousing (if it is not stated in bonded warehouse-hire contracts); and ex-warehousing bills made strictly according to the form provided by the Finance Ministry;

b/ For goods imported into Vietnam:

- For goods brought from overseas into bonded warehouses and transferred to other owners, and goods stored in bonded warehouses and liquidated by Customs Departments, if they are imported into Vietnam, they shall have to go through the prescribed customs procedures like other imports;

- The time of actual importation of goods shall be the time of registration of the customs declarations for such goods by customs offices.

c/ Goods stored in bonded warehouses for coercive re-export under decisions of competent state management agencies must not be re-imported into Vietnam.

Article 27.- Establishment of tax suspension warehouses

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Conditions for the establishment of tax suspension warehouses:

a/ Enterprises set up under the provisions of law;

b/ Owing no tax debts subject to coercive measures;

c/ Having a system of books and vouchers to fully monitor the import, export, warehousing and ex-warehousing of goods according to the provisions of law;

d/ Building warehouses in an area that meets customs management and supervision requirements.

3. The directors of Customs Departments shall issue decisions on the establishment of tax suspension warehouses.

4. Enterprises having tax suspension warehouses shall have to organize the management of such warehouses; closely coordinate with customs offices in inspecting and supervising them according to regulations. Customs offices shall not directly supervise and seal up tax suspension warehouses.

Article 28.- Customs procedures for goods brought into tax suspension warehouses

1. Customs procedures for imported raw materials brought into tax suspension warehouses shall be the same as those applicable to imports, except for tax payment procedures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 29.- Handling of goods which are damaged or deteriorated while being stored in tax suspension warehouses, and liquidation of goods in tax suspension warehouses

1. Goods which are damaged or deteriorated, failing to meet production requirements, while being stored in bonded warehouses, may go through customs procedures for re-export or destruction. The destruction shall be conducted as follows:

a/ Enterprises shall send a written request to Customs Departments managing tax suspension warehouses, clearly stating the reason for destruction, names of raw materials, their types and quantity and import customs declarations (serial numbers, dates);

b/ Enterprises shall themselves organize and take responsibility for the destruction of goods. The destruction shall be conducted under supervision of customs, tax and environment offices;

c/ The destruction results must be recorded and certified. Such records shall later serve as liquidation documents.

2. Liquidation of goods in bonded warehouses

At the end of every plan year (December 31) and by January 31 of the subsequent year at the latest, every enterprise shall have to make a sum-up report on import customs declarations and the total volume of raw materials already imported under the tax suspension regime and a sum-up report on export customs declarations and the total quantity of products which must be exported, then send them to the customs office.

- If the export percentage is lower than the tax-suspension percentage, enterprises shall have to immediately pay tax for the quantity of finished products being the difference between the quantity of products which must be exported and that of actually exported products. The late tax payment shall be handled according to the provisions of law.

- If the export percentage is higher than the tax-suspension percentage, enterprises shall be refunded a tax amount for the difference between the quantity of exported products and the quantity of goods for which tax has been paid.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 4. GOODS IMPORTED OR EXPORTED BY OTHER MODES

Article 30.- Goods temporarily exported or imported for participation in fairs, exhibitions, or for product show

1. Goods temporarily imported for participation in fairs, exhibitions, or for product show (hereinafter referred to collectively as temporarily imported goods).

a/ Temporarily imported goods may go through customs procedures at border-gates of importation or be checked at fair or exhibition venues;

b/ The sale, donation or exchange in Vietnam of temporarily imported goods which are banned from import or subject to conditional import  must be permitted by competent state agencies.

2. Goods temporarily exported for participation in fairs, exhibitions, or for show in foreign countries (hereinafter referred to collectively as temporarily exported goods).

a/ Temporarily exported goods may go through customs procedures at headquarters of border-gate customs offices or at customs clearance points outside border-gate;

b/ The sale, donation or exchange in foreign countries of temporarily exported goods which are banned from export or subject to conditional export must be permitted by competent state management agencies.

3. Temporarily imported goods which are banned from import and temporarily exported goods which are banned from export must go through customs procedures at the same border-gates.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Machinery, equipment and professional instruments needed for the jobs of persons on entry or exit may be temporarily imported or exported for a definite term suitable to the requirements of their jobs.

2. Customs dossiers shall each comprise:

a/ A customs declaration; a detailed list of goods;

b/ A written request of the customs declarant;

c/ A bill of lading (for temporarily imported goods);

d/ Papers certifying the use of temporarily imported or exported machinery, equipment or professional instruments for the job of the person on entry or exit, issued by the agency or organization where such person works.

Article 32.- Components, spare parts temporarily imported for re-export in service of the replacement or repair of foreign seagoing ships or airplanes

1. Foreign ocean shipping companies or airlines which have seagoing ships or airplanes repaired in Vietnam, may send to Vietnam components or spare parts thereof in service of such repair.

2. Components or spare parts temporarily imported for re-export in service of the replacement or repair of foreign seagoing ships or airplanes may be carried along onboard such ships or airplanes upon their entry or sent before or after their entry to the addresses of shipping agents or repairing factories.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Customs dossiers shall each comprise:

a/ A customs declaration; a detailed list of goods;

b/ A bill of lading;

c/ A written request of the customs declarant.

Article 33.- Goods exported or imported by post or sent through international express mail service

1. The application of customs procedures to imports or exports shall depend on the mode of import or export of those goods.

2. Postal service- and international express mail service-providing enterprises shall be lawful representatives of goods owners. When carrying out customs procedures for goods, postal service-providing enterprises shall exercise the following rights and perform the following obligations of goods owners:

a/ To make customs declaration;

b/ To produce goods for customs inspection;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ To receive goods for delivery to goods owners.

