UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------
|
Số:
64/2008/QĐ-UBND
|
Thủ
Dầu Một, ngày 31 tháng 10 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP VÀ QUẢN LÝ VIỆC XUẤT CẢNH, NHẬP
CẢNH CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, CÁN BỘ QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THUỘC
TỈNH BÌNH DƯƠNG
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26/02/1998 đã được sửa đổi, bổ sung năm
2000 và 2003;
Căn cứ Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh,
nhập cảnh của công dân Việt Nam;
Căn cứ Chỉ thị số 29/2007/CT-TTg ngày 11/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc
thực hiện cải cách hành chính trong công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của
cán bộ, công chức, công dân;
Căn cứ Thông tư số 27/2007/TT-BCA(A11) ngày 29/11/2007 của Bộ Công an về hướng
dẫn việc cấp, sửa đổi hộ chiếu phổ thông ở trong nước theo Nghị định số
136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007;
Căn cứ Thông tư số 02/2008/TT-BNG ngày 04/02/2008 của Bộ Ngoại giao hướng dẫn
việc cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ở
trong nước và ở nước ngoài theo Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Ngoại vụ tại Tờ trình số 363/SNgV-TTr ngày
08/7/2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Nay ban hành kèm theo Quyết định này quy định về phân cấp
và quản lý việc xuất cảnh, nhập cảnh của cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ
quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước (sau đây gọi tắt là cán bộ, công chức,
viên chức) thuộc tỉnh Bình Dương.
Điều 2.
Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Sở
Ngoại vụ, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Tài chính; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan;
Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc các doanh nghiệp có vốn nhà nước chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau
10 ngày, kể từ ngày ký./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Hoàng Sơn
|
QUY ĐỊNH
VỀ PHÂN CẤP VÀ QUẢN LÝ VIỆC XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH CỦA CÁN BỘ,
CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, CÁN BỘ QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THUỘC TỈNH BÌNH
DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 64/2008/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2008 của
Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Quy định chung
Bản Quy định này quy định cụ thể
nguyên tắc, nội dung, đối tượng, thẩm quyền quản lý xuất cảnh, nhập cảnh; quyền
và nghĩa vụ của người xuất cảnh, nhập cảnh; trách nhiệm của các cơ quan chức
năng trong việc tham mưu cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh về quản lý hoạt động
xuất – nhập cảnh trên địa bàn tỉnh.
Điều 2.
Nguyên tắc
1. Công tác đối ngoại nói chung,
công tác xuất cảnh, nhập cảnh nói riêng được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt
chẽ của Tỉnh uỷ mà trực tiếp là Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và sự quản lý thống nhất
của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
2. Cán bộ, công chức, viên chức,
cán bộ quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước (sau đây gọi tắt là cán bộ, công chức,
viên chức) khi xuất cảnh, nhập cảnh phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí
thư về hoạt động đối ngoại nói chung và công tác xuất cảnh, nhập cảnh nói
riêng. Tôn trọng quy định pháp luật của nước đến, chấp hành những điều ước và
thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Mọi vi phạm tùy theo mức
độ phải được xử lý theo quy định.
3. Cán bộ, công chức, viên chức
chỉ được phép xuất cảnh (kể cả việc công và việc riêng) khi được sự chấp thuận
của cấp uỷ quản lý cán bộ (theo phân cấp) và sự phê duyệt của Uỷ ban nhân dân tỉnh
hoặc của cơ quan quản lý nhà nước được uỷ quyền.
Điều 3. Đối
tượng áp dụng
Quy định này được áp dụng cho tất
cả cán bộ, công chức, viên chức (kể cả những người được ký kết hợp đồng dài hạn
từ 01 năm trở lên) đang công tác tại các cơ quan, đơn vị sau đây:
1. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc
hội - Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh;
2. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân
dân huyện, thị xã;
3. Các cơ quan hành chính và đơn
vị sự nghiệp nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện;
4. Các cơ quan, tổ chức thuộc khối
Đảng, Mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh và cấp huyện;
5. Cán bộ, công chức xã, phường,
thị trấn được quy định tại Điều 2 Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của
Chính phủ;
6. Cán bộ, công chức, viên chức
các cơ quan, đơn vị thuộc ngành dọc Trung ương quản lý đang công tác trên địa
bàn tỉnh (phối hợp ngành dọc Trung ương quản lý);
7. Các tổ chức, hội được Nhà nước
giao biên chế, quỹ lương;
8. Cán bộ quản lý, công nhân,
viên chức trong các doanh nghiệp nhà nước, Công ty TNHH một thành viên 100% vốn
nhà nước, cán bộ quản lý trong các công ty cổ phần trong đó vốn nhà nước chiếm
51%, cán bộ quản lý được Nhà nước cử sang các công ty cổ phần có vốn nhà nước từ
49% trở xuống hoặc là người đại diện cho vốn nhà nước ở các công ty cổ phần,
công ty liên doanh.
