Kính
gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương.
Thực hiện điểm a, khoản 3 Tờ trình Bộ
số 369/TTr-PC ngày 1/12/2020 về việc triển khai kế hoạch kiểm tra tình hình thực
hiện và đánh giá thi hành các quy định của Nghị định số 50/2010/NĐ-CP quy định
chi tiết thi hành Luật Thuế tài nguyên và Thông tư số 152/2015/TT-BTC hướng dẫn
về thuế tài nguyên: “Tăng cường công tác
phối hợp giữa cơ quan thuế, cơ quan tài nguyên và môi trường và các cơ quan
khác trong việc cấp phép, kiểm tra, quản
lý hoạt động khai thác tài nguyên, nhất là tài nguyên khoáng sản; xây dựng bảng giá tính thuế tài nguyên.” đã được lãnh đạo Bộ Tài chính phê duyệt; Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế
các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý thu thuế tài nguyên,
trong đó chú trọng đẩy mạnh các công tác sau:
1) Về công tác kiểm
tra, thanh tra về thuế tài nguyên:
Căn cứ Điều 109 về
kiểm tra thuế tại trụ sở của cơ quan quản lý thuế; Điều 110
về kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế; Điều 113 về
trường hợp thanh tra thuế tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; và điểm k, khoản 2, Điều 5 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày
19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;
Căn cứ khoản 6, khoản
7, Điều 5 Thông tư số 152/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về Cơ chế
phối hợp giữa cơ quan thuế, cơ quan Tài nguyên và môi trường về quản lý hoạt động
khai thác khoáng sản tại địa phương; doanh nghiệp khai thác, xuất khẩu tài nguyên khoáng sản;
Để tăng cường quản lý thuế tài nguyên
đối với người khai thác chế biến khoáng sản, ngăn ngừa sai sót, gian lận, đề
nghị Cục Thuế tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành kê khai, nộp
thuế tài nguyên, kết hợp với kiểm tra, thanh tra thuế giá trị gia tăng, thuế
thu nhập doanh nghiệp, công tác sử dụng hóa đơn để rà soát
xác định đối tượng nộp thuế tài nguyên, sản lượng chịu thuế và giá tính thuế
tài nguyên thực hiện chặt chẽ qua các khâu:
(i) Kiểm tra thuế tại trụ sở của cơ
quan quản lý thuế;
(ii) Kiểm tra thuế tại trụ sở của người
nộp thuế;
(iii) Thực hiện thanh tra thuế theo
quy định của pháp luật.
Việc kiểm tra, thanh tra cần chú trọng
công tác rà soát nội dung về đối tượng nộp thuế, sản lượng chịu thuế và giá
tính thuế tài nguyên được nêu tại điểm 2 dưới đây.
2) Về xác định người
nộp thuế, sản lượng chịu thuế tài nguyên, giá tính thuế tài nguyên:
Tăng cường rà soát người nộp thuế tài
nguyên, sản lượng tài nguyên, khoáng sản thực tế khai thác để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước; Căn cứ hồ sơ khai,
nộp thuế tài nguyên của người khai thác tài nguyên, khoáng sản do Cục Thuế trực
tiếp quản lý và Chi cục Thuế trực tiếp quản lý, Cục Thuế
thu thập số liệu về người nộp thuê tài nguyên, sản lượng tài nguyên, khoáng sản
thực tế khai thác bao gồm dữ liệu do các Chi cục Thuế chuyển đến, tổ chức đối
chiếu với hồ sơ thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, khoáng sản (theo
văn bản phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, khoáng sản do cơ
quan tài nguyên và môi trường gửi đến Cục Thuế) do Cục Thuế đang quản lý thu để
xác định:
a) Người nộp thuế tài nguyên, gồm:
(i) Người nộp thuế tài nguyên, đã quản lý thu tiền cấp quyền khai thác tài
nguyên nước, khoáng sản; (ii) Người thuộc diện quản lý thu tiền cấp quyền khai
thác tài nguyên nước, khoáng sản, nhưng chưa kê khai nộp thuế tài nguyên; (iii)
Người nộp thuế tài nguyên, nhưng chưa quản lý thu tiền cấp quyền khai thác tài
nguyên nước, khoáng sản, để xác định người thuộc diện phải kê khai nộp thuế tài
nguyên, kết hợp việc xác định sản lượng tài nguyên chịu thuế tài nguyên.
