CHÍNH
PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
16/1999/NĐ-CP
|
Hà
Nội, ngày 27 tháng 3 năm 1999
|
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 16/1999/NĐ/CP NGÀY 27 THÁNG 3 NĂM 1999 QUY
ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN, GIÁM SÁT HẢI QUAN VÀ LỆ PHÍ HẢI QUAN
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh Hải quan ngày 20 tháng 02 năm 1990;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Đối tượng làm thủ tục hải quan
Hàng hóa, hành lý, ngoại hối,
kim khí quý, đá quý, tiền Việt Nam, văn hóa phẩm, tài liệu, bưu phẩm, bưu kiện,
các đồ vật và tài sản khác xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải
xuất cảnh, nhập cảnh, hoặc quá cảnh lãnh thổ Việt Nam (dưới đây gọi chung là đối
tượng làm thủ tục hải quan) đều phải làm thủ tục hải quan theo quy định tại Nghị
định này. Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia
có quy định khác thì áp dụng theo các Điều ước quốc tế đó.
Điều 2.
Giải thích các từ ngữ
Trong Nghị định này những từ ngữ
dưới đây được hiểu như sau:
1. Thủ tục hải quan là các công
việc mà người làm thủ tục hải quan và nhân viên hải quan phải thực hiện theo
quy định của pháp luật đối với đối tượng làm thủ tục hải quan khi xuất khẩu, nhập
khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh hoặc quá cảnh;
2. Hành lý (bao gồm hành lý xách
tay, hành lý ký gửi) là vật dụng cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt hoặc mục đích
chuyến đi của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh lãnh thổ Việt Nam và của người
làm việc trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh lãnh thổ Việt
Nam;
3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
trong Nghị định này được hiểu là hàng hóa mua, bán của thương nhân Việt Nam với
thương nhân nước ngoài theo các hợp đồng thương mại, bao gồm cả hàng hóa tạm nhập
- tái xuất, tạm xuất - tái nhập và hàng hóa chuyển khẩu;
4. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
có điều kiện là hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải theo hạn ngạch hoặc hàng hoá
xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ Thương mại hoặc Bộ quản lý chuyên
ngành;
5. Phương tiện vận tải xuất cảnh,
nhập cảnh, quá cảnh là các phương tiện vận tải trên các tuyến đường bộ, đường sắt,
đường hàng không, đường biển và đường sông qua, lại biên giới Việt Nam;
6. Người làm thủ tục hải quan là
người thực hiện thủ tục hải quan với cơ quan hải quan theo quy định tại khoản
1, Điều này;
7. Người khai báo hải quan là
người ký tên trên tờ khai hải quan theo quy định của pháp luật, đó là chủ sở hữu
hàng hoá hoặc người được chủ sở hữu hàng hoá uỷ quyền;
8. Tờ khai hải quan là chứng từ
pháp lý bắt buộc dùng để kê khai các đối tượng làm thủ tục hải quan, được làm
theo mẫu thống nhất do Tổng cục Hải quan quy định;
9. Hồ sơ hải quan bao gồm: tờ
khai hải quan đã được người khai báo hải quan kê khai và ký tên kèm theo các chứng
từ cần thiết liên quan được quy định cụ thể cho từng đối tượng làm thủ tục hải
quan;
10. Khai báo hải quan là việc
người làm thủ tục hải quan tự kê khai những nội dung theo yêu cầu của các tiêu
chí trong tờ khai hải quan;
11. Kiểm tra hải quan là việc cơ
quan hải quan xem xét, xác định tính hợp pháp, tính chính xác của bộ hồ sơ hải
quan và thực tế hàng hoá, vật phẩm;
12. Giải phóng hàng là việc hải
quan cho phép hàng hoá đã làm thủ tục hải quan được đặt dưới sự định đoạt của
người làm thủ tục hải quan;
13. Niêm phong hải quan là dấu
hiệu của hải quan gắn lên hàng hóa, vật phẩm, bao bì đựng hàng hóa hoặc vật phẩm,
kho hàng, phương tiện vận tải, nhằm đảm bảo tính nguyên trạng của các đối tượng
nói trên;
14. Áp tải hải quan là việc nhân
viên hải quan đi cùng phương tiện vận tải để giám sát hàng hoá xuất khẩu, nhập
khẩu chưa hoàn thành thủ tục hải quan hoặc phương tiện vận tải quá cảnh chuyển
dịch từ một cửa khẩu hoặc một địa điểm kiểm tra hải quan đến một cửa khẩu hoặc
một địa điểm chỉ định khác trên lãnh thổ Việt Nam;
15. Giám sát hải quan là việc Hải
quan kiểm soát hàng hoá, hành lý, phương tiện đang trong thời gian, địa điểm
thuộc phạm vi kiểm soát của hải quan. Có hai hình thức giám sát: giám sát trực
tiếp là việc giám sát được thực hiện bởi nhân viên hải quan; giám sát gián tiếp
là việc giám sát được thực hiện thông qua niêm phong, cặp chì và thực hiện các
biện pháp kỹ thuật khác.
Điều 3.
