ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
3574/QĐ-UBND
|
Quảng Nam,
ngày 29 tháng 11 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH “KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG
KIỂM SOÁT KÊ ĐƠN THUỐC VÀ BÁN THUỐC KÊ ĐƠN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số
4041/QĐ-BYT ngày 07/9/2017 của Bộ Y tế phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê
đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020;
Căn cứ Quyết định số
4448/QĐ-BYT ngày 03/10/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành “Kế hoạch triển khai Đề
án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020
theo Quyết định số 4041/QĐ-BYT ngày 07/9/2017 của Bộ Y tế phê duyệt Đề án tăng
cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020”;
Theo đề nghị của Sở Y tế tại
Tờ trình số 1753/TTr-SYT ngày 15/11/2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Kế hoạch
triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trên địa
bàn tỉnh Quảng Nam”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám
đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân
dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Y tế;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, KGVX. D:\QUANG VX\Năm 2018\Quyếtđịnh\
QĐBHKEHOACHTCKSKEDONTHUOC.docx
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Thanh
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG KIỂM
SOÁT KÊ ĐƠN THUỐC VÀ BÁN THUỐC KÊ ĐƠN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Kèm theo Quyết định số 3574 /QĐ-UBND ngày 29 / 11 / 2018 của UBND tỉnh)
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
Thuốc có
vai trò rất quan trọng trong việc điều trị và phòng bệnh. Tuy nhiên, do thuốc
có những tác dụng phụ và nhiều khi là những tác dụng ngoài ý muốn, có thể gây
ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe như: shock phản vệ, phản ứng quá mẫn,
làm tổn thương chức năng các mô trong cơ thể... Việc dùng thuốc một cách tự ý,
không có sự hướng dẫn của thầy thuốc có thể dẫn đến những hậu quả xấu cho bản
thân và xã hội như: kéo dài thời gian điều trị, tăng chi phí điều trị, đặc biệt
là gia tăng tình trạng kháng kháng sinh.
Tại Việt
Nam, mặc dù Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn và chỉ đạo tăng cường
giám sát hoạt động kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, nhưng đến nay thực trạng
kê đơn thuốc và sử dụng thuốc ở Việt Nam cũng như trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn
còn nhiều tồn tại: tình trạng lạm dụng kháng sinh, vitamin, kê quá nhiều thuốc
cho một đơn thuốc, kê đơn thuốc theo tên thương mại đối với trường hợp thuốc
không có nhiều hoạt chất...vẫn còn diễn ra; ghi nội dung hướng dẫn sử dụng thuốc
cho bệnh nhân vẫn còn sai sót, chưa đầy đủ về hàm lượng, liều dùng, đường dùng,
thời điểm dùng; thông tin bệnh nhân chưa đầy đủ... Bên cạnh đó, tình trạng các
cơ sở bán lẻ thuốc tự ý bán thuốc cho khách hàng mà không có đơn thuốc của thầy
thuốc đang diễn ra tràn lan.
Thực trạng
trên làm cho việc sử dụng thuốc của người dân đối mặt với nguy cơ kém hiệu quả,
không đảm bảo hợp lý và mất an toàn.
Nguyên nhân
của việc kê đơn thuốc điều trị ngoại trú chưa đảm bảo đầy đủ theo quy định là
do các thầy thuốc chưa được quán triệt đầy đủ các quy định, yêu cầu chuyên môn
và pháp lý của một đơn thuốc, ý thức tuân thủ quy chế chuyên môn chưa cao.
Nguyên nhân
của việc bán thuốc mà không có đơn thuốc là do người dân chưa nhận thức đầy đủ
về sự nguy hại trong việc tự ý dùng thuốc; do chủ cơ sở bán lẻ muốn tối đa
doanh thu, không tư vấn đầy đủ cho người mua thuốc; do nhân lực của cơ quan quản
lý còn hạn chế, chưa tổ chức kiểm tra giám sát hiệu quả số lượng cơ sở bán lẻ
thuốc quá lớn trong tỉnh. Ngoài ra, chế tài xử phạt các vi phạm trong thực hiện
quy chế kê đơn và bán thuốc kê đơn hiện nay vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn
đe.
