Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 06/2002/TT-NHNN Tổ chức và hoạt động của công ty tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 79/2002/NĐ-CP

Số hiệu: 06/2002/TT-NHNN Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Người ký: Trần Minh Tuấn
Ngày ban hành: 23/12/2002 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/2002/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2002

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 06/2002/TT-NHNN NGÀY 23 THÁNG 12 NĂM 2002 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 79 /2002/NĐ-CP NGÀY 04/10/2002 CỦA CHÍNH PHỦ "VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY TÀI CHÍNH"

Ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2002/NĐ-CP "Về tổ chức và hoạt động của Công ty tài chính", Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định thuộc phạm vi thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước như sau:

Mục 1:

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh:

1.1. Thông tư này hướng dẫn chi tiết một số nội dung tại Nghị định 79/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ "Về tổ chức và hoạt động của Công ty tài chính" (sau đây gọi tắt là Nghị định 79/2002/NĐ-CP).

1.2. Ngân hàng Nhà nước có văn bản hướng dẫn riêng những nội dung có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Công ty tài chính sau đây:

a) Quy chế về Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên và người điều hành;

b) Quy định về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, năng lực điều hành của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và người điều hành;

c) Quy chế về cổ đông, cổ phần, cổ phiếu và vốn điều lệ;

d) Quy chế về việc mở và chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện;

e) Quy chế về hoạt động bao thanh toán;

2. Các loại hình Công ty tài chính:

Công ty tài chính là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, là một pháp nhân Việt nam, hạch toán độc lập. Công ty tài chính được thành lập và hoạt động tại Việt Nam gồm các loại hình sau:

2.1. Công ty tài chính Nhà nước: là Công ty tài chính do Nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh. Công ty tài chính Nhà nước được thành lập và hoạt động tại Việt Nam dưới 2 hình thức:

a) Công ty tài chính thuộc Tổng công ty Nhà nước, do Tổng công ty Nhà nước cấp 100% vốn điều lệ.

b) Công ty tài chính Nhà nước khác

Việc cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của loại hình Công ty tài chính này được thực hiện theo hướng dẫn riêng của Ngân hàng Nhà nước.

2.2. Công ty tài chính cổ phần: là Công ty tài chính do các tổ chức và cá nhân cùng góp vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và các quy định khác của pháp luật được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần.

2.3. Công ty tài chính trực thuộc tổ chức tín dụng: là Công ty tài chính do một tổ chức tín dụng thành lập bằng vốn tự có của mình, làm chủ sở hữu theo quy định của pháp luật hạch toán độc lập và có tư cách pháp nhân.

2.4. Công ty tài chính liên doanh: là Công ty tài chính được thành lập bằng vốn góp giữa bên Việt Nam gồm một hoặc nhiều tổ chức tín dụng, doanh nghiệp Việt Nam và bên nước ngoài gồm một hoặc nhiều tổ chức tín dụng nước ngoài trên cơ sở hợp đồng liên doanh.

2.5. Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài: là Công ty tài chính được thành lập bằng vốn của một hoặc nhiều tổ chức tín dụng nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Thời hạn hoạt động:

Thời hạn hoạt động của Công ty tài chính tại Việt Nam không quá 50 năm. Trường hợp cần gia hạn thời hạn hoạt động phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Mỗi lần gia hạn không quá 50 năm.

Đối với Công ty tài chính thuộc Tổng công ty Nhà nước và Công ty tài chính trực thuộc tổ chức tín dụng, thời hạn hoạt động của Công ty tài chính không được vượt quá thời hạn hoạt động của Tổng công ty Nhà nước hoặc tổ chức tín dụng.

4. Vốn điều lệ:

Vốn điều lệ của Công ty tài chính được đóng góp dưới những hình thức sau:

4.1. Bằng tiền:

a) Đối với Công ty tài chính thuộc Tổng công ty Nhà nước, Công ty tài chính trực thuộc tổ chức tín dụng và Công ty tài chính cổ phần, vốn điều lệ được góp bằng Đồng Việt Nam.

b) Đối với Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài, vốn điều lệ được góp bằng Đôla Mỹ.

c) Đối với Công ty tài chính liên doanh: bên nước ngoài góp vốn điều lệ bằng Đôla Mỹ, Bên Việt Nam góp vốn điều lệ bằng Đôla Mỹ hoặc bằng Đồng Việt Nam. Trường hợp góp bằng Đồng Việt Nam, số tiền góp vốn điều lệ phải được quy đổi ra Đôla Mỹ theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng giữa Đồng Việt Nam với Đôla Mỹ do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm góp vốn.

4.2. Bằng hiện vật:

Vốn điều lệ được góp bằng hiện vật phải là tài sản có giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sở hữu và là tài sản cần thiết phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Công ty tài chính. Việc định giá và chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn được thực hiện theo quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam.

5. Tỷ lệ góp vốn điều lệ, chuyển nhượng phần vốn góp và phân chia lợi nhuận của Công ty tài chính liên doanh và Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài:

5.1. Tỷ lệ góp vốn điều lệ:

a) Tỷ lệ góp vốn: tỷ lệ góp vốn điều lệ của bên nước ngoài và bên Việt Nam trong Công ty tài chính liên doanh do các bên thoả thuận và được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Phần vốn góp của bên nước ngoài không được vượt quá 49% vốn điều lệ của Công ty tài chính.

b) Tỷ lệ góp vốn của Công ty tài chính liên doanh và Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài phải được quy định cụ thể trong Điều lệ của Công ty tài chính.

5.2. Chuyển nhượng phần vốn góp:

a) Bên Việt Nam và Bên nước ngoài trong Công ty tài chính liên doanh được quyền chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho các bên trong liên doanh, nhưng phải đảm bảo tỷ lệ góp vốn điều lệ theo quy định tại điểm 5.1. Trường hợp chuyển nhượng phần vốn góp của mình vượt mức quy định phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

b) Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài có quyền chuyển nhượng vốn của mình nhưng phải ưu tiên cho các tổ chức Việt Nam.

c) Điều kiện chuyển nhượng vốn của Công ty tài chính liên doanh, Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài phải được quy định cụ thể trong điều lệ của Công ty tài chính và phải phù hợp với quy định của pháp luật.

d) Mọi trường hợp chuyển nhượng vốn của Công ty tài chính liên doanh và Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước và chỉ có hiệu lực sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

e) Trong trường hợp chuyển nhượng vốn của Công ty tài chính có phát sinh lợi nhuận thì bên chuyển nhượng phải nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam.

5.3. Phân chia lợi nhuận và mức độ chia sẻ rủi ro:

Các bên tham gia Công ty tài chính liên doanh chia lợi nhuận và chịu rủi ro của Công ty tài chính liên doanh theo tỷ lệ góp vốn của mỗi bên, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác được quy định trong hợp đồng liên doanh.

6. Giải thích từ ngữ:

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

6.1. Tổ chức tín dụng nước ngoài: là ngân hàng, tổ chức tài chính nước ngoài hoặc tổ chức tài chính quốc tế được thành lập theo pháp luật nước ngoài hoặc quốc tế, tham gia góp vốn vào Công ty tài chính liên doanh, Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

6.2. Vốn pháp định: là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập Công ty tài chính.

6.3. Vốn điều lệ: là số vốn do các tổ chức, cá nhân góp và được ghi vào Điều lệ của Công ty tài chính.

6.4. Thành viên sáng lập: là các tổ chức, cá nhân tham gia thông qua Điều lệ đầu tiên của Công ty tài chính.

6.5. Cổ đông lớn: là cá nhân hoặc tổ chức sở hữu trên 10% vốn điều lệ hoặc nắm giữ trên 10% vốn cổ phần có quyền bỏ phiếu tại Công ty tài chính.

Mục 2:

QUY ĐỊNH VỀ CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CÔNG TY TÀI CHÍNH

7. Điều kiện để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động đối với Công ty tài chính (sau đây gọi tắt là Giấy phép):

7.1. Có nhu cầu hoạt động trên địa bàn xin hoạt động;

7.2. Có đủ vốn pháp định được quy định tại Nghị định số 82/1998/NĐ-CP ngày 3 tháng 10 năm 1998 của Chính phủ về ban hành danh mục mức vốn pháp định của các Tổ chức tín dụng, cụ thể như sau:

a) Vốn pháp định của Công ty tài chính Nhà nước, Công ty tài chính cổ phần, Công ty tài chính trực thuộc tổ chức tín dụng là 50 tỷ VND.

b) Vốn pháp định của Công ty tài chính liên doanh, Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài là 5 triệu USD.

7.3. Thành viên sáng lập là các tổ chức, cá nhân có uy tín và năng lực tài chính;

7.4. Người quản trị, điều hành có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và trình độ chuyên môn phù hợp với hoạt động của Công ty tài chính và quy định của Ngân hàng Nhà nước;

7.5. Có Điều lệ về tổ chức và hoạt động phù hợp với Luật các Tổ chức tín dụng, Nghị định số 79/2002/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật;

7.6. Có phương án kinh doanh khả thi;

7.7. Ngoài các điều kiện nêu trên, bên nước ngoài trong Công ty tài chính liên doanh và Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài phải:

a) Được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép thực hiện các hoạt động ngân hàng hoặc hoạt động của Công ty tài chính;

b) Được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép hoạt động tại Việt Nam.

8. Hồ sơ xin cấp Giấy phép

Hồ sơ xin cấp Giấy phép đối với Công ty tài chính gồm:

8.1. Đơn xin cấp Giấy phép:

a) Đối với Công ty tài chính thuộc Tổng công ty Nhà nước, Công ty tài chính trực thuộc tổ chức tín dụng: do Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Nhà nước, Tổ chức tín dụng ký hoặc người được Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Nhà nước, Tổ chức tín dụng uỷ quyền ký (Phụ lục 1a và Phụ lục 1b).

b) Đối với Công ty tài chính cổ phần: do các thành viên sáng lập hoặc người đại diện theo uỷ quyền của nhóm thành viên sáng lập ký (Phụ lục 1c).

c) Đối với Công ty tài chính liên doanh, Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài: do người đại diện theo pháp luật hoặc người được uỷ quyền hợp pháp của các bên góp vốn ký (Phụ lục 1d) .

