THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
828/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH ĐÁNH GIÁ RỦI RO QUỐC GIA VỀ TÀI TRỢ PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19
tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ
và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 81/2019/NĐ-CP ngày
11 tháng 11 răm 2019 của Chính phủ về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt
hàng loạt;
Căn cứ Quyết định số 2112/QĐ-TTg ngày
25 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động
quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Đánh giá rủi ro quốc gia về
tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
-
Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc;
- Lưu: VT, NC (2).
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trương Hòa Bình
|
ĐÁNH
GIÁ RỦI RO QUỐC GIA
VỀ
TÀI TRỢ PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HỦY DIỆT HÀNG LOẠT
(Kèm
theo Quyết định số: 828/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ)
TỪ VIẾT TẮT
WMD
|
Vũ khí hủy diệt hàng loạt
|
Phổ biến
|
Phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt
|
CBRNs
|
Các tác nhân hạt nhân, phóng xạ, hóa
học và sinh học
|
AML/CTF/CPF
|
Chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố/chống
tài trợ phổ biến
|
ML/TF/PF
|
Rửa tiền/tài trợ khủng bố/tài trợ phổ
biến
|
NPO
|
Tổ chức phi lợi nhuận
|
DNFBPs
|
Các lĩnh vực kinh doanh hoặc ngành
nghề phi tài chính chỉ định
|
FIs
|
Các tổ chức tài chính
|
HĐBALHQ
|
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
|
FATF
|
Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống
rửa tiền quốc tế
|
APG
|
Tổ chức châu Á - Thái Bình Dương về
chống rửa tiền (tổ chức khu vực của FATF)
|
CDD
|
Cập nhật theo dõi thông tin khách
hàng
|
STR
|
Báo cáo giao dịch đáng ngờ
|
UNSCRs
|
Nghị quyết của HĐBALHQ về trừng phạt
tài chính mục tiêu, gồm: Nghị quyết 1540 (2004), 1718 (2006), 1737 (2006) và
các Nghị quyết kế thừa của HĐBALHQ về chống phổ biến và PF
|
RBA
|
Phương thức tiếp cận trên cơ sở rủi
ro
|
FIU
|
Đơn vị tình báo tài chính
|
ĐGRR
|
Đánh giá rủi ro
|
NRA
|
Đánh giá rủi ro quốc gia về ML/TF được
ban hành theo Quyết định số 474/QĐ-TTg ngày 30/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ
|
VA
|
Tài sản ảo
|
VASP
|
Dịch vụ tài chính tài sản ảo
|
Nghị định 81
|
Nghị định số 81/2019/NĐ-CP ngày
11/11/2019 về phòng, chống phổ biến WMD
|
|
|
MỤC LỤC
|
Phần I
THÔNG TIN
CHUNG
|
|
I.
|
Một số hiểu biết về
WMD, phổ biến và PF
|
|
II.
|
Cơ sở, mục
đích
|
|
III.
|
Thành phần tham gia
|
|
IV.
|
Nguồn cơ sở dữ liệu
|
|
V.
|
Một số khó khăn, vướng
mắc trong quá trình đánh giá
|
|
|
Phần II
ĐÁNH GIÁ RỦI
RO VỀ PF TẠI VIỆT NAM
|
|
A.
|
ĐÁNH GIÁ NGUY CƠ (MỐI
ĐE DỌA) PF
|
|
I.
|
Xác định nguy cơ PF
dựa trên nguy cơ phổ biến
|
|
|
Nguy cơ từ vị trí địa
lý
|
|
|
Nguy cơ từ trong
nước
|
|
|
Nguy cơ từ nước
ngoài
|
|
II.
|
Xác định nguy cơ PF
thông qua nhận diện các luồng, nguồn và các kênh giao dịch tài chính
|
|
|
Các nguồn đe dọa đến
từ hoạt động phổ biến
|
|
|
Nguy cơ từ dịch vụ
tài chính và phi tài chính chỉ định trong hoạt động thương mại liên quan đến
phổ biến
|
|
|
Nguy cơ đến từ các
hoạt động gây quỹ hợp pháp và bất hợp pháp cho hoạt động phổ biến
|
|
|
Thông tin định tính
về PF
|
|
|
Nhu cầu tài chính của
các đối tượng phổ biến
|
|
|
Đường đi của các luồng
tài chính, nguồn tiền và các kênh giao dịch của các chủ thể phổ biến và PF
|
|
|
Đánh giá các nguy
cơ và xu hướng PF
|
|
B.
|
ĐÁNH GIÁ LỖ HỔNG
(TÍNH DỄ BỊ TỔN THƯƠNG) CÓ THỂ BỊ LỢI DỤNG BỞI CÁC MỚI ĐE DỌA HOẶC HỖ TRỢ, TẠO
ĐIỀU KIỆN CHO CÁC MỐI ĐE DỌA CỦA PHỔ BIẾN VÀ PF
|
|
I.
|
Yếu tố liên quan đến
khuôn khổ pháp lý và thể chế
|
|
|
Đánh giá hệ thống
khuôn khổ pháp lý chung
|
|
|
Hệ thống pháp lý
liên quan đến lĩnh vực phóng xạ, hạt nhân
|
|
|
Hệ thống pháp lý
liên quan đến lĩnh vực sinh học
|
|
|
Hệ thống pháp lý
liên quan đến lĩnh vực hóa học
|
|
|
Pháp luật liên quan
đến thực thi các điều ước quốc tế và UNSCRs về WMD
|
|
|
Yếu tố liên quan đến
pháp nhân và thỏa thuận pháp lý
|
|
|
Dữ liệu thực thi
pháp luật về PF
|
|
|
Đánh giá thiếu hụt
về pháp luật phòng, chống phổ biến và PF
|
|
II.
|
Cơ chế thực thi, phối
hợp, kiểm soát, giám sát, trao đổi thông tin trong nước và quốc tế
|
|
|
Khả năng phối hợp
thực thi và trao đổi thông tin của các cơ quan trong nước và quốc tế thực hiện
phòng ngừa, ngăn chặn phổ biến và PF, nhận diện các luồng tài chính cho phổ
biến
|
|
|
Đánh giá điểm yếu của
hệ thống kiểm soát các tuyến đường vận chuyển hàng hóa bao gồm cả hàng hóa lưỡng
dụng liên quan đến phổ biến và PF
|
|
|
Đánh giá khả năng
phối hợp, thực thi, thanh tra, giám sát và trao đổi thông tin của các cơ quan
trong nước
|
|
|
Những thiếu hụt, tồn
tại trong phối hợp thực hiện CPF
|
|
III.
|
Yếu tố liên quan đến
kinh tế và công nghệ
|
|
|
Hoạt động thương mại
và tài chính liên quan
|
|
|
Khu công nghiệp mở
|
|
|
Hoạt động xuất/nhập
khẩu và thương mại trọng yếu và xu hướng liên quan đến luồng tài chính cho PF
|
|
|
Tác động từ cuộc
cách mạng công nghệ 4.0 và những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý
Internet, viễn thông...
|
|
IV.
|
Yếu tố liên quan đến
chính trị và xã hội
|
|
|
Quan điểm của Việt
Nam trong phòng, chống phổ biến
|
|
|
Mối quan hệ ngoại
giao và sự hiện diện của các cơ quan ngoại giao các quốc gia có WMD tại Việt
Nam
|
|
|
Sự hiện diện của
các nhân tố khác có mối quan hệ với quốc gia phổ biến WMD
|
|
C.
|
HẬU QUẢ CỦA HOẠT ĐỘNG
PHỔ BIẾN VÀ PF
|
|
I.
|
Ảnh hưởng đến cuộc
sống con người, môi trường hoặc cơ sở hạ tầng
|
|
II.
|
Tác động đến an
ninh hoặc ổn định quốc tế và khu vực
|
|
III.
|
Tác động đến nền
kinh tế hoặc hệ thống tài chính quốc gia
|
|
IV.
|
Ảnh hưởng đến các
lĩnh vực công nghiệp; thiệt hại về uy tín toàn cầu
|
|
D.
|
KẾT LUẬN MỨC ĐỘ RỦI
RO VỀ PF CỦA VIỆT
NAM
|
|
|
PHẦN III
KIẾN NGHỊ MỘT
SỐ GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU RỦI RO VỀ TÀI TRỢ PHỔ BIẾN WMD ĐẾN 2025
|
|
I.
|
Nghiên cứu, bổ sung
và hoàn thiện các quy định của pháp luật về chống phổ biến và PF của Việt Nam
|
|
II.
|
Tăng cường hợp tác
quốc tế và khu vực trong hoạt động phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và
chống phổ biến
|
|
III.
|
Tăng cường kiểm
tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về chống phổ biến và PF theo Nghị định
81 và pháp luật có liên quan
|
|
IV.
|
Tiếp tục tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục về phòng, chống phổ biến và PF tại bộ, cơ quan ngang bộ,
UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các khu vực tư nhân
|
|
V.
|
Tổ chức nguồn lực,
nhân lực thực hiện cam kết quốc tế về AML/CTF/CPF theo RBA
|
|
VI.
|
Tiếp tục triển khai
thực hiện Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về
việc Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 81 và những hành động
sau đánh giá đa phương của APG
|
|
VII.
|
Bộ, ngành, địa
phương thực hiện ĐGRR về PF; thu thập, thống kê số liệu, thông tin, ĐGRR quốc
gia giai đoạn 2021 - 2025 (5 năm/1 lần)
|
|
|
PHỤ LỤC
|
|
Phần
I
THÔNG
TIN CHUNG
I. Một số hiểu biết về
WMD, phổ biến và PF
1. WMD hay còn gọi là vũ khí hủy diệt
lớn là các loại vũ khí được chế tạo, sản xuất có khả năng sát thương cao trên
diện rộng, có khả năng hủy diệt, gây tổn thất lớn về sinh lực, phương tiện kỹ
thuật, cơ sở vật chất, môi trường sinh thái và gây hoảng loạn về tâm lý, tinh thần
con người, bao gồm: vũ khí hạt nhân, vũ khí phóng xạ, vũ khí hóa học, vũ khí
sinh học và các vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự hoặc bất kỳ vũ khí có
tính năng, tác dụng tương tự WMD nào được chế tạo trong tương lai.
Phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt
2. Là hoạt động làm lan rộng kiến thức,
công trình nghiên cứu khoa học, các thành phần tiền chất, vật liệu liên quan của
chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước nhằm thực hiện các hoạt động liên quan đến
WMD, bao gồm: Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sở hữu, mua lại, dự trữ, lưu trữ,
phát triển, vận chuyển, bán, cung cấp, chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ, xuất
khẩu, nhập khẩu, trung chuyển và sử dụng WMD hoặc các hoạt động liên quan đến
chúng được quy định trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có liên
quan; hoặc cung cấp đào tạo kỹ thuật, tư vấn, dịch vụ, môi giới, hỗ trợ liên
quan đến bất kỳ hoạt động nào được xác định trên đây.
3. Vật liệu liên quan tới WMD (sau
đây gọi tắt là vật liệu liên quan) là các hạng mục, vật liệu, trang thiết bị,
hàng hóa, hay công nghệ bao gồm cả vật liệu, công nghệ và thiết bị lưỡng dụng
liên quan đến các hoạt động quy định tại điểm b khoản 6 Điều 4
Nghị định 81, hoặc quy định trong các tài liệu của Liên hợp quốc và nghị
quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được thông qua theo Chương VII Hiến chương
Liên hợp quốc về phòng chống, triệt tiêu và phá vỡ hoạt động phổ biến và tài trợ
cho phổ biến WMD.
4. Vật liệu, công nghệ và thiết bị lưỡng
dụng là vật liệu, công nghệ và thiết bị có thể dùng cho mục đích dân sự hoặc sản
xuất, buôn bán, vận chuyển và các hoạt động khác liên quan đến WMD.
Tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng
loạt
5. PF là hoạt động cung cấp quỹ, tài sản
hoặc dịch vụ tài chính được sử dụng toàn bộ hoặc một phần, để sản xuất, mua lại,
sở hữu, phát triển, xuất khẩu, chuyển hàng, môi giới, vận chuyển, chuyển giao,
dự trữ hoặc sử dụng WMD, phương tiện vận chuyển chúng và các tài liệu liên quan
(bao gồm cả công nghệ và hàng hóa lưỡng dụng được sử dụng cho các mục đích
không hợp pháp)[1].
6. Tại khoản 10 Điều 4
Nghị định 81 về phòng, chống phổ biến WMD quy định: “PF là hoạt động
cung cấp tài chính hoặc hỗ trợ tài chính cho các chủ thể nhà nước hoặc phi nhà
nước để phổ biến WMD”.
7. Như vậy có thể thấy bản chất rủi ro
về PF có nhiều mặt: nó đồng thời là rủi ro tội phạm tài chính, rủi ro trừng
phạt và rủi ro đối với các biện pháp chống phổ biến WMD quốc tế. Các thực
thể và cá nhân bị chỉ định trốn tránh các biện pháp trừng phạt và các nỗ lực PF
của chúng bằng cách sử dụng một mạng lưới phức tạp các công ty bình phong và
các thủ đoạn che dấu khác từ tội phạm rửa tiền. Trong khi rửa tiền là một quy
trình vòng tròn được chúng thực hiện để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền
thu được từ tội phạm, các biện pháp trừng phạt là nhằm vào các cá nhân được
cung cấp quỹ hoặc cho mục đích chúng đang sử dụng. Đây là một sự khác biệt quan
trọng, vì nó có nghĩa là bản thân quỹ không chỉ dừng lại ở việc trốn tránh lệnh
trừng phạt mà tiếp tục sử dụng để tạo điều kiện cho các hoạt động bất hợp pháp
khác.
8. Theo cách này, PF có thể được xác định
theo kiểu tương tự như tài trợ khủng bố (TF). Công ước quốc tế quy định việc TF
là tội phạm cung cấp hoặc thu tiền “với ý định rằng chúng sẽ được sử dụng hoặc
biết rằng chúng sẽ được sử dụng” để thực hiện các hành vi bị cấm bởi các
công ước chống khủng bố. Như vậy, PF cũng được mô tả như một quy trình gồm ba
giai đoạn: (1) Gây quỹ chương trình WMD (thông qua ngân sách đối với chủ thể
Nhà nước) cũng như các hoạt động thương mại và bất chính; (2) ngụy trang các quỹ
để di chuyển qua hệ thống tài chính quốc tế; và (3) mua sắm vật liệu và công
nghệ.
9. Theo Nghị quyết 1540 của Hội đồng Bảo
an Liên hợp quốc năm 2004 và FATF định nghĩa ở phạm vi hẹp hơn nhưng PF vẫn sẽ
tập trung vào các dịch vụ tài chính, các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động
thương mại liên quan đến vật liệu và công nghệ nhạy cảm nhằm thực hiện phổ biến
WMD bởi bất kỳ tác nhân nào. Điều này tạo nên nền tảng và điểm khởi đầu cho bất
kỳ hiểu biết nào về PF. Khuyến nghị của FATF về ML, TF và PF đã “đặt ra một
tiêu chuẩn quốc tế, mà các quốc gia/khu vực tài phán nên thực hiện” trong
luật và quy định trong mỗi quốc gia[2]
thông qua ba Khuyến nghị: Khuyến nghị 1, 2 về hợp tác và điều phối quốc gia về
rủi ro tội phạm tài chính, bao gồm ML, TF, PF; Khuyến nghị 7 về các biện pháp
trừng phạt tài chính mục tiêu chống lại các cá nhân/tổ chức phổ biến vũ khí được
UNSCRs chỉ định
10. Việc phân tích các cấu phần về PF
và các nghĩa vụ pháp lý quốc tế để từ đó xác định các nghĩa vụ quốc gia sẽ đạt
được những kết quả hữu hiệu trong thực thi phòng, chống PF. Nghị quyết 1540 của
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là điểm khởi đầu cung cấp một số hướng dẫn có thể
được coi là PF. Đoạn 2 của nghị quyết yêu cầu các cơ quan tài phán cấm các hoạt
động cụ thể liên quan đến phổ biến WMD của các tổ chức phi nhà nước, bao gồm cả
việc cấm tài trợ cho các hoạt động này. Nghị quyết không quy định việc hình sự
hóa PF và do đó các khu vực tài phán có thể quy định thông qua luật dân sự,
hình sự hoặc hành chính. Đoạn 3 (d) của nghị quyết cũng yêu cầu các khu vực
pháp lý cấm cung cấp quỹ và dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ tài chính) để xuất khẩu
và vận chuyển hàng hóa được kiểm soát cụ thể thông qua việc triển khai các biện
pháp dân dụng hoặc các biện pháp hình sự.
11. Dựa trên các yếu tố có trong Nghị
quyết 1540 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, một định nghĩa cơ bản về PF của
RUSI[3] như sau:
(1) PF là khi một người:
(a) tạo sẵn một tài sản hoặc;
(b) cung cấp dịch vụ tài chính hoặc;
(c) thực hiện một giao dịch tài chính;
và người đó biết hoặc thiếu thận trọng về việc tài sản, dịch vụ tài chính hoặc
giao dịch tài chính đó nhằm cho mục đích toàn bộ hoặc một phần tạo điều kiện
cho một trong những hoạt động được chỉ định trong Tiểu mục (2) bất kể các hoạt
động đó đang xảy ra hoặc đang cố gắng thực hiện.
(2) Các hoạt động cụ thể là:
(a) sản xuất, sở hữu, mua lại, dự trữ,
lưu trữ, phát triển, vận chuyển, bán, cung cấp, chuyển nhượng, xuất khẩu, chuyển
tải hoặc sử dụng:
(i) vũ khí hạt nhân hoặc;
(ii) vũ khí hóa học hoặc;
(iii) vũ khí sinh học hoặc;
(iv) vật liệu liên quan đến vũ khí hạt
nhân, vũ khí hóa học hoặc sinh học, vũ khí tương tự hoặc:
(b) cung cấp đào tạo kỹ thuật, tư vấn,
dịch vụ, môi giới hoặc hỗ trợ liên quan đến bất kỳ hoạt động nào trong Đoạn
(a).
12. Do đó, để thực hiện ĐGRR quốc gia
về PF, cần xác định phạm vi tổng thể của ĐGRR và một định nghĩa hữu ích cho mục
đích đó. Thiếu định nghĩa quốc tế về PF có nghĩa là nhiều khu vực tài phán
không có định nghĩa về PF trong luật quốc gia. Một thách thức liên quan là một
định nghĩa duy nhất về PF có thể không đủ để bao gồm đầy đủ các biện pháp có thể
được gói gọn trong thuật ngữ đó. Trong khi rủi ro quốc gia đánh giá về ML hoặc
TF có thể dễ dàng với tiền đề là các loại tội phạm tiền thân của các hoạt động
này, nhưng không phải luôn luôn như vậy với PF[4].
II. Cơ sở, mục đích
13. Lập trường của Việt Nam là luôn nhất
quán ủng hộ giải trừ quân bị, không phổ biến và chống phổ biến WMD, tiến tới loại
bỏ hoàn toàn các loại vũ khí đặc biệt nguy hiểm này; nghiêm chỉnh tuân thủ các điều
ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân
(TPNW), Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Công ước cấm thử hạt
nhân toàn diện (CTBT), Công ước cấm vũ khí sinh học (BWC), Công ước cấm phát
triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng vũ khí sinh học và việc phá hủy chúng (CWC),
Sáng kiến An ninh Chống phổ biến (PSI); Việt Nam đã chỉ đạo triển khai nghiêm
túc việc thực hiện Nghị quyết 1540 và Nghị quyết 1718, 1737 (2006), cũng như
các nghị quyết kế thừa hiện tại và trong những năm tiếp theo của Hội đồng Bảo
an Liên hợp quốc.
14. Thực hiện Kế hoạch hành động quốc
gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020, được
ban hành theo Quyết định số 2112/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ,
Việt Nam thực hiện ĐGRR quốc gia về PF giai đoạn 2015 đến 2020. Việc đánh giá
này là hành động được APG khuyến nghị thực hiện, nhằm khắc phục những thiếu hụt
của Việt Nam sau đánh giá đa phương lần thứ nhất vào năm 2008.
