ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 12/2019/QĐ-UBND
|
Kiên
Giang, ngày 13 tháng 6 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN
GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 20 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 71/2018/NĐ-CP , ngày 15 tháng 5 năm 2018, của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật
Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp
và tiền chất thuốc nổ;
Căn cứ Thông tư số 13/2018/TT-BCT ,
ngày 15 tháng 6 năm 2018, của Bộ Công Thương, quy định về quản lý, sử dụng vật
liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ sử dụng để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công
Thương tại Tờ trình số 143/TTr-SCT ngày 07 tháng 5 năm 2019.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Quy chế quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Điều 2. Tổ chức
thực hiện
Giao Giám đốc Sở Công Thương chủ trì,
phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội và các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có liên
quan tổ chức triển khai thực hiện Quy chế ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 3. Điều khoản
thi hành
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh,
Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và
các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày
01 tháng 7 năm 2019 và thay thế Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND , ngày 05/3/2015,
của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, về việc ban hành Quy chế quản lý vật liệu
nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang./.
Nơi nhận:
- Chính phủ;
- Webside Chính phủ;
- Bộ Công Thương;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- TT TU;
- TT HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Thành viên UBND tỉnh;
- Như Điều 3 của QĐ;
- Công báo tỉnh;
- LĐVP, CVNC;
- Lưu: VT, SCT, nhsuong.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Thị Minh Phụng
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND ngày 13 tháng 6 năm 2019 của
UBND tỉnh Kiên Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Quy chế này quy định về quản lý, sử dụng,
vận chuyển, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp; huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng
nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp; quyền và trách nhiệm
của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, kinh doanh, sử dụng, bảo quản vật
liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Quy chế này không điều chỉnh việc cấp
phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tổ chức huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng
nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp đối với tổ chức, cá
nhân thuộc thẩm quyền Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với các cơ
quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, hoạt động vật liệu nổ công nghiệp
trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Chương II
SỬ DỤNG VẬT LIỆU
NỔ CÔNG NGHIỆP
Điều 3. Quy định
về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
1. Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật
liệu nổ công nghiệp phải bảo đảm đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 41
của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
2. Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật
liệu nổ công nghiệp phải tuân theo quy định tại Khoản 2 Điều 41 của Luật Quản
lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Điều 4. Thủ tục cấp
Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
1. Hồ sơ, trình tự đề nghị cấp, cấp lại
Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp được thực hiện theo quy định tại Khoản
1, Khoản 2 và Khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công
cụ hỗ trợ.
2. Trường hợp đáp ứng điều kiện quy định
tại các Điểm b, d và đ Khoản 1 Điều 42 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ
và công cụ hỗ trợ nhưng không tự thực hiện việc nổ mìn, tổ chức, doanh nghiệp
có nhu cầu nổ mìn được quyền ký hợp đồng thuê toàn bộ công việc nổ mìn với tổ
chức có Giấy phép dịch vụ nổ mìn.
3. Thời hạn của Giấy phép sử dụng vật
liệu nổ công nghiệp theo thời hạn của Giấy phép khai thác khoáng sản nhưng
không quá 05 năm; theo thời hạn công trình nhưng không quá 02 năm đối với trường
hợp phục vụ thi công công trình, thử nghiệm, thăm dò khoáng sản, hoạt động dầu
khí và hoạt động khác do Thủ tướng Chính phủ giao.
Điều 5. Thu hồi
Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
1. Tổ chức bị thu hồi Giấy phép sử dụng
vật liệu nổ công nghiệp trong các trường hợp cụ thể được
quy định tại Khoản 4 Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công
cụ hỗ trợ.
2. Thủ tục thu hồi Giấy phép sử dụng
vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại Điều 11 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí,
vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Điều 18 Nghị định số 71/2018/NĐ-CP ngày 15
tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý,
sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về vật liệu nổ công nghiệp và tiền
chất thuốc nổ.