8.2. Dự thảo Điều lệ: Điều lệ của Công ty tài chính phải có những nội dung chủ yếu sau:

a) Tên và nơi đặt trụ sở chính của Công ty tài chính;

b) Thời hạn hoạt động;

c) Nội dung và phạm vi hoạt động;

d) Vốn điều lệ và phương thức góp vốn;

e) Thể thức bầu, bổ nhiệm và miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) và Ban kiểm soát;

g) Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Tổng giám đốc (Giám đốc).

h) Đại diện pháp nhân của Công ty tài chính;

i) Quyền và nghĩa vụ của các cổ đông;

k) Các nguyên tắc tài chính, kế toán, kiểm tra và kiểm toán nội bộ;

l) Các trường hợp giải thể và thủ tục giải thể;

m) Thủ tục sửa đổi Điều lệ.

8.3. Phương án hoạt động: nêu rõ nội dung, phương thức hoạt động, địa bàn hoạt động, lợi ích đối với nền kinh tế; trong đó, xác định kế hoạch hoạt động cụ thể 3 năm đầu.

8.4. Danh sách, lý lịch (Phụ lục 2), các văn bằng, chứng chỉ về chuyên môn của thành viên sáng lập, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát và Tổng giám đốc (Giám đốc) Công ty tài chính;

8.5. Phương án góp vốn điều lệ, danh sách và cam kết về mức góp vốn điều lệ của các bên góp vốn;

8.6. Tình hình tài chính và các thông tin có liên quan về các cổ đông lớn. Đối với các cổ đông lớn là doanh nghiệp, các tài liệu phải nộp gồm:

a) Quyết định thành lập;

b) Điều lệ hiện hành ;

c) Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về số vốn điều lệ và số vốn thực có năm hiện hành;

d) Văn bản cử người đại diện pháp nhân của Doanh nghiệp;

e) Bảng cân đối tài chính, bảng kết quả lãi, lỗ đã được kiểm toán và báo cáo tình hình hoạt động 3 năm gần nhất.

8.7. Văn bản chấp thuận của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nơi đặt trụ sở của Công ty tài chính.

9. Hồ sơ xin cấp Giấy phép đối với Công ty tài chính thuộc Tổng công ty Nhà nước:

Ngoài các tài liệu theo quy định tại điểm 8 Mục II Thông tư này, hồ sơ xin cấp Giấy phép đối với Công ty tài chính thuộc Tổng công ty Nhà nước còn gồm các tài liệu sau đây:

9.1. Văn bản của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận nguyên tắc cho phép thành lập Công ty tài chính thuộc Tổng công ty Nhà nước.

9.2. Văn bản chấp thuận cho phép thành lập Công ty tài chính thuộc Tổng công ty Nhà nước do Bộ trưởng Bộ quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật ký.

9.3. Văn bản chấp thuận của Tổng công ty Nhà nước về nguồn và mức vốn điều lệ được cấp cho Công ty tài chính thuộc Tổng công ty Nhà nước.

10. Hồ sơ xin cấp Giấy phép đối với Công ty tài chính trực thuộc Tổ chức tín dụng:

Ngoài các tài liệu theo quy định tại điểm 8 Mục II Thông tư này, hồ sơ xin cấp Giấy phép đối với Công ty tài chính trực thuộc tổ chức tín dụng còn gồm các tài liệu sau đây:

10.1. Văn bản của Chủ tịch Hội đồng quản trị tổ chức tín dụng hoặc người được Chủ tịch Hội đồng quản trị uỷ quyền ký về nguồn và mức vốn điều lệ được cấp cho Công ty tài chính.

10.2. Các tài liệu liên quan đến tổ chức tín dụng là chủ sở hữu, bao gồm:

a) Quyết định thành lập hoặc Giấy phép thành lập và hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

b) Điều lệ hiện hành;

c) Quyết định chuẩn y vốn điều lệ của Ngân hàng Nhà nước;

d) Bảng cân đối tài chính, bảng kết quả lãi, lỗ đã được kiểm toán và báo cáo tình hình hoạt động 3 năm gần nhất.

11. Hồ sơ xin cấp Giấy phép đối với Công ty tài chính liên doanh và Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài:

Ngoài các tài liệu theo quy định tại điểm 8 Mục II Thông tư này, hồ sơ xin cấp Giấy phép đối với Công ty tài chính liên doanh, Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài còn gồm các tài liệu sau đây:

11.1. Điều lệ của các bên góp vốn;

11.2. Giấy phép của các bên góp vốn;

11.3. Văn bản của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cho phép bên nước ngoài hoạt động tại Việt Nam dưới hình thức Công ty tài chính liên doanh hoặc Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài. Trường hợp quy định của luật pháp nước nguyên xứ không yêu cầu có văn bản này thì phải có bằng chứng xác nhận của cơ quan có thẩm quyền;

11.4. Bảng cân đối tài chính, bảng kết quả lãi, lỗ đã được kiểm toán và báo cáo tình hình hoạt động 3 năm gần nhất của các bên góp vốn;

11.5. Hợp đồng liên doanh đối với Công ty tài chính liên doanh gồm các nội dung chính sau đây:

a) Tên, địa chỉ của Công ty tài chính liên doanh;

b) Tên, địa chỉ của đại diện các bên tham gia liên doanh;

c) Thời hạn hoạt động của liên doanh;

d) Vốn điều lệ: tỷ lệ góp vốn, mức vốn góp của mỗi bên, phương án góp vốn, trong đó ghi rõ số vốn bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam, bằng hiện vật (nếu có);

e) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

g) Số lượng và tỷ lệ thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Ban Giám đốc của các bên trong liên doanh;

h) Dự kiến số phòng ban và số lượng cán bộ, nhân viên thời gian đầu của mỗi bên (số người mang quốc tịch Việt Nam, số người mang quốc tịch nước ngoài);

i) Các nguyên tắc về hạch toán, kế toán, báo cáo, lập và sử dụng các quỹ; việc phân chia lãi, lỗ cho các bên tham gia liên doanh;

k) Thủ tục giải quyết những tranh chấp giữa các bên phát sinh từ việc thực hiện hợp đồng liên doanh, thủ tục thanh lý, giải thể, sáp nhập và hợp nhất của Công ty tài chính liên doanh;

l) Các điều kiện để sửa đổi, bổ sung hợp đồng liên doanh.

12. Nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép:

12.1. Hồ sơ xin cấp Giấy phép đối với Công ty tài chính thuộc Tổng công ty Nhà nước, Công ty tài chính cổ phần, Công ty tài chính trực thuộc tổ chức tín dụng:

Hồ sơ được lập thành 2 bộ bằng tiếng Việt. Các tài liệu trong hồ sơ phải là bản chính, trường hợp là các bản sao trong hồ sơ phải có xác nhận của cơ quan đã cấp bản chính hoặc chứng nhận của Công chứng Nhà nước;

12.2. Hồ sơ xin cấp Giấy phép đối với Công ty tài chính liên doanh và Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài:

a) Hồ sơ được lập thành 2 bộ, một bộ bằng tiếng Việt và một bộ bằng tiếng Anh. Hồ sơ được lập tại nước ngoài phải là bản chính hoặc bản sao có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

b) Các văn bản phải được hợp pháp hoá lãnh sự gồm: Giấy phép của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho phép tổ chức tín dụng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động ngân hàng hoặc hoạt động của Công ty tài chính và văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho phép bên nước ngoài hoạt động tại Việt nam dưới hình thức Công ty tài chính liên doanh hoặc Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài.

c) Các bản sao tiếng Việt và các bản dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt phải được cơ quan công chứng Việt Nam hoặc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận;

12.3. Các tổ chức, cá nhân xin cấp Giấy phép phải gửi đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2 bộ hồ sơ theo quy định tại điểm 12.1 và 12.2. Đối với việc xin thành lập Công ty tài chính cổ phần thì hồ sơ xin cấp Giấy phép phải gửi đến Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi công ty dự định đặt trụ sở chính xem xét.

13. Xác nhận hồ sơ và thời hạn xem xét cấp Giấy phép:

13.1. Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước xác nhận bằng văn bản về tính đầy đủ của bộ hồ sơ cho người đại diện của các bên góp vốn.

13.2. Thời hạn xem xét và cấp Giấy phép: Trong thời hạn 90 (chín mươi) ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ xin cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước cấp hoặc từ chối cấp Giấy phép. Trường hợp từ chối cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước có văn bản giải thích lý do.

14. Giấy phép thành lập và hoạt động:

Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp theo mẫu quy định, gồm:

14.1. Giấy phép đối với Công ty tài chính thuộc Tổng công ty Nhà nước, Công ty tài chính trực thuộc tổ chức tín dụng và Công ty tài chính cổ phần (Phụ lục 3a);

14.2. Giấy phép đối với Công ty tài chính liên doanh và Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài (Phụ lục 3b).

15. Lệ phí cấp Giấy phép:

15.1. Mức lệ phí mỗi lần được cấp Giấy phép (hoặc gia hạn Giấy phép) đối với các Công ty tài chính được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính về thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực ngân hàng.

15.2. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép (hoặc gia hạn Giấy phép), Công ty tài chính được cấp Giấy phép (hoặc gia hạn Giấy phép) phải nộp lệ phí vào tài khoản tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước hoặc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi công ty đặt trụ sở chính. Chứng từ nộp lệ phí phải được sao gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ các Ngân hàng) để lưu hồ sơ.

15.3. Khoản lệ phí quy định tại điểm 15.1 nêu trên không được khấu trừ vào vốn điều lệ và không được hoàn lại trong bất kỳ trường hợp nào.