15. ĐGRR về PF là một sản phẩm được thực
hiện theo quy trình dựa trên phương pháp luận của FATF và quy định của UNSCRs,
theo phương pháp đầu vào định tính và phân tích rủi ro tiềm ẩn, với sự tham gia
của các bên liên quan thuộc khu vực Nhà nước và tư nhân để xác định, phân tích
và tìm hiểu rủi ro về PF, nhằm đưa ra các biện pháp thích hợp để giảm thiểu hoặc
giảm mức độ rủi ro được đánh giá xuống mức thấp hơn hoặc chấp nhận được. Tương
tự như ĐGRR về ML/TF, ĐGRR về PF sẽ đưa ra nhận định về các mối đe dọa (nguy
cơ), tính dễ bị tổn thương (lỗ hổng/điểm yếu) và hậu của có thể xảy
ra. Trên cơ sở ĐGRR về PF đưa ra các chiến lược tài chính về CPF và hỗ trợ thực
hiện hiệu quả RBA đối với các biện pháp CPF. Qua đó sẽ giúp cơ quan chức năng
nhà nước và các tổ chức thuộc khu vực tư nhân xác định và ưu tiên nguồn lực cần
thiết để giảm thiểu các rủi ro khác nhau. Về phạm vi, ĐGRR về PF dựa trên các
biện pháp trừng phạt tài chính mục tiêu của UNSCRs nhiều hơn ĐGRR về ML/TF, tuy
nhiên sẽ phụ thuộc vào bối cảnh của quốc gia và mang tính định tính nhiều hơn định
lượng, các bên liên quan sẽ rộng hơn ML/TF, bao gồm cả khu vực FI, DNFBPs khác
nhau và các khu vực tư nhân khác có liên quan.
16. Nhận thức được các rủi ro về PF
góp phần tích cực vào việc ngăn chặn cá nhân, tổ chức tham gia huy động, dịch
chuyển, sử dụng tài chính và quỹ nhằm tài trợ hoặc hỗ trợ cho hoạt động phổ biến
WMD. Sự cần thiết phải nhận biết các rủi ro về PF cũng được nêu trong UNSCRs và
Khuyến nghị số 1 của FATF. Do đó, ĐGRR quốc gia về PF là tiền đề cần thiết nhằm
phản ứng hiệu quả với rủi ro về PF; đồng thời đáp ứng được các nghĩa vụ pháp lý
quốc tế và chứng minh tính hiệu quả của Việt Nam trong việc thực thi các biện
pháp kiểm soát PF, trong đó bao gồm việc thực thi UNSCRs và các Khuyến nghị của
FATF.
III. Thành phần tham
gia
17. ĐGRR về PF do Cơ quan Thường trực
Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền trong Quân đội thực hiện với sự tham gia của
các cơ quan, đơn vị thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền trong Quân đội[5].
18. Báo cáo đã được chỉnh lý hoàn chỉnh
trên cơ sở xin ý kiến từ các bộ, ngành: Công an, Ngoại giao, Tư pháp, Nội vụ,
Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi
trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện
kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
IV. Nguồn cơ sở dữ liệu[6]
19. Dữ liệu trong bản ĐGRR này được
trích dẫn từ Hồ sơ xây dựng Nghị định phòng, chống phổ biến WMD đã được thông
qua các bộ, ngành, bao gồm: Báo cáo đánh giá thực trạng các vấn đề liên quan đến
chính sách trong đề nghị xây dựng Nghị định; Báo cáo rà soát, đánh giá quy định
pháp luật liên quan đến phòng, chống phổ biến WMD; Một số tình hình về WMD tại
Việt Nam, khu vực và thế giới hiện nay; Nghị định 81/2019/NĐ-CP ngày 11/11/2019
của Chính phủ về phòng, chống phổ biến WMD.
20. Báo cáo ĐGRR quốc gia về rửa tiền
và tài trợ khủng bố của Việt Nam năm 2019 (NRA).
21. UNHSRs bao gồm: 1540 (2004), 1718
(2006), 1737 (2006), 1747 (2007), 1803 (2008), 1874 (2009), 1929 (2010), 2087
(2013), 2094 (2013), 2270 (2016), 2321 (2016), 2356 (2017), 2371, (2017), 2375 (2017),
2397 (2017).[7]
22. Các chuẩn mực quốc tế về
AML/CTF/CPF của FATF; Hướng dẫn ĐGRR quốc gia về PF của RUSI[8]
V. Một số khó khăn,
vướng mắc trong quá trình đánh giá
23. Việc thu thập thông tin về phòng,
chống phổ biến và PF gặp nhiều khó khăn, thiếu hụt do bị phân tán bởi các bộ,
ngành, địa phương và chưa có sự thống kê, lưu giữ phù hợp dẫn đến tình trạng
không thu thập được số liệu liên quan một cách chính xác và đầy đủ, làm giảm hiệu
quả cho ĐGRR trong lĩnh vực này.
24. ĐGRR quốc gia về PF là vấn đề phức
tạp, liên quan đến nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương và các cá nhân, tổ chức; việc triển khai thực hiện UNSCRs
áp dụng các biện pháp trừng phạt các chủ thể phổ biến và PF chưa giao cho cơ
quan có thực lực chủ trì, chưa có cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát... do vậy
việc thực hiện ĐGRR về lĩnh vực này cũng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
25. Việc ĐGRR về PF là một vấn đề mới ở
Việt Nam, các nước trong khu vực và trên thế giới; đây là lần đầu tiên Việt Nam
thực hiện ĐGRR quốc gia về PF nên gặp nhiều khó khăn, chưa có hướng dẫn thống
nhất từ các tổ chức quốc tế, đa phương về vấn đề này, ví dụ như: khái niệm về
chống PF của FATF còn hẹp hơn mức độ yêu cầu từ UNSCRs hoặc một số điều ước quốc
tế về WMD; đến hết tháng 10/2020 FATF mới thông qua lần cuối tài liệu hướng dẫn
thực hiện ĐGRR quốc gia về PF, nhưng chưa được chính thức ban hành.
Phần
II
ĐÁNH
GIÁ RỦI RO VỀ PF TẠI VIỆT NAM
A. ĐÁNH GIÁ NGUY CƠ
(MỐI ĐE DỌA) PF
I. Xác định
nguy cơ PF dựa trên nguy cơ phổ biến
Nguy cơ từ vị trí địa lý
26. Việt Nam là quốc gia nằm ở phía
Đông bán đảo Đông Dương thuộc khu vực Đông Nam Á với diện tích 331.698 km2
và dân số ước tính khoảng 96 triệu người, gồm 3 miền Bắc, Trung và Nam.
27. Đường biên giới đất liền dài khoảng
5.032,025 km[9]
phía Bắc Việt Nam giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Lào và Campuchia, phía Tây Nam
giáp vịnh Thái Lan, phía Đông và phía Nam giáp Biển Đông với chiều dài bờ biển khoảng
3.260 km và có hơn 4.000 hòn đảo lớn, nhỏ; trên Biển Đông có quần đảo Trường Sa
và Hoàng Sa, là một trong những khu vực trọng yếu của tuyến hàng hải quốc tế; địa
hình Việt Nam rất đa dạng theo các vùng tự nhiên gồm rừng núi (độ che phủ khoảng
75%) nên có thể bị bọn tội phạm lợi dụng làm nơi lẩn trốn, cư trú và hoạt động
bất hợp pháp, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia, buôn lậu... Các cửa khẩu, đường
tiểu ngạch, lối mòn với các nước láng giềng là điều kiện để các đối tượng phạm
tội lợi dụng vận chuyển và buôn bán trái phép vũ khí, hàng hóa, tiền tệ, động vật
quý hiếm, buôn lậu... qua biên giới. Bên cạnh đó, Việt Nam nằm gần khu vực tam
giác vàng là trung tâm sản xuất ma túy lớn của khu vực và thế giới. Đây là môi
trường để các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia thực hiện các hoạt động tội phạm
về ma túy, buôn người, trong đó có thể có cả các hoạt động phổ biến và PF của
các chủ thể nhà nước và phi nhà nước.
28. Với 28 tỉnh, thành phố ven biển và
10 cảng biển lớn nhất Việt Nam nằm rải rác khắp khu vực Bắc, Trung, Nam tạo ra
cửa ngõ thông thương giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Hiện Việt Nam có 68 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam
đang khai thác trên 200 đường bay quốc tế giữa Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,
Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hải Phòng, Cần Thơ và 28 quốc gia/vùng lãnh thổ với
khoảng 220 tàu bay và kết nối với hơn 1.000 điểm đến trên toàn thế giới. Với vị
trí địa lý thuận lợi, Việt Nam có điều kiện thực hiện vận tải giao thương quốc
tế bao gồm hàng hóa, tiền tệ chuyển ra, vào và qua Việt Nam bằng đường biên, đường
hàng không và đường bộ. Mặt khác, Việt Nam nằm trong khu vực có xảy ra các cuộc
khủng hoảng hạt nhân tại một số quốc gia như Iran, Pakitstan, Bắc Tiều Tiên,...
29. Như vậy, với những đặc điểm về môi
trường địa lý như trên, nguy cơ Việt Nam sẽ bị các nhân tố nhà nước hoặc phi
nhà nước có thể lợi dụng thực hiện các hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố và
tạo ra nhiều cơ hội cho hoạt động phổ biến cũng như việc tài trợ cho các hoạt động
nguy hiểm này, đặc biệt là lợi dụng khu vực Biển Đông để trung chuyển hàng hóa
nhạy cảm cho chương trình phổ biến hoặc chuyên chở, buôn bán các nguồn tài
nguyên để tạo nguồn lực kinh tế tài trợ cho hoạt động phổ biến. Như vậy, nguy
cơ này có thể đánh giá ở mức TRUNG BÌNH CAO[10].
Tuy nhiên, do xác định được những nguy cơ này có thể xảy ra, chúng ta đã tăng
cường các biện pháp phòng ngừa như: ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều
chỉnh, giao nhiệm vụ cho các cơ quan thực thi pháp luật và tăng cường kiểm soát
biên giới, trên biển, khu vực FIs và DNFBPs
Nguy cơ từ trong nước
Nguy cơ đến từ khu vực ngân hàng và
khu vực DNFBP
30. Từ những đánh giá về địa lý nêu
trên cho thấy, nguy cơ các tổ chức thuộc khu vực tài chính và phi tài chính có
thể sẽ bị lợi dụng làm điểm trung chuyển tiền và tài sản liên quan đến chương
trình phổ biến bất hợp pháp của các nhân tố nhà nước. Tuy nhiên, theo NRA chưa
phát hiện thấy các giao dịch đáng ngờ hoặc lòng vòng liên quan đến việc tài trợ
khủng bố hoặc tài trợ cho phổ biến. Cũng theo Báo cáo này đánh giá nguy cơ về rửa
tiền ở Việt Nam ở mức TRUNG BÌNH[11]
và như vậy có thể thấy rằng, nguy cơ PF đến từ khu vực tài chính (FIs) và các
ngành nghề kinh doanh phi tài chính được chỉ định (DNFBPs) là trung bình. Tuy
nhiên cần lưu ý rằng tài chính có thể được lấy từ hoạt động hợp pháp và bất hợp
pháp để gây quỹ, hoặc để có được ngoại hối nhưng không nhất thiết liên quan đến
rửa tiền. Yếu tố này có khả năng dẫn đến lĩnh vực FIs và DNFBPs có thể sẽ bị lợi
dụng để chuyển tiền hoặc các giao dịch khác cho mục đích PF của chủ thể nhà nước
hoặc phi nhà nước.
