Kính gửi:
|
- Các đơn vị trực thuộc Bộ.
- Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
|
Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt
phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế
- xã hội 10 năm 2021 - 2030. Ngành tài nguyên và môi trường đặt trọng tâm là
năm “Đoàn kết - kỷ cương, chủ động - linh hoạt, kịp thời - hiệu quả, phát
triển - bứt phá” để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy
các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho tương lai bền vững. Theo đó, công
tác tuyên truyền, truyền thông cần tiếp tục được đổi mới, đáp ứng những mục
tiêu, nhiệm vụ công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ
môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu như sau:
1. Mục
đích, yêu cầu
Bám sát tinh thần chỉ đạo, hướng
dẫn của Đảng và Nhà nước về tuyên truyền, truyền thông, báo chí để tạo sự đồng
thuận xã hội, tạo động lực, khí thế, khát vọng và quyết tâm cao thực hiện hiệu
quả các mục tiêu, nhiệm vụ về tài nguyên và môi trường được xác định tại Nghị
quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; thực thi hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ,
chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024
của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh
tế - xã hội năm 2024; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 về những nhiệm vụ,
giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
quốc gia năm 2024 và Chương trình hành động, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm của
ngành tài nguyên và môi trường được đặt ra năm 2024.
Phối hợp các cơ quan thông tấn,
báo chí tuyên truyền, truyền thông kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm các chủ đề,
nội dung, nhiệm vụ, hoạt động nổi bật của ngành được cộng đồng xã hội quan tâm.
Chủ động tuyên truyền chính sách về tài nguyên và môi trường (từ khâu hoạch định,
ban hành đến thực thi chính sách). Tăng cường nội dung thông tin đối ngoại và hội
nhập quốc tế chủ đề tài nguyên và môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin,
tuyên tuyền lan tỏa thông tin chủ đề tài nguyên và môi trường, góp phần quản
lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường,
thích ứng với biến đổi khí hậu và các thách thức toàn cầu.
2. Các nội
dung tuyên truyền, truyền thông trọng tâm
- Tuyên truyền, phổ biến các
Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban
Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; các sự kiện chính trị, thời sự
quan trọng của Đảng, Nhà nước năm 2024; các hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn và sự
kiện lịch sử quan trọng theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương; kết quả
thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã
hội giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021
- 2025 gắn với vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường,
ngành tài nguyên và môi trường.
- Tuyên truyền, phổ biến, hướng
dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024; các quy định mới trong Luật tạo hành lang
quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp
hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo
vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nội dung tháo gỡ vướng mắc
trong thực tiễn, nhận được nhiều sự quan tâm khi Luật đi vào cuộc sống. Quá
trình tổ chức thực hiện, xây dựng, ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn
bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất
đai.
- Tuyên truyền, phổ biến Luật
tài nguyên nước năm 2023; triển khai xây dựng, ban hành và ban hành theo thẩm
quyền các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước. Triển khai thực hiện
Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy
hoạch lưu vực sông đã được Chính phủ phê duyệt; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản
lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững; chủ động phòng, chống
hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của hiện tượng El Nino; xử lý, phục
hồi các dòng sông đang bị ô nhiễm; đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập
và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước; đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thượng
nguồn và các tổ chức quốc tế trong bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước
lưu vực các dòng sông xuyên biên giới; nâng cao nhận thức, kêu gọi cộng đồng, mỗi
người dân và doanh nghiệp cùng chung tay bảo vệ tài nguyên nước thông qua việc
sử dụng nước trách nhiệm, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và bền vững về lâu dài.
- Tiếp tục truyền thông thực hiện
hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chú trọng phổ biến chính sách pháp luật,
hướng dẫn, giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi theo hướng tiêu
dùng xanh, thân thiện môi trường; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; đồng thời huy động
sự tham gia của toàn dân trong công tác bảo vệ môi trường, sẵn sàng để thực hiện
phân loại rác tại nguồn trên phạm vi cả nước.
- Truyền thông các kết quả thực
hiện Đề án triển khai kết quả COP26, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Kế
hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2023, tầm nhìn đến
năm 2025, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan; thực hiện các sáng kiến,
cam kết Việt Nam tham gia tại COP28 và Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai
Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng
(JEPT). Tập trung xây dựng, tuyên truyền, tập huấn, trao đổi để doanh nghiệp và
người dân hiểu về các quy định quản lý tín chỉ các-bon tại Việt Nam, thúc đẩy
phát triển thị trường các-bon trong nước và kết nối với thị trường các-bon khu
vực và thế giới. Các giải pháp chủ động ứng phó và thích ứng biến đổi khí hậu gắn
với phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm sinh kế cho nhân dân, góp phần phát
triển kinh tế bền vững của đất nước.