16. Việc chuyển vốn điều lệ của Công ty tài chính vào tài khoản phong toả:

16.1. Trước khi khai trương hoạt động tối thiểu 30 (ba mươi) ngày, Công ty tài chính phải:

a) Chuyển toàn bộ phần vốn điều lệ góp bằng tiền vào tài khoản phong toả không được hưởng lãi mở tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước hoặc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi công ty đặt trụ sở chính và được nơi giữ tài khoản phong toả xác nhận bằng văn bản. Văn bản xác nhận số tiền đã nộp vào tài khoản phong toả phải được gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ Các ngân hàng);

b) Đối với phần vốn điều lệ được góp dưới hình thức hiện vật phải có văn bản chuyển giao quyền sở hữu tài sản góp vốn cho Công ty tài chính theo quy định của pháp luật Việt Nam.

16.2. Sau ngày khai trương hoạt động, Công ty tài chính được giải toả số tiền từ tài khoản phong toả vào các tài khoản hoạt động của mình mở tại Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài hoặc Ngân hàng liên doanh hoạt động tại Việt Nam.

17. Đăng ký kinh doanh:

17.1. Sau khi được cấp Giấy phép, Công ty tài chính phải đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về đăng ký kinh doanh;

17.2. Công ty tài chính phải gửi đến Ngân hàng Nhà nước bản chính hoặc bản sao có Công chứng giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh.

18. Khai trương hoạt động:

18.1. Trong thời hạn 12 (mười hai) tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép, Công ty tài chính phải hoàn tất các điều kiện cần thiết dưới đây để tiến hành khai trương hoạt động:

a) Có Điều lệ được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y;

b) Có Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh;

c) Có Giấy xác nhận của Ngân hàng Nhà nước về việc đã đóng đủ vốn điều lệ;

d) Có văn bản pháp lý về quyền sở hữu hoặc quyền được phép sử dụng trụ sở chính của Công ty tài chính tại Việt Nam;

e) Trước khi khai trương hoạt động tối thiểu 30 (ba mươi) ngày, đăng các báo hàng ngày bằng tiếng Việt trên 5 (năm) số báo liên tiếp (ít nhất một tờ báo của Trung ương và một tờ báo của địa phương nơi đặt trụ sở chính) thông báo các nội dung chủ yếu sau:

- Tên đầy đủ và viết tắt của Công ty tài chính;

- Địa chỉ trụ sở chính; Số điện thoại, Fax...

- Vốn điều lệ;

- Nội dung, phạm vi, địa bàn và thời hạn hoạt động;

- Số và ngày của Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp; Số và ngày Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh, tên cơ quan cấp;

- Họ tên, quốc tịch của Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Tổng Giám đốc (Giám đốc) điều hành;

- Các nội dung khác nếu thấy cần thiết;

- Ngày khai trương hoạt động theo dự kiến.

18.2. Chậm nhất là 15 (mười lăm) ngày trước ngày khai trương hoạt động, Công ty tài chính phải thông báo bằng văn bản ngày khai trương hoạt động cho Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan đăng ký kinh doanh, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi Công ty tài chính đặt trụ sở.

18.3. Trong trường hợp đặc biệt không khai trương hoạt động theo đúng quy định tại điểm 18.1 thì tối thiểu 30 (ba mươi) ngày trước khi hết thời hạn khai trương hoạt động, Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc người được uỷ quyền của Công ty tài chính phải có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước xin gia hạn ngày khai trương hoạt động. Thời hạn gia hạn khai trương hoạt động của Công ty tài chính tối đa không quá 6 (sáu) tháng.

18.4. Hết thời hạn quy định hoặc hết thời hạn được gia hạn, nếu Công ty tài chính không khai trương hoạt động, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi Giấy phép đã cấp và làm thủ tục hoàn lại vốn tại tài khoản phong toả (nếu có) sau khi trừ đi thủ tục phí theo quy định.

19. Thu hồi Giấy phép:

19.1. Công ty tài chính được cấp Giấy phép có thể bị thu hồi Giấy phép theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật các Tổ chức tín dụng.

19.2. Thủ tục, hồ sơ thu hồi Giấy phép của Công ty tài chính được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

19.3. Sau khi bị thu hồi Giấy phép, Công ty tài chính phải chấm dứt ngay mọi hoạt động đã ghi trong Giấy phép.

19.4. Quyết định thu hồi Giấy phép được Ngân hàng Nhà nước công bố trên báo địa phương nơi đặt trụ sở chính và báo hàng ngày của Trung ương trong 3 số liên tiếp bằng tiếng Việt.

20. Những thay đổi của Công ty tài chính phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận:

20.1. Công ty tài chính phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thay đổi một trong những điểm sau đây:

a) Tên, nội dung, phạm vi, thời hạn hoạt động và Điều lệ của Công ty tài chính:

Hồ sơ xin Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho Công ty tài chính được phép thay đổi tên, nội dung, phạm vi, thời hạn hoạt động và Điều lệ gồm:

- Tờ trình xin thay đổi tên, nội dung, phạm vi, thời hạn hoạt động và Điều lệ của Công ty tài chính, trong đó phải nêu rõ lý do và sự cần thiết xin thay đổi;

- Quyết định của Hội đồng quản trị Công ty tài chính về việc đổi tên, nội dung, phạm vi, thời hạn hoạt động và Điều lệ của Công ty tài chính;

Ngoài những hồ sơ nêu trên, Công ty tài chính cổ phần phải nộp Ngân hàng Nhà nước biên bản Đại hội cổ đông về việc thay đổi tên, nội dung, phạm vi, thời hạn hoạt động và Điều lệ của Công ty tài chính.

b) Mức vốn điều lệ:

Hồ sơ xin Ngân hàng Nhà nước chấp thuận Công ty tài chính được phép thay đổi mức vốn điều lệ gồm:

- Tờ trình xin thay đổi mức vốn điều lệ của Công ty tài chính;

- Quyết định của Hội đồng quản trị về việc thay đổi mức vốn điều lệ của Công ty tài chính.

- Xác nhận của Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước hoặc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi Công ty tài chính đặt trụ sở chính về số vốn điều lệ tăng thêm gửi vào tài khoản phong toả.

- Ngoài những hồ sơ nêu trên, Công ty tài chính cổ phần phải nộp thêm cho Ngân hàng Nhà nước các văn bản sau:

+ Biên bản Đại hội cổ đông về việc thay đổi mức vốn điều lệ;

+ Phương án thay đổi mức vốn điều lệ đã được Đại hội cổ đông thông qua;

+ Danh sách và tỷ lệ vốn cổ phần của các cổ đông lớn trước và sau khi Công ty tài chính thay đổi vốn điều lệ;

+ Đơn xin mua cổ phần của các cổ đông lớn;

+ Các văn bản khác có liên quan.

c) Địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện;

Hồ sơ xin Ngân hàng Nhà nước chấp thuận Công ty tài chính được phép thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện gồm:

- Văn bản của Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc người được uỷ quyền đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của Công ty tài chính (trong đó phải nêu rõ sự cần thiết phải chuyển sang địa điểm mới);

- Văn bản chấp thuận của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi Công ty tài chính xin thay đổi nơi đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện;

- Các văn bản pháp lý về quyền sở hữu hoặc quyền được phép sử dụng trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của Công ty tài chính tại Việt Nam;

- Văn bản chấp thuận của Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi Công ty tài chính dự định đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện.

- Ngoài những hồ sơ nêu trên, Công ty tài chính cổ phần phải nộp Ngân hàng Nhà nước biên bản Đại hội cổ đông về việc thay đổi nơi đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của Công ty tài chính.

d) Chuyển nhượng cổ phần có ghi tên vượt quá tỷ lệ quy định của Ngân hàng Nhà nước;

e) Tỷ lệ cổ phần của các cổ đông lớn;

g) Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) và thành viên Ban kiểm soát.

20.2. Trình tự và thủ tục xin chấp thuận những thay đổi tại điểm 20.1:

a) Đối với Công ty tài chính cổ phần: Hồ sơ được lập thành 2 bộ gửi Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi Công ty tài chính đặt trụ sở chính. Trong thời gian tối đa 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố phải có ý kiến bằng văn bản về những đề nghị xin thay đổi tại điểm 20.1 của Công ty tài chính và gửi cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ các Ngân hàng) kèm 1 bộ hồ sơ của Công ty tài chính.

b) Đối với các Công ty tài chính khác: Hồ sơ được lập thành 1 bộ gửi Ngân hàng Nhà nước (Vụ Các ngân hàng).

20.3. Thủ tục, hồ sơ xin chấp thuận những thay đổi tại các điểm 20.1.d, 20.1.e, 20.1.g được thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

20.4. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, Công ty tài chính phải đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những thay đổi quy định tại điểm 20.1 và phải đăng báo Trung ương, địa phương theo quy định của pháp luật.

21. Những thay đổi liên quan tới các bên góp vốn của Công ty tài chính cần phải được thông báo với Ngân hàng Nhà nước:

Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày có các thay đổi dưới đây Công ty tài chính cổ phần, Công ty tài chính liên doanh, Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài phải có văn bản thông báo Ngân hàng Nhà nước:

21.1. Thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) điều hành của các bên góp vốn.

21.2. Thay đổi tên và địa chỉ của các bên góp vốn.

21.3. Các bên góp vốn chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản.

Mục 3:

QUẢN TRỊ, ĐIỀU HÀNH, KIỂM SOÁT VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC

22. Quản trị, điều hành và kiểm soát:

22.1. Công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép có Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Tổng giám đốc (Giám đốc). Trong Công ty tài chính, Hội đồng quản trị có chức năng quản trị công ty theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật; Ban kiểm soát có nhiệm vụ kiểm tra hoạt động tài chính của công ty, giám sát việc chấp hành chế độ hạch toán và hoạt động của hệ thống kiểm tra, kiểm toán nội bộ của công ty; Tổng giám đốc (Giám đốc) chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị điều hành hoạt động hàng ngày theo nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác cuả pháp luật.

Đối với Công ty tài chính trực thuộc tổ chức tín dụng, việc quản trị, kiểm soát công ty do Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của Tổ chức tín dụng quyết định.