Điều 6. Quy định
về phối hợp trong công tác nổ mìn
1. Tổ chức sử dụng vật liệu nổ công
nghiệp phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an cấp xã và các đơn vị
khai thác, chế biến đá trong khu vực biết về địa điểm, thời
gian nổ mìn, giới hạn vùng nguy hiểm, các bảng hiệu và các tín hiệu nổ mìn chậm
nhất ba (03) ngày làm việc trước khi tiến hành nổ mìn lần đầu tại vị trí mỏ đã
được cấp phép. Việc thông báo phải thể hiện bằng văn bản, gửi trực tiếp và người
nhận văn bản phải ký nhận văn bản.
2. Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã sau
khi nhận được thông báo của đơn vị nổ mìn có trách nhiệm thông báo để Nhân dân
trong xã biết và chỉ đạo Công an xã phối hợp với các Trưởng ấp, khu phố tổ chức họp dân để thông báo cho Nhân dân biết không vào
khu vực nguy hiểm trong thời gian nổ mìn.
3. Các tổ chức sử dụng vật liệu nổ
công nghiệp thực hiện tuyên truyền phổ biến rộng rãi nội dung an toàn đến tất cả
cán bộ, người lao động, khách hàng tại mỏ để nghiêm túc thực hiện.
Điều 7. Giám sát ảnh
hưởng nổ mìn
1. Tổ chức sử dụng
vật liệu nổ công nghiệp phải lập phương án và tổ chức thực hiện việc giám sát
các ảnh hưởng do nổ mìn đối với công trình, đối tượng cần bảo vệ nằm trong phạm
vi ảnh hưởng của nổ mìn theo quy định tại Điều 24, 25, 26, 27, 28 của QCVN
02:2008/BCT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển,
sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 51/2008/QĐ-BCT ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng
Bộ Công Thương.
2. Chậm nhất 15 ngày trước khi nổ
mìn, tổ chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải gửi phương án giám sát ảnh hưởng
do nổ mìn về Sở Công Thương, để tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
3. Hoạt động giám sát các ảnh hưởng
do nổ mìn phải được thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân có chức năng và đủ năng
lực thực hiện theo quy định hiện hành.
4. Tổ chức sử dụng vật liệu nổ công
nghiệp để khai thác khoáng sản hàng năm phải tiến hành giám sát chấn động do nổ
mìn tối thiểu 01 (một) lần; kết quả giám sát được lập thành một báo cáo gửi cho
Sở Công Thương để theo dõi, tổng hợp và báo cáo các ngành chức năng có liên
quan nếu có yêu cầu.
5. Để đảm bảo tính khách quan, việc
giám sát chấn động nổ mìn định kỳ hàng năm được thực hiện khi có sự chứng kiến
của đại diện Sở Công Thương, Mặt trận tổ quốc và chính quyền địa phương nơi thực
hiện giám sát chấn động nổ mìn; trường hợp giám sát chấn động nổ mìn do phát
sinh khiếu nại, tố cáo, mời thêm đại diện của các sở, ngành chức năng có liên quan
và người khiếu nại, tố cáo tham gia chứng kiến.
6. Việc chứng kiến của đại diện các sở,
ngành chức năng có liên quan, chính quyền địa phương và người khiếu nại, tố cáo
phải đảm bảo đúng quy định về an toàn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.
Chương III
QUY ĐỊNH VỀ BẢO
QUẢN VÀ VẬN CHUYỂN VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP
Điều 8. Quy định
về quản lý, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp
Thực hiện theo quy định tại Điều 16
Nghị định số 71/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ.
Điều 9. Quy định
về vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp
Thực hiện theo quy định tại Điều 44
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Chương IV
TRÌNH ĐỘ CHUYÊN
MÔN, HUẤN LUYỆN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN HUẤN LUYỆN KỸ THUẬT AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG
VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP
Điều 10. Trình độ
chuyên môn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp
Thực hiện theo quy định tại Điều 4
Nghị định số 71/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ.
Điều 11. Đối tượng
phải huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp
1. Người quản lý.
2. Người được giao quản lý kho vật liệu
nổ công nghiệp.
3. Chỉ huy nổ mìn.
4. Thợ mìn.
5. Người phục vụ; người áp tải, điều
khiển phương tiện vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp.
Điều 12. Cấp Giấy
chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp
Sở Công Thương tổ chức kiểm tra, cấp
Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn cho các đối tượng quy định tại Điều
11 của Quy chế này theo thẩm quyền.
