ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 6762/KH-UBND
|
Lâm
Đồng, ngày 17 tháng 10 năm 2019
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN SỐ HÓA DỮ LIỆU HỘ TỊCH LỊCH SỬ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG VÀO
CƠ SỞ DỮ LIỆU HỘ TỊCH ĐIỆN TỬ TOÀN QUỐC
Thực hiện Quyết định số 2173/QĐ-BTP
ngày 11/12/2015 của Bộ Tư pháp về phê duyệt Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử
toàn quốc” (viết tắt là Đề án); Quyết
định số 101/QĐ-TTg ngày 23/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương
trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn
2017 - 2024; Thông tư liên tịch số 19/2012/TTLT-BTC-BKHĐT-BTTTT ngày 15/02/2012
của liên Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Thông tin và Truyền thông hướng
dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong
hoạt động của cơ quan nhà nước; Văn bản số 1437/BTP-CNTT ngày 25/4/2019 của Bộ
Tư pháp về hướng dẫn số hóa sổ hộ tịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng
ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử trên địa
bàn tỉnh, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đăng ký và quản lý
hộ tịch, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công.
- Chuyển đổi dữ liệu hộ tịch từ sổ giấy sang dữ liệu số theo hướng hình thành Hệ
thống thông tin hộ tịch với cấu trúc chuẩn tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch
trên địa bàn tỉnh.
- Hiện đại hóa công tác đăng ký và quản
lý hộ tịch; thiết lập Hệ thống thông tin hộ tịch đồng bộ, thông suốt giữa các
cơ quan đăng ký hộ tịch ở địa phương; bảo đảm việc kết nối, chia sẻ, cung cấp
thông tin với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, Cơ sở dữ liệu quốc gia về
dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác; bảo đảm tối đa lợi ích cho người
dân, tổ chức, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hộ tịch
trên địa bàn tỉnh.
- Bảo đảm mọi người dân đều được cấp
giấy tờ hộ tịch (đặc biệt là cấp
Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn, Trích lục khai tử,...), có đầy đủ nội
dung theo quy định của pháp luật về hộ tịch; công dân trên địa bàn tỉnh có thể yêu cầu cấp trích lục bản sao hộ tịch ở tất cả
các cơ quan quản lý dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
- Việc triển khai thực hiện bám sát
các mục tiêu, nhiệm vụ theo Đề án
Cơ sở dữ liệu hộ tịch đã được Bộ Tư pháp phê duyệt, các Chương trình, Kế hoạch có liên quan của tỉnh; đảm bảo được triển
khai nghiêm túc, đúng tiến độ, hiệu quả; kế thừa nguồn lực, dữ liệu hộ tịch điện
tử sẵn có tại địa phương, phù hợp với yêu cầu đăng ký và quản lý hộ tịch theo
quy định của Luật Hộ tịch.
- Phát huy vai trò chủ động, tích cực,
trách nhiệm của các cơ quan đăng ký hộ tịch trong việc thực hiện Đề án, nhất là trong việc bảo đảm cơ sở vật chất
và phương tiện làm việc, đáp ứng được việc kết nối với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện
tử toàn quốc.
- Xác định cụ thể nội dung công việc
và trách nhiệm của các cơ quan, địa phương, đơn vị trong việc triển khai thực
hiện các nhiệm vụ được giao; bảo đảm
sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp có liên quan và nội dung, tiến độ,
hiệu quả trong việc tổ chức thực
hiện.
