Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 426/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai Người ký: Hoàng Quốc Khánh
Ngày ban hành: 01/12/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 426/KH-UBND

Lào Cai, ngày 01 tháng 12 năm 2023

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH NGUY HIỂM Ở GIA SÚC, GIA CẦM VÀ BỆNH ĐỘNG VẬT THỦY SẢN TỈNH LÀO CAI NĂM 2024

Căn cứ Luật Thú y 2015; Luật Thủy sản 2017; Luật Chăn nuôi 2018;

Căn cứ Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; Thông tư số 09/2019/TT-BNNPTNT ngày 12/8/2019 và Thông tư số 24/2019/TT-BNNPTNT ngày 24/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn;

Căn cứ Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản;

Căn cứ Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của HĐND tỉnh Lào Cai ban hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND ngày 18/10/2022 của HĐND tỉnh Lào Cai sửa đổi bổ sung một số điều Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 ban hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tăng cường quản lý Nhà nước về công tác thú y; nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn trong việc chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn, cảnh báo, phòng chống dịch bệnh.

- Phát hiện dịch nhanh, kịp thời dập dịch, hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đặc biệt là các bệnh: Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), Cúm gia cầm, Lở mồm long móng (LMLM) gia súc, Viêm da nổi cục (VDNC) ở trâu, bò, Tai xanh, bệnh Dại động vật và dịch bệnh động vật thủy sản...

- Đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản của tỉnh, phục vụ sản xuất, ổn định đời sống, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.

2. Yêu cầu

- Tổ chức thực hiện phải có sự chỉ đạo và phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Huy động được toàn dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

- Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản phải tuân theo quy định của của Luật Thú y, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y.

- Triển khai các biện pháp tổng hợp nhằm ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tái phát hoặc lây lan từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh.

- Tổ chức thông tin tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bằng nhiều hình thức đến tận thôn, xóm, cơ sở chăn nuôi hộ gia đình; đảm bảo hiệu quả, không để lãng phí các nguồn lực đầu tư.

- Sử dụng, quản lý kinh phí, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng, chống dịch hiệu quả, tiết kiệm, đảm bảo đúng quy định hiện hành.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Công tác phòng dịch khi chưa có dịch bệnh xảy ra

a) Điều tra dịch tễ, xác định vùng nguy cơ xảy ra dịch bệnh

Tập hợp số liệu thống kê tình hình dịch bệnh, xác định nguồn dịch, đường lây truyền, lấy mẫu giám sát chủ động, nâng cao năng lực dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Điều tra ổ dịch và thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch, chống dịch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

b) Thông tin tuyên truyền, tập huấn

- Thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh: Cúm gia cầm, LMLM gia súc, Tai xanh, Dịch tả lợn Châu Phi, Dại, Viêm da nổi cục trên trâu, bò và các dịch bệnh khác ở động vật trên cạn, động vật thủy sản, trên địa bàn cả nước và của tỉnh.

- Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: Báo Lào Cai, Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, huyện, thị xã, thành phố; loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn; Bản tin; Cổng Thông tin điện tử; tờ rơi, áp phích để phổ biến cho nhân dân về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh động vật, không chỉ thiệt hại đối với sản xuất mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ và người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

- Tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho hệ thống thú y của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố và lực lượng ở xã, phường, thị trấn trực tiếp tham gia tiêm phòng, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm tại cơ sở. Tập huấn cho hộ chăn nuôi về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và chăn nuôi an toàn sinh học.

- Tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, trang trại chăn nuôi thực hiện sản xuất chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm, hóa chất, kháng sinh cấm; không lạm dụng thuốc thú y, chất xử lý, cải tạo môi trường.

c) Giám sát dịch bệnh

- Tăng cường hệ thống thông tin giám sát dịch bệnh đến tận cơ sở, từng thôn, bản, tổ dân phố... có địa chỉ để tiếp nhận những thông tin khai báo về tình hình dịch bệnh động vật từ người dân. Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng thôn, bản có trách nhiệm báo cáo kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn với chính quyền cơ sở và thú y cấp xã.

- Tổ chức thường trực để tiếp nhận thông tin kịp thời về dịch bệnh động vật tại các Trạm Thú y cấp huyện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh và cập nhật kịp thời báo cáo trên Hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam - hệ thống VAHIS.