- Truyền thông quá trình xây dựng,
hoàn thiện và trình ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản; kết quả thực hiện Nghị
quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa
chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm
2045; đẩy mạnh phân cấp quản lý tài nguyên khoáng sản bảo đảm minh bạch, phát
huy sự chủ động, sáng tạo trong quản lý tài nguyên khoáng sản trên từng địa
bàn, góp phần quản lý tốt tài nguyên khoáng sản quốc gia. Xây dựng cơ sở dữ liệu
địa chất gắn với các địa phương phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội; điều
tra cơ bản tài nguyên địa chất, khoáng sản cho các hoạt động phát triển kinh tế
- xã hội, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia.
- Triển khai Chương trình truyền
thông về biển và đại dương đến năm 2030; kết quả thực hiện Nghị quyết số
36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030,
tầm nhìn đến năm 2045; quá trình xây dựng, hoàn thiện trình cơ quan có thẩm quyền
ban hành Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến
năm 2050.
- Tiếp tục tuyên truyền thực hiện
Chiến lược phát triển Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm
2045 gắn với thực hiện Chỉ thị số 10- CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư về
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn, đáp ứng
yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và các văn bản có liên quan; kết hợp hài hòa
các phương thức truyền thông để truyền tải thông tin khí tượng thủy văn kịp thời,
đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ tiếp cận, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực,
từng vùng và từng đối tượng. Hoàn thiện các chương trình, tài liệu tuyên truyền,
phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức cộng đồng về khí tượng thủy văn; xây dựng
hệ thống truyền thông tác động của thiên tai, rủi ro thiên tai đối với các hoạt
động kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh.
- Truyền thông, giới thiệu vai
trò, ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát tài nguyên và môi trường; kết
quả xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia phục vụ xây dựng hạ tầng dữ liệu
không gian địa lý quốc gia và Chính phủ điện tử; ứng dụng công nghệ viễn thám,
bản đồ cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
- Truyền thông kết quả thực hiện
chuyển đổi và phát triển kinh tế số tài nguyên và môi trường; kết nối, liên
thông phục vụ phát triển Chính phủ điện tử; vận hành hạ tầng số tập trung, chia
sẻ dữ liệu của ngành và Quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số,
đô thị thông minh.
- Truyền thông, giới thiệu các
thành tựu, nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến nâng cao hiệu quả quản lý,
sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi
khí hậu; các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên
tiến, mô hình, hiến kế hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, thông tin đối
ngoại và hội nhập quốc tế về tài nguyên và môi trường.
3. Tổ chức
thực hiện
3.1. Văn phòng Bộ:
Chủ trì theo dõi, hướng dẫn,
đôn đốc, kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác tuyên truyền, truyền thông; định
kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện.
3.2. Các đơn vị có chức năng,
nhiệm vụ thông tin, báo chí, truyền thông
Chủ động đổi mới nội dung thông
tin tuyên truyền; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, truyền thông trên nền tảng
công nghệ thông tin; tổ chức các giải thưởng, cuộc thi, sự kiện chủ đề trọng
tâm về tài nguyên và môi trường, đảm bảo hiệu quả và phù hợp điều kiện thực tế.
Tích cực xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại
gắn với chuyển đổi số.
3.3. Các đơn vị trực thuộc Bộ;
Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Tăng cường chủ động cung cấp
thông tin cho báo chí; phối hợp tuyên truyền, truyền thông về các hoạt động,
nhiệm vụ, kết quả nổi bật thuộc phạm vi quản lý đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.
Các đơn vị xây dựng, gửi Kế hoạch,
nhiệm vụ công tác tuyên truyền, truyền thông năm 2024 về Bộ (qua Văn phòng Bộ)
trong Quý I năm 2024; báo cáo kết quả tổ chức thực hiện về Bộ trước ngày 15
tháng 12 năm 2024 để tổng hợp chung./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Ban Tuyên giáo Trung ương (để báo cáo);
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Lưu: VT (TTTT).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Lê Công Thành
|