Để thực hiện
ngày càng tốt hơn mục tiêu sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả cho người
dùng, góp phần ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh, nâng cao chất lượng điều
trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội, việc triển khai
Kế hoạch thực hiện “Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê
đơn” ban hành kèm theo Quyết định số 4041/QĐ-BYT ngày 07/9/2017 của Bộ Y tế
trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là rất cần thiết.
II. MỤC TIÊU
1. Mục
tiêu chung
Nâng cao nhận
thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và nâng cao trách nhiệm
của cán bộ y tế, đặc biêt là người trực tiếp kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong
việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, trọng
tâm là thuốc kháng sinh, qua đó góp phần làm giảm tình trạng kháng kháng sinh,
lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý.
2. Mục
tiêu cụ thể
a) Phấn đấu
đến năm 2020, tăng tỷ lệ tuân thủ các quy định của pháp luật về kê đơn thuốc
trong điều trị ngoại trú, cụ thể:
- 100% kê
đơn thuốc ngoại trú đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế đối với cơ sở khám chữa
bệnh công lập, bệnh viện tư nhân; 80% đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân
khác.
- 90% đơn
thuốc có sử dụng kháng sinh đối với cơ sở khám chữa bệnh công lập, bệnh viện tư
nhân; 70% đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân khác tuân thủ đúng các quy định
của Bộ Y tế về hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong điều trị các bệnh nhiễm
trùng.
b) Tăng tỷ
lệ thực hiện bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc
Đến cuối
năm 2020, đạt 100% cơ sở bán thuốc kháng sinh phải lưu đơn thuốc tại quầy thuốc,
nhà thuốc.
c) Tăng tỷ
lệ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kinh doanh thuốc
Đến cuối
năm 2020:
- 100% cơ sở
bán lẻ thuốc sử dụng phần mềm quản lý thuốc kê đơn.
- Trên 70%
cơ sở bán lẻ thuốc sử dụng phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh thuốc.
III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Khảo
sát thực trạng hoạt động kê đơn và bán thuốc theo đơn
a) Đối tượng
khảo sát:
- Nhà thuốc,
quầy thuốc trong và ngoài cơ sở khám, chữa bệnh.
- Bệnh viện
công lập, bệnh viện tư nhân, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân khác.
- Người bán
lẻ thuốc.
- Người kê
đơn thuốc.
- Người mua
thuốc: 18 tuổi trở lên đồng ý phỏng vấn.
b) Địa bàn:
Tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
c) Cỡ mẫu:
Tất cả bệnh viện đa khoa và bệnh viện chuyên khoa công lập, 02 bệnh viện tư
nhân, 05 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân khác, 200 nhà thuốc, quầy thuốc (trong đó
100% quầy thuốc trong khuôn viên bệnh viện được khảo sát).
d) Nội dung
khảo sát:
- Đối với
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
+ Khảo sát
nhận thức của người kê đơn thuốc về thực hiện các quy định của pháp luật liên
quan đến việc kê đơn thuốc.
+ Khảo sát,
đánh giá hoạt động kê đơn thuốc ngoại trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập
và ngoài công lập.
- Đối với
nhà thuốc và quầy thuốc:
+ Khảo sát
nhận thức của người bán lẻ thuốc về thực hiện các quy định của pháp luật liên
quan đến bán thuốc kê đơn.
+ Khảo sát
nhận thức về cách sử dụng thuốc của người mua thuốc.
+ Khảo sát,
đánh giá hoạt động bán thuốc kê đơn tại các nhà thuốc, quầy thuốc.