3. Postal service- and international express mail service-providing enterprises may declare goods of different owners in the same customs declaration form.

Article 34.- Goods sold, purchased or exchanged by border residents

1. Border residents who carry goods within set quotas across the borders shall not have to make customs declarations but shall have to make customs declarations if the goods quantity exceeds the set quota and observe the provisions of tax law and imports and exports management policy.

2. Where customs offices are not located, the border-guards shall manage goods under the provisions of Clause 1 of this Article.

Article 35.- Imported, exported moveable property

1. Foreigners taking their moveable property into Vietnam in service of their work and daily life during their stay in Vietnam shall, when filling in the customs procedures, submit and produce the following papers:

a/ A customs declaration; a detailed list of property;

b/ A written certification of his/her work in Vietnam, issued by a competent Vietnamese state management agency;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Foreigners who bring their moveable property out of Vietnam, when carrying out customs procedures, shall have to submit and produce the following papers:

a/ A customs declaration; a detailed list of assets;

b/ A written certification of the expiration of his/her working term in Vietnam, issued by the Vietnamese Foreign Ministry or competent state management agency;

c/ An import declaration with customs certification, accompanied by documents on liquidation of temporarily imported property with the customs office and tax payment vouchers for goods liable to tax.

3. Moveable property of Vietnamese organizations or individuals taken from Vietnam to foreign countries for working purposes or purchased in foreign countries and brought into Vietnam upon the expiration of the working term of such organizations or individuals shall be subject to customs procedures. Customs dossiers shall each comprise:

a/ A customs declaration;

b/ A decision of a competent agency permitting the concerned subject to do business or work overseas or return to Vietnam;

c/ An export customs declaration and other documents evidencing that the goods have been brought overseas or invoices on the purchase of goods overseas.

4. Moveable property brought into Vietnam by Vietnamese persons and families residing overseas who are permitted to settle in Vietnam or taken out of Vietnam by those who are permitted to settle abroad shall be subject to customs procedures. Customs dossiers shall each comprise:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ A decision permitting the settlement in Vietnam or overseas (in case of exit);

c/ Papers proving the ownership over property in question, except for articles and items serving the daily life of the concerned family or individual.

Article 36.- Imported and exported foreign currencies, precious metals, gems and Vietnamese currency

1. People on entry or exit who carry gems or precious metals (except gold of international standards) must adhere to regulations of competent state management agencies and fill in customs procedures.

2. People on entry or exit who carry foreign currencies or Vietnamese currency in cash:

a/ People on entry or exit who carry foreign currencies in cash (including banknotes, coins and traveler’s checks) or Vietnam dong in cash or gold in excess of the limit set by the State Bank shall have to make customs declarations at border-gates;

b/ People on exit who carry foreign currencies in cash or Vietnam dong in cash in excess of the set limit or of the foreign currency amount already declared with customs offices upon their entry must obtain the State Bank’s permits;

c/ People on exit who carry foreign currencies in cash or Vietnam dong in cash in excess of the set limit but not in excess of the foreign currency amount already declared with customs offices upon their entry shall have to produce the entry customs declarations but shall not have to obtain the State Bank’s permits.

3. People on entry or exit who carry gold of international standard shall observe regulations of the State Bank.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Customs procedures for goods in service of emergency requirements:

a/ Heads of agencies shall issue written certifications for goods imported or exported in service of emergency requirements and shall take responsibility before law therefor;

b/ Imports and exports in service of emergency requirements shall be cleared from customs procedures before the submission of their customs dossier documents. Such documents must be submitted within 30 (thirty) days after the customs clearance for goods;

c/ Directors of Customs Sub-Departments shall base themselves on the characteristics and kinds of goods  as well as the extent of emergency to decide on the appropriate form of actual inspection of such goods.

2. Customs procedures for imports and exports in direct service of defense or security requirements:

a/ Imports and exports accompanied by written certifications of the Minister of Public Security or the Minister of Defense that they are in direct service of defense or security requirements shall be cleared from customs procedures before the submission of their customs dossier documents. Such documents must be submitted within 30 (thirty) days after the customs clearance for goods;

b/ Goods in direct service of defense or security requirements accompanied by written certifications of the Minister of Public Security or the Minister of Defense which require that their safety or confidentiality (classified as strictly confidential or top secret) strictly be protected shall be exempt from actual inspection and customs declaration.

The Minister of Public Security and the Minister of Defense shall take responsibility before the Prime Minister for the contents of their written certifications.

Article 38.- Customs procedures under preferential or immunity regime

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Personal luggage and vehicles of the following individuals and organizations shall be exempt from customs inspection:

a/ Vehicles and articles used for performance of official duties of foreign diplomatic representative missions or consulates or representative offices of international organizations in Vietnam shall enjoy preferential treatment or diplomatic immunity under the provisions of law;

b/ Holders of diplomatic passports granted by the Vietnamese Foreign Ministry or foreign-based embassies or general consulates or by foreign ministries or competent agencies of the countries which have recognized the Socialist Republic of Vietnam;

c/ Wives (or husbands) and minor children accompanying the persons defined at Point b of this Clause.

3. Other goods exempt from customs declaration or inspection under decisions of the Prime Minister.

4. If having grounds to believe that vehicles, goods or articles of persons defined in Clause 1 or 2 of this Article are in violation of the prescribed preferential or immunity regime, the General Director of Customs shall decide on the inspection and handling thereof according to the provisions of Article 62 of the Customs Law.

