ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 125/KH-UBND
|
Bà Rịa - Vũng
Tàu, ngày 23 tháng 8 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 19/CT-TTG NGÀY 16 THÁNG 7 NĂM 2021 CỦA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÁT ĐỘNG THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ PHÁT
TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HÀNG NĂM VÀ KẾ HOẠCH 5 NĂM (2021 - 2025) THEO NGHỊ QUYẾT
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG
Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày
16 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện
thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và Kế hoạch 5 năm (2021
- 2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch
triển khai thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn
tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như sau:
I. Mục đích, yêu cầu
1. Quán triệt và triển khai Chỉ thị số
19/CT-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo sự chuyển
biến mạnh mẽ trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh, để
các phong trào thi đua thực sự trở thành động lực to lớn, góp phần tích cực vào
việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII.
2. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả
hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trong các phong trào thi đua yêu nước.
Đề cao vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền,
đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong lãnh
đạo, chỉ đạo các phong trào thi đua và thực hiện tốt chính
sách, pháp luật về khen thưởng.
3. Xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp và
trách nhiệm của tập thể, cá nhân làm công tác thi đua, khen thưởng trong triển
khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số
19/CT-TTg là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác thi đua, khen thưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trong năm 2021 và giai đoạn
2021 - 2025.
II. Nội dung
1. Tổ chức quán
triệt, triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính
phủ trong các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân và đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng
a) Tổ chức quán triệt, triển khai đồng
bộ, tuyên truyền có hiệu quả các nội dung Chỉ thị 34-CT/TW ngày 13 tháng 8 năm
2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; Luật
Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành; Chỉ thị số 19/CT-TTg của
Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 01 tháng 2 năm 2021 của UBND tỉnh
về việc phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển
kinh tế - xã hội năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2021
- 2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII để thống nhất
trong tổ chức thực hiện, tạo ra chuyển biến rõ nét trong công tác thi đua, khen
thưởng.
b) Ban hành và triển khai các chỉ thị,
chương trình, kế hoạch và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện Chỉ thị
19/CT-TTg .
c) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ
biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác
thi đua, khen thưởng; tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước với nội dung và
hình thức phù hợp cho mọi tầng lớp Nhân dân.
d) Hoàn thiện các văn bản quy phạm
pháp luật về thi đua, khen thưởng của Tỉnh và quy định của các cấp, các ngành,
Cơ quan, đơn vị phù hợp với tình hình, đặc điểm và đáp ứng
yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
2. Đổi mới nội
dung, hình thức, đề cao tính thiết thực, hiệu quả trong tổ chức các phong trào
thi đua
a) Căn cứ chủ đề thi đua “Đoàn kết,
sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do Thủ tướng Chính phủ phát động
tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, các cấp, các ngành, cơ quan,
đơn vị tổ chức phát động các phong trào thi đua với hình thức phong phú, đa dạng,
nội dung, tiêu chí thi đua cụ thể, thiết thực, bám sát mục tiêu, chỉ tiêu phát
triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và chức năng, nhiệm vụ, đặc thù của từng cơ
quan, đơn vị địa phương, gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tạo không khí thi đua sôi nổi, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị hàng năm
và Kế hoạch 05 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII.
b) Ban hành kế hoạch thực hiện giai
đoạn 2021 - 2025 và tổ chức triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ
tướng Chính phủ, UBND tỉnh phát động: Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng
nông thôn mới”; Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”;
Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai
bị bỏ lại phía sau”; Phong trào “Cán bộ công chức viên chức thi đua thực hiện
văn hóa công sở”; phong trào "Thi đua thực hiện chương trình chuyển đổi số
quốc gia"; Phong trào “Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính Nhà nước”.
Bên cạnh hưởng ứng các phong trào do Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh phát động,
căn cứ nhiệm vụ, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tổ chức phát động các
phong trào thi đua theo đợt, chuyên đề để giải quyết những
việc khó, cấp bách của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong những thời điểm,
giai đoạn cụ thể.
c) Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, sơ
kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả các phong trào thi đua trên cơ sở đánh giá kết
quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Tăng cường kiểm tra,
giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác thi
đua, khen thưởng.
d) Thực hiện tốt việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển
hình tiên tiến. Công tác xây dựng điển hình tiên tiến phải được thực hiện từ cơ sở, đồng bộ cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết
- nhân điển hình tiên tiến. Các cơ quan, đơn vị có kế hoạch
cụ thể để bồi dưỡng, xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới
hàng năm và trong cả giai đoạn; phấn đấu mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương phải
có các điển hình tiêu biểu, xuất sắc toàn diện, thực sự có sức lan tỏa trong cộng
đồng.