22.2. Việc bầu hoặc bãi miễn, bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm Chủ tịch và các thành viên khác trong Hội đồng quản trị, Trưởng ban và các thành viên khác trong Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của Công ty tài chính được thực hiện theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

22.3. Chủ tịch và các thành viên khác trong Hội đồng quản trị, Trưởng ban và các thành viên khác trong Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của Công ty tài chính phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chuẩn y.

Trong thời gian Tổng Giám đốc (Giám đốc) chưa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chuẩn y, Chủ tịch Hội đồng quản trị, các thành viên Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát và các thành viên trong Ban kiểm soát hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật (trước cổ đông đối với Công ty tài chính cổ phần) về mọi hoạt động của Công ty tài chính.

22.4. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Tổng giám đốc (Giám đốc) Công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước quy định.

23. Hội đồng quản trị:

23.1. Hội đồng quản trị có số thành viên tối thiểu là 3 người và không vượt quá 11 người. Số lượng thành viên Hội đồng quản trị do các bên góp vốn hoặc do Đại hội cổ đông quyết định và được quy định trong điều lệ.

Đối với Hội đồng quản trị của Công ty tài chính thuộc Tổng công ty Nhà nước và Công ty tài chính trực thuộc Tổ chức tín dụng (nếu có), số thành viên Hội đồng quản trị từ 3 đến 5 người tuỳ theo quy mô phát triển của Công ty tài chính.

23.2. Thành viên Hội đồng quản trị là những người có uy tín, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết về hoạt động ngân hàng- tài chính, không thuộc các đối tượng quy định tại điều 40 Luật Các tổ chức tín dụng và phải theo đúng các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

23.3. Chủ tịch và các thành viên trong Hội đồng quản trị không được uỷ quyền cho những người không phải là thành viên Hội đồng quản trị thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Chủ tịch Hội đồng quản trị không được tham gia Hội đồng quản trị hoặc tham gia điều hành tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty trực thuộc của Công ty tài chính.

23.4. Chủ tịch Hội đồng quản trị không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc) hoặc Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) Công ty tài chính.

23.5. Nhiệm kỳ thành viên Hội đồng quản trị từ 2 đến 5 năm. Chủ tịch Hội đồng quản trị, các thành viên Hội đồng quản trị có thể được bầu lại.

24. Ban Kiểm soát:

24.1. Ban kiểm soát có số thành viên tối thiểu là 3 người, trong đó có 1 người là Trưởng ban và ít nhất phải có 1 người là thành viên chuyên trách hoặc không được kiêm nhiệm công việc điều hành hoạt động của Công ty tài chính. Số lượng thành viên Ban kiểm soát được quy định tại Điều lệ của Công ty tài chính.

24.2. Thành viên Ban kiểm soát phải là những người có bằng đại học về tài chính ngân hàng trở lên và có đạo đức nghề nghiệp, không thuộc các đối tượng quy định tại điều 40 Luật Các tổ chức tín dụng và phải theo đúng các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

25. Tổng giám đốc (Giám đốc):

Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) phải là người không thuộc các đối tượng quy định tại điều 40 Luật Các tổ chức tín dụng, có trình độ từ đại học trở lên về chuyên ngành kinh tế, ngân hàng- tài chính, ít nhất có 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng- tài chính, có năng lực điều hành Công ty tài chính theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và phải cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.

26. Cơ cấu tổ chức của Công ty tài chính:

26.1. Việc mở, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện và thành lập công ty trực thuộc của Công ty tài chính được thực hiện theo quy định tại Điều 14, 15 Nghị định số 79/2002/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

26.2. Bộ máy giúp việc tại trụ sở chính, chi nhánh của Công ty tài chính bao gồm: văn phòng, các phòng (ban) chuyên môn, nghiệp vụ và các phòng giao dịch.

27. Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, mua lại và giải thể:

Việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, mua lại, giải thể Công ty tài chính phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

Mục 4:

HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY TÀI CHÍNH

28. Quy định chung về hoạt động của Công ty tài chính:

Nội dung và phạm vi hoạt động của Công ty tài chính tại Việt Nam được quy định tại Chương III Nghị định số 79/2002/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

29. Huy động vốn:

Công ty tài chính được phép huy động vốn theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 79/2002/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

30. Hoạt động tín dụng:

Công ty tài chính được cấp tín dụng theo quy định tại các Điều 18, 19, 20, 21 Nghị định số 79/2002/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

31. Mở tài khoản và dịch vụ ngân quỹ:

Công ty tài chính được mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và thực hiện dịch vụ ngân quỹ theo quy định tại các Điều 22, 23 Nghị định 79/2002/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

32. Các nghiệp vụ khác:

Công ty tài chính được phép thực hiện một số nghiệp vụ khác quy định tại Điều 24 Nghị định 79/2002/NĐ-CP và các quy định của pháp luật hiện hành.

33. Các nghiệp vụ phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép:

Công ty tài chính được phép thực hiện các nghiệp vụ quy định tại Điều 25 Nghị định 79/2002/NĐ-CP sau khi được Ngân hàng Nhà nước hoặc các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan cho phép.

34. Các hạn chế đảm bảo an toàn:

Công ty tài chính phải thực hiện quy định về các hạn chế để đảm bảo an toàn trong hoạt động tại các Điều 26, 27, 28, 29, 30 Nghị định số 79/2002/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Mục 5:

TÀI CHÍNH, HẠCH TOÁN VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

35. Tài chính:

Năm tài chính, thu và chi tài chính của Công ty tài chính được thực hiện theo Điều 31 Nghị định 79/2002/NĐ-CP và quy định của Bộ Tài chính.

36. Hạch toán:

Hạch toán của Công ty tài chính phải được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 32 Nghị định 79/2002/NĐ-CP.

37. Trích lập và sử dụng các quỹ:

Việc trích lập, duy trì và sử dụng các quỹ của Công ty tài chính được thực hiện theo các quy định tại Điều 33 Nghị định 79/2002/NĐ-CP.

38. Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của nhà đầu tư nước ngoài:

Bên nước ngoài trong Công ty tài chính được chuyển ra nước ngoài số lợi nhuận được chia và số tài sản sau khi đã thanh lý hoặc kết thúc hoạt động theo quy định tại Điều 34 Nghị định 79/2002/NĐ-CP.

39. Chế độ báo cáo tài chính và kiểm toán:

Công ty tài chính phải thực hiện chế độ báo cáo tài chính, kiểm toán theo quy định tại Điều 35 Nghị định 79/2002/NĐ-CP và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Mục 6:

THANH TRA, KIỂM SOÁT ĐẶC BIỆT, PHÁ SẢN GIẢI THỂ VÀ THANH LÝ

40. Thanh tra:

Việc thanh tra của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động của Công ty tài chính tại Việt Nam được thực hiện theo các quy định tại Điều 36 Nghị định 79/2002/NĐ-CP và của thanh tra Ngân hàng Nhà nước.

41. Kiểm soát đặc biệt, phá sản, giải thể và thanh lý:

Việc kiểm soát đặc biệt, phá sản, giải thể, thanh lý đối với Công ty tài chính được thực hiện theo quy định tại Điều 37 Nghị định 79/2002/NĐ-CP và các quy định của pháp luật hiện hành;

42. Khen thưởng và xử lý vi phạm:

Việc khen thưởng, xử lý vi phạm đối với các hoạt động của Công ty tài chính được thực hiện theo quy định tại Điều 38 Nghị định 79/2002/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật hiện hành.

Mục 7:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

43. Việc điều chỉnh đối với các Công ty tài chính đã được cấp Giấy phép:

43.1. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định số 79/2002/NĐ-CP có hiệu lực, các Công ty tài chính đã thành lập và hoạt động theo Giấy phép hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực phải tiến hành điều chỉnh Điều lệ cho phù hợp với những quy định của Nghị định 79/2002/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

43.2. Thời hạn hoạt động của các Công ty tài chính được áp dụng như quy định trong Giấy phép đã cấp.

43.3. Công ty tài chính không phải thực hiện các thủ tục xin cấp lại Giấy phép thành lập và hoạt động.

Nội dung và phạm vi hoạt động của Công ty tài chính tại Giấy phép đã cấp sẽ được Ngân hàng Nhà nước bổ sung, điều chỉnh theo quy định tại Nghị định 79/2002/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn khác của Ngân hàng Nhà nước.

44. Hiệu lực thi hành:

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

45. Tổ chức thực hiện:

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) các Công ty tài chính trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Thông tư này.

Trần Minh Tuấn

(Đã ký)

PHỤ LỤC 01A

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN XIN CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CÔNG TY TÀI CHÍNH THUỘC TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC

Kính gửi: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ngày... tháng... năm.... ,...... (tên Tổng công ty Nhà nước) đề nghị Ngân hàng Nhà nước xét cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty tài chính thuộc Tổng công ty Nhà nước:

1- Tên Công ty tài chính:

- Tên đầy đủ bằng tiếng Việt: Tên gọi tắt:

- Tên gọi bằng tiếng Anh: Tên gọi tắt:

2- Trụ sở chính tại: (Địa chỉ trụ sở chính)

- Số điện thoại, số fax...

3- Địa bàn hoạt động:

4- Thời gian hoạt động:

5- Nội dung và phạm vi hoạt động:

6- Vốn điều lệ: (dự kiến)

- Bằng tiền mặt:

- Bằng hiện vật: (nếu có)

7- Cơ cấu dự kiến Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban giám đốc (ghi rõ tên, năm sinh, quốc tịch của các thành viên), số lượng cán bộ, nhân viên.