- Số liệu đăng ký hộ tịch được thống kê, tổng hợp đầy đủ, thống nhất, chính xác, kịp thời, đảm bảo chất lượng và được chia sẻ công khai, minh bạch, đáp ứng được
yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
II. NỘI DUNG
1. Khảo sát, thu nhập dữ liệu cần
thực hiện số hóa
1.1. Nội dung:
- Thống kê số lượng các sổ hộ tịch, số
liệu các sự kiện hộ tịch, đánh giá hiện trạng dữ liệu hộ tịch đã được đăng ký trước ngày 30/6/2019 đang được lưu trữ bằng sổ
giấy tại Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Tư pháp. Đồng thời khảo sát, đánh giá thực trạng trang
thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng để triển khai ứng dụng
công nghệ thông tin về đăng ký, quản lý hộ tịch tại địa phương (số lượng, chất
lượng máy tính, máy scan, hạ tầng mạng truyền dẫn, phần mềm đang sử dụng; trình
độ của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch,...). Đối với những địa phương
chưa được trang bị máy tính, máy scan, kết nối mạng internet,... thì dự kiến kinh phí để mua sắm, hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
- Đơn vị thống kê gồm:
+ Đăng ký: khai sinh; khai tử; kết
hôn; nhận cha, mẹ, con; thay đổi,
cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định
lại dân tộc; giám hộ, chấm dứt giám hộ; nuôi con nuôi.
+ Ghi chú vào sổ hộ tịch việc: khai
sinh; khai tử; kết hôn, li hôn, hủy việc kết hôn; giám hộ; nhận cha mẹ con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
+ Ghi chú thay đổi hộ tịch bằng bản
án, quyết định của cơ quan có thẩm
quyền.
+ Thay đổi hộ tịch khác theo quy định của pháp luật.
+ Cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn
nhân.
1.2. Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, Ủy
ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban
nhân dân cấp xã.
1.3. Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin
và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
1.4. Thời gian thực hiện: Quý
III/2019.
2. Tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn việc số hóa dữ liệu hộ
tịch
2.1. Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp
2.2. Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và
Truyền thông; UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn và các
cơ quan, đơn vị có liên quan;
2.3. Thời gian thực hiện: Quý IV năm
2019 và những năm tiếp theo.
3. Số hóa, nhập dữ liệu hộ tịch
vào phần mềm quản lý dữ liệu hộ tịch
3.1. Nội dung:
Thực hiện nhập toàn bộ dữ liệu hộ tịch
từ sổ giấy sang dữ liệu số bằng phần mềm quản lý dữ liệu hộ tịch lịch sử
do Bộ Tư pháp xây dựng tương ứng với từng đơn vị cấp xã, cấp huyện và Sở Tư
pháp.
Việc chuyển đổi dữ liệu phải đảm bảo
tối thiểu các trường thông tin trong sổ giấy được chuyển hóa thành dữ liệu số, thể
hiện các trường thông tin bắt buộc phải số hóa và đảm bảo chuẩn hóa dữ liệu theo hướng dẫn thực hiện số hóa
của Bộ Tư pháp.
3.2. Cơ quan thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp, Ủy ban
nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và
Truyền thông; các cơ quan, đơn vị có liên quan
3.3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2020
và những năm tiếp theo.
4. Kiểm tra, phê duyệt và cập nhập dữ liệu vào phân
vùng dữ liệu chính thức Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch
4.1. Nội dung:
Cơ quan quản lý hộ tịch truy cập vào hệ thống, tiến hành kiểm tra, đối chiếu file dữ liệu đã được cập nhật
với nội dung đã đăng ký trong sổ gốc.
Chuẩn hóa lại thông tin và thực hiện
việc phê duyệt các dữ liệu đã được chuẩn hóa, chính xác thông tin vào phân vùng
dữ liệu chính thức của Cơ sở dữ liệu
hộ tịch điện tử do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý.
4.2. Cơ quan thực hiện:
- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp; Ủy ban
nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Cơ quan, đơn vị phối hợp: Đơn vị
cung cấp dịch vụ cập nhật số hóa dữ liệu hộ tịch và các cơ quan có liên quan.
4.3. Thời gian thực hiện: Thực hiện đồng
thời với việc cập nhật dữ liệu vào phần mềm tại điểm 3 Mục II Kế hoạch này.