Article 39.- Goods and luggage consigned for import or export which are strayed or mistakenly claimed

1. When filling in customs procedures for claiming their drifted, strayed or mistakenly claimed goods or luggage which had been consigned for import or export, goods owners or their authorized persons must submit the following papers:

a/ Documents evidencing their ownership over the consigned goods or luggage;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Where it is impossible to identify the recipients of consigned goods or luggage specified in this Article, such goods or luggage shall be handled according to the provisions of Article 45 of the Customs Law.

Chapter III

CUSTOMS PROCEDURES FOR, INSPECTION AND SUPERVISION OF, MEANS OF TRANSPORT ON ENTRY, EXIT OR IN TRANSIT

Article 40.- General provisions

1. Means of transport, when entering, leaving or transiting the Vietnamese territory, shall be subject to customs procedures at border-gates of their entry, exit or transit. When carrying customs procedures, if customs offices detect signs of law violations, the operators of means of transport in question must abide by customs requests for inspection or search under the provisions of law.

2. Authorities of airports, seaports and international railway stations shall have to notify in advance border-gate Customs Sub-Departments of the information specified in Article 56 of the Customs Law. Transport organizations shall have to supply border-gate Customs Sub-Departments with information on goods, passengers, crew members and persons working on their means of transport as well as information relating to the customs management of means of transport on entry, exit or in transit.

3. Information specified in Clause 2 of this Article shall be supplied in writing or via a computer network connected to Customs Sub-Departments.

4. Means of transport on entry, exit or in transit shall be subject to customs supervision according to the provisions of Article 13 of this Decree.

5. Military means of transport carrying passengers and civil goods shall be subject to customs procedures upon their entry, exit or transit, like other means of transport.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Right after the entry of airplanes and before airline agencies complete airline procedures for passengers on exit and exports, operators of airplanes or their representatives must each submit to customs offices at the airports the following documents:

a/ A list of goods and luggage;

b/ A list of crew members and servants working onboard the airplane;

c/ A list of passengers.

2. Airplanes in transit for technical stopovers shall not be subject to customs declaration but be subject to customs supervision.

Article 42.- Seagoing ships on entry, exit, in transit

1. Customs procedures:

a/ At least 01 (one) hour before the entry or exit of seagoing ships which are ready to go through customs procedures, port authorities and ship owners or representatives of ship owners shall notify customs offices at ports of information specified in Clauses 2 and 3, Article 40 of this Decree;

b/ Customs offices shall carry out procedures for entry or exit seagoing ships at prescribed locations. Where competent state agencies decide that seagoing ships will moor or anchor at other places in the Vietnamese sea areas, customs procedures for ships on entry or exit shall be carried out at such places.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



When filling in customs procedures, shipmasters or their representatives must present to the customs office at port the ship’s log book (for entry), and a diagram of goods loaded onboard the ship, and submit the following declarations:

a/ A manifest of cargo transported onboard the seagoing ship;

b/ The declaration on departure and arrival of the ship, for entry and exit;

c/ The declaration on materials and fuel, food and foodstuff provisions of the ship;

d/ The declaration on explosives, flammables, anesthetics, toxics and weapons onboard the ship;

e/ A list of crew members;

f/ A list of passengers (if any);

g/ The declarations on goods and luggage of crewmembers.

3. All customs dossier documents already submitted to customs offices must neither be withdrawn nor amended, except for plausible reasons and the amendment of such documents will not affect the observance of the provisions of tax law and the imports and exports management policy, and is approved by Customs Sub-Department directors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Seagoing ships or airplanes moving from port to port means that ships or airplanes are moving from one port to another for unloading imports or loading exports under customs inspection and supervision.

2. Before moving from port to port, operators of ships or airplanes or their lawful representatives must submit the cargo manifests to customs offices.

3. Customs offices at places from which seagoing ships or airplanes leave shall carry out customs procedures for port-to-port movement and hand customs dossiers to the ship or airplane operators for transfer to customs offices at places in which the ships or airplanes will arrive.

4. Goods transferred from port to port, food and foodstuff provisions of seagoing ships moving from port to port must be affixed with customs seals, except where exports remain in cargo compartments and have not been unloaded from the ships.

Article 44.- Transnational trains on entry, exit, in transit

1. Transnational trains on exit: When a train arrives at a border railway station, the train master or his/her representative must submit to the customs office at the station the following papers:

a/ A declaration on the train’s members, a list of crewmembers and people working on the train, and a declaration of their luggage;

b/ A list of exports, including in-transit goods, a record of hand-over and receipt of wagons (for cargo trains);

c/ A list of passengers and their registered luggage-claim tickets (for passenger trains);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Transnational trains on entry: When such a train arrives at a border railway station, the train master or his/her representative shall submit to the customs office at the station the following papers:

a/ A declaration on the train’s members, a declaration on luggage of crewmembers and people working on the train;

b/ A declaration on imports, a record of hand-over and receipt of wagons (for cargo trains);

c/ A list of passengers and their registered luggage-claim tickets (for passenger trains);

d/ A declaration on fuels, materials, food, foodstuff provisions of the train;

e/ A manifest of cargo unloaded at each inland international railway station.

3. Transnational trains at inland international railway stations: When such a train arrives at an inland international railway station, the train master or his/her lawful representative must submit to the customs office at the station the following papers:

a/ A manifest of imports, certified by the customs office at the border international railway station;

b/ A bill of lading;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Managers of transnational trains or goods owners shall take responsibility for keeping goods and wagons in the same condition in the course of transportation from the inland station of loading to the station of exit (for exports) and from the station of entry to the inland station of unloading (for imports).