Điều 4. Việc
sử dụng hộ chiếu
1. Sử dụng hộ chiếu công vụ, hộ
chiếu ngoại giao:
Cán bộ, công chức, viên chức được
cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, tham quan, học tập, đào tạo, bồi
dưỡng ở nước ngoài về mục đích công, tùy theo đối tượng cụ thể sẽ được sử dụng
hộ chiếu ngoại giao hoặc hộ chiếu công vụ để xuất cảnh, nhập cảnh.
2. Sử dụng hộ chiếu phổ thông:
Cán bộ, công chức, viên chức được
cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép xuất cảnh theo nguyện vọng riêng để
tham quan du lịch, học tập, thăm thân nhân ở nước ngoài và cán bộ quản lý doanh
nghiệp đi nước ngoài (việc công hoặc việc riêng), sẽ được sử dụng hộ chiếu phổ
thông để xuất cảnh, nhập cảnh.
Điều 5. Quy
định về xuất cảnh
Số lần được cử hoặc cho phép xuất
cảnh trong 01 năm.
1. Trừ một số cơ quan chức năng
của tỉnh thường phải đi công tác nước ngoài do yêu cầu, cán bộ, công chức, viên
chức của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp nhà nước thuộc tỉnh còn lại
chỉ được xuất cảnh vì việc công không quá 02 lần trong 01 năm. Việc xuất cảnh của
cán bộ, công chức, viên chức phải được cân nhắc kỹ, đảm bảo việc xuất cảnh đúng
mục đích, đúng yêu cầu, đúng đối tượng, đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ chuyên
môn của cơ quan, đơn vị.
2. Đối với cán bộ, viên chức
đang công tác tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc tỉnh quy định tại khoản
8, Điều 3 Quy định này được phép xuất cảnh theo nhu cầu công tác của doanh nghiệp,
nhưng phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và lợi
nhuận của doanh nghiệp.
3. Cán bộ, công chức, viên chức
xuất cảnh về việc riêng phải được Thủ trưởng và cấp uỷ nơi cơ quan công tác đồng
ý và phải được cấp có thẩm quyền cho phép.
Thời gian xuất cảnh về việc
riêng được tính vào thời gian nghỉ phép hàng năm của cán bộ, công chức, viên chức.
Nếu thời gian xuất cảnh vượt quá thời gian nghỉ phép hàng năm thì phải được sự
chấp thuận của Thủ trưởng cấp trên trực tiếp.
4. Khi cán bộ, công chức, viên
chức xin đi xuất cảnh vì mục đích định cư ở nước ngoài thì Thủ trưởng cơ quan,
đơn vị trực tiếp quản lý phải lập thủ tục để trình cấp có thẩm quyền giải quyết
cho thôi việc, nghỉ việc, giải quyết mọi chính sách có liên quan cho cán bộ,
công chức, viên chức xin xuất cảnh. Đồng thời, hướng dẫn cán bộ, công chức,
viên chức xin xuất cảnh liên hệ Công an tỉnh (qua Phòng Quản lý xuất nhập cảnh)
để giải quyết thủ tục xuất cảnh theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Chương 2.
THẨM QUYỀN CHO PHÉP XUẤT
CẢNH, NHẬP CẢNH
Điều 6. Thẩm
quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh
1. Đối với các chức danh cán bộ
do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đang công tác tại địa phương, khi được sự
chấp thuận của Ban Bí thư hoặc các Ban đảng Trung ương (khi được uỷ quyền) và sự
phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Uỷ ban nhân dân tỉnh lập thủ tục
cho các chức danh cán bộ sau đây đi nước ngoài:
a) Bí thư Tỉnh uỷ, Phó Bí thư Tỉnh
uỷ;
b) Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.
