Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 101/2001/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan

Số hiệu: 101/2001/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 31/12/2001 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 101/2001/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2001

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 101/2001/NĐ-CP NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 2001 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HẢI QUAN VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN, CHẾ ĐỘ KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Hải quan ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia có quy định khác với Nghị định này thì thực hiện theo quy định tại các Điều ước quốc tế đó.

Điều 2. Đối tượng làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan

1. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; ngoại hối, tiền Việt Nam, kim khí quý, đá quý; văn hoá phẩm, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; bưu phẩm, bưu kiện; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; các vật phẩm khác xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hoặc lưu giữ trong địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan.

2. Phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường sông xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Điều 3. Người khai hải quan

1. Người khai hải quan gồm:

a) Người sở hữu đối tượng làm thủ tục hải quan;

b) Người được người sở hữu đối tượng làm thủ tục hải quan ủy quyền hợp pháp;

c) Đại lý làm thủ tục hải quan.

2. Người khai hải quan có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 23 Luật Hải quan.

Điều 4. Địa điểm làm thủ tục hải quan

1. Địa điểm làm thủ tục hải quan là nơi thực hiện các công việc về thủ tục hải quan quy định tại Điều 17 Luật Hải quan. Địa điểm làm thủ tục hải quan gồm:

a) Trụ sở hải quan cửa khẩu được thành lập tại các cảng biển quốc tế, cảng sông quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế, bưu điện quốc tế, cửa khẩu biên giới đường bộ;

b) Trụ sở hải quan ngoài cửa khẩu được thành lập tại các khu vực ngoài cửa khẩu do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Địa điểm làm thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh là trụ sở hải quan cửa khẩu nơi phương tiện vận tải đó xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Điều 5. Địa điểm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu

Địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là nơi cơ quan hải quan thực hiện việc kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, gồm:

a) Địa điểm làm thủ tục hải quan cửa khẩu;

b) Địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu;

c) Địa điểm khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định trong trường hợp cần thiết.

Điều 6. Đại lý làm thủ tục hải quan

1. Đại lý làm thủ tục hải quan (sau đây viết là Đại lý) là người thay mặt người có quyền và nghĩa vụ trong việc làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá, phương tiện vận tải (sau đây viết là chủ hàng) khai hải quan và thực hiện các công việc theo thoả thuận tại hợp đồng đại lý làm thủ tục hải quan (sau đây viết là hợp đồng đại lý).

2. Điều kiện làm Đại lý:

a) Là thương nhân đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Có ngành nghề kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hoá ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

3. Quyền và nghĩa vụ của Đại lý:

a) Thực hiện quyền và nghĩa vụ ghi trong hợp đồng đại lý;

b) Khai và ký tờ khai hải quan;

c) Yêu cầu chủ hàng bồi thường thiệt hại và các chi phí phát sinh do hành vi vi phạm hợp đồng đại lý của chủ hàng gây ra;

d) Yêu cầu chủ hàng cung cấp đầy đủ, chính xác các chứng từ, thông tin cần thiết cho việc làm thủ tục hải quan của lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu;

đ) Thực hiện các công việc về thủ tục hải quan theo ủy quyền của chủ hàng ghi trong hợp đồng đại lý;

e) Chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi được ủy quyền về các nghĩa vụ của người khai hải quan.

5. Quyền và nghĩa vụ của chủ hàng trong việc ủy quyền cho Đại lý:

a) Ký hợp đồng đại lý (trong đó quy định rõ phạm vi ủy quyền, trách nhiệm của người ủy quyền, trách nhiệm của Đại lý);

b) Cung cấp cho Đại lý đầy đủ, chính xác các chứng từ, thông tin cần thiết cho việc làm thủ tục hải quan của lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu;

c) Bồi thường thiệt hại và các chi phí phát sinh cho Đại lý do hành vi vi phạm hợp đồng đại lý của chủ hàng gây ra;

d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm pháp luật của mình hoặc của Đại lý nếu hành vi vi phạm đó không thuộc lỗi của Đại lý.

Chương 2:

THỦ TỤC HẢI QUAN, CHẾ ĐỘ KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN

MỤC 1: ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

Điều 7. Hồ sơ hải quan, đăng ký hồ sơ hải quan

1. Khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan phải nộp và xuất trình hồ sơ hải quan gồm các chứng từ sau:

a) Đối với hàng hoá xuất khẩu:

Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu;

Bản kê chi tiết hàng hóa đối với lô hàng có nhiều chủng loại;

Giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hóa phải có giấy phép xuất khẩu theo quy định của pháp luật;

Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng trong trường hợp cần thiết do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định;

Các chứng từ khác theo quy định của pháp luật đối với từng mặt hàng cụ thể mà người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình cho cơ quan hải quan.

b) Đối với hàng hoá nhập khẩu:

Tờ khai hải quan hàng hoá nhập khẩu;

Hóa đơn thương mại;

Hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng;

Giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hóa phải có giấy phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

Bản sao vận tải đơn;

Bản kê chi tiết hàng hóa đối với lô hàng có nhiều chủng loại;

Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này;

Giấy xác nhận đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa của tổ chức giám định hàng hoá hoặc Giấy thông báo miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng;

Chứng từ khác theo quy định của pháp luật đối với từng mặt hàng cụ thể.

Các giấy tờ trên nếu là bản sao thì phải được người đứng đầu tổ chức kinh doanh hoặc người được người đứng đầu tổ chức kinh doanh ủy quyền xác nhận, ký tên, đóng dấu. Người xác nhận, ký tên, đóng dấu chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của các giấy tờ này.

2. Trường hợp được Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục trưởng Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu (sau đây viết là Chi cục trưởng Hải quan) chấp nhận, người khai hải quan được nộp chậm các chứng từ sau:

a) Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Thời hạn nộp chậm không quá 60 (sáu mươi) ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan;

b) Các chứng từ khác thuộc hồ sơ hải quan (trừ tờ khai hải quan). Thời hạn nộp chậm không quá 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

3. Trước thời điểm công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hoá, nếu người khai hải quan có văn bản đề nghị, được Chi cục trưởng Hải quan chấp nhận, thì người khai hải quan được rút lại tờ khai hải quan đã đăng ký để bổ sung, sửa chữa hoặc thay tờ khai hải quan khác.

4. Yêu cầu về hồ sơ hải quan và đăng ký hồ sơ hải quan đối với các trường hợp khác:

a) Người khai hải quan được đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng nhập khẩu trước khi hàng hoá đến cửa khẩu trong thời hạn quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu;

b) Chủ hàng thường xuyên xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng ổn định, trong một thời gian nhất định của cùng một hợp đồng mua bán được phép sử dụng một tờ khai hải quan (đăng ký tờ khai một lần) để làm thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng đó trong thời gian giao hàng quy định tại hợp đồng mua bán;

c) Chính sách thuế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu thực hiện theo quy định của pháp luật có hiệu lực tại thời điểm xuất khẩu, nhập khẩu thực tế hàng hóa;

d) Người khai hải quan được khai hải quan bằng cách khai trên máy tính của mình đã được nối với mạng máy tính của cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật.

5. Khi làm thủ tục đăng ký hồ sơ hải quan, công chức hải quan có trách nhiệm: kiểm tra các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan; kiểm tra nội dung khai hải quan; đối chiếu nội dung khai hải quan với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan; đăng ký hồ sơ hải quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp không chấp nhận đăng ký hồ sơ hải quan thì phải ghi rõ lý do không chấp nhận để người khai hải quan biết.

Điều 8. Kiểm tra thực tế hàng hóa

1. Cơ quan hải quan các cấp có trách nhiệm tổ chức thu thập, trao đổi thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu về: quá trình chấp hành pháp luật của chủ hàng; chính sách quản lý xuất nhập khẩu; tính chất, chủng loại, nguồn gốc hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; các thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Chi cục trưởng Hải quan căn cứ vào cơ sở dữ liệu được xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều này, hồ sơ hải quan và các thông tin liên quan khác để quyết định hoặc thay đổi hình thức, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hoá, cách xác định tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hoá đối với từng lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu cụ thể.

3. Công chức hải quan làm nhiệm vụ kiểm tra thực tế hàng hóa căn cứ quyết định của Chi cục trưởng Hải quan về hình thức, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hoá để áp dụng các biện pháp, cách thức kiểm tra hàng hoá phù hợp với từng lô hàng cụ thể. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì báo cáo Chi cục trưởng Hải quan quyết định việc thay đổi hình thức, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hoá.

4. Miễn kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

a) Điều kiện đối với chủ hàng hoá được miễn kiểm tra thực tế:

Chủ hàng hoá xuất khẩu có quá trình 01 (một) năm xuất khẩu kể từ ngày làm thủ tục hải quan không bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan với mức phạt trong thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Hải quan.

Chủ hàng hoá nhập khẩu có quá trình 02 (hai) năm nhập khẩu kể từ ngày làm thủ tục hải quan không bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan với mức phạt trong thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Hải quan.

b) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại điểm a khoản này được miễn kiểm tra thực tế, gồm:

Đối với hàng hóa xuất khẩu: hàng nông sản, thủy sản; hàng dệt may; giày dép, cao su tự nhiên; hàng thực phẩm tươi sống; hàng thực phẩm chế biến; hàng hóa cần phải được bảo quản đặc biệt; hàng cơ khí điện máy; hàng lỏng, hàng rời; các mặt hàng mà việc xác định khối lượng, chất lượng, chủng loại hàng hoá phải căn cứ vào kết luận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức giám định; hàng hoá xuất khẩu của doanh nghiệp trong khu chế xuất; hàng hoá xuất khẩu thường xuyên; hàng hoá khác do Chính phủ quy định.

Đối với hàng hóa nhập khẩu: thiết bị, máy móc; hàng thực phẩm tươi sống; hàng hóa cần phải bảo quản đặc biệt; hàng hoá gửi kho ngoại quan, kho bảo thuế; hàng hoá nhập khẩu để đưa vào khu chế xuất, bảo thuế hoặc khu vực ưu đãi hải quan khác; hàng lỏng, hàng rời và các mặt hàng mà việc xác định khối lượng, chất lượng, chủng loại phải căn cứ vào kết luận của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc của tổ chức giám định; hàng hoá nhập khẩu thường xuyên; hàng hoá khác do Chính phủ quy định.

c) Cơ quan hải quan ghi xác nhận hàng hóa thực tế đối với hàng hóa miễn kiểm tra thực tế như sau:

Đối với hàng hoá có kết quả kiểm tra, giám định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc của tổ chức giám định thì cơ quan hải quan ghi xác nhận hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực tế theo kết luận của các cơ quan, tổ chức này.

Đối với hàng hóa khác, cơ quan hải quan ghi xác nhận hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực tế theo nội dung tự kê khai của người khai hải quan. Người khai hải quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tự kê khai của mình.

5. Kiểm tra xác suất thực tế hàng hoá không quá 10% của mỗi lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 30 Luật Hải quan. Nếu hàng hoá đóng theo kiện thì tỷ lệ kiểm tra là tỷ lệ số kiện được kiểm tra. Nếu hàng hoá được đóng trong con-ten-nơ thì tỷ lệ kiểm tra là tỷ lệ số con-ten-nơ được kiểm tra hoặc tỷ lệ số kiện trong từng con-ten-nơ.

6. Kiểm tra thực tế toàn bộ lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng đã nhiều lần vi phạm pháp luật hải quan; lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan như sau:

a) Chủ hàng đã nhiều lần vi phạm pháp luật hải quan là chủ hàng đã trên 03 (ba) lần bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan trong thời hạn 02 (hai) năm, kể từ ngày làm thủ tục hải quan đối với hoạt động nhập khẩu và 01 (một) năm, kể từ ngày làm thủ tục hải quan đối với hoạt động xuất khẩu với mức phạt của mỗi lần phạt vượt thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Hải quan;

b) Trường hợp trong thời hạn quy định tại điểm a khoản này, chủ hàng đã 01 (một) lần bị xử lý vi phạm hành chính về hải quan với mức phạt vượt thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết là Cục trưởng Hải quan) thì hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng này được áp dụng hình thức kiểm tra thực tế như đối với hàng hóa của chủ hàng đã nhiều lần vi phạm pháp luật hải quan;

c) Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan, cơ quan hải quan kiểm tra toàn bộ lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo như sau:

Nếu dấu hiệu vi phạm là dấu hiệu gian lận về lượng hàng hoá thì công chức hải quan kiểm đếm hoặc cân, đo toàn bộ lô hàng;

Nếu dấu hiệu vi phạm là dấu hiệu gian lận về chủng loại hàng hoá thì công chức hải quan kiểm tra tất cả các kiện hàng;

Nếu dấu hiệu vi phạm là dấu hiệu gian lận về chất lượng hàng hoá thì công chức hải quan lấy một số mẫu bất kỳ hoặc mẫu có nghi vấn để kiểm tra, phân tích hoặc trưng cầu giám định với sự chứng kiến của người khai hải quan. Việc lấy mẫu hàng được lập biên bản, có chữ ký xác nhận của công chức hải quan và người khai hải quan.

7. Trên cơ sở các quy định tại Điều này, các thông tin cụ thể về chủ hàng, lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan, Cục trưởng Hải quan quyết định việc thay đổi hình thức, tỷ lệ kiểm tra thực tế đối với hàng hoá đã được Chi cục trưởng Hải quan quyết định hình thức, tỷ lệ kiểm tra thực tế.

Điều 9. Phân tích, phân loại, giám định và kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá

1. Đối với hàng hoá không thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng nhưng công chức hải quan không thể xác định được tên hàng, lượng hàng, chất lượng hàng, thì xử lý như sau:

a) Công chức hải quan lấy mẫu hàng hoá với sự chứng kiến của người khai hải quan để phân tích hoặc trưng cầu giám định. Việc lấy mẫu hàng hoá phải được lập biên bản, có chữ ký xác nhận của công chức hải quan và người khai hải quan;

b) Trường hợp người khai hải quan không nhất trí kết quả kiểm tra, phân tích hoặc giám định do cơ quan hải quan kết luận (sau đây viết là kết luận lần đầu) thì được lựa chọn một cơ quan, tổ chức giám định chuyên ngành khác giám định lại và phải trả phí giám định;

c) Khi chưa có kết quả giám đinh lại, kết luận lần đầu là cơ sở để cơ quan hải quan căn cứ, làm thủ tục hải quan. Khi có kết quả giám định lại, cơ quan hải quan căn cứ kết qủa giám định lại để làm thủ tục hải quan hàng hoá;

d) Chủ hàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của kết quả giám định nếu hàng hoá được giám định ở nước ngoài theo yêu cầu của chủ hàng.

2. Đối với hàng hoá thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng thì cơ quan hải quan căn cứ hồ sơ hải quan và Giấy xác nhận đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá hoặc thông báo miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá của cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá để làm thủ tục hải quan cho hàng hoá đó.

3. Người khai hải quan có quyền khiếu nại với cơ quan hải quan hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Toà án về quyết định của cơ quan hải quan, cơ quan, tổ chức, phân tích, phân loại, giám định hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Kiểm tra xuất xứ hàng hóa

1. Việc kiểm tra xuất xứ hàng hoá phải căn cứ vào kết quả kiểm tra thực tế hàng hoá và hồ sơ hải quan.

2. Quy định đối với Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O)

a) Đối với hàng hoá xuất khẩu, người khai hải quan không phải nộp C/O;

b) Đối với hàng hoá nhập khẩu, nếu chủ hàng có yêu cầu được hưởng ưu đãi về xuất xứ phù hợp với các thoả thuận, cam kết của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước khác, tổ chức quốc tế, thì phải nộp C/O hoặc chứng từ có giá trị pháp lý tương đương và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của C/O;

c) Đối với hàng hóa mà Việt Nam hoặc tổ chức quốc tế thông báo đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khoẻ cộng đồng, sản xuất, vệ sinh môi trường thì khi nhập khẩu, người khai hải quan phải nộp C/O của hàng hóa đó.

Điều 11. Thông quan hàng hoá

1. Căn cứ để cơ quan hải quan thông quan hàng hoá gồm:

a) Khai báo của người khai hải quan hoặc kết luận của cơ quan kiểm tra nhà nước, tổ chức giám định đối với hàng hoá miễn kiểm tra thực tế;

b) Kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa của cơ quan hải quan đối với hàng hoá phải kiểm tra thực tế;

c) Giấy xác nhận đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa của tổ chức giám định hoặc thông báo miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá;

d) Kết quả giám định đối với hàng hóa có yêu cầu giám định.

2. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu không thuộc diện chịu các loại thuế do cơ quan hải quan thu, hàng được miễn thuế, hàng gia công, hàng đặc biệt khác được thông quan ngay sau khi có xác nhận của cơ quan hải quan trên tờ khai về kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa.

3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện có thuế được thông quan sau khi người khai hải quan đã nộp thuế. Hàng hóa có thời gian ân hạn nộp thuế được thông quan sau khi cơ quan hải quan ra thông báo thuế.

Điều 12. Giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

1. Hàng hóa chịu sự giám sát hải quan

Hàng hoá chịu sự giám sát hải quan gồm:

a) Hàng hoá đã làm xong thủ tục hải quan xuất khẩu nhưng chưa xuất khẩu;

b) Hàng hoá đã làm xong thủ tục hải quan nhập khẩu nhưng chưa được thông quan;

c) Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa làm thủ tục hải quan được lưu giữ trong kho, bãi thuộc phạm vi địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan;

d) Hàng hóa, phương tiên vận tải quá cảnh;

đ) Hàng hoá, phương tiện vận tải chuyển cửa khẩu.

2. Các phương thức giám sát hải quan

a) Sự giám sát hải quan được thực hiện theo các phương thức sau:

Niêm phong hải quan, bao gồm: niêm phong bằng giấy niêm phong hải quan, niêm phong bằng dây hoặc khoá chuyên dụng hải quan;

Giám sát trực tiếp của công chức hải quan;

Giám sát bằng phương tiện kỹ thuật.

b) Không áp dụng phương thức giám sát trực tiếp của công chức hải quan đối với hàng hoá được lưu giữ, vận chuyển ở ngoài phạm vi, địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan, trừ trường hợp cần thiết do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định.

Điều 13. Hàng hóa chuyển cửa khẩu

1. Hàng hóa chuyển cửa khẩu phải được vận chuyển theo đúng tuyến đường, đến đúng địa điểm quy định ghi trong hồ sơ hải quan.

2. Người vận tải và công chức hải quan đi cùng (nếu có) chịu trách nhiệm bảo đảm sự nguyên trạng của hàng hóa hoặc niêm phong hải quan trong quá trình chuyển cửa khẩu.

3. Trong quá trình chuyển cửa khẩu, nếu xảy ra tai nạn hoặc trường hợp bất khả kháng khác làm suy chuyển niêm phong hải quan hoặc làm mất nguyên trạng hàng hoá, thì trong thời gian sớm nhất có thể, người vận tải, chủ hàng, công chức hải quan đi cùng (nếu có) phải báo cho cơ quan hải quan hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi gần nhất để lập biên bản xác nhận hiện trạng hàng hoá.

4. Thủ tục hải quan chuyển cửa khẩu:

a) Đối với hàng hóa nhập khẩu có vận tải đơn ghi địa điểm đến là địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu:

Cơ quan hải quan cửa khẩu có trách nhiệm kiểm tra tình trạng bên ngoài của hàng hoá; lập biên bản bàn giao và giao hàng hoá cho người vận tải chuyển đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu; thông báo cho cơ quan hải quan tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu những thông tin cần lưu ý về hàng hoá.

Cơ quan hải quan tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu tiếp nhận hàng hoá được chuyển đến; đối chiếu hàng hoá và xác nhận vào biên bản bàn giao của cơ quan hải quan cửa khẩu; làm thủ tục hải quan nhập khẩu hàng hoá; thông báo cho cơ quan hải quan cửa khẩu kết quả kiểm tra về các thông tin đã được cơ quan hải quan cửa khẩu lưu ý về lô hàng nhập khẩu.

b) Đối với hàng hóa nhập khẩu có vận tải đơn ghi địa điểm đến là địa điểm làm thủ tục hải quan cửa khẩu:

Người khai hải quan phải có đơn xin chuyển cửa khẩu. Trên cơ sở đơn xin chuyển cửa khẩu của người khai hải quan, cơ quan hải quan tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu làm thủ tục tiếp nhận hồ sơ; đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu; ghi xác nhận vào đơn xin chuyển cửa khẩu và gửi đến cơ quan hải quan cửa khẩu để làm thủ tục chuyển hàng từ cửa khẩu về địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu.

Khi nhận được yêu cầu của cơ quan hải quan tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu ghi trong đơn xin chuyển cửa khẩu, cơ quan hải quan cửa khẩu và cơ quan hải quan tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu làm thủ tục hải quan theo quy định tại điểm a khoản 4 này.

c) Đối với hàng hóa xuất khẩu:

Cơ quan hải quan tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu làm thủ tục hải quan xuất khẩu; lập biên bản bàn giao, giao hàng hoá và hồ sơ cho người khai hải quan chuyển đến cơ quan hải quan cửa khẩu.

Cơ quan hải quan cửa khẩu xuất tiếp nhận hàng hoá; đối chiếu hàng hoá thực tế với biên bản bàn giao của cơ quan hải quan tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu; giám sát hàng hóa cho đến khi hàng hoá được xuất khẩu; xác nhận thực xuất theo quy định.

d) Cơ quan hải quan tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu có trách nhiệm làm thủ tục hải quan cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Cơ quan hải quan cửa khẩu có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin cần lưu ý về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu cho cơ quan hải quan tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu. Khi nhận được thông tin cần lưu ý về hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, cơ quan hải quan tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, cửa khẩu phải kiểm tra về các thông tin đó và thông báo kết quả kiểm tra cho Cục trưởng Hải quan và Chi cục hải quan có liên quan.

Điều 14. Thủ tục tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

1. Khi muốn yêu cầu cơ quan hải quan tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc người được chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ ủy quyền (sau đây viết là người yêu cầu tạm dừng) phải:

a) Có đơn yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan gửi Chi cục trưởng Hải quan nơi hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;

b) Nộp một khoản tiền tạm ứng bằng 20% trị giá lô hàng theo giá ghi trong hợp đồng vào tài khoản tạm gửi của cơ quan hải quan tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp chứng từ bảo lãnh của tổ chức tín dụng để bảo đảm việc bồi thường thiệt hại cho chủ hàng hoá và việc thanh toán các chi phí phát sinh do yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan không đúng gây ra cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan;

c) Xuất trình cho cơ quan hải quan văn bằng bảo hộ hoặc tài liệu chứng minh sở hữu hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ;

d) Đưa ra chứng cứ ban đầu về việc nghi ngờ hàng hóa xuất, nhập khẩu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình;

đ) Giấy ủy quyền nộp đơn yêu cầu tạm dừng theo quy định của pháp luật (trường hợp được ủy quyền).

2. Thủ tục tạm dừng:

a) Khi người yêu cầu tạm dừng đã đáp ứng đủ các điều kiện đề nghị tạm dừng quy định tại khoản 1 Điều này thì Chi cục trưởng Hải quan quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan (sau đây viết là tạm dừng) đối với lô hàng. Quyết định tạm dừng được gửi cho chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và người yêu cầu tạm dừng. Quyết định tạm dừng phải ghi rõ lý do và thời hạn tạm dừng để các bên liên quan đến lô hàng biết, thực hiện;

b) Thời hạn tạm dừng là 10 (mười) ngày, kể từ ngày quyết định tạm dừng được ban hành;

c) Chi cục trưởng Hải quan quyết định việc kéo dài thêm thời hạn tạm dừng trong trường hợp người yêu cầu tạm dừng có đơn xin kéo dài thời hạn tạm dừng trước ngày quyết định tạm dừng hết hạn. Trong trường hợp này, người yêu cầu tạm dừng phải nộp bổ sung một khoản tiền tạm ứng theo quy định tại khoản 1 Điều này. Thời hạn được kéo dài thêm không quá 10 (mười) ngày kể từ ngày quyết định tạm dừng hết hạn;

d) Kết thúc thời hạn quy định tại điểm b, c khoản này, nếu người yêu cầu tạm dừng không đưa ra được bằng chứng hay kết luận của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng minh lô hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc không có cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc Toà án có văn bản yêu cầu cơ quan hải quan bàn giao hàng hoá đang bị tạm dừng làm thủ tục hải quan để giải quyết thì Chi cục trưởng Hải quan được quyết định:

Làm thủ tục thông quan cho lô hàng;

Buộc người yêu cầu tạm dừng phải bồi hoàn cho người xuất khẩu, nhập khẩu mọi thiệt hại trực tiếp do yêu cầu tạm dừng không đúng gây ra, thanh toán các chi phí lưu kho bãi, bảo quản hàng hóa và các chi phí phát sinh cho cơ quan hải quan và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Làm thủ tục hoàn trả cho người yêu cầu tạm dừng khoản tiền tạm ứng còn lại sau khi người yêu cầu tạm dừng đã bồi thường, thanh toán cho người xuất khẩu, người nhập khẩu và các chi phí phát sinh liên quan đến yêu cầu tạm dừng. Trường hợp tiền tạm ứng không đủ để thanh toán các chi phí nêu trên thì người yêu cầu tạm dừng có trách nhiệm nộp bổ sung thêm số tiền còn thiếu.

đ) Trường hợp người yêu cầu tạm dừng chứng minh được chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì chủ hàng hoá và hàng hóa được xử lý theo quy định của pháp luật. Chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chịu trách nhiệm trước pháp luật; thực hiện các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ; thanh toán các chi phí phát sinh do việc tạm dừng gây ra. Cơ quan hải quan hoàn trả cho người yêu cầu tạm dừng khoản tiền đã tạm ứng.

MỤC 2: ĐỐI VỚI CÁC LOẠI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU KHÁC

Điều 15. Hàng hóa quá cảnh

1. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh được thực hiện tại trụ sở hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu. Hàng hoá quá cảnh phải nhập khẩu, xuất khẩu đúng cửa khẩu; vận chuyển đúng tuyến đường theo thời gian quy định ghi tại hồ sơ hải quan; chịu sự giám sát hải quan.

2. Hàng hóa quá cảnh không được bán, tặng, trao đổi tại Việt Nam, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước Việt Nam có thẩm quyền cho phép và phải làm thủ tục hải quan nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

3. Hàng hóa quá cảnh không qua lãnh thổ đất liền được lưu kho trong khu vực cửa khẩu.

4. Hàng hoá quá cảnh có lưu kho ngoài khu vực cửa khẩu hoặc đi qua lãnh thổ đất liền hoặc hàng hoá quá cảnh khác theo quy định của pháp luật Việt Nam phải có giấy phép quá cảnh thì phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Chứng từ phải nộp khi làm thủ tục hải quan cho hàng hoá quá cảnh:

a) Bản kê khai hàng hoá quá cảnh do người khai hải quan hoặc người đại diện nộp cho cơ quan hải quan cửa khẩu đối với hàng hóa quá cảnh giữ nguyên trạng đi thẳng; quá cảnh chuyển tải sang cùng loại phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không (trừ hàng hoá quá cảnh đi thẳng bằng đường hàng không);

b) Tờ khai hải quan hàng hoá quá cảnh và bản kê khai hàng hoá quá cảnh do người khai hải quan hoặc người đại diện nộp cho cơ quan hải quan cửa khẩu đối với hàng hóa quá cảnh phải lưu kho hoặc thay đổi phương tiện vận tải.

6. Trách nhiệm của cơ quan hải quan:

a) Cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá nhập cảnh tiếp nhận bản kê khai hàng hoá quá cảnh hoặc tờ khai hải quan về lô hàng quá cảnh, niêm phong nơi chứa hàng hoá và xác nhận nguyên trạng hàng hóa trên bản kê khai hàng hóa và tờ khai hải quan (đối với trường hợp phải khai hải quan) và giao cho người điều khiển phương tiện vận tải chuyển đến cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá xuất cảnh;

b) Trường hợp hàng hoá quá cảnh thuộc diện không niêm phong được thì người vận tải, người khai hải quan, công chức hải quan đi cùng (nếu có) chịu trách nhiệm bảo đảm nguyên trạng hàng hóa từ cửa khẩu nơi hàng hoá nhập cảnh đến cửa khẩu nơi hàng hoá xuất cảnh;

c) Cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá xuất cảnh tiếp nhận bản lược khai hoặc tờ khai hải quan do cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá nhập cảnh chuyển đến; kiểm tra tình trạng niêm phong hải quan hoặc nguyên trạng hàng hoá để đối chiếu với các nội dung xác nhận của cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá nhập cảnh trên bản lược khai hàng hóa hoặc tờ khai hải quan quá cảnh để làm thủ tục xuất cảnh.

7. Trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố bất khả kháng làm suy chuyển niêm phong hải quan hoặc thay đổi nguyên trạng hàng hoá thì người vận tải, người khai hải quan, công chức hải quan đi cùng (nếu có) phải áp dụng các biện pháp để hạn chế tổn thất và báo ngay cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi gần nhất để lập biên bản xác nhận hiện trạng hàng hoá.

Điều 16. Hàng hoá tạm xuất khẩu, tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm

1. Hàng hoá tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm (dưới đây gọi chung là hàng tạm nhập).

a) Hồ sơ hải quan gồm:

Tờ khai hải quan;

Bản sao vận tải đơn;

Bản kê chi tiết hàng hoá;

Giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (đối với hàng hoá phải xin phép).

b) Hàng tạm nhập được làm thủ tục hải quan tại trụ sở hải quan cửa khẩu hoặc tại trụ sở hải quan ngoài cửa khẩu nơi tổ chức hội chợ, triển lãm;

c) Thời hạn tạm nhập thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam;

d) Hàng tạm nhập thuộc diện cấm nhập khẩu, nhập khẩu có điều kiện muốn bán, tặng, trao đổi tại Việt Nam phải xin phép cơ quan nhà nước Việt Nam có thẩm quyền.

2. Hàng hoá của tổ chức, cá nhân Việt Nam tạm xuất khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu hàng hóa ở nước ngoài (dưới đây gọi chung là hàng tạm xuất).

a) Hồ sơ hải quan gồm:

Tờ khai hải quan;

Bản kê chi tiết hàng hoá;

Giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam có thẩm quyền (đối với hàng hoá phải xin phép).

b) Hàng tạm xuất được làm thủ tục hải quan tại trụ sở hải quan cửa khẩu hoặc tại địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu;

c) Thời hạn tạm xuất thực hiện theo quy đinh của pháp luật.

d) Hàng tạm xuất thuộc diện cấm nhập khẩu, nhập khẩu có điều kiện muốn bán, tặng, trảo đổi tại thị trường nước ngoài phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam có thẩm quyền.

Điều 17. Máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm xuất, tạm nhập có thời hạn

1. Máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp (dưới đây gọi chung là hàng hóa tạm xuất, tạm nhập) cần thiết cho công việc của người xuất cảnh, nhập cảnh được tạm xuất, tạm nhập trong thời hạn nhất định, phù hợp với yêu cầu công việc của người xuất cảnh, nhập cảnh.

2. Hồ sơ hải quan gồm:

a) Tờ khai hải quan;

b) Văn bản đề nghị;

c) Bản kê chi tiết hàng hoá;

d) Bản sao vận tải đơn (đối với hàng tạm nhập);

đ) Giấy tờ xác nhận công việc có sử dụng hàng hóa tạm xuất, tạm nhập của cơ quan, tổ chức nơi chủ hàng công tác.

Điều 18. Linh kiện, phụ tùng tạm nhập để phục vụ việc thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài

1. Các hãng vận tải đường biển, đường hàng không nước ngoài có tàu biển, tàu bay đến sửa chữa ở Việt Nam được phép gửi linh kiện, phụ tùng tới để phục vụ việc sửa chữa.

2. Linh kiện, phụ tùng tạm nhập để phục vụ việc thay thế, sửa chữa của tàu biển, tàu bay nước ngoài do chính tàu bay, tàu biển đó mang theo khi nhập cảnh hoặc gửi trước, gửi sau theo địa chỉ của đại lý hãng tàu hoặc của nhà máy sửa chữa.

3. Người khai hải quan là người điều khiển tàu bay, tàu biển hoặc đại lý hãng tàu hoặc nhà máy sửa chữa. Người khai hải quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng linh kiện, phụ tùng tạm nhập đúng mục đích đã khai báo.

4. Hồ sơ hải quan gồm:

Tờ khai hải quan;

Bản kê chi tiết;

Văn bản đề nghị của người khai hải quan;

Bản sao vận tải đơn.

Điều 19. Hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu theo đường bưu chính

1. Hàng hóa thuộc loại hình xuất khẩu, nhập khẩu nào thì áp dụng quy định thủ tục hải quan đối với loại hình xuất khẩu, nhập khẩu đó.