Người làm thủ tục hải quan
Người làm thủ tục hải quan bao gồm:
Người sở hữu của đối tượng làm thủ
tục hải quan;
Người được ủy quyền hợp pháp của
người sở hữu đối tượng làm thủ tục hải quan;
Người làm dịch vụ thủ tục hải
quan theo quy định của pháp luật;
Người điều khiển phương tiện vận
tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Điều 4. Địa
điểm làm thủ tục hải quan và địa điểm kiểm tra hải quan
1. Địa điểm làm thủ tục hải quan
là các cửa khẩu cảng biển, cảng sông, cảng hàng không dân dụng quốc tế, cửa khẩu
biên giới đường bộ, ga liên vận đường sắt quốc tế, bưu cục ngoại dịch, bưu cục
kiểm quan, các địa điểm làm thủ tục hải quan khác ngoài cửa khẩu do Thủ tướng
Chính phủ quyết định theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;
2. Địa điểm kiểm tra hải quan là
các địa điểm làm thủ tục hải quan nêu tại khoản 1 Điều này và các địa điểm kiểm
tra hàng hoá xuất nhập khẩu khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quy định.
Điều 5. Thời
hạn làm thủ tục hải quan
1. Đối với hàng hóa, hành lý xuất
khẩu, nhập khẩu:
a) Đối với hàng nhập khẩu: trong
thời hạn 30 ngày kể từ khi hàng hóa đến cửa khẩu dỡ hàng ghi trên vận tải đơn;
b) Đối với hàng xuất khẩu: chậm
nhất là 08 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh;
c) Hành lý của hành khách nhập cảnh,
xuất cảnh: ngay sau khi phương tiện vận chuyển hành khách đến cửa khẩu và trước
khi các tổ chức vận chuyển chấm dứt làm thủ tục cho hành khách xuất cảnh.
d) Đối với hàng quá cảnh: ngay
khi hàng đến cửa khẩu nhập đầu tiên và trước khi hàng rời cửa khẩu xuất cuối
cùng.
2. Đối với phương tiện vận tải
xuất cảnh, nhập cảnh:
a) Đối với phương tiện vận tải bằng
đường biển: chậm nhất 02 giờ kể từ khi cảng vụ thông báo tàu đã đến vị trí đón
trả hoa tiêu và 01 giờ trước khi tàu xuất cảnh;
b) Đối với phương tiện vận tải bằng
đường hàng không: ngay sau khi máy bay hạ cánh đối với phương tiện nhập cảnh và
ngay sau khi cơ quan vận chuyển chấm dứt làm thủ tục cho hàng hoá xuất khẩu,
hành khách xuất cảnh đối với phương tiện xuất cảnh;
c) Đối với phương tiện vận tải
đường sắt, đường bộ và đường sông: ngay sau khi đến cửa khẩu nhập đầu tiên và
trước khi qua cửa khẩu xuất cuối cùng để xuất cảnh;
d) Đối với phương tiện vận tải
quá cảnh: ngay sau khi đến cửa khẩu nhập đầu tiên (trừ máy bay quá cảnh dừng kỹ
thuật) và trước khi phương tiện vận tải quá cảnh rời cửa khẩu xuất cuối cùng.
Chương 2:
THỦ TỤC HẢI QUAN
MỤC 1: THỦ TỤC HẢI
QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU
Điều 6.
Khai báo và tiếp nhận hồ sơ hải quan
1. Người khai báo hải quan có
trách nhiệm:
a) Tự khai (khai viết hoặc khai
báo điện tử) các đối tượng làm thủ tục hải quan theo mẫu tờ khai do Tổng cục
trưởng Tổng cục Hải quan quy định.
b) Nộp và xuất trình bộ hồ sơ hải
quan:
Đối với hàng hóa xuất khẩu,
bộ hồ sơ gồm:
+ Tờ khai hải quan.
+ Hợp đồng thương mại.
+ Bản kê chi tiết (đối với hàng
không đồng nhất).
+ Các giấy tờ khác (đối với hàng
xuất khẩu có điều kiện hoặc có quy định riêng).
Đối với hàng hoá nhập khẩu, bộ hồ
sơ gồm:
+ Tờ khai hải quan.
+ Hợp đồng thương mại.
+ Bản kê chi tiết (đối với hàng
không đồng nhất).
+ Hoá đơn thương mại.
+ Vận đơn (bản sao).
+ Các giấy tờ khác (đối với hàng
nhập khẩu có điều kiện hoặc có quy định riêng).
2. Nhân viên hải quan tiếp nhận
hồ sơ hải quan có trách nhiệm:
Kiểm tra tính hợp lệ và đồng bộ
của hồ sơ hải quan.
Kiểm tra nội dung tự kê khai và
tự tính thuế của người khai báo hải quan.
Đề xuất phương pháp kiểm tra
thích hợp qua kết quả kiểm tra bộ hồ sơ hải quan và các tiêu chí phân luồng kiểm
tra.
3. Hồ sơ hải quan sau khi đã
đăng ký, không được bổ sung, sửa chữa, tẩy xoá. Trường hợp trước khi kiểm tra
hàng hóa, người làm thủ tục hải quan muốn sửa đổi, bổ sung thì phải có công văn
gửi cơ quan hải quan nơi làm thủ tục trình bày rõ lý do. Nếu cơ quan hải quan
xem xét thấy lý do bổ sung, sửa chữa chính đáng thì chấp nhận cho bổ sung, sửa
chữa.
Điều 7.