Article 45.- Cars on entry, exit or in transit

1. Cars defined in this Article mean cargo trucks and passenger cars for commercial purposes.

2. Cars on-entry, exit or in-transit must, when arriving at border-gates, stop at prescribed places for carrying out customs procedures. Customs declarants must declare and submit to the border-gate customs office the following papers:

a/ An entry or exit permit as provided in the land transport treaty concluded between Vietnam and the bordering country or concluded between regional countries;

b/ A customs declaration for the car on entry, exit or in transit;

c/ A declaration of imports or exports (for cars carrying imports or exports);

d/ A declaration of imported or exported luggage of the driver;

e/ A list of passengers and a declaration of their luggage (if any).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



For rudimentary vehicles on entry, exit or in transit, their owners or operators must declare and submit to customs offices the following papers:

1. A declaration of imports or exports (if any).

2. A declaration of luggage of the operator of the means of transport, people working on such means of transport and passengers (if any).

Article 47.- Means of transport of individuals or agencies or organizations which are temporarily imported for re-export or temporarily exported for re-import for non-commercial purposes

1.  Means of transport of individuals or agencies or organizations on entry or exit for non-commercial purposes defined in this Article mean passenger cars, passenger-cum-cargo cars, motorbikes, boats or canoes with or without motor engines. The temporary import or export of such means must be permitted by competent agencies under the provisions of the land transport treaty between Vietnam and the bordering country.

2. Means of transport of individuals or organizations in border areas that regularly cross the borders shall need no permits.

3. Customs dossiers shall each comprise:

a/ A customs declaration;

b/ A permit (except for temporary import for circulation in the border area);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The Finance Ministry shall guide the implementation of the provisions of Clauses 1 and 2 of this Article.

Chapter IV

INTELLECTUAL PROPERTY CONTROL OVER IMPORTS AND EXPORTS

Article 48.- Procedures for suspension of customs procedures

1. Holders of intellectual property (IP) rights or their lawfully authorized persons (hereinafter called applicants) shall have the right to file with customs offices applications for a long term or specific suspension of customs procedures for imports or exports suspected of infringing upon IP rights (hereinafter called suspension applications for short).

2. The authorization of the filing of applications shall be conducted as follows:

a/ Vietnamese individuals, legal persons and other subjects as well as foreign individuals residing in Vietnam may authorize industrial property representation service organizations to file applications on their behalf;

b/ Foreign legal persons having representative offices in Vietnam, foreign individuals or legal persons having production and/or business establishments in Vietnam may authorize their Vietnam-based representative offices or production and/or business establishments or industrial property representation service organizations to file applications on their behalf;

c/ Foreign individuals not residing in Vietnam and having no production and/or business establishments in Vietnam, foreign legal persons having neither lawful representatives nor production and/or business establishments in Vietnam may only authorize industrial property representation service organizations to file applications on their behalf.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ For long-term suspension requests:

- The application (made according to a set form);

- Copies of industrial property protection titles or other documents evidencing industrial property rights being protected in Vietnam or copies of certificates of registration of contracts on the transfer of rights to use industrial property objects; copies of copyright and relevant right registration certificates or other documents evidencing copyright and relevant rights;

- The written authorization of application filing (in case of authorization);

- The detailed description of goods infringing upon IP rights, including photos (if any), and characteristics for distinguishing genuine goods from goods infringing upon IP rights;

- The list of lawful importers or exporters of goods requested to be supervised; the list of importers or exporters that are likely to import or export goods infringing upon IP rights;

- The mode of import or export and other information related to the import or export of goods infringing upon IP rights (if any);

- The receipt of payment of fee for suspension of customs procedures with regard to goods suspected of infringing upon IP rights.

b/ For specific suspension requests:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Copies of industrial property protection titles or other documents evidencing industrial property rights currently protected in Vietnam or copies of certificates of registration of contracts on the transfer of rights to use industrial property objects; copies of copyright and relevant right registration certificates or other documents evidencing copyright and relevant rights;

- The written authorization of application filing (in case of authorization);

- The address of the goods importer or exporter (if any);

- The predicted time and venue of carrying out import and export procedures;

- The detailed description or photos of goods infringing upon IP rights;

- The results of expertizing initial evidence by an IP expertise organization;

- The receipt of payment of security money into the customs custody account at the state treasury equal to 20% of the goods lot’s value stated in the contract or of at least VND 20,000,000 (where the value of such goods lot has not yet been determined), or the guarantee document issued by a credit institution to secure the payment of damages for the goods owner and other expenses which may be incurred by concerned agencies, organizations or individuals due to improper suspension of customs procedures;

- The receipt of payment of fee for suspension of customs procedures for goods suspected of infringing upon IP rights.

Article 49.- Term and scope of application

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Venues for receipt of applications:

a/ Customs Sub-Departments shall receive applications falling within the scope of border-gates under their management;

b/ Customs Departments shall receive applications falling within the scope of border-gates under their management;

c/ The General Department of Customs shall receive applications falling within the scope of border-gates under management of 02 or more Customs Departments;

3. Within 30 (thirty) days after receiving long-term suspension applications or within 24 working hours after receiving specific suspension applications, which are complete under the provisions of Clause 3, Article 48 of this Decree, customs offices shall have to consider and issue written notices on the acceptance of such applications and acknowledgement of information therein. If rejecting the applications, they must give written replies, clearly stating the reasons therefor.

Article 50.- Procedures for exercise of IP rights

1. After accepting applications, the General Department of Customs and Customs Departments shall supply relevant Customs Sub-Departments in charge of such applications with acknowledged information about goods bearing fake labels or infringing upon IP rights, and direct follow-up work.

