Kính
gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng
Bộ Thông tin và Truyền thông
(TT&TT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng do Văn phòng Chính phủ
chuyển đến theo công văn số 3864/VPCP-QHĐP ngày 23/6/2022 và Ban Dân nguyện
chuyển đến theo công văn số 487/BDN ngày 14/6/2022, nội dung kiến nghị như sau:
Câu 1: Cử tri kiến
nghị Chính phủ trình Quốc hội có tỷ lệ % chi ngân sách dành cho chương trình
chuyển đổi số và có chế độ ưu đãi với nguồn nhân lực công nghệ thông tin, nhân
lực có trình độ cao về công nghệ thông tin làm trong cơ quan nhà nước, có chế độ
thu hút nhân tài trong lĩnh vực chuyển đổi số. Đẩy mạnh chương trình khoa học
công nghệ, chuyển đổi số để hỗ trợ cho các cơ quan Nhà nước sớm hoàn thành chương
trình chuyển đổi số tại địa phương trong các ngành như du lịch, logistics, nông
nghiệp, y tế, năng lượng... Thành công cuối cùng của chuyển đổi số quốc gia
chính là việc người dân được thụ hưởng thành quả từ chuyển đổi số mang lại, như
vậy chuyển đổi số quốc gia mới thực chất, không hình thức, làm theo phong trào,
gây lãng phí. Đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền, lấy
người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và đẩy mạnh việc hiện thực hóa chủ trương
này.
Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý
kiến trả lời như sau:
1. Về Tỷ lệ % chi ngân sách dành cho chương
trình chuyển đổi số:
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến
năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết
định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 đã xác định “Kinh phí thực hiện Chương
trình này bao gồm: ngân sách nhà nước; nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực
tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Các bộ, ngành, địa
phương căn cứ nhiệm vụ được giao ưu tiên nguồn lực để thực hiện các hoạt động
chuyển đổi số”. Mức trung bình mà Chính phủ các nước chi cho chuyển đổi số
để xây dựng Chính phủ số là khoảng 1% ngân sách. Trong Chiến lược phát triển
Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số được phê duyệt tại Quyết định số
942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định trách nhiệm:
“Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng phương
án bảo đảm kinh phí, phấn đấu tỷ lệ chỉ cho chuyển đổi số, phát triển chính quyền
điện tử, chính quyền số trong tổng chi ngân sách nhà nước cao hơn mức trung
bình của thế giới.”
2. Về chính sách hỗ trợ đặc thù cho
cán bộ làm về công tác công nghệ thông tin:
- Tại Điều 21, khoản
3, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước có quy định: “Thẩm quyền của
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định định mức phân bổ và chế độ, tiêu chuẩn, định
mức chi tiêu ngân sách: ... Quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số
nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định
mức chi tiêu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã
hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương, ngân
sách trung ương không hỗ trợ. Riêng những chế độ chi có tính chất tiền lương,
tiền công, phụ cấp, trước khi quyết định phải có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội
vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực trực
tiếp”.
- Điểm 4, mục III, Nghị
quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị
Trung ương 7 (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công
chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp có
nêu: “Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có
nguồn gốc từ ngân sách nhà nước...”.
Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày
21/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại văn bản số
8476/VPCP-KTTH ngày 06/9/2019 của Văn phòng Chính phủ: “Từ nay đến khi ban
hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số
27-NQ/TW, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính
sách tiền lương hiện hành”.
Vì vậy, để có chính sách ưu đãi hỗ trợ
đặc thù cho cán bộ làm về công tác công nghệ thông tin, tỉnh xem xét xây dựng
Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đảm bảo phù hợp tinh thần của Nghị
quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu trên; đồng
thời căn cứ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số
163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan,
tổng hợp ý kiến các bộ, cơ quan có liên quan, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
quyết định từ nguồn ngân sách địa phương, đảm bảo đúng quy định.