Xuất trình và kiểm tra hàng hóa
1. Đối với người làm thủ tục hải
quan:
a) Xuất trình đầy đủ hàng hóa để
cơ quan hải quan kiểm tra theo thời gian và tại địa điểm quy định;
b) Bố trí phương tiện và nhân
công phục vụ việc kiểm tra hàng hóa của cơ quan hải quan;
c) Có mặt trong thời gian kiểm
tra hàng hóa.
2. Đối với cơ quan hải quan:
a) Trong thời gian và tại địa điểm
quy định phải tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa đối chiếu với hồ sơ tự kê
khai, tự tính thuế của chủ hàng;
b) Căn cứ vào quy định của Nhà
nước về xuất khẩu, nhập khẩu, quá trình chấp hành pháp luật của người làm thủ tục
hải quan, tính chất, chủng loại hàng hóa và nguồn gốc hàng hoá, Hải quan nơi tiến
hành kiểm tra quyết định phương pháp kiểm tra; kiểm tra toàn bộ; kiểm tra hàng
theo nguyên đai, nguyên kiện hoặc kiểm tra một phần theo quy định của Tổng cục
trưởng Tổng cục Hải quan;
c) Xác nhận kết quả kiểm tra
hàng hoá vào tờ khai hải quan, trong đó ghi rõ phương pháp kiểm tra hàng hóa, kết
quả kiểm tra cụ thể và số sai lệch (nếu có) giữa tự kê khai của chủ hàng và kiểm
tra thực tế của cán bộ hải quan.
3. Trường hợp người làm thủ tục
hải quan không nhất trí kết quả kiểm tra hàng hóa của cơ quan hải quan thì được
quyền trưng cầu giám định tại các tổ chức giám định được Nhà nước cho phép. Nếu
cơ quan hải quan không nhất trí kết quả giám định trên thì cơ quan hải quan đề
nghị Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoặc Bộ quản lý chuyên ngành giải quyết.
Kết luận của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoặc Bộ quản lý chuyên ngành
là quyết định cuối cùng.
Điều 8.
Thông báo thuế, thu, nộp thuế
Việc tính thuế, thông báo thuế,
thu thuế thực hiện theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các
Luật thuế khác có liên quan. Cụ thể thực hiện như sau:
1. Căn cứ vào số liệu tự kê
khai, tự tính thuế của chủ hàng, hải quan thực hiện thủ tục thu thuế hoặc ra thông
báo thuế phải nộp;
2. Trường hợp
có sai lệnh về tiền thuế giữa kết quả kiểm tra tính thuế của hải quan và thuế tự
tính của chủ hàng, cơ quan hải quan ra thông báo thu thuế bổ sung hoặc điều chỉnh
thuế theo quy định của pháp luật;
3. Trong thời gian quy định của
pháp luật, người sở hữu đối tượng làm thủ tục hải quan có nghĩa vụ nộp thuế xuất
khẩu, thuế nhập khẩu và các loại thuế khác liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập
khẩu (nếu có) theo quy định.
Điều 9.
Giải phóng hàng
1. Đối với hàng hoá xuất khẩu,
nhập khẩu không có thuế, hàng được miễn thuế, hàng có thuế suất bằng không,
hàng gia công, hàng đặc biệt khác, sẽ được giải phóng ngay sau khi có kết luận
về kết quả kiểm tra của cơ quan hải quan.
2. Đối với hàng xuất khẩu, nhập
khẩu thuộc diện có thuế, được giải phóng hàng sau khi đã nộp thuế. Hàng có thời
gian ân hạn thuế, được giải phóng hàng sau khi nhận thông báo thuế.
Điều 10. Kiểm
tra sau giải phóng hàng
1. Doanh nghiệp có trách nhiệm
lưu giữ hồ sơ hải quan của những lô hàng đã giải phóng trong thời hạn là 5 năm
kể từ ngày giải phóng hàng và có trách nhiệm xuất trình bộ hồ sơ cùng sổ sách,
chứng từ liên quan khác cho cơ quan hải quan khi cơ quan hải quan yêu cầu.
2. Cơ quan hải quan thông qua việc
kiểm tra hồ sơ hải quan lưu tại cơ quan hải quan hoặc qua các nguồn thông tin
khác, mà phát hiện có sai lệch về số thuế phải nộp của doanh nghiệp, thì được
phép kiểm tra hồ sơ lưu ở doanh nghiệp cùng các sổ sách, chứng từ khác có liên
quan đến lô hàng đã được giải phóng.
MỤC 2: THỦ TỤC HẢI
QUAN ĐỐI VỚI CÁC HÌNH THỨC XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU KHÁC
Điều 11.
Hàng quá cảnh
1. Thủ tục hải quan đối với hàng
quá cảnh phải được thực hiện tại cửa khẩu nhập đầu tiên và cửa khâủ xuất cuối
cùng. Hàng hoá vận chuyển phải nhập, xuất đúng cửa khẩu, đi đúng tuyến đường,
đúng thời gian quy định và phải thực hiện chế độ áp tải hoặc niêm phong hải
quan;
2. Hàng quá cảnh Việt Nam nếu phải
tạm lưu kho để chờ vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc thay đổi phương tiện
vận chuyển phải được phép của cơ quan hải quan. Trường hợp đặc biệt, hàng hoá
tiêu thụ tại thị trường Việt Nam thì phải được phép của Bộ Thương mại và phải
làm thủ tục hải quan theo quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định này.