Nguy cơ từ tội phạm nguồn trong nước của
tội rửa tiền và tài trợ khủng bố
31. Theo NRA đánh giá, phân tích rủi
ro về rửa tiền trong các loại tội phạm nguồn có nhiều mức độ rủi ro khác nhau từ
CAO cho đến THẤP[12]
cho thấy, nguy cơ các loại tội phạm nguồn có thể bị lợi dụng cho PF cũng có thể
xảy ra nhưng ở mức THẤP. Vì hiện nay, theo các báo cáo thống kê chưa phát hiện
ra trường hợp nào, kể cả trong báo cáo về nguy cơ tài trợ khủng bố và khủng bố
tại Việt Nam cũng được đánh giá có nguy cơ thấp. Tuy nhiên không phải trong mọi
trường hợp đều có mức độ rủi ro thấp đối với PF vì thực tế thời gian qua cho thấy,
các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng vật liệu và công nghệ cao đầu tư vào Việt
Nam ngày càng tăng và nhu cầu sử dụng các nguồn tài nguyên, khoáng sản quý hiếm
tăng theo (trong đó có cả đất hiếm, quặng phóng xạ...), trong khi công tác quản
lý khai thác, buôn bán tài nguyên khoáng sản còn bộc lộ nhiều thiếu sót, tình
trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, buôn lậu tài nguyên khoáng sản
vẫn còn diễn biến phức tạp; không loại trừ khả năng có doanh nghiệp bị lợi dụng
làm bình phong, tổ chức tội phạm lợi dụng điều kiện này để tài trợ cho các hoạt
động nghiên cứu, chế tạo WMD; trong thời gian tới vấn đề tội phạm nguồn liên
quan đến phổ biến và PF có thể sẽ phức tạp vì thời gian gần đây, đã phát hiện
thấy các loại tội phạm có tổ chức gia tăng việc lợi dụng địa bàn Việt Nam để thực
hiện trung chuyển ma túy, buôn người và không loại trừ chúng sẽ thực hiện thu
gom tài chính, vật liệu liên quan để tài trợ và phục vụ cho việc phổ biến.
Nguy cơ từ nước ngoài
Một số tình hình về WMD trong thời
gian gần đây
32. Theo báo cáo thường niên của Viện
Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) về “Vũ khí, giải trừ quân bị
và an ninh quốc tế” được công bố ngày 15/6/2020 cho thấy trong giai đoạn hiện
nay, việc nghiên cứu và phát triển vũ khí WMD “ít đi nhưng đa dạng và hiện đại
hơn”. Đặc biệt các quốc gia đang lao vào một cuộc chạy đua hạt nhân, khi từng
bước gia tăng số lượng, chủng loại và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, nhằm tiếp
tục duy trì sức mạnh cạnh tranh và răn đe hạt nhân.
33. Tình hình một số khu vực trên thế
giới vẫn tiếp tục nóng lên do vấn đề WMD, trong khi HĐBALHQ đã có nhiều Nghị
quyết trừng phạt và đặc biệt là Hoa Kỳ đã sử dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn
việc chế tạo, sản xuất vũ khí hạt nhân đối với các chủ thể phổ biến. Trong khi
trên thế giới vẫn tiếp tục xảy ra xung đột vũ trang tại các khu vực đã thúc đẩy
các nước gia tăng việc chế tạo, sử dụng vũ khí hóa học, sinh học, làm phức tạp
thêm tình hình, khó kiểm soát việc phổ biến, đặc biệt là các chủ thể phi nhà nước.
Nguy cơ từ tội phạm nguồn của tội rửa
tiền và tài trợ khủng bố
34. Một trong nhũng đánh giá của thế
giới hiện nay tác động trực tiếp đến việc phổ biến và PF là sự trỗi dậy của
nhân tố phi nhà nước. Các loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia sẽ tham gia
trực tiếp vào quá trình phổ biến vi lợi nhuận hoặc vì muốn có được WMD nhằm vào
các mục đích khủng bố, tranh giành lãnh thổ, nguồn tài nguyên... Đây là một
nhân tố rất đáng chú ý trong khu vực và trên thế giới.
35. Chúng ta phải đối mặt với một loạt
các mối đe dọa rửa tiền do tăng trưởng, đa dạng hóa kinh tế, thương mại quốc tế
gia tăng, đường biên giới đất liền dài cho thấy rủi ro các luồng tài chính bất
hợp pháp ra vào Việt Nam đang và sẽ gia tăng trong những năm tới. Theo ước tính
từ Tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu, năm 2015, giá trị bằng USD của cả hai
dòng tiền bất hợp pháp vào và ra khỏi Việt Nam là hơn 9 tỷ USD (chảy vào 9,7 tỷ
và chảy ra 9,1 tỷ)[13].
36. Theo NRA kết luận rủi ro về ML tổng
thể ở Việt Nam ở mức trung bình cao[14].
Nguồn tiền bất hợp pháp bao gồm tham nhũng trong khu vực công, mặc dù có sự cải
thiện trong bảng xếp hạng chỉ số quản trị của Ngân hàng Thế giới về “kiểm soát
tham nhũng”, nhưng tham nhũng vẫn là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam. Việt
Nam được xếp hạng 117 trên 180 quốc gia trong Chỉ số Nhận thức Tham nhũng năm
2018[15]
của Tổ chức Minh bạch Quốc tế[16];
kiều hối có được từ các nhóm tội phạm có tổ chức như: lừa đảo, chơi game, mại
dâm, sản xuất hàng giả, buôn bán người, ma túy, động vật hoang dã và hàng hóa
liên quan; nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào tiền mặt với các mặt hàng có
giá trị cao thường được mua bằng tiền mặt, kể cả bất động sản và xe hạng sang.
Như vậy có thể thấy đây cũng là những nguy cơ rủi ro cho PF từ các nhóm tội phạm
có tổ chức.
37. Chúng ta có đường biên giới dài với
Trung Quốc, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Campuchia khiến dễ bị tác động
trong các vụ buôn lậu tiền mặt, động vật hoang dã và buôn bán ma túy; Việt Nam
chúng ta nằm gần khu vực tam giác vàng, trung tâm sản xuất ma túy lớn cả khu vực
và toàn cầu, nên càng dễ bị tác động bởi hoạt động buôn bán ma túy.
38. Chúng ta phải đối mặt với một số mối
đe dọa khủng bố và tài trợ khủng bố. Giai đoạn 2009 - 2017, ta đã ngăn chặn
thành công bốn âm mưu liên quan đến 59 đối tượng thuộc tố chúc Việt Tân. Những
âm mưu này, cùng với vụ đánh bom sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất năm 2017 tại
Thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy Việt Nam chúng ta phải đối mặt với một số mối
đe dọa khủng bố và tài trợ khủng bố; đây là những nguy cơ đáng chú ý đối với PF
tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các chủ thể phi nhà nước.
39. Cũng theo NRA[17], khu vực ngân
hàng và chuyển tiền ngầm được đánh giá là các kênh có rủi ro cao về ML/TF, tiếp
theo là bất động sản, các công ty thu đổi ngoại tệ và chuyển tiền, chứng khoán
và sòng bạc. Rủi ro ML/TF liên quan đến tài sản ảo chưa được đánh giá, nhưng một
nghiên cứu năm 2018 về khung pháp lý liên quan đến VASP[18] đã xác nhận rằng
đang tồn tại một số rủi ro. vấn đề này cũng cho chúng ta thấy được nguy cơ cao
các chủ thể lợi dụng để thực hiện PF.
40. Như vậy, với các nguy cơ về ML/TF
trên cho thấy đây là những nhân tố đáng chú ý làm gia tăng các hoạt động PF từ
các chủ thể phi nhà nước hoặc gia tăng sự tham gia của các chủ thể này vào hoạt
động phổ biến và PF.
Nguy cơ từ các nguồn, kênh và đích đến
của phổ biến hoặc khả năng có thể bị lợi dụng thực hiện các hoạt động phổ biến
41. Như đã đánh giá ở các phần trên,
Việt Nam với vị trí địa chính trị thuận lợi tại khu vực Châu Á - Thái Bình
Dương và nằm trong vùng ảnh hưởng chiến lược của các nước lớn và các nước khu vực
Đông Nam Á. Theo APG xác định trong lần đánh giá đa phương đối với Việt Nam vào
năm 2019, đây là một khu vực được cho là các chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước
thực hiện chuỗi cung ứng tại các địa điểm khác nhau cho phổ biến và PF như: (i)
Sản phẩm được bán và mua (kiến thức, công
trình nghiên cứu kỹ thuật, các thành phần, tiền chất và công nghệ lưỡng dụng, hệ
thống WMD); (ii) Các đối tượng thực hiện bao gồm: Bên bán hàng (tội
phạm có tổ chức, xuyên quốc gia có được vật liệu liên quan đến WMD và thị trường
chợ đen mua sắm vật liệu liên quan đến WMD); đối tượng trung gian để thực
hiện vận chuyển, mua bán (tội phạm, các nhà kinh doanh, các nhà cung cấp);
(iii) Bên mua là chủ thẻ nhà nước hoặc phi nhà nước và quá trình vũ khí
hóa các sản phẩm có được thành WMD và sẵn sàng sử dụng, phát tán chúng.
42. Việt Nam đã nỗ lực thực hiện phòng,
chống phổ biến và PF nhưng chưa đồng đều; mặc dù đã có các biện pháp để phát hiện
và ngăn chặn dòng chảy của hàng hóa liên quan đến chương trình WMD bất hợp pháp
nhưng còn rải rác, chưa tập trung; chưa có khung pháp lý để ngăn chặn dòng tiền
được sử dụng cho các giao dịch này[19];
thiếu cơ chế phối hợp, phương pháp tiếp cận, các chế tài xử lý... trong phòng,
chống phổ biến và PF. Hậu quả là FIs và DNFBPs phần lớn không quan tâm tới rủi
ro về phổ biến và PF, không nhận thức rõ các quy định phòng, chống phổ biến và
PF hoặc có thể vô tình tham gia vào chuỗi hoạt động nguy hiểm này.