5. Thực hiện kết nối, chia sẻ
thông tin giữa các cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch, giữa cơ sở dữ
liệu hộ tịch toàn quốc với cơ sở dữ liệu
quốc gia về dân cư theo
quy định của Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân.
5.1. Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp;
Công an tỉnh, UBND các huyện,
thành phố, UBND xã, phường, thị trấn.
5.2. Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin
và Truyền thông; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin.
5.3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2020
và những năm tiếp theo.
III. LỘ TRÌNH,
NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN
1. Lộ trình thực hiện số hóa
Việc số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử
được thực hiện với 5 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Dữ liệu hộ tịch được
đăng kí từ giai đoạn 01/01/2016 đến hết ngày 30/6/2019.
- Giai đoạn 2: Dữ liệu hộ tịch được
đăng ký theo Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng
kí và quản lý hộ tịch từ ngày 01/01/2006 đến ngày 31/12/2015.
- Giai đoạn 3: Dữ liệu hộ tịch được
đăng ký theo quy định của Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính
phủ về đăng kí hộ tịch từ năm 1998 đến ngày 31/12/2005.
- Giai đoạn 4: Dữ liệu hộ tịch đã được
đăng ký từ năm 1976 đến năm 1998.
- Giai đoạn 5: Dữ liệu hộ tịch từ năm
1975 trở về trước.
2. Nguyên tắc thực hiện số hóa
- Dữ liệu hộ tịch cấp nào tạo lập
(đăng ký) thì cấp đó có trách nhiệm thực hiện việc số hóa. Trường hợp Sổ hộ tịch do UBND cấp xã đăng ký nhưng lưu tại 02 cấp (cấp xã và cấp huyện)
thì cấp xã là đơn vị có trách nhiệm thực hiện việc số hóa.
- Đối với dữ liệu mà theo lịch sử hiện
không xác định được cơ quan tạo lập (do chia tách, sáp nhập địa giới hành chính
hoặc Sổ hộ tịch từ chế độ cũ để lại hiện chỉ còn lưu ở 01 cấp hành chính) thì
cấp lưu sổ hộ tịch thực hiện việc
số hóa.
- Ưu tiên tập trung hoàn thành việc số
hóa các Sổ hộ tịch đã được đăng ký
trong giai đoạn từ ngày 01/01/2016 đến 30/6/2019 (dữ liệu hộ tịch được đăng ký
theo quy định của Luật Hộ tịch) và giai đoạn từ năm 2006 đến hết năm 2015 (dữ liệu hộ tịch được đăng ký theo quy định của
Nghị định số 158/2005/NĐ-CP).
- Trong mỗi giai đoạn, ưu tiên nhập dữ liệu về đăng ký kết hôn, đăng ký khai
sinh, đăng ký khai tử và xác nhận tình trạng hôn nhân để
tạo thông tin cơ sở cho việc thực hiện số hóa các dữ liệu
hộ tịch khác.
- Thông tin hộ tịch được nhập là
thông tin hiện tại đã được chỉnh lý chuẩn (đã được thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch....(nếu có).
- Việc thực hiện số hóa, cập nhật dữ liệu hộ tịch: Sở Tư pháp, UBND cấp huyện, cấp
xã xem xét các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực,... tại cơ quan, địa phương, đơn vị để thực hiện; trong trường hợp cần thiết thì có
thể thuê đơn vị cung cấp dịch vụ số
hóa, cập nhật dữ liệu hộ tịch thực hiện.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Trách nhiệm của các cơ
quan, địa phương, đơn vị
1.1. Sở Tư pháp
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này.
- Ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương
triển khai, ứng dụng phần mềm hộ tịch, cập nhật, số hóa dữ liệu hộ tịch; kịp thời
nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực hiện
để đề xuất giải pháp tháo gỡ, giải
quyết.
