BAN
CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG
VỀ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 47/TWPCTT
V/v định hướng xây dựng
phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai.
|
Hà
Nội, ngày 19 tháng 05 năm 2015
|
Kính
gửi: Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các Bộ, ngành và các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương
Thực thi nhiệm vụ tại mục
a, khoản 4, Điều 22, Luật Phòng, chống thiên tai, trong khi chờ ban hành hướng
dẫn xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai. Để chủ động
ứng phó thiên tai năm 2015, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai định
hướng một số nội dung chính để Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu
nạn các Bộ, ngành và địa phương xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ
rủi ro thiên tai như sau:
1. Nguyên tắc xây dựng phương án
- Các Bộ, ngành và các địa phương căn
cứ tình hình, đặc điểm các loại hình thiên tai điển hình thường xảy ra tại địa
phương chủ động xây dựng phương án ứng phó cho phù hợp.
- Rà soát các loại hình thiên tai xảy
ra trên địa bàn từ cấp xã, huyện, tỉnh để xác định cấp độ rủi ro thiên tai
tương ứng.
- Việc xây dựng phương án ứng phó với
thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai là một nội dung mới, với nhiều loại hình
thiên tai, phạm vi rộng, phức tạp, nhiều dữ liệu đầu vào cần thu thập. Do vậy,
việc xây dựng phương án cần làm từng bước và rà soát, điều chỉnh, bổ sung hàng
năm cho phù hợp với tình hình thực tế. Trước mắt cần xây dựng phương án ứng phó
với thiên tai theo một số định hướng dưới đây để đáp ứng công tác phòng, chống
thiên tai năm 2015. Về lâu dài, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên
tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn sẽ xây dựng và ban hành hướng dẫn chi tiết
việc xây dựng phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai.
2. Định hướng nội dung xây dựng
phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai.
2.1. Căn cứ xây dựng phương án:
- Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13.
- Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 4/7/2014
của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng,
chống thiên tai.
- Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày
15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai.
- Các loại hình thiên tai và cấp độ rủi
ro thiên tai có khả năng xảy ra tại địa phương và lĩnh vực quản lý.
- Năng lực ứng phó thiên tai của tổ
chức cá nhân.
- Khả năng phối hợp và hỗ trợ của các
lực lượng và chính quyền các cấp.
2.2. Nội dung chính của phương
án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai:
- Bảo vệ công trình phòng, chống
thiên tai và công trình trọng điểm;
- Sơ tán, bảo vệ người, tài sản, bảo
vệ sản xuất;
- Bảo đảm an ninh trật tự, giao
thông, thông tin liên lạc;
- Phối hợp chỉ đạo, chỉ huy phòng
tránh, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
- Nguồn nhân lực ứng phó thiên tai;
- Dự trữ vật tư, phương tiện, trang
thiết bị, nhu yếu phẩm.
2.3. Các biện pháp cơ bản ứng
phó với thiên tai: Thực hiện theo Điều
26 Luật Phòng, chống thiên tai, cụ thể:
2.3.1. Biện pháp cơ bản ứng phó đối
với bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng, sạt lở đất
do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy được quy định
như sau:
- Sơ tán người ra khỏi khu vực nguy
hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn
cho người, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương trong tình huống thiên tai khẩn
cấp;
- Di chuyển tàu thuyền, phương tiện
nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, trên sông ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ
chức kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu hoặc thực hiện biện pháp khác để bảo
đảm an toàn;
- Thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn
đối với nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học, kho tàng, công trình và cơ sở
kinh tế, an ninh, quốc phòng;
- Chủ động thực hiện biện pháp bảo vệ
sản xuất;
- Kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố
công trình phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội và
an ninh, quốc phòng;
- Giám sát, hướng dẫn và chủ động thực
hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm trên
sông, trên biển, khu vực và tuyến đường bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở
đất do mưa lũ hoặc dòng chảy và khu vực nguy hiểm khác;
- Bảo đảm giao thông và thông tin
liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai;
- Thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn,
cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu
yếu phẩm khác tại khu vực bị chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm
sơ tán;
- Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã
hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân tại khu vực xảy ra thiên tai;
- Huy động khẩn cấp và tuân thủ quyết
định chỉ đạo, huy động khẩn cấp về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị,
nhu yếu phẩm để kịp thời ứng phó với thiên tai.
2.3.2. Biện pháp cơ bản ứng phó đối
với hạn hán và xâm nhập mặn được quy định như sau:
- Điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật
nuôi, mùa vụ phù hợp với dự báo, cảnh báo và tình hình diễn biến hạn hán và xâm
nhập mặn;
- Vận hành hợp lý hồ chứa nước, công
trình cấp nước, ưu tiên cấp nước sinh hoạt; sử dụng tiết kiệm, chống thất thoát
nước;
- Ưu tiên cung cấp điện và vật tư,
nhiên liệu cần thiết cho các trạm bơm;
- Tổ chức quan trắc độ mặn, điều hành
đóng mở cống lấy nước và ngăn mặn phù hợp với tình huống cụ thể.