43. Với lượng vận tải hàng hóa trên thế
giới chủ yếu bằng đường biển (khoảng 90%), trong những thời gian trước đây, nhiều
vật liệu liên quan đến hoạt động phổ biến đã được trung chuyển qua khu vực Biển
Đông bởi các chủ thể nhà nước và phi nhà nước. Ví dụ như trường hợp A.Q. Khan của
Pakistan đã rất thành công trong thực hiện phổ biến và PF cho các chủ thể nhà
nước hoặc phi nhà nước bởi các công ty bình phong, công ty ma; sắp xếp những
dòng tài chính phức tạp và che giấu bản chất của hàng hóa cũng như các bên tham
gia vào giao dịch. Chính vì vậy, những nhân tố phổ biến các loại vũ khí nguy hiểm
nhất thế giới có thể dễ dàng tiếp cận và khai thác khu vực tài chính chính thức
hoặc phi chính thức hòng che đậy những hoạt động phổ biến; hoặc trường hợp tàu
Kang Nam 1 đã bị buộc quay trở lại khi bị nghi ngờ vi phạm biện pháp trừng phạt
của Liên hợp quốc; tàu này có đi qua khu vực Biển Đông và cập cảng Myanma.
44. Từ nhũng yếu tố nêu trên có thể
thấy rằng, các nguy cơ phổ biến và PF từ bên ngoài lãnh thổ và lợi dụng khu vực
lãnh hải Việt Nam cho hoạt động phổ biến và PF là trung bình cao. Tuy nhiên, do
Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc đối với các công ước
về cấm sử dụng WMD và các Nghị quyết của HĐBANLHQ liên quan đến phòng ngừa,
ngăn chặn và phá vỡ các hoạt động phổ biến và PF, đã thực hiện cơ bản các nghĩa
vụ của mình đối với các điều ước quốc tế về cấm sử dụng, phổ
biến và PF. Do vậy, các nguy cơ này đã được hạn chế ở mức TRUNG BÌNH đối với Việt
Nam.
II. Xác định
nguy cơ PF thông qua nhận diện các luồng, nguồn và các kênh giao dịch tài chính
Các nguồn đe dọa đến từ hoạt động phổ
biến
45. Những chủ thể phổ biến sử dụng một
loạt các xảo thuật để trốn tránh các lệnh trừng phạt và vận chuyển hàng hóa và
nguyên liệu trên khắp thế giới, và do đó, chúng luôn tìm cách để khai thác các
phạm vi khu vực tài phán mới để định tuyến các hoạt động này. Việc mua sắm
nguyên vật liệu cho chương trình WMD không chỉ giới hạn ở một khu vực pháp lý
mà có sự tham gia của nhiều bên trung gian và các điểm chuyển hàng. Hơn nữa, rủi
ro về kiểm soát hàng hóa không chỉ được tạo ra thông qua việc tham gia trực tiếp
vào chuỗi cung ứng cho phổ biến, chẳng hạn như mua sắm hàng hóa và công nghệ lưỡng
dụng, mà còn gián tiếp thông qua việc tiếp xúc với mạng lưới công ty bình
phong, dịch vụ chuyển hàng hoặc các điểm tiếp cận tài chính. Bởi vì PF liên
quan đến hoạt động ngầm rộng lớn của các chủ thể phổ biến, sự hiểu biết sâu sắc
về các con đường để phổ biến là trọng tâm của việc xác định các mối đe dọa PF.
Do đó, chúng ta cần xác định được các "con đường phổ biến" này. Đối với
chúng ta, các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa công nghệ cao hoặc lưỡng dụng
sẽ là mắt xích đầu tiên trong quá trình mua sắm[20] và sẽ có rủi ro
xuất hiện được xác định bởi các dấu hiệu như: sự hiện diện của các bí quyết và
năng lực công nghệ nhạy cảm hoặc trung tâm nghiên cứu; quá trình sản xuất và di
chuyển tiếp theo của hàng hóa và thanh toán cho những hàng hóa đó. Các khu vực
có khối lượng thương mại lớn hoặc các cảng thương mại lớn sẽ đối mặt với nguy
cơ trở thành điểm trung chuyển. Mặc dù chúng ta có thể không tiếp xúc trực tiếp
với việc phát triển, sản xuất hoặc vận chuyển hàng hóa liên quan đến phổ biến,
nhưng vẫn có thể bị lợi dụng trong việc tạo điều kiện cho các hoạt động phổ biến
bằng việc trở thành địa điểm hoạt động cho các công ty bình phong, hoặc làm cơ
sở cho các hoạt động nâng cao doanh thu nhằm tái đầu tư vào chương trình phổ biến.
46. Hiện nay chúng ta đang thực hiện xác
định các tổ chức, cá nhân PF trong khu vực hoặc trên toàn thế giới thông qua
danh sách trừng phạt theo UNSCRs và hợp tác quốc tế. Tính đến nay, chưa phát hiện
có tổ chức, cá nhân nào có hành vi phổ biến và PF đang hoạt động trong nước hoặc
có mối liên hệ với các tổ chức, cá nhân nằm trong danh sách bị chỉ định hoặc với
các quốc gia khác. Tuy nhiên, do xác định có những rủi ro về địa chính trị để
các chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước lợi dụng nhằm thực hiện phổ biến như đã
đánh giá ở Phần I, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ
quan chức năng, các tổ chức tài chính và phi tài chính tăng cường các biện pháp
phát hiện, từ chối, ngăn chặn hoặc triệt phá hoạt động phổ biến và triển khai
thực hiện UNSCRs về trừng phạt tài chính mục tiêu nên đã hạn chế, ngăn chặn kịp
thời các hoạt động phổ biến và PF, làm giảm đáng kể các nguy cơ PF đến từ các đối
tượng phổ biến, mặc dù các nguy cơ này vẫn còn hiện hữu nhưng ở mức thấp.
Nguy cơ từ dịch vụ tài chính và phi
tài chính chỉ định trong hoạt động thương mại liên quan đến phổ biến
47. Theo NRA, hệ thống ngân hàng chiếm
phần lớn khu vực tài chính của ta, khoảng 95% tổng tài sản của hệ thống tài
chính. Ngân hàng cung cấp một loạt các sản phẩm và dịch vụ phục vụ một số lượng
lớn cá nhân và doanh nghiệp, trong đó có 43,4% ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước.
Các lĩnh vực bảo hiểm và chứng khoán lần lượt chiếm 3,5% và 1,8% tài sản của
ngành tài chính. Các ngân hàng lớn đang triển khai CTF tốt hơn, nhưng nhiều
ngân hàng nhỏ hơn, FIs và DNFBPs không thực hiện CTF và cũng không có nhiều ý
thức về nghĩa vụ của họ. Không có giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ CTF[21].
48. Quy mô khu vực DNFBPs của chúng ta
tương đối nhỏ và bao gồm sòng bạc, công ty trò chơi có thưởng, luật sư và công
chứng viên, kế toán viên và kiểm toán viên, đại lý kim loại quý hoặc đá quý và
đại lý bất động sản. Bất động sản là DNFBP chủ chốt, chiếm gần 5% GDP và năm
2016 có 1.278 sàn giao dịch. Hiện tại ta có 08 sòng bạc và 46 doanh nghiệp cấp
phép lắp đặt máy trò chơi điện tử có thưởng. Ngành pháp lý có 11.800 luật sư và
2.398 công chứng viên và ngành kế toán có 300 kế toán viên đã đăng ký; có 21 tổ
chức tín dụng có hoạt động kinh doanh vàng miếng, 15 doanh nghiệp được phép
kinh doanh vàng miếng và hơn 5.979 doanh nghiệp gia đình sản xuất đồ trang sức
và 1.154 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh kim loại quý và đá
quý.
49. Bất động sản là lĩnh vực thu hút
nhiều đầu tư và được coi là một trong những lĩnh vực quan trọng có nguy cơ bị tội
phạm lợi dụng cho mục đích ML, do tội phạm thường mua bất động sản dưới tên của
các thành viên gia đình, hoặc chuyển nhượng và tặng bất động sản như một món quả.
Trong khi nhiều giao dịch mua bất động sản đi qua hệ thống ngân hàng chính thức,
NRA nhận ra rằng nhiều giao dịch vẫn bằng tiền mặt và tài liệu nguồn mở cho thấy
một số người mua sử dụng vàng[22].
50. Chưa có quy định AML/CTF/CPF đối với
VA và VASP tại nước ta. Ngân hàng Nhà nước đã cấm sử dụng tiền ảo để thanh toán
vào tháng 10 năm 2017 và Ủy ban Chứng khoán đã cấm các công ty niêm yết, các
công ty quản lý quỹ và chứng khoán phát hành, giao dịch hoặc môi giới trong tiền
điện tử. Tuy nhiên, các thông tin nguồn mở cho thấy đầu tư vào tiền điện tử diễn
ra đáng kể ở Việt Nam và không vi phạm những quy định cấm ở trên.
Tài chính toàn diện và dựa vào tiền mặt
51. Nền kinh tế của chúng ta chủ yếu dựa
vào tiền mặt, được bao quanh bởi các nền kinh tế dựa trên tiền mặt lân cận khác
(Campuchia, Lào). Ngân hàng Thế giới cho biết vào năm 2017, 31% dân số trưởng
thành có tài khoản giao dịch và 23% tiến hành giao dịch trên nền tảng điện tử.
69% người trưởng thành thanh toán hóa đơn bằng tiền mặt trong năm 2017 (giảm so
với 92% trong năm 2014)[23].
52. Tình trạng đô la hóa nền kinh tế vẫn
ở mức cao với khối lượng nắm giữ USD ở mức 60 tỷ USD hoặc 25% GDP[24]. Ngân hàng Nhà
nước đang thực hiện các bước để hạn chế đô la hóa, bao gồm một sửa đổi gần đây
để điều chỉnh việc cho vay bằng ngoại tệ đối với người cư trú ở Việt Nam.
Chuyển tiền quốc tế
53. Chuyển tiền quốc tế đến Việt Nam
có giá trị đáng kể, khoảng 12,3 tỷ USD vào năm 2015. 7 tỷ USD trong đó là chuyển
tiền từ Mỹ. Những con số này không bao gồm các dòng chuyển tiền ngầm không được
ghi nhận hoặc không chính thức, được sử dụng để chuyển tiền vào và ra khỏi Việt
Nam. Trong NRA, rủi ro ML/TF liên quan đến chuyển tiền được đánh giá ở mức cao
đối với chuyển tiền bất hợp pháp và trung bình cao đối với chuyển tiền
được quản lý.