2. Người khai hải quan đối với hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu theo đường bưu chính là chủ hàng hoá hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính là đại diện đương nhiên hợp pháp của chủ hàng. Khi làm thủ tục hải quan cho hàng hoá, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ sau đây của chủ hàng:

a) Khai hải quan;

b) Xuất trình hàng hoá để hải quan kiểm tra;

c) Nộp thuế (nếu hàng có thuế);

d) Nhận hàng để chuyển trả cho chủ hàng.

3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính được khai hàng hoá của nhiều chủ hàng trên một tờ khai hải quan.

Điều 20. Hàng hoá mua bán trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh tại khu vực cảng biển, cảng sông của Việt Nam

1. Thương nhân mua bán hàng hóa với những người trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh phải làm thủ tục hải quan, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế và chính sách quản lý hàng hóa theo quy định của pháp luật.

2. Hồ sơ hải quan gồm:

a) Tờ khai hải quan;

b) Bản kê chi tiết (nếu hàng hóa gồm nhiều mặt hàng);

c) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Điều 21. Hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới

1. Người cư trú trong khu vực biên giới mang hàng hóa qua lại biên giới theo mức quy định thì không phải khai hải quan, nếu vượt mức quy định thì phải khai hải quan và thực hiện các quy định của pháp luật về thuế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu.

2. Nơi không có cơ quan hải quan thì Bộ đội biên phòng thực hiện việc quản lý hàng hoá quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 22. Tài sản di chuyển xuất khẩu, nhập khẩu

1. Người nước ngoài đưa tài sản di chuyển vào Việt Nam phục vụ cho công tác và sinh hoạt trong thời hạn ở Việt Nam, khi làm thủ tục hải quan phải nộp và xuất trình các giấy tờ sau:

a) Tờ khai hải quan;

b) Giấy xác nhận đến công tác, làm việc tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp;

c) Bản sao vận tải đơn;

d) Bản kê chi tiết tài sản.

2. Người nước ngoài đưa tài sản di chuyển ra khỏi Việt Nam, khi làm thủ tục hải quan phải nộp và xuất trình các giấy tờ sau:

a) Tờ khai hải quan;

b) Giấy xác nhận hết thời gian làm việc, cư trú do Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam cấp;

c) Bản kê chi tiết tài sản;

d) Tờ khai nhập khẩu có xác nhận của cơ quan hải quan kèm theo chứng từ thanh khoản tài sản tạm nhập với cơ quan hải quan và chứng từ nộp thuế đối với hàng hoá thuộc diện phải nộp thuế.

3. Tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân Việt Nam đưa từ Việt Nam ra nước ngoài để làm việc hoặc mua tại nước ngoài, khi hết thời hạn chuyển về nước phải làm thủ tục hải quan. Hồ sơ hải quan gồm:

a) Tờ khai hải quan;

b) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép kinh doanh và làm việc ở nước ngoài hoặc cho phép trở về Việt Nam;

c) Tờ khai hải quan xuất khẩu và các chứng từ khác chứng minh đã mang hàng ra nước ngoài hoặc hóa đơn mua hàng ở nước ngoài.

4. Tài sản di chuyển của người Việt Nam và gia đình định cư ở nước ngoài mang về nước khi được phép trở về định cư ở Việt Nam hoặc mang ra nước ngoài khi được phép định cư ở nước ngoài phải làm thủ tục hải quan. Hồ sơ hải quan gồm:

a) Tờ khai hải quan;

b) Quyết định cho phép định cư tại Việt Nam hoặc quyết định cho phép định cư ở nước ngoài (nếu xuất cảnh);

c) Bản kê chi tiết tài sản;

d) Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản, trừ đồ dùng, vật dụng phục vụ sinh hoạt bình thường của gia đình, cá nhân.

Điều 23. Hành lý, ngoại hối, kim khí quý, đá quý, tiền Việt Nam xuất khẩu, nhập khẩu

1. Ngay sau khi tới cửa khẩu, người xuất cảnh, nhập cảnh phải khai và xuất trình hành lý mang theo (bao gồm hành lý xách tay và hành lý ký gửi cùng chuyến) cho cơ quan hải quan kiểm tra khi có yêu cầu. Đối với hành lý gửi trước, gửi sau, khi người sở hữu hành lý đến làm thủ tục nhận hành lý phải xuất trình tờ khai hải quan, hộ chiếu, vận tải đơn.

2. Người nhập cảnh có vật dụng khai là hàng tạm nhập thì khi xuất cảnh phải mang ra đúng vật dụng đó. Người xuất cảnh có vật dụng mang ra, khai là hàng tạm xuất, khi nhập cảnh phải mang về đúng vật dụng đó. Trường hợp hàng tạm nhập bị mất, thất lạc thì phải có giấy xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền.

3. Người xuất cảnh, nhập cảnh có mang theo hàng hoá là đá quý, kim khí quý (trừ vàng tiêu chuẩn quốc tế) phải thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và phải làm thủ tục hải quan.

4. Người xuất cảnh có mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng tiền mặt Việt Nam, vàng tiêu chuẩn quốc tế vượt mức quy định thì phải có giấy phép của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và khai hải quan tại cửa khẩu.

5. Người nhập cảnh có mang vàng tiêu chuẩn quốc tế vượt quá mức quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thì phải gửi tại kho của cơ quan hải quan số vàng vượt mức quy định và phải mang ra khi xuất cảnh hoặc bán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 24. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ các yêu cầu khẩn cấp, an ninh, quốc phòng.

1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp gồm:

a) Hàng hoá quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Hải quan;

b) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ các yêu cầu khẩn cấp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Thủ tục hải quan:

a) Đối với hàng hoá phục vụ các yêu cầu khẩn cấp:

Thủ trưởng cơ quan hoặc người đứng đầu doanh nghiệp có văn bản xác nhận hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ các yêu cầu khẩn cấp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về xác nhận của mình.

Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp được thông quan trước khi nộp các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan. Thời hạn nộp chậm không quá 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày hàng hoá được thông quan.

Chi cục trưởng Hải quan căn cứ vào tính chất, chủng loại hàng hoá, mức độ khẩn cấp để quyết định hình thức kiểm tra thực tế hàng hoá phù hợp.

b) Đối với hàng hoá phục vụ các yêu cầu về an ninh, quốc phòng:

Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu có văn bản của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xác nhận là phục vụ các yêu cầu về an ninh, quốc phòng được thông quan hàng hoá trước khi nộp các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan. Thời hạn nộp chậm không quá 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày hàng hoá được thông quan.

Hàng hoá phục vụ các yêu cầu về an ninh, quốc phòng có văn bản xác nhận của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xác nhận phải được bảo đảm an toàn cao hoặc có yêu cầu bảo mật đặc biệt (tối mật, tuyệt mật) được miễn kiểm tra thực tế và miễn khai hải quan.

Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nội dung văn bản xác nhận của mình.

Điều 25. Ưu đãi, miễn trừ về khai hải quan và kiểm tra hải quan

1. Túi ngoại giao, túi lãnh sự được miễn khai, miễn kiểm tra hải quan.

2. Hành lý cá nhân và phương tiện vận tải của cá nhân, tổ chức sau đây được miễn kiểm tra hải quan:

a) Phương tiện vận tải, đồ vật dùng vào công việc chính thức của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật;

b) Những người mang hộ chiếu ngoại giao do Bộ Ngoại giao hoặc các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán của nước ta ở nước ngoài cấp hoặc do Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan có thẩm quyền của những nước đã công nhận Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp;

c) Vợ (hoặc chồng), các con chưa đến tuổi thành niên cùng đi với đối tượng quy định tại điểm b khoản này;

3. Hàng hóa được miễn khai, miễn kiểm tra hải quan khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

4. Khi có căn cứ để khẳng định phương tiện vận tải, hàng hoá, vật dụng của các đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này vi phạm chế độ ưu đãi, miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định việc kiểm tra, xử lý các đối tượng này theo quy định tại Điều 62 Luật Hải quan.

Điều 26. Hàng hoá, hành lý ký gửi xuất khẩu, nhập khẩu bị trôi dạt, thất lạc, nhầm lẫn

1. Khi làm thủ tục hải quan để nhận lại hàng hoá, hành lý ký gửi xuất khẩu, nhập khẩu bị trôi dạt, thất lạc, nhầm lẫn, chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền phải nộp các giấy tờ sau:

a) Chứng từ chứng minh quyền sở hữu hàng hoá, hành lý ký gửi;

b) Bản kê hàng hoá, hành lý ký gửi (nếu có).

2. Trường hợp không xác định được người nhận hàng hoá, hành lý ký gửi quy định ở Điều này thì xử lý theo quy định tại Điều 45 Luật Hải quan.

MỤC 3 : ĐỐI VỚI HÀNG HÓA TẠI KHO NGOẠI QUAN, KHO BẢO THUẾ

Điều 27. Kho ngoại quan

Kho ngoại quan là khu vực kho, bãi được thành lập trên lãnh thổ Việt Nam, ngăn cách với khu vực xung quanh để tạm lưu giữ, bảo quản hoặc thực hiện một số dịch vụ đối với hàng hoá từ nước ngoài, hoặc từ trong nước đưa vào kho theo hợp đồng thuê kho ngoại quan được ký giữa chủ kho ngoại quan và chủ hàng.

Điều 28. Kiểm tra, giám sát hải quan đối với kho ngoại quan

Kho ngoại quan, hàng hoá, phương tiện vận tải ra, vào hoặc lưu giữ, bảo quản trong kho ngoại quan phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.

Điều 29. Khu vực được thành lập kho ngoại quan

Kho ngoại quan được phép thành lập ở các khu vực sau:

1. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đầu mối giao lưu hàng hoá giữa Việt Nam với nước ngoài, có điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, các khu kinh tế đặc biệt khác (sau đây viết là Khu công nghiệp).

Điều 30. Thành lập kho ngoại quan

1. Điều kiện được thành lập kho ngoại quan:

a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Có chức năng kinh doanh kho bãi, giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Kho, bãi được thành lập tại các khu vực quy định tại Điều 29 Nghị định này; được ngăn cách với khu vực xung quanh bằng hệ thống tường rào, bảo đảm việc kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan hải quan;

d) Có cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện vận tải phù hợp yêu cầu lưu giữ, bảo quản hàng hoá và kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.

2. Hồ sơ xin thành lập kho ngoại quan bao gồm:

a) Đơn xin thành lập kho ngoại quan theo mẫu của Tổng cục Hải quan;

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Sơ đồ thiết kế khu vực kho, bãi thể hiện rõ đường ranh giới ngăn cách với bên ngoài, vị trí các kho hàng, hệ thống đường vận chuyển nội bộ, hệ thống phòng chống cháy, nổ, bảo vệ, văn phòng kho và nơi làm việc của hải quan;

d) Chứng từ hợp pháp về quyền sử dụng kho, bãi.

Điều 31. Thủ tục xét cấp Giấy phép thành lập kho ngoại quan

1. Hồ sơ xin thành lập kho ngoại quan được gửi đến Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Cục Hải quan) nơi doanh nghiệp xin phép được thành lập kho ngoại quan.

a) Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, Cục Hải quan tiến hành:

Kiểm tra hồ sơ;

Khảo sát thực tế kho, bãi;

Báo cáo kết quả và kiến nghị với Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

b) Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo, kiến nghị của Cục hải quan, hồ sơ xin thành lập kho ngoại quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định cấp Giấy phép thành lập kho ngoại quan hoặc có văn bản trả lời nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện quy định tại Điều 30 Nghị định này.

2. Định kỳ mỗi năm một lần, Cục Hải quan tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động của kho ngoại quan và việc chấp hành pháp luật hải quan của doanh nghiệp được cấp giấy phép. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Cục Hải quan tiến hành kiểm tra đột xuất kho ngoại quan.

3. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định rút Giấy phép hoạt động kho ngoại quan trong các trường hợp sau:

- Doanh nghiệp có văn bản đề nghị dừng hoạt động kho ngoại quan;

- Trong 01 (một) năm, chủ kho ngoại quan đã 3 (ba) lần vi phạm hành chính về hải quan, bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức phạt cho một lần vượt quá thẩm quyền xử phạt hành chính về hải quan của Chi cục trưởng Hải quan; hoặc 01 (một) lần vi phạm hành chính về hải quan, bị xử phạt với mức phạt vượt quá thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hải quan của Cục trưởng Hải quan hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Trong thời hạn 06 (sáu) tháng, doanh nghiệp không đưa kho ngoại quan vào hoạt động mà không có lý do chính đáng.

4. Căn cứ vào nhu cầu kinh doanh, kiến nghị của doanh nghiệp và phù hợp với vị trí địa lý và các điều kiện hoạt động của kho ngoại quan, Cục trưởng Hải quan quyết định việc cho phép doanh nghiệp mở rộng, thu hẹp, di chuyển địa điểm kho ngoại quan, nhưng phải bảo đảm điều kiện để cơ quan hải quan quản lý chặt chẽ.

Điều 32. Các dịch vụ được thực hiện đối với hàng hoá gửi kho ngoại quan

Nếu có sự thoả thuận hoặc ủy quyền bằng văn bản của chủ hàng, chủ kho ngoại quan được phép thực hiện các dịch vụ sau đây đối với hàng hoá gửi kho ngoại quan:

1. Gia cố bao bì, phân loại hàng hoá, lấy mẫu hàng hóa được thực hiện trong kho ngoại quan, dưới sự giám sát trực tiếp của công chức hải quan;

2. Thay mặt chủ hàng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa ra, đưa vào kho ngoại quan;

3. Vận chuyển hàng hoá từ cửa khẩu vào kho ngoại quan, từ kho ngoại quan ra cửa khẩu, từ kho ngoại quan này sang kho ngoại quan khác;

4. Chuyển quyền sở hữu hàng hoá theo quy định của pháp luật.

Điều 33. Thuê kho ngoại quan

1. Đối tượng được phép thuê kho ngoại quan:

a) Thương nhân Việt Nam được phép kinh doanh xuất nhập khẩu thuộc các thành phần kinh tế;

b) Thương nhân nước ngoài;

c) Tổ chức, cá nhân nước ngoài.

2. Hợp đồng thuê kho ngoại quan:

Hợp đồng thuê kho ngoại quan do chủ kho ngoại quan và chủ hàng thoả thuận theo quy định của pháp luật. Hợp đồng thuê kho ngoại quan phải quy định rõ tên hàng hoá, chủng loại hàng hoá, khối lượng hàng hoá, chất lượng hàng hoá, thời hạn thuê kho, các dịch vụ quy định tại Điều 32 nếu chủ hàng có yêu cầu, trách nhiệm của các bên ký hợp đồng thuê kho ngoại quan.

3. Thời hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan không quá 365 (ba trăm sáu mươi lăm) ngày, kể từ ngày hàng hóa được gửi vào kho. Chủ kho ngoại quan có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Hải quan kho ngoại quan biết trước khi hợp đồng thuê kho hết hạn. Trường hợp chủ hàng có đơn đề nghị, được sự đồng ý bằng văn bản của Cục trưởng Hải quan thì thời hạn hợp đồng thuê kho được gia hạn thêm không quá 180 (một trăm tám mươi) ngày, kể từ ngày hợp đồng thuê kho hết hạn.

4. Khi hợp đồng thuê kho đã hết hạn mà chủ hàng không làm thủ tục gia hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan thì xử lý như sau:

a) Trong thời hạn 90 (chín mươi) ngày, kể từ ngày hợp đồng thuê kho ngoại quan hết hạn, nếu chủ hàng ký hợp đồng gia hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan thì Cục Hải quan xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và chấp nhận hợp đồng gia hạn;

b) Quá thời hạn 90 (chín mươi) ngày, kể từ ngày hết hạn hợp đồng mà chủ hàng không ký hợp đồng gia hạn hoặc không đưa hàng ra khỏi kho ngoại quan thì Cục Hải quan tổ chức thanh lý hàng hoá gửi kho ngoại quan theo quy định của pháp luật.

5. Trong thời hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan, nếu chủ hàng có văn bản từ bỏ hàng hoá gửi kho ngoại quan thì Cục Hải quan tổ chức thanh lý hàng hoá đó.

6. Việc thanh lý hàng hoá gửi kho ngoại quan được tiến hành theo quy định của pháp luật. Tiền thu từ việc thanh lý hàng hoá được nộp vào ngân sách nhà nước sau khi trừ chi phí lưu kho, các chi phí khác liên quan đến việc thanh lý hàng hoá theo quy định của pháp luật.