3. Hồ sơ nộp cho hải quan cửa khẩu
gồm:
a) Đối với hàng quá cảnh đi thẳng:
Bản lược khai hàng hoá.
Văn bản cho phép quá cảnh của Bộ
Thương mại (trừ quá cảnh đi thẳng bằng đường hàng không).
b) Đối với hàng quá cảnh phải tạm
lưu kho để chờ vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc thay đổi phương tiện vận
chuyển:
Tờ khai hải quan.
Văn bản cho phép quá cảnh của Bộ
Thương mại.
Vận đơn (bản sao).
Điều 12. Hàng
hóa xuất khẩu, nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm
1. Hàng hóa tạm
nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm được làm thủ tục hải quan tại địa điểm tổ chức
hội chợ, triển lãm.
2. Trong thời hạn
30 ngày kể từ ngày kết thúc hội chợ, triển lãm, toàn bộ hàng hóa tham gia hội
chợ, triển lãm (bao gồm cả hàng hóa sử dụng cho cá nhân trong những ngày tham
gia hội chợ, triển lãm không dùng hết) phải tái xuất.
3. Thủ tục hải
quan đối với hàng tạm nhập dự hội chợ triển lãm như sau:
a) Người có
hàng dự hội chợ, triển lãm phải nộp cho cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục bộ hồ
sơ gồm:
Tờ khai hải
quan.
Vận đơn (đối với
hàng nhập khẩu).
Bản kê khai chi
tiết hàng hóa.
b) Hàng trưng bầy
tại hội chợ, triển lãm thương mại nếu thuộc danh mục hàng nhập khẩu có điều kiện
chỉ được bán, làm quà tặng khi được phép của Bộ Thương mại. Những hàng hóa thuộc
danh mục hàng chịu sự quản lý chuyên ngành thì phải được phép của Bộ quản lý
chuyên ngành. Hàng hóa bán, tặng nói trên phải nộp các loại thuế theo quy định
của pháp luật.
4. Hàng hóa của
tổ chức, cá nhân sản xuất tại Việt Nam tạm xuất khẩu để tham gia hội chợ triển
lãm thương mại ở nước ngoài, nếu thuộc danh mục hàng xuất khẩu có điều kiện, phải
được phép của Bộ Thương mại.
a) Bộ hồ sơ hải
quan gồm:
Tờ khai hải
quan.
Bản kê chi tiết
hàng hóa.
Văn bản cho
phép tạm xuất hàng tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài.
b) Trường hợp
bán hàng trưng bày tại hội chợ, triển lãm ở nước ngoài, hoặc sử dụng làm quà tặng
phải kê khai và nộp thuế xuất khẩu (nếu có) theo quy định của pháp luật Việt
Nam.
Điều 13.
Hàng tạm nhập để trưng bầy, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm
1. Hàng tạm nhập khẩu để trưng
bày, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm phải được phép của Bộ Thương mại và phải
làm thủ tục hải quan.
2. Bộ hồ sơ hải
quan gồm:
Tờ khai hải
quan.
Văn bản cho
phép của cơ quan có thẩm quyền.
Bản kê chi tiết
hàng.
3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ
khi kết thúc việc trưng bày, quảng cáo, giới thiệu, toàn bộ hàng hóa, phương tiện
đã tạm nhập khẩu phải được tái xuất khẩu. Nếu tiêu thụ tại Việt Nam thì phải nộp
thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và phải được Bộ Thương mại
cho phép nếu hàng thuộc danh mục hàng nhập khẩu có điều kiện. Đối với hàng thuộc
danh mục hàng quản lý chuyên ngành thì phải được phép của Bộ, ngành quản lý
chuyên ngành.
Điều 14. Hàng
viện trợ
1. Hàng viện trợ
nhập khẩu, bộ hồ sơ hải quan gồm:
ờ khai hải quan.
Giấy xác nhận
hàng viện trợ do Bộ Tài chính cấp.
Bản kê chi tiết
hàng hóa.
-ận đơn (bản
sao).
Hàng viện trợ xuất khẩu, bộ hồ
sơ gồm:
Tờ khai hải
quan.
Văn bản cho
phép của cơ quan có thẩm quyền.
Bản kê chi tiết
hàng hoá.
Điều 15. Hàng
hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo đường bưu điện, thì hàng thuộc đối tượng quản lý
nào, áp dụng quy định thủ tục hải quan đối với đối tượng quản lý đó. Trường hợp
vượt quá tiêu chuẩn quy định miễn thuế thì phải nộp thuế (nếu có) phần vượt.
Điều 16.
Hàng hoá mua bán từ phương tiện vận tải xuất nhập cảnh
tại khu vực cảng biển, cảng sông của Việt Nam.
1. Thương nhân
muốn mua hàng hóa từ phương tiện vận tải nước ngoài xuất nhập cảnh phải có
ngành nghề phù hợp ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, phải khai báo
hải quan và nộp thuế theo luật định.
2. Thương nhân
có ngành nghề phù hợp ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cung ứng
hàng hóa, vật phẩm cho các phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, phải làm
thủ tục hải quan và nộp thuế theo luật định.
Điều 17. Hàng
hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới
1. Hải quan căn cứ vào chế độ,
chính sách của Nhà nước về mặt hàng, trị giá, số lượng được phép trao đổi hàng
hoá qua lại biên giới của người cư trú trong khu vực biên giới Việt Nam và người
cư trú trong khu vực nước tiếp giáp để làm thủ tục hải quan. Mặt hàng, số lượng,
trị giá hàng hoá vượt quy định cho phép thì phải nộp thuế xuất khẩu, nhập khẩu
(nếu có).