2. Khi được sự chấp thuận của
Thường trực Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định cử hoặc cho phép các chức
danh cán bộ sau đây được đi nước ngoài:
a) Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ;
b) Phó Chủ tịch Hội đồng nhân
dân tỉnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Điều 7. Thẩm
quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh
1. Khi được sự chấp thuận của
Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định cử hoặc cho phép
các chức danh cán bộ sau đây đi nước ngoài:
a) Các đồng chí Uỷ viên Ban chấp
hành tỉnh Đảng bộ;
b) Uỷ viên Thường trực Hội đồng
nhân dân tỉnh, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội - Hội đồng nhân dân tỉnh,
Trưởng ban chuyên trách Hội đồng nhân dân tỉnh;
c) Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân
dân tỉnh, Giám đốc Sở, Chánh Thanh tra tỉnh, Giám đốc Đài Phát thanh Truyền
hình tỉnh, Tổng Biên tập Báo Bình Dương, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, Hiệu
trưởng Trường Đại học công lập của tỉnh (khi được thành lập), Trưởng các cơ
quan Đảng của Tỉnh uỷ, Trưởng các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh (Uỷ ban Mặt
trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên
đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh tỉnh), Chủ tịch
Liên minh các hợp tác xã, chuyên viên cao cấp;
d) Bí thư các huyện, thị uỷ, Đảng
uỷ trực thuộc tỉnh;
e) Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng
Giám đốc các công ty nhà nước hạng I.
2. Khi được sự đồng ý của ngành
dọc Trung ương và sự chấp thuận của Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân tỉnh quyết định cử hoặc cho phép các chức danh cán bộ sau đây đi nước
ngoài:
a) Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ
huy trưởng và Chính uỷ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát quân
sự khu vực 73 Quân khu 7, cán bộ lực lượng vũ trang có quân hàm đại tá;
b) Chánh án Toà án nhân dân tỉnh,
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh;
c) Đại biểu Quốc hội chuyên
trách của tỉnh;
d) Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng
Nhà nước Bình Dương, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh,
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh.
Đối với các chức danh cán bộ
này, nếu được lãnh đạo ngành cử hoặc cho phép đi nước ngoài (về việc công hoặc
việc riêng) thì phải báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Ngoại vụ) lịch
trình chuyến đi để Uỷ ban nhân dân tỉnh biết cùng phối hợp quản lý và giải quyết
những vấn đề phát sinh ở nước ngoài (nếu có).
3. Khi được sự chấp thuận của
Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định cử hoặc
cho phép các chức danh cán bộ sau đây đi nước ngoài:
a) Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại
biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Phó ban chuyên trách Hội đồng nhân dân tỉnh;
b) Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban
nhân dân tỉnh, Phó Giám đốc Sở, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, Phó Giám đốc Đài Phát
thanh và Truyền hình tỉnh, Phó tổng Biên tập Báo Bình Dương, Phó Hiệu trưởng
Trường Chính trị tỉnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học công lập (khi được thành
lập), Hiệu trưởng các trường Cao đẳng công lập thuộc tỉnh, Giám đốc Bệnh viên
Đa khoa tỉnh, Phó các Ban Đảng Tỉnh uỷ, Phó các tổ chức chính trị - xã hội cấp
tỉnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ
thuật tỉnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Chủ tịch Hội Y học dân tộc tỉnh,
chuyên viên chính có hệ số lương từ 6.1 trở lên;
c) Uỷ viên Ban Thường vụ các huyện,
thị uỷ, Đảng uỷ trực thuộc tỉnh; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân
dân huyện, thị;
d) Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị,
Phó Tổng Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước hạng I, Chủ tịch Hội đồng quản trị,
Giám đốc các Doanh nghiệp nhà nước hạng II.
