ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2289/QĐ-UBND
|
Bình Phước, ngày
01 tháng 10 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ
HOẠCH TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT KÊ ĐƠN THUỐC VÀ BÁN THUỐC KÊ ĐƠN
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2018-2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 4041/QĐ-BYT ngày 07/9/2017
của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán
thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020; Quyết định số 4448/QĐ-BYT ngày 03/10/2017 của
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành “Kế hoạch triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê
đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số
4041/QĐ-BYT ngày 07/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số
145/TTr-SYT ngày 18/9/2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế
hoạch triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn
trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020.(Đề án).
Điều 2. Các ông/bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh;
Giám đốc các Sở: Y tế, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng các sở,
ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Y tế;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- LĐVP, các phòng KGVX, TH;
- Lưu VP, TD35.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Tiến Dũng
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT KÊ ĐƠN THUỐC VÀ BÁN THUỐC KÊ ĐƠN GIAI ĐOẠN 2018 -
2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2289/QĐ-UBND ngày 01/10/2018 của Ủy ban nhân
dân tỉnh)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Cụ thể hóa những nội dung cơ bản của Đề án trên
địa bàn tỉnh, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân
dân trong tình hình mới.
- Xác định mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm và giải
pháp chủ yếu cho giai đoạn 2018 - 2020, phù hợp với tình hình phát triển kinh
tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu thực tế, nhằm từng bước đạt mục tiêu đề ra.
- Xác định rõ trách nhiệm đầu mối, phối hợp của các
cấp, các ngành trong từng hoạt động cụ thể để hiện thực các mục tiêu của Đề án.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng thuốc
an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, đặc biệt là người kê
đơn thuốc và người bán lẻ thuốc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật
về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, trọng tâm là thuốc kháng sinh, góp phần
giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
- Tăng tỷ lệ tuân thủ việc thực hiện đúng quy định
của pháp luật về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú:
+ Đạt 100% kê đơn thuốc đủ nội dung trong điều trị
ngoại trú đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện ngoài công lập và
đạt 80% đối với các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập khác.
+ Đạt 90% kê đơn thuốc đối với cơ sở khám, chữa
bệnh công lập, bệnh viện ngoài công lập và đạt 70% đối với các cơ sở khám, chữa
bệnh ngoài công lập khác.
- Tăng tỷ lệ thực hiện bán thuốc kháng sinh phải có
đơn thuốc: Đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.
III. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Các nhiệm vụ
1.1 Các hoạt động đảm bảo thực hiện đúng quy định
kê đơn thuốc
- Triển khai đào tạo, tập huấn về quy định kê đơn
thuốc; đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho các bác sỹ, y sỹ trực tiếp kê
đơn.
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận
thức của y sỹ, bác sỹ về việc kê đơn thuốc an toàn, hợp lý, trọng tâm là thuốc
kháng sinh và kháng thuốc kháng sinh.
- Ứng dụng và triển khai việc thực hiện kê đơn
ngoại trú điện tử trên địa bàn tỉnh để giảm các sai sót trong việc kê đơn thuốc
cho bệnh nhân ngoại trú.
- Kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực thi các
quy định về kê đơn thuốc ngoại trú tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn
tỉnh.
1.2 Các hoạt động đảm bảo thực hiện bán thuốc theo
đơn
- Triển khai đào tạo, tập huấn về quy định bán
thuốc theo đơn; đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho các dược sỹ trực tiếp
bán thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc.
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận
thức của dược sỹ về việc bán thuốc theo đơn đúng quy định.
- Ứng dụng phần mềm quản lý mua bán, sử dụng thuốc
tại các quầy thuốc, nhà thuốc để bảo đảm bán thuốc kê đơn đúng quy định, bảo
đảm thuốc có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và có chất lượng; đồng thời, công khai
minh bạch về giá cả.
- Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra
chuyên ngành tại các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn các huyện, thị xã nhằm
phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm các trường hợp hành nghề không có giấy phép;
các trường hợp vi phạm quy định về bán thuốc theo đơn.
