Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Văn bản hợp nhất 25/VBHN-BGTVT 2019 Thông tư kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện

Số hiệu: 25/VBHN-BGTVT Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải Người ký: Nguyễn Văn Thể
Ngày ban hành: 30/12/2019 Ngày hợp nhất: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/VBHN-BGTVT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2019

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT XE ĐẠP ĐIỆN

Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT ngày 05 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện, có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2013, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 19/2014/TT-BGTVT ngày 28 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2009/ TT-BGTVT ngày 15/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng, Thông tư số 44/2012/TT-BGTVT ngày 23/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu và động cơ nhập khẩu sử dụng để sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy và Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT ngày 05/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2014.

Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT ngày 30 tháng 7 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2018.

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện.[1]

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu.

2. Thông tư này không áp dụng đối với:

a) Xe đạp điện được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

b) Xe đạp điện nhập khẩu, tạm nhập khẩu với số lượng 01 chiếc không nhằm mục đích thương mại.

c) Xe mô tô điện, xe gắn máy điện thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 44/2012/TT-BGTVT ngày 23 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu và động cơ nhập khẩu sử dụng để sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy và Thông tư số 45/2012/TT-BGTVT ngày 23 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh, kiểm tra, thử nghiệm, quản lý và chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Xe đạp điện (sau đây gọi chung là Xe) là Xe đạp hai bánh, được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc được vận hành bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều, có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 250 W, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và có khối lượng bản thân (bao gồm cả ắc quy) không lớn hơn 40 kg.

2. Xe cùng kiểu loại là các Xe của cùng một chủ sở hữu công nghiệp, cùng nhãn hiệu, thiết kế và các thông số kỹ thuật, được sản xuất trên cùng một dây chuyền công nghệ.

3. Chứng nhận chất lượng kiểu loại Xe là quá trình kiểm tra, thử nghiệm, xem xét, đánh giá và chứng nhận sự phù hợp của một kiểu loại Xe với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành về chất lượng an toàn kỹ thuật.

4. Cơ quan quản lý chất lượng: Cục Đăng kiểm Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải là Cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng an toàn kỹ thuật đối với các Xe thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này (sau đây gọi tắt là Cơ quan QLCL).

5. Cơ sở thử nghiệm là tổ chức có đủ điều kiện và được chỉ định để thực hiện việc thử nghiệm Xe theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

6. Cơ sở sản xuất là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp Xe có đủ điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật theo quy định.

7. Cơ sở nhập khẩu là tổ chức, cá nhân thực hiện việc nhập khẩu Xe.

8. Cơ sở kinh doanh là tổ chức, cá nhân thực hiện việc phân phối Xe trên thị trường.

9. Mẫu thử nghiệm là mẫu điển hình do Cơ sở sản xuất tự lựa chọn hoặc mẫu do Cơ quan QLCL lấy ngẫu nhiên để thực hiện việc thử nghiệm.

10. Xe bị lỗi kỹ thuật là Xe có lỗi trong quá trình thiết kế, sản xuất, lắp ráp có khả năng gây nguy hiểm đến an toàn tính mạng và tài sản của người sử dụng cũng như gây ảnh hưởng xấu đến an toàn và môi trường của cộng đồng.

11. Triệu hồi Xe là việc Cơ sở sản xuất, nhập khẩu thu hồi các Xe thuộc lô, kiểu loại Xe bị lỗi kỹ thuật mà họ đã cung cấp ra thị trường nhằm sửa chữa, thay thế phụ tùng hay thay thế bằng Xe khác để ngăn ngừa các nguy hiểm có thể xảy ra do các lỗi trong quá trình thiết kế, sản xuất, lắp ráp Xe.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG AN TOÀN KỸ THUẬT

Điều 4. Thử nghiệm mẫu

1. Các yêu cầu an toàn kỹ thuật và phương pháp thử được quy định tại Quy chuẩn QCVN 68:2013/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện.

2. Cơ sở sản xuất, Cơ sở nhập khẩu có trách nhiệm chuyển mẫu thử nghiệm tới địa điểm thử nghiệm. Cơ sở thử nghiệm có trách nhiệm thử nghiệm mẫu theo đúng quy trình tương ứng với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; lập báo cáo kết quả thử nghiệm theo mẫu quy định và chịu trách nhiệm về các kết quả thử nghiệm của mình. Trong trường hợp cần thiết, Cơ quan QLCL trực tiếp giám sát việc thử nghiệm.