2. If accepting applications, basing themselves on information in such applications and instructions of the General Department of Customs and provincial/municipal Customs Departments, Customs Sub-Departments shall have to inspect and detect goods suspected of bearing fake labels or infringing upon IP rights. When detecting goods lots with fake labels or infringing upon IP rights, directors of Customs Sub-Departments shall suspend the carrying out of customs procedures and notify applicants thereof in writing, concurrently request the latter to pay an advance amount for security or submit guarantee documents (if not paid or submitted yet) within 03 (three) working days after the issuance of notices.

a/ Within 03 (three) working days after suspension, if applicants neither request further suspension of customs procedures nor pay an advance security amount or submit guarantee documents, Customs Sub-Departments shall continue carrying out customs procedures for concerned goods lots;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



A decision on suspension of customs procedures must specify the goods lot subject to suspension; the names, addresses, fax and telephone numbers of the goods lot owner and the applicant; the holder of IP rights; the reasons for suspension of customs procedures and the suspension term.

Article 51.- Term of suspension of customs procedures and inspection for determination of legal IP status

1. The term of suspension of customs procedures shall be 10 (ten) working days from the date of issuance of suspension decisions.

During the term of suspension of customs procedures, if applicants request the extension of such term and pay additional security money amounts at the levels specified in Clause 3, Article 48 of this Decree, directors of Customs Sub-Departments shall issue decisions to prolong this term for another 10 (ten) working days at most.

2. The time for concerned parties to supplement evidence, arguments and documents or the time for expertise at an IP state management agency at the request of Customs Sub-Departments shall not be counted into the term mentioned in Clause 1 of this Article.

3. Determination of legal IP status of goods subject to customs procedure suspension

a/ Contents of determination shall cover:

- Whether the goods contain infringing elements or not;

- Whether the goods have been marketed by IP right holders, persons permitted by such holders or persons with lawful use rights (hereinafter called IP right holders for short) or not.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Based on supplied evidence, arguments and documents, if Customs Sub-Departments cannot determine the legal IP status of goods subject to customs procedures suspension, they may request applicants to send written requests to IP expertise organizations for expertise and conclusion.

Article 52.- Continuation of customs procedures for goods suspended therefrom and handling of involved parties

1. Directors of Customs Sub-Departments shall issue decisions to continue carrying out customs procedures for goods lots suspended therefrom in the following cases:

a/ Upon the end of the suspension term, Customs Sub-Departments have not received any written requests for handling of acts of infringing upon IP rights from the applicants or any documents from competent state management agencies or courts which have received written requests for the settlement of disputes over IP rights related to the goods lots suspended from customs procedures;

b/ The results of determination of the legal IP status of the goods lots suspended from customs procedures show that they do not infringe upon IP rights;

c/ The decisions of competent IP dispute-settling agencies affirm that the goods lots suspended from customs procedures do not infringe upon IP rights;

d/ The decisions on customs procedures suspension are suspended or withdrawn under complaint-settling decisions;

e/ The applicants withdraw their applications for customs procedure suspension.

2. Customs offices shall issue decisions to force applicants to pay all expenses incurred by goods owners due to the improper suspension of customs procedures. Such expenses shall cover costs of warehousing, loading, unloading and preservation of goods. Damage caused by customs procedure suspension shall be agreed upon by involved parties or determined according to civil procedures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The tax payment time limit (if any) shall be counted from the date of issue of the decision on continuation of customs procedures for a goods lot.

Article 53.- Handling of involved parties in case of IP right infringement

1. Where it is concluded that goods suspended from customs procedures infringe upon IP rights, goods owners and their goods shall be handled in accordance with the provisions of law.

2. Owners of imports or exports shall bear responsibility before law, implement decisions of competent state agencies, pay damages to IP right holders and expenses incurred due to customs procedure suspension.

3. Goods owners and applicants shall have the right to complain about decisions and conclusions of customs offices regarding the application of IP-related border control measures under the provisions of law.

Article 54.- Responsibilities of IP right holders

IP right holders shall have to take initiative in providing information relating to goods infringing upon IP rights to customs offices; coordinate with the National Office of Intellectual Property, the Copyright Office and the General Department of Customs in annually organizing professional refresher courses for customs officers in order to raise their awareness and initiative in inspecting and stopping goods infringing upon IP rights at border-gates.

Article 55.- Responsibilities of competent agencies

1. The General Department of Customs shall have to organize the implementation of IP-related border control measures in compliance with the provisions of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The National Office of Intellectual Property, the Copyright Department and local IP management agencies shall have to conduct IP expertise at the request of customs offices and involved agencies according to their competence and procedures provided for by IP law.

Chapter V

ORGANIZATION OF COLLECTION OF TAXES AND OTHER LEVIES ON IMPORTS AND EXPORTS

Article 56.- Rights and obligations of customs declarants in making tax declaration, calculation and payment

1. Customs declarants shall have the rights:

a/ To request state agencies to explain and guide policies on taxes and other levies on imports and exports;

b/ To request customs offices to keep secret the declared and supplied information under the provisions of law;

c/ To request customs offices and concerned agencies to exempt taxes; consider tax exemption; reduce or refund taxes, or not to collect taxes and other levies on imports and exports under the provisions of law;

d/ To request state agencies to notify inspection and examination results or comments on inspection and examination conclusions regarding the declaration, calculation and payment of taxes and other levies on their imports and exports; to request customs offices and concerned agencies to explain inspection, examination or tax calculation contents which are different from tax declaration contents;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



f/ To make complaints or denunciations, or initiate lawsuits according to the provisions of law.

