Kính gửi: Cục
Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Qua tổng hợp dữ liệu tiền thuế nợ của Cục Thuế các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập
trung (TMS) thì tình hình nợ đọng thuế trong quý I/2023 có xu hướng tăng so với
thời điểm cuối năm 2022. Căn cứ chỉ tiêu thu nợ thuế, xử lý nợ và tiền thuế nợ
năm 2023 Tổng cục Thuế đã giao tại công văn số 46/TCT-QLN ngày 09/01/2023; để đảm
bảo phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023, quyết liệt xử
lý, thu hồi nợ đọng thuế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, giảm nợ
đọng thuế, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2023; Tổng cục Thuế đề
nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện
các biện pháp sau:
1. Về phân loại nợ
Việc phân loại nợ phải đảm bảo theo đúng tính chất
của từng khoản nợ. Hồ sơ phân loại nợ phải đầy đủ theo đúng hướng dẫn tại Quy
trình quản lý nợ ban hành kèm theo Quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
2. Về đôn đốc và cưỡng chế nợ
Triển khai áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng
trường hợp nợ thuế theo đúng quy định; đặc biệt tập trung áp dụng ngay các biện
pháp đôn đốc, cưỡng chế và công khai thông tin theo quy định của Luật Quản lý
thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với người nộp thuế có số tiền thuế nợ
lớn, chây ỳ, kéo dài để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước, cụ thể như
sau:
- Đối với người nộp thuế chỉ có tiền thuế nợ dưới
90 ngày, thực hiện ngay các biện pháp: gọi điện thoại, nhắn tin, gửi thư điện tử,
mời lên làm việc, ban hành thông báo tiền thuế nợ để đôn đốc người nộp thuế nộp
tiền thuế vào ngân sách nhà nước, không để nợ thuế dây dưa, kéo dài, hạn chế nợ
mới phát sinh.
- Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ trên
90 ngày hoặc khoản tiền thuế thuộc trường hợp phải cưỡng chế: áp dụng ngay các
biện pháp cưỡng chế và công khai thông tin để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân
sách nhà nước. Trường hợp quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà người nộp thuế
chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước
thì phải kịp thời chuyển sang áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, đúng quy
định.
3. Đẩy nhanh việc xử lý đối với
các khoản nợ đang chờ xử lý và tiền thuế đang chờ điều chỉnh, cụ thể:
- Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế nợ đang
chờ xử lý: Cục trưởng Cục Thuế chỉ đạo các bộ phận trong cơ quan thuế tập trung
giải quyết kịp thời, đúng quy định đối với các hồ sơ cơ quan thuế đã tiếp nhận
và đang trong thời gian thực hiện các thủ tục xử lý.
- Đối với người nộp thuế có khoản tiền thuế đang chờ
điều chỉnh: bộ phận quản lý nợ chỉ phân loại khi có đầy đủ hồ sơ, đồng thời phối
hợp với các bộ phận liên quan và người nộp thuế để đối chiếu nợ, chuẩn hóa dữ
liệu nợ.
Cục Thuế các địa phương thực hiện rà soát, kịp thời
điều chỉnh các khoản nợ sai, nợ ảo phát sinh trong tháng. Sau thời điểm chốt nợ
hàng tháng, nếu phát hiện các khoản nợ sai, nợ ảo thì Cục Thuế tổng hợp, báo
cáo kịp thời về Tổng cục Thuế qua thư điện tử (email) ngành thuế.
4. Đối với các khoản tiền thuế, tiền
thuê đất đã hết thời gian gia hạn nộp thuế theo quy định tại các Nghị định của
Chính phủ: Cơ quan thuế thực hiện áp dụng ngay các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế
theo đúng quy định để kịp thời thu hồi vào ngân sách nhà nước các khoản tiền
thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn nộp thuế.
5. Tăng cường áp dụng biện pháp tạm
hoãn xuất cảnh đối với cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của
doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế để nâng cao hiệu quả trong công
tác quản lý thu nợ.
Khi thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn
xuất cảnh, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh theo quy định thì ngoài thông tin trên
Thông báo mẫu số 01/XC, mẫu số 02/XC ban hành kèm theo Nghị định số
126/2020/NĐ-CP , cơ quan thuế bổ sung thêm các thông tin về ngày, tháng, năm
sinh của người nộp thuế gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để đáp ứng hiệu quả
của công tác phòng ngừa đối tượng xuất cảnh.