Điều 34. Hàng hoá đưa vào, đưa ra và lưu giữ, bảo quản trong kho ngoại quan

1. Hàng hoá từ Việt Nam đã làm xong thủ tục hải quan xuất khẩu, hàng hoá từ nước ngoài muốn quá cảnh, lưu kho tại Việt Nam để chờ xuất cảnh sang nước thứ ba hoặc làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam của các đối tượng được phép thuê kho ngoại quan quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định này được đưa vào lưu giữ trong kho ngoại quan, trừ các hàng hoá sau:

a) Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu hoặc tên gọi xuất xứ Việt Nam;

b) Hàng hoá gây nguy hiểm công cộng hoặc ô nhiễm môi trường;

c) Hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

2. Hàng hóa từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan gồm:

a) Hàng hóa của chủ hàng nước ngoài chưa ký hợp đồng bán hàng cho doanh nghiệp ở Việt Nam;

b) Hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài chờ đưa vào thị trường trong nước, chưa phải nộp thuế nhập khẩu.

3. Hàng từ nội địa Việt Nam đưa vào kho ngoại quan bao gồm:

a) Hàng xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan chờ xuất khẩu;

b) Hàng hết thời hạn tạm nhập phải tái xuất khẩu;

c) Hàng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc phải tái xuất khẩu.

4. Hàng hoá lưu giữ, bảo quản trong kho ngoại quan phải phù hợp với hợp đồng thuê kho ngoại quan. Hàng hoá đưa vào, đưa ra kho ngoại quan phải làm thủ tục hải quan theo đúng quy định của pháp luật.

5. Việc vận chuyển hàng hoá từ cửa khẩu hoặc từ địa điểm tập kết hàng hoá sau khi đã làm xong thủ tục hải quan (đối với hàng hoá xuất khẩu đưa vào kho ngoại quan) đến kho ngoại quan hoặc từ kho ngoại quan đến cửa khẩu đều chịu sự giám sát hải quan.

Điều 35. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá đưa vào kho ngoại quan

1. Đối với hàng từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan: chủ hàng hoặc người đại diện hợp pháp của chủ hàng phải nộp cho Hải quan kho ngoại quan hợp đồng thuê kho ngoại quan, tờ khai hải quan và các chứng từ cần thiết khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định.

2. Đối với hàng hoá từ Việt Nam đưa vào kho ngoại quan: chủ hàng hoặc đại diện hợp pháp của chủ hàng phải làm đầy đủ thủ tục hải quan như đối với hàng hoá xuất khẩu theo quy định của pháp luật trước khi gửi hàng hoá vào kho ngoại quan; nộp cho Hải quan kho ngoại quan hợp đồng thuê kho ngoại quan, tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan, tờ khai hàng đưa vào kho ngoại quan và các chứng từ cần thiết khác để làm thủ tục nhập kho theo quy định của pháp luật.

Điều 36. Thủ tục hải quan đưa hàng hoá ra khỏi kho ngoại quan

1. Hàng hóa đưa ra nước ngoài:

a) Chủ hàng hoặc đại diện hợp pháp của chủ hàng đưa hàng hoá ra khỏi kho ngoại quan để xuất ra nước ngoài phải khai hải quan và nộp cho hải quan kho ngoại quan các chứng từ sau:

Tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu;

Giấy ủy quyền xuất hàng (nếu không ghi trong hợp đồng thuê kho);

Phiếu xuất kho theo mẫu của Bộ Tài chính.

b) Hải quan kho ngoại quan đối chiếu bộ chứng từ khai báo khi xuất kho với chứng từ khi làm thủ tục nhập kho và thực tế lô hàng, nếu phù hợp thì làm thủ tục xuất, thực hiện chế độ giám sát hải quan theo quy định tại Điều 12 Nghị định này;

c) Nếu hàng hoá của một hợp đồng được xuất khẩu một lần chưa hết thì được trừ lùi cho đến hết số lượng hàng hóa ghi trong hợp đồng;

d) Trường hợp hết hạn hợp đồng thuê kho ngoại quan nhưng chủ hàng gặp khó khăn trong việc giao hàng thì hàng hoá được phép lưu giữ tại khu vực cửa khẩu biên giới nơi có kho ngoại quan theo quy định sau:

Hàng hoá được gửi vào kho ngoại quan trong khu vực cửa khẩu;

Thời hạn lưu giữ hàng tại kho ngoại quan trong khu vực cửa khẩu không quá 180 (một trăm tám mươi) ngày, kể từ ngày hàng hoá được đưa vào kho. Quá thời hạn 180 (một trăm tám mươi) ngày, nếu hàng hóa chưa được đưa hết ra khỏi Việt Nam thì Cục Hải quan tổ chức thanh lý hàng hoá đó theo quy định tại khoản 6 Điều 33 Nghị định này.

2. Hàng hoá nhập khẩu vào thị trường Việt Nam:

a) Hàng hoá từ nước ngoài gửi kho ngoại quan, hàng hoá từ nước ngoài gửi kho ngoại quan được chuyển quyền sở hữu, hàng hoá gửi kho ngoại quan được Cục Hải quan thanh lý muốn đưa vào, tiêu thụ tại thị trường Việt Nam phải làm thủ tục hải quan, thực hiện các quy định của pháp luật về thuế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu như đối với hàng hoá nhập khẩu khác;

b) Thời điểm nhập khẩu thực tế hàng hoá là thời điểm cơ quan hải quan đăng ký tờ khai hải quan hàng nhập khẩu;

c) Hàng hoá gửi kho ngoại quan thuộc diện hàng hoá buộc phải tái xuất theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền không được phép nhập khẩu trở lại thị trường Việt Nam.

Điều 37. Quản lý việc lưu giữ, bảo quản hàng hoá gửi kho ngoại quan

1. Chủ kho ngoại quan phải thông báo bằng văn bản cho Hải quan kho ngoại quan biết trước khi thực hiện các dịch vụ đối với hàng hoá gửi kho ngoại quan quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định này.

2. Việc di chuyển hàng hóa từ kho ngoại quan này sang kho ngoại quan khác phải được sự đồng ý bằng văn bản của Cục trưởng Hải quan. Thời hạn của hợp đồng thuê kho ngoại quan mới được tính từ ngày hàng hoá được đưa vào kho ngoại quan đầu tiên.

3. Chủ kho ngoại quan phải mở sổ kế toán theo dõi việc xuất kho, nhập kho theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Định kỳ 45 (bốn mươi lăm) ngày một lần, chủ kho ngoại quan phải báo cáo bằng văn bản cho Cục trưởng Hải quan về thực trạng hàng hóa trong kho và tình hình hoạt động của kho.

5. Trong trường hợp muốn tiêu hủy những lô hàng đổ vỡ, hư hỏng, giảm phẩm chất hoặc quá thời hạn sử dụng phát sinh trong quá trình lưu kho, chủ kho ngoại quan phải có văn bản thỏa thuận với chủ hàng hoặc đại diện hợp pháp của chủ hàng về việc đồng ý tiêu hủy hàng hoá. Văn bản thoả thuận được gửi cho Cục Hải quan nơi có kho ngoại quan. Thủ tục tiêu hủy hàng hoá thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 38. Kho bảo thuế

Kho bảo thuế là kho được thành lập để lưu giữ nguyên liệu nhập khẩu dùng để cung ứng cho sản xuất của chính doanh nghiệp có kho bảo thuế. Nguyên liệu nhập khẩu đưa vào kho bảo thuế chưa phải nộp thuế nhập khẩu và các loại thuế khác.

Điều 39. Điều kiện thành lập kho bảo thuế

1. Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

2. Có tỷ lệ xuất khẩu ít nhất là 50% sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu gửi kho bảo thuế.

3. Không nợ thuế thuộc diện phải cưỡng chế.

4. Có hệ thống sổ sách, chứng từ theo dõi việc xuất khẩu, nhập khẩu, xuất kho, nhập kho đầy đủ, chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

5. Kho được xây dựng trong khu vực thuận lợi cho việc quản lý, giám sát của cơ quan hải quan.

Điều 40. Thủ tục xin thành lập kho bảo thuế

1. Doanh nghiệp muốn thành lập kho bảo thuế nộp cho Cục Hải quan nơi doanh nghiệp hoạt động hai bộ hồ sơ gồm các chứng từ sau:

a) Đơn xin thành lập kho bảo thuế (theo mẫu của Tổng cục Hải quan);

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (bản sao công chứng);

c) Sơ đồ thiết kế kho bảo thuế;

d) Quy tắc hoạt động của kho bảo thuế.

2. Chậm nhất 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xin thành lập kho bảo thuế, Cục trưởng Hải quan ra văn bản cấp giấy phép thành lập kho bảo thuế hoặc có văn bản trả lời nêu rõ lý do không đồng ý nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện thành lập kho bảo thuế theo quy định tại Điều 39 Nghị định này.

3. Cục trưởng Hải quan ra quyết định rút Giấy phép hoạt động kho bảo thuế trong các trường hợp sau:

a) Doanh nghiệp có văn bản gửi Cục trưởng Hải quan đề nghị ngừng hoạt động kho bảo thuế;

b) Doanh nghiệp không đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 39 Nghị định này.

4. Việc xử lý phần nguyên liệu tồn đọng tại kho bảo thuế sau khi Giấy phép hoạt động của kho bảo thuế hết hiệu lực được thực hiện như sau:

a) Trường hợp chủ hàng không còn nhu cầu sử dụng và có văn bản đề nghị thì cơ quan hải quan làm thủ tục cho tái xuất hoặc tiêu hủy theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp chủ hàng có văn bản xin chuyển sang loại hình kinh doanh khác thì phải đăng ký và khai tờ khai hải quan mới. Cơ quan hải quan tính thuế, ra thông báo thuế. Thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, tính thuế là thời điểm Giấy phép hoạt động kho bảo thuế hết hiệu lực.

Điều 41. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá đưa vào, đưa ra kho bảo thuế

Thủ tục hải quan đối với nguyên liệu nhập khẩu đưa vào kho bảo thuế thực hiện như thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu, trừ thủ tục tính thuế, nộp thuế được thực hiện như sau:

1. Doanh nghiệp phải đăng ký và khai 02 (hai) tờ khai hải quan riêng biệt cho phần nguyên liệu nhập khẩu được bảo thuế và phần nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm tiêu thụ tại thị trường trong nước.

2. Căn cứ để xác định tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu được bảo thuế là tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm ghi trong giấy phép đầu tư (nếu doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu theo đúng tỷ lệ quy định của giấy phép đầu tư) hoặc tỷ lệ do doanh nghiệp tự xác định, nhưng không dưới 50% sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu gửi kho bảo thuế. Trong cả hai trường hợp trên, doanh nghiệp đều phải có văn bản đăng ký gửi Cục Hải quan quản lý kho bảo thuế trước ngày 01 tháng 01 hàng năm.

3. Căn cứ vào tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ ở thị trường trong nước do doanh nghiệp đăng ký, cơ quan hải quan thực hiện việc đăng ký tờ khai, tính thuế, thu thuế nhập khẩu phần nguyên liệu được dùng để sản xuất sản phẩm tiêu thụ tại thị trường trong nước.

4. Phần nguyên liệu nhập khẩu đưa vào kho bảo thuế để sản xuất hàng xuất khẩu, cơ quan hải quan chưa tính thuế trên tờ khai nhưng phải xác định rõ tên hàng, chủng loại, lượng hàng này trên tờ khai hải quan và phải vào sổ theo dõi theo quy định của pháp luật.

Điều 42. Xử lý hàng hoá gửi kho bảo thuế bị hư hỏng, giảm phẩm chất

Hàng hoá gửi kho bảo thuế bị hư hỏng, giảm phẩm chất, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất được làm thủ tục hải quan để tái xuất hoặc tiêu hủy. Việc tiêu hủy được thực hiện như sau:

1. Doanh nghiệp có văn bản gửi Cục Hải quan quản lý kho bảo thuế, nêu rõ lý do cần hủy, tên nguyên liệu, chủng loại, số lượng nguyên liệu, tờ khai hải quan nhập khẩu (số, ngày, tháng, năm).

2. Doanh nghiệp tự tổ chức việc tiêu hủy dưới sự giám sát của cơ quan hải quan, cơ quan thuế và cơ quan môi trường theo quy định của pháp luật.

3. Kết quả tiêu hủy phải được lập biên bản có chữ ký xác nhận của chủ kho bảo thuế và đại diện các cơ quan giám sát. Biên bản tiêu hủy là chứng từ thanh khoản hàng hoá gửi kho bảo thuế.

Điều 43. Thanh khoản hàng hoá tại kho bảo thuế

Kết thúc năm kế hoạch (ngày 31 tháng 12 hàng năm), chậm nhất là ngày 31 tháng 01 năm tiếp theo, doanh nghiệp phải lập bảng tổng hợp các tờ khai hải quan nhập khẩu và tổng lượng nguyên liệu đã nhập khẩu theo chế độ bảo thuế, tổng hợp các tờ khai hải quan xuất khẩu và tổng lượng sản phẩm phải xuất khẩu gửi cơ quan hải quan. Sau khi kiểm tra tính chính xác của báo cáo và đối chiếu với hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan; căn cứ vào tỷ lệ sản phẩm doanh nghiệp đã đăng ký phải xuất khẩu, cơ quan hải quan tính thuế cho doanh nghiệp như sau:

1. Nếu tỷ lệ xuất khẩu thấp hơn tỷ lệ được bảo thuế thì doanh nghiệp phải nộp thuế ngay cho phần sản phẩm hoàn chỉnh chênh lệch giữa lượng sản phẩm phải xuất khẩu và lượng sản phẩm thực xuất. Việc nộp chậm thuế được xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Nếu tỷ lệ xuất khẩu thực tế cao hơn tỷ lệ được bảo thuế thì doanh nghiệp được hoàn thuế phần chênh lệch giữa xuất khẩu thực tế và phần đã nộp thuế.

3. Doanh nghiệp có kho bảo thuế chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ của các báo cáo tổng hợp quy định tại Điều này.

Điều 44. Kiểm tra, giám sát hải quan đối với kho bảo thuế

1. Việc kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan đối với kho bảo thuế chủ yếu được thực hiện khi làm thủ tục hải quan cho hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu, gửi kho bảo thuế, khi thanh khoản hàng hoá gửi kho bảo thuế, khi kiểm tra sau thông quan hàng hoá gửi kho bảo thuế. Cơ quan hải quan không trực tiếp giám sát, niêm phong kho bảo thuế.

2. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức việc quản lý kho bảo thuế; phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan trong việc thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát kho bảo thuế.

MỤC 4: ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH, QUÁ CẢNH

Điều 45. Quy định chung

1. Phương tiện vận tải khi xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nơi phương tiện vận tải đó xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Khi làm thủ tục hải quan, nếu cơ quan hải quan phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì người điều khiển phương tiện vận tải phải thực hiện các yêu cầu của cơ quan hải quan để kiểm tra, khám xét theo quy định của pháp luật.

2. Cảng vụ, sân bay, cảng biển, ga đường sắt liên vận quốc tế có trách nhiệm thông báo trước cho Chi cục Hải quan hải quan cửa khẩu các thông tin quy định tại Điều 56 Luật Hải quan. Các tổ chức vận tải có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan Chi cục Hải quan cửa khẩu các thông tin về hàng hoá, hành khách, tổ lái, người làm việc trên các phương tiện vận tải và các thông tin khác có liên quan đến công tác quản lý phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của cơ quan hải quan.

3. Các thông tin quy định tại khoản 2 Điều này được cung cấp bằng văn bản hoặc qua máy tính được nối mạng trực tiếp với Chi cục Hải quan.

4. Phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh chịu sự giám sát hải quan quy định tại Điều 12 Nghị định này.

5. Phương tiện vận tải quân sự chở hành khách và hàng hoá dân sự khi xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phải làm thủ tục hải quan như các phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh khác.

Điều 46. Tầu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh

1. Ngay sau khi tầu bay nhập cảnh và cơ quan hàng không hoàn thành thủ tục hàng không cho hành khách xuất cảnh và hàng hoá xuất khẩu, người điều khiển tầu bay hoặc người đại diện hợp pháp phải nộp cho cơ quan hải quan tại cảng hàng không các chứng từ sau:

a) Bản kê khai hàng hoá và hành lý;

b) Danh sách tổ lái và nhân viên làm việc trên tầu bay;

c) Danh sách hành khách.