3. Quản lý mẫu thử nghiệm

a) Sau khi thử nghiệm và lập báo cáo kết quả thử nghiệm, Cơ sở thử nghiệm trả mẫu và báo cáo kết quả thử nghiệm cho Cơ sở sản xuất, Cơ sở nhập khẩu;

b) Cơ sở sản xuất phải thực hiện lưu mẫu điển hình không ít hơn 01 năm, kể từ ngày Cơ sở sản xuất không tiếp tục sản xuất, lắp ráp các Xe cùng kiểu loại. Cơ sở sản xuất có trách nhiệm quản lý mẫu điển hình sao cho không để ảnh hưởng của các yếu tố môi trường làm hư hỏng mẫu và có thể xuất trình khi có yêu cầu của Cơ quan QLCL.

Điều 5. Đăng ký chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật

1. Hồ sơ đăng ký chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật Xe sản xuất, lắp ráp bao gồm:

a) Bản đăng ký thông số kỹ thuật theo mẫu quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này;

b) Bản chính Báo cáo kết quả thử nghiệm Xe của Cơ sở thử nghiệm;

c) Bản mô tả quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp và kiểm tra chất lượng Xe;

d) Hướng dẫn sử dụng, Xe trong đó có các thông số kỹ thuật chính, cách thức sử dụng các thiết bị của Xe, hướng dẫn về an toàn cháy nổ và bảo vệ môi trường; Phiếu bảo hành Xe (ghi rõ điều kiện và địa chỉ các cơ sở bảo hành);

đ) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc đầu tư phù hợp đối với Cơ sở sản xuất lần đầu tiên sản xuất, lắp ráp Xe;

e) Bản cam kết của Cơ sở sản xuất về việc kiểu loại Xe đề nghị chứng nhận không xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật nếu có xảy ra xâm phạm;

g) Bản mô tả nhãn hàng hóa, bao gồm: kích thước, nội dung và vị trí gắn trên Xe. Nhãn hàng hóa phải thể hiện ít nhất các nội dung sau: Tên, địa chỉ Cơ sở sản xuất; nhãn hiệu; số loại; khối lượng bản thân; số người cho phép chở; công suất động cơ; số giấy chứng nhận kiểu loại được phê duyệt; năm sản xuất; xuất xứ.

2. Hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật Xe nhập khẩu bao gồm:

a) Bản đăng ký kiểm tra chất lượng xe đạp điện nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Bản đăng ký kiểm tra) theo mẫu quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này;

b)[2] (được bãi bỏ)

c) Tài liệu giới thiệu tính năng kỹ thuật Xe của nhà sản xuất, trong đó thể hiện các thông số chủ yếu về: Kích thước, khối lượng, số người cho phép chở, vận tốc lớn nhất, cỡ lốp, công suất lớn nhất của động cơ, điện áp và dung lượng của ắc quy, khoảng cách chạy liên tục.

Trường hợp tài liệu giới thiệu tính năng kỹ thuật về Xe của nhà sản xuất chưa đủ nội dung quy định tại điểm c khoản này thì Cơ sở nhập khẩu sử dụng Bản đăng ký thông số kỹ thuật theo mẫu quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này.

Đối với các Xe cùng kiểu loại đã được Cơ quan QLCL kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận chất lượng nhập khẩu thì được miễn Tài liệu giới thiệu tính năng kỹ thuật Xe của nhà sản xuất.

d) Bản mô tả nhãn hàng hóa bao gồm kích thước, nội dung và vị trí gắn trên Xe. Nhãn hàng hóa phải thể hiện ít nhất các nội dung sau: Tên, địa chỉ Cơ sở sản xuất; Tên, địa chỉ Cơ sở nhập khẩu; nhãn hiệu; số loại; khối lượng bản thân; số người cho phép chở; công suất động cơ; năm sản xuất; xuất xứ.