- Xây dựng kế hoạch lấy mẫu kiểm tra, giám sát sự lưu hành của vi rút gây bệnh: Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh, Dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi cục, Dại và bệnh do vi rút, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng gây bệnh trên động vật thủy sản (cá hồi, tầm, trắm cỏ, chép, rô phi...); tổ chức các đợt giám sát để xác định mức độ bảo hộ của vắc xin tiêm phòng.

d) Tiêm phòng vắc xin

- Vắc xin và chỉ tiêu tiêm phòng: Tổ chức tiêm phòng định kỳ, bổ sung và khẩn cấp các loại vắc xin bắt buộc cho gia súc, gia cầm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNN ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và theo chỉ đạo của UBND tỉnh, cụ thể:

+ Vắc xin LMLM trâu, bò: Tỷ lệ tiêm phòng đạt khoảng 80 % tổng đàn thuộc diện tiêm phòng trở lên; mỗi con trâu, bò tiêm phòng 02 liều trên năm, cách nhau 6 tháng, trường hợp bê, nghé tiêm phòng lần đầu cần tiêm nhắc lại sau 4 tuần.

+ Vắc xin Tụ huyết trùng trâu, bò: Tỷ lệ tiêm phòng đạt khoảng 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng trở lên; mỗi con trâu, bò tiêm phòng 02 liều trên năm, cách nhau 6 tháng.

+ Vắc xin Dịch tả lợn cổ điển và Tụ huyết trùng lợn: Tỷ lệ tiêm phòng tại cơ sở chăn nuôi tập trung, hộ chăn nuôi với số lượng lớn đạt trên 70% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin trở lên, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông tỷ lệ đạt 30% tổng đàn trở lên. Sử dụng vắc xin nhược độc Dịch tả lợn đông khô và vắc xin nhị giá nhược độc Tụ huyết trùng - Phó thương hàn lợn đông khô, có thể sử dụng kết hợp 02 loại vắc xin trên trong một mũi tiêm (tiêm một mũi phòng 03 bệnh Dịch tả lợn cổ điển, Tụ huyết trùng và Phó thương hàn lợn; đảm bảo nguyên tắc bảo hộ của vắc xin và giảm chi phí về công tiêm phòng (01 mũi) cho người chăn nuôi; giảm phản ứng Stress có hại sau tiêm phòng cho lợn (tiêm 02 mũi giảm xuống còn tiêm 01 mũi).

Đối với lợn nái, đực giống tiêm phòng 02 liều trên năm, cách nhau 6 tháng; đối với lợn thịt tiêm phòng mỗi loại vắc xin 01 liều/lứa nuôi.

+ Vắc xin Dại: Tỷ lệ tiêm phòng tại các phường, thị trấn, trung tâm xã đạt khoảng 85% tổng đàn trở lên, khu vực còn lại đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin; mỗi con chó tiêm phòng 01 liều/năm.

+ Vắc xin Cúm gia cầm: Tỷ lệ tiêm phòng tại cơ sở chăn nuôi tập trung, hộ chăn nuôi với số lượng lớn đạt 80% tổng đàn trở lên.

+ Triển khai tiêm phòng vắc xin DTLCP theo hình thức xã hội hóa; người chăn nuôi đầu tư kinh phí mua vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn của mình.

(Một số loại vắc xin khác, như: Lép tô, Ecoli, Viêm phổi, Suyễn lợn, Circo, Newcastle, Gumboro, Đậu dê, VDNC trâu bò, DTLCP... các cơ sở, trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi chủ động đầu tư kinh phí mua vắc xin, hoặc nhận hỗ trợ vắc xin từ các nguồn hợp pháp khác để bảo vệ đàn vật nuôi của mình).

- Phạm vi tiêm phòng: Tại 152/152 xã, phường, thị trấn của tỉnh Lào Cai (thực hiện theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT).

- Thời gian tiêm phòng: Tổ chức tiêm phòng 02 đợt chính trong năm cho đàn gia súc, gia cầm (đợt 1 vào tháng 3-4, đợt 2 vào tháng 9-10). Ngoài ra tổ chức tiêm phòng bổ sung hàng tháng cho đàn gia súc, gia cầm mới sinh hoặc mới mua về.

- Loại vắc xin, liều lượng và cách sử dụng, bảo quản vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan thú y và nhà sản xuất.

- Mua sắm dụng cụ tiêm phòng, trang bị tủ lạnh bảo quản vắc xin, hộp xốp bảo quản vắc xin để phục vụ tốt nhiệm vụ tiêm phòng.

