QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP QUỐC GIA GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030
“NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VŨ TRỤ”, MÃ SỐ:
KC.13/21-30
BỘ TRƯỞNG
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày
18/6/2013;
Căn cứ Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017
của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ
Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Thông tư số 05/2015/TT-BKHCN ngày
12/3/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định tổ chức quản lý các Chương
trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 01/02/2019
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển lĩnh vực viễn thám quốc
gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”;
Căn cứ Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 04/02/2021
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học
và công nghệ vũ trụ đến năm 2030”;
Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc
tái cơ cấu các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn
2021-2025, định hướng đến năm 2030 tại công văn số 1066/TTg-KGVX ngày
05/8/2021;
Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày
11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công
nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài
chính và Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương
trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030: “Nghiên cứu
phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ” (sau đây gọi tắt là Chương
trình), mã số: KC.13/21-30. Mục tiêu, nội dung, dự kiến sản phẩm, yêu cầu đối với
sản phẩm khoa học và chỉ tiêu đánh giá của Chương trình quy định tại Phụ lục
kèm theo.
Điều 2. Cơ chế quản lý và
tài chính của Chương trình được thực hiện theo quy định hiện hành.
Điều 3. Quyết định này có
hiệu lực từ ngày ký.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ
Công nghệ cao, Ban Chủ nhiệm Chương trình, Giám đốc Văn phòng các chương trình
trọng điểm cấp nhà nước và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Khoa học
và Công nghệ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng
Chính phủ (để báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban KHCNMT của Quốc hội;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Lưu VT, KHTC.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Bùi Thế Duy
|
PHỤ LỤC
MỤC TIÊU, NỘI DUNG, DỰ KIẾN SẢN PHẨM, YÊU CẦU ĐỐI VỚI SẢN
PHẨM KHOA HỌC VÀ CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ CỦA CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP
QUỐC GIA GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2030 “NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ VŨ TRỤ”, MÃ SỐ: KC.13/21-30
(Kèm theo Quyết định số: 483/QĐ-BKHCN ngày 23 tháng 3 năm 2023 của Bộ trưởng
Bộ Khoa học và Công nghệ)
I. MỤC TIÊU
1. Phát triển khoa học và công nghệ vũ trụ, viễn
thám làm động lực gắn kết và thúc đẩy nghiên cứu, làm chủ, phát triển và ứng dụng
công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, tự động
hóa, vật liệu mới, sinh học, hóa sinh, cơ điện tử, cơ khí chính xác, tài nguyên
môi trường, năng lượng và các công nghệ mới đang dẫn dắt sự phát triển trên
toàn cầu.
2. Thúc đẩy nghiên cứu cơ bản trong một số hướng chọn
lọc về khoa học vũ trụ có thế mạnh và có tiềm năng phát triển ứng dụng khoa học
vũ trụ phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
3. Phát triển một số công nghệ chọn lọc về thiết kế,
chế tạo, tích hợp cho các hệ thống vệ tinh viễn thông, viễn thám và định vị;
các trạm mặt đất; các hệ thống thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu, hệ
thống thiết bị tích hợp kèm theo; công nghệ phóng trong khoa học vũ trụ.
4. Thúc đẩy ứng dụng các thành tựu mới của khoa học
và công nghệ vũ trụ, đặc biệt trong các lĩnh vực viễn thông, viễn thám, định vị
và dẫn đường nhờ vệ tinh, nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo
quốc phòng-an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
5. Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ vũ trụ
bao gồm phát triển nguồn nhân lực, góp phần xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở kỹ
thuật hiện đại.
6. Hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng cơ chế chính
sách thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ.
II. NỘI DUNG
1. Nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường vũ trụ đối với
cơ thể sống, vật liệu, cảm biến và kết cấu, cơ học bay, quá trình truyền thông
tin và năng lượng, vật lý thiên văn, các hệ thống định vị; nghiên cứu khả năng
phát triển các giống cây trồng có giá trị cao trong điều kiện vi trọng lượng;
nghiên cứu tiếp cận một số nội dung cơ bản có chọn lọc liên quan đến viễn thám,
công nghệ đẩy (bao gồm: cơ khí, vật liệu, nhiên liệu, động cơ, các thiết bị điều
khiển, các phần mềm thiết kế, mô phỏng và điều khiển).