4. Khi được sự đồng ý của ngành
dọc Trung ương và sự chấp thuận của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân tỉnh xem xét cử hoặc cho phép các chức danh sau đi nước ngoài:
a) Chỉ huy phó Bộ chỉ huy Quân sự
tỉnh, Phó Chính uỷ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Trưởng phòng Tham mưu, Trưởng phòng
Hậu cần, Trưởng phòng Kỹ thuật, Hiệu trưởng Trường Quân sự tỉnh, Chủ nhiệm
Chính trị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Chính uỷ và Chỉ huy trưởng trung đoàn bộ
binh thuộc tỉnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng phòng Công an tỉnh, Sĩ quan
Công an, quân đội có cấp hàm thượng tá;
b) Trưởng cơ quan Thi hành án
dân sự tỉnh;
c) Phó Chánh án Tòa án nhân dân
tỉnh, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh;
d) Cấp phó các cơ quan thuộc
ngành dọc do Trung ương quản lý đóng trên địa bàn tỉnh (Hải quan, Kho bạc, Cục
Thuế, Ngân hàng Nhà nước, Cục Thống kê);
e) Giám đốc chi nhánh các ngân
hàng chuyên doanh nhà nước.
Đối với các chức danh cán bộ
này, nếu được lãnh đạo ngành cử hoặc cho phép đi nước ngoài (kể cả việc công hoặc
việc riêng) thì phải báo cáo lịch trình chuyến đi về cho Uỷ ban nhân dân tỉnh
(thông qua Sở Ngoại vụ) để Uỷ ban nhân dân tỉnh biết cùng phối hợp quản lý và
giải quyết những vấn đề ở nước ngoài (nếu có).
Điều 8. Thẩm
quyền của Giám đốc Sở Ngoại vụ
Ngoài những chức danh cán bộ đã
quy định tại Điều 6, Điều 7 Quy định này, khi được sự chấp thuận của Thường trực
cấp uỷ các huyện, thị uỷ, Đảng uỷ trực thuộc tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh
uỷ quyền cho Giám đốc Sở Ngoại vụ xem xét quyết định việc cử hoặc cho phép đi
nước ngoài đối với các cán bộ, công chức, viên chức. Riêng cán bộ, công chức, viên
chức thuộc ngành dọc quản lý, nếu được lãnh đạo ngành cử hoặc cho phép đi nước
ngoài (kể cả việc công hay việc riêng) thì gửi danh sách nhân sự, lịch trình
chuyến đi về Sở Ngoại vụ, để Sở Ngoại vụ tổng hợp tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh
giải quyết những vấn đề phát sinh (nếu có).
Chương 3.
SỬ DỤNG KINH PHÍ CHO MỤC
ĐÍCH XUẤT CẢNH
Điều 9. Sử dụng
ngân sách và quỹ công để xuất cảnh
1. Việc tổ chức các đoàn đi công
tác nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước do Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét
quyết định.
2. Khi cán bộ, công chức, viên
chức xuất cảnh vì việc công theo yêu cầu đột xuất hoặc theo chương trình, kế hoạch
hàng năm của tỉnh, theo thư mời của cơ quan Bộ, ngành mà mục đích chuyến đi phù
hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị thì được ngân sách Nhà nước đài
thọ kinh phí theo quy định. Nếu kinh phí chuyến đi đã được phía mời đài thọ một
phần chi phí về ăn, ở, đi về…thì tùy từng trường hợp cụ thể, Tỉnh uỷ, Uỷ ban
nhân dân tỉnh sẽ xem xét để hỗ trợ tiền tiêu vặt theo chế độ hiện hành.
3. Việc sử dụng kinh phí từ nguồn
thu được trích lại của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp để chi cho việc
xuất cảnh vì việc công phải được sự đồng ý của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Trước khi
trình lên Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định, cơ quan trình phải thông qua
ý kiến của ngành chủ quản và sự thẩm định của các cơ quan chức năng (Tài chính
- Ngoại vụ).
4. Đối với các đơn vị sự nghiệp
có thu, tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động, kinh phí xuất cảnh được chi
trong dự toán kế hoạch tài chính hàng năm của đơn vị và phải được cấp có thẩm
quyền phê duyệt.
5. Đối với các doanh nghiệp nhà
nước, các công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước, các công ty cổ phần có
vốn nhà nước… kinh phí xuất cảnh được chi theo chế độ tài chính kế toán của
doanh nghiệp. Việc sử dụng kinh phí của doanh nghiệp phải được cân nhắc kỹ, bảo
đảm mục đích, hiệu quả chuyến đi, phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất kinh doanh
và lợi nhuận của doanh nghiệp.
6. Các cơ quan được giao nhiệm vụ
xử lý hồ sơ việc xuất cảnh có trách nhiệm xem xét cụ thể đối tượng xuất cảnh, mục
đích chuyến đi và nguồn kinh phí để tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét giải
quyết theo đúng quy định.