2. Customs declarants shall have the obligations:

a/ To declare by themselves fully and explicitly tax bases, tax amounts and other levies in customs declaration forms and take responsibility for their declarations;

b/ To calculate, pay taxes, fines and other levies by themselves in full and on time under the guidance of customs offices.

Where customs declarants are not allowed to authorize the tax payment, the responsibility to pay taxes shall rest with owners of imports and exports.

c/ To supply truthful information and necessary documents concerning tax bases, methods of calculating taxes and other levies at the request of customs offices;

d/ To do bookkeeping, practice cost-accounting and make accounting reports; organize the archive of relevant customs dossiers, invoices and documents; supply such documents at the request of customs offices and in strict compliance with the provisions of law;

e/ To execute customs offices’ decisions on handling of taxes and other levies on imports and exports;

f/ To explain tax bases, methods of calculating taxes and other levies on imports and exports when customs offices and concerned agencies have grounds to suspect them; and about unclear contents in the course of tax declaration, calculation and payment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In the course of organizing the collection of taxes and other levies on imports and exports, customs offices shall have the following responsibilities and powers:

1. To explain, guide, support and create favorable conditions for customs declarants to declare, calculate and pay taxes, fines and other levies on imports and exports.

2. To inspect and examine tax declaration, calculation and payment by customs declarants.

3. To uniformly manage the collection and payment of taxes; to effect tax exemption, consider tax exemption, reduction and refund, not to collect taxes and other levies on imports and exports under the provisions of law.

4. To keep secret information stated and provided by customs declarants.

5. To request customs declarants to supply in full and on time accounting dossiers, documents, vouchers and books when having grounds to suspect tax bases or methods of calculating taxes and other levies on imports and exports so as to examine the declaration, calculation and payment of taxes and other levies; or make clear other contents in the course of tax declaration, calculation and payment.

6. To retrospectively collect and determine tax amounts and other levies on imports and exports in necessary cases according to the provisions of law.

7. To apply measures provided for by law to ensure full collection of taxes.

8. To handle administrative violations and settle tax-related complaints in accordance with the provisions of law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 58.- Imposition of tax amounts and other levies on imports and exports

Customs offices shall impose tax amounts and other levies on imports and exports in the following cases:

1. Customs declarants have based themselves on invalid documents to declare tax bases, calculate and declare payable tax amounts; fail to declare or incompletely and inaccurately declare tax bases which also serve as a basis for calculation of taxes and other levies on imports and exports under the provisions of law.

2. Customs declarants refuse to supply or delay or prolong the time limit set for the supply of, related documents for customs offices to verify the accuracy of tax amounts and other levies on imports and exports.

3. Customs offices have grounds to believe that the declared value of goods is different from their actual value.

4. The determination of payable tax amounts shall be based on current tax policies, customs information and principles for determination of taxable values provided for in Article 4 of the Decree on customs valuation of imports and exports.

Article 59.- Tax payment and tax credit

1. Taxes, fines and other levies on imports and exports shall be paid at state treasuries.

2. The payment of taxes, fines and other levies shall follow the following order:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Payment of taxes and other levies.

3. Taxes, fines and other levies paid in excess of the payable amounts shall be handled in the following order:

a/ To be credited into the amounts of taxes, fines and other levies which customs declarants are owing to the state budget.

b/ To be offset against the amounts of taxes and other levies on subsequent lots of imports or exports at the request of customs declarants;

c/ To be refunded from the state budget.

4. The Finance Minister shall specify forms, dossiers, procedures and order of paying and crediting taxes, fines and other levies.

Article 60.- Tax receipts and other receipts

1. Receipts on payment of taxes, fines and other levies shall be issued uniformly by the Finance Ministry. When paying taxes, fines and other levies, customs declarants must specify every amount and serial numbers of customs declarations.

2. State treasuries or customs offices shall, when collecting taxes, fines and other levies, have to issue receipts or sign, stamp and certify the collection of such amounts in tax receipts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



If imports entitled to tax preferences under the provisions of tax law are subject to tax settlement, customs declarants shall have to settle taxes with customs offices.

If imports are used for purposes other than those for which they are entitled to tax preferences, they shall be subject to retrospective tax and fine collection under the provisions of tax law.

Article 62.- Responsibilities in relation to changes in legal persons or addresses

1. If in the course of production and/or business operation, organizations and individuals having registered import and export codes for import and export business undergo changes in legal persons as a result of merger, dissolution or bankruptcy or changes in their addresses or headquarters, they must notify customs offices thereof in writing and pay all debts to the state budget.

2. Functional agencies competent to decide on dissolution, bankruptcy or merger shall have to notify customs offices in writing and coordinate with the latter in handling tax debts, fine debts and other levies before issuing bankruptcy, dissolution or merger decisions.

Article 63.- Application of measures to secure full collection of taxes

1. Measures to secure the proper and full collection of taxes and other levies shall be applied to imports and exports’ owners or their authorized persons.

2. Applicable measures:

a/ To request banks, state treasuries or other credit institutions to make deductions from deposit accounts of taxpayers to pay taxes and fines;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ To seize goods or distrain assets of taxpayers under the provisions of law in order to ensure full collection of taxes. Past the legally established time limit from the date customs offices issue decisions to seize goods or distrain assets, if taxpayers still fail to fully pay taxes or fines, customs offices may auction goods or assets under the provisions of law to fully collect taxes and fines. The proceeds from such auction, after making deductions to pay taxes and fines, shall be returned to taxpayers;

d/ To apply other professional measures in accordance with the provisions of law.

3. The Finance Minister shall specify the competence and procedures for, and order of, the application of measures to secure the full payment of tax liabilities and other liabilities related to imports and exports.

