UỶ
BAN THỂ DỤC THỂ THAO
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
1336/2005/QĐ-UBTDTT
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2005
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HOÁ THỂ DỤC THỂ THAO ĐẾN
NĂM 2010”
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO
Căn cứ Nghị định số
86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính Phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 22/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2003 của Chính Phủ quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Thể dục Thể
thao;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính Phủ về
đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao;
Xét đề nghị của Trưởng Ban công tác triển khai xã hội hoá thể dục thể thao
và Chánh văn phòng Uỷ ban Thể dục Thể thao.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Phê duyệt Đề án “Phát triển xã hội hoá thể dục thể thao đến
năm 2010” kèm theo quyết định này, với các nội dung chủ yếu sau đây:
1.Mục
tiêu:
1.1.Huy động các nguồn lực của các ngành,
các cấp, các tổ chức kinh tế - xã hội và cá nhân để phát triển thể dục thể
thao. Vận động tổ chức để ngày càng có nhiều người tham gia tập luyện và đóng
góp vào các hoạt động thể dục thể thao, góp phần tăng cường sức khoẻ, phát triển
nguồn nhân lực, thoả mãn nhu cầu thưởng thức các giá trị của thể dục thể thao,
làm cho thể dục thể thao thực sự trở thành hoạt động “của dân, do dân, vì
dân”. Phấn đấu xây dựng một xã hội tập luyện.
1.2.Nhà nước tăng cường đầu tư cho thể dục
thể thao, tập trung vào các mục tiêu ưu tiên và các chương trình quốc gia,
chương trình ngành về phát triển thể dục thể thao trong từng lĩnh vực; xây dựng
các cơ sở thể dục thể thao trọng điểm; phát hiện, bồi dưỡng các tài năng thể dục
thể thao; hỗ trợ phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng và thực hiện
các chính sách xã hội trong lĩnh vực hoạt động thể dục thể thao.
1.3.Tuyên truyền, vận động và tổ chức để
ngày càng có nhiều người tập luyện thể dục thể thao, góp phần nâng cao thể lực
người và tâm vóc người Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của quần chúng nhân dân; phát
hiện, bồi dưỡng các tài năng thể thao của đất nước.
1.4.Từng bước tạo lập và phát triển thành
thị trường dịch vụ thể dục thể thao. Khuyến khích phát triển các cơ sở thể dục
thể thao ngoài công lập, các tổ chức xã hội về thể dục thể thao và chuyển đổi
các cơ sở công lập đang hoạt động theo cơ chế sự nghiệp sang cơ chế tự chủ cung
ứng dịch vụ công ích phi lợi nhuận. Khuyến khích chuyên nghiệp hoá thể thao
thành tích cao trong các lĩnh vực thích hợp. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về
thể dục thể thao, tranh thủ sự giúp đỡ và nguồn lực đầu tư của các quốc gia, tổ
chức quốc tế.
1.5.Đến năm 2010: Hoàn thành việc chuyển
các cơ sở thể dục thể thao công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ;
chuyển một số cơ sở thể dục thể thao công lập có điều kiện sang loại hình ngoài
công lập. Các cơ sở TDTT ngoài công lập chiếm khoảng 80% - 85% tổng số cơ sở thể
dục thể thao trong toàn quốc. Xây dựng các hiệp hội, liên đoàn cấp quốc gia ở tất
cả các môn thể thao và hiệp hội, liên đoàn cấp tỉnh, thành phố ở 80% số môn thể
thao. Việt Nam có đại diện quốc gia trong hầu hết các tổ chức thể thao ở khu vực,
châu lục và thế giới.
2.Các giải
pháp chủ yếu:
2.1. Đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, lý luận, nâng cao nhận thức về xã hội hoá thể dục thể thao.