đ) Vệ sinh, khử trùng, tiêu độc

- Phát động trên địa bàn toàn tỉnh 02 đợt tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi, thực hiện vào tháng 2 - 3 và tháng 9 - 10 năm 2024 và các đợt tổng vệ sinh khử trùng, tiêu độc theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT; khử trùng, tiêu độc khi có ổ dịch phát sinh theo quy định.

- Chuẩn bị đầy đủ vật tư hóa chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp phát thành 02 đợt chính và cấp phát khẩn cấp khi có dịch xảy ra, để các địa phương thực hiện và giám sát sử dụng đảm bảo hiệu quả cao.

- Địa bàn vệ sinh khử trùng tiêu độc định kỳ 02 đợt tại 152 xã, phường, thị trấn; chú trọng thực hiện ở khu vực chăn nuôi tập trung, mật độ cao, ổ dịch cũ, khu vực thu gom, chợ mua bán động vật, sản phẩm động vật tươi sống, cơ sở giết mổ động vật... theo Phụ lục số 08 Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Nhà nước hỗ trợ hóa chất khử trùng thực hiện vào 02 đợt chính và khi có dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm và động vật thủy sản xảy ra; định kỳ hàng tuần, hàng tháng người chăn nuôi thực hiện vệ sinh và đầu tư kinh phí mua vôi bột, hóa chất khử trùng tiêu độc, bảo vệ đàn vật nuôi, phòng dịch bệnh phát sinh và lây lan.

e) Kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y

- Thực hiện kiểm dịch tận gốc đối với động vật và sản phẩm động vật; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh theo Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 quy định về kiểm dịch động vật trên cạn và Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về kiểm dịch thủy sản, sản phẩm thủy sản.

- Tịch thu, tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật nhập lậu; động vật có biểu hiện bị bệnh hoặc chết do bệnh.

- Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật chưa qua kiểm dịch thú y.

- Tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y đối với động vật, sản phẩm động vật tại các chợ và tụ điểm buôn bán.

- Tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; cơ sở giết mổ quy mô nhỏ được hỗ trợ theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 1730/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 về phê duyệt phương án xây dựng, quản lý các điểm giết mổ gia súc, gia cầm quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh Lào Cai và Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 13/4/2021 của UBND tỉnh về xây dựng cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch số 352/KH-UBND ngày 05/9/2023 của UBND tỉnh Lào Cai về triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2023 - 2030.

f) Quản lý hoạt động buôn bán thuốc thú y

- Tổ chức kiểm tra các điều kiện buôn bán thuốc thú y của các cơ sở; việc thực hiện các quy định pháp luật về buôn bán thuốc thú y; kiểm tra chất lượng thuốc thú y lưu hành trên thị trường theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về thú y cho các hộ buôn bán thuốc thú y, hành nghề thú y, qua đó yêu cầu người hành nghề thú y thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

g) Xây dựng và duy trì cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB)

- Tuyên truyền, hướng dẫn các trang trại, gia trại, cơ sở chăn nuôi tiếp tục xây dựng và đề nghị công nhận cơ sở ATDB gia súc, gia cầm.

- Đối với các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được công nhận vùng an toàn dịch bệnh Dại động vật cấp xã, cụ thể: Xã Quang Kim và thị trấn Bát Xát thuộc huyện Bát Xát; xã Tả Van và phường Sa Pa thuộc thị xã Sa Pa; xã Cốc San thuộc thành phố Lào Cai; thị trấn Bắc Hà thuộc huyện Bắc Hà; xã Lùng Vai thuộc huyện Mường Khương tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ đàn chó nuôi, thực hiện tiêm phòng triệt để vắc xin dại, xử lý chó thả rông, chó không tiêm phòng, lấy mẫu xét nghiệm đánh giá kháng thể sau tiêm phòng..., duy trì vùng an toàn dịch bệnh Dại động vật cấp xã.

- Tùy từng điều kiện thực tế của cơ sở, tiếp tục xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với một số bệnh nguy hiểm như: Dịch tả lợn, LMLM gia súc, Cúm gia cầm, Niu- cát- xơn, Dại động vật trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo Kế hoạch số 352/KH-UBND ngày 05/9/2023 của UBND tỉnh Lào Cai.