2. Trường hợp
có thoả thuận về hải quan và Quy chế biên giới giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam với các nước tiếp giáp thì thực hiện theo thoả thuận đã ký kết.
Điều 18.
Tài sản di chuyển, tài sản thừa kế xuất khẩu, nhập khẩu
1. Tài sản của
cá nhân nước ngoài đưa vào Việt Nam phục vụ cho sinh họat và làm việc trong thời
gian ở Việt Nam phải làm thủ tục hải quan, Bộ hồ sơ gồm:
a) Tờ khai hải
quan.
b) Giấy xác nhận đến
công tác, làm việc tại Việt Nam do cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
c) Bản kê chi tiết
tài sản.
2. Tài sản của cá
nhân nước ngoài chuyển ra khỏi Việt Nam khi hết thời gian công tác và làm việc
taị Việt Nam theo pháp luật của Việt Nam quy định thì hồ sơ hải quan gồm:
a) Tờ khai hải
quan.
b) Giấy xác nhận hết
thời gian làm việc, cư trú do Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan quản lý có thẩm quyền
của Việt Nam cấp.
c) Bản kê chi tiết
tài sản.
d) Tờ khai nhập khẩu
kèm thanh khoản tài sản tạm nhập của cơ quan hải quan và chứng từ nộp thuế đối
với hàng hóa thuộc diện phải nộp thuế.
3. Tài sản của tổ
chức, cá nhân Việt Nam đưa từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc mua tại nước ngoài để
kinh doanh, làm việc, khi hết thời hạn chuyển về nước phải làm thủ tục Hải
quan, Bộ hồ sơ gồm:
a) Tờ khai hải
quan.
b) Quyết định của
cơ quan có thẩm quyền cho phép kinh doanh và làm việc ở nước ngoài hoặc cho
phép trở về Việt Nam.
c) Tờ khai hải
quan xuất khẩu và các chứng từ khác chứng minh đã mang hàng ra nước ngoài hoặc
hóa đơn mua hàng ở nước ngoài.
4. Tài sản của người
Việt Nam và gia đình định cư ở nước ngoài mang về nước khi được phép trở về định
cư ở Việt Nam hoặc mang ra nước ngoài khi được phép định cư ở nước ngoài thì Bộ
hồ sơ hải quan gồm:
a) Tờ khai hải
quan.
b) Quyết định cho
phép định cư tại Việt Nam hoặc quyết định cho phép định cư ở nước ngoài.
c) Bản kê chi tiết
tài sản.
d) Các giấy tờ chứng
minh quyền sở hữu tài sản.
5. Tài sản thừa kế
xuất khẩu, nhập khẩu, Bộ hồ sơ hải quan gồm:
a) Tờ khai hải
quan.
b) Giấy tờ hợp pháp
về tài sản thừa kế.
c) Bản kê chi tiết
tài sản.
Điều 19. Hành lý, ngoại hối, kim khí quý, đá quý, tiền
Việt Nam xuất khẩu, nhập khẩu
1. Ngay sau khi tới
cửa khẩu, người có hành lý thuộc diện phải khai báo (bao gồm hành lý xách tay và
hành lý ký gửi cùng chuyến) phải khai báo và xuất trình cho Hải quan kiểm tra,
khi hải quan yêu cầu.
2. Hành khách nhập
cảnh có vật dụng khai báo là hàng tạm nhập khi xuất cảnh phải mang ra đúng vật
dụng đó. Hành khách xuất cảnh có vật dụng khai báo là hàng tạm xuất, khi nhập cảnh
phải mang về đúng vật dụng đó;
3. Hành khách khi
xuất cảnh, nhập cảnh có mang theo đá quý, kim khí quý (không phải là vàng) được
thực hiện theo quy định của Bộ Thương mại và phải làm thủ tục Hải quan.
4. Hành khách khi
xuất cảnh, nhập cảnh có mang theo vàng, ngoại tệ và đồng Việt Nam nếu có giá trị
vượt định mức theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì phải khai báo
phần vượt định mức đó. Riêng đối với vàng và ngoại tệ khi xuất cảnh, ngoài việc
khai báo phần vượt còn phải có giấy phép mang ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam hoặc Ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ủy quyền cấp.
Điều 20. Hàng hóa
xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ công tác và sinh họat của các cơ quan ngoại giao,
lãnh sự, tổ chức quốc tế và các tổ chức người nước ngoài khác có trụ sở thường
trực tại Việt Nam phải làm thủ tục hải quan, Bộ hồ sơ gồm:
Tờ khai hải quan.
Giấy phép của cơ
quan hải quan cấp.
Bản kê chi tiết
các vật phẩm.
Vận đơn (bản sao)
đối với vật phẩm nhập khẩu.
Tờ khai hải quan
lúc nhập khẩu, được hải quan xác nhận, nếu là hàng tái xuất.
Biên lai đã nộp
thuế nhập khẩu nếu hàng hoá thuộc diện tái xuất, nhưng đã được phép nhượng bán
tại Việt Nam.