Cơ quan quản lý nhà nước về thể
dục thể thao phối hợp với cấp uỷ đảng, chính quyền và các cơ quan thông tin đại
chúng tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, giải pháp, chính sách khuyến
khích xã hội hoá, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, phát huy tinh thần cộng đồng
trách nhiệm của mọi người dân trong việc tham gia các hoạt động TDTT. Tăng cường
nghiên cứu lý luận về xã hội hoá; xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về xã
hội hoá trong từng lĩnh vực hoạt động và từng đối tượng, chủ thể tham gia hoạt
động thể dục thể thao.
2.2. Xây dựng khung pháp lý và
các cơ chế chính sách cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xã hội
hoá.
Nghiên cứu xây dựng và trình Quốc
hội ban hành Luật thể thao và bổ sung một số quy định, chính sách liên quan
sau:
a.Tiêu chuẩn, quy phạm về công
trình thể thao; quy định về việc quy hoạch, sử dụng đất cho hoạt động thể dục
thể thao đối với từng khu vực đặc thù; quy định chuyên môn liên quan đến việc
hoạt động, vận hành các công trình, trang thiết bị thể dục thể thao.
b.Quy định về thành lập, giải thể,
sáp nhập, chia tách và quy chế tổ chức hoạt động của các cơ sở thể dục thể thao
(công lập và ngoài công lập).
c.Chế độ, chính sách đối với cán
bộ, huấn luyện viên, vận động viên thể thao; quy định về chuyển nhượng vận động
viên, huấn luyện viên thể thao.
d.Chính sách huy động vốn, khuyến
khích đầu tư đối với các sở thể thao ngoài công lập; chính sách ưu đãi khuyến
khích liên doanh, liên kết với các cơ sở thể thao công lập; chính sách ưu đãi về
thuế, tín dụng; chính sách đất đai; chính sách nhân lực.
2.3.Tăng cường và đổi mới quản lý nhà nước
về thể dục thể thao:
a.Đầy mạnh cải cách hành chính;
phân cấp, quy định cụ thể, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi giải quyết
công việc của từng cấp. Rà soát, tách các đơn vị sự nghiệp ra khỏi khối quản lý
nhà nước và phân loại các cơ sở thể dục thể thao công lập có khả năng làm dịch
vụ để có kế hoạch, tiến độ thực hiện việc chuyển đổi cơ chế quản lý thành các
đơn vị sự nghiệp có thu theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của
Chính Phủ hoặc cổ phần hoá, chuyển sang mô hình ngoài công lập.
b.Thí điểm thực hiện, tiến tới
áp dụng cơ chế hợp đồng trách nhiệm, giao kế hoạch và khoán kinh phí hàng năm
cho các tổ chức xã hội thực hiện nhiệm vụ phát triển từng môn thể thao.
c.Quy định chặt chẽ nhưng rõ
ràng, minh bạch và đảm bảo sự giản đơn,nhanh chóng, thuận tiện trong việc cấp
phép, đăng ký hoạt động, đăng ký hành nghề của các tổ chức cá nhân trong lĩnh vực
thể dục thể thao
d.Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi
dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý của ngành, xây dựng tác
phong năng động, gần dân, bám cơ sở trong đội ngũ công chức, cán bộ quản lý thể
dục thể thao các cấp.
e.Tăng cường thanh tra giám sát
việc chấp hành pháp luật tại các cơ sở thể dục thể thao (công lập và ngoài công
lập); xử lý kịp thời đối với các cơ sở vi phạm và có hình thức khen thưởng đối
với các cơ sở làm tốt.
f.Công khai quy hoạch, kế hoạch
hoạt động, công khai tài chính, ngân sách để dân biết, dân tham gia và dân giám
sát hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao.