1.3 Các hoạt động để nâng cao nhận thức, thay đổi
thái độ của người dân
- Truyền thông cho người dân về việc sử dụng thuốc
an toàn, hợp lý, tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc kê đơn, việc sử dụng kháng
sinh không hợp lý, hậu quả của kháng kháng sinh; và các lợi ích mang lại khi
khám bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.
- Triển khai mô hình bác sỹ gia đình hoạt động lồng
ghép với hoạt động khám chữa bệnh của phòng khám và các Trạm Y tế để tạo thuận
lợi cho người dân khám bệnh và được kê đơn trong các trường hợp mắc các bệnh
nhẹ và bệnh mãn tính.
1.4 Các hoạt động để đánh giá thực trạng về hoạt
động kê đơn và bán thuốc kê đơn trước khi can thiệp.
- Khảo sát về hoạt động kê đơn thuốc của người kê
đơn thuốc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và một số phòng khám đa khoa
tư nhân (tối thiểu 5 - 10 người/cơ sở).
- Khảo sát về hoạt động bán thuốc kê đơn của người
bán lẻ thuốc tại các nhà thuốc và quầy thuốc (tối thiểu 01 người/cơ sở bán lẻ
thuốc).
- Khảo sát về hoạt động mua thuốc kê đơn của người
mua thuốc tại nhà thuốc/quầy thuốc ngoài khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
(tối thiểu 200 người).
- Kiểm tra, đánh giá về hoạt động kê đơn thuốc và
bán thuốc kê đơn.
+ Kiểm tra, đánh giá hoạt động kê đơn thuốc ngoại
trú tại các cơ sở y tế điều trị công lập trong tỉnh và một số phòng khám đa
khoa tư nhân (chú trọng về sử dụng kháng sinh).
+ Kiểm tra, đánh giá hoạt động bán thuốc kê đơn tại
các nhà thuốc/quầy thuốc.
1.5 Các hoạt động để đánh giá kê đơn thuốc và bán
thuốc kê đơn sau khi có giải pháp can thiệp
- Khảo sát về hoạt động kê đơn thuốc và bán thuốc
kê đơn sau khi có giải pháp can thiệp.
+ Khảo sát nhận thức của người kê đơn thuốc về các
quy định của pháp luật liên quan đến kê đơn thuốc.
+ Khảo sát nhận thức của người bán lẻ thuốc về các
quy định của pháp luật liên quan đến bán thuốc kê đơn.
+ Khảo sát nhận thức của người mua thuốc về việc
mua thuốc và sử dụng thuốc.
- Kiểm tra, đánh giá về hoạt động kê đơn thuốc và
bán thuốc kê đơn.
+ Kiểm tra, đánh giá hoạt động kê đơn thuốc ngoại
trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
+ Kiểm tra, đánh giá hoạt động bán thuốc kê đơn tại
các nhà thuốc/quầy thuốc.
2. Các giải pháp
2.1 Giải pháp về truyền thông
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận
thức của cán bộ y tế trong tỉnh về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, trọng
tâm là thuốc kháng sinh và kháng thuốc kháng sinh.
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền về tác hại của
việc tự ý sử dụng thuốc kê đơn, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, hậu quả
của kháng kháng sinh, lợi ích mang lại khi khám bệnh tại các cơ sở khám, chữa
bệnh cho người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội
và hệ thống truyền thanh cơ sở.
2.2 Giải pháp về tập huấn, đào tạo
- Tập huấn cho người kê đơn thuốc
+ Đối tượng: Tất cả bác sỹ, y sỹ trực tiếp kê đơn
trên địa bàn tỉnh.
+ Nội dung: Phổ biến các văn bản quy phạm pháp
luật, các quy định về kê đơn thuốc và hướng dẫn sử dụng kháng sinh.
- Tập huấn cho người bán lẻ thuốc
+ Đối tượng: Tất cả dược sỹ phụ trách chuyên môn và
người trực tiếp bán hàng tại các cơ sở bán lẻ thuốc chữa bệnh.
+ Nội dung: Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật
và các quy định liên quan đến việc bán thuốc kê đơn; việc cần thiết thuyết phục
bệnh nhân khi mua thuốc phải mua đủ đơn thuốc, dùng thuốc đủ liều và tuân thủ
dùng đủ liều điều trị, đặc biệt là kháng sinh.
