ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 75/KH-UBND
|
Bắc
Ninh, ngày 29 tháng 3 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 26/NQ-CP NGÀY 27/02/2023 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH
ĐỘNG SỐ 41-CTR/TU NGÀY 25/11/2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH BẮC NINH VỀ VIỆC
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19-NQ/TW NGÀY 16/6/2022 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
KHÓA XIII VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM
2045
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW,
ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông
thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số
19-NQ/TW); Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/02/2023 của Chính phủ ban hành
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH
Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 26/NQ-CP); Chương
trình hành động số 41/CTr-TU ngày 25/11/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc
Ninh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng
khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm
2045 (sau đây gọi tắt là Chương trình số 41/CTr-TU).
UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành kế hoạch
thực hiện với nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Thống nhất trong công tác chỉ đạo
các cấp, các ngành tổ chức quán triệt, triển khai quyết liệt, hiệu quả, tạo sự
chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền,
doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông thôn, nông
thôn.
- Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ
và giải pháp của Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, xác định
rõ nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để các sở, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo,
chỉ đạo, tổ chức thực hiện đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nông
nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh
Bắc Ninh.
2. Yêu cầu
- Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến
cơ sở tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số
19-NQ/TW, Nghị quyết số 26/NQ-CP, Chương
trình số 41/CTr-TU nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và
toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn
trong thời gian trước mắt và lâu dài; xác định rõ vấn đề nông nghiệp, nông dân,
nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên cần quan tâm tập trung lãnh chỉ đạo
trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh từ nay đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2045.
- Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, nội dung Nghị quyết,
Quyết định của Trung ương và Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh,
mỗi địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án, dự án cụ thể để
chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở địa phương, đơn vị mình; tăng cường đầu tư về mọi
mặt, đồng thời có những chính sách thích hợp hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông
dân, nông thôn; trong quá trình triển khai thực hiện phải bám sát quan điểm, mục
tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết của Trung ương và Chương
trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra,
giám sát, kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc, đảm bảo việc triển khai thực
hiện các nội dung đạt hiệu quả, chất lượng và đúng tiến độ đề ra.
II. NỘI DUNG
1. Mục
tiêu tổng quát đến năm 2030
- Về nông nghiệp: Xây dựng nền
nông nghiệp phát triển theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất
hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả, bền vững. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông
nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy
lợi thế từng địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá
trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường
sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, góp phần đảm
bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định kinh tế - xã hội.
- Về nông dân: Nông dân và dân cư nông thôn văn
minh, có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá
trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo cơ hội phát triển
công bằng giữa các địa phương trong tỉnh.
- Về nông thôn: Phát triển toàn diện, kết cấu hạ tầng
đồng bộ, hiện đại gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa; giữ gìn và
phát huy bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc; đảm bảo môi trường sống an toàn,
lành mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm
2030
* Về nông nghiệp:
- Tốc độ tăng trưởng
GRDP lĩnh vực nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 0,8-1%/năm; cơ cấu tỉ trọng
nông lâm nghiệp và thủy sản còn 1,5%.
- Giá trị sản phẩm trên 01 ha
đất trồng trọt và mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt trên 200 triệu đồng.
- Tỷ trọng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong
sản xuất nông nghiệp đạt trên 40%).
- Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản
được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%.
- Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất
theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 30%.
- Tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến
nông sản đạt trên 8%/năm.
- Phát triển nền nông nghiệp
xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm
môi trường nông thôn. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 0,65%, tiếp
tục nâng cao chất lượng và giá trị rừng trồng phòng hộ, trồng mới, trồng thay
thế cây xanh phân tán trên địa bàn tỉnh.
* Về nông dân:
- Tăng năng suất lao động nông nghiệp đạt bình quân ít nhất 6,2%/năm.
- Tỷ trọng lao động nông nghiệp
trong tổng lao động xã hội giảm xuống còn dưới 10%, tỷ lệ lao động nông thôn qua
đào tạo đạt trên 80%; Tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 70%.