Điều 13. Nội
dung huấn luyện; tổ chức huấn luyện; kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ
thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp
Thực hiện theo quy định tại Điều 7,
Điều 9, Điều 10 Nghị định số 71/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5
năm 2018 của Chính phủ.
Chương V
TRÁCH NHIỆM CỦA
CƠ QUAN, TỔ CHỨC THAM GIA QUẢN LÝ, VẬN CHUYỂN, BẢO QUẢN, SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ
CÔNG NGHIỆP
Điều 14. Trách
nhiệm của tổ chức vận chuyển, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
1. Trách nhiệm chung
a) Tuân thủ quy định tại Giấy phép,
Giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoặc phê duyệt của
cơ quan có thẩm quyền.
b) Thành lập bộ phận an toàn, vệ sinh
lao động theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5
năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn
vệ sinh lao động. Bộ phận này do lãnh đạo trực tiếp điều hành, chỉ đạo và phân
công người đủ trình độ, kinh nghiệm chịu trách nhiệm thực hiện công tác kỹ thuật
an toàn tại mỗi bộ phận, vị trí có nguy cơ cao về mất an toàn, tai nạn, sự cố,
cháy, nổ.
c) Ban hành và niêm yết nội quy, quy
định, quy trình bảo đảm an ninh, an toàn, phòng cháy chữa
cháy, cứu nạn cứu hộ và bảo vệ môi trường; có biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn
các quy định liên quan đến công tác an toàn, phòng cháy và chữa cháy.
d) Bảo quản, lưu trữ sổ sách, chứng từ:
Tổ chức vận chuyển, bảo quản, sử dụng
vật liệu nổ công nghiệp phải bảo quản, lưu trữ sổ sách, chứng từ đối với từng
loại vật liệu nổ công nghiệp sử dụng, vận chuyển, bảo quản, tồn kho trong thời
hạn 10 năm kể từ ngày thực hiện kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng, vận
chuyển, bảo quản, tồn kho.
đ) Tổ chức có Giấy phép sử dụng vật
liệu nổ công nghiệp, Giấy phép dịch vụ nổ mìn do Cục Kỹ thuật an toàn và Môi
trường công nghiệp cấp phải thông báo bằng văn bản (theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư số
13/2018/TT-BCT) với Sở Công Thương ít nhất 10 ngày trước khi sử dụng vật liệu nổ
công nghiệp.
2. Đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn
a) Tổ chức vận chuyển, bảo quản, sử dụng
vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn theo
nội dung quy định tại Phụ lục V ban hành
kèm theo Thông tư số 13/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Bộ Công
Thương.
b) Định kỳ hàng năm hoặc khi có thay
đổi liên quan đến các điều kiện an toàn, tổ chức hoạt động vật liệu nổ công
nghiệp phải rà soát, cập nhật để đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn.
3. Phương án, hộ chiếu nổ mìn
a) Tổ chức sử dụng vật liệu nổ công
nghiệp phải lập Phương án nổ mìn theo nội dung quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư số
13/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Bộ Công Thương và được lãnh đạo của
tổ chức phê duyệt.
b) Căn cứ nội dung của Phương án nổ
mìn, tổ chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải lập Hộ chiếu nổ mìn theo mẫu
quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm
theo Thông tư số 13/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Bộ Công Thương cho
mỗi lần nổ mìn.
4. Kế hoạch ứng
cứu khẩn cấp
a) Tổ chức vận chuyển, bảo quản, sử dụng
vật liệu nổ công nghiệp phải xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp theo nội dung
quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm
theo Thông tư số 13/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Bộ Công Thương.
b) Định kỳ hàng năm tổ chức vận chuyển,
bảo quản, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện
luyện tập, diễn tập xử lý các tình huống khẩn cấp. Kết quả luyện tập, diễn tập
được đánh giá và ghi chép để hoàn thiện kế hoạch ứng cứu khẩn cấp.
c) Định kỳ hàng năm hoặc khi có thay
đổi liên quan đến công tác ứng cứu khẩn cấp, tổ chức vận chuyển, bảo quản, sử dụng
vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện rà soát, cập nhật, phê duyệt Kế hoạch ứng
cứu khẩn cấp để phù hợp với thực tiễn.