- Vùng, cơ sở ATDB được công bố trên Website, của Cục Thú y và của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai, Cổng TTĐT Sở Nông nghiệp và PTNT; được ưu tiên khi xuất bán sản phẩm chăn nuôi: Nếu xuất ra ngoài tỉnh trong vòng 01 ngày làm việc sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch; nếu xuất trong tỉnh được mang kèm theo bản sao Giấy chứng nhận cơ sở ATDB làm căn cứ xác định nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc vùng, cơ sở ATDB về việc thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng...; tổ chức đánh giá, giám sát, xét nghiệm huyết thanh định kỳ hoặc đột xuất; nếu phát hiện lỗi ảnh hưởng đến việc kiểm soát an toàn dịch bệnh, thì yêu cầu có biện pháp và thời hạn khắc phục; nếu không khắc phục lỗi đúng hạn hoặc không lấy mẫu huyết thanh xét nghiệm duy trì, thì Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật hết hiệu lực theo quy định tại Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Năm 2024, xây dựng và công nhận 03 vùng an toàn dịch bệnh Dại động vật cấp xã; đăng ký với Cục Thú y, đồng thời thực hiện các biện pháp chuyên môn xây dựng vùng an toàn bệnh Dại tại thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa, đảm bảo năm 2026 đạt tiêu chí Vùng an toàn bệnh Dại động vật cấp huyện.

h) Quan trắc, cảnh báo phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản

Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh; lấy mẫu, phân tích, kháng sinh đồ đối với các vi khuẩn: Steptococus, Aeromonas, Edwardsiella và nấm trên cá hồi, cá tầm, cá trắm có, cá chép, cá rô phi... thực hiện quan trắc môi trường phân tích, xét nghiệm cảnh báo dịch bệnh; dự phòng hóa chất khi dịch bệnh xảy ra hoặc thiên tai bão lũ.

2. Khi dịch bệnh xảy ra

Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan kịp thời đề xuất kinh phí, mua sắm vật tư, trang thiết bị, hóa chất trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt để thực hiện ngay các biện pháp cấp bách chống dịch, bệnh.

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch theo quy định của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp, cụ thể:

a) Công bố dịch, công bố hết dịch

- Thực hiện theo quy định của: Luật Thú y, Thông tư số 07/2016/TT-BNN và Thông tư số 04/2016/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Khi phát hiện ổ dịch, UBND cấp xã báo cáo khẩn cấp với UBND cấp huyện và Trạm thú y. Khi có báo cáo của Trạm thú y cấp huyện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành xác minh dịch bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.

Trong khi chờ kết quả xét nghiệm, UBND cấp xã tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch như đối với dịch bệnh nguy hiểm đã được công bố. Căn cứ diễn biến của ổ dịch và kết quả xét nghiệm, Trạm thú y đề nghị UBND cấp huyện quyết định công bố dịch bệnh động vật theo quy định.

- Thẩm quyền công bố:

+ Đối với bệnh động vật trên cạn: Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định công bố dịch và công bố hết dịch bệnh thuộc phạm vi huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công bố dịch và công bố hết dịch trên cạn phạm vi từ hai huyện trở lên.

+ Đối với bệnh động vật thủy sản: Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công bố dịch và công bố hết dịch thuộc phạm vi từ hai huyện trở lên.

b) Xử lý ổ dịch

- Đối với ổ dịch bệnh động vật trên cạn:

+ Đối với ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Tiêu hủy lợn chết, lợn mắc bệnh và lợn trong cùng ô chuồng, cách ly triệt để lợn khỏe mạnh, kiểm soát vận chuyển, khử trùng tiêu độc và thực hiện quyết liệt các biện pháp chống dịch theo Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh DTLCP, giai đoạn 2020 - 2025 và Kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 13/8/2020 về phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025.

+ Đối với ổ dịch Cúm gia cầm: Tổ chức tiêu hủy bắt buộc gia cầm, sản phẩm gia cầm trong ổ dịch, tiêm phòng khẩn cấp chống dịch theo Phụ lục 09 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Kế hoạch số 169/KH-UBND ngày 24/4/2019 của UBND tỉnh.

+ Đối với ổ dịch LMLM gia súc: Thực hiện tiêu hủy hoặc nuôi cách ly theo dõi, chăm sóc nuôi dưỡng, tiêm phòng khẩn cấp chống dịch theo Quyết định số 1632/QĐ-TTg ngày 22/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng, giai đoạn 2021- 2025” và Kế hoạch số 332/KH-UBND ngày 18/12/2021 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025.

