VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 348/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 10
tháng 08 năm 2017
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH
SƠN LA
Ngày 17 tháng 7 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn
Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La về tình hình thực hiện nhiệm vụ
phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, 6 tháng đầu năm 2017 và một số kiến nghị
của Tỉnh. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai
Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải Trương Quang Nghĩa và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài
chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Lao động Thương binh và
Xã hội, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Tài nguyên và Môi
trường, Ủy ban Dân tộc, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ
Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Tại buổi làm việc sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo
Tỉnh, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan; Thủ tướng Chính phủ kết luận như
sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Biểu dương và đánh giá cao những kết quả đã đạt được
của tỉnh Sơn La trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ,
chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã có những cách thức đổi mới
tư duy sáng tạo tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi
thế, đã đạt được trong những năm qua, đặc biệt là trong năm 2016. Tuy nhiên 6
tháng đầu năm 2017 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,15% (thấp hơn nhiều so với
kế hoạch đề ra), nhưng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm xây dựng,
bước đầu hình thành một số vùng sản xuất cây công nghiệp, nông nghiệp như cây
cà phê, chè, cây ăn quả....Tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực và có nhiều
chuyển biến tích cực, nhất là xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Các
lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, lao động giải quyết việc làm tiếp tục được
quan tâm và có nhiều tiến bộ, cơ sở vật chất trường, lớp được đầu tư, mở rộng; chất
lượng giáo dục từng bước được nâng cao; mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và
tăng cường; thực hiện tốt các chính sách xã hội trên địa bàn; đặc biệt tiêu điểm
quan hệ tình hữu nghị anh em với Lào; công tác phòng, chống tham nhũng, cải
cách hành chính tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh; an ninh chính trị, trật tự an
toàn xã hội được đảm bảo; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; công tác
phòng chống ma túy đạt kết quả cao hơn những năm trước.
Tuy nhiên, Sơn La còn rất nhiều khó khăn, quy mô
kinh tế nhỏ, đặc biệt công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế,
số doanh nghiệp còn ít so với tỷ lệ người dân, phần lớn là doanh nghiệp vừa và
nhỏ, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp so với bình quân cả nước, còn
nhiều huyện đặc biệt khó khăn; công tác di dân, tái định cư thủy điện còn bất cập;
tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng vẫn còn cao; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn
chế; cải cách hành chính tạo môi trường kinh doanh còn nhiều vấn đề cần quan
tâm; an ninh chính trị còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định, nhất là buôn
bán vận chuyển ma túy; đặc biệt cần quan tâm hơn nữa công tác bảo tồn và gìn giữ
bản sắc văn hóa dân tộc.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI
GIAN TỚI
Về cơ bản nhất trí phương hướng, nhiệm vụ trong thời
gian tới. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Tỉnh đã đặt ra cho năm
2017 và các năm tiếp theo, Tỉnh cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu
sau:
1. Tập trung rà soát lại các nhiệm vụ được Đảng,
Nhà nước giao để tháo gỡ chỉ đạo hoàn thành toàn diện vượt mức đề ra nhất là chỉ
tiêu tăng trưởng, thu ngân sách, giảm nghèo...năm 2017 và những năm tiếp theo.
2. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,
nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hợp tác xã; chỉ đạo tháo gỡ khó
khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất,
kinh doanh, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh. Tập trung phát triển
doanh nghiệp mới và hợp tác xã, phấn đấu đến năm 2020 có trên 7 nghìn doanh
nghiệp. Tỉnh phải xây dựng được một số thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị
trường trong nước và quốc tế.
3. Phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế, trước hết lợi
thế về đất đai, khí hậu, tạo khung chính sách để nhà đầu tư thực hiện tái canh,
mở rộng diện tích các loại cây trồng có giá trị cao như cà phê, chè, cây ăn quả...
Nhân rộng xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao ghép như: cây ăn quả, cây dược
liệu phát triển trên đất dốc gắn với công tác xóa đói giảm nghèo. Đẩy mạnh thu
hút các dự án nông nghiệp công nghệ cao, liên kết và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi
giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích.
4. Phát triển du lịch, quy hoạch tổng thể các điểm,
loại hình sản phẩm, tuyến du lịch phù hợp với tiềm năng lợi thế so sánh, đặc biệt
là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị
văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, tăng cường liên kết với các tỉnh
trong vùng và các trung tâm du lịch lớn của cả nước.
5. Tiếp tục hoàn thiện, rà soát quy hoạch hệ thống
kết cấu hạ tầng nhất là hệ thống giao
thông. Tỉnh phải có các giải pháp để huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư
cho phát triển; kịp thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là
các công trình trọng điểm. Tập trung các nguồn lực, triển khai tốt các giải
pháp, đảm bảo hiệu quả phù hợp với điều kiện của địa phương đẩy nhanh tiêu chí
các xã có điều kiện của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
6. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực xã hội;
trong đó cần chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, y tế, chuyển đổi cơ cấu lao
động, đẩy mạnh công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động. Thực hiện
tốt chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng,
quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân, nhất là hộ nghèo vùng đồng
bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội
và người lao động. Đặc biệt quan tâm các gia đình được hưởng chính sách tại các
khu tái định cư thủy điện.
7. Tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an
toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, chủ quyền, biên giới quốc gia; nhất
là về phòng chống ma túy hiệu quả hơn nữa trên tuyến biên giới, công an, biên
phòng, quân đội phối hợp chặt chẽ với bạn Lào làm tốt công tác này.
III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH
1. Về phê duyệt Đề án ổn định dân cư, phát triển
kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình.
a) Về Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã
hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La (giai đoạn 2): Giao Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương thực hiện
theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 7263/VPCP-NN ngày 12
tháng 7 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ.
b) Về Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã
hội vùng tái định cư thủy điện Hòa Bình trên địa bàn tỉnh Sơn La: Giao Bộ Kế hoạch
và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan cân đối bố
trí nguồn vốn để Tỉnh thực hiện hoàn thành dứt điểm Đề án giai đoạn 3, báo cáo
Thủ tướng Chính phủ.
2. Về đầu tư tuyến đường liên vùng dọc sông Đà nối
2 vùng lòng hồ, đi qua trung tâm 05 xã thuộc vùng tái định cư thủy điện Hòa
Bình và đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu, điểm tái định cư thủy
điện Sơn La: Tỉnh lựa chọn các dự án cấp bách, cần thiết phục vụ cho đồng bào
tái định cư để làm trước; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối bố
trí vốn (tại Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư
thủy điện Hòa Bình và Sơn La (giai đoạn 2) để thực hiện, báo cáo Thủ tướng
Chính phủ.
Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của
Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 364/TB-VPCP ngày 09 tháng 11 năm 2016 của
Văn phòng Chính phủ về “trích lợi nhuận từ việc phát điện của hai nhà máy thủy
điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình”, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ vốn cho các
địa phương của Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định
cư thủy điện Sơn La (trong đó có tỉnh Sơn La).
3. Về vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của 2 dự án
(cây ăn quả trên diện tích đất dốc các hộ gia đình vùng tái định cư thủy điện
đang trồng ngô, lúa nương, sắn) từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng: Giao
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan xem xét, đề xuất, báo cáo
Thủ tướng Chính phủ.
4. Về vay vốn phát triển sản xuất đối với các hộ
dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình, lãi suất cho vay
như đối với hộ nghèo: Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với
các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
5. Về đầu tư tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc
Châu (Sơn La) giai đoạn 2017 - 2020 theo hình thức đối tác công - tư (PPP): Văn
phòng Chính phủ tổng hợp ý kiến các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ
bổ sung vào quy hoạch mạng đường cao tốc Việt Nam.
6. Về đầu tư tuyến đường tránh thành phố Sơn La: Đồng
ý về chủ trương, giao Bộ Giao thông vận tải làm việc với Ngân hàng Thế giới
(WB) rà soát nguồn vốn dư của Dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP),
đề xuất việc sử dụng nguồn vốn này để triển khai tuyến đường tránh thành phố
Sơn La, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
7. Về quy hoạch sản phẩm xuất khẩu nông sản, sản phẩm
quả của Tỉnh trên các thị trường quốc tế giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến
2025: Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng quy hoạch cả nước (trong đó có
Sơn La), báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
8. Về sửa đổi Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19
tháng 12 năm 2013 của Chính phủ: Giao Bộ Kế và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn khẩn trương thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính
phủ tại Thông báo số 285/TB-VPCP ngày 03 tháng 7 năm 2017 của Văn phòng Chính
phủ.
9. Về vận dụng Điều 62 Luật Đất đai
năm 2013, cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông lâm sản:
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những
vấn đề vượt thẩm quyền.
10. Về bổ sung vốn năm 2017 cho Chương trình mục
tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Sơn La giai đoạn 2016 - 2020: Trước mắt,
Tỉnh thực hiện số vốn được giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 -
2020 và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện; Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Bộ Tài chính xem xét, đề xuất bổ sung khi có nguồn vốn cho Tỉnh, báo cáo Thủ
tướng Chính phủ.
11. Về Đề án phát triển cây dược liệu gắn với du lịch
sinh thái khu rừng đặc dụng Xuân Nha - huyện Vân Hồ: Đồng ý về chủ trương, Tỉnh
xây dựng Đề án; giao Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn
lập, thẩm định, trình duyệt theo quy định.
12. Về đầu tư dự án điện mặt trời trên lòng hồ thủy
điện Sơn La và lòng hồ thủy điện Hòa Bình: Tỉnh làm việc với Bộ Công Thương và
các Bộ, cơ quan liên quan xem xét, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh
Sơn La và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao
và Du lịch; Lao động Thương binh và Xã hội, Công an, Y tế;
- Ủy ban Dân tộc;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, CN, NN,
NC, KGVX, TKBT;
- Lưu: VT, QHĐP (3b). Phg
|
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM
Mai Tiến Dũng
|