2.3.3. Biện pháp cơ bản ứng phó đối
với sương muối, rét hại được quy định như sau:
- Triển khai biện pháp chống; rét cho
người, đặc biệt cho đối tượng dễ bị tổn thương;
- Triển khai chống; rét và bảo đảm
nguồn thức ăn cho gia súc;
- Triển khai biện pháp bảo vệ cây trồng
phù hợp.
2.3.4. Biện pháp cơ bản ứng phó đối
với động đất, sóng thần được quy định như sau:
- Chủ động trú, tránh, bảo đảm an
toàn khi xảy ra động đất;
- Chủ động sơ tán ra khỏi khu vực chịu
ảnh hưởng của sóng thần;
- Tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa
người bị thương;
- Bố trí nơi ở tạm, hỗ trợ lương thực,
thuốc chữa bệnh, nước uống, nhu yếu phẩm khác cho người dân bị ảnh hưởng;
- Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã
hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân tại khu vực xảy ra thiên tai.
2.3.5. Đối với nắng nóng, lốc,
sét, mưa đá và các loại thiên tai khác thì căn cứ vào dự báo, cảnh báo, tính chất
và diễn biến thực tế của từng loại thiên tai, chủ động triển khai biện pháp ứng
phó phù hợp với tình huống cụ thể.
2.4. Phân công, phân cấp trách
nhiệm ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai: Thực hiện theo Mục 2, Nghị định 66/2014/NĐ-CP, cụ
thể:
- Thiên tai cấp độ 1: Xây dựng phương
án ứng phó thiên tai chủ yếu ở cấp xã, cấp huyện (Điều 7, Nghị định
số 66/2014/NĐ-CP).
- Thiên tai cấp độ 2: Phương án ứng
phó với thiên tai được xây dựng từ cấp xã, cấp huyện đến cấp tỉnh (Điều 8, Nghị định số 66/2014/NĐ-CP).
- Thiên tai cấp độ 3: Xây dựng phương
án ứng phó thiên tai từ cấp xã đến Trung ương (Điều 9 Nghị định
số 66/2014/NĐ-CP quy định phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp cụ thể
giữa Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT; Ủy ban Quốc gia TKCN, BCH PCTT và TKCN các
Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND, Trưởng ban BCH
PCTT và TKCN cấp tỉnh, huyện, xã).
- Thiên tai cấp độ 4:
+ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ,
cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương liên quan triển
khai các biện pháp ứng phó thiên tai.
+ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống
thiên tai chịu trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện
pháp ứng phó thiên tai.
+ Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn bố
trí sẵn sàng các lực lượng ứng phó thiên tai, điều phối các hoạt động ứng phó
thiên tai theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang
Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp ứng phó
thiên tai trong phạm vi quản lý, đồng thời tham gia ứng phó thiên tai theo sự
chỉ đạo và huy động của Thủ tướng; Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng,
chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng
ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh có trách
nhiệm chỉ huy, huy động nguồn lực theo thẩm quyền triển khai các biện pháp ứng
phó thiên tai trên địa bàn, tuân thủ sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ
đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng
ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và cấp xã
thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số
66/2014/NĐ-CP phù hợp với tình huống cụ thể tại địa phương; tuân thủ sự chỉ
đạo, chỉ huy của cơ quan cấp trên.
- Thiên tai cấp độ 5 (tình trạng khẩn
cấp về thiên tai):
+ Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch
nước ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai.
+ Việc phân công, phân cấp trách nhiệm
và phối hợp thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.
3. Một số yêu cầu chính về sản phẩm
của phương án:
- Phương án ứng phó thiên tai theo cấp
độ rủi ro thiên tai gồm thuyết minh phương án, các bảng biểu và được thể hiện
trên bản đồ (tốt nhất là bản đồ số) để thuận tiện trong quyết định chỉ đạo, điều
hành, cập nhật, điều chỉnh phương án.
- Phương án ứng phó thiên tai theo cấp
độ rủi ro thiên tai được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 4, Điều 22, Luật Phòng, chống thiên tai.
Trên đây là một số nội dung bước đầu
định hướng xây dựng phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên
tai của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai gửi Ban Chỉ huy PCTT
và TKCN các Bộ, ngành và các địa phương để triển khai thực hiện. Trong quá
trình xây dựng phương án nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời
về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (qua Văn phòng thường trực)
để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng - Trưởng ban xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng - Trưởng ban (để b/c);
- Ủy ban QGTKCN;
- Ban Chỉ huy PCTT các Bộ, ngành, địa phương;
- Lưu VT, NVTH-3b.
|
KT. TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN
Hoàng Văn Thắng
|