đ) Các tổ chức, cá nhân đăng ký thi
đua cùng các điển hình tiên tiến để các phong trào thi đua thực sự là động lực
thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng con người mới. Đây là
nội dung trọng tâm trong đổi mới phương thức tổ chức chỉ đạo các phong trào thi
đua hiện nay và qua đó đánh giá tính hiệu quả, thiết thực của các phong trào
thi đua yêu nước của các cấp, các ngành và từng địa phương, đơn vị.
3. Đẩy mạnh công
tác tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng
các gương điển hình tiên tiến
a) Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị
xây dựng kế hoạch tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, tạo khí thế thi
đua sôi nổi, lấy gương tốt, việc tốt để hạn chế, đẩy lùi các mặt tiêu cực trong xã hội. Đổi mới, đa dạng hóa
các nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Các cơ quan
thông tin đại chúng mở các chuyên trang, chuyên mục, tăng
thời lượng tuyên truyền các phong trào thi đua, các gương người tốt, việc tốt,
điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
b) Hàng năm, tổ chức các hoạt động biểu
dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong
trào thi đua, các gương điển hình tiên tiến, các tập thể,
cá nhân tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh”; xác định việc phổ biến các
điển hình tiên tiến là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động tuyên truyền, đồng
thời phải bám sát các nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu thi đua đã đề ra để tập
trung tuyên truyền.
c) Ban hành, triển khai Kế hoạch bồi
dưỡng, xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến
trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
d) Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương
trình phối hợp giữa Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen
thưởng tỉnh với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát
thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu và các tổ chức đoàn thể
trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư tưởng thi đua yêu nước
của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; tuyên truyền, giáo
dục về truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết trong xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát hiện, biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các điển
hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong các phong trào thi đua và trên
các lĩnh vực của đời sống xã hội.
4. Nâng cao chất
lượng công tác khen thưởng
a) Nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng,
chính quyền các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn
vị trong công tác khen thưởng; chú trọng phát hiện điển hình,
nhân tố mới để khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng; đảm bảo khen thưởng
đúng người, đúng việc có tác dụng nêu gương học tập.
b) Chủ động xem xét, khen thưởng và đề
nghị cấp trên khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành
tích đột xuất, đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Chú trọng khen thưởng
thông qua phát hiện các điển hình, nhân tố mới, khen thưởng người trực tiếp lao
động, công nhân, nông dân, chiến sỹ lực lượng vũ trang,
các tập thể, cá nhân ở cơ sở, vùng sâu, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
c) Đổi mới công tác thẩm định hồ sơ
khen thưởng, công tác xét duyệt của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp đảm
bảo chính xác, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Thực hiện việc
thông báo kết quả khen thưởng theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát,
ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực trong công tác khen thưởng.
5. Nâng cao chất
lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và công chức làm công tác
thi đua, khen thưởng các cấp
a) Thành lập và hoàn thiện cơ cấu tổ
chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp,
các ngành theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng. Nâng cao trách nhiệm các
thành viên Hội đồng trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách,
pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng.
b) Quan tâm củng cố, kiện toàn ổn định
bộ máy, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng, nhất là cấp huyện, cấp xã.
Bố trí đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ công chức làm công tác thi đua,
khen thưởng có phẩm chất chính trị đạo đức, bản lĩnh
chính trị vững vàng, nắm vững chủ trương, đường
lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, có kiến thức,
kinh nghiệm, gắn bó với quần chúng và phong trào thi đua.
6. Cải cách thủ tục
hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về
công tác thi đua, khen thưởng
a) Nghiên cứu, ban hành các văn bản
quy phạm pháp luật về đơn giản hóa các thủ tục hành chính về công tác thi đua,
khen thưởng. Rà soát, công khai hóa các thủ tục hành chính trong công tác thi
đua, khen thưởng, có cơ chế giám sát việc thực hiện, nhằm tạo điều kiện ngày
càng thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân.
b) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông
tin trong quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, trong việc thực hiện
cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng.