5. Báo cáo định kỳ
Tổ chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
báo cáo Sở Công Thương về tình hình sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trước ngày
05 tháng 7 đối với báo cáo sáu tháng, trước ngày 05 tháng 01 đối với báo cáo
năm theo quy định tại Mẫu 2, Phụ lục IX
ban hành kèm theo Thông tư số 13/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Bộ
Công Thương.
Tổ chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các quy định về an ninh trật tự trong cơ sở
kinh doanh, báo cáo vào ngày 15 của tháng 3, 6, 9, 12 theo quy định của mẫu ĐK13 ban hành kèm theo Thông tư số
42/2017/TT-BCA ngày 20 tháng 10 năm 2017 của Bộ Công an.
6. Báo cáo đột xuất
a) Trong vòng 24 giờ kể từ khi phát
hiện: Xảy ra xâm nhập trái phép khu vực tồn trữ vật liệu nổ công nghiệp, mất cắp,
thất thoát hoặc xảy ra tai nạn, sự cố trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp,
tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp phải báo cáo Công an cấp huyện, Phòng
cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự Xã hội và Sở Công Thương nơi tiến hành
hoạt động vật liệu nổ công nghiệp;
b) Thực hiện báo cáo đột xuất theo
yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
c) Nội dung báo cáo đột xuất thực hiện
theo Mẫu 4, Phụ lục IX ban hành kèm
theo Thông tư số 13/2018/TT-BCT .
7. Tổ chức hoạt động vật liệu nổ công
nghiệp phải báo cáo Sở Công Thương, Công an tỉnh nơi tiến hành hoạt động vật liệu
nổ công nghiệp trong thời gian 48 giờ kể từ thời điểm chấm dứt hoạt động vật liệu
nổ công nghiệp.
Điều 15. Trách
nhiệm của Sở Công Thương
Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn
đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về vật liệu nổ
công nghiệp trên địa bàn tỉnh, có nhiệm vụ:
1. Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan thực hiện: Thanh tra, kiểm tra
và xử lý các hành vi vi phạm về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn
theo quy định pháp luật; định kỳ hàng năm tổ chức 01 cuộc thanh tra, kiểm tra
liên ngành đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vật liệu nổ công
nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2. Cấp, cấp lại hoặc thu hồi Giấy
phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn cho các tổ chức thuộc thẩm
quyền cấp phép của Sở Công Thương.
3. Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn
việc thực hiện các quy định pháp luật trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp đối
với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý.
4. Báo cáo Bộ Công Thương, Ủy ban
nhân dân tỉnh theo quy định tại Khoản 4 Điều 21 Thông tư số 13/2018/TT-BCT ngày
15 tháng 6 năm 2018 của Bộ Công Thương.
5. Quản lý chất lượng công trình xây
dựng liên quan đến bảo quản vật liệu nổ công nghiệp theo quy định của pháp luật
về quản lý đầu tư xây dựng.
6. Tiếp nhận thông báo của các tổ chức
có Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, Giấy phép dịch vụ nổ mìn do Cục Kỹ
thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương cấp
và Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp do Bộ Quốc phòng cấp. Tổ chức phối
hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra hiện trạng và xác nhận đảm bảo an
ninh, an toàn khoảng cách về chấn động sóng không khí, an toàn khoảng cách về đá
văng, an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với địa điểm cần sử dụng vật liệu
nổ công nghiệp.
7. Thẩm định, phê duyệt thiết kế nổ
mìn, phương án nổ mìn theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 41 Luật Quản lý, sử
dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
8. Tổ chức huấn luyện, kiểm tra, cấp
Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho các đối
tượng của tổ chức sử dụng về vật liệu nổ công nghiệp thuộc
thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 71/2018/NĐ-CP
ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ.
9. Chủ trì việc tổ chức thực hiện
phương án giám sát ảnh hưởng chấn động do nổ mìn của tổ chức
sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
10. Hướng dẫn việc kiểm định máy nổ
mìn điện, máy đo điện trở chuyên dùng trong nổ mìn.