2. Tầu bay quá cảnh khi dừng kỹ thuật không phải làm thủ tục kê khai hải quan, nhưng phải chịu sự giám sát hải quan.

Điều 47. Tầu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh

1. Thủ tục hải quan:

a) Chậm nhất là 01 (một) giờ trước khi tầu biển xuất cảnh, nhập cảnh đã sẵn sàng làm thủ tục hải quan, cơ quan cảng vụ và tổ chức vận tải có trách nhiệm thông báo cho cơ quan hải quan tại cảng các thông tin quy định tại khoản 2, 3 Điều 45 Nghị định này;

b) Cơ quan hải quan làm thủ tục cho tầu biển xuất cảnh, nhập cảnh tại vị trí quy định. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định tàu biển neo đậu tại địa điểm khác trên vùng biển của Việt Nam thì thủ tục hải quan đối với tầu biển xuất cảnh, nhập cảnh sẽ được làm tại địa điểm đó.

2. Hồ sơ hải quan gồm:

Thuyền trưởng hoặc người đại diện hợp pháp khi làm thủ tục hải quan phải xuất trình cho cơ quan hải quan tại cảng nhật ký hành trình tầu (đối với nhập cảnh), sơ đồ xếp hàng trên tầu và nộp các giấy tờ sau:

a) Bản kê khai hàng hoá chuyên chở trên tầu biển;

b) Tờ khai tầu đến đối với nhập cảnh;

c) Bản khai nguyên nhiên vật liệu, lương thực, thực phẩm của tầu;

d) Bản khai chất nổ, chất cháy, thuốc mê, thuốc độc, vũ khí có trên tầu;

đ) Danh sách thuyền viên;

e) Danh sách hành khách (nếu có hành khách);

g) Tờ khai hàng hoá, hành lý của thuyền viên.

3. Không được rút lại và sửa chữa các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đã nộp cho cơ quan hải quan, trừ trường hợp có lý do chính đáng và việc sửa chữa các chứng từ đó không ảnh hưởng đến việc chấp hành các quy định của pháp luật về thuế, chính sách quản lý hàng hoá xuất nhập khẩu và được Chi cục trưởng Hải quan chấp nhận.

Điều 48. Tầu biển, tầu bay chuyển cảng

1. Tầu biển, tầu bay chuyển cảng là việc tầu biển, tầu bay đang trong thời gian chuyển từ cảng này sang cảng khác để dỡ hàng nhập khẩu hoặc xếp hàng xuất khẩu dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.

2. Khi tầu biển, tầu bay chuyển cảng, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người đại diện hợp pháp phải nộp bản kê khai hàng hoá cho cơ quan hải quan.

3. Cơ quan hải quan tại khu vực cảng nơi tầu biển, tầu bay chuyển đi xác nhận hồ sơ và giao cho người điều khiển tầu chuyển đến cơ quan hải quan tại khu vực cảng nơi tầu biển, tầu bay chuyển đến.

4. Hàng hóa chuyển cảng, kho lương thực, thực phẩm của tầu biển chuyển cảng phải được niêm phong hải quan, trừ trường hợp hàng nhập khẩu vẫn nằm trong khoang chứa hàng, chưa di chuyển khỏi tầu.

Điều 49. Tầu liên vận quốc tế xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh bằng đường sắt

1. Tầu liên vận quốc tế xuất cảnh: khi tàu xuất cảnh tới ga biên giới, trưởng tầu hoặc người đại diện hợp pháp phải nộp cho cơ quan hải quan tại ga những giấy tờ sau:

a) Tờ khai thành phần đoàn tầu, danh sách, tờ khai hành lý của tổ lái và những người làm việc trên tầu;

b) Bản kê khai hàng hoá xuất khẩu, kể cả hàng quá cảnh, giấy giao tiếp toa xe (nếu là tầu chuyên chở hàng hoá);

c) Danh sách hành khách và phiếu gửi hành lý không theo người của hành khách (nếu là tầu chuyên chở hành khách);

d) Tờ khai nhiên liệu, vật liệu, lương thực, thực phẩm của đoàn tầu.

2. Tầu liên vận quốc tế nhập cảnh: khi tầu nhập cảnh tới ga biên giới, trưởng tầu hoặc người đại diện nộp cho cơ quan hải quan tại ga những giấy tờ sau:

a) Tờ khai thành phần đoàn tầu, tờ khai, bản kê hành lý của tổ lái và nhân viên làm việc trên tầu;

b) Bản kê khai hàng hoá nhập khẩu, giấy giao tiếp toa xe (nếu là tầu chuyên chở hàng hoá);

c) Danh sách hành khách và các phiếu gửi hành lý không theo người (nếu là tầu chuyên chở hành khách);

d) Tờ khai nhiên liệu, vật liệu, lương thực, thực phẩm của đoàn tầu;

đ) Bản trích kê khai hàng hóa dỡ xuống từng ga liên vận nội địa.

3. Tàu liên vận quốc tế tại ga liên vận nội địa: khi tầu tới ga liên vận nội địa, trưởng tầu hoặc người đại diện hợp pháp phải nộp cho cơ quan hải quan tại ga:

a) Bản trích lược khai hàng hoá nhập khẩu có xác nhận của cơ quan Hải quan tại ga liên vận biên giới;

b) Các vận tải đơn;

c) Giấy giao tiếp hàng quá cảnh (nếu có hàng quá cảnh quốc tế).

4. Người phụ trách tầu liên vận quốc tế hoặc chủ hàng (nếu có) chịu trách nhiệm bảo đảm nguyên trạng hàng hoá, toa xe trong quá trình vận chuyển từ ga xếp hàng ở nội địa đến ga xuất cảnh (đối với hàng xuất) và từ ga nhập cảnh tới ga dỡ hàng ở nội địa (đối với hàng nhập).

Điều 50. Ô tô xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh

Ô tô xuất cảnh, nhập cảnh tới cửa khẩu biên giới phải đỗ đúng nơi quy định để làm thủ tục hải quan. Người khai hải quan phải khai báo và nộp cho cơ quan hải quan cửa khẩu những giấy tờ sau đây:

1. Tờ khai hải quan đối với ô tô xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

2. Tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (nếu có chuyên chở hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu).

3. Tờ khai hành lý xuất khẩu, nhập khẩu của lái xe.

4. Danh sách hành khách và tờ khai hành lý của hành khách (nếu có hành khách).

Điều 51. Các phương tiện vận tải khác

Đối với các phương tiện vận tải thô sơ khi xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện phải khai báo và nộp cho cơ quan hải quan những giấy tờ sau:

1. Tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (nếu có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu).

2. Tờ khai hành lý của người điều khiển phương tiện vận tải và của những người làm việc trên phương tiện vận tải và của hành khách (nếu có).

Điều 52. Phương tiện vận tải tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập có thời hạn

1. Phương tiện vận tải quy định ở điều này gồm xe ô tô du lịch, xe gắn máy, thuyền, xuồng có gắn máy và không gắn máy.

2. Phương tiện vận tải tạm nhập, tái xuất có thời hạn phải khai hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan.

3. Phương tiện vận tải tạm nhập khẩu để lưu hành trong phạm vi khu vực cửa khẩu, trong thời hạn không quá 48 (bốn tám) giờ hoặc lưu hành trong phạm vi huyện biên giới có cửa khẩu, trong thời hạn không quá 12 (mười hai) giờ phải xin phép Thủ trưởng cơ quan công an khu vực cửa khẩu.

4. Phương tiện vận tải tạm nhập khẩu để lưu hành trong phạm vi tỉnh, thành phố có cửa khẩu, trong thời hạn không quá 05 (năm) ngày phải được phép của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố nơi phương tiện vận tải tạm nhập lưu hành.

5. Phương tiện vận tải tạm nhập lưu hành ngoài phạm vi tỉnh, thành phố có cửa khẩu phải được phép của Bộ trưởng Bộ Công an.

6. Phương tiện vận tại tạm nhập khẩu để lưu hành tại Việt Nam thuộc diện phương tiện vận tải cấm lưu hành tại Việt Nam phải xin phép Thủ tướng Chính phủ.

7. Phương tiện vận tải tạm xuất có thời hạn nếu tái nhập qua cùng cửa khẩu phải được phép của Chi cục trưởng Hải quan; nếu tái nhập qua cửa khẩu khác cùng tỉnh, thành phố với cửa khẩu xuất thì phải được phép của Cục trưởng Hải quan; nếu tái nhập qua cửa khẩu thuộc tỉnh, thành phố khác thì phải được phép của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

8. Hồ sơ hải quan gồm:

a) Tờ khai hải quan;

b) Giấy phép (trừ trường hợp tạm nhập lưu hành tại khu vực cửa khẩu);

c) Giấy đăng ký lưu hành.

Chương 3 :

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 53. Xử lý vi phạm

1. Người khai hải quan và tổ chức, cá nhân có liên quan nếu vi phạm các quy định tại Nghị định này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại (nếu có) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Cán bộ, công chức hải quan và tổ chức, cá nhân có liên quan nếu có hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định tại Nghị định này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, bồi thường thiệt hại vật chất (nếu có) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 54. Khiếu nại, tố cáo

1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với cơ quan hải quan về những quyết định của cơ quan hải quan dưới một cấp. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức hải quan với Thủ trưởng các cấp của cơ quan hải quan.

2. Thủ trưởng cơ quan hải quan các cấp khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo phải có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời các khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại và tố cáo.

3. Tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại toà hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi vi phạm pháp luật về hành chính của cơ quan hải quan, công chức hải quan theo quy định của pháp lut.

Chương 4
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 55. Hiệu lực thi hành của Nghị định

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2002.

Nghị định số 16/1999/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 1999 của Chính phủ quy định về thủ tục hải quan, giám sát hải quan và lệ phí hải quan, Quyết định số 212/1998/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế kho ngoại quan hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Các quy định trước đây trái Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 56. Trách nhiệm thi hành Nghị định

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

THE GOVERNMENT
-----

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
------------

No: 101/2001/ND-CP

Hanoi, December 31, 2001

 

DECREE

DETAILING THE IMPLEMENTATION OF A NUMBER OF ARTICLES OF THE CUSTOMS LAW REGARDING CUSTOMS PROCEDURES, CUSTOMS INSPECTION AND SUPERVISION REGIME

THE GOVERNMENT

Pursuant to the September 30, 1992 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the June 29, 2001 Customs Law;
At the proposal of the General Director of Customs,

DECREES:

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1.- Scope of regulation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 2.- Objects of customs procedures, customs inspection and supervision

1. Exported, imported and transited goods; articles aboard transport means on exit, entry or in transit; foreign exchange, Vietnamese currency, precious metals, gems; cultural products, relics, antiques, national precious objects; postal matters and parcels, luggage of people on exit or entry; other articles exported, imported, transited or stored within the geographical areas of operation of the customs offices.

2. Land, railway, air, sea and river transport means on entry, exit or in transit.

Article 3.- Customs declarers:

1. Customs declarers consist of:

a/ Possessors of objects of customs procedures;

b/ Persons lawfully authorized by possessors of objects of customs procedures;

c/ Customs procedure clearance agents.

2. Customs declarers shall have the rights and obligations specified in Article 23 of the Customs Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Sites of customs procedure completion are places where the customs-procedure-related jobs specified in Article 17 of the Customs Law is performed. The sites of customs procedure completion are:

a/ Border-gate customs offices set up at international seaports, international river ports, international civil airports, international railway stations, international posts and land border gates;

b/ Outside-of-border-gate customs offices set up in areas outside the border-gate areas under decisions of the Prime Minister.

2. Sites of customs procedure completion for transport means on exit, entry or in transit shall be the customs offices of the border gates through which such transport means leave, enter or transit the country.

Article 5.- Sites of export and import goods inspection

The sites of export and import goods inspection are those where the customs offices inspect the actual conditions of export and import goods, specifically as follows:

a/ Border-gate sites of customs procedure completion;

b/ Outside-of-border gate sites of customs procedure completion;

c/ Other sites prescribed by the General Director of Customs in necessary cases.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Customs procedure clearance agents (hereinafter referred to as agents) are persons who represent the persons with rights and obligations in carrying out the customs procedures for goods and/or transport means (hereinafter referred to as goods owners) in making customs declaration and perform the jobs as agreed upon in the customs procedure clearance agency contracts (hereinafter referred to as agency contracts).

2. Conditions for acting as agents:

a/ Being traders who have made business registration according to law provisions;

b/ Having the business line being the goods-forwarding service inscribed in the business registration certificate.

3. Rights and obligations of agents:

a/ To exercise the rights and fulfill the obligations stated in the agency contracts;

b/ To fill in and sign the customs declaration forms;

c/ To request the goods owners to pay damages and expenses that arise from the latters acts of breaching the agency contracts;

d/ To request the goods owners to supply all documents and accurate information needed for the customs procedures clearance for the lots of export or import goods;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



f/ To take responsibility before law within the authorization scope for the customs declarer’s obligations.

4. Rights and obligations of goods owners in the authorization of agents:

a/ To sign the agency contracts (clearly defining the authorization scopes, responsibilities of the authorizers and the agents);

b/ To supply the agents with full documents and accurate information needed for the customs procedure completion for the lots of export or import goods;

c/ To pay damages and all expenses incurred by the agents due to the goods owner’s acts of breaching the agency contracts;

d/ To take responsibility before law for their law-breaking acts or the agents if such acts are not due to the latter’s faults.

Chapter II

CUSTOMS PROCEDURES, CUSTOMS SUPERVISION AND INSPECTION REGIME

Section 1. FOR EXPORT AND IMPORT GOODS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. When carrying out customs procedures, the customs declarers must submit and present a customs dossier consisting of the following documents:

a/ For export goods:

- The customs declaration of export goods;

- A detailed list of goods, for lots of goods of many categories;

- The permit of a competent State management body, for goods requiring export permits according to law provisions;

- The goods purchase and sale contract or a paper of equivalent legal value in necessary cases prescribed by the General Director of Customs;

- Other documents prescribed by law for each particular goods item, which the customs declarer must submit or present to the customs office.

b/ For import goods:

- The customs declaration of import goods;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The goods purchase and sale contract or a paper of equivalent legal value;

- The permit of a competent State management body, for goods requiring import permits according to law provisions;

- A copy of the bill of lading;

- A detailed list of goods, for lots of goods of many categories;

- A certificate of origin (C/O), as provided in Clause 2, Article 10 of this Decree;

- A written certification of goods quality inspection registration, made by a goods-expertising organization or a notice on exemption from State quality inspection, issued by a competent State management body for export or import goods subject to State quality inspection;

- Other documents as prescribed by law for each particular goods item.

If the above-mentioned documents are copies, they must be certified, signed and stamped by the heads of the business organizations or their authorized persons. The certifying, signing and stamping persons shall bear responsibility before law for the lawfulness of these documents.

2. In cases where they obtain the approval of the directors of the border-gate Customs Sub-Departments or the directors of the outside-of-border gate Customs Sub-Departments (hereinafter referred to as Customs Sub-Department directors), the customs declarers may later submit the following documents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Other documents belonging to the customs dossier (except the customs declaration). The time limit for late submission shall be 30 (thirty) days, counting from the date of registration of the customs declaration.

3. Before the time the customs officers conduct the actual goods inspection, if the customs declarers made written requests which are approved by the Customs Sub-Department directors, they may withdraw the registered customs declarations for supplementation and/or amendment or replacement.

4. Requirements on customs dossiers and customs dossier registration in other cases:

a/ The customs declarers may register the customs declarations for the import goods before the goods arrive at the border gates within the time limit prescribed by the tax legislation for export and import goods;

b/ The goods owners who regularly export and/or import the same goods items within a given period under the same purchase and sale contract may use a single customs declaration (registered once) for carrying out customs procedures for the exportation or importation of such goods items within the delivery time determined in the purchase and sale contracts.

c/ The tax policy and the export and import management policy implemented according to law provisions shall apply at the time of the actual goods exportation or importation;

d/ The customs declarers may make customs declaration on computers connected with the computer network of the customs offices according to law provisions.

5. When carrying out the customs dossier registration procedures, the customs officers shall have the responsibility to: check the documents of the customs dossiers; check the customs declaration contents; compare the customs declaration contents with the documents of the customs dossiers; register the customs dossiers according to law provisions. Where they refuse to register the customs dossiers, they must conspicuously inscribe the reasons therefor so that the customs declarers know them.

Article 8.- Inspection of the goods actual conditions

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The Customs Sub-Department directors shall base themselves on the database set up under Clause 1 of this Article, the customs dossiers and other relevant information to decide on or change the inspection form, the percentage of to be-inspected goods, the way of determining the percentage of to be-inspected goods for each particular export or import goods lot.