Chapter VI

POST-CUSTOMS CLEARANCE INSPECTION

Article 64.- Cases of post-customs clearance inspection

Post-customs clearance inspection shall be conducted after imports or exports have been cleared from customs procedures in the following cases:

1. There are signs or possibilities of violation of customs law as shown by the results of information analysis by customs offices.

2. Planned inspection to assess the observance of customs law by customs declarants (hereinafter called inspected units) in cases other than those specified in Clause 1 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Examination of customs dossiers:

a/ To examine the legitimacy and accuracy of customs dossier documents, the consistency of documents enclosed with declarations with the declared contents and with the provisions of law on import and export of goods;

b/ To examine the valuation of goods; tax bases, methods of calculating taxes and other levies; the observance of regulations and policies on management of imports and exports, IP rights, treaties, and other provisions on management of imports and exports;

c/ To examine enterprises’ accounting vouchers and books, financial statements and other documents relating to goods which have been cleared from customs procedures.

2. The actual inspection of imports shall be conducted in case of necessity and when conditions permit.

Article 66.- Inspection methods

Customs offices shall conduct post-customs clearance inspection by the following methods:

1. Requesting the inspected units to produce accounting dossiers, books and vouchers and other documents relating to imports or exports, already cleared from customs procedures, which are preserved by such units, and give explanations at customs offices’ headquarters.

2. Verifying the accuracy and truthfulness of customs dossier documents filed at relevant agencies and organizations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Customs declarants shall themselves conduct inspection and examination to verify the accuracy and truthfulness of customs declarations, tax calculation and payment related to goods lots which have been cleared from customs procedures. If discovering errors, they must notify them to customs offices and voluntarily redress consequences within a time limit prescribed by law in order to be exempt from fines.

Article 67.- Competence to decide on inspection

1. Directors of provincial/inter-provincial/municipal Customs Departments shall decide on inspection in the following cases:

a/ Inspection under the provisions of Clause 1, Article 64 of this Decree. Customs Departments which detect signs or possibilities of violation shall decide on inspection and concurrently report them to the General Director of Customs;

b/ Planned inspection as provided for in Clause 2, Article 64 of this Decree at units headquartered in localities under their management.

2. The General Director of Customs shall decide on post-customs clearance inspection for cases involving complicated inspection contents related to many provinces and centrally run cities.

Article 68.- Inspection duration

1. The inspection duration for every inspection decision at the head-offices of inspected units shall be no more than 05 (five) working days for cases defined in Clause 1, Article 64 of this Decree and 15 (fifteen) working days for cases defined in Clause 2, Article 64 of this Decree.

2. In complicated cases, inspection deciders may extend the inspection duration for a time not exceeding the duration specified in Clause 1, Article 68 of this Decree. The extended time and extension reasons shall be notified in writing to inspected units.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 69.- Processing of inspection results

1. Inspection results shall be updated onto the customs information system for analysis and assessment of the observance of law by goods owners, risks of law violation, which shall serve as bases for customs inspection to determine whether enterprises have strictly observed customs law, and help customs offices in the fight against smuggling.

2. Inspection conclusions and explanations of inspected units (if any), and records of law violations of inspected units shall serve as bases for customs offices to decide on retrospective tax collection, tax refund and handling of tax-related violations under the provisions of law.

3. The retrospective tax collection, tax refund and handling of tax-related violations shall comply with the provisions of tax law and relevant laws.

Article 70.- Rights and obligations of inspectors

1. Obligations of inspectors:

a/ To produce inspection decisions and customs ID cards;

b/ To strictly comply with inspection principles, contents and order;

c/ Not to make unlawful requests; not to intentionally make untrue conclusions; take responsibility before law for inspection conclusions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ To observe confidentiality regulations; manage and use for proper purposes supplied vouchers and documents.

2. Rights of inspectors

a/ To conduct inspection at headquarters of customs offices or inspected units;

b/ To request inspected units to explain related contents;

c/ To examine, duplicate and seize customs dossiers, accounting vouchers and books, financial statements, and other related dossiers and documents of inspected units;

d/ To inspect, copy and seize computer systems and other equipment storing data and figures on production and/or business activities of inspected units;

e/ To conduct actual inspection of imports which have been cleared from customs procedures;

f/ To use necessary equipment to facilitate inspection work;

g/ To receive assistance of experts in different specialized domains;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



i/ To make records of customs-related administrative violations and apply handling measures under the provisions of law;

j/ To apply coercive measures for completion of customs procedures and other handling measures to inspected units which fail to comply with written requests of customs offices.

Article 71.- Rights and obligations of inspected units

1. Rights of inspected units:

a/ To request inspectors to produce inspection decisions and customs ID cards;

b/ To reject inspection if inspection decisions are contrary to law;

c/ To receive inspection conclusions;

d/ To be explained about inspection conclusions and make recommendations on handling measures proposed by inspectors;

e/ To request customs offices to pay damages caused by the unlawful handling of inspection results;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



g/ To enjoy priorities in the course of filling in customs procedures if having strictly observed customs law and regulations on post-customs clearance inspection.

2. Obligations of inspected units:

a/ To designate competent persons to work with inspectors;

b/ To create conditions for inspectors to perform their duties; not to obstruct inspection in any form;

c/ To keep customs dossiers for imports and exports which have been cleared from customs procedures for 05 (five) years from the date of registration of customs declarations; to keep accounting vouchers and books, financial statements and other dossiers and documents relating to imports and exports already cleared from customs procedures within the legally established time limit;

d/ To explain related contents at the request of inspectors;

e/ To supply in full and on time accurate customs dossiers, accounting vouchers and books, financial statements and related dossiers and documents at the request of inspectors;

f/ To create conditions for the inspection of imports;

g/ To observe regulations on post-customs clearance inspection, and abide by inspection decisions and conclusions and handling decisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



CUSTOMS INFORMATION

Article 72.- Customs information system

1. Customs information means a collection of information on imports, exports and in-transit goods as well as means of transport on entry, exit and in transit; on organizations and individuals directly or indirectly involved in the import, export or transit of goods, and related to means of transport on entry, exit and in transit; and other information relating to customs activities.