+ Đối với ổ dịch Viêm da nổi cục trên trâu, bò: Xử lý ổ dịch theo Quyết định số 1814/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò, giai đoạn 2022-2030; Kế hoạch số 415/KH-UBND ngày 13/12/2021 của UBND tỉnh về phòng, chống bệnh VDNC trên trâu bò tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2022 - 2030.

+ Đối với ổ dịch Tai xanh ở lợn: Tiêu hủy lợn chết và mắc bệnh không có khả năng hồi phục; cách ly triệt để lợn ốm, điều trị tích cực, tiêm phòng khẩn cấp chống dịch theo Phụ lục 11 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

+ Đối với ổ dịch bệnh Dịch tả lợn cổ điển: Tiêu hủy lợn chết và mắc bệnh, cách ly triệt để, tiêm phòng vắc xin vào ổ dịch và xung quanh theo Phụ lục 13 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

+ Đối với ổ dịch Dại động vật: Thực hiện theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022 - 2030 và Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 28/01/2022 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2022 - 2030.

- Đối với ổ dịch bệnh động vật thủy sản xử lý theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Kế hoạch số 338/KH-UBND ngày 26/8/2021 của UBND tỉnh về phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2030; chú trọng một số nội dung sau:

+ Thu hoạch thủy sản mắc bệnh: Thực hiện thu hoạch đối với thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm, có thể sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi hoặc các mục đích khác (trừ thủy sản làm giống hoặc thức ăn tươi sống cho thủy sản khác). Chủ cơ sở nuôi thu hoạch thủy sản trong ổ dịch phải thực hiện theo đúng hướng dẫn, chịu sự giám sát của cơ quan thú y đảm bảo an toàn dịch bệnh trong quá trình thu hoạch, vận chuyển đến cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản nhiễm bệnh;

+ Điều trị thủy sản mắc bệnh: Thực hiện điều trị đối với thủy sản mắc bệnh được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xác định có thể điều trị và chủ cơ sở nuôi có nhu cầu điều trị thủy sản mắc bệnh;

+ Tiêu hủy thủy sản mắc bệnh: Thực hiện tiêu hủy đối với thủy sản mắc bệnh chưa đạt kích cỡ thương phẩm, thủy sản giống hoặc thức ăn tươi sống cho thủy sản khác bằng các loại hóa chất trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam;

+ Khử trùng sau thu hoạch, tiêu hủy đối với ổ dịch: Thực hiện khử trùng nước trong bể, ao, vùng nuôi; khử trùng công cụ, dụng cụ, lồng nuôi, lưới; xử lý nền đáy, diệt giáp xác và các vật chủ trung gian truyền bệnh bằng hóa chất sau khi thu hoạch hoặc tiêu hủy thủy sản, đảm bảo không còn mầm bệnh, dư lượng hóa chất và đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Đối với ổ dịch các loại dịch bệnh khác: Thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

c) Tiêm phòng khẩn cấp vắc xin chống dịch

Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố xác định phạm vi, đối tượng tổ chức tiêm phòng khẩn cấp khi có dịch bệnh xảy ra theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

d) Vệ sinh, tiêu độc ổ dịch

Khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, môi trường chăn nuôi, phương tiện vận chuyển động vật nhiễm bệnh của hộ có động vật bị mắc bệnh, nơi tiêu hủy động vật và khu vực xung quanh (thôn/bản, xã, phường), người tham gia tiêu hủy động vật nhiễm bệnh theo hướng dẫn của cơ quan Thú y và quy định Bộ Nông nghiệp và PTNT.

đ) Thành lập các Tổ, Chốt kiểm soát tạm thời

Thành lập các Chốt kiểm soát tạm thời, Tổ kiểm soát cơ động để kiểm soát vận chuyển động vật và sản phẩm động vật mẫn cảm tại các đầu mối giao thông ra, vào ổ dịch. Tùy thuộc vào phạm vi và mức độ ổ dịch, cơ quan thú y đề nghị thành lập Tổ, Chốt ở các cấp với từng vị trí, địa điểm, thời gian khác nhau đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

e) Kiểm soát biên giới

Các địa phương có đường biên giới tổ chức kiểm soát triệt để việc xuất, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn. Thành lập các Tổ kiểm soát cơ động do lực lượng Biên phòng chủ trì tăng cường kiểm tra; trọng tâm là cửa khẩu Quốc tế Lào Cai và 02 bên (phải, trái) cửa khẩu; cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ, lối mở, đường qua lại tạm thời (nếu có); các tụ điểm, chợ thuộc các huyện, thành phố có đường biên giới. Xử lý triệt để tình trạng xuất, nhập lậu và gắn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nếu để xảy ra tình trạng nhập lậu động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh.