Điều 6. Kiểm tra chất lượng Xe sản suất, lắp ráp

Việc kiểm tra chất lượng đối với Xe sản xuất, lắp ráp được thực hiện trên cơ sở đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại Cơ sở sản xuất (sau đây gọi tắt là đánh giá COP).

1. Cơ sở sản xuất phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Có quy trình và hướng dẫn nghiệp vụ sản xuất, lắp ráp, kiểm tra chất lượng cho từng kiểu loại Xe từ khâu kiểm soát chất lượng linh kiện đầu vào, kiểm tra chất lượng trên từng công đoạn và xuất xưởng để đảm bảo các chỉ tiêu về an toàn và tính năng kỹ thuật của Xe;

b) Có đủ các thiết bị kiểm tra cần thiết cho từng công đoạn sản xuất phù hợp với quy trình sản xuất, lắp ráp đã đề ra;

c) Có đủ nguồn nhân lực thực hiện việc sản xuất và kiểm tra chất lượng phù hợp với quy trình sản xuất, lắp ráp đã đề ra.

2. Nội dung đánh giá COP:

a) Quy trình và hướng dẫn nghiệp vụ sản xuất, lắp ráp và kiểm tra chất lượng: kiểm tra linh kiện đầu vào, kiểm tra trên từng công đoạn, kiểm tra xuất xưởng;

b) Trang thiết bị kiểm tra chất lượng;

c) Nguồn nhân lực thực hiện việc kiểm tra chất lượng.

3. Các hình thức đánh giá COP:

a) Đánh giá COP lần đầu được thực hiện khi cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật cho Xe;

b) Đánh giá COP hàng năm được thực hiện định kỳ hàng năm;

c) Đánh giá COP đột xuất được thực hiện khi Cơ sở sản xuất có dấu hiệu vi phạm các quy định liên quan đến việc kiểm tra chất lượng hoặc khi có các khiếu nại về chất lượng Xe;

Đối với các kiểu loại Xe tương tự, không có sự thay đổi cơ bản về quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp và kiểm tra chất lượng Xe thì có thể sử dụng kết quả đánh giá COP trước đó.

Điều 7. Kiểm tra chất lượng Xe nhập khẩu

1. Phương thức và nội dung kiểm tra

a) Kiểm tra tổng quát tính đồng nhất của lô Xe;

b) Lấy mẫu ngẫu nhiên trong lô Xe, số lượng mẫu phụ thuộc vào số lượng Xe trong lô và được quy định như sau:

TT

Số lượng Xe cùng kiểu loại trong lô hàng (đơn vị: chiếc)

Số lượng mẫu kiểm tra, thử nghiệm (đơn vị: chiếc)

1

Đến 100

01

2

Từ 101 đến 500

02

3

Trên 500

03

c) Kiểm tra nhận dạng Xe mẫu;

d) Thử nghiệm Xe mẫu theo các nội dung quy định tại Điều 4 của Thông tư này;

đ) Đối với trường hợp số lượng mẫu lớn hơn 01, nếu có một mẫu không đạt yêu cầu thì coi như lô hàng đó không đạt yêu cầu.

2. Miễn thử nghiệm mẫu

Các trường hợp sau đây sẽ được miễn thử nghiệm mẫu:

a) Các Xe cùng kiểu loại đã được kiểm tra theo Hiệp định hoặc thỏa thuận công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn và sự phù hợp mà Việt Nam tham gia, ký kết;

b) Đối với Xe cùng kiểu loại do cùng một Cơ sở nhập khẩu đã được kiểm tra thử nghiệm, cấp chứng nhận chất lượng. Trường hợp lô Xe thuộc các đối tượng được miễn thử nghiệm mẫu nêu trên có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng thì sẽ phải thực hiện việc thử nghiệm mẫu theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.