3. Về đẩy mạnh chương trình khoa học
công nghệ, chuyển đổi số để hỗ trợ cho các cơ quan Nhà nước sớm hoàn thành chương
trình chuyển đổi số tại địa phương trong các ngành như du lịch, logistics, nông
nghiệp, y tế, năng lượng...
Thực hiện chủ trương, chính sách của
Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai chuyển đổi số,
phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đã đem lại những kết quả tích
cực. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp
quốc trong 193 quốc gia từ năm 2014 đến năm 2020 tăng 13 bậc, từ xếp hạng thứ
99 lên xếp hạng thứ 86, tỷ lệ dịch vụ công đủ kiều kiện được cung cấp trực tuyến
mức độ 4 là 97,3%; các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng như dân cư, bảo hiểm
y tế, hộ tịch điện tử, đăng ký doanh nghiệp đã được đưa vào sử dụng, bước đầu
phát huy hiệu quả, hướng tới giảm giấy tờ cho người dân và doanh nghiệp khi thực
hiện thủ tục hành chính. Việc trao đổi văn bản điện tử, báo cáo, chỉ đạo, xử lý
công việc trên môi trường mạng đã đi vào nề nếp. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh
chương trình chuyển đổi số, các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường triển khai
các giải pháp sau:
- Tổ chức phổ biến, quán triệt tới
toàn bộ các tổ chức, cá nhân liên quan về việc tăng cường quản lý đầu tư bảo đảm
hiệu quả, an toàn thông tin, an ninh mạng trong ứng dụng công nghệ thông tin,
phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia.
- Thúc đẩy phát triển và sử dụng các
nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số
và xã hội số thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn theo thẩm quyền;
- Triển khai các giải pháp nhằm nâng
cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ
TT&TT. Triển khai thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên
Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022 theo danh mục đã được phê duyệt tại Quyết định
số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ;
- Triển khai thiết lập mạng lưới công
nghệ số cộng đồng để kịp thời hỗ trợ triển khai Chính phủ số, kinh tế số và xã
hội số từ Trung ương đến tận cấp đơn vị, cấp cơ sở, phường, xã, tổ, đội; tham
gia vào Mạng lưới công nghệ số cộng đồng toàn quốc;
- Đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển
ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số
quốc gia giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến năm 2030.
4. Về đề nghị Chính phủ quan tâm hơn
nữa tới công tác tuyên truyền, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và đẩy
mạnh việc hiện thực hóa chủ trương này.
Ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ
đã ban hành Quyết định số 146/QĐ- TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ
cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định
hướng đến năm 2030”. Trong đó bao gồm các nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao nhận
thức, truyền thông về chuyển đổi số. Bộ TT&TT đã hướng dẫn và đang tích cực
phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Đề án.
Một số nội dung mà Bộ TT&TT đã và
đang phối hợp với các địa phương để giúp người dân nhận thức rõ hơn về chuyển đổi
số cũng như thụ hưởng các thành quả từ chuyển đổi số là việc triển khai Tổ công
nghệ số cộng đồng tại địa phương. Đến nay 41/63 địa phương đã triển khai với
36.300 Tổ công nghệ số cộng đồng với gần 200.000 thành viên tham gia, triển
khai đến tận thôn, xóm tại địa phương; thúc đẩy triển khai sử dụng các nền tảng
số phục vụ người dân, doanh nghiệp tại địa phương.
Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng chỉ đạo
các cơ quan báo chí xây dựng và duy trì thường xuyên các chuyên trang, chuyên mục
chuyển đổi số trên các báo điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng. Trong
thời gian tới, Bộ TT&TT tiếp tục quyết liệt thúc đẩy triển khai các nội
dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số cho người
dân và doanh nghiệp để thực hiện chuyển đổi số.
Câu 2: Đề nghị Bộ
Thông tin và Truyền thông xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển bộ phận
chuyên trách cũng như nhân lực chuyên trách về an toàn thông tin phục vụ chuyển
đổi số tại các địa phương.
Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý
kiến trả lời như sau:
Ngày 21/7/2021, Bộ TT&TT đã có
văn bản số 2686/BTTTT-CATTT về việc Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ trọng tâm của
các Sở Thông tin và Truyền thông về Chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng. Hướng
dẫn đã chỉ ra cụ thể như: Tham mưu, xây dựng và triển khai các văn bản quy phạm
pháp luật, chương trình, dự án, đề án an toàn thông tin mạng tại địa phương; Đảm
bảo an toàn hệ thống thông tin; Giám sát an toàn thông tin; Đào tạo và nâng cao
nhận thức về an toàn thông tin mạng; Phòng, chống tấn công mạng và ứng cứu sự cố
an toàn thông tin mạng.
Ngày 30/11/2021, Bộ trưởng Bộ
TT&TT cũng đã ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BTTTT về việc sửa đổi, bổ
sung một số điều Thông tư 11/2015/TT-BTTTT ngày 05/5/2015 của Bộ TT&TT quy
định chuẩn kỹ năng nhân lực công nghệ thông tin chuyên nghiệp. Trong đó, đã đưa
ra các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng chuyên sâu của chuẩn kỹ năng an toàn thông
tin như: Quản lý rủi ro, ứng cứu sự cố; Kiểm tra, đánh giá điểm yếu; Giám sát
an toàn thông tin; An toàn hạ tầng thông tin; Điều tra số; Nghiên cứu phát triển;
Đánh giá an toàn phần mềm; Kiến trúc an toàn thông tin; Triển khai an toàn hệ
thống thông tin; Vận hành an toàn hệ thống; Phân tích/cảnh báo sớm.
Ngày 06/01/2021, Thủ tướng Chính phủ
đã ký phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin
giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu cụ thể:
- Tổ chức 3.000 lượt đào tạo ngắn hạn
về kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật an toàn thông tin (ATTT) cho cán bộ kỹ thuật
chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về ATTT của các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước,
tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của nhà nước và
các thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố quốc gia.
- Tổ chức 1.000 lượt đào tạo ngắn hạn
về quản lý, nghiệp vụ và kỹ năng ATTT cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan,
tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức
kinh tế của nhà nước.
- Tổ chức 6.000 lượt đào tạo ngắn hạn
về kiến thức, kỹ năng ATTT của người dùng cho các công chức, viên chức và người
lao động có sử dụng thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) khi làm việc của các cơ
quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp,
tổ chức kinh tế của nhà nước.
- Lựa chọn và tổ chức đào tạo 200
chuyên gia ATTT để bảo vệ cho các hệ thống thông tin của Đảng và Nhà nước.
- Đưa 150 giảng viên, nghiên cứu viên
đi đào tạo, bồi dưỡng cập nhật về ATTT ở nước ngoài, trong đó có tối thiểu 70
tiến sĩ.
- Đào tạo 150 giảng viên, nghiên cứu
viên ATTT.
Hiện nay, Bộ TT&TT cũng đang xây
dựng Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các hoạt động
ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt Nam. Tại dự thảo Chỉ thị, Bộ
TT&TT đề xuất Đội ứng cứu sự cố có tối thiểu 05 (năm) chuyên gia an toàn
thông tin mạng (bao gồm thuê chuyên gia) đáp ứng tối thiểu chuẩn kỹ năng về an
toàn thông tin mạng.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ
TT&TT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng, trân trọng gửi tới Đoàn đại
biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng để trả lời cử tri./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - Ủy ban TVQH;
- Ủy ban TWMTTQVN;
- Vụ QHĐP (VPCP);
- Vụ Dân nguyện (VPQH);
- Tổng Thư ký Quốc hội;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng;
- Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn;
- Thứ trưởng Phạm Đức Long;
- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng;
- Trung tâm Thông tin (để đăng lên Cổng TTĐT của Bộ);
- Lưu: VT, VP, TKTH.
|
BỘ
TRƯỞNG
Nguyễn Mạnh Hùng
|