g) Thực hiện tái đàn chăn nuôi trở lại sau khi hết dịch

Tùy từng dịch bệnh, như: Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Dịch tả lợn cổ điển... thực hiện tái đàn chăn nuôi trở lại sau khi hết dịch, đảm bảo nguyên tắc phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, bền vững, đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn về chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi.

3. Cơ chế chính sách và kinh phí thực hiện

a) Cơ chế chính sách

- Ngân sách Trung ương:

+ Trường hợp dịch bệnh bùng phát, có chiều hướng lây lan diện rộng, địa phương không đảm bảo đủ lượng vắc xin, hóa chất để kịp thời phòng, chống dịch bệnh, UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia.

+ Trường hợp năm 2024 có các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì tham mưu UBND tiếp nhận sử dụng hiệu quả nguồn lực (vật tư và kinh phí).

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ: Vắc xin tiêm phòng các loại bệnh bắt buộc theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Kinh phí tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, vật tư, hóa chất, dụng cụ thú y, trang bị bảo hộ sinh học, công tiêm phòng theo quy định (Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 và Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND ngày 18/10/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai và kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đặc thù khác phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh).

+ Khi có bệnh: DTLCP, VDNC, Tai xanh xảy ra có chiều hướng lây lan trên diện rộng, Sở Nông nghiệp và PTNT chịu trách nhiệm xác định số lượng nhu cầu vắc xin chống dịch, tham mưu UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí mua vắc xin đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh (nếu cần thiết).

- Ngân sách cấp huyện: Hỗ trợ tiêu hủy gia súc, gia cầm; hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh theo quy định hiện hành.

- Nhân dân thực hiện: Ngoài phần hỗ trợ của nhà nước, để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, người chăn nuôi đầu tư kinh phí mua thuốc thú y, hóa chất, vôi bột và các loại vắc xin: Xoắn khuẩn, Sưng phù đầu, Viêm phổi màng phổi, Suyễn; LMLM lợn, DTLCP, VDNC, Tai xanh, Cicro trên lợn; Niu - cát - xơn; Tụ huyết trùng, Gum- bô - rô, Dịch tả vịt...

b) Khái toán kinh phí thực hiện phòng, chống dịch

Căn cứ cụ thể tổng đàn gia súc, gia cầm, phạm vi, đối tượng phải tiêm phòng vắc xin; tình hình phát sinh dịch bệnh, nhu cầu thực tế sử dụng hóa chất, bảo hộ phòng, chống dịch bệnh. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn có trách nhiệm lập dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

Tùy mức độ cụ thể của từng dịch, bệnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp kinh phí phòng chống dịch gửi Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính để báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Tài chính, các đơn vị có liên quan xác định kinh phí thực hiện trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt; đồng thời báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính để hỗ trợ địa phương trong trường hợp cần thiết.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và PTNT

- Chịu trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn tỉnh, đảm bảo khống chế, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh động vật.

- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch này; xác định phương thức, phạm vi vệ sinh khử trùng tiêu độc, hóa chất sử dụng; phạm vi, đối tượng tiêm phòng vắc xin từ nguồn ngân sách nhà nước, đảm bảo việc sử dụng kinh phí ngân sách tiết kiệm, hiệu quả.

- Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh. Tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch định kỳ hằng tháng, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

- Chuẩn bị đầy đủ và cung ứng kịp thời vắc xin, vật tư bảo hộ, hóa chất, trang thiết bị bảo quản vắc xin, bình máy phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông hướng dẫn, thông tin tuyên truyền kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản; nguy cơ phát dịch và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Cập nhật kịp thời báo cáo dịch bệnh trên Hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam - hệ thống VAHIS.

- Phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức tiêm phòng vắc xin định kỳ và bổ sung hàng tháng cho đàn gia súc, gia cầm. Xây dựng kế hoạch lấy mẫu kiểm tra giám sát sau tiêm phòng, phát hiện kịp thời sự lưu hành của vi rút Cúm gia cầm, LMLM, Dịch tả lợn Châu Phi, Dại; xác định bảo hộ của vắc xin sau tiêm phòng.