2.4.Đổi mới chi tiêu công và các chính sách
đầu tư của nhà nước trong lĩnh vực thể dục thể thao.
a.Tăng cường đầu tư từ ngân sách
nhà nước cho các lĩnh vực thể dục thể thao trọng điểm và thực hiện chính sách
xã hội, đảm bảo công bằng trong thụ hưởng dịch vụ thể dục thể thao giữa các đối
tượng, địa bàn dân cư.
b.Thí điểm và từng bước thực hiện
các chính sách như sau: Chính sách hợp đồng, giao chỉ tiêu, khoán kinh phí cho
các tổ chức xã hội thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu do nhà nước giao; chính
sách đấu thầu cung cấp hàng hoá dịch vụ thể dục thể thao do các cơ quan nhà nước
đặt hàng.
c.Hỗ trợ tài chính ban đầu cho
các cơ sở công lập chuyển sang loại hình ngoài công lập và thực hiện chính sách
bình đẳng trong việc nhận thầu các dịch vụ do nhà nước đặt hàng. Khuyến khích
các cơ sở thể dục thể thao ngoài công lập, đặc biệt là ở các vùng khó khăn,
thuê dài hạn đất đai, cơ sở hạ tầng thể dục thể thao.
2.5.Tập trung phát triển thị trường thể dục
thể thao:
a.Xây dựng và ban hành các chính
sách cụ thể nhằm khuyến khích tạo điều kiện phát triển, đa dạng hoá các loại
hình dịch vụ thể dục thể thao; khuyến khích phát triển mạng lưới các doanh nghiệp
sản xuất dụng cụ, trang thiết bị thể dục thể thao (công lập và ngoài công lập)
trên cơ sở tuân thủ các quy định về chất lượng hàng hoá thể thao; khuyến khích
các hình thức liên doanh, liên kết khai thác các công trình thể dục thể thao.
b.Hoàn thiện các quy định về định
giá, chuyển nhượng vận động viên, huấn luyện viên, xử lý tranh chấp trong quá
trình chuyển nhượng.
c.Đẩy mạnh các hoạt động tài trợ,
quảng cáo trong lĩnh vực thể dục thể thao; khuyến khích thành lập các công ty
tiếp thị và quảng cáo thể thao hoạt động theo quy định của pháp luật để tạo điều
kiện nhanh chóng phát triển thị trường dịch vụ thể dục thể thao.
d.Trình Chính phủ đề án hình
thành thị trường xổ số, cá cược thể thao hợp pháp đặt dưới sự quản lý của nhà
nước để thu hút vốn lái đầu tư vào các hoạt động thể dục thể thao, đồng thời
góp phần ngăn chặn các tệ nạn đánh bạc, cá độ bất hợp pháp.
e.Trình Chính phủ cho phép thành
lập Quỹ phát triển tài năng thể thao và các mô hình Quỹ đầu tư, Quỹ hỗ trợ khác
để góp phần thực hiện các mục tiêu của Đề án xã hội hoá thể dục thể thao.
Điều 2.
Ban công tác triển khai Đề án xã hội hoá thể dục thể
thao có trách nhiệm phụ giúp lãnh đạo Uỷ ban Thể dục Thể thao phối hợp với các
Bộ, Ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo
các sở Thể dục thể thao, cơ quan thể dục thể thao các ngành xây dựng kế hoạch
chi tiết và hướng dẫn triển khai đề án này; định kỳ 6 tháng và hàng năm tổ chức
kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện đề án trong phạm vi toàn ngành, báo cáo
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày
đăng Công báo.
Điều 4.
Các ông Chành văn phòng, Trưởng ban công tác triển
khai Đề án xã hội hoá thể dục thể thao, thủ trưởng các Vụ, đơn vị thuộc Uỷ ban
Thể dục Thể thao, Giám đốc các sở Thể dục Thể thao, thủ trưởng các cơ quan thể
dục thể thao các ngành Quân đội, Công An, Giáo dục và Đào tạo và các tổ chức,
cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-Ban
Bí thư trung ương Đảng;
-Thủ tướng
và các Phó Thủ tướng;
- VPQH,
VPCTN, VPCP;
-Các Bộ,
cơ quang ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính Phủ;
-Ban KGTW;
-Uỷ ban
VHGDTTN&NĐ Quốc hội;
-Ban chỉ đạo
CCHC Chính phủ;
-Như điều
4;
- Công
báo;
-Cục kiểm
tra VBQPPL (Bộ TP);
-Lưu VT,
TH, TKBT.
|
BỘ
TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO
Nguyễn Danh Thái
|