- Phối hợp với Cục Công nghệ thông
tin - Bộ Tư pháp tạo tài khoản để cập
nhật dữ liệu vào phần mềm; khóa
tài khoản nhập dữ liệu sau khi hoàn thành việc nhập dữ liệu.
- Ký hợp đồng thuê đơn vị cung cấp dịch
vụ số hóa, cập nhật dữ liệu hộ tịch lịch sử từ sổ giấy hiện đang lưu trữ tại Sở Tư pháp vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Đồng thời giới thiệu, hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã trong việc thuê đơn vị
cung cấp dịch vụ số hóa, cập nhật dữ liệu hộ tịch tại địa phương; đảm bảo hiệu
quả, thống nhất.
- Xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại địa phương.
- Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng
dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch
này.
- Hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm
tra; nghiệm thu việc số hóa.
- Phối hợp với Công an tỉnh trong việc trao đổi dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu hộ tịch
điện tử toàn quốc với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo đúng quy định.
- Tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện
số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh, báo cáo Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh
theo quy định.
- Tham mưu việc sơ kết, tổng kết thực
hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” tại địa phương.
1.2. Sở Tài chính
- Thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét, bố trí kinh phí để thực hiện công tác số hóa, cập nhật dữ liệu hộ tịch lịch sử vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tại địa phương.
- Hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã đảm
bảo kinh phí và cơ sở vật chất thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch theo lộ trình tại
Mục II Kế hoạch này.
1.3. Sở Thông tin và Truyền thông
- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố; Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết
bị thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch và việc sử dụng các phần mềm chuyên ngành
khác có sử dụng dữ liệu hộ tịch của
cá nhân bảo đảm phù hợp với Kế hoạch.
- Có phương án hướng dẫn thực hiện việc trích xuất các dữ liệu hộ tịch tại các phần mềm do nhiều nguồn
cung cấp, thiết kế trên nền tảng công nghệ khác nhau vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch
điện tử toàn quốc (nếu có).
1.4. Công an tỉnh
Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện Nghị định quy định
chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công
dân, trong đó quy định phương thức kết nối, chia sẻ, cung cấp số định danh cá nhân cho người đi đăng ký khai
sinh theo quy định của Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân.
1.5. Các sở, ban, ngành có liên quan
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao,
có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị liên quan triển
khai thực hiện tốt Kế hoạch này.
1.6. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.
- Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch
trên địa bàn.
- Thực hiện rà soát, cung cấp đầy đủ,
chính xác dữ liệu hộ tịch cho Sở Tư pháp.
- Bố trí công chức đủ năng lực làm
công tác hộ tịch tại Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn để triển khai các nội dung
tại Kế hoạch; kịp thời cập nhật, tạo
lập dữ liệu hộ tịch điện tử tại địa phương bảo đảm vận hành tốt hệ thống thông
tin, đăng ký, quản lý hộ tịch.
- Bảo đảm kinh phí và các điều kiện về
cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực
hiện xây dựng, quản lý và duy trì
Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tại
địa phương, bảo đảm tốt hệ thống thông tin hộ tịch, việc kết nối chia sẻ với Cơ
sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc.
- Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Tư pháp,
UBND cấp xã lựa chọn, thuê đơn vị cập nhật, số hóa dữ liệu theo thẩm quyền.
- Chủ động phối hợp với Sở Tư pháp
trong việc tạo tài khoản để nhập dữ liệu hộ tịch vào phần mềm và xóa tài khoản
sau khi hoàn thành việc nhập dữ liệu hộ tịch của Phòng Tư pháp và UBND xã, phường, thị trấn.
2. Kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện Kế hoạch này do ngân sách nhà nước bảo đảm theo
quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch
này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, địa phương, đơn vị kịp thời phản
ánh đến Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở: Tư pháp, Tài chính, Thông tin và Truyền thông;
- Công an tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Lâm Đồng;
- Trường Chính trị tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Lưu: VT, NC.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Yên
|