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành liên quan hướng dẫn xây dựng các cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm; kiểm tra, đánh giá xếp loại các cơ sở buôn bán thuốc thú y đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Các sở, ngành liên quan

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Căn cứ kế hoạch UBND tỉnh phê duyệt, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT phân bổ nguồn lực ngân sách để thực hiện.

- Sở Tài chính: Căn cứ kế hoạch UBND tỉnh phê duyệt và khả năng cân đối ngân sách, chủ trì thẩm định kinh phí phòng, chống dịch bệnh thuộc trách nhiệm bố trí của ngân sách tỉnh trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí vắc xin LMLM, vật tư theo Quyết định số 1632/QĐ-TTg ngày 22/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2021-2025 và các quy định khác có liên quan (nếu có), đảm bảo đủ kinh phí mua vắc xin tiêm phòng đúng thời gian quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng trong ngành từ tỉnh đến cơ sở tham gia tích cực công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; cử cán bộ tham gia các Chốt, Tổ cơ động các cấp khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; xử lý đối tượng vi phạm trong việc vận chuyển buôn bán động vật và các sản phẩm động vật ra, vào vùng dịch; việc sử dụng thuốc, vắc xin, vật tư hóa chất theo quy định của pháp luật.

- Cục Quản lý thị trường: Thường xuyên kiểm soát vận chuyển, lưu thông động vật, sản phẩm động vật và công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương; cử cán bộ tham gia các Chốt kiểm dịch, Tổ cơ động các cấp khi có dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh.

- Sở Y tế: Phối hợp với ngành Nông nghiệp trong việc thông tin, báo cáo kịp thời, chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người. Rà soát, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra trên người.

- Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT (trực tiếp là Chi cục Chăn nuôi và Thú y) hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức thông tin kịp thời và chính xác về nguy cơ, tác hại và diễn biến dịch bệnh gia súc, gia cầm. Chỉ đạo các đơn vị trong ngành đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền như: Phát thanh, truyền thanh, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, tuyên truyền lưu động...

- Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Lào Cai: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT (trực tiếp là Chi cục Chăn nuôi và Thú y) xây dựng nội dung, chuyên mục cho chương trình truyền thông đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.

- Đề nghị các tổ chức, đoàn thể, chính trị xã hội: Chỉ đạo trong hệ thống từ tỉnh đến cơ sở, vận động hội viên, đoàn viên thực hiện công tác phòng chống dịch trong gia đình và cộng đồng. Tham gia giám sát các nguồn kinh phí được ngân sách hỗ trợ cho phòng, chống dịch để tránh thất thoát, lãng phí.

4. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý. Tăng cường chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ở các cấp. Xây dựng kế hoạch chi tiết, bố trí nguồn kinh phí của địa phương, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư; chủ động, kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch.

- Chỉ đạo, tổ chức tốt việc phối hợp giữa các lực lượng trên địa bàn: Công an, Quản lý thị trường, Biên phòng, Thú y và chính quyền cơ sở kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển trái phép động vật sản phẩm động vật, làm lây lan dịch bệnh.

- Thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, truyền hình của địa phương để nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; đưa tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về diễn biến, nguy cơ dịch bệnh và biện pháp phòng, chống; hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, dấu hiệu để phát hiện dịch bệnh, biện pháp an toàn khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm để người dân tự bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng và chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn quản lý đàn gia súc, gia cầm; triển khai công tác quy hoạch chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường; tổ chức giám sát tình hình dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, phát hiện sớm các ổ dịch nhằm kịp thời bao vây, khống chế không để dịch lây lan; thực hiện giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm đến tận thôn, bản, hộ chăn nuôi; thường xuyên vệ sinh, khử trùng môi trường.

- Chỉ đạo điều tra số lượng gia súc, gia cầm tại địa phương, đăng ký số lượng vắc xin tiêm phòng cho từng loại gia súc, gia cầm ở địa phương, báo cáo trước ngày 01/3/2024 và ngày 20/8/2024 (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y để tổng hợp, đáp ứng nhu cầu vắc xin tiêm phòng).