7. Cơ quan tài chính các cấp có
liên quan chịu trách nhiệm thẩm định, kiểm soát, thanh quyết toán các khoản chi
xuất cảnh vì việc công theo đúng quy định, không được quyết toán những khoản
chi không đúng quy định, những trường hợp đặc biệt phải xin ý kiến của Uỷ ban
nhân dân tỉnh.
Điều 10. Một
số quy định khác về sử dụng kinh phí xuất cảnh
1. Nghiêm cấm cán bộ, công chức,
viên chức sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước hoặc quỹ công (kinh phí trích
từ nguồn thu được để lại theo quy định, kinh phí được trích từ nguồn tài trợ của
các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài và các nguồn tài trợ khác từ các dự án,
chương trình…, kinh phí của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm
toàn bộ kinh phí hoạt động…) để đi tham quan, du lịch hoặc xuất cảnh về việc
riêng.
2. Đối với các doanh nghiệp, đơn
vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động, nếu tổ chức cho cán
bộ, viên chức và người lao động đi tham quan du lịch từ phúc lợi tập thể phải
có sự thống nhất của tập thể lãnh đạo đơn vị và Ban chấp hành công đoàn. Việc sử
dụng phúc lợi phải theo đúng quy định, bảo đảm đúng chế độ.
3. Cán bộ, công chức, viên chức
nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành cần hạn chế việc đi nước ngoài từ
tài trợ của các doanh nghiệp. Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức đặt điều
kiện hay gợi ý các doanh nghiệp, các tổ chức phi Chính phủ cho đi nước ngoài về
việc riêng hoặc tham quan du lịch. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tỉnh uỷ, Uỷ ban
nhân dân tỉnh sẽ xem xét cho cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài theo
thư mời của doanh nghiệp và các tổ chức khác.
Chương 4.
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA
NGƯỜI XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH
Điều 11.
Quyền lợi của người được xuất cảnh
1. Cán bộ, công chức, viên chức
của tỉnh khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử hoặc cho phép xuất cảnh,
tùy theo mục đích chuyến đi sẽ được sử dụng hộ chiếu (hộ chiếu ngoại giao, hộ
chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông) hoặc các giấy tờ có giá trị xuất cảnh khác để
xuất cảnh và nhập cảnh.
2. Hộ chiếu quốc gia là tài sản
của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khi cán bộ, công chức, viên chức sử
dụng để đi nước ngoài sẽ được Nhà nước bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật
Việt Nam và những điều ước hoặc thoả thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc
tham gia.
Điều 12.
Nghĩa vụ của người xuất cảnh, nhập cảnh
1. Cán bộ, công chức, viên chức
của tỉnh khi xuất cảnh có nghĩa vụ và trách nhiệm:
a) Tuân thủ theo đúng quy định của
pháp luật Việt Nam, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc
tham gia về công tác xuất cảnh, nhập cảnh, về công tác lãnh sự và các hoạt động
đối ngoại khác. Tôn trọng phong tục, tập quán và chấp hành nghiêm những quy định
pháp luật của nước đến.
b) Thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được
giao khi ra công tác ở nước ngoài, trong giao tiếp, sinh hoạt phải văn minh, lịch
sự, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ đúng thể diện, tư cách người công dân
Việt Nam. Bảo đảm vừa mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác phát triển giữa nước ta
với nước ngoài trong các lĩnh vực kinh tế - văn hoá - xã hội, vừa đảm bảo tình
hình an ninh quốc gia.
c) Đối với cán bộ, công chức,
viên chức là Đảng viên khi ra nước ngoài vừa phải chấp hành đầy đủ những quy định
của pháp luật về xuất, nhập cảnh, vừa phải thực hiện nghiêm quy định của Đảng về
nhiệm vụ của Đảng viên khi ra nước ngoài và các quy định khác liên quan đến
công tác đối ngoại và bảo vệ chính trị nội bộ.
d) Nếu gặp sự cố ở nước ngoài (ốm
đau, tai nạn, mất hộ chiếu,…), Trưởng đoàn (nếu đi thành đoàn) hay trực tiếp
cán bộ, công chức, viên chức (nếu đi lẻ hoặc đi ghép) phải kịp thời báo cáo về
Sở Ngoại vụ Bình Dương và cơ quan chủ quản, đồng thời liên hệ với cơ quan đại
diện ngoại giao của Việt Nam tại nước sở tại để được hướng dẫn, giúp đỡ khắc phục
hậu quả, hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.