54. Như vậy có thể thấy rằng, các tổ
chức, cá nhân của ta có thể tiếp xúc với hoạt động PF tiềm năng do mối liên kết
toàn cầu và khu vực ngày càng tăng với hệ thống tài chính quốc tế, ngành hàng hải
lớn và va chạm với hoạt động hàng hải bất hợp pháp trong khu vực, tăng nhu cầu
về nguyên liệu thô và nhập khẩu khác để phát triển kinh tế, khu vực FI và DNFBP
của ta nếu không kịp thời có các định chế tài chính về CPF thì có nguy cơ bị
các đối tượng phổ biến lợi dụng để hợp thức hóa các nguồn tiền cho phổ biến WMD
trong khu vực. Cần tích cực trong việc triển khai CPF hiệu quả, hiểu và tuân thủ
giữa các FI/DNFBP với nghĩa vụ CPF của họ và giám sát của các cơ quan có thẩm
quyền.
Nguy cơ đến từ các hoạt động gây quỹ hợp
pháp và bất hợp pháp cho hoạt động phổ biến
55. Theo đánh giá rủi ro, khu vực NPO
kết luận rằng rủi ro TF của NPO tại Việt Nam là thấp. Việc tiếp cận và
giám sát do các cơ quan chức năng thực hiện phần lớn mang tính hành chính và
không bao gồm ĐGRR đối với việc lạm dụng tài chính cho PF. Do vậy, các NPO
không nhận thức được rủi ro của PF đối NPO, tuy nhiên, các NPO trong nước đã
xem các quy định và yêu cầu của chính phủ rất nghiêm ngặt, và một số thể hiện
nhận thức rằng các quỹ liên quan đến PF sẽ cần phải được đóng băng không chậm
trễ. Các NPO nước ngoài đã thể hiện sự hiểu biết nhiều hơn về nghĩa vụ CPF và
các loại hình TF, phần lớn là do hướng dẫn từ trụ sở chính của họ trên toàn cầu.
56. Đối với các quỹ (theo định
nghĩa của FATF[25]), qua phân
tích về pháp luật, cơ chế quản lý và giám sát đối với các quỹ này cho thấy còn
một số yếu tố có thể dẫn đến các nguy cơ từ hoạt động PF, bao gồm: Cơ sở pháp
lý cho việc điều chỉnh VA tại Việt Nam là không rõ ràng, cũng như hiệu quả của
việc thực hiện; các VASP không phải là đối tượng báo cáo theo Luật Phòng, chống
rửa tiền. Ngân hàng Nhà nước đã cấm sử dụng tiền ảo để thanh toán vào tháng 10
năm 2017 và Bộ Tài chính đã cấm các công ty niêm yết công khai, và các công ty
quản lý quỹ và chứng khoán phát hành, giao dịch hoặc môi giới trong tiền mã
hóa. Tuy nhiên, các tìm kiếm trong các nguồn mở cho thấy một lượng đáng kể đầu
tư và khai thác tiền mã hóa ở chúng ta và họ không phải tuân theo bất kỳ yêu cầu
nào về biện pháp phòng ngừa đối với ML/TF/PF. Điều này cho thấy cần phải ĐGRR
toàn diện với việc xem xét thêm về việc đưa VASP vào đối tượng phải báo cáo
theo Luật Phòng, chống rửa tiền; các quỹ đầu tư phát triển địa phương, hiệu cầm
đồ, tổ chức tài chính vi mô và Quỹ tín dụng nhân dân không có khách hàng nước
ngoài và do đó không quan hệ làm ăn với khách hàng từ các quốc gia có rủi ro
cao. Các đối tượng này, bao gồm cả các doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ ít hiểu
về yêu cầu đối với CPF; các giao dịch trong nước, ngân hàng vẫn ghi nhận một
vài giao dịch mà không có thông tin của người chuyển, gây lo ngại về mức độ của
các biện pháp kiểm soát liên quan đến các tổ chức trong nước; việc CDD về các
chủ sở hữu hưởng lợi trên tất cả các thực thể trong lĩnh vực tài chính là một
thách thức, đặc biệt là khi nó liên quan đến vấn đề sở hữu nước ngoài (khách
hàng là các bên tham gia ủy thác nước ngoài và có được các ủy thác trong quá
trình thực hiện CDD), hoặc chủ sở hữu hưởng lợi, hoặc những người có ảnh hưởng
chính trị (PEP).
Thông tin định tính về PF
57. Xu hướng tương lai: mức độ, tính
chất, quy mô, đặc điểm và nguy cơ của hoạt động PF trên lãnh thổ Việt Nam tuy sẽ
được kiểm soát chặt chẽ hơn bởi Chính phủ đã ban hành Nghị định 81 về phòng, chống
phổ biến. Tuy nhiên, tình hình an ninh khu vực và thế giới có nhiều biến động
khó lường, hoạt động buôn bán vật liệu liên quan đến WMD được thực hiện bởi các
chủ thể phi nhà nước có thể gia tăng và diễn biến phức tạp, khó kiểm soát hơn,
đặc biệt là việc kiểm soát vật liệu, công nghệ và thiết bị lưỡng dụng; tình
hình đại dịch Covid-19 cũng dẫn đến nguy cơ cao cho phổ biến vũ khí sinh học.
Các chủ thể phổ biến sẽ tiếp tục sử dụng các công ty bình phong, khu vực ngân
hàng, khu vực chuyển tiền ngầm, che giấu các nguồn tài nguyên kinh tế; lợi dụng
vận chuyển trên các tuyến biển, khu vực biên giới đất liền... để che giấu các
hành vi phổ biến và PF. Trong khi đó, các khu vực tư nhân và khu vực công còn
có những nhận thức chưa thống nhất trong kiểm soát các giao dịch tài chính và sự
lưu chuyển của các dòng tiền trong hoạt động thương mại, kinh tế... dẫn đến việc
kiểm soát rủi ro trong phòng, chống phổ biến và PF sẽ gặp nhiều khó khăn.
58. Trong thời gian tới, có thể sẽ xảy
ra các hình thức PF là việc buôn bán các nguồn tài nguyên tại các khu vực tranh
chấp trên biển để thu thập tài chính cho hoạt động phổ biến; các hoạt động này
sẽ giảm do chúng ta sẽ tăng cường hoạt động kiểm soát và giám sát thực thi pháp
luật trên biển, trên bộ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và triệt tiêu các hoạt động
phổ biến và PF theo quy định của Nghị định 81 và pháp luật có liên quan.
Nhu cầu tài chính của các đối tượng phổ
biến
59. Các chủ thể phổ biến sẽ bị kiểm
soát chặt chẽ, do vậy, họ có nhu cầu rất cao về nguồn vốn cũng như các vật liệu
liên quan để có thể nghiên cứu, phát triển, chế tạo WMD trong những thời gian tới.
Và như vậy, chúng ta có thể sẽ bị lợi dụng để thực hiện vì trong thời gian gần
đây đã phát hiện một số hoạt động buôn bán các nguồn tài nguyên kinh tế để nhằm
tạo nguồn vốn cho các hoạt động phổ biến.
Đường đi của các luồng tài chính, nguồn
tiền và các kênh giao dịch của các chủ thể phổ biến và PF
60. Ngoài một số vụ sang mạn than trái
phép tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ chúng ta chưa phát hiện thấy các luồng tài
chính, nguồn tiền và các kênh giao dịch của các chủ thể phổ biến và PF trên
lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, theo NRA cho thấy, một số lĩnh vực có rủi ro cao
về rửa tiền như ngân hàng và hệ thống chuyển tiền ngầm, mức rủi ro trung bình
cao là lĩnh vực bất động sản; NRA cũng chỉ ra các loại tội phạm nguồn trong nước
có nguy cơ rửa tiền cao là tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm
đoạt chất ma túy; đây là loại tội phạm có tổ chức xuyên biên giới rất nguy hiểm
và rất có thể tham gia vào các hoạt động phổ biến và PF vì lợi nhuận cao của hoạt
động này. Như vậy cho thấy, hệ thống ngân hàng có thể bị lợi dụng bởi các công
ty bình phong, hệ thống chuyển tiền phi chính thức với tội phạm có tổ chức sẽ
liên kết chặt chẽ với nhau để thực hiện hoạt động phổ biến và PF; hoặc hoạt động
buôn bán bất hợp pháp các nguồn tài nguyên kinh tế trên biển có thể sẽ tạo ra
nguồn tài chính cho hoạt động PF.
Đánh giá các nguy cơ và xu hướng PF
61. Nguy cơ về PF có thể sẽ xảy ra
nhưng sẽ tinh vi và che giấu dưới các hình thức bình phong thông qua đầu tư nước
ngoài để hợp pháp hóa nguồn vật liệu liên quan đến WMD cho các chủ thể phổ biến;
hoặc tạo ra các nguồn tài chính trá hình để các đối tượng phổ biến có thể tiếp
cận nhằm che giấu nguồn tiền bất hợp pháp phục vụ cho hoạt động phổ biến, tuy
nhiên nguy cơ PF ở mức thấp vì chúng ta đã ban hành Nghị định 81
về phòng, chống phổ biến WMD; theo đó yêu cầu bắt buộc đối với tất cả công
dân, cơ quan, tổ chức của Việt Nam; tàu thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam và
tàu bay mang quốc tịch Việt Nam dù đang ở bất cứ nơi nào; tổ chức quốc tế, tổ
chức nước ngoài, người nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam phải
thực hiện việc phòng, chống phổ biến và PF.