Điều 8. Cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật

Việc cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật Xe sản xuất, lắp ráp và giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật Xe nhập khẩu (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) được thực hiện theo trình tự và cách thức như sau:

1. Đối với Xe sản xuất, lắp ráp

a) Cơ sở sản xuất lập 01 bộ hồ sơ đăng ký theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Thông tư này và nộp trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đến Cơ quan QLCL;

b) Cơ quan QLCL tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ đăng ký. Nếu thành phần hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì ngay trong ngày làm việc, hướng dẫn Cơ sở sản xuất hoàn thiện lại; Nếu thành phần hồ sơ đầy đủ theo quy định thì thống nhất với Cơ sở sản xuất về thời gian và địa điểm thực hiện đánh giá COP;

c)[3] Trong phạm vi 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ thành phần hồ sơ theo quy định, Cơ quan QLCL tiến hành kiểm tra nội dung hồ sơ đăng ký và thực hiện đánh giá COP theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này. Nếu chưa đạt yêu cầu thì thông báo để Cơ sở sản xuất hoàn thiện lại; Nếu đạt yêu cầu thì cấp Giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục IIIa ban hành kèm theo Thông tư này trong phạm vi 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, đánh giá đạt yêu cầu.

2. Đối với Xe nhập khẩu

a)[4] Cơ sở nhập khẩu lập 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Thông tư này và nộp cho Cơ quan QLCL bằng hình thức trực tiếp hoặc qua hê thống bưu chính hoặc qua Cổng Thông tin một cửa quốc gia.

b)[5] Cơ quan QLCL tiếp nhận và kiểm tra nội dung hồ sơ đăng ký kiểm tra và có kết quả thông báo cho cơ sở nhập khẩu trong thời gian tối đa 01 ngày làm việc. Trường hợp hồ sơ đăng ký kiểm tra đầy đủ theo quy định thì Cơ quan QLCL xác nhận vào Bản đăng ký kiểm tra. Trường hợp hồ sơ đăng ký kiểm tra chưa đầy đủ theo quy định thì Cơ quan QLCL hướng dẫn cơ sở nhập khẩu bổ sung, hoàn thiện lại.

Cơ quan QLCL thống nhất với cơ sở nhập khẩu về thời gian và địa điểm kiểm tra. Thời gian kiểm tra không quá 05 ngày làm việc so với ngày đề nghị kiểm tra của cơ sở nhập khẩu.

c)[6] Cơ quan QLCL tiến hành kiểm tra và xem xét kết quả thử nghiệm Xe theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này. Nếu không đạt yêu cầu thì trong phạm vi 04 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra, thông báo để Cơ sở nhập khẩu khắc phục; Quá thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu Cơ sở nhập khẩu chưa có biện pháp khắc phục thì thông báo không đạt chất lượng nhập khẩu theo mẫu quy định tại Phụ lục IIIc kèm theo Thông tư này. Nếu đạt yêu cầu thì cấp Giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục IIIb ban hành kèm theo Thông tư này trong phạm vi 04 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu.

d)[7] Trường hợp Xe nhập khẩu là loại đã qua sử dụng, Cơ quan QLCL xử lý như sau: Dừng các thủ tục kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe đạp điện nhập khẩu và lập biên bản ghi nhận về tình trạng Xe nhập khẩu vi phạm quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

Trong thời gian không quá 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản ghi nhận vi phạm, Cơ quan QLCL thông báo bằng văn bản tới tổ chức, cá nhân nhập khẩu và Cơ quan hải quan (nơi làm thủ tục nhập khẩu) để giải quyết theo quy định.

Điều 9. Kiểm tra chất lượng Xe trong quá trình sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu

1. Đối với Xe sản xuất, lắp ráp

a) Cơ sở sản xuất chỉ được tiến hành sản xuất, lắp ráp các Xe tiếp theo sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận và phải đảm bảo các Xe này phù hợp với hồ sơ đăng ký, mẫu điển hình đã được thử nghiệm. Cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các Xe xuất xưởng;

b) Từng Xe sản xuất hàng loạt phải được Cơ sở sản xuất kiểm tra chất lượng xuất xưởng (sau đây gọi tắt là kiểm tra xuất xưởng);

c) Căn cứ vào Giấy chứng nhận đã cấp và kết quả kiểm tra xuất xưởng, Cơ sở sản xuất lập danh sách các Xe xuất xưởng gửi Cơ quan QLCL. Trong phạm vi không quá 02 ngày làm việc, Cơ sở sản xuất nhận Tem hợp quy.

d) Tem hợp quy phải được dán cho từng Xe xuất xưởng, tại vị trí trên khung, phía bên phải, nơi dễ thấy và khó bị phá hủy. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm, Cơ quan QLCL có thể tiến hành kiểm tra, giám sát việc dán Tem hợp quy cho các Xe xuất xưởng.