* Về nông thôn:
- 100% các xã duy trì và nâng cao
chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; có khoảng 65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới
nâng cao, trên 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; công nhận ít nhất
100 mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 03 huyện đạt chuẩn
huyện nông thôn mới nâng cao/huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
- Phấn đấu mỗi huyện, thị xã,
thành phố có trên 25 sản phẩm OCOP được công nhận, có ít nhất 50% làng nghề
trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP, 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán
hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại
điện tử,...); hình thành, duy trì và phát triển ít nhất 03 chuỗi sản phẩm OCOP
về du lịch cộng đồng.
- Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững.
Thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020. Không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia.
- Tỉ lệ hộ gia đình nông thôn có nước
sạch sử dụng đạt 100%.
- Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt
phát sinh tại khu dân cư nông thôn được thu gom, tự xử lý, vận chuyển, xử lý tập
trung đạt 100%.
3. Tầm nhìn đến năm 2045
Nông dân và người dân nông thôn văn minh, phát triển
toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, thông minh, chất lượng cao,
chế biến sâu với công nghệ tiên tiến, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, thân thiện
với môi trường. Nông thôn hiện đại, điều kiện sống tiệm cận với đô thị, giàu bản
sắc văn hóa dân tộc, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, quốc phòng, an ninh, trật
tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.
III.
NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1.
Tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả chủ
trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân,
nông thôn
Bám sát định hướng, nhiệm vụ, giải
pháp của Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 26/NQ-CP, Chương trình số 41/CTr-TU và các văn bản liên quan, các cơ quan,
đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt và thực hiện tuyên truyền,
giáo dục, vận động sâu rộng trong toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng
của nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới trong quá trình công nghiệp
hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; huy động sức mạnh của cả hệ thống
chính trị để triển khai các nội dung, thay đổi tư duy của cả hệ thống chính trị
từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Đổi mới nội dung, phương pháp thực hiện các chương trình tuyên truyền thông qua
các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và các hình thức khác để phổ biến
thông tin phù hợp với từng nhóm đối tượng, hướng tới nhận thức,
hành động đúng, toàn diện và kết quả, hiệu quả thực chất; tạo sự đồng thuận,
vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đồng thời đẩy mạnh triển khai các
phong trào thi đua thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng và giải
pháp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045
trên địa bàn tỉnh đã đề ra.
2. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng,
đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội
nghề nghiệp ở nông thôn
Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của
cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện
các chủ trương, chính sách của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nâng
cao năng lực, trách nhiệm của chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước các cấp về
nông nghiệp, nông dân, nông thôn bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Phát huy quyền làm chủ của người dân ở cơ sở, tạo điều kiện để người dân tích cực
tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ
thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng
thể cải cách hành chính tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục tinh
gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp
công lập, doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp đảm bảo theo đúng
quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Quyết liệt chỉ đạo, thực hiện các giải pháp duy trì và cải thiện hiệu
quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra,
giám sát, nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức; bảo đảm sự phối hợp
chặt chẽ, hiệu quả giữa các sở, ban, ngành với các huyện, thị xã, thành phố.
Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, đổi mới phương thức quản lý, điều hành của
chính quyền cơ sở; Thực hiện đúng quy định về tuyển dụng, đào tạo, sử dụng, bổ
nhiệm nhằm xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy
tín.
Từng bước xã hội hóa và nâng cao năng lực cung ứng
dịch vụ công trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tinh giản thủ tục, minh bạch
thông tin, cụ thể hóa các nhiệm vụ gắn với trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức.
Phân cấp mạnh mẽ hoạt động khuyến
nông cho các tổ chức của nông dân và doanh nghiệp. Phát triển mạnh mẽ hệ thống
khuyến nông cộng đồng. Đổi mới, nâng cao vai trò của Hội Nông dân, Liên
minh hợp tác xã thực sự trở thành đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nông
dân và các cá nhân tham gia Hợp tác xã. Nâng cao vị thế, vai trò của Mặt trận Tổ
quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp… tham gia quá trình
phát triển kinh tế xã hội, môi trường, thể chế trong nông nghiệp, nông thôn.
Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực, trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh của nông dân, người dân nông thôn. Xây dựng và tổ chức thực hiện chương
trình, kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân, người lao động nông thôn, nhất
là cho lao động trẻ; tập trung vào năng lực thực hành và kỹ năng,
kiến thức mới để tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuyển
dịch cơ cấu lao động gắn với giải quyết việc làm, xu hướng và nhu cầu chuyển dịch
cơ cấu kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tập trung ưu tiên đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đủ
trình độ tiếp cận công nghệ hiện đại để tạo những bước đột phá trong nghiên cứu,
ứng dụng, chọn, tạo và sản xuất giống, công nghệ di truyền, nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao, công nghệ mới; thu hút nguồn nhân lực
chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn.
Bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và người dân
nông thôn, lấy người dân nông thôn làm chủ thể, trung tâm trong phát triển nông
nghiệp và kinh tế nông thôn theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân
kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Xây dựng và triển khai hệ thống cơ chế,
chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để nông dân và người dân nông thôn
tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ kỹ thuật; nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi
từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng
dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chuyển đổi số, phát triển sản xuất
kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ ổn định, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, từng bước giảm tình trạng di cư lao động nông
thôn ra thành thị.
Tiếp tục nâng cao chất lượng về giáo dục, đào tạo,
y tế, văn hóa, thể thao cho nông dân và người dân nông thôn; thực hiện tốt các
chính sách, chương trình mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phát huy
vai trò của các cấp hội nông dân, liên minh hợp tác xã và các tổ chức xã hội -
nghề nghiệp trong cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật, kiến thức sản xuất
kinh doanh, khoa học - công nghệ. Củng cố truyền thống văn hóa và tính cố kết cộng
đồng, bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương; xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng
đồng dân cư vững mạnh, tham gia quản lý xã hội, phòng chống rủi ro, bảo vệ tài
nguyên môi trường, kết hợp phát triển kinh tế, phát triển du lịch nông thôn
thông qua đẩy mạnh các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới,
nông dân khởi nghiệp, thi đua sản xuất kinh doanh, cùng nhau làm giàu, giảm
nghèo bền vững, bảo vệ an ninh Tổ quốc, gia đình (thôn, xóm) văn hóa,…
4. Phát triển nền nông nghiệp
hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến,
nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch
số 596/KH-UBND ngày 15/9/2021 về cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn
2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Kế hoạch hành động số 340/KH-UBND ngày
24/6/2022 thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững
giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trong đó
tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế theo các nhóm sản phẩm
chủ lực cấp tỉnh, đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP, cùng với việc xây dựng các
vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của
thị trường, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; xây dựng cơ sở hạ
tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, hệ thống hậu cần thông suốt; đổi mới mạnh
mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp
tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương; tăng cường áp dụng công nghệ số
trong quản lý và thương mại sản phẩm để từng bước phát triển thương hiệu trên
thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.
- Về trồng trọt:
Đẩy mạnh phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng nâng cao chất lượng, an
toàn, hiệu quả và giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích. Phát triển các
vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ
theo chuỗi liên kết đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh (gạo chất lượng cao,
rau củ quả an toàn…); khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu
cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị, kết hợp phục vụ du lịch và gắn với
bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng
cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống năng suất, chất lượng cao, chống
chịu tốt sinh vật hại, thích ứng tốt với điều kiện khí hậu của địa phương; thực
hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến; thực hành sản xuất nông nghiệp theo hướng
sản xuất hữu cơ, giảm dần sử dụng các loại phân bón vô cơ và hóa chất bảo vệ thực
vật… Nghiên cứu phát triển thêm một số sản phẩm nông nghiệp có năng suất, giá
trị kinh tế cao, dễ làm thương hiệu, phù hợp với các phương pháp canh tác trong
nhà kính, trang trại cao tầng như: nấm, hoa…Tập trung đầu tư phát triển công
nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch theo hướng
hiện đại, giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Duy trì, sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa để vừa đảm bảo an ninh lương
thực vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân.