2. Nghiên cứu công nghệ vệ tinh siêu nhỏ quan sát
Trái đất, tiến tới làm chủ hệ thống bus của dòng vệ tinh dưới 200kg; phát triển,
làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo và ứng dụng các loại payload quang học đa
phổ, siêu phổ, ra-đa độ mở tổng hợp (SAR) độ phân giải cao và siêu cao, phân hệ
phát-đáp của vệ tinh viễn thông, thiết bị đầu cuối thông tin vệ tinh. Nghiên cứu
phát triển năng lực định vị dẫn đường quốc gia.
3. Nghiên cứu, làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo,
lắp ráp và thử nghiệm, các trạm mặt đất điều khiển, thu - phát dữ liệu vệ tinh
viễn thông, viễn thám (bao gồm trạm cố định và di động), tự chế tạo các trạm mặt
đất có giá cạnh tranh. Nghiên cứu phối hợp các trạm mặt đất để có thể vận hành
hệ thống vệ tinh/chùm vệ tinh; phát triển mạng lưới trạm thu nhận, truyền dẫn
và xử lý dữ liệu viễn thám.
4. Nghiên cứu, thiết kế và làm chủ công nghệ chế tạo
hệ thống đẩy; động cơ cỡ nhỏ ứng dụng trong công nghệ vũ trụ; làm chủ một số
công nghệ chủ chốt trong công nghệ đẩy vệ tinh (công nghệ vật liệu, nhiên liệu,
hệ thống điều khiển, dẫn đường, công nghệ phóng...); chế tạo cảm biến, linh kiện
chuyên dụng sử dụng trong công nghệ vũ trụ.
5. Nghiên cứu phát triển, thiết kế, chế tạo, xây dựng
một số hệ thống chụp ảnh, quan sát bề mặt Trái đất, hệ thống vệ tinh khí tượng,
thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu, thám sát khí quyển và đại dương; hệ
thống truyền dữ liệu thời gian thực lắp đặt trên thiết bị bay không người lái,
khinh khí cầu; xây dựng hệ thống tích hợp lắp ráp, thiết bị cung cấp thông tin
viễn thám.
6. Nghiên cứu, xây dựng và phát triển các giải
pháp, các phương pháp, thuật toán hiện đại, hệ thống và các phần mềm chuyên dụng
tích hợp dữ liệu vệ tinh đa nguồn, tính toán, mô phỏng, hiệu năng cao trong lưu
trữ, xử lý, phân tích, khai thác, ứng dụng thông tin, dữ liệu viễn thám, vệ
tinh. Đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng thông tin, dữ liệu vệ tinh, kết hợp hạ tầng
IoT và mạng thông tin 5G/6G trong các lĩnh vực y tế và giáo dục từ xa, thương mại
điện tử, du lịch, tài nguyên - môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với
biến đổi khí hậu.
7. Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các
hệ thống định vị và dẫn đường độ chính xác cao; các hệ thống quan trắc, giám
sát, sử dụng đa hệ thống vệ tinh; phối hợp giữa vệ tinh với khí cầu tầng bình
lưu, thiết bị bay không người lái và hệ thống quan sát mặt đất trong việc đo đạc,
giám sát và quản lý tàu cá, tài nguyên rừng, du lịch, giao thông (đường bộ, đường
thủy và hàng không) và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên lãnh thổ và vùng biển, đảo,
giám sát các vùng, khu vực dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu, ô
nhiễm môi trường.
8. Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật tích hợp, cập
nhật, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu viễn thám quy mô quốc gia và khu vực (bao gồm
dữ liệu viễn thám đa nguồn, dữ liệu đo đạc từ vệ tinh, từ các phương tiện bay
khác) làm nền tảng xây dựng các hệ thống xử lý dữ liệu lớn gần thời gian thực phục
vụ các nghiên cứu, tác nghiệp trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường,
phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và các thảm họa khí hậu.
9. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám trong điều
tra cơ bản, dự báo, quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường, tài nguyên
khí hậu, ứng phó với biến đổi khí hậu, khí quyển và đại dương; hỗ trợ cảnh báo,
giám sát và phòng chống thiên tai, ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí; quản
lý và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; quản lý, quy
hoạch lãnh thổ, lãnh hải, đô thị và cấp vùng, giao thông, năng lượng; khảo cổ,
di tích, di sản; phục vụ sức khỏe cộng đồng; phát triển, quản lý cơ sở hạ tầng,
dịch vụ và sản xuất công nghiệp, nông lâm ngư nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế-xã
hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh.
10. Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ
xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy nghiên cứu, phát triển khoa
học và công nghệ vũ trụ; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về
công nghệ vũ trụ, viễn thám. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, giải pháp chia sẻ,
trao đổi dữ liệu viễn thám, phối hợp khai thác sử dụng tài nguyên vệ tinh, trạm
thu, trạm điều khiển viễn thám trong và ngoài nước nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế
với các đối tác có tiềm năng trong phát triển, và ứng dụng công nghệ vũ trụ phục
vụ phát triển kinh tế - xã hội.
III. DỰ KIẾN SẢN PHẨM
1. Các công trình nghiên cứu cơ bản trong một số hướng
chọn lọc về khoa học vũ trụ có thế mạnh và có tiềm năng phát triển ứng dụng
khoa học vũ trụ, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, bao gồm các kết quả nghiên
cứu ảnh hưởng của môi trường vũ trụ đối với cơ thể sống, vật liệu và kết cấu,
cơ học bay, cảm biến, quá trình truyền thông tin, năng lượng, vật lý thiên văn,
...
2. Vệ tinh siêu nhỏ quan sát Trái đất và một số mô
hình phân hệ, module vệ tinh phục vụ đào tạo. Thử nghiệm, phóng và vận hành
thành công vệ tinh siêu nhỏ.
3. Một số hệ thiết bị có chọn lọc: các thiết bị, trạm
mặt đất, trạm thu - phát tín hiệu với vệ tinh, thiết bị mặt đất hỗ trợ phát triển
vệ tinh, hệ thống nhận thức tình huống không gian, thiết bị bay không người
lái, khinh khí cầu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc, định vị, viễn thám; hệ
thống chụp ảnh, thám sát bề mặt Trái đất, khí quyển và đại dương có khả năng gắn
trên các thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu có khả năng ứng dụng/sử dụng
trong thực tiễn.
4. Một số mẫu hệ thống đẩy thử nghiệm phóng vệ
tinh, thiết bị nghiên cứu khoa học phục vụ nghiên cứu khí quyển, không gian; động
cơ cỡ nhỏ ứng dụng trong công nghệ vũ trụ; hệ thống cảm biến, linh kiện chuyên
dụng sử dụng trong công nghệ vũ trụ.
5. Một số phần mềm về điều khiển vệ tinh, xử lý tín
hiệu vệ tinh, xử lý và nâng cao chất lượng ảnh vệ tinh; phần mềm mô phỏng trong
công nghệ chế tạo, thử nghiệm vệ tinh, trạm mặt đất và phương tiện phóng; phần
mềm dự báo lên lịch điều khiển khí cầu tầng bình lưu duy trì và phủ - truyền
thông vô tuyến, triển khai các thiết bị đo đạc cảnh báo sớm.
6. Một số phần mềm ứng dụng chuyên dụng phục vụ
khai thác và xử lý dữ liệu viễn thông, viễn thám đa nguồn (vệ tinh, khí cầu tầng
bình lưu, UAV), phân tích và xử lý thông tin vệ tinh dựa trên nền tảng công nghệ
4.0; phần mềm và mô hình ứng dụng viễn thám, chương trình tính toán khai thác dữ
liệu viễn thám phục vụ dự báo thời tiết, điều kiện khí hậu; chương trình tính
toán mô phỏng hiệu năng cao các quá trình khí động lực học, điều khiển, tương
tác động lực học đa vật có khả năng ứng dụng trong thực tiễn.