b) Chú trọng việc đối chiếu, xác định
sản lượng tài nguyên, khoáng sản thực tế chịu thuế tài nguyên:
b1) Đối với người
nộp thuế tài nguyên đã được quản lý thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản:
Căn cứ sản lượng mỗi loại khoáng sản
khai thác trên Tờ khai quyết toán thuế tài nguyên năm, đối chiếu với trữ lượng
tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tương ứng của năm theo Quyết định phê
duyệt (hoặc điều chỉnh) tiền cấp quyền khai thác khoáng sản do cơ quan tài
nguyên và môi trường chuyển đến (theo quy định tại Điều 6 Nghị định
số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính,
mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản), để xác minh tính phù hợp của sản
lượng khoáng sản kê khai nộp thuế tài nguyên của năm khai thác, với Trữ lượng
tài nguyên được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác của năm.
Trường hợp phát sinh chênh lệch về sản
lượng loại khoáng sản khai thác trên Tờ khai quyết toán thuế tài nguyên năm, với
Trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của năm, tiến hành xác định
nguyên nhân chênh lệch tăng hoặc chênh lệch giảm sản lượng khoáng sản khai thác
kê khai nộp thuế trong năm, so với Trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác
khoáng sản (sản lượng được cấp phép khai thác của năm), đảm bảo thu đúng, thu đủ
thuế tài nguyên vào ngân sách nhà nước.
Việc xác định nguyên nhân chênh lệch
được căn cứ hồ sơ thiết kế khai thác khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền phê duyệt về: Quy trình khai thác, sàng, tuyển, chế biến khoáng sản; hệ số
thu hồi khoáng sản qua sàng, tuyển; định mức sử dụng khoáng sản trong chế biến
khoáng sản; phương pháp quy đổi trữ lượng khoáng sản, quy đổi sản lượng tài
nguyên tính thuế; xác định sản lượng tài nguyên đồng hành thu được từ hoạt động
khai thác khoáng sản theo Giấy phép khai thác; sản lượng khoáng sản khai thác chưa thu hồi chưa kê khai nộp thuế tài nguyên, mà được tập
kết, bảo quản theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
Đối với trường hợp loại khoáng sản có
quy trình khai thác, công nghệ chế biến phức tạp, Cục Thuế phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương; Sở Khoa học
và Công nghệ của địa phương phối hợp xác minh sản lượng khoáng sản thực tế chịu
thuế tài nguyên theo pháp luật về thuế tài nguyên.
b2) Đối với người khai thác tài
nguyên, khoáng sản chưa kê khai nộp thuế tài nguyên:
Cục Thuế liên hệ, trao đổi thông tin
làm rõ nguyên nhân chưa kê khai nộp thuế tài nguyên để quản lý thu thuế:
- Trường hợp phát sinh sản lượng tài
nguyên, khoáng sản khai thác, nhưng chưa kê khai nộp thuế tài nguyên theo quy định
thì tổ chức kiểm tra, thanh tra truy thu thuế tài nguyên và xử lý theo quy định
của pháp luật về thuế.
- Trường hợp chưa phát sinh sản lượng
tài nguyên, khoáng sản khai thác, do chưa được bàn giao mặt bằng, do chưa đáp ứng
quy trình công nghệ khai thác hoặc do các nguyên nhân khách quan khác thì đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan cho Cục Thuế hoặc Cục Thuế
phối hợp với cơ quan chức năng xác minh, làm rõ khi cần thiết.
b3) Đối với người khai thác tài
nguyên không thuộc diện phải cấp Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của
pháp luật về khoáng sản:
Căn cứ hồ sơ khai thuế tài nguyên, Cục
Thuế rà soát người khai thác khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp
Giấy phép khai thác khoáng sản và người không phải làm thủ tục cấp Giấy phép
khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản, như: Người thi
công công trình xây dựng; thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh..., có
thu được tài nguyên dùng để tiêu thụ, thuộc diện nộp thuế tài nguyên, (gồm cả
khai thác tài nguyên làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác tài nguyên
nhỏ, lẻ ...) để quản lý thu thuế tài nguyên theo quy định của pháp luật về thuế
tài nguyên.