8. Chúng tôi xin cam kết:

a) Chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự trung thực và sự chính xác của nội dung Đơn xin và hồ sơ kèm theo.

b) Sau khi được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động, sẽ thực hiện đầy đủ các quy định trước khi tiến hành khai trương hoạt động.

c) Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật Nhà nước và các quy định của Ngân hàng Nhà nước, nếu vi phạm xin chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hồ sơ kèm theo gồm:

....., ngày..... tháng..... năm......
TM/ TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC

PHỤ LỤC 01B

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN XIN CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CÔNG TY TÀI CHÍNH TRỰC THUỘC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Kính gửi: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ngày.... tháng.... năm..... , ...... ( tên Tổ chức tín dụng) đề nghị Ngân hàng Nhà nước xét cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty tài chính trực thuộc Tổ chức tín dụng:

1- Tên Công ty tài chính:

- Tên đầy đủ bằng tiếng Việt: Tên gọi tắt:

- Tên gọi bằng tiếng Anh: Tên gọi tắt:

2- Trụ sở chính tại: (Địa chỉ trụ sở chính)

- Số điện thoại, số fax...

3- Địa bàn hoạt động:

4- Thời gian hoạt động:

5- Nội dung và phạm vi hoạt động:

6- Vốn điều lệ: (dự kiến)

- Bằng tiền mặt:

- Bằng hiện vật: (nếu có)

7- Cơ cấu dự kiến Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát (nếu có riêng) và Ban giám đốc (ghi rõ tên, năm sinh, quốc tịch của các thành viên), số lượng cán bộ, nhân viên.

8. Chúng tôi xin cam kết:

a) Chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự trung thực và sự chính xác của nội dung Đơn xin và hồ sơ kèm theo.

b) Sau khi được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động, sẽ thực hiện đầy đủ các quy định trước khi tiến hành khai trương hoạt động.

c) Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật Nhà nước và các quy định của Ngân hàng Nhà nước, nếu vi phạm xin chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hồ sơ kèm theo gồm:

....., ngày..... tháng...... năm......

TM/TỔ CHỨC TÍN DỤNG

PHỤ LỤC 01C

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN XIN CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CÔNG TY TÀI CHÍNH CỔ PHẦN

Kính gửi: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Tại đại hội cổ đông ngày... tháng.... năm.... đã thông qua điều lệ và bầu Hội đồng quản trị của Công ty tài chính cổ phần có tên là:

Nay Hội đồng quản trị thay mặt cho cổ đông đề nghị Ngân hàng Nhà nước xét cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty tài chính :

1- Tên Công ty tài chính:

- Tên đầy đủ bằng tiếng Việt: Tên gọi tắt:

- Tên gọi bằng tiếng Anh: Tên gọi tắt:

2- Trụ sở chính tại: (Địa chỉ trụ sở chính)

- Số điện thoại, số fax...

- Địa điểm dự kiến mở chi nhánh: (nếu có)

3- Địa bàn hoạt động:

4- Thời gian hoạt động:

5- Phạm vi và nội dung hoạt động:

6- Vốn điều lệ: (dự kiến)

- Bằng tiền mặt:

- Bằng hiện vật: (nếu có)

7- Cơ cấu dự kiến của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc, Ban kiểm soát

8. Chúng tôi xin cam kết:

a) Chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự trung thực và sự chính xác của nội dung Đơn xin và hồ sơ kèm theo.

b) Sau khi được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động, sẽ thực hiện đầy đủ các quy định trước khi tiến hành khai trương hoạt động.

c) Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật Nhà nước và các quy định của Ngân hàng Nhà nước, nếu vi phạm xin chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hồ sơ kèm theo gồm:

....., ngày..... tháng...... năm......

TM/HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ

PHỤ LỤC 01D

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN XIN CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CÔNG TY TÀI CHÍNH LIÊN DOANH (CÔNG TY TÀI CHÍNH 100% VỐN NƯỚC NGOÀI)

Kính gửi: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Các bên tham gia thành lập Công ty tài chính gửi tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đơn xin được thành lập Công ty tài chính liên doanh (hoặc Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài) tại Việt Nam.

A. Các bên tham gia thành lập: (Ghi cụ thể cho từng đối tác)

1- Tên đầy đủ và tên viết tắt.

2- Địa điểm đặt trụ sở chính, địa chỉ giao dịch, số điện thoại, số fax....

3- Vốn điều lệ.

4- Cơ quan cấp Giấy phép thành lập, số và ngày của Giấy phép thành lập.

5- Cơ quan cấp Giấy phép hoạt động, số và ngày của Giấy phép.

6- Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, số và ngày của giấy đăng ký kinh doanh.

B. Công ty tài chính thành lập tại Việt Nam:

1- Tên đầy đủ và tên viết tắt (Bằng tiếng Việt, tiếng Anh).

2- Địa điểm dự kiến đặt trụ sở chính và số điện thoại, số fax (nếu có)

3- Số vốn điều lệ dự kiến (trong đó: vốn bằng Đồng Việt Nam, vốn bằng ngoại tệ, vốn bằng tài sản) và tỷ lệ góp vốn của các bên.

4- Thời gian hoạt động.

5- Phạm vi và nội dung hoạt động

6- Cơ cấu dự kiến của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc, Ban kiểm soát

7- Dự kiến số lượng cán bộ, nhân viên (trong đó: số người mang quốc tịch Việt Nam, số người mang quốc tịch nước ngoài).

8- Chúng tôi xin cam kết:

a) Chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự trung thực và sự chính xác của nội dung Đơn xin và hồ sơ kèm theo.

b) Sau khi được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động, sẽ thực hiện đầy đủ các quy định trước khi tiến hành khai trương hoạt động.

c) Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật Nhà nước và các quy định của Ngân hàng Nhà nước, nếu vi phạm xin chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hồ sơ kèm theo

...., ngày.... tháng.... năm......

(Người đại diện theo pháp luật hoặc người được uỷ quyền của mỗi bên ký và đóng dấu)

PHỤ LỤC 02

ảnh 4x6

(ảnh mầu mới nhất, có đóng dấu giáp lai của cơ quan xác nhận lý lịch)

SƠ YẾU LÝ LỊCH

Các nội dung chính của bản sơ yếu lý lịch gồm:

1. Về bản thân:

- Họ và tên khai sinh:

- Họ và tên thường dùng:

- Bí danh:

- Nguyên quán:

- Quốc tịch gốc:

- Quốc tịch hiện nay:

- Địa chỉ thường trú theo hộ khẩu, địa chỉ theo chứng minh nhân dân và địa chỉ cư trú hiện nay:

- Số chứng minh thư nhân dân (hoặc số hộ chiếu đối với người nước ngoài):

- Ngày, tháng, năm và nơi cấp chứng minh thư nhân dân (hoặc hộ chiếu đối với người nước ngoài):

(Trường hợp cá nhân được cử là người đại diện quản lý số vốn cổ phần của pháp nhân phải kê khai và bổ sung tên và địa chỉ pháp nhân)

* Quá trình hoạt động bản thân:

- Quá trình công tác, nghề nghiệp và chức vụ đã qua (từ năm 18 tuổi đến nay) làm gì, ở đâu, tóm tắt đặc điểm chính;

- Trình độ học vấn, nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ (ghi rõ khoá học, thời gian đào tạo, nơi đào tạo);

- Khen thưởng:

- Kỷ luật:

* Chức vụ hiện nay tại các tổ chức khác, bao gồm: tổ chức kinh tế, tổ chức đoàn thể, chính trị, tổ chức tín dụng khác.

* Chức vụ đang giữ (nếu có) và chức vụ được bầu, bổ nhiệm (đang trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chuẩn y) tại Công ty tài chính.

2. Quan hệ gia đình

- Mối quan hệ gia đình: Bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chi em ruột của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc), cần ghi rõ họ tên, tuổi, nghề nghiệp, chức vụ, nơi làm việc của từng người.

3. Cam kết trước pháp luật:

- Cam kết không vi phạm một trong các quy định về tổ chức hoạt động Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc Công ty tài chính tại Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn, các quy định của pháp luật hiện hành khác có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản khai này.

4. Chữ ký (ghi đầy đủ họ tên) của người khai.

5. Xác nhận của thủ trưởng cơ quan hoặc cơ quan có thẩm quyền (nếu cá nhân đang làm việc tại pháp nhân) hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi cá nhân đăng ký hộ khẩu thường trú (nếu cá nhân không làm việc tại pháp nhân).

PHỤ LỤC 3A

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM

Số:..../GP-NHNN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày..... tháng... năm....

GIẤY PHÉP

THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CÔNG TY TÀI CHÍNH

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

- Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt nam, Luật các Tổ chức tín dụng ngày 12/12/1997;

- Căn cứ Nghị định số 79/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Công ty tài chính;

- Xét đơn và hồ sơ xin cấp Giấy phép thành lập và hoạt động Công ty tài chính của..... (tên Tổng công ty Nhà nước hoặc Tổ chức tín dụng hoặc Hội đồng quản trị của Công ty tài chính cổ phần) ngày.... ;

- Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng phi ngân hàng;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty tài chính sau đây:

1. Tên Công ty tài chính

- Tên đầy đủ bằng tiếng Việt:

- Tên đầy đủ bằng tiếng Anh:

- Tên viết tắt bằng tiếng Anh:

- Địa chỉ trụ sở:

- Số điện thoại, Fax:

2. Vốn điều lệ của Công ty tài chính là:

Trong đó: - Bằng đồng Việt Nam:

- Bằng hiện vật:

3. Thời gian hoạt động của Công ty tài chính:

4. Nội dung hoạt động của Công ty tài chính:

Điều 2: Giấy phép này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 3: Giấy phép được lập thành bản chính, Tổng công ty Nhà nước, Tổ chức tín dụng giữ một bản; Công ty tài chính giữ một bản; một bản đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh; một bản lưu tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

PHỤ LỤC 3B

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM

Số:..../GP-NHNN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày..... tháng... năm....

GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CÔNG TY TÀI CHÍNH LIÊN DOANH(HOẶC CÔNG TY TÀI CHÍNH 100% VỐN NƯỚC NGOÀI)

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

- Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật các Tổ chức tín dụng ngày 12/12/1997;

- Căn cứ Nghị định số 79/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Công ty tài chính;

- Xét đơn và hồ sơ xin cấp Giấy phép thành lập và hoạt động đối với Công ty tài chính liên doanh (hoặc Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài) ngày... của...;

- Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng phi ngân hàng;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty tài chính có tên sau đây:

1. Tên Công ty tài chính

- Tên đầy đủ bằng tiếng Việt:

- Tên đầy đủ bằng tiếng Anh:

- Tên viết tắt:

- Địa chỉ trụ sở; số điện thoại, Fax:

2. Các bên góp vốn vào Công ty tài chính và tỷ lệ góp vốn của mỗi bên:

3. Vốn điều lệ của Công ty tài chính liên doanh (hoặc Công ty tài chính 100% vốn nước ngoài) là:

Trong đó: - Bằng đồng Việt nam (nếu có):

- Bằng Đô la Mỹ:

- Bằng hiện vật:

4. Thời gian hoạt động của Công ty tài chính:

5. Nội dung hoạt động của Công ty tài chính:

- ......

- Hoạt động ngoại hối

Điều 2: Giấy phép này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 3: Giấy phép được lập thành.... bản chính, mỗi bên góp vốn giữ một bản; Công ty tài chính giũ một bản; một bản đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh; một bản lưu tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG
NHÀ NƯỚC

STATE BANK OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom – Happiness
---------

No. 06/2002/TT-NHNN

Hanoi, December 23rd, 2002

 

CIRCULAR

GUIDING THE IMPLEMENTATION OF THE DECREE NO. 79/2002/ND-CP DATED 4 OCTOBER, 2002 OF THE GOVERNMENT “ON THE ORGANIZATION AND OPERATION OF FINANCE COMPANY”

On 4 October, 2002, the Government issued the Decree No. 79/2002/ND-CP “on the organization and operation of Finance Company”, the State Bank provides hereby the guidance for the implementation of several articles of the Decree within the scope of the State Bank’s authority as follows:

Section 1: GENERAL PROVISIONS

1. Governing scope

1.1 This Circular provides detailed guidance on some contents of the Decree No. 79/2002/ND-CP dated 4 October, 2002 of the Governor “on the organization and operation of Finance Company” (hereinafter referred to as the Decree No. 79/2002/ND-CP).

1.2 The State Bank shall provide the specific guidance on contents relating to the organization and operation of Finance Company as follows:

a. The Regulation on the Board of Directors, Controller and Manager;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c. The Regulation on shareholders, stocks, share certificates and charter capital;

d. The Regulation on the opening and termination of operation of branches, representative offices;

e. The Regulation on the factoring;

2. Types of Finance Company:

A finance company is a type of non-bank credit institution, a Vietnamese legal entity, which performs the independent accounting. Finance companies shall be established and operate in Vietnam in following forms:

2.1. The State finance company is a finance company, which is invested, established, organized and managed by the State. The State finance company shall be established and operate in Vietnam in following two forms:

a. A subsidiary finance company of a State Corporation, which provides 100% of its charter capital.

b. Other State finance companies.

The issuance of establishment and operation license for those types of finance companies shall be performed in accordance with specific guidance of the State Bank.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2.3. A subsidiary finance company of a credit institution is a finance company established and owned by a credit institution with its own capital in accordance with provisions of applicable laws, performs the independent accounting and possesses the legal personality.

2.4. A joint-venture finance company is a finance company established by contributed capital between the Vietnamese party including one or several Vietnamese credit institutions and enterprises and the foreign party including one or several foreign credit institutions and enterprises on the basis of a joint venture contract.

2.5. A finance company with 100% foreign invested capital is a finance company established with capital of one or several foreign credit institutions in accordance with provisions of Vietnamese laws.

3. Operating term:

The term of operation of a finance company in Vietnam shall not exceed 50 years. Any extension of the operating term shall be subject to the approval of the State Bank. Each extension shall not be in excess of 50 years.

For a subsidiary finance company of the State Corporation and subsidiary finance company of credit institutions, the term of operation shall not be in excess of the term of operation of the State Corporation and credit institution.

4. Charter capital:

The charter capital of a finance company shall be contributed in following forms:

4.1. In cash:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b. For a finance company with 100% foreign invested capital, the charter capital shall be contributed in USD.

c. For a joint-venture finance company: the foreign party shall make their charter capital contribution in USD, the Vietnamese party shall make their charter capital contribution in USD or VND. In case where capital contribution is made in VND, the amount of charter capital contribution shall be converted to US$ at the average exchange rate in the inter-bank foreign currency market between VND and USD announced by the State Bank at the time the capital contribution is made.

4.2. In kind

The charter capital which is contributed in kind must be an asset, for which there are legal documents evidencing the right of ownership and that the asset is necessary and directly used for the operation of the finance company. The valuation and ownership transfer of contributed assets shall be performed in accordance with current provisions of Vietnamese laws.

5. Proportion of charter capital contribution, transfer of contributed capital and profits distribution of a joint-venture finance company and finance company with 100% foreign invested capital:

5.1. Proportion of charter capital contribution:

a. The proportion of capital contribution: the proportion of charter capital contribution of the foreign party and the Vietnamese party to a joint-venture finance company shall be agreed upon by parties and approved by the State Bank. The capital contribution of the foreign party shall not be less than 49% of the charter capital of a finance company.

b. The proportion of a joint-venture finance company and a finance company with 100% foreign invested capital must be specifically set out in a Charter of a finance company.

5.2. Transfer of contributed capital:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b. A finance company with 100% foreign owned capital shall be entitled to transfer their contributed capital but the transfer priority must first be given to Vietnamese organizations.

c. Conditions of capital transfer of a joint-venture finance company and a finance company with 100% foreign owned capital must be specifically set out in the Charter of the finance company and in accordance with provisions of applicable laws.

d. All capital transfer of a joint-venture finance company and a finance company with 100% foreign invested capital must be reported to the State Bank and shall be only effective upon approval of the State Bank.

e. In case where the capital transfer of a Finance Companies results in profits, the transferor shall be subject to taxes in accordance with provisions of applicable laws of Vietnam.

5.3. Profits distribution and risks sharing level:

Parties to a joint venture finance company shall share the profits and assume the risks of the joint venture finance company at their capital contribution proportion, except for the case where other agreements are made by parties and provided for in a joint-venture finance company contract.

6. Interpretation

In this Circular, the following terms shall be construed as follows:

6.1. Foreign credit institutions shall be a bank, a foreign finance company or an international finance organization which is established under the foreign laws or international laws, makes capital contribution to joint-venture finance companies, finance companies with 100% foreign owned capital in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6.3. Charter capital shall be capital that is contributed by organizations, individuals and stated in the charter of a finance company.

6.4. Founding member shall be organizations which, individuals who have approved the first charter of a finance company.

6.5. Major shareholder shall be organizations which, individuals who own more than 10% of the charter capital or hold more than 10% of voting shares in a finance company.

Section 2. PROVISIONS FOR THE ISSUANCE OF ESTABLISHMENT AND OPERATION LICENCE OF A FINANCE COMPANY

7. Conditions for the issuance of the establishment and operation licence of a finance company (hereinafter referred to as licence) shall include:

7.1. Availability of requirements for the operation of the finance company in the location applied for;

7.2. Availability of sufficient legal capital in accordance with provisions of the Decree No. 82/1998/ND-CP dated 3 October, 1998 of the Government on the issuance of the list of legal capital for credit institutions, specifically as follows;

a. The legal capital of the State finance company, a joint-stock finance company, a subsidiary finance company of credit institutions shall be VND 50 billions.

b. The legal capital of a joint-venture finance company, a finance company with 100% foreign invested capital shall be USD 5 millions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7.4. Administrators or executive officers possess full capability for civil acts and suitable professional qualifications suitable for the operation of the finance company and in accordance with provisions of the State Bank;

7.5. Availability of a Charter on organization and operation in accordance with provisions of the Law on Credit Institutions, the Decree No. 79/2002/ND-CP and other provisions of applicable laws;

7.6. Availability of feasible business plan.

7.7. Besides above mentioned conditions, the foreign party in the joint-venture finance company, finance company with 100% foreign invested capital are required to satisfy following conditions:

a. To be permitted by foreign competent agencies to carry out activities or finance company’s activities;

b. To be permitted by foreign competent agencies to operate in Vietnam.

8. Application file for the issuance of licence

Application file for the issuance of licence of a finance company shall comprise of:

8.1. An application for the issuance of the licence:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b. For joint-stock finance companies: the application shall be signed by founding members or the representative(s) authorized by the founding members group (Appendix 1c).

c. For joint-venture finance companies, 100% foreign owned capital finance companies: the application shall be signed by the legal representative or lawfully authorized representative of parties making capital contribution (Appendix 1d).

8.2. Draft Charter: Charter of finance companies shall specify the following main contents:

a. Name and place where the head-office of a Finance Companies is to be located;

b. Duration of operation;

c. Contents and scope of business activities;

d. Charter capital and way of capital contribution;

dd. The mode of election, appointment and removal of members of the Board of Directors, General Directors (Directors) and Control Committee;

e. Assignment, authority of the Board of Directors, Control Committee and General Directors (Directors);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



h. Rights and responsibilities of shareholders;

i. Principles of finance, accounting, inspection and internal audit;

k. Cases of dissolution and procedure of dissolution;

l. Procedures of Charter amendment.

8.3. Business plan: stating clearly contents, mode of business activities, location of business activities, economic benefits; and defining specific business activities for the first three years.

8.4. List, curriculum vitae (Appendix 2), and certificates evidencing the qualification and professional capability of the founding members, members of the Board of Directors, and the Controllers and the General Directors (Directors);

8.5. The schedule of charter capital contribution and a list and commitment of parties to the charter capital contribution;

8.6. Financial conditions and other relevant information relating to major shareholders;

a. Decision on the establishment;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c. Confirmation of competent agencies on the charter capital and actual capital in current year;

d. Written authorization of the legal representative of the Company;

d. Audited balance sheets, profit and loss statements of the last three years;

8.7. Approval of People's Committees in provinces, cities under the central Government’s management in the location where the Head-office of a finance company is to be located.