- Về chăn nuôi: Đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về thực
phẩm cho thị trường trong tỉnh và một số khu vực lân cận; tiếp tục xác định sản
phẩm chăn nuôi chủ lực là lợn giống, gà giống, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm;
phát triển ổn định đàn trâu, bò. Tiếp tục nuôi giữ và phát triển đàn vật nuôi bản
địa, đặc sản có giá trị cao theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm, bền vững môi
trường, an toàn sinh học và dịch bệnh. Phát triển chăn nuôi công nghiệp áp dụng
công nghệ cao tại các trang trại và doanh nghiệp lớn, đồng thời khuyến khích
chăn nuôi hộ truyền thống có cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu
cơ. Khai thác có hiệu quả các vùng chăn nuôi tập trung hiện có, đồng thời tiếp
tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại ngoài khu dân cư theo hướng an
toàn sinh học, chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất con giống, thức
ăn, chăm sóc nuôi dưỡng đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Quản lý chặt
chẽ việc sử dụng thuốc thú y và các chất phụ gia trong chăn nuôi, chấm dứt tình
trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Khuyến khích phát triển công nghiệp sản
xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, nhất là công nghệ sinh học nhằm đáp ứng đủ
các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hạn chế sử dụng hóa chất dùng trong
chăn nuôi và tận thu, nâng cao giá trị dinh dưỡng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp,
công nghiệp; khuyến khích các cơ sở chăn nuôi sử dụng thức ăn tự nghiền, phối
trộn. Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn chất thải chăn nuôi cho nhu cầu trồng
trọt, chăn nuôi côn trùng, sản xuất năng lượng tái tạo…, thúc đẩy các mô hình
kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.
- Về thủy sản: Khai thác và sử dụng
có hiệu quả diện tích mặt nước hiện có theo hướng thâm canh, tăng vụ; chỉ mở rộng
diện tích nuôi trồng thủy sản ở những nơi có điều kiện và lợi thế phát triển thủy
sản lâu dài, bền vững và không ảnh hưởng đến môi trường. Tiếp tục đa dạng hóa đối
tượng và phương pháp nuôi, khuyến khích nuôi công nghiệp áp dụng công nghệ cao,
áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt, thực hiện quy tắc ứng xử nghề nuôi có
trách nhiệm. Chú trọng phát triển nuôi các đối tượng có năng suất, giá trị kinh
tế cao, thủy đặc sản như: cá lăng chấm, cá ngạnh, cá chiên, cá tầm, ba ba
gai,.... bên cạnh các đối tượng cá nuôi truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu
dùng và khai thác tốt thị trường tiêu thụ. Tăng cường kiểm tra, quản lý
chất lượng con giống, thức ăn thủy sản, chế phẩm sinh học;
hỗ trợ có hiệu quả người dân trong ứng dụng các tiến bộ khoa
học kỹ thuật vào sản xuất cũng như quản lý tốt
môi trường, dịch bệnh vùng nuôi, khai thác có hiệu quả các
vùng nuôi thủy sản tập trung thâm canh bền vững, đảm bảo chất lượng vệ sinh an
toàn thực phẩm. Tiếp tục duy trì và phát triển các tổ chức
liên kết hiệu quả như mô hình tổ hợp tác. Tăng cường công tác bảo vệ, tái tạo và
phát triển nguồn lợi thủy sản gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.
- Về lâm nghiệp: Bảo vệ ổn định diện tích rừng và đất
lâm nghiệp hiện có. Đầu tư trồng thay
thế toàn bộ diện tích rừng trồng hỗn giao (Thông -Keo) hiện có bằng các
loài cây bản địa có chất lượng, giá trị cao như Lim, Lát, Re, Giổi xanh,…, đẩy mạnh phát triển lâm sản ngoài gỗ nhằm nâng cao chất lượng,
hiệu quả kinh tế và giá trị sinh thái của rừng trồng phòng hộ trên địa bàn tỉnh,
đáp ứng hiệu quả chức năng phòng hộ môi trường, góp phần giảm thiểu
tác hại do thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển trồng cây
xanh trong các khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, trồng cây phân tán ở
nông thôn, hình thành dải rừng phòng hộ dọc các tuyến đê của tỉnh. Quản lý chặt
chẽ việc chuyển mục đích đối với đất lâm nghiệp. Làm tốt công
tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, kiểm tra, kiểm soát, quản lý lâm sản, kịp thời phát hiện, xử lý những
hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch
tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm huy động và sử dụng
hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo toàn diện, đồng bộ
kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, dựa trên khoa học
- công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Hình thành
và phát triển các chuỗi liên kết sản phẩm nông lâm thủy sản. Đẩy nhanh tiến độ
triển khai thực hiện các dự án xây dựng cảng
cạn, cảng thủy nội địa, hạ tầng kho bãi Logistic... đã được cấp thẩm quyền phê
duyệt quy hoạch, tăng cường kết nối trung chuyển hàng hóa
của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tới các sân bay, cửa khẩu, cảng biển
(sân bay Nội Bài, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn,...), tạo điều kiện mở rộng
hoạt động tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.
Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch
vụ; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông
nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Đầu tư phát triển
các khu, cụm công nghiệp làng nghề, cụm công nghiệp cho mục đích phục vụ sản xuất,
kinh doanh nông sản thực phẩm và thu gom, sơ chế bảo quản nông lâm thủy sản đối
với các xã thuộc các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa phía Nam sông Đuống,
phát triển mạnh kinh tế dịch vụ ở khu vực nông thôn từ loại hình, quy mô... để
nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, tạo việc làm, thu hút lực lượng lao
động không tham gia sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho các hộ gia đình và
người lao động tăng thu nhập ổn định và cải thiện đời sống... Có cơ chế, chính
sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ đầu tư vào
nông thôn và sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quy mô
sản xuất lớn, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nông thôn, để người nông
dân “ly nông, bất ly hương”, từng bước giảm tình trạng di cư lao động nông thôn
ra thành thị.
Bảo tồn, phát
triển các ngành nghề, dịch
vụ nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã,
trang trại, Chương trình OCOP, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền
thống thông qua đầu tư sâu rộng cho xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa,
đăng ký bảo hộ, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh và đặc
sản địa phương; áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm. Tăng
cường hoạt động đào tạo, tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi.
6. Xây dựng nông thôn mới hiện
đại, bền vững gắn với đô thị hóa
Xây dựng nông thôn mới thông minh, hiện đại,phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Tập trung nguồn
lực đầu tư và khuyến khích tối đa đầu tư tư nhân, hợp tác công tư gắn với nâng
cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công trong công tác duy trì và nâng
cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp,
nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn, hạ tầng kinh tế số bảo đảm tăng cường
liên kết vùng; từng bước đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất
khu vực nông thôn theo hướng hình thành khu vực dân cư phù
hợp tiến trình hình thành đô thị trong tương lai. Bảo đảm tiến độ xây dựng
nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để tạo lập môi trường, cảnh quan
nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn, tiệm cận với đô thị, giàu bản sắc văn hóa Bắc
Ninh - Kinh Bắc; tăng cường giữ vững an ninh - chính trị - quốc phòng, đưa nông
thôn thực sự trở thành “nơi đáng sống”.
Đối với các xã thuộc khu vực được quy hoạch là đô
thị trung tâm của Tỉnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông
nghiệp nhằm chuyển dịch cơ cấu theo hướng hình thành các khu nông nghiệp đô thị,
nông nghiệp sinh thái với các sản phẩm sạch, vành đai xanh nhằm hạn chế tác động
của quá trình đô thị hóa như lọc sạch bầu không khí, giảm tiếng ồn và tạo cảnh
quan văn hóa cho đô thị. Quy hoạch, bố trí sử dụng đất nông nghiệp gồm các vùng
sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung ở khu vực Nam sông Đuống, gồm các
huyện Thuận Thành, Gia Bình và Lương Tài gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô
thị hóa và phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, làng nghề.
7. Xây dựng, triển khai kịp thời,
hiệu quả các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả
chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; rà soát, nâng cao chất
lượng cơ chế chính sách đặc thù của địa phương, trọng tâm là quản lý và sử dụng
bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp.