Duy trì hoạt động Trang thông tin điện tử của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh,
kịp thời cung cấp các thông tin về các hoạt động, các văn bản chỉ đạo về công
tác thi đua, khen thưởng, các phong trào thi đua, gương điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh; tăng cường hiệu quả sử dụng phần mềm quản
lý dữ liệu thi đua, khen thưởng phục vụ cho công tác tra cứu, thẩm định hồ sơ, báo cáo ...
7. Triển khai
phong trào thi đua đặc biệt: “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua
phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”
Hiện nay, tình hình dịch bệnh
Covid-19 đang diễn biến phức tạp, với nhiều chủng mới nguy hiểm, lây lan rất nhanh, phát huy tinh thần đại đoàn
kết toàn dân tộc, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, toàn Đảng, toàn
quân, toàn dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tập trung toàn bộ tâm trí và nguồn lực,
đồng sức, đồng lòng đẩy lùi đại dịch.
Hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt
“Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại
dịch COV1D-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động, các ngành, các cấp, cơ quan,
đơn vị tổ chức phát động, triển khai sâu rộng phong trào đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người
lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước,
quyết tâm, năng động, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ, huy động các nguồn lực xã hội,
động viên, khích lệ mọi người dân tự giác, tích cực tham gia phong trào phòng, chống
dịch Covid-19 nhằm ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết. Đồng
thời, tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển
kinh tế, tạo nguồn lực để tập trung chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe và đời sống của Nhân
dân, đặc biệt là người có công, người có hoàn cảnh khó khăn.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời,
đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong phòng, chống đại dịch
Covid-19, kiểm soát tốt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, dập
dịch triệt để bên trong, ứng dụng công nghệ thông tin để
truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm hợp lý, điều trị hiệu quả,
giãn cách xã hội ở phạm vi và thời hạn cần thiết, chặn đứng nguồn lây, bảo đảm phương châm “5K + vắc xin” và tích cực nghiên cứu, ứng
dụng công nghệ bắt buộc trong phòng, chống dịch; thần tốc xét
nghiệm và tiêm vắc xin cho Nhân dân, nhằm tập trung thực
hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe
Nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nổ lực phục hồi và
phát triển kinh tế, xã hội. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động
và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết của
Chính phủ và Quyết định của Chính phủ.
Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị
phát hiện, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc,
có nhiều đóng góp, cách làm hay, sáng tạo trong phong trào thi đua; chủ động tổ
chức biểu dương và khen thưởng ngay sau khi tập thể, cá nhân lập được thành
tích đế động viên, khích lệ kịp thời. Trường hợp thành tích tiêu biểu xuất sắc
thì lập hồ sơ trình UBND tỉnh khen thưởng hoặc đề xuất UBND tỉnh trình Thủ tướng
Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng.
III. Tổ chức thực
hiện
1. Các sở, ban, ngành, huyện, thành
phố, thị xã, cơ quan, đơn vị căn cứ nội dung Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng
Chính phủ, Chỉ thị số 03/CT-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh và Kế hoạch này, chủ
động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; định kỳ 06 tháng và 01 năm báo cáo
kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Ban Thi đua - Khen thưởng, Sở Nội vụ).
2. Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Thông
tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh
ban hành Kế hoạch và tổ chức triển khai các phong trào thi đua nêu tại điểm b
khoản 2 Phần II của Kế hoạch này.
3. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo
các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên
truyền sâu rộng nội dung của Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ
tướng Chính phủ, Chỉ thị số 03/CT-UBND của UBND tỉnh, tạo sự đồng thuận xã hội,
thống nhất cao trong tổ chức triển khai phong trào thi
đua, gắn với tích cực tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến.
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể căn cứ chức năng, nhiệm vụ, vận động đoàn viên,
hội viên tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua, góp phần
thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kế hoạch 5
năm (2021 - 2025).
5. Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng)
hướng dẫn, đôn đốc và tham mưu Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh tổ chức kiểm
tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch này./.
Nơi nhận:
- Ban TDKTTW;
- TTr.Tỉnh ủy;
- TTr. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Thành viên Hội đồng TĐKT tỉnh;
- UB MTTQVN tỉnh và các đoàn thể;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, TX, TP;
- Các đơn vị tham gia cụm, khối thi đua thuộc tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Website Hội đồng TĐKT tỉnh;
- Báo Bà Rịa - Vũng Tàu;
- Đài PT&TH tỉnh;
- Lưu: VT, BTĐKT(4).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Văn Tuấn
|