9. Application file for the issuance of licence for finance companies, which are a subsidiary of the State Corporation:

In addition to the documents provided for in point 8, Section II of this Circular, the application for the establishment and operating license for finance companies, which are a subsidiary of the State Corporation shall be attached by following documents:

9.1 Written approval of principal by the Prime Minister of the establishment of finance companies, which are a subsidiary of the State Corporation.

9.2 Approval of the establishment of finance companies, which are a subsidiary of the State Corporation shall be signed by the respective line Minister.

9.3 Approval by the State Corporation on the source and level of the charter capital to be granted to the finance companies, which are a subsidiary of the State Corporation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In addition to the documents provided for in point 8, Section II of this Circular, the application for the issuance of license for finance companies, which are a subsidiary of credit institutions shall be attached by following documents:

10.1. Document signed by the Chairman of the Board of Directors or the person authorized by the Chairman of the Board of Directors on the source and level of the charter capital to be granted to the finance companies.

10.2. Legal documents relating to credit institutions, which are owners of a Finance Company shall include:

a. Decision on the establishment or establishment and operation licence, business registration certificate;

b. Current Charter;

c. Decision by the State Bank to approve the charter capital;

d. Audited balance sheets, profit and loss statements and operation reports of the last three years;

11. Application file for the issuance of licence for a joint-venture finance company and a finance company with 100% foreign invested capital:

In addition to the documents provided for in point 8, Section II of this Circular, the application for the issuance of license of the joint-venture finance companies, 100% foreign owned capital finance companies shall be attached by following documents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



11.2. Licences of parties making capital contribution;

11.3. Written document of the foreign competent authority permitting the foreign party to engage in business activities in Vietnam in form of joint-venture finance companies, 100% foreign owned capital finance companies. In case where this permission is not required by applicable laws of the foreign country, a certification of competent authorities to this extent must be available.

11.4. Audited balance sheets, profit and loss statements and operation reports of the most recent 3 years of parties which make capital contribution.

11.5. Joint-venture finance contract in case of a joint-venture finance company shall consist of following main contents:

a. Name, address of the joint-venture finance company;

b. Name, address, representatives of parties to the joint-venture;

c. Duration of operation of the joint-venture;

d. Charter capital: capital contribution ratio, level of capital contributed by each party, plan of capital contribution which states clearly capital amount contributed in foreign currency, in VND, in kind (if any);

e. Rights and responsibilities of parties;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



h. Planned number of departments and officer, staff from each party (the number of persons with Vietnamese citizenship and foreign citizenship);

i. Accounting, reporting principles and principles in respect of setting up funds and their usage, profit and loss distribution to parties in the joint-venture;

k. Procedures for disputes settlement between parties which arise from the implementation of joint-venture finance leasing contract; procedures in respect of liquidation, dissolution, amalgamation of the joint-venture Finance Companies.

l. Conditions for the amendment, supplement of the joint-venture finance leasing contract.

12. Submission of application file for licence

12.1. In respect of the file for the licence applied by finance companies, which are a subsidiary of the State Corporation, joint-stock finance companies, finance companies, which are a subsidiary of credit institutions:

The file shall be made in 02 copies in Vietnamese. Documents of the file shall be original ones. In case of copies, they must be supported by a certification of the authority that issued the original version or by a notarization of the State Public Notary;

12.2. In respect of the application file for the issuance of the licence to joint-venture finance companies and finance companies with 100% foreign invested capital:

a. The file shall be made in 02 copies, one in Vietnamese and one in English. The application file made in foreign country shall be the original or the copy, which is certified by the competent authority.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c. Vietnamese copies and translations from foreign languages into Vietnamese shall be certified by the Public Notary of Vietnam or by representative diplomatic agency, consulate agency of Vietnam in foreign countries;

12.3. Organisations, individuals applying for the license shall submit to the State Bank of Vietnam 02 sets of file in accordance with provisions of point 12.1 and 12.2. In respect of the application for the establishment of a joint-stock finance company, the application file for licence shall be sent to the State Bank branches in provinces, cities where the Head office of the company is to be located.

13. Certification for file and considering duration of licence issuance:

13.1. After receiving sufficient file, the State Bank shall certify in writing on the completeness of file to the representative of capital contribution party(ies).

13.2. Time limit for consideration and issuance of a licence: Within 90 (ninety) days from the receipt of complete application file for the licence, the State Bank of Vietnam shall issue or refuse the issuance of the licence. In case of refusal, the State Bank shall give a written explanation thereof.

14. The licence for the establishment and operation:

Licenses granted by the State Bank in a pro-forma form shall include:

14.1. Licence for finance companies, which are a subsidiary of the State Corporation, a subsidiary of credit institutions, and joint-stock finance companies (Appendix 3a);

14.2. Licence for joint-venture finance companies and finance companies with 100% foreign invested capital (Appendix 3b);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



15.1. Fee level for each licence issuance (or licence extension) for finance companies shall comply with provisions of the Ministry of Finance on collection, payment, management and use of fee, charge in banking area.

15.2 Within 15 (fifteen) days from the date of licence issuance (or licence extension), finance companies which are granted (or extended) a licence shall be subject to payment of the fee to the account at the Banking Operation Department or the State Bank branches in provinces, cities where their head-office is located. Voucher on fee payment shall be duplicated and submitted to the State Bank (Banks Department) for archive.

15.3. Fee amount provided for in point 15.1 mentioned above shall not be deducted from the Charter capital and not be returned in any case.

16. The transfer of the Charter capital of a finance company to an escrow account

16.1. Within at least 30 days prior to the commencement of its operation, a finance company:

a. shall transfer the entire Charter capital contributed in cash to an interest-free escrow account opened at the Banking Operation Department or the State Bank branches in provinces, cities where its head-office is to be located and it must be certified in writing by the unit holding that account. The written certification on the amount paid to the escrow account shall be submitted to the State Bank (Banks Department);

b. A written document on the transfer of the ownership of contributed assets to the finance company, shall be made in respect of the charter capital contributed in kind, in accordance with provisions of applicable laws of Vietnam.

16.2. After the opening date for operation, the finance company shall be entitled to release the money from the escrow account and transfer it to its accounts opened at the State Bank, commercial banks, foreign bank branches or joint-venture banks operating in Vietnam.

17. Business registration:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



17.2. Finance companies shall submit to the State Bank the original business registration certificate or its notarized copy.

18. Opening for operation:

18.1. Within 12 (twelve) months from the issue date of the license, the finance company shall complete following required conditions for operation:

a. Availability of the charter which is approved by the State Bank of Vietnam;

b. Availability of the certificate of business registration;

c. Availability of the certificate of the State Bank on the complete contribution of charter capital.

d. Availability of the legal document certifying the ownership or the right to use the head office of the finance company in Vietnam.

e. At least 30 days prior to the opening date for operation, the finance company shall publish in 5 consecutive issues of daily newspapers in Vietnamese (at least a central and a local newspaper where its head office is located) for announcement of following main contents:

- Full and abbreviated name of the finance company;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Charter capital;

- Contents, scope, location and duration of business operation;

- Serial number, date of the licence issued by the State Bank, serial number, date of the Certificate of business registration, name of the issuing agency;

- Name, nationality of Chairman and members of the Board of Directors, Controllers Committee and General Managers (Managers);

- Other contents if necessary;

- Expected opening date for operation.

18.2. 15 days prior to the commencement of operation at the latest, the finance company shall inform the State Bank, the business registration agency, People's Committee in provinces, cities where its head office is to be located of its opening date.

18.3. In special case where the commencement of the finance company's operation is not performed in accordance with provision in point 18.1, the Chairman of the Directors Board or the authorised person of the finance company shall submit a written application for the extension of the opening date to the State Bank 30 days prior to the expiry date of commencement for operation at the latest. The extension period of the opening for operation of the finance company shall not exceed 6 months at the maximum.

18.4. At the expiration of the stipulated time limit or the extension period, if the finance company has not yet commenced its operation, the State Bank shall revoke the issued licence and complete procedure for returning the capital deposited in the escrow account (if any) after deduction of the procedural fee in accordance with the applicable provisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



19.1. Operation licence of a finance company may be revoked in accordance with provisions in paragraph 1 Article 29 of the Law on the Credit Institutions.

19.2. Procedures, files for licence revocation of the finance company shall be performed in accordance with provisions of applicable laws and the guidance of the State Bank.

19.3. After licence revocation, finance company shall immediately terminate all business activities stated in the licence.

19.4. The State Bank shall announce the decision on the licence revocation in a local newspaper where the finance company's head office is located and in a central daily newspaper in Vietnamese in three consecutive issues.

20. Changes of finance companies must be approved by the State Bank:

20.1. Finance companies shall be approved in writing by the State Bank prior to their change in one of following issues:

a. Name, contents, scope, term of operation and Charter of a finance company;

The file of the finance company asking the State Bank for the acceptance to change its name, contents, scope and term of operation and the Charter shall include:

- The statement submitting for the change in name, contents, scope, term of operation and the Charter of the finance company, which clearly state the reason and the necessity of the change;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Besides above mentioned files, the joint stock finance company shall submit to the State Bank the minutes of the shareholders' meeting on the change in name, contents, scope, term of operation and the Charter of the finance company;

b. The level of charter capital;

The file of the finance company asking the State Bank for the acceptance to change its level of charter capital shall include:

- The application for the change in the level of charter capital of the finance company.

- The decision made by the Board of Directors on the change in the level of charter capital of the finance company.