2. Đối với Xe nhập khẩu

a) Căn cứ vào Giấy chứng nhận đã cấp cho lô Xe nhập khẩu, Cơ sở nhập khẩu nhận Tem hợp quy.

b) Tem hợp quy phải được dán cho từng Xe tại vị trí trên khung, phía bên phải, nơi dễ thấy và khó bị phá hủy. Cơ quan QLCL thực hiện kiểm tra, giám sát việc dán Tem hợp quy cho các Xe trong lô.

3. Tem hợp quy

a) Kích thước, nội dung của Tem hợp quy được quy định tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư này.

b) Màu sắc, hoa văn, vân nền và chất liệu của Tem hợp quy do Cơ quan QLCL quy định chi tiết.

Điều 10. Kiểm tra chất lượng Xe lưu thông trên thị trường

1. Cơ sở sản xuất, Cơ sở nhập khẩu có trách nhiệm đảm bảo chất lượng các Xe của mình trong quá trình đưa ra lưu thông trên thị trường.

2. Cơ quan QLCL căn cứ vào kế hoạch kiểm tra và diễn biến chất lượng Xe trên thị trường, tiến hành kiểm tra chất lượng Xe đang bán trên thị trường theo phương thức sau:

a) Kiểm tra sự phù hợp của Xe với hồ sơ đăng ký;

b) Nếu xét thấy Xe có dấu hiệu không phù hợp thì tiến hành lấy mẫu để thử nghiệm tại Cơ sở thử nghiệm.

3. Kết quả kiểm tra Xe lưu thông trên thị trường là một trong những căn cứ để Cơ quan QLCL yêu cầu Cơ sở sản xuất, Cơ sở nhập khẩu thực hiện triệu hồi Xe.

Điều 11. Đánh giá hàng năm, đánh giá bổ sung Giấy chứng nhận

1. Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu của Cơ sở sản xuất, Cơ quan QLCL tiến hành đánh giá các Giấy chứng nhận đã cấp theo nội dung sau:

a) Đánh giá COP theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này;

b) Lấy mẫu ngẫu nhiên trong số các Xe cùng kiểu loại tại Cơ sở sản xuất, yêu cầu thử nghiệm mẫu tại địa điểm thử nghiệm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. Cơ sở sản xuất có trách nhiệm chuyển mẫu tới địa điểm thử nghiệm.

2. Cơ sở sản xuất phải tiến hành các thủ tục chứng nhận bổ sung khi các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến kiểu loại Xe đã được chứng nhận thay đổi hoặc khi Xe có các thay đổi ảnh hưởng tới sự phù hợp của kiểu loại Xe đó so với quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. Cơ sở sản xuất nộp bổ sung các tài liệu sau:

a) Các tài liệu liên quan tới sự thay đổi của Xe;

b) Báo cáo kết quả thử nghiệm lại Xe theo các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới.

3. Giấy chứng nhận Xe sản xuất, lắp ráp sẽ không còn giá trị khi:

a) Xe không còn thỏa mãn các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành hoặc Xe có sự thay đổi, không phù hợp với hồ sơ đăng ký chứng nhận, Giấy chứng nhận đã cấp mà Cơ sở sản xuất không thực hiện việc chứng nhận bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Cơ sở sản xuất vi phạm nghiêm trọng các quy định liên quan đến việc kiểm tra chất lượng Xe;

c) Cơ sở sản xuất không thực hiện việc triệu hồi đối với Xe bị lỗi kỹ thuật theo quy định tại khoản 4 Điều 13 của Thông tư này.

Các giấy chứng nhận không còn giá trị được thông báo cho Cơ sở sản xuất bằng văn bản và công bố trên trang thông tin điện tử của Cơ quan QLCL.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam

1. Căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ được giao, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra theo quy định của Thông tư này.

2. Thống nhất phát hành, quản lý và hướng dẫn sử dụng đối với các Giấy chứng nhận và Tem hợp quy.

3. Công bố danh sách các Cơ sở thử nghiệm thực hiện việc thử nghiệm phục vụ cho công tác chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật trên trang thông tin điện tử của Cơ quan QLCL.