7. Một số kết quả về ứng dụng vệ tinh viễn thông, định
vị toàn cầu, khí cầu tầng bình lưu và AI trong quản lý và giám sát tàu cá, du lịch,
giao thông (đường bộ, đường thủy và hàng không) và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, đô
thị thông minh.
8. Một số hệ thống giám sát, quan trắc sử dụng dữ
liệu đa hệ thống ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý tài nguyên thiên
nhiên, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai;
thành lập, cập nhật cơ sở dữ liệu bản đồ, cơ sở hạ tầng thông tin không gian có
khả năng ứng dụng/sử dụng và chuyển giao sản phẩm của nhiệm vụ trong thực tiễn.
9. Cơ sở dữ liệu viễn thám phục vụ nhu cầu khai
thác, xử lý ảnh của các Bộ, ngành.
10. Các báo cáo luận cứ khoa học và thực tiễn, kiến
nghị xây dựng cơ chế, chính sách, khung chính sách, văn bản quy phạm pháp luật
(bao gồm xây dựng dự thảo luật vũ trụ quốc gia), các mô hình quản lý nhà nước về
quản lý hoạt động liên quan đến công nghệ vũ trụ, viễn thám và các lĩnh vực có
liên quan ở trung ương và địa phương; các giải pháp, quy trình công nghệ, giải
pháp kỹ thuật trong thử nghiệm môi trường vũ trụ, khai thác hạ tầng thu nhận và
xử lý dữ liệu viễn thám từ các hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa
học.
IV. YÊU CẦU ĐỐI VỚI SẢN PHẨM
KHOA HỌC
Công nghệ, sản phẩm phần cứng, phần mềm, được tạo
ra có tính năng kỹ thuật, kiểu dáng, chất lượng tương đương, có thể cạnh tranh
được với các công nghệ, sản phẩm cùng loại trên thị trường.
V. CÁC CHỈ TIÊU ĐÁNH GIÁ
1. Về ứng dụng vào thực tiễn
- 50% nhiệm vụ nghiên cứu có kết quả làm tiền đề
cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ ở giai đoạn tiếp theo.
- 30% nhiệm vụ nghiên cứu có kết quả được ứng dụng
phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh.
2. Về trình độ khoa học và công nghệ
- 100% số nhiệm vụ có kết quả được công bố trên các
tạp chí khoa học thuộc Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm của Hội đồng
Giáo sư ngành, liên ngành được phê duyệt theo Quyết định của Hội đồng giáo sư
nhà nước.
- Ít nhất 70 % số nhiệm vụ có bài báo quốc tế đăng
trên các tạp chí thuộc danh mục Web of Science/Scopus.
- Ít nhất 4 sách chuyên khảo và giáo trình phục vụ
nghiên cứu và đào tạo đại học, sau đại học về công nghệ vũ trụ được xuất bản.
3. Về sở hữu trí tuệ
Tối thiểu 30% nhiệm vụ có đơn yêu cầu bảo hộ quyền
sở hữu trí tuệ được chấp nhận.
4. Về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực
- Hình thành được trên 10 nhóm nghiên cứu có có trình
độ và năng lực tiệm cận nhóm nghiên cứu mạnh;
- 80% nhiệm vụ tham gia đào tạo sau đại học, trong
đó có 40% số nhiệm vụ tham gia đào tạo tiến sĩ.
5. Về cơ cấu nhiệm vụ
- Khuyến khích các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng sử
dụng các hạ tầng kỹ thuật vũ trụ của Việt Nam (vệ tinh viễn thám, vệ tinh viễn
thông, khinh khí cầu, UAV, cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám, các trạm thu phát tín
hiệu vệ tinh/khí cầu,...) trong triển khai đề tài.
- Khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong
triển khai ứng dụng sản phẩm của đề tài (gồm thử nghiệm, khai thác và xử lý dữ
liệu viễn thám)./.