- Chính sách về đất đai: Có cơ chế, chính sách cho tập trung, tích tụ ruộng đất; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được thuê, chuyển nhượng ruộng đất
lâu dài và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người
sản xuất yên tâm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp
quy mô lớn. Quản lý tốt việc sử dụng đất trồng lúa và đất rừng; sử dụng linh hoạt,
hiệu quả đất lúa; hạn chế tình trạng bỏ hoang, làm thoái hóa đất; bảo đảm quyền,
lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi theo đúng quy định của pháp luật.
- Chính sách đầu tư: Tăng đầu tư công cho nông nghiệp,
trong đó tăng tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ, hạ tầng thương mại, đào tạo
nhân lực, bảo đảm liên kết vùng, sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng biến
đổi khí hậu; đầu tư phát triển công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông
thôn ở các vùng có lợi thế, vùng chuyên canh chính. Ưu tiên phân bổ, nâng cao
hiệu quả ngân sách thực hiện các chính sách: thu hút doanh nghiệp đầu tư vào
nông nghiệp, nông thôn; liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; khuyến nông;
đào tạo nghề; nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn, sản xuất
theo tiêu chuẩn an toàn (GAP); cơ giới hóa nông nghiệp; phát triển chăn nuôi bền
vững; bảo quản, chế biến, xuất khẩu nông sản; phát triển trang trại, kinh tế tập
thể (hợp tác xã); phát triển sản phẩm OCOP… Huy động các nguồn lực xã hội đầu
tư vào nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh đầu tư đối tác công tư;
tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, phát triển dịch vụ, kinh doanh
và chế biến nông sản; tạo điều kiện khuyến khích thu hút viện trợ quốc tế, đầu
tư nước ngoài, đầu tư trong nước vào nông nghiệp, nông thôn. Tăng đầu tư từ
ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2
lần giai đoạn 2011-2020.
- Chính sách về tài chính, tín dụng: Phát triển thị
trường tài chính, tín dụng, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới, củng cố và mở rộng
hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đảm bảo an toàn, hiệu quả; chính sách bảo hiểm
nông nghiệp, góp phần giảm thiểu rủi ro cho nông dân; chính sách tín dụng ưu
đãi để giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề ở nông thôn. Tiếp tục dành
nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với
nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã, doanh nghiệp,
hộ nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh. Đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng
phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt phục vụ sản xuất nông nghiệp
quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị, nông nghiệp tuần hoàn,
hữu cơ, sinh thái...
Thường xuyên thực hiện việc rà soát các cơ chế,
chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các chính sách liên quan đến
pháp luật về đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường
sinh thái, cảnh quan thích nghi biến đổi khí hậu để kịp thời chỉnh sửa, bổ
sung, ban hành mới đảm bảo đồng bộ, khả thi, phù hợp với quy định của pháp luật.
8. Đột phá nghiên cứu, ứng dụng
KHCN; đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tăng cường tổ chức, hợp tác, liên kết sản
xuất theo chuỗi giá trị; chủ động hội nhập và mở rộng thị trường tiêu thụ
Tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng, phát triển
khoa học và công nghệ, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển
giao công nghệ mới, công nghệ sạch vào sản xuất; nghiên cứu đề xuất các giải
pháp nâng cao hàm lượng công nghệ và giá trị công nghệ cao trong sản phẩm nông
nghiệp của tỉnh; Đẩy mạnh thí điểm các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, công
nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh…,
đánh giá hiệu quả các mô hình này để rút kinh nghiệm, tuyên truyền nhân rộng
quy mô, giới thiệu công nghệ và cách quản lý mới; Triển khai thực hiện hiệu quả
Chương trình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh
Bắc Ninh giai đoạn 2022-2025 định hướng đến năm 2030.
Ưu tiên đầu tư công
trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và xây dựng cơ sở hạ
tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp
trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào quản
lý điều hành, sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như ứng dụng
truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, mã số định danh sản phẩm,…; Nghiên cứu, ban
hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
thông minh. Duy trì và phát triển các tổ chức trung gian kết
nối công nghệ như sàn thương mại điện tử Bắc Ninh (ecombacninh.vn), trung tâm đổi mới sáng tạo,...