2. Customs information shall be used as a basis for making statistics on imports and exports; assessing the observance of law by customs declarants, the risks of committing violations of customs law, serving customs clearance, post-customs inspection as well as prevention and combat of violations of law in customs-related activities.

3. Acts of illegally accessing, manipulating and destroying the customs information system are strictly prohibited.

Article 73.- Building of the system of, gathering, processing and exploiting, customs information

1. The General Department of Customs shall have to organize the building, management and development of the database and technical infrastructure of the customs information system uniformly from the General Department of Customs to grassroots units; organize units specialized in gathering and processing information, managing the database, maintaining and operating the customs information system; coordinating with agencies, organizations and individuals outside the customs service in connecting networks for exchange of relevant information.

2. Customs offices at all levels shall have to gather, process and update customs information in the system according to the objectives and management requirements of each period.

Customs information may be gathered and processed from the following sources: dossiers and documents kept by the General Department of Customs; customs procedure clearance, customs inspection and supervision, analysis and classification of goods; results of activities of customs control forces; denunciations about acts of violating customs law committed by agencies, organizations or citizens; agencies, units and organizations involved in customs activities; domestic and foreign mass media; exchange of information with customs offices of foreign countries or international customs organizations; and other sources.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The Finance Minister shall specify the building of the system of customs information, and the gathering, processing as well as scope and extent of exploitation of such information.

2.  Responsibilities of agencies, organizations and individuals

a/ Organizations and individuals shall have to provide information and documents to customs offices under the provisions of law.

b/ Ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies and People’s Committees at all levels shall have to provide and exchange information related to customs activities as follows:

- The Ministry of Trade: To supply information on policies for management of Vietnamese and foreign imports, exports and in-transit goods; and market management information;

- The Ministry of Public Security: To supply and exchange information on the prevention and fight of crimes related to economic management and national security in the domain of state management over customs; provide information on individuals on entry and exit, and information on registration and management of means of transport;

- The Ministry of Defense: To supply and exchange information on the state management of borders, sea areas and islands and information on individuals on entry and exit for the purpose of state management over customs;

- The Ministry of Post and Telematics: To direct and guide postal and telecommunication service-providing enterprises in providing customs offices with information on postal import and export packages and parcels; information on goods receivers and senders; and coordinate with the latter in building an information network;

- The Ministry of Planning and Investment: To direct and guide provincial/municipal Planning and Investment Services in providing information on business registration, investment, establishment, merger and dissolution of import/export enterprises;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Banks and credit institutions: To supply information on payment activities related to imports, exports or in-transit goods of individuals, organizations or enterprises;

- The Ministry of Industry, the Ministry of Agriculture and Rural Development, the Ministry of Health, and other ministries and branches shall, within the ambit of their functions and tasks, have to supply to and share with customs offices information about specialized management of imports and exports of all kinds.

3. Information shall be provided and exchanged in form of documents or electronic data through computer networks connected directly between customs offices and the above-mentioned agencies, organizations and individuals.

4. The Finance Ministry shall assume the prime responsibility for, and coordinate with other ministries and branches in, elaborating specific regulations on exchange and provision of customs information.

Chapter VIII

COMPLAINT, DENUNCIATION, COMMENDATION AND HANDLING OF VIOLATIONS

Article 75.- Complaint and denunciation

1. Organizations and individuals shall have the right to complain about administrative decisions and acts of customs offices and officers when having grounds to believe that such decisions or acts are contrary to law, infringing upon their legitimate rights and/or interests.

Individuals shall have the right to denounce acts of violating law committed by customs officers to heads of customs offices at all levels.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Organizations and individuals have the right to initiate administrative lawsuits before administrative courts against administrative decisions or acts of customs offices or officers under the provisions of law.

Article 76.- Commendation and handling of violations

1. Customs offices and officers, organizations and individuals involved in import and export activities as well as other organizations and individuals that make achievements in implementation or coordination in implementation of regulations on customs procedures, inspection and supervision shall be commended under the provisions of law.

2. Customs declarants and concerned organizations and individuals, if violating the provisions of this Decree shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be administratively handled, pay damages (if any) or be subject to examination for penal liabilities according to the provisions of law.

3. Customs offices and officers as well as concerned organizations and individuals, if committing acts of abusing their positions and/or powers to violate the provisions of this Decree shall, depending on the extent of their violations, be disciplined, pay material damages (if any) or be subject to examination for penal liabilities under the provisions of law.

Chapter IX

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 77.- Effect of the Decree

This Decree takes effect 15 days after its publication in “CONG BAO” and replaces the Government’s Decree No. 101/2001/ND-CP of December 31, 2001, detailing the implementation of a number of articles of the Customs Law regarding customs procedures, inspection and supervision, and Decree No. 102/2001/ND-CP of December 31, 2001, detailing post-customs clearance inspection for imports and exports.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 78.- Responsibilities for implementation of the Decree

The Finance Ministry shall guide the implementation of this Decree.

Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of the Government-attached agencies and presidents of provincial/municipal People’s Committees shall have to implement this Decree.

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Phan Van Khai

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 Hướng dẫn Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


103.057

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.92.98
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!