đ) Công cụ
khảo sát, đánh giá: Sử dụng bộ công cụ khảo sát, kiểm tra về kê đơn thuốc và
bán thuốc kê đơn do Bộ Y tế ban hành.
2. Thông
tin, truyền thông
Kết hợp đa
dạng hình thức tuyên truyền, truyền thông nhằm:
- Chuyển tải
các thông tin cần thiết đến cán bộ y tế, người kê đơn nhằm nâng cao nhận thức
và tuân thủ thực hiện các quy định của pháp luật về kê đơn thuốc hợp lý và an
toàn.
- Tuyên
truyền sâu rộng trong cộng đồng giúp người dân nhận thức đúng về tác hại của việc
tự ý sử dụng thuốc, sử dụng kháng sinh không hợp lý để cải thiện hành vi sử dụng
thuốc hợp lý, an toàn.
3. Tập
huấn, đào tạo
- Tổ chức tập
huấn cho 100% người kê đơn tại các cơ sở y tế công lập, tư nhân trên địa bàn tỉnh
về các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định liên quan đến việc kê đơn thuốc
và hướng dẫn sử dụng kháng sinh hiện hành.
- Tổ chức tập
huấn cho 100% chủ cơ sở và người bán lẻ thuốc tại các nhà thuốc, quầy thuốc về
các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định liên quan đến việc bán thuốc kê
đơn hiện hành; trách nhiệm hướng dẫn, thuyết phục người bệnh khi mua thuốc phải
có đơn thuốc, mua đủ chủng loại, số lượng thuốc kê trong đơn thuốc và dùng thuốc
theo đúng hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.
4. Kiểm
tra, kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn
a) Đối với
các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
- Tăng cường
kiểm tra, kiểm soát và xử lý sai sót trong việc kê đơn thuốc, sử dụng thuốc
kháng sinh trong điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh.
- Giao
trách nhiệm cho Hội đồng Thuốc và Điều trị các bệnh viện (cả công lập và tư
nhân) kiểm soát thường xuyên và kịp thời chấn chỉnh các sai sót trong kê đơn
thuốc điều trị ngoại trú của đơn vị.
b) Đối với
cơ sở bán lẻ thuốc:
- Kiểm tra
việc tuân thủ các quy định về bán thuốc kê đơn, việc thực hiện hướng dẫn khách
hàng sử dụng thuốc theo đơn.
- Kiểm tra
việc lưu đủ đơn thuốc đã bán cho khách hàng.
- Xử lý các
vi phạm theo quy định.
5. Ứng dụng
công nghệ thông tin trong quản lý kinh doanh thuốc, quản lý hoạt động kê đơn và
bán thuốc kê đơn
- Xây dựng
các tiêu chí kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn và quản lý hoạt động kê
đơn, bán thuốc kê đơn.
- Chọn thầu
đơn vị cung ứng phần mềm quản lý hoạt động kê đơn, bán thuốc kê đơn đúng quy định
pháp luật.
- Hướng dẫn,
giám sát hỗ trợ các đơn vị kinh doanh thuốc cài đặt, sử dụng phần mềm quản lý
hoạt động kê đơn, bán thuốc kê đơn đạt tiến độ, mục tiêu đề ra.
IV. THỜI GIAN VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Thời
gian
- Năm 2018:
Thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai Đề án tăng cường
kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
- Năm 2019:
Triển khai các hoạt động: truyền thông, tập huấn, đào tạo, giám sát hỗ trợ ứng
dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động mua, bán thuốc kê đơn tại các
cơ sở kinh doanh thuốc tân dược.
- Năm 2020:
+ Hàng quý
thực hiện kiểm tra, kiểm soát, đánh giá việc thực hiện kê đơn thuốc và bán thuốc
kê đơn sau khi có giải pháp can thiệp.
+ Kiện toàn
ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động kê đơn và bán thuốc kê đơn
trên địa bàn tỉnh.