4. Tổ chức kiểm tra, thanh tra theo định kỳ hoặc đột xuất đối với việc thực hiện đảm bảo chất lượng của Cơ sở sản xuất.

5. Tổng hợp kết quả thực hiện công tác kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật Xe để báo cáo Bộ Giao thông vận tải theo quy định.

Điều 13. Trách nhiệm của Cơ sở sản xuất, Cơ sở nhập khẩu

1. Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ tài liệu đã cung cấp cho Cơ quan QLCL.

2. Hợp tác đầy đủ với Cơ quan QLCL trong quá trình thanh tra, kiểm tra về chất lượng Xe.

3. Chỉ được đưa Xe ra lưu thông trên thị trường sau khi đã được dán Tem hợp quy. Có trách nhiệm cấp cho từng Xe tài liệu hướng dẫn sử dụng, phiếu bảo hành Xe.

4. Thực hiện việc triệu hồi Xe theo quy định tại Điều 22 của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi phát hiện Xe bị lỗi kỹ thuật.

5. Cơ sở sản xuất phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng nhằm đảm bảo việc duy trì chất lượng các Xe sản xuất hàng loạt.

6. Cơ sở nhập khẩu phải xuất trình nguyên trạng Xe để Cơ quan QLCL thực hiện việc kiểm tra, thử nghiệm tại địa điểm đã được thống nhất với Cơ quan QLCL.

7. Chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm quy định về quyền sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ.

Điều 14. Phí và lệ phí

Cơ quan QLCL và Cơ sở thử nghiệm được thu các khoản thu theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 15. Hiệu lực thi hành[8]

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014.

2. Đối với các Xe đã được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì không phải áp dụng các quy định của Thông tư này.

3. Trong trường hợp các văn bản, tài liệu tham chiếu trong Thông tư này có sự thay đổi, bổ sung, chuyển đổi thì áp dụng theo văn bản mới.

Điều 16. Tổ chức thực hiện[9]

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Thể



[1] Thông tư số 19/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2009/TT-BGTVT ngày 15/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng, Thông tư số 44/2012/TT-BGTVT ngày 23/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu và động cơ nhập khẩu sử dụng để sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy và Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT ngày 05/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Căn cứ Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2009/TT-BGTVT ngày 15/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng (sau đây viết tắt là Thông tư số 23/2009/TT-BGTVT), Thông tư số 44/2012/TT-BGTVT ngày 23/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu và động cơ nhập khẩu sử dụng để sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy (sau đây viết tắt là Thông tư số 44/2012/TT-BGTVT) và Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT ngày 05/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện (sau đây viết tắt là Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT).

Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm có căn cứ ban hành như sau:

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Bộ luật Hàng hải ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm.”

[2] Điểm này được bãi bỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2018.

[3] Điểm này được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 5 của Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2018.

[4] Điểm này được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 5 của Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2018.

[5] Điểm này được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 5 của Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2018.

[6] Điểm này được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 5 của Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2018.

[7] Điểm này được bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư số 19/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2009/TT-BGTVT ngày 15/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng, Thông tư số 44/2012/TT-BGTVT ngày 23/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu và động cơ nhập khẩu sử dụng để sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy và Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT ngày 05/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2014.

[8] Điều 4 của Thông tư số 19/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2009/TT-BGTVT ngày 15/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng, Thông tư số 44/2012/TT-BGTVT ngày 23/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu và động cơ nhập khẩu sử dụng để sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy và Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT ngày 05/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2014, quy định như sau:

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2014.”

Điều 10 của Thông tư số 42/2018/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2018, quy định như sau:

Điều 10. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2018.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

[9] Điều 5 của Thông tư số 19/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2009/TT-BGTVT ngày 15/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng, Thông tư số 44/2012/TT-BGTVT ngày 23/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe mô tô, xe gắn máy nhập khẩu và động cơ nhập khẩu sử dụng để sản xuất, lắp ráp xe mô tô, xe gắn máy và Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT ngày 05/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2014, quy định như sau:

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời về Bộ Giao thông vận tải để xem xét, giải quyết./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Văn bản hợp nhất 25/VBHN-BGTVT ngày 30/12/2019 hợp nhất Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.761

DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.156.58
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!