Điều 21. Hành lý xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện vận
tải xuất cảnh, nhập cảnh của người được quyền ưu đãi và miễn trừ
1. Hành lý và
phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh của những người sau đây được miễn thủ
tục hải quan:
a) Lãnh đạo, đoàn
viên các Đoàn đại biểu Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam, ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan
Trung ương các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đi công tác nước ngoài
và trở về;
b) Lãnh đạo, đoàn
viên các đoàn đại biểu, các cá nhân là khách mời của Trung ương Đảng, Quốc hội,
Nhà nước, Chính phủ, ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan
Trung ương của các đoàn thể trong Mặt trận đến thăm Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam hoặc tham dự các hội nghị tại Việt Nam.
2. Hành lý và
phương tiện vận tải của những người sau đây được miễn kiểm tra hải quan:
a) Những người
mang hộ chiếu ngoại giao do Bộ Ngoại giao hoặc các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự
quán của ta ở nước ngoài cấp hoặc do Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan có thẩm quyền của
những nước đã công nhận Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp;
b) Gia đình những
người nói ở điểm a khoản 2 Điều này, bao gồm vợ (hoặc chồng) các con chưa đến
tuổi thành niên cùng đi;
c) Những người được
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cấp giấy miễn kiểm tra hải quan.
d) Những người nói
tại khoản 2 Điều này có thể bị kiểm tra hải quan nếu có lý do xác đáng khẳng định
rằng hành lý và phương tiện vận tải xuất, nhập của họ chứa đựng: Những đồ vật cấm
nhập hoặc cấm xuất theo pháp luật Việt Nam; những đồ vật phải kiểm tra theo quy
định kiểm dịch của Việt Nam. Khi kiểm tra phải có mặt chủ hành lý, phương tiện.
3. Tổng cục Hải
quan, Bộ Ngoại giao hướng dẫn cụ thể việc thực hiện quy định tại Điều này.
Điều 22. Hàng hóa, hành lý xuất khẩu, nhập khẩu trôi dạt,
thất lạc, nhầm lẫn, nếu xác định được người sở hữu hàng hoá, hành lý, thì người
đó được làm thủ tục hải quan để nhận lại hàng. Bộ Hồ sơ hải quan gồm:
Chứng từ chứng
minh sở hữu hàng hoá.
Bản kê hàng hoá,
hành lý (nếu có).
Trường hợp không
có người nhận hàng hóa, hành lý nói trên thì thanh lý theo quy định của pháp luật.
Điều 23. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu,
nhập khẩu theo các loại hình khác
Đối với nguyên liệu,
hàng hóa nhập khẩu để làm hàng gia công xuất khẩu; hàng xuất khẩu, nhập khẩu của
các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; hàng
hóa tạm nhập - tái xuất; tạm xuất - tái nhập và chuyển khẩu; hàng hóa xuất,
nhập khẩu thuộc hợp đồng đại lý mua bán với thương nhân nước ngoài; hàng hóa xuất
khẩu, nhập khẩu của các cửa hàng miễn thuế; hàng hóa ra vào khu công nghiệp;
khu chế xuất; hàng hóa gửi kho ngoại quan, kho bảo thuế; hàng phục vụ nhiệm vụ
quốc phòng, an ninh theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thủ tục hải quan
được thực hiện theo các quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định này và quy định
tại các văn bản pháp luật khác đối với từng loại hình.
MỤC
3 : THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH
Điều 24. Quy định
chung
1. Phương tiện vận
tải khi xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải làm thủ tục hải
quan tại cửa khẩu nhập đầu tiên và cửa khẩu xuất cuối cùng. Khi làm thủ tục hải
quan cho phương tiện vận tải, nếu có dấu hiệu phương tiện chứa hàng lậu thì người
điều khiển phương tiện vận tải phải thực hiện các yêu cầu của Hải quan để kiểm
tra;
2. Các phương tiện
vận tải dùng cho mục đích quân sự xuất cảnh, nhập cảnh, thực hiện theo quy định
riêng.