2.3 Giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin
- Xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ thông
tin để quản lý các cơ sở bán lẻ thuốc, cơ sở khám chữa bệnh; đồng thời, kết nối
giữa người dân, bác sỹ, dược sỹ, tạo thuận lợi cho người dân được kê đơn, mua
thuốc và được tư vấn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.
- Tiếp tục duy trì và áp dụng việc kê đơn điện tử
để kiểm soát được các trường hợp đơn thuốc kê quá nhiều thuốc, kê thuốc chưa
đúng liều, kê thực phẩm chức năng; đơn thuốc điện tử được in chữ rõ ràng, người
bệnh dễ đọc tên thuốc và việc mua, bán thuốc, hạn chế sai sót do nhầm lẫn chữ
viết.
- Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội giám sát
việc kê đơn qua phần mềm.
2.4 Giải pháp về tăng cường công tác thanh tra,
kiểm tra và xử lý vi phạm
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý
vi phạm trên cơ sở phân cấp quản lý theo quy định.
- Nguyên tắc chung xử lý sau kiểm tra:
+ Đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê đơn
thuốc và bán thuốc kê đơn của các cơ sở trước khi có giải pháp can thiệp, áp
dụng hình thức nhắc nhở.
+ Đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê đơn
thuốc và bán thuốc kê đơn của các cơ sở sau khi có giải pháp can thiệp kiểm tra
lần 1, áp dụng hình thức phạt tiền ở mức phạt tiền cao nhất theo quy định.
+ Đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê đơn
thuốc và bán thuốc kê đơn của các cơ sở sau khi có giải pháp can thiệp kiểm tra
từ lần 2 trở đi, ngoài việc áp dụng hình thức phạt tiền ở mức cao nhất, cơ sở
có các vi phạm khác trong việc thực hiện quy định của pháp luật trong hoạt động
kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc sẽ bị áp dụng mức phạt cao nhất đối với các hành
vi vi phạm khác.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Từ nguồn chi sự nghiệp y tế hàng năm và các nguồn
kinh phí khác.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực
hiện Kế hoạch;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn
thể liên quan và UBND các huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý nhà nước
trong quản lý hành nghề Y Dược; chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh, doanh nghiệp,
tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc chữa bệnh về công tác kê đơn thuốc và bán
thuốc kê đơn trên địa bàn tỉnh.
- Theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện, sơ
kết, tổng kết và đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hàng năm và giai đoạn.
2. Sở Tài chính
Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế
hoạch và quyết toán theo quy định.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
- Định hướng cho các cơ quan báo chí tăng cường
công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, các Trang
thông tin điện tử (website), bản tin của các cơ quan nhà nước, đoàn thể, doanh
nghiệp về Đề án.
- Thẩm định, cấp phép xuất bản các tài liệu không
kinh doanh, bản tin, và các hoạt động khác cho các tổ chức có nhu cầu liên quan
đến Đề án.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt
động thông tin, báo chí xuất bản liên quan đến thông tin tuyên truyền Đề án
trên địa bàn tỉnh.
4. Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh và các
tổ chức thành viên: Tích cực tham gia tuyên truyền, giám sát việc tổ chức
thực hiện Kế hoạch này.
5. UBND các huyện, thị xã
- Căn cứ nội dung Kế hoạch của UBND tỉnh để xây
dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch tại địa phương.
- Chỉ đạo Đài Truyền thanh - Truyền hình, Trạm
Truyền thanh tuyên truyền cho người dân về tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc
kê đơn, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, hậu quả của kháng kháng sinh, lợi
ích mang lại khi khám bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở bán lẻ
thuốc trên địa bàn thực hiện các quy định về bán thuốc kê đơn; xử lý vi phạm
theo các quy định hiện hành; định kỳ hàng năm báo cáo Sở Y tế tổng hợp.
- Bố trí nguồn ngân sách để thực hiện kế hoạch tại
địa phương.
Trên đây là nội dung Kế hoạch triển khai Đề án tăng
cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trên địa bàn tỉnh giai đoạn
2018 - 2020. UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực
hiện nghiêm túc. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Y tế để tổng
hợp báo cáo UBND tỉnh
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng
mắc, các đơn vị tổng hợp, gửi báo cáo Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh
xem xét, giải quyết./.