3. The customs officers tasked to carry out the actual goods inspection shall base themselves on the decisions of the Customs Sub-Department directors on the inspection form and the percentage of to be-inspected goods to apply goods inspection measures and methods suitable for each particular goods lot. In the course of inspection, if detecting signs of law violation, they shall report them to the Customs Sub-Department directors so that the latter can decide to change the inspection form and/or the percentage of to be-inspected goods.

4. Exemption from actual inspection of export and import goods

a/ Conditions for goods owners to enjoy exemption from actual goods inspection:

- The owners of export goods have a record of one years exportation, counting from the date of carrying out the customs procedures, who have not been handled for customs-related administrative violations, or have been handled for customs-related administrative violations with a fine level falling within the sanctioning competence of the Customs Sub-Department directors.

- The owners of import goods have a record of two years importation, counting from the date of carrying out customs procedures, who have not yet been handled for customs-related administrative violations, or have been handled for customs-related administrative violations with a fine level falling within the sanctioning competence of the Customs Sub-Department directors.

b/ The export or import goods of the owners who meet the conditions prescribed at Point a of this Clause for exemption from inspection shall be:

- For exports: agricultural and aquatic goods; textiles and garments; footwear, natural rubber; fresh and raw foodstuffs; processed foodstuffs; goods requiring special preservation; mechanical goods and machinery; liquid and bulky goods; goods items whose volume, quality and categories must be determined on the basis of the conclusions of competent State management bodies or expertising organizations; export goods of enterprises in export-processing zones; regularly exported goods; other goods stipulated by the Government.

- For imports: Equipment, machinery; fresh and raw foodstuffs; goods requiring special preservation; goods stored in bonded or tax-suspension warehouses; imports to be taken into export-processing zones, tax-suspension or other customs preference zones; liquid and bulky goods and goods items whose volume, quality and categories must be determined on the basis of competent State management bodies or expertising organizations; regularly imported goods; other goods stipulated by the Government.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- For goods having the inspection or expertise results of competent State management bodies or expertising organizations, the customs offices shall inscribe the certification of the actually exported or imported goods according to the conclusions of these bodies or organizations.

- For other goods, the customs offices shall inscribe the certification of the actually exported or imported goods according to the contents declared by the customs declarers. The customs declarers shall bear responsibility before law for the contents declared by themselves.

5. Probability inspection of the actual conditions of goods shall be applied to no more than 10% of each export or import goods lot according to the provisions at Point b, Clause 1, Article 30 of the Customs Law. If the goods are packed in bales, the inspection rate shall be the rate of inspected bales. If the goods are packed in containers, the inspection rate shall be the rate of inspected containers or the rate of inspected bales in each container.

6. Inspection of the actual conditions of the whole export or import goods lots of goods owners who have repeatedly violated the customs legislation; of export or import goods lots showing signs of violation of the customs legislation, shall be conducted as follows:

a/ The goods owners who have repeatedly violated the customs legislation are those who have been more than three times handled for customs-related administrative violations within two years, counting from the date of carrying out customs procedures for import activities, and one year, counting from the date of carrying out customs procedures for export activities, with the level of each fine falling beyond the sanctioning competence of the Customs Sub-Department directors;

b/ In cases where within the time limit specified at Point a of this Clause, the goods owners have been once handled for customs-related administrative violations with a fine level beyond the sanctioning competence of the directors of the provincial, inter-provincial or municipal Customs Departments (hereinafter referred to as Customs Department directors), the export or import goods of these owners shall be subject to the inspection form applicable to the goods of owners who repeatedly violate the customs legislation.

c/ Where signs of violation of the customs legislation are detected, the customs officers shall inspect the whole export or import goods lots as follows:

- If the signs of violation are signs of fraudulence in goods quantity, the customs officers shall count, weigh or measure the whole goods lot;

- If the signs of violation are signs of fraudulence in goods category, the customs officers shall inspect all the bales of goods;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. On the basis of the provisions of this Article, specific information on the goods owners, export or import goods lots at the time of carrying out the customs procedures, the Customs Department directors shall decide to change the inspection form and the actual inspection rate for the goods for which the Customs Sub-Department directors already decided on the inspection form and the actual inspection rate.

Article 9.- Analysis, classification, expertise and State inspection of goods quality

1. For goods not subject to State quality inspection but the customs officers cannot determine their names, quantity and/or quality, they shall be dealt with as follows:

a/ The customs officers shall take goods samples in the presence of the customs declarers for analysis or expertise solicitation. The taking of goods samples shall be recorded in a report, which is signed for certification by the customs officer and the customs declarer;

b/ In cases where the customs declarers disagree with the inspection, analysis or expertise results concluded by the customs offices (hereinafter referred to as first-time results), they may select another specialized expertising office or organization for re-expertise and shall have to pay the expertise charges;

c/ When the re-expertise results are not available, the first-time results shall serve as basis for the customs offices to carry out customs procedures. When the re-expertise results are available, the customs offices shall base themselves on the re-expertise results to carry out the customs procedures for the goods;

d/ The goods owners shall bear responsibility before law for the lawfulness of the expertise results if the goods are expertised abroad at the goods owners request.

2. For goods subject to the State quality inspection, the customs offices shall base themselves on the customs dossiers and the certificate of registration of State inspection of goods quality, or the notices on exemption from State inspection of goods quality, which are issued by the agencies in charge of State inspection of goods quality, to carry out the customs procedures for such goods.

3. The customs declarers shall be entitled to lodge complaints with the customs offices or competent State management bodies or initiate lawsuits at courts about the decisions of the customs offices, the goods-analyzing, classifying and expertising agencies or organizations according to law provisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The inspection of goods origin must be based on the results of inspection of the actual conditions of the goods as well as the customs dossiers.

2. Regulations on certificates of origin (C/O):

a/ For export goods, the customs declarers shall not have to submit C/O;

b/ For import goods, if the goods owners request the origin-related preferences in compliance with the agreements or commitments between the Socialist Republic of Vietnam and other countries or international organizations, they must submit C/O or documents of equivalent legal validity and bear responsibility before law for the lawfulness of the C/O;

c/ For the goods which Vietnam or an international organization announces that they are in a time when appears the risk of causing danger to community health, production and/or environmental hygiene, when importing them, the customs declarers must submit these goods C/O.

Article 11.- Goods customs clearance

1. Bases for the customs offices effect the goods customs clearance are:

a/ The declaration of the customs declarer or the results of the State inspection body or expertising organization, for goods exempt from actual inspection;

b/ The results of the actual goods inspection by the customs office, for goods subject to actual inspection;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ The expertise results, for goods requiring expertise.

2. Export goods and import goods not subject to taxes collected by the customs offices, duty-free goods, processed goods, and other special goods shall enjoy customs clearance immediately after there is the customs office’s certification of the goods inspection results on the declaration forms.

3. Export goods and import goods liable to tax shall enjoy customs clearance immediately after the customs declarers pay tax. Goods enjoying a grace period for tax payment shall enjoy customs clearance immediately after the customs office issues a tax notice.

Article 12.- Supervision of export and import goods

1. Goods subject to customs supervision

Goods subject to customs supervision comprise:

a/ Goods which have gone through export customs procedures but not yet exported;

b/ Goods which have gone through import customs procedures but not yet enjoyed customs clearance;

c/ Export or import goods which have not yet gone through customs procedures and been stored in warehouses or yards within the geographical areas of operation of the customs offices;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ Goods and transport means being transported from one border gate to another.

2. Customs supervision modes:

a/ Customs supervision shall be effected by the following modes:

- Customs sealing, comprising sealing with customs sealing papers and sealing with special-use customs strings or locks;

- Personal supervision by customs officers;

- Supervision by technical means.

b/ Personal supervision by customs officers shall not apply to goods stored or transported outside the geographical areas of operation of the customs offices, except for necessary cases prescribed by the General Director of Customs.

Article 13.- Goods transported from one border gate to another

1. Goods transported from one border gate to another must be transported along the right routes to the right places inscribed in the customs dossiers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. During the border gate-to-border gate transportation process, if accidents or force majeure events occur, thus damaging the customs seal or changing the original conditions of the goods, the transporters, goods owners or accompanying customs officers (if any) shall notify as soon as possible the customs offices or the nearest commune, ward or township Peoples Committees thereof for making records certifying the present conditions of the goods.

4. Customs procedures for border gate-to-border gate transportation

a/ For import goods having bills of lading which state that the destination places are the outside-of-border gate sites of customs procedure completion:

- The border-gate customs offices shall have to inspect the outer appearance of the goods; make delivery records and deliver the goods to the transporters for transportation to the outside-of-border gate sites of customs procedure clearance; then notify the customs offices at the outside-of-border gate sites of customs procedure completion of noteworthy information on the goods.

- The customs offices at the outside-of-border gate sites of customs procedure completion shall receive the delivered goods; compare the goods with, and make certification in, the delivery records of the border-gate customs offices; carry out the customs procedures for the importation of the goods; notify the border-gate customs offices of the results of verification of the information on the import goods lots already noted by the border-gate customs offices.

b/ For import goods with bills of lading stating that the destination places are the border-gate sites of customs procedure completion:

- The customs declarers must make written requests for border gate-to-border gate transportation. On the basis of such requests, the customs offices at the outside-of border gate sites of customs procedure completion shall fill in the procedures for receiving the dossiers; register the import customs declarations, make certification in the border gate-to-border gate transportation requests, then send them to the border-gate customs offices for carrying out the procedures for transportation of the goods from the border gates to the outside-of-border gate sites of customs procedure completion.

- Upon receiving the requests of the customs offices at the outside-of-border gate sites of customs procedure completion inscribed in the border gate-to-border gate transportation requests, the border-gate customs offices and the customs offices at the outside-of-border gate sites of customs procedure completion shall carry out customs procedures as prescribed at Point a of this Clause 4.

c/ For export goods:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The customs offices at the export border gates shall receive the goods; compare them with the delivery records of the customs offices at the outside-of-border gate sites of customs procedure completion; supervise the goods until they are exported, and make certification of the actual exportation thereof according to regulations.

d/ The customs offices at the outside-of-border gate sites of customs procedure completion shall have to carry out the customs procedures for export or import goods lots. The border-gate customs offices shall have to coordinate with, supply noteworthy information on the export or import goods to the customs offices at the outside-of-border gate sites of customs procedure completion. When receiving noteworthy information on the export or import goods, the customs offices at the outside-of-border gate sites of customs procedure completion must check such information and inform the checking result to directors of the concerned Customs Department and Customs Sub-Departments.

Article 14.- Procedures for temporary postponement of customs procedure clearance with regard to exports and imports requiring intellectual property protection

1. When wishing to request the customs offices to temporarily postpone the customs procedure clearance for export or import goods, the intellectual property right holders or their authorized persons (hereinafter referred to as temporary postponement requesters) must:

a/ File a written request for temporary postponement of customs procedure clearance to the director of the Customs Sub-Department at the place where the goods are exported or imported;

b/ Deposit an advance amount equal to 20% of the goods lot’s value inscribed in the contract into the customs office’s temporary custody account at the State Treasury or submit the guaranty document issued by a credit institution in order to secure the damage compensation for the goods owner as well as the payment of expenses to be incurred by the concerned agencies, organizations and/or individuals due to the wrong request for temporary postponement of customs procedure clearance;

c/ Produce to the customs office protection titles or documents proving the lawful intellectual property rights;

d/ Present initial evidences of the doubt that the exports or imports infringe upon their intellectual property rights;

e/ The written authorization to file the temporary postponement request, made according to law provisions (in cases of authorization).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ When the temporary postponement requester has satisfied all temporary postponement requesting conditions specified in Clause 1 of this Article, the Customs Sub-Department director shall decide on the temporary postponement of customs procedure clearance (hereinafter referred to as temporary postponement) with regard to the goods lot. The temporary postponement decision shall be sent to the export or import goods owner and the temporary postponement requester. It must clearly state the reason for and duration of temporary postponement so that the goods lot-related parties can know and execute;

b/ The temporary postponement duration is ten days as from the date the temporary postponement decision is issued;

c/ The Customs Sub-Department director shall decide on the extension of the temporary postponement duration in cases where the temporary postponement requester files a written request therefor prior to the expiry date of the suspension decision. In this case, the temporary postponement requester must additionally pay an advance as prescribed in Clause 1 of this Article. The extended duration shall not exceed ten days as from the date the temporary postponement decision expires.

d/ Upon the end of the duration specified at Point b or c of this Clause, if the temporary postponement requesters fail to supply any evidences or the conclusions of competent agencies and/or organizations proving that the goods lot infringes upon the intellectual property rights or there is no competent State management body or court requesting in writing the customs office to deliver the goods being subject to temporary postponement of customs procedure clearance for settlement, the Customs Sub-Department directors may decide:

- To carry out the customs clearance procedures for the goods lot;

- To force the temporary postponement requester to pay compensation to the exporter or importer for all damage caused by the wrong temporary postponement request, pay all expenses for the goods storage and preservation as well as expenses incurred by the customs offices and other concerned agencies, organizations and/or individuals according to law provisions;

- To complete the procedures for returning to the temporary postponement requester the remaining advance amount after he/she has paid compensation to the exporter or importer as well as all arising expenses related to the temporary postponement request. Where the advance amount is not enough to pay all the above expenses, the temporary postponement requester shall have to pay an additional amount to offset the deficit.

e/ Where the temporary postponement requester is able to prove that the export or import goods owner has infringed upon his/her intellectual property rights, the latter and the goods shall be dealt with according to law provisions. The export or import goods owner shall bear responsibility before law; abide by decisions of competent State bodies; pay compensation for any damage caused to the industrial property right owner; and pay all expenses arising from the temporary postponement. The customs office shall return to the temporary postponement requester the advance amount.

Section 2. FOR OTHER EXPORT AND IMPORT GOODS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The customs procedures for transited goods shall be carried out at the customs offices at the border gates through which the goods are imported or exported. The transited goods must be imported or exported through the right border gates, transported along the right routes according to the timetable inscribed in the customs dossiers and subject to customs supervision.

2. Transited goods must neither be sold, presented nor exchanged in Vietnam, except for cases it is so permitted by competent Vietnamese State bodies and, in these cases, they must go through import customs procedures as prescribed by law.

3. Transited goods, which are not transported across land territory, may be warehoused within the border-gate areas.

4. For transited goods, which need to be warehoused outside the border gate areas or transported across land territory, or other transited goods which are required by law to have transit permits, permission of a competent State body must be obtained.

5. Documents to be submitted when carrying out customs procedures for transited goods:

a/ A list of the transited goods, submitted by the customs declarer or his/her representative to the border-gate customs office for transited goods which are straightly transported in their original conditions; transshipped onto the same land, railway, river, sea or air transport means (except for transited goods which are straightly transported by air);

b/ The customs declaration for the transited goods and the list of transited goods, submitted by the customs declarer or his/her representative to the border-gate customs office for transited goods which need to be warehoused or transshipped onto another type of transport means.

6. Responsibilities of the customs offices:

a/ The customs offices of the border gates through which the goods enter the country shall receive the lists of transited goods or the customs declarations for the transited goods lots, seal up the goods-storing places and certify the original conditions of the goods in the goods lists and the customs declarations (for cases where customs declaration is required) and hand them over to the transport means operators to bring them to the customs offices of the border gates through which the goods leave the country.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ The customs offices of the border gates through which the goods leave the country shall receive the goods lists or the customs declarations forwarded from the customs offices of the border gates through which the goods enter the country; check the state of the customs seal or the original conditions of the goods against the contents certified by the customs offices of the border gates through which the goods enter the country on the manifests or the transit customs declarations before carrying out the exit procedures.

7. Where accidents or force majeure events occur, resulting in the displacement of the customs seal or change in the goods original conditions, the carriers, the customs declarers and the accompanying customs officers (if any) must apply measures to limit loss and immediately notify such to the nearest commune, ward or township Peoples Committee for making a written record of the current conditions of the goods.

Article 16.- Goods temporarily exported or imported for participation in fairs, exhibitions or displays

1. Goods temporarily imported for participation in fairs, exhibitions or displays (hereinafter collectively referred to as temporarily-imported goods).

a/ The customs dossier consists of:

- The customs declaration;

- A copy of the bill of lading;

- The detailed list of goods;

- The permit of a competent State management body (for goods requiring permission).

