HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 159/NQ-HĐND
|
Tây Ninh, ngày 19
tháng 6 năm 2024
|
NGHỊ QUYẾT
THÔNG
QUA ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU KINH TẾ CỬA KHẨU MỘC BÀI, TỈNH TÂY NINH
ĐẾN NĂM 2045
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 13
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24
tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37
Luật có liên quan đến Quy hoạch năm 2018 số 35/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm
2018;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng
4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô
thị;
Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng
5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng
8 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về việc lập, thẩm định,
phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06
tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch
xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5
năm 2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế;
Căn cứ Quyết định số 966/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8
năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng
Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045;
Căn cứ Quyết định số 1736/QĐ-TTg ngày 29 tháng
12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ
2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Xét Tờ trình số 1746/TTr-UBND ngày 12 tháng 6
năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Đồ án quy hoạch chung xây dựng
Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045; Báo cáo thẩm tra của
Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đồ án quy
hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045 với
các nội dung chính như sau:
1. Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch
chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài tuân thủ nhiệm vụ quy hoạch chung
xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh đến năm 2045 phê duyệt tại
Quyết định số 966/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ: gồm
toàn bộ địa giới hành chính thị trấn Bến Cầu, các xã Long Thuận, Tiên Thuận, Lợi
Thuận, An Thạnh thuộc huyện Bến Cầu và xã Phước Chỉ, Phước Bình thuộc thị xã Trảng
Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Tổng diện tích tự nhiên Khu kinh tế cửa khẩu Mộc
Bài là khoảng 21.284 ha:
- Phía Bắc và Đông: giáp các xã Long Khánh, Long
Giang, Long Chữ thuộc huyện Bến Cầu và một phần sông Vàm Cỏ Đông.
- Phía Nam: giáp với tỉnh Long An.
- Phía Tây: giáp với tỉnh Svay Rieng, Cam-pu-chia.
2. Thời hạn lập quy hoạch:
ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045.
3. Mục tiêu
- Thúc đẩy phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài
trở thành vùng động lực mới, cực tăng trưởng phát triển kinh tế có tầm cạnh
tranh với khu vực và quốc tế; là đầu mối giao thương quan trọng của vùng Đông
Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giữa Việt Nam với Campuchia và khu
vực ASEAN; là trung tâm dịch vụ cửa khẩu, cảng trung chuyển Container quốc tế
và dịch vụ logistic; là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ biên giới đất
liền tại vùng Đông Nam Bộ.
- Phát triển khu kinh tế theo hướng công nghiệp
công nghệ cao, công nghiệp xanh, đô thị xanh - sạch, thông minh, bền vững, có bản
sắc dân tộc trong hội nhập, kết nối quốc tế; nâng cao hiệu quả sử dụng đất và
chất lượng cuộc sống; bảo vệ, phát triển bền vững với môi trường; tiến tới hoàn
thành các chiến lược của quốc gia, vùng Đông Nam Bộ và tỉnh về công nghiệp, đô
thị, du lịch, nông nghiệp.
- Đáp ứng yêu cầu mới trong chiến lược đảm bảo nhiệm
vụ, mục tiêu quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo
quốc phòng - an ninh, giữ gìn an ninh trật tự vùng biên giới, khắc phục vấn đề
tồn tại về phát triển biên mậu, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu
kinh tế, văn hóa - xã hội và đảm bảo vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, phát
triển đồng bộ, hài hòa, bền vững.
- Làm cơ sở pháp lý, quản lý sử dụng đất đai khu
kinh tế; quản lý phát triển, đầu tư xây dựng trong khu kinh tế; đầu tư hoàn thiện
hệ thống kỹ thuật khung; lập quy hoạch chung (nếu có), quy hoạch phân khu, quy
hoạch chi tiết, các dự án đầu tư, chương trình phát triển đô thị và phân loại
đô thị Bến Cầu trước năm 2030.
4. Tính chất
- Là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với
các chức năng công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ - du lịch và nông -
lâm nghiệp gắn với các hoạt động đối ngoại của quốc gia, giao lưu kinh tế, văn
hóa và quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam, Cam-pu-chia và khu vực
ASEAN.
- Là đầu mối giao thương quốc tế quan trọng giữa Việt
Nam và Cam-pu- chia; là trung tâm công nghiệp - đô thị - thương mại dịch vụ và
logistic của vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với chức năng
công nghiệp - đô thị, cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistic
có vai trò chủ yếu, kết hợp với phát triển du lịch và phát triển các ngành kinh
tế khác.
- Có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh, gắn
kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an
ninh.
5. Dự báo quy mô phát triển các chức
năng, quy mô dân số, số lượng khách, lao động và các nhu cầu về sử dụng đất
đai, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chính
a) Quy mô dân số, lao động:
- Đến năm 2030: Quy mô dân số khoảng 105.000 -
155.000 người trong đó đô thị Bến Cầu khoảng 70.000 - 85.000 người, khu vực Trảng
Bàng khoảng 35.000 - 50.000 người; dân số quy đổi khoảng 20.000 người.
- Đến năm 2045: Quy mô dân số dự báo khoảng 310.000
người trong đó đô thị Bến Cầu khoảng 195.000 người, khu vực Trảng Bàng khoảng
65.000 người; dân số quy đổi khoảng 50.000 người.
b) Nhu cầu sử dụng đất xây dựng đô thị, các khu vực
chức năng cửa khẩu:
- Đến năm 2030: Đất xây dựng đô thị, các khu chức
năng thuộc khu kinh tế, các khu chức năng khác và khu công nghiệp khoảng 6.500
- 7.500 ha (trong đó đất dân dụng khoảng 2.000 - 2.500 ha); đất nông nghiệp và
đất khác khoảng 13.784 ha.
- Đến năm 2045: Đất xây dựng đô thị, các khu chức
năng thuộc khu kinh tế, các khu chức năng khác và khu công nghiệp khoảng 10.500
- 12.500 ha (trong đó đất dân dụng khoảng 3.500 - 4.000 ha); đất nông nghiệp và
đất khác khoảng 8.784 ha.
c) Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật (đến năm 2045) áp
dụng theo các tiêu chí tương đương tiêu chuẩn đô thị loại II; đảm bảo, phù hợp tiêu
chuẩn, quy chuẩn và quy định hiện hành, có xét đến yếu tố đặc thù của Khu kinh
tế cửa khẩu Mộc Bài.
6. Định hướng phát triển không
gian; quy hoạch sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kế hoạch chương trình
triển khai: Hồ sơ, thuyết minh kèm theo.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn chỉnh các thủ tục,
trình cấp có thẩm quyền quyết định và tổ chức, triển khai thực hiện theo đúng
quy định.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban
Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát
việc thực hiện Nghị quyết.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh,
các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tuyên truyền và tham gia giám sát việc thực
hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Tây
Ninh Khóa X, Kỳ họp thứ 13 thông qua và có hiệu lực từ ngày 19 tháng 6 năm
2024.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Xây dựng;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- TT HĐND, UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Tây Ninh; Đài PTTH Tây Ninh;
- Trung tâm Công báo - Tin học tỉnh;
- Lưu: VT, VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Thành Tâm
|