Tạo đột phá trong tổ chức lại sản xuất, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút các thành
phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển
mạnh trang trại, hợp tác xã, hình thành
các doanh nghiệp có quy mô lớn trong sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm
nông lâm thủy sản, thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị bền vững
thông qua xây dựng và triển khai Chương trình xúc tiến thương mại, Chương trình
xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp hàng năm trên địa bàn tỉnh.
Duy trì và phát triển tốt mối liên kết “bốn nhà”. Nâng cao năng lực tiếp thu và
làm chủ công nghệ của doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân thông qua các hoạt động tìm kiếm cơ hội hợp tác, xúc tiến, thu hút đầu tư, trao đổi,
học tập kinh nghiệm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm thủy sản ứng dụng
công nghệ cao, công nghệ sạch; Tăng cường hỗ trợ về truyền thông, xúc tiến
thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh bền vững của
doanh nghiệp thông qua triển khai hiệu quả Kế
hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền
vững trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Xây dựng, nâng cấp đồng bộ và kết hợp hài hòa giữa
thương mại truyền thống và hiện đại. Tăng cường hỗ trợ các hoạt động kết nối cung cầu, sản xuất - tiêu thụ theo cụm liên kết
ngành, kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài,
kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối. Giữ ổn
định các thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới; chủ động dịch
chuyển từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá
trị ngành hàng”, nhất là đối với ngành hàng chủ lực địa phương. Phát huy mạnh mẽ
vai trò của hợp tác xã, các hiệp hội ngành hàng trong liên kết giữa sản xuất và
tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp
chế biến hoặc thương mại lớn để hình thành các chuỗi giá trị nông sản, kết nối
các vùng chuyên canh.
Làm tốt công tác truyền thông, kịp thời
cung cấp thông tin về các cam kết quốc tế và sự thay đổi chính sách của các thị
trường nhập khẩu. Triển khai hiệu quả, thiết thực công tác quảng bá, xúc tiến
thương mại dựa trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và chuyển đổi số;
cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về danh mục các dự án
kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực nông lâm thủy sản; các ấn phẩm, tài liệu, cẩm
nang giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh, thông tin diễn biến thị trường… phục
vụ hoạt động xúc tiến thương mại. Phát triển mạnh thương mại điện tử trong sản
xuất, kinh doanh nông nghiệp nhằm hỗ trợ nhà đầu tư tìm hiểu, tiếp cận thị trường,
kết nối mạng lưới tiêu thụ trong nước và từng bước hướng đến xuất khẩu. Tiếp tục
đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt
Nam”, Thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn
thực phẩm,chủ động phòng, chống gian lận thương mại.
9. Quản lý tài nguyên, bảo vệ
môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng,
chống thiên tai
Thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng
đất sản xuất nông nghiệp đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, gắn kết phát triển nông
thôn - đô thị. Khai thác và phát huy hợp lý nguồn lực đất đai trong xây dựng,
phát triển kinh tế xã hội, cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, thân thiện
và hài hòa với thiên nhiên. Duy trì và sử dụng linh hoạt, hiệu quả
diện tích đất trồng lúa. Tăng cường công tác thông tin, dự báo, cảnh báo
và xây dựng các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.
Phát triển sản xuất theo hướng “thuận thiên”, sử dụng công nghệ và biện pháp kỹ thuật hiện đại, các giống
vật nuôi, cây trồng có độ thích nghi cao, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu,
sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên; xử lý và tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp
hiệu quả; thực hiện nông nghiệp tuần hoàn
ngay tại hộ nông dân, trang trại nhỏ, HTX (kết hợp trồng trọt - chăn nuôi - thủy
sản) theo kinh nghiệm truyền thống vườn - ao - chuồng (VAC); từng
bước giảm thiểu và chấm dứt sử dụng hóa chất, nguyên vật liệu tổng hợp, khó
phân hủy. Thu hút doanh nghiệp đầu tư công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn,
trước hết là tại các làng nghề, khu, cụm công nghiệp, dịch vụ, khu xử lý rác tập
trung.
Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động người
dân trong việc tự chủ ý thức về bảo vệ môi trường nông thôn. Thực hiện Đề án tổng
thể Bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh; kiểm soát ô nhiễm tại nguồn, tuân thủ các
quy chuẩn quốc gia về môi trường và quy định của pháp luật về kiểm soát xả thải
các hóa chất độc hại gây ô nhiễm môi trường. Triển khai hiệu quả chính sách đầu
tư, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh
Bắc Ninh, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường trong các khu,
cụm công nghiệp, làng nghề và các khu dân cư, chất lượng nước của hệ thống các lưu
vực sông trên địa bàn tỉnh. Tăng cường thực thi pháp luật, kiểm tra, thanh tra,
xử lý nghiêm các vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong quản
lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Tiếp tục đầu tư trồng thay thế toàn bộ diện tích
rừng trồng hỗn giao (thông - keo) hiện có bằng các loài cây bản địa có chất lượng,
giá trị cao như Lim, Lát, Re, Giổi xanh,…, đẩy mạnh phát triển
lâm sản ngoài gỗ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và giá trị
sinh thái của rừng trồng phòng hộ trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm
thiểu tác hại do thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển trồng
cây xanh trong các khu dân cư, khu đô thị, công nghiệp, trồng cây phân tán ở
nông thôn, hình thành dải rừng phòng hộ dọc các tuyến đê của tỉnh. Quản lý chặt
chẽ việc chuyển mục đích đối với đất lâm nghiệp. Tiếp tục làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, kiểm tra, kiểm soát, quản lý lâm sản, kịp thời phát hiện, xử lý những
hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Quản lý tốt nguồn nước các lưu vực
sông và hệ thống thủy lợi bảo đảm quá trình khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm,
phục vụ có hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài. Xây
dựng hệ thống quan trắc, giám sát định kỳ, thường xuyên về tài nguyên nước trên
địa bàn tỉnh. Giám sát hoạt động xả thải vào nguồn nước; tăng cường bảo vệ các
hành lang lưu vực sông; cấp phép khai thác tài nguyên nước, hoạt động khoan nước
dưới đất trên địa bàn tỉnh. Tập trung quản lý và thực hiện nghiêm quy hoạch khu
vực khai thác, tập kết cát, sỏi lòng sông và vật liệu xây dựng; tăng cường kiểm
tra việc hoạt động tập kết cát, sỏi và khai thác vận chuyển đất, đất sét trái
phép trên địa bàn tỉnh.
10. Các chương
trình, đề án, dự án, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện từ nay đến năm 2030 (Chi tiết theo Phụ lục đính kèm)
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Căn cứ Kế hoạch này, các Sở,
ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chương
trình, kế hoạch, đề án, dự án để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ
của mình; đồng thời là căn cứ để tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết,
đánh giá mức độ hoàn thành các nhiệm vụ; định kỳ hằng năm (trước ngày 15/11)
báo cáo kết quả thực hiện về cơ quan thường trực để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chủ
trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh
cân đối, bố trí ngân sách Nhà nước, huy động các nguồn lực triển khai thực hiện
các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, cơ chế chính sách để hoàn thành các mục
tiêu của Kế hoạch đề ra.
3. Các cơ quan thông tin truyền thông: Báo Bắc
Ninh, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao
huyện, thị xã, thành phố, đài truyền thanh cơ sở thường xuyên có chuyên mục
tuyên truyền, giải thích sâu rộng, hiệu quả nội dung Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 26/NQ-CP và Chương trình số
41/CTr-TU tới toàn thể các tầng lớp nhân dân.
4. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là
cơ quan thường trực, phối hợp với các ngành chức năng liên quan có trách nhiệm
theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các nội dung Kế hoạch này; định kỳ
hàng năm (trước ngày 15/12) tổng hợp, báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện và đề
xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn
thể chính trị - xã hội các cấp phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành,
các cấp thống nhất nhận thức và hành động để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số
19-NQ/TW, Nghị quyết số 26/NQ-CP và Chương
trình số 41/CTr-TU.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó
khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- UB MTTQ, các đoàn thể tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh;
- Các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Báo Bắc Ninh, Đài PTTH tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh: LĐVP, KTTH, CTTĐT;
- Lưu: VT, NN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vương Quốc Tuấn
|