Điều 16. Trách
nhiệm của Công an tỉnh
1. Tổ chức kiểm tra, cấp Giấy chứng
nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự; huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy chữa
cháy; thẩm duyệt, kiểm tra, nghiệm thu về phương án phòng cháy và chữa cháy đối
với kho chứa vật liệu nổ công nghiệp, phương tiện chuyên dùng vận chuyển vật liệu
nổ công nghiệp cho các tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; kiểm tra, cấp
giấy phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp cho các tổ chức không thuộc thẩm
quyền cấp mệnh lệnh vận chuyển của Bộ Tổng tham mưu - Bộ Quốc phòng.
2. Chủ trì, phối hợp với Sở Công
Thương thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an ninh trật tự, vận
chuyển, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của các tổ chức, cá nhân tham
gia hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của ngành.
3. Tham gia thanh tra, kiểm tra định
kỳ hoặc đột xuất các tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh
do Sở Công Thương chủ trì.
4. Hướng dẫn tổ chức, cá nhân có liên
quan thực hiện các quy định về vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp bảo đảm an
ninh, an toàn phòng cháy, chữa cháy.
5. Xử lý vi phạm về an ninh trật tự;
phòng cháy và chữa cháy; phương tiện chuyên dùng vận chuyển vật liệu nổ công
nghiệp theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Điều 17. Trách
nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
1. Kiểm tra việc thực hiện công tác
an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp để khai thác
khoáng sản.
2. Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ
sinh lao động và cấp Giấy chứng nhận đã qua chương trình tập huấn an toàn lao động
cho người sử dụng lao động và người lao động trong hoạt động vật liệu nổ công
nghiệp để khai thác khoáng sản và hoạt động có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn
lao động có liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp.
3. Hướng dẫn thủ tục đăng ký và kiểm
định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động
được sử dụng trong hoạt động khai thác khoáng sản.
4. Tham gia thanh tra, kiểm tra định
kỳ hoặc đột xuất các tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh
do Sở Công Thương chủ trì.
Điều 18. Trách
nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Tham gia thanh tra, kiểm tra định
kỳ hoặc đột xuất các hoạt động vật liệu nổ công nghiệp để khai thác khoáng sản
trên địa bàn tỉnh khi được yêu cầu.
2. Tham gia kiểm tra, giám sát những ảnh
hưởng do nổ mìn của các tổ chức sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh
khi được yêu cầu.
Điều 19. Trách
nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước
đối với các tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn theo thẩm
quyền.
2. Chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa
phương tăng cường công tác kiểm tra để phát hiện và xử lý các đối tượng tàng trữ,
sử dụng chất nổ có nguồn gốc từ vũ khí, vật liệu nổ công nghiệp trái quy định của
pháp luật.
3. Thông báo khi có sự cố xảy ra trên
địa bàn về Công an tỉnh; Sở Công Thương; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; đồng
thời phối hợp với các ngành để khắc phục hậu quả.
Điều 20. Trách
nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước
đối với các tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn theo thẩm
quyền.
2. Tham gia thanh tra, kiểm tra định
kỳ hoặc đột xuất các hoạt động của tổ chức hoạt động vật liệu nổ công nghiệp
trên địa bàn do Sở Công Thương hoặc Công an tỉnh chủ trì khi được yêu cầu.
3. Tham gia xử lý sự cố và các vấn đề
khác xảy ra có liên quan đến hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn.
4. Tiếp nhận thông báo về các quy định
cảnh báo nổ mìn, hiệu lệnh và thời gian tiến hành nổ mìn của tổ chức sử dụng vật
liệu nổ công nghiệp trên địa bàn và có trách nhiệm thông báo rộng rãi cho nhân
dân địa phương được biết.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 21. Tổ chức
thực hiện
Thủ trưởng các sở, ngành có liên
quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân
xã, phường, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và tình
hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương, để tổ chức thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện, Sở Công
Thương có trách nhiệm tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các biện pháp
xử lý trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc điều chỉnh, bổ sung
cho phù hợp với tình hình hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh
Kiên Giang./.