+ Tổng kết,
đánh giá kết quả thực hiện và duy trì các mục tiêu của Đề án.
2. Kinh
phí: Sử dụng ngân sách tỉnh và kinh phí do các cơ sở
kinh doanh thuốc đảm bảo.
a) Nguồn
ngân sách tỉnh bố trí kinh phí chi sự nghiệp hàng năm để triển khai thực hiện kế
hoạch.
b) Kinh phí
do các cơ sở kinh doanh thuốc đảm bảo đầu tư thiết bị công nghệ thông tin và áp
dụng phần mềm quản lý hoạt động kê đơn và bán thuốc kê đơn tại các cơ sở kinh
doanh thuốc.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y
tế
- Thành lập
Ban Chỉ đạo thực hiện “Kế hoạch triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn
thuốc và bán thuốc kê đơn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”.
- Tham mưu Ủy
ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp triển
khai thực hiện thành công các mục tiêu của Kế hoạch đề ra.
- Tổ chức
khảo sát, đánh giá nhận thức, hành vi của người dân, người bán thuốc, người kê
đơn về sử dụng thuốc, hoạt động kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn theo đúng hướng
dẫn của Bộ Y tế, làm cơ sở xây dựng các hoạt động hàng năm sát thực tế.
- Phối hợp
các Sở, ngành, địa phương, đoàn thể liên quan triển khai tuyên truyền rộng rãi
cho cộng đồng để có nhận thức tốt và chủ động thực hiện sử dụng thuốc phải theo
đơn thuốc và hướng dẫn sử dụng của cán bộ y tế.
- Tổ chức tập
huấn, đào tạo các đối tượng liên quan để thực hiên nghiêm các quy định về kê
đơn thuốc, bán thuốc kê đơn, sử dụng kháng sinh.
- Kiểm tra
định kỳ, đột xuất, xử lý các vi phạm về kê đơn thuốc, bán thuốc kê đơn, sử dụng
kháng sinh theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
- Hợp đồng
cung ứng phần mềm quản lý hoạt động kê đơn và bán thuốc kê đơn trên địa bàn tỉnh
đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn, quản lý và tuân thủ đúng quy định của pháp
luật hiện hành.
- Lập dự
toán kinh phí triển khai các hoạt động của kế hoạch, gửi Sở Tài chính thẩm định,
trình Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kế hoạch chi sự nghiệp hàng năm, quản lý, sử
dụng kinh phí đúng quy định.
2. Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Kịp thời
chia sẻ dữ liệu với Sở Y tế về quản lý, sử dụng kháng sinh và tình trạng kháng
kháng sinh trong chăn nuôi để tham mưu cho cấp có thẩm quyền chỉ đạo các biện
pháp ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh hiện nay.
3. Sở
Tài chính
- Tham mưu Ủy
ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí chi sự nghiệp hàng năm để triển khai các hoạt
động của kế hoạch.
- Hướng dẫn,
kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí đảm bảo đúng quy định.
4. Sở
Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các
cơ quan truyền thông đại chúng trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế
thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến cộng đồng các hướng dẫn về sử dụng thuốc hợp
lý, an toàn theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn; quy định của pháp luật về xử
lý các vi phạm trong hoạt động kê đơn, bán thuốc kê đơn.
5. Thanh
tra tỉnh
Hướng dẫn
và phối hợp Sở Y tế thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động kê
đơn thuốc, bán thuốc kê đơn trên địa bàn tỉnh.
6. Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Phối hợp với
Sở Y tế triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Kế hoạch trên địa
bàn quản lý.
7. Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể thành viên
Đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể thành viên tích cực phối hợp
với Sở Y tế triển khai truyền thông cho hội viên và cộng đồng có nhận thức tốt
về sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho nhân
dân.
Trên đây là
“Kế hoạch triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê
đơn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở,
ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyên, thị xã, thành phố triển
khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc, kịp thời
phản ánh về Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết./.