Điều 25. Máy bay xuất
cảnh, nhập cảnh
1. Chỉ huy trung
tâm điều hành bay có trách nhiệm thông báo cho Hải quan tại sân bay về kế hoạch
lịch bay thường kỳ và các trường hợp đột xuất;
2. Trước khi máy
bay đến sân bay, các hãng hàng không có hợp đồng khai thác thương mại tại Việt
Nam phải cung cấp các thông tin liên quan đến việc làm thủ tục hải quan như:
hàng hóa, hành khách, tổ lái và những người làm việc trên máy bay và các thông
tin đặc biệt khác (nếu có) cho Hải quan sân bay;
3. Ngay sau khi
máy bay hạ cánh và sau khi cơ quan hàng không chấm dứt làm thủ tục cho hành
khách xuất cảnh, người điều khiển máy bay hoặc người đại diện phải nộp cho Hải
quan tại sân bay, các giấy tờ sau đây:
a) Lược khai hàng
hóa và hành lý
b) Danh sách tổ
lái và những người làm việc trên máy bay
c) Danh sách hành
khách
Điều 26. Tàu thuyền
xuất cảnh, nhập cảnh
1. Cảng vụ có
trách nhiệm thông báo trước cho Hải quan tại cảng: thời gian dự kiến tàu, thuyền
nhập cảnh, xuất cảnh đến địa điểm đón, trả hoa tiêu, tên tàu, quốc tịch, nơi
đi, nơi đến, trọng tải tàu và thời điểm tàu, thuyền đến vị trí neo đậu do Cảng
vụ chỉ định;
2. Hải quan làm thủ
tục cho tàu, thuyền xuất cảnh, nhập cảnh tại vị trí quy định. Trường hợp đặc biệt,
cơ quan Cảng vụ đề nghị và Hải quan cảng chấp nhận thì được làm thủ tục hải
quan tại địa điểm khác trên vùng biển lãnh hải của Việt Nam;
3. Chậm nhất là 02
giờ kể từ khi cảng vụ thông báo tàu đã đến vị trí đón trả hoa tiêu và 01 giờ
trước khi tàu, thuyền xuất cảnh rời bến, thuyền trưởng hoặc người đại diện phải
xuất trình cho Hải quan tại cảng nhật ký hành trình tàu, thuyền (đối với nhập cảnh),
sơ đồ xếp hàng trên tàu và nộp các giấy tờ sau đây:
Lược khai hàng hóa
chuyên chở trên tàu, thuyền
Tờ khai tàu, thuyền
đến (đối với nhập cảnh)
Bản khai nguyên,
nhiên vật liệu, lương thực, thực phẩm của tàu, thuyền
Bản khai chất nổ,
chất cháy, thuốc mê, thuốc độc, vũ khí có trên tàu, thuyền
Danh sách thuyền
viên
Danh sách hành
khách (nếu có)
Tờ khai hàng hóa,
hành lý của thuyền viên (đối với tàu, thuyền Việt nam).
Điều 27. Tàu liên vận
quốc tế xuất cảnh, nhập cảnh bằng đường sắt
1. Tàu liên vận quốc
tế xuất cảnh: khi đoàn tàu xuất cảnh tới ga biên giới, trưởng tàu hoặc người đại
diện phải nộp cho Hải quan tại ga những giấy tờ sau đây:
Tờ khai thành phần
đoàn tàu, danh sách, tờ khai quản lý nhân viên phục vụ;
Lược khai hàng hóa
xuất khẩu, kể cả hàng quá cảnh, giấy giao tiếp hoặc bản sao các vận đơn gửi
hàng (nếu là tàu chuyên chở hàng hóa);
Danh sách hành
khách và phiếu gửi hành lý không theo người của hành khách (nếu là tàu chuyên
chở hành khách);
Tờ khai nhiên liệu,
vật liệu, lương thực, thực phẩm của đoàn tàu.
2. Tàu liên vận quốc
tế nhập cảnh: khi đoàn tàu nhập cảnh tới ga biên giới, trưởng tàu hoặc người đại
diện nộp cho Hải quan tại ga những giấy tờ sau đây:
Lược khai thành phần
đoàn tàu, danh sách và tờ khai hành lý nhân viên phục vụ;
Lược khai hàng hóa
nhập khẩu hoặc giấy giao tiếp hoặc bản sao các vận đơn, các giấy tờ liên quan đến
hàng hóa, kể cả hàng qúa cảnh (nếu là tàu chuyên dùng chở hàng hóa);
Các phiếu gửi hành
lý không theo người (nếu là tàu chuyên chở hành khách);
Tờ khai nhiên liệu,
vật liệu, lương thực, thực phẩm của đoàn tàu;
Bản trích lược
khai hàng hóa dỡ xuống từng ga nội địa.
3. Tàu liên vận quốc
tế tại ga liên vận nội địa: khi đoàn tàu tới ga liên vận nội địa, trưởng tàu hoặc
người đại diện phải nộp cho Hải quan tại ga:
Bản trích lược
khai hàng hóa nhập khẩu được Hải quan ga liên vận biên giới cho phép chuyển về
nội địa để làm thủ tục hải quan;
Các vận đơn (bản
sao);
Giấy giao tiếp
hàng quá cảnh (nếu có).
Điều 28. Ô tô xuất
cảnh, nhập cảnh
Ô tô xuất cảnh, nhập
cảnh tới cửa khẩu biên giới phải đỗ đúng nơi quy định để làm thủ tục hải quan. Chủ
hàng, người lái xe, hoặc người đại diện phải khai báo và nộp cho Hải quan cửa
khẩu những giấy tờ sau đây:
Tờ khai hàng hóa
xuất khẩu, nhập khẩu;
Tờ khai hành lý hoặc
sổ hành lý xuất khẩu, nhập khẩu của lái xe (đối với lái xe Việt Nam thường
xuyên qua lại biên giới do Hải quan cấp tỉnh cấp);
Danh sách hành
khách và tờ khai hành lý của hành khách.
Điều 29. Phương tiện vận tải quân sự
Đối với phương tiện vận tải quân
sự có chở hành khách và hàng hóa dân sự, khi xuất cảnh, nhập cảnh phải làm thủ
tục hải quan như đối với các phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh khác.
Tổng cục Hải quan cùng Bộ Quốc
phòng quy định thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải quân sự xuất cảnh,
nhập cảnh để thực hiện nhiệm vụ quân sự.
Điều 30.
Phương tiện vận tải quá cảnh
1. Ngay sau khi tới cửa khẩu,
người điều khiển phương tiện vận tải phải khai báo và nộp cho Hải quan cửa khẩu
tờ khai hải quan và các giấy tờ cần thiết như đối với các phương tiện vận tải
xuất cảnh, nhập cảnh khác;
2. Máy bay quá cảnh khi dừng kỹ
thuật không phải làm thủ tục khai báo hải quan, nhưng vẫn phải chịu sự giám sát
của Hải quan.