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ The temporary export duration shall comply with provisions of Vietnamese laws;

d/ For temporarily imported goods subject to import ban or conditional import, if they are sold, presented or exchanged in Vietnam, permission from a competent State body must be obtained.

2. Goods of Vietnamese organizations and individuals, which are temporarily exported for participation in fairs, exhibitions or displays in foreign countries (hereinafter collectively referred to as temporarily-exported goods).

a/ The customs dossier consists of:

- The customs declaration;

- The detailed list of goods;

- The permit of a competent State management body (for goods requiring permission).

b/ The temporarily-exported goods may go through customs procedures at the border-gate customs offices or at the outside-of-border gate sites of customs procedure completion;

c/ The temporary import duration shall comply with provisions of Vietnamese laws;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 17.- Machinery, equipment, professional tools temporarily exported or imported for a given period

1. Machinery, equipment and professional tools (hereinafter collectively referred to as temporarily exported or temporarily imported goods) needed for the jobs of the persons on exit or entry may be temporarily exported or imported for a given period in accordance with their working requirements.

2. The customs dossier consists of:

a/ The customs declaration;

b/ The written request;

c/ The detailed list of goods;

d/ A copy of the bill of lading (for temporarily imported goods);

e/ A written certification of the jobs using of the temporarily exported or imported goods, issued by the agency or organization where the goods owner is working.

Article 18.- Components and spare parts temporarily imported in service of the replacement and repair of foreign sea-going ships and aircraft

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Components and spare parts temporarily imported in service of the replacement or repair of foreign sea-going ships or aircraft may be carried along by such aircraft or sea-going ships upon their entry, or sent before or afterwards to the addresses of the shipping agents or the repair factories.

3. The customs declarers shall be the aircraft or sea-going ship operators or the shipping agents or the repair factories. The customs declarers shall take responsibility before law for the use of temporarily imported components and spare parts for the right purposes as declared.

4. The customs dossier consists of:

- The customs declaration;

- The detailed list of goods;

- The customs declarers written request;

- A copy of the bill of lading.

Article 19.- Goods exported or imported by post

1. Goods exported or imported in to a certain form shall go through customs procedures prescribed for such export or import form.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ To make customs declaration;

b/ To show the goods for customs inspection;

c/ To pay tax (for taxable goods);

d/ To receive goods and return them to their owners.

3. The postal service-providing enterprises may declare goods of many goods owners in a single customs declaration form.

Article 20.- Goods purchased and sold on transport means on exit or entry at Vietnams sea or river ports

1. Traders who purchase or sell goods with people on transport means on exit or entry must carry out customs procedures, fulfill all tax obligations and comply with the goods management policies as prescribed by law.

2. The customs dossier consists of:

a/ The customs declaration;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ The business registration certificate.

Article 21.- Goods purchased, sold or exchanged by border inhabitants

1. If inhabitants in the border areas carry goods cross the border within a prescribed quantity, they shall not have to make customs declaration; if carrying goods in excess of the prescribed quantity, they shall have to make customs declaration and abide by the law provisions on taxes and the export and import management policy.

2. For places where no customs offices are not available, the border guards shall perform the goods management task as prescribed in Clause 1 of this Article.

Article 22.- Transferred properties exported or imported

1. Foreigners who carry transferred properties into Vietnam in service of their work and daily life during their stay in Vietnam shall have to submit and present the following papers when carrying out customs procedures:

a/ The customs declaration;

b/ A written certification of their working visit in Vietnam, granted by a competent Vietnamese State management body;

c/ A copy of the bill of lading;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Foreigners who carry transferred properties out of Vietnam shall have to submit and present the following papers when carrying out customs procedures:

a/ The customs declaration;

b/ A paper certifying the completion of their working and residing duration, granted by the Foreign Ministry or a competent management body of Vietnam;

c/ The detailed list of properties;

d/ The import declaration with the customs offices certification, attached with the document on liquidation of the temporarily imported properties with the customs office and the tax payment voucher for goods liable to tax.

3. For transferred properties carried by Vietnamese organizations or individuals from Vietnam to foreign countries for working purposes or purchased in foreign countries, if, after finishing their working duration, these Vietnamese organizations or individuals send their properties back home, they must carry out customs procedures therefor. The customs dossier consists of:

a/ The customs declaration;

b/ The decision of a competent body permitting them to do business and work abroad or to return to Vietnam;

c/ The export customs declaration and other documents proving that they brought the goods abroad, or the invoice of the goods purchased abroad.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ The customs declaration;

b/ The decision permitting the residence in Vietnam or the decision permitting the residence in a foreign country (for persons on exit);

c/ The detailed list of properties;

d/ Papers proving the ownership of the properties, excluding articles and items in service of normal daily-life needs of families and individuals.

Article 23.- Luggage, foreign exchange, precious metals, gems, Vietnamese currency exported or imported

1. Upon arriving at the border gates, the persons on exit or entry must declare and show their accompanied luggage (both hand-carried luggage and luggage sent along the trip) to the customs offices for inspection when requested. For luggage sent before or after the trip, when the luggage owners come to fill in the procedures for receiving them, they must present the customs declarations, passports and bills of lading.

2. Persons on entry who possess articles and declare them as temporarily imported goods shall have to bring the same articles out of the country when on exit. Persons on exit who possess articles and declare them as temporarily exported goods shall have to bring back the same articles when on entry. Where the temporarily imported goods are lost or missing, written certification of a competent police office must be obtained.

3. Persons on exit or entry who carry gems and/or precious metals (except for international standard gold) must comply with the regulations of competent State management bodies and carry out customs procedures therefor.

4. Persons on exit who carry foreign currencies in cash, Vietnamese currency in cash and/or international standard-gold in excess of the prescribed limit must have permits of the Vietnam State Bank Governor and make customs declaration at the border gates.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 24.- Goods exported and imported in service of urgent, security and defense requirements

1. Goods exported or imported in service of urgent requirements comprise:

a/ Goods specified in Clause 1, Article 35 of the Customs Law;

b/ Other goods exported or imported in service of urgent requirements as decided by the Prime Minister.

2. Customs procedures:

a/ For goods in service of urgent requirements:

- The agency heads or enterprise heads issue a written certification that the goods are exported or imported in service of urgent requirements and take responsibility before law for their certification.

- The goods exported or imported in service of urgent requirements shall enjoy customs clearance before the documents of the customs dossiers are submitted. The time limit for late submission shall not exceed 30 (thirty) days as from the date the goods are cleared from the customs procedures.

- The Customs Sub-Department directors shall base themselves on the characteristics and categories of the goods as well as the urgency to decide on appropriate forms of actual goods inspection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Goods exported or imported with the Public Security Ministers or the Defense Ministers written certification that they are in service of security or defense requirements shall enjoy customs clearance before the documents of the customs dossiers are submitted. The time limit for late submission shall not exceed 30 (thirty) days as from the date the goods are cleared from the customs procedures.

- Goods in service of security or defense requirements, which have written certification by the Public Security Minister or the Defense Minister that they require high safety or special confidentiality (top secret or strict confidentiality) shall be exempt from actual inspection and customs declaration.

- The Public Security Minister and the Defense Minister shall be answerable to the Prime Minister for the contents of their written certifications.

Article 25.- Privileges and immunities in customs declaration and customs inspection

1. Diplomatic and consular bags shall enjoy immunity from customs declaration and inspection.

2. Personal luggage and transport means of the following individuals and organizations shall enjoy immunity from customs inspection:

a/ Transport means, items used for the official activities of the Vietnam- based foreign diplomatic missions and consular offices, representative offices of international organizations shall enjoy diplomatic privileges and immunities according to law provisions;

b/ Those who hold diplomatic passports issued by the Foreign Ministry or overseas Vietnamese embassies and general consulates or by the Foreign Ministry or competent authorities of the countries which have recognized the State of the Socialist Republic of Vietnam;

c/ Spouses and minor children accompanying the subjects specified at Point b of this Clause;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. When there are grounds to confirm that transport means, goods and/or items of the subjects specified in Clauses 1 and 2 of this Article violate the law-prescribed diplomatic privilege and immunity regime, the General Director of Customs shall decide on the inspection and handling of these subjects according to the provisions in Article 62 of the Customs Law.

Article 26.- Goods and luggage under consigned exportation or importation, which are drifted, strayed or mistakenly-claimed

1. When carrying out the customs procedures for receiving back goods and/or luggage under consigned exportation or importation, which have been drifted, strayed or mistakenly-claimed, the owners or their authorized persons shall have to submit the following papers:

a/ Documents proving the ownership of the consigned goods and/or luggage;

b/ The list of consigned goods and/or luggage (if any).

2. Where it is impossible to identify the recipients of the consigned goods and luggage prescribed in this Article, such goods and luggage shall be dealt with according to the provisions in Article 45 of the Customs Law.

Section 3. FOR GOODS AT BONDED WAREHOUSES AND TAX-SUSPENSION WAREHOUSES

Article 27.- Bonded warehouses

Bonded warehouses are warehouses or yards set up on the Vietnamese territory and separated from the surrounding areas for temporary storage and preservation of, or provision of a number of services for, the goods brought from abroad or from within the country and put into the warehouses under bonded warehouse lease contracts signed between the bonded warehouse owners and the goods owners.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Bonded warehouses, goods and transport means which enter or leave, or are stored and preserved in bonded warehouses must go through customs procedures and subject to the inspection and supervision by the customs offices.

Article 29.- Areas where bonded warehouses may be set up

Bonded warehouses may be set up in the following areas:

1. The provinces and centrally-run cities which act as goods exchange hubs between Vietnam and foreign countries, have favorable conditions for the transportation of export and import goods.

2. Industrial parks, high-tech parks, export-processing zones, other special economic zones (hereinafter referred to as industrial parks).

Article 30.- Setting up of bonded warehouses

1. Conditions for being permitted to set up a bonded warehouse:

a/ Being an enterprise established according to law provisions;

b/ Having the function of dealing in warehouses and yards, forwarding export and import goods, which is inscribed in the business registration certificate;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Having material and technical bases and transport means suitable for the requirements of goods storage and preservation as well as inspection and supervision by the customs offices.

2. A dossier of application for setting up a bonded warehouse consists of:

a/ An application for setting up a bonded warehouse, made according to the form set by the General Department of Customs;

b/ The business registration certificate;

c/ The diagram of the design of the warehouse or yard area, clearly showing the boundary separating the outside area, positions of entrepots, the system of internal transport roads, the system of fire and explosion prevention and fighting, security, offices, storehouses and the customs working places;

d/ Lawful documents on the right to use storehouses and/or yards.

Article 31.- Procedures for considering and licensing the setting up of bonded warehouses

1. The dossiers of application for setting up bonded warehouses shall be addressed to the provincial, inter-provincial or municipal Customs Departments (hereinafter referred to as Customs Departments for short) of the localities where the enterprises apply for permission to set up bonded warehouses.

a/ Within 15 (fifteen) days after receiving the full and valid dossiers of the enterprises, the Customs Departments shall:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Survey the actual conditions of storehouses and yards;

- Report the results and make proposals to the General Director of Customs.

b/ Within 15 (fifteen) days after receiving the reports and proposals from the Customs Departments, and the dossiers of application for setting up bonded warehouses, the General Director of Customs shall issue decisions to grant licenses to set up bonded warehouses or reply in writing if the enterprises fail to meet the conditions specified in Article 30 of this Decree.

2. Once every year, the Customs Departments shall inspect the situation of the operation of the bonded warehouses and the observance of the customs legislation by the licensed enterprises. If detecting signs of law violation, the Customs Departments shall conduct unexpected inspection of the bonded warehouses.

3. The General Director of Customs shall decide to revoke the bonded warehouse operation licenses in the following cases:

- The enterprise files a written request for termination of the operation of the bonded warehouse;

- Within 1 (one) year, the bonded warehouse owner has committed three customs-related administrative violations and has been fined each at the level beyond the Customs Sub-Department directors competence to sanction customs-related administrative violations; or has committed one customs-related administrative violation and has been fined at the level beyond the Customs Department directors competence to sanction customs-related administrative violations or has been examined for penal liability.

- Within six months, the enterprise fails to put the bonded warehouse into operation without plausible reasons.

4. On the basis of the business needs, proposals of the enterprises and the geographic locations and operation conditions of the bonded warehouses, the Customs Department directors shall decide to permit the enterprises to expand, size down or relocate the bonded warehouses but must ensure conditions for strict management by the customs offices.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



If so agreed upon or authorized in writing by the goods owners, the bonded warehouse owners may provide the following services for the goods stored at the bonded warehouses:

1. Consolidating the packings, categorizing goods, taking goods samples within the bonded warehouses under the personal supervision by the customs officers;

2. Carrying out on behalf of the goods owners the customs procedures for the goods taken out or put into the bonded warehouses;

3. Transporting goods from the border gates into the bonded warehouses and vice versa, or from one bonded warehouse to another;

4. Effecting the transfer of the goods ownership according to law provisions.

Article 33.- Lease of bonded warehouses

1. Subjects permitted to rent bonded warehouses:

a/ Vietnamese traders of all economic sectors, who are permitted to conduct export and import business;

b/ Foreign traders;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Bonded warehouse lease contracts:

A bonded warehouse lease contract shall be agreed upon by the bonded warehouse owner and the goods owner according to law provisions. The bonded warehouse lease contract must clearly state the names, categories, quantities and quality of the goods; the lease duration, services as specified in Article 32 if requested by the goods owner, responsibilities of the contracting parties.

3. The term of a bonded warehouse lease contract shall not exceed 365 (three hundred and sixty five) days, counting from the date the goods are put into the warehouse. The bonded warehouse owner shall have to send a written notice to the bonded warehouse customs before the expiry of the bonded warehouse lease contract. Where the goods owner files a written request and the Customs Department directors approval is obtained, the duration of the bonded warehouse lease contract may be extended for no more than 180 (one hundred and eighty) days, counting from the expiry date of the bonded warehouse lease contract.

4. When the bonded warehouse lease contract has expired but the goods owner still fails to carry out the procedures for the extension thereof, the handling thereof shall be as follows:

a/ Within 90 (ninety) days as from the expiry of the bonded warehouse lease contract, if the goods owner signs a contract on extension of the bonded warehouse lease contract, the Customs Department shall handle this as an administrative violation according to law provisions and accept the extension of the contract;

b/ Past 90 (ninety) days as from the expiry of the contract, if the goods owner fails to sign an extension contract or take the goods out of the bonded warehouse, the Customs Department shall organize the liquidation of the goods stored in the bonded warehouse according to law provisions.

5. During the term of the bonded warehouse lease contract, if the goods owner issues a document to abandon the goods stored at the bonded warehouse, the Customs Department shall organize the liquidation of such goods.

6. The liquidation of the goods stored at bonded warehouses shall be conducted according to law provisions. The proceeds from the goods liquidation shall be remitted into the State budget, after subtracting warehousing expenses and other expenses related to the goods liquidation according to law provisions.

Article 34.- Goods put in, taken out of, stored and preserved in bonded warehouses

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Goods bearing fake labels or origin appellation of Vietnam;

b/ Goods which may cause public danger or environmental pollution;

c/ Goods banned from export, banned from import, except for cases permitted by the Prime Minister.

2. Goods brought from abroad into bonded warehouses consist of:

a/ Goods of foreign owners who have not yet signed sale contracts with enterprises in Vietnam;

b/ Goods imported by Vietnamese enterprises from abroad, waiting for circulation on the domestic market and import tax payment.

3. Goods brought from inland Vietnam into bonded warehouses consist of:

a/ Export goods which have gone through customs procedures but not yet exported;

b/ Goods which have passed the temporary import duration and must be re-exported;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Goods stored and preserved in bonded warehouses must accord with the bonded warehouse lease contracts. Goods put in or taken out of bonded warehouses must go through customs procedures strictly according to law provisions.

5. The transportation of goods from a border gate or a goods-gathering place, which have gone through customs procedures (for exports goods to be put into bonded warehouses), to a bonded warehouse or from a bonded warehouse to a border gate shall be subject to customs supervision.

Article 35.- Customs procedures for goods put into bonded warehouses

1. For goods coming from abroad and put into bonded warehouses, the goods owners or their lawful representatives must submit to the bonded warehouse customs the bonded warehouse lease contracts, customs declarations and other necessary documents as stipulated by the General Director of Customs.

2. For goods coming from Vietnam and put into bonded warehouses, the goods owners or their lawful representatives must complete all customs procedures as for export goods according to law provisions before sending their goods into the bonded warehouses; submit to the bonded warehouse customs the bonded warehouse lease contracts, customs declarations of export goods which have gone through customs procedures, declarations of goods put into the bonded warehouses and other necessary documents for completion of the warehousing procedures according to law provisions.