Đồng thời, Cục Thuế trao đổi thông
tin đến Sở Tài nguyên và Môi trường để rà soát, lập hồ sơ báo cáo cơ quan nhà
nước có thẩm quyền để phối hợp quản lý tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
theo quy định của pháp luật về khoáng sản và thuế tài nguyên theo quy định của
pháp luật.
c) Về giá tính thuế tài nguyên: Việc
xác định giá tính thuế tài nguyên đối với từng trường hợp được quy định cụ thể
tại Điều 6 Thông tư số 152/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Riêng việc xác định giá tính thuế tài
nguyên đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà phải qua sản xuất, chế biến
thành sản phẩm sản phẩm công nghiệp mới bán ra theo hướng dẫn tại khoản
3 Điều 6 Thông tư số 152/2015/TT-BTC, lưu ý thêm việc xác định chi phí
chế biến phát sinh của công đoạn chế biến từ
sản phẩm tài nguyên thành sản phẩm công nghiệp được trừ khỏi giá bán sản phẩm công nghiệp để xác định giá tính thuế
tài nguyên thì cần đối chiếu với các khoản chi được trừ và không được trừ khi
xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài
chính, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc giá tính thuế tài nguyên không thấp hơn
giá tính thuế do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đối với loại tài nguyên.
3) Tăng cường cơ chế
phối hợp với giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên và môi trường, cơ quan tài
chính:
Căn cứ khoản 5, Điều 4
Nghị định số 12/2015/NĐ-CP; Điều 6 Thông tư số
44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định
khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý,
hóa giống nhau; khoản 6, Điều 5, Điều 6 và Điều 13 Thông tư số
152/2015/TT-BTC ngày 02/10/2015 của Bộ Tài chính hướng
dẫn về thuế tài nguyên, đối với địa phương chưa xây dựng Cơ chế phối hợp giữa
cơ quan thuế, cơ quan Tài nguyên và Môi trường quản lý hoạt động khai thác
khoáng sản, Cục Thuế báo cáo UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp
thực hiện:
- Xây dựng, rà soát hoàn thiện cơ chế
phối hợp giữa cơ quan thuế, cơ quan Tài nguyên và Môi trường quản lý hoạt động
khai thác khoáng sản tại địa phương trình UBND cấp tỉnh ban hành; trong đó tăng
cường trao đổi thông tin về công tác quản lý thuế tài nguyên, quản lý thu tiền
cấp quyền khai thác khoáng sản, quản lý công tác cấp Giấy phép khoáng sản.
- Tổ chức trao đổi thông tin về người
khai thác tài nguyên, về người khai thác khoáng sản không thuộc diện phải cấp
Giấy phép khai thác khoáng sản, để quản lý thuế tài nguyên đồng bộ với quản lý
thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các khoản thu khác liên quan, như:
Người thi công công trình xây dựng; thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh
doanh..., có thu được tài nguyên dùng để tiêu thụ, thuộc diện nộp thuế tài
nguyên, (gồm cả khai thác tài nguyên làm vật liệu xây dựng thông thường, khai
thác tài nguyên nhỏ, lẻ ...). Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan ở địa
phương rà soát, lập hồ sơ quản lý thu thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai
thác khoáng sản theo quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Sở
Tài nguyên và môi trường, Cục Thuế thường xuyên rà soát biến động giá bán trên
thị trường của mỗi loại tài nguyên, khoáng sản để lập
phương án giá tính thuế tài nguyên báo cáo Bộ Tài chính có ý kiến làm căn cứ điều
chỉnh Bảng giá tính thuế tài nguyên cho phù hợp với biến động
của thị trường.
Đối với loại tài nguyên, khoáng sản mới
chưa có trong Bảng giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh ban hành. Sở Tài
chính chủ trì thu thập thông tin về giá thị trường của loại tài nguyên, khoáng
sản mới làm cơ sở lập phương án xây dựng Bảng giá tính thuế tài nguyên trình
UBND cấp tỉnh ban hành chậm nhất là ngày 31/12 để công bố áp dụng từ ngày 01/01
năm tiếp theo liền kề khoản 5, Điều 6 Thông tư số
152/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
- Chậm nhất là
30 ngày, kể từ ngày có phát sinh các trường hợp điều chỉnh, bổ sung Bảng giá
tính thuế tài nguyên, Sở Tài chính gửi về Bộ Tài chính thông tin đối với các
trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung khung giá tính thuế tài nguyên để làm căn cứ điều chỉnh Khung giá tính thuế tài nguyên theo quy định tại
khoản 4, Điều 6 Thông tư số 44/2017/TT-BTC.
Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế
được biết./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục QLCS, Vụ PC, CST (BTC);
- Vụ PC; KKKTT, DNL, TTKT (TCT);
- Lưu; VT, CS.
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Vũ Xuân Bách
|