3. Phương tiện vận tải quá cảnh
phải thực hiện đúng các quy định của Hải quan về áp tải, niêm phong hải quan và
hành trình (tuyến đường).
Điều 31.
Các phương tiện vận tải khác
Đối với các phương tiện vận tải
khác như ca nô, thuyền hoặc các phương tiện vận tải thô sơ khi xuất cảnh, qúa cảnh,
chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện phải khai báo và nộp cho Hải
quan những giấy tờ sau:
Lược khai hàng hóa xuất khẩu, nhập
khẩu (nếu có);
Tờ khai hành lý của người điều
khiển phương tiện vận tải và của những người làm việc trên phương tiện vận tải
và của hành khách (nếu có).
Chương
3 :
GIÁM SÁT HẢI QUAN
Điều 32.
Phạm vi giám sát hải quan
Giám sát hải quan được áp dụng đối
với các đối tượng sau đây:
1. Hàng hóa đã làm thủ tục hải
quan nhưng chưa được xuất hoặc đã nhập nhưng chưa hoàn thành thủ tục hải quan;
hàng hóa đang trong quá trình vận chuyển quá cảnh Việt Nam;
2. Phương tiện vận tải khi xuất
cảnh, nhập cảnh, dừng, neo đậu tại vùng nước cảng, tại sân đỗ máy bay, ga liên
vận đường sắt quốc tế, khu vực cửa khẩu đường bộ, khu vực cửa khẩu đường sông
và các địa điểm làm thủ tục hải quan khác.
3. Kho, bãi lưu giữ hàng hóa xuất
khẩu, nhập khẩu đang trong thời gian kiểm soát của hải quan.
Điều 33.
Thời gian giám sát thực hiện đối với từng đối tượng như sau:
1. Đối với hàng xuất khẩu: từ thời
điểm bắt đầu kiểm tra hàng hóa cho đến khi hàng thực xuất;
2. Đối với hàng nhập khẩu: từ
khi hàng đến cửa khẩu đầu tiên cho đến khi hoàn thành thủ tục hải quan;
3. Đối với hàng quá cảnh: từ thời
điểm hàng đến cửa khẩu nhập đầu tiên cho đến khi hàng ra khỏi cửa khẩu xuất cuối
cùng;
4. Đối với hàng lưu kho, lưu
bãi: từ khi bắt đầu thủ tục nhập kho cho đến khi làm xong thủ tục xuất kho để
chuyển sang chế độ giám sát hải quan khác.
5. Đối với phương tiện vận tải
là thời gian phương tiện di chuyển trong vùng nước cảng, từ biên giới vào khu vực
cửa khẩu, từ biên giới vào ga biên giới, từ biên giới vào khu vực cảng sông; thời
gian phương tiện dừng, neo đậu tại vùng nước cảng, tại sân đỗ máy bay, ga liên
vận đường sắt quốc tế, khu vực cửa khẩu đường bộ, khu vực cửa khẩu đường sông;
6. Đối với phương tiện quá cảnh:
từ thời điểm đến cửa khẩu nhập đầu tiên cho đến khi ra khỏi cửa khẩu xuất cuối
cùng.
Chương
4 :
LỆ PHÍ HẢI QUAN
Điều 34.
Ngành hải quan được thu lệ phí hải quan đối với các trường hợp sau đây:
1. Làm thủ tục hải quan đối với
hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
2. Hàng hóa ký gửi và lưu kho hải
quan;
3. áp tải, niêm phong hải quan đối
với hàng hóa;
4. Cấp lại các chứng từ hải quan
và cấp giấy phép cho các loại hình hoạt động dịch vụ thuộc thẩm quyền của Hải
quan;
5. Hàng hóa, hành lý, phương tiện
vận tải quá cảnh.
Điều 35. Mức
thu và sử dụng lệ phí hải quan
Mức thu và sử dụng lệ phí hải
quan cụ thể đối với từng trường hợp quy định tại Điều 34 của Nghị định này do Bộ
Tài chính thống nhất với Tổng cục Hải quan quy định.
Chương
5 :
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 36.
Khiếu nại, tố cáo
1. Tổ chức cá nhân có quyền khiếu
nại, tố cáo với cơ quan thanh tra hoặc thủ trưởng các cấp của cơ quan hải quan
về những hành vi vi phạm pháp luật, quy định của nhân viên hải quan.
2. Thủ trưởng cơ quan hải quan
các cấp khi nhận được khiếu nại, tố cáo phải có trách nhiệm xem xét các khiếu nại,
tố cáo theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại và tố cáo của công dân và
các quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 37.
Xử lý vi phạm
1. Người làm thủ tục hải quan vi
phạm các quy định tại Nghị định này, tùy theo mức độ vi phạm sẽ xử lý hành
chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật;
2. Nhân viên hải quan nếu có
hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của Nghị định này,
tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
theo quy định của pháp luật.
Chương
6 :
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 38.
Nghị định này thay thế Nghị định số 171/HĐBT ngày 27 tháng 5 năm 1991 của Hội đồng
Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 39. Tổng
cục trưởng Tổng cục Hải quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của
mình có trách nhiệm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành các điều
khoản quy định trong Nghị định này;
Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các
cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.