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn ban quản lý các chợ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc chăn nuôi, vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, buôn bán không đúng nơi quy định.

- Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định tiêu hủy động vật thủy sản mắc bệnh trong diện phải tiêu hủy khi đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y xác định và thực hiện các biện pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thống kê tổng hợp báo cáo diện tích phun hóa chất, nghiệm thu, quyết toán hóa chất được hỗ trợ, đảm bảo việc quản lý, sử dụng hóa chất phun tiêu độc khử trùng định kỳ thường xuyên và trong trường hợp có dịch xảy ra đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

- Chỉ đạo đăng ký xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh về Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Chăn nuôi và thú y).

- Chỉ đạo thực hiện dịch vụ sự nghiệp công đối với công tác thú y theo Quyết định số 3011/QĐ-UBND ngày 26/9/2019; nhất là đối với dịch vụ tiêm phòng vắc xin, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi phòng chống dịch bệnh, đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả, phù hợp với quy định hiện hành.

- Bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch, đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm của địa phương.

5. UBND các xã, phường, thị trấn

- Trực tiếp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đến thôn, bản, hộ chăn nuôi trên địa bàn.

- Thành lập tổ giám sát hoặc giao cho trưởng thôn, cán bộ thú y cơ sở theo dõi, giám sát, tiếp nhận và báo cáo thông tin về dịch bệnh ở động vật.

- Huy động các tổ chức đoàn thể ở địa phương, vận động nhân dân hưởng ứng và tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Tăng cường tuyên truyền trên loa truyền thanh về công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.

- Chủ tịch UBND cấp xã quyết định tiêu hủy đàn gia súc, gia cầm bị bệnh trong diện phải tiêu hủy khi đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y xác định và thực hiện các biện pháp phòng, chống kịp thời, hiệu quả.

- Thống kê đàn gia súc, gia cầm, lập kế hoạch tiêm phòng trong các đợt theo kế hoạch của tỉnh, huyện; thông báo cho người chăn nuôi kế hoạch tiêm phòng để hộ chăn nuôi chủ động phối hợp, thực hiện và tham gia bắt giữ gia súc, gia cầm trong quá trình tiêm.

- Chỉ đạo ghi chép sổ theo dõi tổng đàn vật nuôi, thống kê chăn nuôi theo từng quý, từng kỳ tiêm phòng và từng năm theo quy định của Luật Chăn nuôi.

- Giám sát, sử dụng và quản lý chặt chẽ vắc xin, vật tư, hóa chất và kinh phí được hỗ trợ, đảm bảo chi đúng đối tượng theo quy định.

- Kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành về phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng bắt buộc theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm và động vật thủy sản tỉnh Lào Cai năm 2024, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố căn cứ Kế hoạch nghiêm túc triển khai, thực hiện./.


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TT. UBND tỉnh;
- Cục Thú y, Chi cục TY Vùng I;
- Các sở, ngành liên quan trong KH;
- UBND các huyện, TX,TP;
- Lãnh đạo VP;
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y;
- Lưu: VT, BBT, TH1, NLN2.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Quốc Khánh

BIỂU. TỔNG ĐÀN GIA SÚC, GIA CẦM TẠI THỜI ĐIỂM ĐĂNG KÝ NHU CẦU VẮC XIN TIÊM PHÒNG
(THÁNG 7 NĂM 2023)

(Kèm theo Kế hoạch số: 426/KH-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2023 của UBND tỉnh Lào Cai)

TT

Tổng đàn gia súc, gia cầm

ĐVT

Tổng

TP Lào Cai

Bát Xát

Bảo Thắng

Sa Pa

Văn Bàn

Bảo Yên

Mường Khương

Bắc Hà

Si Ma Cai

1

Trâu, bò

Con

99.507

4.546

18.996

10.428

7.368

17.437

8.929

12.245

10.200

9.358

2

Lợn

Con

248.548

11.998

36.760

77.140

4.943

34.916

27.192

31.300

13.275

11.024

3

Chó

Con

90.459

11.627

7.619

22.968

6.040

13.512

13.671

5.668

6.294

3.060

4

Gia cầm

Con

3.357.880

74.010

282.723

1.785.730

438.211

533.706

243.500

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 426/KH-UBND ngày 01/12/2023 phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm và bệnh động vật thủy sản tỉnh Lào Cai năm 2024

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


286

DMCA.com Protection Status
IP: 3.21.248.105
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!