2. Khi về nước, cán bộ, công chức,
viên chức có nhiệm vụ:
a) Trưởng đoàn phải có báo cáo bằng
văn bản cho Thường trực Tỉnh uỷ (thông qua Ban Tổ chức Tỉnh uỷ) về tình hình và
kết quả chuyến đi, đề xuất hoặc kiến nghị những vấn đề mới (nếu có).
b) Các trường hợp đi riêng lẻ hoặc
đi ghép với các đoàn khác, khi đi và về cán bộ, công chức, viên chức phải báo
cáo cho cấp uỷ và Thủ trưởng cơ quan nơi công tác và cơ quan quản lý cán bộ
theo phân cấp.
c) Nộp lại Hộ chiếu ngoại giao,
Hộ chiếu công vụ cho Sở Ngoại vụ để quản lý theo quy định.
Chương 5.
QUẢN LÝ NHÂN SỰ, QUẢN LÝ
HỘ CHIẾU VÀ THỦ TỤC XIN XUẤT CẢNH
Điều 13. Quản
lý nhân sự xuất cảnh, nhập cảnh
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị
có cán bộ, công chức, viên chức xuất cảnh về việc công hoặc việc riêng phải chịu
trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý nhân sự xuất cảnh. Việc mang tài liệu
ra nước ngoài hoặc mang tài liệu từ nước ngoài về (nếu có) phải chấp hành đúng
theo quy định của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước và các quy định pháp luật có
liên quan.
2. Cấp uỷ cơ sở nơi có nhân sự
xuất cảnh và cấp uỷ quản lý cán bộ (theo phân cấp) phải có trách nhiệm quản lý
cán bộ Đảng viên theo đúng quy định của Đảng về nhiệm vụ Đảng viên khi ra nước
ngoài và công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, những trường hợp vi phạm phải
được xử lý theo đúng quy định.
3. Công an tỉnh có trách nhiệm
xem xét về mặt an ninh đối với tất cả các đối tượng xin xuất cảnh. Nếu phát hiện
đương sự xin xuất cảnh (kể cả việc công và việc riêng) nằm trong diện chưa được
xuất cảnh được quy định tại Điều 21, Chương IV Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày
17/8/2007 của Chính phủ thì phải thông báo cho các cấp có thẩm quyền và cơ quan
quản lý đương sự biết, đồng thời thực hiện các thủ tục đề nghị đình chỉ xuất cảnh
của cán bộ, công chức, viên chức.
Điều 14. Quản
lý hộ chiếu
1. Hộ chiếu phổ thông
a) Hộ chiếu phổ thông được giao
cho cán bộ, công chức, viên chức tự quản lý.
b) Khi được sự chấp thuận của cấp
uỷ quản lý và sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cán bộ, công chức,
viên chức mới được dùng hộ chiếu phổ thông để xuất cảnh (kể cả việc công hoặc
việc riêng).
2. Hộ chiếu
ngoại giao, hộ chiếu công vụ
Hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại
giao được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Ngoại vụ quản lý. Chậm nhất là 07
ngày kể từ khi về nước, cán bộ được cấp hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại giao
phải nộp về Sở Ngoại vụ để quản lý theo quy định.
Điều 15.
Quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ đề nghị xuất cảnh
1. Xuất cảnh về việc công có sử
dụng ngân sách Nhà nước
a) Đối với việc xuất cảnh về việc
công có sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước phải được xây dựng kế hoạch xuất
cảnh hàng năm và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Những trường hợp xuất cảnh
về việc công có sử dụng ngân sách không nằm trong kế hoạch (do yêu cầu đột xuất)
đều phải được sự phê duyệt của Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh. Các cơ quan chức
năng (Sở Ngoại vụ, Sở Tài chính, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ…) được phép từ chối các hồ
sơ xin xuất cảnh về việc công có sử dụng ngân sách hay quỹ công, nếu hồ sơ
không có kế hoạch trước hoặc chưa được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
b) Kế hoạch xuất cảnh có sử dụng
ngân sách phải thể hiện đầy đủ mục đích, nội dung, chương trình, thành phần, thời
gian và nguồn kinh phí. Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Ngoại vụ, Sở Tài
chính, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ có trách nhiệm thẩm định việc xuất cảnh về việc công
có sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước của các cơ quan, đơn vị để tham mưu Uỷ
ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định. Hồ sơ đề nghị phải gửi về các cơ quan nêu
trên trước 20 ngày, Sở Ngoại vụ có trách nhiệm tổng hợp và trình Uỷ ban nhân
dân tỉnh xem xét quyết định.