- The certification on the incremental amount of charter capital which is deposited in the escrow account, issued by the Banking Operation Department or the State Bank branches in provinces, cities where the finance company's head office is located;

- In addition to above mentioned documents, the joint stock finance company shall submit to the State Bank the following supplemental documents:

+ The minutes of shareholders' meeting on the change in the level of charter capital

+ The plan for the change in the level of charter capital which has been passed by shareholders' meeting;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ The application for share acquisition of major shareholders;

+ Other relevant documents.

c. Location of the head office, branches, representative offices;

The file of the finance company asking the State Bank for the acceptance to change the location of its head office, branches and representative office shall include:

- Written document of the Chairman of the Board of Directors or authorized person requesting the State Bank for the acceptance to change the location of the head office, branches, representative offices of the finance company (which clearly states the necessity of the movement to new location);

- The written acceptance of People's Committee in provinces, cities where the finance company asks for the change in the location of the head office, branches and representative offices;

- Legal documents on the ownership or the right to use the head office, branches, representative offices of the finance company in Vietnam;

- Written acceptance of the Manager of the State Bank branches in provinces, cities where the finance company's head office, branches and representative offices are to be located.

- In addition to above mentioned documents, the joint stock finance company shall submit to the State Bank the minutes of shareholders' meeting on the change in the location of its head office, branches and representative offices.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e. Shares ratios of major shareholders;

g. Members of the Board of Directors, General Director (Director) and members of Controllers Committee .

20.2. Sequences and procedures for approval of changes provided for in point 20.1

a. In respect of joint stock: the file shall be made into 2 sets and submitted to the State Bank branches in provinces, cities where the finance company locates its head office. Within the maximum period of 15 working days from the date of receipt of complete files, the State Bank branches in provinces, cities shall give written opinion on requests for the changes as provided for in point 20.1 of the finance company and submit to the State Bank (banks department) enclosed with 1 set of file of the finance company.

b. In respect of other finance company: the file shall be made into one set and submitted to the State Bank (Banks Department).

20.3. Procedures, files for application for the acceptance of changes provided for in point 20.1.d, 20.1.e, 20.1.g shall be performed in accordance with guidance of the State Bank.

20.4. After being approved by the State Bank, the finance company shall register with the State competent authority changes provided for in point 20.1 and publish them in a central and a local newspaper in accordance with the provisions of applicable laws.

21. Changes relating to capital contributing parties of the finance company should be reported to the State Bank:

Within 30 days from the date where following changes are made, the joint stock finance company, joint venture finance company, finance company with 100% foreign invested capital shall inform the State Bank in writing of:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



21.2 Change in name and address of capital contributors.

21.3. The split, separation, merge, integration, dissolution and bankruptcy of capital to be made by capital contributing parties.

Section 3. MANAGEMENT, OPERATION, CONTROL AND ORGANIZATIONAL STRUCTURE

22. Management, operation and control

22.1. Finance companies licensed by the State Bank shall have the Board of Directors, Controllers Committee and the General Director (Director). In a finance company, the Board of Directors shall manage the company in accordance with provisions of Law on Credit Institutions and other provisions of applicable laws; the Controllers Committee shall be responsible for controlling finance activities of the company, supervising the compliance with the accounting regime and operation of the internal control and audit system of the company; The General Director (Director) shall be responsible before the Board of Directors for the management of daily activities under his assignment, authority in accordance with provisions of Law on Credit Institutions and other provisions of applicable laws.

For finance companies, which are a subsidiary of credit institutions, the management, control of companies shall be decided upon by the Board of Directors and the Controllers Committee of credit institutions.

22.2. Election or suspension, appointment or removal of the Chairman and other members of the Board of Directors, Head of the Controllers Committee and other members of Controllers Committee , the General Director (Director) of finance companies shall be performed in accordance with provisions of applicable laws and the guidance of the State Bank.

22.3. The Chairman and other members of the Board of Directors, Head of the Controllers Committee and other members of Controllers Committee , the General Director (Director) of a finance company shall be approved by the Governor of the State Bank.

During the time where the General Director (Director) has not yet been approved by the Governor of the State Bank, the Chairman of the Directors Board, members of Directors Board, Head of the Controllers Committee and its members shall be absolutely responsible before the law (shareholders in respect of joint stock finance companies) for all activities of the finance company.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



23. The Board of Directors:

23.1. The Board of Directors shall consist of at least 3 members and not exceed 11 members. Number of members in the Board of Directors shall be decided upon by capital contributors or by the shareholder's meeting and stipulated in the Charter.

In respect of finance companies that are a subsidiary of the State Corporation and finance companies that are a subsidiary of credit Institutions (if any), the number of members in the Board of Directors shall, depending on developmental level of those finance companies, be from 3 to 5 persons

23.2. Members of the Board of Directors shall be persons with professional prestige and ethics and having knowledge of banking-financial activities, and shall not be persons provided for in Article 40 of the Law on Credit Institutions and comply with the provisions of the State Bank.

23.3. Chairman and the members of the Board of Directors shall not be permitted to authorize any person who is not a member of the Board of Directors to perform his duties, authorities. Chairman of the Board of Directors shall not be entitled to take part in the Board of Directors or in the management of another credit institution, except for the case where the latter is a subsidiary of the company.

23.4. Chairman of the Board of Directors shall not concurrently be the General Director (Director) or Deputy General Director (Deputy Director) of the same finance company.

23.5. The term of a member of the Directors Board shall last from 2 to 5 years. Chairman and members of the Board of Directors may be re-appointed.

24. Controllers Committee :

24.1. The Controllers Committee shall have at least 3 members, of which one member is the Head of Committee and at least one member is a permanent member or a person who does not hold any executive position in the finance company. Number of the members of the Controllers Committee shall be stipulated in the Charter of the finance company.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



25. General Director (Director)

The General Director (Director), Deputy General Directors (Deputy Directors) shall not be persons provided for in Article 40 of the Law on Credit Institutions, and must hold at least a bachelor degree in economic, banking or finance, possess at least 5 years working experience in banking and finance area, have capability to manage a finance company in accordance with the provisions of the State Bank and reside in Vietnam during their term of office.

26. Organizational structure of finance companies

26.1. The opening, termination of operation of their branches, representative office and establishment of subsidiary company of finance companies shall be performed in accordance with provisions in Article 14, 15 of the Decree No. 79/2002/ND-CP and guiding documents of the State Bank.

26.2. Operational apparatus in the head office, branches of finance companies shall include: administrative office, operational divisions and transaction divisions.

27. The split, separation, integration, merger, acquisition, and dissolution

The split, separation, integration, merger, acquisition, and dissolution of finance companies shall be approved in writing by the State Bank.

Section 4. OPERATION OF FINANCE COMPANIES

28. General provisions on the operation of finance companies

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



29. Capital mobilization:

Finance companies shall be entitled to mobilise funds in accordance with provisions in Article 17, Decree NO. 79/2002/ND-CP and guiding documents of the State Bank.

30. Credit activity:

Finance companies shall be entitled to grant credit in accordance with provisions in Articles 18, 19, 20, 21 of the Decree No. 79/2002/ND-CP and guiding documents of the State Bank.

31. Opening of account and treasury service:

Finance companies shall be permitted to open a deposit account in the State Bank and carry out treasury services in accordance with provisions in Article 22, 23 of the Decree No. 79/2002/ND-CP and guiding documents of the State Bank.

32. Other operations:

Finance companies shall be permitted to conduct several other operations provided for in Article 24 of the Decree No. 79/2002/ND-CP and current provisions of applicable laws.

33. Operations must be accepted by the State competent agencies:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



34. Prudential restrictions

Finance companies shall comply with provisions on the prudential restrictions for their operation provided for in Article 26, 27, 28, 29, 30 of the Decree No. 79/2002/ND-CP and guiding documents of the State Bank.

Section 5. FINANCE, ACCOUNTING AND REPORTING REGIME

33. Finance

Financial year, financial receipt and expenditure of finance companies shall be performed in accordance with Article 31, Decree No. 79/2002/ND-CP and provisions of the Ministry of Finance

34. Accounting

The accounting of finance companies shall be carried out under provisions in Article 32, Decree No. 79/2002/ND-CP.

35. The provisioning and use of funds

The provisioning, maintenance and use of funds of finance companies shall be performed in accordance with provisions in Article 33, Decree No. 79/2002/ND-CP.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The foreign party in the finance company shall be entitled to repatriate abroad their distributed profits and the assets after liquidation or termination of operation in accordance with provision in Article 34, Decree No. 79/2002/ND-CP.

39. The regime of finance reporting, and auditing:

The finance company shall comply with the regime on finance reporting, auditing in accordance with provision in Article 35, Decree No. 79/2002/ND-CP and guiding documents of the State Bank

Section 6. INSPECTION, SPECIAL CONTROL, BANKRUPTCY, DISSOLUTION, AND LIQUIDATION

40. Inspection

The inspection by the State Bank of activities of finance companies in Vietnam shall be carried out in accordance with the provisions in Article 36, Decree No. 79/2002/ND-CP and of the State Bank Inspector.

41. The special control, bankruptcy, dissolution, and liquidation

The special control, bankruptcy, dissolution, and liquidation of finance companies shall be carried out in accordance with provisions in Article 37, Decree No. 79/2002/ND-CP and provisions of current laws;

42. Rewards, violation settlement

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 7. IMPLEMENTING PROVISIONS

43. The adjustment for licenced finance companies:

43.1. Within 12 months from the effective date of Decree No. 79/2002/ND-CP, finance companies which are established and operating under the operation licence granted by the State Bank before the effective date of this Decree shall adjust their charter in accordance with the provisions of the Decree No. 79/2002/ND-CP and related guiding documents.

43.2. Operation term of finance companies shall be applied in accordance with provision in the granted licence.

43.3. Finance companies shall not be subject to procedures for re-issuance of the licence of establishment and operation.

Operation contents and scope of finance companies stated in the granted licence shall be supplemented, adjusted by the State Bank in accordance with provisions in the Decree No. 79/2002/ND-CP and other guiding documents of the State Bank.

44. The effectiveness

This Decree shall be effective after 15 days from the date of signing

45. Organization of implementation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

FOR THE GOVERNOR OF THE STATE BANK
DEPUTY GOVERNOR




Tran Minh Tuan

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 06/2002/TT-NHNN ngày 23/12/2002 hướng dẫn Nghị định 79/2002/NĐ-CP về Tổ chức và hoạt động của Công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


18.080

DMCA.com Protection Status
IP: 13.59.2.242
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!