Article 36.- Customs procedures for taking goods out of bonded warehouses

1. Goods to be carried abroad:

a/ The goods owners or their lawful representatives, who wish to take goods out of bonded warehouses for export, must make customs declaration and submit to the bonded warehouse customs the following documents:

- The customs declaration for the export goods;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The ex-warehousing bill, made according to the form set by the Ministry of Finance.

b/ The bonded warehouse customs shall compare the set of declaration documents for goods ex-warehousing with the documents for completion of warehousing procedures and the actual conditions of the goods lots; if these documents are compatible, complete the delivery procedures and abide by the customs supervision regime according to the provisions in Article 12 of this Decree;

c/ If all the goods under a single contract cannot be exported at one time, they may be subtracted till the whole amount of goods inscribed in the contract is completely exported.

d/ Where the bonded warehouse lease contract has expired but the goods owner meets with difficulties in the goods delivery, the goods may be kept in the border-gate area where the bonded warehouse is located according to the following regulations:

- The goods are stored in the bonded warehouse within the border-gate area;

- The duration for storing the goods in the bonded warehouse within the border-gate area shall not exceed 180 (one hundred and eighty) days as from the date the goods are put into the warehouse. Past 180 (one hundred and eighty) days if all the goods have not yet been carried out of Vietnam, the Customs Department shall organize the liquidation of the left-over goods quantity according to the provisions in Clause 6, Article 33 of this Decree.

2. Goods imported into the Vietnamese market:

a/ Goods coming from abroad and put into bonded warehouses; goods coming from abroad, stored in bonded warehouses and having their ownership transferred; goods stored in bonded warehouses, which the liquidating Customs Departments wish to sell them on the Vietnamese market, shall all have to go through customs procedures, comply with the law provisions on tax and the export and import management policy like other imported goods;

b/ The time of actual importation of goods is the time the customs office registers the customs declaration for the imported goods;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 37.- Management of the storage and preservation of goods in bonded warehouses

1. The bonded warehouse owners must send a notice to the bonded warehouse customs before providing services for the goods stored in their bonded warehouses as prescribed in Clause 1, Article 32 of this Decree.

2. The transfer of goods from one bonded ware-house to another must be approved in writing by the Customs Department director. The duration of the new bonded warehouse lease contract shall be counted from the date the goods are put into the first bonded warehouse.

3. The bonded warehouse owners must open accounting books to monitor the goods warehousing and ex-warehousing according to the regulations of competent State bodies.

4. Once every 45 (forty five) days, the bonded warehouse owners shall have to send reports to the Customs Department directors on the present state of the goods in their bonded warehouses and the situation of the operation of their warehouses.

5. Where they wish to destroy broken, damaged, deteriorated or expired goods lots in the course of warehousing, the bonded warehouse owners must have written consent of the goods owners or their lawful representatives on the goods destruction. The written consent shall be sent to the Customs Departments of the localities where the bonded warehouses are located. The goods destruction procedures shall comply with law provisions.

Article 38.- Tax-suspension warehouses

Tax-suspension warehouses are those set up for storing raw materials imported for the production by enterprises which own the tax-suspension warehouses. For raw materials imported and put into tax-suspension warehouses, import tax and other taxes shall not be paid yet.

Article 39.- Conditions for being permitted to set up tax-suspension warehouses

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Exporting at least 50% of the products made by the enterprise from the raw materials imported and put into the tax-suspension warehouse.

3. Not owing any tax debts the payment of which is forced.

4. Having a system of adequate books and documents for strictly monitoring the export, import, ex-warehousing and warehousing according to law provisions.

5. The warehouse is built in an area convenient for the management and supervision by the customs office.

Article 40.- Procedures of application for setting up tax-suspension warehouses

1. An enterprise that wishes to set up a tax-suspension warehouse shall submit to the Customs Department of the locality where it operates two sets of dossier consisting of the following documents:

a/ An application for setting up a tax-suspension warehouse (made according to the form set by the General Department of Customs);

b/ The business registration certificate (a notarized copy);

c/ The diagram of the design of the tax-suspension warehouse;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Within 15 (fifteen) days after receiving the complete dossiers of application for setting up a tax-suspension warehouse, the Customs Department director shall issue a document on granting the license to set up the tax-suspension warehouse or a written reply clearly stating the disapproval reason if the enterprise lacks the conditions for setting up a tax-suspension warehouse as specified in Article 39 of this Decree.

3. The Customs Department directors shall issue decisions to revoke the licenses to operate the tax-suspension warehouses in the following cases:

a/ The enterprise sends a written request to the Customs Department director for termination of the operation of the tax-suspension warehouse;

b/ The enterprise fails to meet the requirements specified in Article 39 of this Decree.

4. The amount of raw materials left in the tax-suspension warehouse after its operation license is no longer valid shall be handled as follows:

a/ Where the goods owner no longer needs to use it and make a written request, the customs office shall carry out the procedures for re-exporting or destroying it according to law provisions;

b/ Where the goods owner has a written request for switching to another type of business, he/she must register and fill in a new customs declaration form. The customs office shall calculate taxes and issue a tax notice. The time for registration of the customs declaration and tax calculation shall be the time the operation license of the tax-suspension warehouse expires.

Article 41.- Customs procedures for goods put into and taken out of tax-suspension warehouses

The customs procedures for imported raw materials put into tax-suspension warehouses shall be the same as those for import goods, with the exception of tax calculation and payment procedures which shall be as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The base for determining the percentage of tax-suspended imported raw materials shall be the percentage of export products inscribed in the investment license (if the enterprise exports its products according to the percentage inscribed in the investment license) or the percentage determined by the enterprise itself, which must not be lower than 50% of the products made from the imported raw materials stored in the tax-suspension warehouse. In both cases above, the enterprise must send a written registration to the Customs Department managing the tax-suspension warehouse before January 1 every year.

3. On the basis of the percentage of to be-domestically consumed products, which has been registered by the enterprise, the customs office shall effect the registration of the declarations, calculate and collect import tax on the portion of raw materials used for production of to be domestically-consumed products.

4. For the portion of imported raw materials put into tax-suspension warehouses for production of export products, the customs office shall not calculate the tax on the declaration but must determine clearly the goods names, categories and quantities thereon and record them in a monitoring book according to law provisions.

Article 42.- Handling of goods stored in tax-suspension warehouses, which are damaged or deteriorated

Goods stored in tax-suspension warehouses, which are damaged or deteriorated, thus failing to meet the production requirements, may go through customs procedures for re-export or destruction. The destruction thereof shall be effected as follows:

1. The enterprise shall send a document to the Customs Department managing the tax-suspension warehouse, clearly stating the reason for destruction, the names, categories and quantities of the raw materials, the import customs declaration (serial number, date).

2. The enterprise itself shall organize the destruction under the supervision of the customs office, tax office and environmental agency according to law provisions.

3. The destruction result must be recorded in a report, which is signed for certification by the tax-suspension warehouse owner and the representatives of the supervising agencies. The written record on destruction shall serve as a proof of the liquidation of the goods stored in the tax-suspension warehouse.

Article 43.- Liquidation of goods in tax-suspension warehouses

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. If the export percentage is lower than the tax-suspension percentage, the enterprises must immediately pay the tax on the quantity of finished products, which is the difference between the quantity of to be-exported products and the quantity of actually-exported products. The late tax payment shall be handled according to law provisions.

2. If the export percentage is higher than the tax-suspension percentage, the enterprise shall be refunded the tax amount for the difference between the quantity of to be-exported products and the quantity of actually-exported products.

3. Enterprises having tax-suspension warehouses shall take responsibility before law for the accuracy and fullness of the sum-up reports prescribed in this Article.

Article 44.- Customs inspection and supervision of tax-suspension warehouses

1. The inspection and supervision by the customs offices of tax-suspension warehouses shall be mainly conducted during the processing of customs procedures for imported or exported goods to be stored in tax-suspension warehouses, during the liquidation of the goods stored in tax-suspension warehouses, and during the post-customs clearance inspection of the goods stored in tax-suspension warehouses. The customs offices shall neither directly supervise nor seal up tax-suspension warehouses.

2. Enterprises shall be responsible for organizing the management of tax-suspension warehouses, closely coordinating with the customs offices in conducting the tax-suspension warehouse inspection and supervision.

Section 4. FOR TRANSPORT MEANS ON EXIT, ENTRY OR IN TRANSIT

Article 45.- General provisions

1. Transport means on entry, exit or in transit across the Vietnamese territory must go through customs procedures at the border gates through which they leave, enter or transit the country. When carrying out the customs procedures, if the customs offices detect signs of law violation, the transport means operators must submit to the customs offices requests for inspection and search according to law provisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The information specified in Clause 2 of this Article shall be supplied in writing or via computers directly connected with the Customs Sub-Departments.

4. Transport means on exit, entry or in transit shall be subject to customs supervision as prescribed in Article 12 of this Decree.

5. Military transport means carrying civil passengers and goods on exit, entry or in transit must go through customs procedures like other transport means on exit, entry or in transit.

Article 46.- Aircraft on exit, entry or in transit

1. Immediately after an aircraft enters the country and the aviation agency has completed all flight formalities for passengers to leave the country and cargoes to be exported, the aircraft operators or their lawful representatives must submit to the airport customs office the following documents:

a/ The cargo and luggage declaration;

b/ The list of crew members and people working on the aircraft;

c/ The list of passengers.

2. Aircraft in transit, if making technical stops-over, shall not be required to go through customs declaration procedures but must be subject to customs supervision.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Customs procedures:

a/ Within one hour before a sea-going ship on exit or entry is ready to go through customs procedures, the port authority and the transporting organization shall have to notify the port customs office of the information specified in Clauses 2 and 3, Article 45 of this Decree;

b/ The customs office shall carry out procedures for the sea-going ship to leave or enter the country at the prescribed place. Where a competent State management body decides that sea-going ships anchor at other places on the Vietnamese sea area, the customs procedures for sea-going ships on exit or entry shall be carried out at these places.

2. The customs dossier consists of:

When carrying out customs procedures, the ship master or his/her lawful representative must present to the port customs authority the ships itinerary (for entries) and the diagram of the cargo arrangement on the ship and submit the following papers:

a/ The declaration of goods carried aboard the ship;

b/ The ship declaration, for entries;

c/ The list of materials, raw materials, fuels, food and foodstuff of the ship;

d/ The list of explosives, inflammables, anesthetics, toxins, weapons on the ship;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



f/ The list of passengers (if any);

g/ The crew members goods and luggage declarations.

3. The documents of the submitted customs dossiers shall not be withdrawn and corrected, unless plausible reasons can be given and the correction of such documents must not affect the observance of the provisions of tax legislation and the export and import goods management policy, and be approved by the Customs Sub-Department director.

Article 48.- Sea-going ships, aircraft moving from ports to ports

1. Sea-going ships or aircraft moving from ports to ports are those being in the time of moving from one port to another for unloading of import goods or loading of export goods under the inspection and supervision by the customs offices.

2. When sea-going ships or aircraft moving from ports to ports, their operators or their lawful representatives must submit the cargo declarations to the customs offices.

3. The customs offices at the ports where sea-going ships or aircraft leave shall certify the dossiers and hand them over to their operators to bring to the customs offices at the ports where the sea-going ships or aircraft move in.

4. Cargoes moving from ports to ports, food and foodstuff warehouses of sea-going ships moving from ports to ports must be customs-sealed up, except for cases where the imported goods are left in cargo holds, not yet brought out of the ships.

Article 49.- International trains on exit, entry or in transit by railway

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ The declaration of the trains components, the list and luggage declarations of the crew and people working on the train;

b/ The declaration of export goods, including transited goods, carriage transfer papers (for cargo trains);

c/ The list of passengers and their slips of unaccompanied luggage (for passenger trains);

d/ The declaration of fuels, materials, food and foodstuff of the train.

2. International trains on entry: When a train enters a country at a border-gate station, the train captain or his/her lawful representative must submit to the station customs office the following papers:

a/ The declaration of the trains components, the list and luggage declarations of the crew and people working on the train;

b/ The list of import goods, carriage transfer papers (for cargo trains);

c/ The list of passengers and their slips of unaccompanied luggage (for passenger trains);

d/ The declaration of fuels, materials, food and foodstuff of the train;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. International trains at inland international stations: When trains arrive at the inland stations, the train captains or their lawful representatives must submit to the station customs offices the following papers:

a/ The extract on imported goods, with the certification by the customs office at the border-gate station;

b/ Bills of lading;

c/ Transited goods forwarding paper (if there are international transited goods).

4. The managers of the international trains or the goods owners (if any) shall be responsible for ensuring the original conditions of goods and carriages during the process of transportation from the cargo-loading inland stations to the exit stations (for export goods) and from the entry stations to the cargo-unloading inland stations (for import goods).

Article 50.- Automobiles on exit, entry or in transit

When arriving at border gates, automobiles on exit or entry must park at prescribed sites for customs procedure completion. The customs declarers must declare and submit to the border-gate customs offices the following papers:

1. The customs declaration, for automobiles on exit, entry or in transit;

2. The declaration of export or import goods (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The list of passengers (if any) and their luggage declarations.

Article 51.- Other transport means

For rudimentary transport means on exit, entry or in transit, their owners or operators must make declaration and submit to the customs offices the following papers:

1. The declaration of the export or import goods (if any).

2. The luggage declarations of the transport means operators and people working on the transport means and passengers (if any).

Article 52.- Transport means temporarily imported for re-export and temporarily exported for re-import for a given period

1. Transport means specified in this Article are tourist cars, motorbikes, and boats with or without motors.

2. Transport means temporarily imported for re-export and temporarily exported for re-import for a given period must be declared to the customs offices and subject to customs inspection and supervision.

3. For transport means temporarily imported for use within the border-gate area for no more than 48 (forty eight) hours or for use within the territory of the border district having the border gate for no more than 12 (twelve) hours, the permission of the heads of the border-gate police offices must be obtained.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. For transport means temporarily imported for use outside the territory of the provinces or cities having the border gates, the permission of the Minister of Public Security must be obtained.

6. For transport means temporarily imported for use in Vietnam, which fall in the category of transport means banned from use in Vietnam, the permission of the Prime Minister must be obtained.

7. For transport means temporarily exported for a given period, if they are re-imported through the same border gate, the permission of the Customs Sub-Department directors must be obtained; if re-imported through other border gates in the same provinces or cities having the export border gates, the permission of the Customs Department directors must be obtained; and if re-imported at border gates in other provinces or cities, the permission of the General Director of Customs must be obtained.

8. The customs dossier consists of:

a/ The customs declaration;

b/ The permit (except for cases of temporary import for use within the border-gate area);

c/ The circulation registration paper.

Chapter III

HANDLING OF VIOLATIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The customs declarers and concerned organizations and individuals that violate the provisions of this Decree, shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be handled administratively, pay compensation for damage (if any) or be examined for penal liability according to law provisions.

2. Customs officers and officials and concerned organizations and individuals who abuse their positions and/or powers to act against the provisions of this Decree, shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined, pay compensation for material damage (if any) or be examined for penal liability according to law provisions.

Article 54.- Complaints and denunciations

1. Organizations and individuals shall be entitled to lodge complaints to the customs offices about the decisions of the one level-lower customs offices. Organizations and individuals shall be entitled to lodge complaints about or denunciations of law-breaking acts of customs officials or officers to the heads of the customs offices of different levels.

2. When receiving written complaints or denunciations, the heads of the customs offices of all levels shall have to consider, settle and reply them according to the provisions of the legislation on complaints and denunciations.

3. Organizations and individuals shall be entitled to initiate administrative lawsuits at administrative courts against the customs offices administrative decisions or and customs officers acts of violating administrative legislation according to law provisions.

Chapter IV

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 55.- Implementation effect of the Decree

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The Governments Decree No. 16/1999/ND-CP of March 27, 1999 stipulating the customs procedures, customs supervision and customs fees, and the Prime Ministers Decision No. 212/1998/QD-TTg of November 2, 1998 issuing the Regulation on bonded warehouses shall cease to be effective as from the date this Decree takes effect.

All previous provisions contrary to this Decree are hereby annulled.

Article 56.- Responsibility to implement the Decree

The ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the heads of the agencies attached to the Government and the presidents of the Peoples Committees of the provinces and centrally-run cities shall have to implement this Decree.

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Phan Van Khai

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 Hướng dẫn Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


12.292

DMCA.com Protection Status
IP: 18.226.187.60
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!