c) Đối với các đoàn công tác đi
nước ngoài của tỉnh có sử dụng ngân sách (kể cả có kế hoạch và đột xuất), Uỷ
ban nhân dân tỉnh giao Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở
Tài chính và một số ngành có liên quan để xây dựng kế hoạch thật chu đáo, đảm bảo
tính hiệu quả, tiết kiệm của chuyến đi.
2. Xuất cảnh về việc công không
sử dụng kinh phí từ ngân sách.
Việc xuất cảnh về việc công
không sử dụng ngân sách Nhà nước, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Thủ trưởng các
cơ quan, đơn vị và Sở Ngoại vụ xem xét, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết
định.
3. Xuất cảnh về việc riêng bằng
kinh phí cá nhân.
Việc xuất cảnh về việc riêng bằng
kinh phí cá nhân do cá nhân đề nghị, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và Sở Ngoại
vụ xem xét, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
4. Quy trình giải quyết hồ sơ đề
nghị xuất cảnh:
a) Sở Ngoại vụ là cơ quan trực tiếp
tiếp nhận các hồ sơ xin xuất, nhập cảnh của cán bộ, công chức, viên chức, hồ sơ
gồm:
- Bản chính công văn đề nghị của
Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ công chức, viên chức xin xuất cảnh.
- Bản chính công văn đồng ý của
các cơ quan chủ quản cấp trên cho phép cán bộ, công chức, viên chức xuất cảnh
(nếu có).
- Bản chính đơn xin xuất cảnh của
cá nhân về việc riêng đã được cấp uỷ quản lý và Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản
lý đồng ý.
- Bản chính thư mời hoặc các văn
bản khác có liên quan đến mục đích xuất cảnh (nếu thư mời hoặc các văn bản khác
được viết bằng ngôn ngữ nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch tiếng Việt do các
đơn vị có chức năng dịch thuật xác nhận theo quy định).
- Văn bản thẩm định của Sở Tài
chính và văn bản phê duyệt của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cho những trường hợp
xuất cảnh có sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước.
- Ý kiến đồng ý bằng văn bản của
cấp uỷ quản lý cán bộ hoặc của cơ quan tham mưu của Đảng (khi được uỷ quyền).
b) Thời gian xử lý hồ sơ đề nghị
xuất cảnh.
Khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ đề
nghị xuất cảnh đã nêu tại điểm a, khoản 4, Điều này, Sở Ngoại vụ có trách nhiệm
thẩm định và trình cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết theo thời gian như sau:
Các hồ sơ trình Uỷ ban nhân dân
tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh ký không quá 07 ngày (không kể ngày nghỉ)
kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Các hồ sơ do Giám đốc Sở Ngoại vụ
được uỷ quyền ký không quá 03 ngày (không kể ngày nghỉ) kể từ ngày nhận đủ hồ
sơ hợp lệ.
Nếu hồ sơ không được chấp thuận,
Sở Ngoại vụ phải có thông báo bằng văn bản cho cơ quan, đơn vị quản lý và cá
nhân cán bộ, công chức, viên chức xin xuất cảnh biết.
Chương 6.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16.
1. Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân các huyện, thị; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành (Đảng, Nhà nước,
đoàn thể, lực lượng vũ trang); Giám đốc các doanh nghiệp có vốn nhà nước; Thủ
trưởng các đơn vị sự nghiệp nhà nước; người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống
chính trị của tỉnh có trách nhiệm quán triệt Quy định này cho cán bộ, công chức,
viên chức thuộc quyền.
2. Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh,
Ban Tổ chức Tỉnh uỷ có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ
chức thực hiện tốt Quy định này.
3. Hằng năm, Sở Ngoại vụ có
trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức rút kinh nghiệm về
việc thực hiện Quy định này. Đồng thời tổng hợp các ý kiến đề xuất của các cơ
quan, đơn vị và công dân (nếu có) để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.