6. Về việc triển khai xử lý khoanh
nợ, xóa nợ:
6.1. Khẩn trương thực hiện rà soát, thu thập, bổ
sung, hoàn thiện hồ sơ và thực hiện xử lý nợ theo quy định tại Nghị quyết số
94/2019/QH14 của Quốc hội và hướng dẫn tại Thông tư số 69/2020/TT-BTC ngày
15/7/2020 của Bộ Tài chính, đảm bảo xử lý đúng đối tượng, đúng thẩm quyền; hồ
sơ, trình tự, thủ tục chặt chẽ theo đúng quy định và kịp thời trình cấp có thẩm
quyền xem xét xử lý.
6.2. Về xử lý khoanh nợ, xóa nợ
đối với người nộp thuế là chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh:
+ Trường hợp xóa nợ đối với chi nhánh, văn phòng đại
diện, địa điểm kinh doanh thì hồ sơ phải có văn bản xác nhận của Ủy ban nhân
dân xã, phường, thị trấn nơi trụ sở chính đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh
về việc trụ sở chính không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa chỉ đã
đăng ký hoặc Quyết định xóa nợ của trụ sở chính theo quy định tại khoản
2 Điều 8, khoản 3 Điều 10, khoản 2 Điều 11 và khoản 2 Điều 12 Nghị quyết số
94/2019/QH14.
+ Trường hợp chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm
kinh doanh không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký mà trụ sở chính vẫn đang
hoạt động thì không thực hiện khoanh nợ đối với chi nhánh, văn phòng đại diện,
địa điểm kinh doanh. Cơ quan thuế thực hiện rà soát, trường hợp phát hiện trụ sở
chính vẫn đang hoạt động thì thực hiện hủy khoanh nợ đối với chi nhánh, văn
phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
6.3. Đối với người nộp thuế được khoanh nợ, xóa nợ
đã nộp đủ số tiền thuế nợ (bao gồm cả số tiền thuế nợ đã được khoanh, xóa) vào
NSNN để chấm dứt hiệu lực mã số thuế: Cơ quan thuế thực hiện hủy khoanh nợ, xóa
nợ đối với trường hợp người nộp thuế được khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết số
94/2019/QH14; chấm dứt hiệu lực của quyết định khoanh tiền thuế nợ đối với người
nộp thuế được khoanh nợ theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
6.4. Trường hợp số liệu tiền thuế nợ của người nộp
thuế đã thực hiện khoanh nợ có sự thay đổi (do người nộp thuế đã nộp một phần
tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước; do tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đã thực
hiện xóa;...) thì cơ quan thuế ban hành quyết định điều chỉnh số tiền thuế nợ
đã khoanh theo mẫu đính kèm.
6.5. Về thẩm quyền xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền
chậm nộp thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị quyết số
94/2019/QH14.
7. Đối với các khoản nợ tiền sử dụng
đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: Cơ quan thuế thực hiện
rà soát, xác định chính xác số tiền người nộp thuế còn nợ NSNN; hạch toán, theo
dõi đầy đủ các khoản nợ trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS).
Trường hợp có vướng mắc, Cục Thuế chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan
trên địa bàn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc cơ quan có thẩm quyền
để giải quyết dứt điểm số nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền
khai thác khoáng sản.
Trường hợp người sử dụng đất chưa thực hiện đầy đủ
nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và cơ quan thuế đã áp dụng biện
pháp cưỡng chế nhưng không chấp hành thì cơ quan thuế chủ động ban hành văn bản
kiến nghị Ủy ban nhân dân thu hồi đất.
8. Đối với khoản nợ thuế bảo vệ
môi trường: Cơ quan thuế khẩn trương áp dụng các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế
để thu hồi nợ thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách nhà nước theo đúng hướng dẫn
tại công văn số 689/TCT-QLN ngày 13/3/2023 của Tổng cục
Thuế, không để phát sinh thêm nợ mới.
9. Về công tác báo cáo
Trường hợp báo cáo tháng 12/2022 phải điều chỉnh số
liệu theo kết luận của cơ quan kiểm toán, thanh tra và các cơ quan khác thì Cục
Thuế điều chỉnh lại số liệu trên báo cáo kèm các phụ lục có liên quan và gửi lại
Tổng cục Thuế (văn bản có ký tên, đóng dấu của cơ quan Thuế).
Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương biết và triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Q.TCTg Mai Xuân Thành (để b/c);
- Vụ PC - TCT;
- Lưu: VT, QLN (2b).
|
KT. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Vũ Chí Hùng
|