B. ĐÁNH GIÁ LỖ HỔNG
(TÍNH DỄ BỊ TỔN THƯƠNG) CÓ THỂ BỊ LỢI DỤNG BỞI CÁC MỐI ĐE DỌA HOẶC HỖ TRỢ, TẠO ĐIỀU
KIỆN CHO CÁC MỐI ĐE DỌA CỦA PHỔ BIẾN VÀ PF
I. Yếu tố
liên quan đến khuôn khổ pháp lý và thể chế
Đánh giá hệ thống khuôn khổ pháp lý
chung
Cơ chế, thỏa thuận quốc tế liên quan
nhằm kiểm soát phổ biến và PF
62. Chúng ta đã tham gia hầu hết vào
các tổ chức và ban hành các quy định pháp luật để thực hiện, tổ chức, tuyên
truyền liên quan đến WMD cụ thể: Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT);
Nghị định thư/Khu vực Không vũ khí hạt nhân; Công ước bảo vệ an toàn vật liệu hạt
nhân (CPPNM); Hiệp ước cấm thử hạt nhân Toàn diện (CTBT); Công ước cấm phát triển,
sản xuất, tàng trữ, sử dụng vũ khí hóa học và việc phá hủy chúng (CWC); Công ước
vũ khí sinh học (BWC); Công ước cấm vũ khí hạt nhân; Công ước Quốc tế năm 1999
về ngăn chặn tài trợ chủ nghĩa khủng bố (Tham gia ngày 25/9/2002); Công ước quốc
tế năm 1997 về Ngăn chặn đánh bom khủng bố; Tuyên bố chung về không sở hữu WMD;
Tuyên bố chung về cam kết giải giáp và không phổ biến; Tuyên bố chung về không
cung cấp WMD và các loại vật liệu có liên quan cho các thực thể phi nhà nước.
Việt Nam đã tham gia thực hiện các thỏa thuận liên quan đến Cơ quan năng lượng
nguyên tử quốc tế (IAEA) về Công ước Thông báo sớm Tai nạn Hạt nhân (Tham gia
29/12/1987), Công ước về Hỗ trợ trong trường hợp Tai nạn hạt nhân hoặc khẩn cấp
phóng xạ. Ngoài ra, Việt Nam luôn tuân thủ các Nghị quyết 1540 (2004), 1718
(2006), 1737 (2006) và các Nghị quyết kế thừa của HĐBALHQ. Theo đó, Việt Nam đã
ban hành các quy định để nghiêm cấm người hoặc tổ chức tham gia vào một trong số
các hoạt động: sản xuất/chế tạo; thu nhận; sở hữu; lưu giữ; phát triển; vận
chuyển; chuyển giao; sử dụng; tham gia như đồng phạm vào các hoạt động phổ biến;
hỗ trợ các hoạt động phổ biến. Các nội dung này được quy định trong Luật Năng lượng
nguyên tử số 18/2008/QH12; Nghị định số 26/2011/NĐ-CP về thi hành một số điều của
Luật Hóa chất; Bộ luật Hình sự năm 1999 và đã được điều chỉnh bổ sung, Nghị định
81 về phòng, chống phổ biến WMD.
63. Việt Nam trước đây, việc thực thi
các thỏa thuận để kiểm soát việc cung cấp tài chính cho các hoạt động như sản
xuất/chế tạo; thu nhận; sở hữu; lưu giữ; phát triển; vận chuyển; chuyển giao; sử
dụng; tham gia như đồng phạm vào các hoạt động phổ biến; hỗ trợ các hoạt động
phổ biến, chống PF chưa được nêu cụ thể trong Nghị định số 74/2005/NĐ-CP , Luật
Phòng, chống rửa tiền, Luật Phòng, chống khủng bố và Nghị định sửa đổi bổ sung
có liên quan. Ngoài ra, Việt Nam hiện có một số quy định về việc cấp phép, đăng
ký của các trạm, cơ sở, người dân, cơ quan, sử dụng, xử lý vật liệu có liên
quan đến phóng xạ, hóa chất được quy định tại Luật Năng lượng nguyên tử năm
2008, Thông tư về an toàn và kiểm soát bức xạ của Bộ Khoa học và Công nghệ và
Nghị định 38/2016/NĐ-CP về thực hiện CWC, đối với vật liệu có liên quan đến
công ước cấm phổ biến vũ khí sinh học thì chưa có quy định cụ thể. Tuy nhiên,
Nghị định 81/2019/NĐ-CP ngày 11/11/2019 về phòng, chống phổ biến WMD đã quy định
cụ thể cho vấn đề này.
64. Như vậy có thể thấy rằng, cho đến
hiện nay, chúng ta đã tham gia tương đối đầy đủ các cơ chế, thỏa thuận quốc tế
liên quan nhằm kiểm soát việc phổ biến và PF. Song do đây là lĩnh vực rất phức
tạp trong nước cũng như quốc tế, mặc dù chưa phát hiện trường hợp cụ thể về PF
và đã ngăn chặn được một số trường hợp cung cấp nguồn tài chính cho phổ biến
theo UNSCRs, nhưng do phải hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm
triển khai triệt để và hiệu quả Nghị định 81. Do vậy, chúng ta phải cần một thời
gian ngắn hạn (khoảng 5 năm) nữa để bổ sung văn bản và xây dựng Luật Phòng, chống
phổ biến WMD.
65. Việt Nam cũng đã ban hành các văn
bản pháp luật tương đối đầy đủ từ Luật đến Nghị định, Thông tư và các Quyết định
về các vấn đề: phóng xạ, hạt nhân[26];
an toàn sinh học, phòng chống bệnh truyền nhiễm[27] và lĩnh vực hóa
học, vũ khí hóa học[28].
Hệ thống pháp lý liên quan đến lĩnh vực
phóng xạ, hạt nhân
66. Hoạt động thực thi các điều ước quốc
tế trong thời gian qua đã thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam chúng ta về
sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình và quan điểm ưu tiên tuyệt đối
về an toàn, an ninh hạt nhân của Việt Nam, tạo niềm tin của cộng đồng hạt nhân
quốc tế. Về cơ bản, việc thực hiện các điều ước quốc tế về an ninh hạt nhân do
Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm và chủ yếu là thực hiện Quy tắc ứng xử
về an toàn 31 và an ninh nguồn phóng xạ (Việt Nam tham gia năm 2006) và
Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và phần sửa đổi của công ước (Việt
Nam gia nhập năm 2012). Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ định Cục An toàn bức
xạ hạt nhân là đầu mối cho các hoạt động của Công ước; thành lập Tổ Công tác
liên bộ trong lĩnh vực hạt nhân. Tổ Công tác đã hoạt động rất hiệu quả và đã đề
xuất nhiều điều ước quốc tế được Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định gia nhập;
nghiên cứu toàn diện các điều ước quốc tế liên quan đến hạt nhân, đề xuất với Bộ
trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phương án tham gia, phân công trách nhiệm giữa
các bộ, ngành có liên quan khi triển khai thực hiện điều ước quốc tế về hạt
nhân, phóng xạ.
67. Tuy nhiên, dựa trên phương pháp
đánh giá nguy cơ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và tình hình
áp dụng bức xạ và hạt nhân trong nước, các nguy cơ thuộc nhóm IV và V có khả
năng xảy ra tại Việt Nam, bao gồm: Nguy cơ bị mất nguồn phóng xạ, vật liệu hạt
nhân, nguồn phóng xạ nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, mất
an ninh tại cơ sở hạt nhân hoặc cơ sở bức xạ; buôn bán vận chuyển trái phép chất
phóng xạ trong nước và xuyên biên giới; khủng bố, phá hoại sử dụng chất phóng xạ;
nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các sự cố nhà máy điện hạt nhân, phương tiện sử dụng
năng lượng hạt nhân từ ngoài biên giới v.v...
Hệ thống pháp lý liên quan đến lĩnh vực
sinh học
68. Vũ khí sinh học được coi là nguy
hiểm nhất vì khó kiểm soát, thiếu sự kiểm tra độc lập đối với các quốc gia,
trong khi mỗi cá nhân lại có thể dễ dàng tự nghiên cứu và phát triển các loại
virus hoặc vi khuẩn gây bệnh. Với vai trò là Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện
Công ước cấm vũ khí sinh học, Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với
các bộ, ngành triển khai thực hiện Công ước chống vũ khí sinh học và hợp tác quốc
tế nhằm đối phó với khả năng chủ nghĩa khủng bố có thể tận dụng những bước tiến
của công nghệ sinh học để chế tạo vũ khí có sức hủy diệt lớn sử dụng để tấn
công thực vật và động vật, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.
69. Đối với mối đe dọa sinh học: Nguy
cơ liên quan đến an ninh sinh học mà Việt Nam phải đối mặt đến từ việc dịch bệnh
bùng phát tự nhiên; các tai nạn, sự cố liên quan đến an toàn sinh học tại các
phòng thí nghiệm; tình trạng kháng kháng sinh tại các bệnh viện; lạm dụng kháng
sinh trong chăn nuôi; các sự cố liên quan đến sinh vật biến đổi gen v.v...
Ngoài ra, sự cố an ninh sinh học còn có thể xảy ra trong quá trình vận chuyển mẫu
bệnh phẩm hoặc vận chuyển chất thải từ cơ sở y tế đến nơi xử lý tập trung, đặc
biệt là đối với chất thải có chứa vi sinh vật gây bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao;
khả năng vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm bị sử dụng trái phép.
Hệ thống pháp lý liên quan đến lĩnh vực
hóa học
70. Theo Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ,
Việt Nam đã thành lập Cơ quan quốc gia Việt Nam nhằm: i) Tham mưu, tư vấn cho
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện Công ước cấm vũ khí hóa học;
ii) Đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và có hiệu quả giữa các bộ, ngành và
cơ quan hữu quan trong việc thực hiện Công ước cấm vũ khí hóa học; iii) Theo
dõi, kiểm tra đảm bảo việc tuân thủ Công ước cấm vũ khí hóa học; iv) Đầu mối
quan hệ công tác giữa Việt Nam với Tổ chức cấm vũ khí hóa học.
71. Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ
là cơ quan đại diện, thường trực thay mặt Cơ quan quốc gia Việt Nam giải quyết
các công việc liên quan đến Công ước cấm vũ khí hóa học, bao gồm: i) Ban hành
theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực
hiện Công ước cấm vũ khí hóa học; ii) Cấp, đình chỉ, thu hồi theo thẩm quyền Giấy
phép sản xuất, chế biến, tiêu dùng, tàng trữ, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu
hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm vũ khí hóa học; iii) Quản lý việc
sản xuất, chế biến, tiêu dùng, tàng trữ, kinh doanh và xuất khẩu, nhập khẩu hóa
chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm vũ khí hóa học; thực hiện việc thanh
tra, kiểm tra các hoạt động này tại các cơ sở hóa chất thuộc phạm vi quản lý của
mình; iv) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Công ước cấm vũ khí hóa học và các văn
bản quy phạm pháp luật có liên quan; v) Chủ trì thực hiện hợp tác quốc tế trong
khuôn khổ của Công ước cấm vũ khí hóa học.
72. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện
việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến Công ước cấm vũ khí hóa học
trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang; phối hợp với Bộ Công Thương trong việc
tổ chức thực hiện Công ước cấm vũ khí hóa học.
Pháp luật liên quan đến thực thi các điều
ước quốc tế và UNSCRs về WMD
73. Nghị quyết 1540 (2004), 1718
(2006), 1737 (2006) và các Nghị quyết kế thừa hiện tại của Hội đồng Bảo an Liên
hợp quốc yêu cầu các quốc gia phải áp dụng không chậm trễ các biện pháp trừng
phạt theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được thông qua tại Chương
VII của Hiến chương Liên hợp quốc liên quan đến việc phòng ngừa, phát hiện,
ngăn chặn và làm gián đoạn hoạt động phổ biến WMD và việc tài trợ cho các hoạt
động này[29].
74. Trên thực tế, Nghị quyết 1540
(2004), 1718 (2006) và 1737 (2006) của HĐBALHQ và các Nghị quyết kế thừa là các
biện pháp trừng phạt đối với các chủ thể nhà nước và phi nhà nước liên quan đến
việc phổ biến và PF nhằm triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế về cấm các loại
WMD.
75. Từ năm 2013 đến 2018, Thủ tướng
Chính phủ đã có gần 20 văn bản hành chính chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của
HĐBALHQ về phòng ngừa, ngăn chặn và làm gián đoạn các hoạt động phổ biến và PF.
Theo đó, giao các bộ, ngành liên quan (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng
Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương v.v...) và
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để các cơ quan chức năng triển
khai thực hiện phù hợp với thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
76. Tháng 3 năm 2018, Việt Nam thành lập
cơ chế liên ngành để xử lý các tàu nước ngoài liên quan đến hoạt động hoặc vận
chuyển hàng hóa bị cấm bởi các Nghị quyết liên quan của HĐBALHQ cũng như không
cung cấp các dịch vụ bảo hiểm, tái bảo hiểm cho các loại tàu này.
77. Các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ
được triển khai thực hiện trực tiếp UNSCRs trừng phạt đối với các chương trình
PF theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Điều ước quốc tế. Để
cụ thể hóa các vấn đề này, ngày 11/11/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị
định số 81/2019/NĐ-CP về phòng, chống phổ biến WMD
Yếu tố liên quan đến pháp nhân và thỏa
thuận pháp lý
78. Pháp nhân tại Việt Nam được gọi là
“người pháp lý (juridical persons)” và được chia thành pháp nhân thương mại và
phi thương mại.
79. Quỹ tín thác nhanh và các thỏa thuận
pháp lý tương tự không được công nhận theo pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, không
có sự cấm đoán đối với các ủy thác rõ ràng được tạo ra theo luật của một khu vực
tài phán khác và các bên nhận ủy thác của các ủy thác đó hoạt động tại Việt Nam
(bao gồm cả việc hình thành mối quan hệ với FIs và DNFBPs).
80. Tính minh bạch của chủ sở hữu hưởng
lợi; các yếu tố liên quan đến việc gia nhập thị trường... Theo NRA, đối với
pháp nhân xác định rủi ro ML ở mức trung bình và rủi ro TF ở mức thấp
đối với tất cả các loại hình pháp nhân. Các mối đe dọa và lỗ hổng ML được phát
hiện là cao hơn ở các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, nhiều thành
viên và các công ty cổ phần. Những lỗ hổng quan trọng được xác định bao gồm việc
sử dụng các cá nhân thông qua các thỏa thuận pháp lý để che đậy mối quan hệ giữa
chủ sở hữu hưởng lợi và chủ sở hữu theo pháp luật, kể cả sử dụng các cấu trúc
kiểm soát và sở hữu phức tạp. Như vậy có thể thấy, đây cũng là những yếu tố để
các chủ thể lợi dụng thực hiện che đậy hành vi PF.
81. Quy trình rà soát đối với các danh
sách trừng phạt đã được thực hiện theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và
Nghị định 81. Hiện chưa phát hiện tổ chức, cá nhân của chúng ta vi phạm hoặc vô
tình vi phạm danh sách trừng phạt tài chính mục tiêu theo UNSCRs. Tuy nhiên, do
hạn chế nhận thức về nghĩa vụ thực hiện của các chủ thể có cơ cấu nhỏ, vừa và
tư nhân khu vực FI và DNFBP, có thể dẫn đến các khu vực này có thể bị lợi dụng
cho PF và gây ra những tổn thương đáng kể cho các khu vực này.
Dữ liệu thực thi pháp luật về PF
82. Trước đây khi chưa ban hành Nghị định
81, chúng ta chưa giao cho một cơ quan có thực lực triển khai thực thi về
phòng, chống phổ biến và PF, nhưng chúng ta đã thực hiện tốt các điều ước quốc
tế về cấm sử dụng WMD bằng cách áp dụng trực tiếp các Nghị quyết 1540 (2004), Nghị
quyết 1718 (2006), Nghị quyết 1737 (2006) và các nghị quyết kế thừa về phòng chống,
ngăn chặn và phá vỡ các hoạt động phổ biến và PF theo Điều 6 Luật
Điều ước quốc tế. Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo giao các bộ, ngành, Ủy
ban nhân dân các tỉnh thực hiện biện pháp trừng phạt tài chính mục tiêu liên
quan đến phòng ngừa, ngăn chặn và triệt phá hoạt động phổ biến và tài trợ cho
phổ biến WMD như Quyết định số 2039/QĐ-TTg ngày 18/12/2017 và các Chỉ thị của
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết 1540, 1718, 1737 và các
nghị quyết kế thừa... và chúng ta đã báo cáo đầy đủ việc triển khai thực hiện
lên Ủy ban liên quan được thành lập theo các Nghị quyết.
83. Qua thống kê các dữ liệu thực thi
có được từ các vụ PF, bao gồm danh sách số lượng các vụ được báo cáo hoặc được điều
tra, số vụ kết án và số người bị kết án cho thấy: Hiện nay, chúng ta đã xử lý
01 vụ tàu Tân Phát 36; phát hiện và đẩy đuổi các tàu nước ngoài hoặc không rõ
quốc tịch nghi có chở than tại vùng biển phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ;
ngoài ra, Chính phủ đã chỉ đạo xử lý tàu Việt Tín 01 và tàu STAR 18...;[30] các số liệu thống
kê liên quan đến thực thi chống phổ biến và PF đã được nêu trong Khuyến nghị 7
và IO11 trong đánh giá đa phương vào cuối năm 2019.
Để khắc phục những thiếu hụt trong thực
thi Khuyến nghị 7, ngày 11 tháng 11 năm 2019, Chính phủ Việt Nam đã ban hành
Nghị định số 81/NĐ-CP về phòng, chống phổ biến WMD và có hiệu lực ngay sau khi ký.
Bộ Quốc phòng (Cơ quan đầu mối Quốc gia về phòng, chống phổ biến WMD) đã tổ chức
cuộc họp triển khai thực hiện Nghị định với các bộ, ngành liên quan như: Bộ
Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương, ...
Đánh giá thiếu hụt về pháp luật phòng,
chống phổ biến và PF
84. Các điều ước quốc tế về cấm WMD mà
Việt Nam là thành viên là các điều ước về không phổ biến, tuy nhiên các văn bản
quy phạm pháp luật của chúng ta đang triển khai chủ yếu là phòng ngừa, phát hiện
và chuẩn bị ứng phó sự cố do các tác nhân hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt
nhân (CBRNs); chưa phải là phòng, chống phổ biến và chống tài trợ cho phổ biến
cũng như các hành vi bất hợp pháp khác về WMD. Sự khác biệt trong nhận thức về
khái niệm tác nhân CBRNs và WMD chưa được rõ ràng, việc triển khai thực hiện để
kiểm soát tác nhân CBRNs nói chung và vật liệu liên quan đến WMD nói riêng, bao
gồm cả vật liệu, công nghệ và thiết bị lưỡng dụng hiện là một vấn đề rất khó
khăn, phức tạp và nhạy cảm không chỉ với chúng ta mà còn với cả các nước trên
thế giới.
85. Tuy đã có các biện pháp để phát hiện
và ngăn chặn dòng chảy của hàng hóa liên quan đến chương trình phổ biến nhưng
còn rải rác, chưa tập trung; chưa có khung pháp lý để ngăn chặn dòng tiền được
sử dụng cho các giao dịch này; thiếu cơ chế phối hợp, phương pháp tiếp cận, các
chế tài xử lý... trong phòng, chống phổ biến và PF. Hậu quả là FIs, DNFBPs và
các nhân tố có liên quan phần lớn không quan tâm tới rủi ro về phổ biến WMD,
không nhận thức rõ các quy định của pháp luật về chống phổ biến và PF hoặc có
thể đã vô tình tham gia vào chuỗi hoạt động nguy hiểm này.
86. Phòng, chống phổ biến là vấn đề phức
tạp, liên quan đến nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân; vừa phải đáp ứng yêu cầu của
pháp luật trong nước, vừa phải đáp ứng chuẩn mực của luật pháp quốc tế về chống
phổ biến và PF... đòi hỏi chúng ta phải có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh
phù hợp.
87. Công tác phòng ngừa, phát hiện,
ngăn chặn phổ biến và ứng phó với nguy cơ sự cố CBRNs của các bộ, ngành còn thiếu
sự liên kết, phối hợp. Các quy định về phòng ngừa và ứng phó khắc phục sự cố
CBRNs lại do từng bộ ngành, lĩnh vực quy định dẫn đến tình trạng phát sinh nhiều
đơn vị, tổ chức trong bộ máy quản lý nhà nước. Trong khi đó, xu thế hiện nay từ
nhân lực, trang thiết bị đến cơ chế phối hợp và tổ chức lực lượng phòng ngừa,
phát hiện ứng phó với nguy cơ, sự cố CBRNs và phổ biến được chuyên môn, chuyên
trách và tích hợp chung trong cùng một hệ thống giúp tiết kiệm nhân lực, trang
thiết bị và nâng cao hiệu quả công tác giảm thiểu nguy cơ CBRNs.
88. Nghị định 81 là văn bản quy phạm
pháp luật đầu tiên về phòng, chống phổ biến WMD, tuy nhiên, do không phải là Luật
nên còn thiếu các chế tài xử phạt hành chính, dân sự và hình sự; chưa hình sự
hóa tội phổ biến và PF trong Bộ luật Hình sự. Những thiếu hụt này đang được triển
khai thực hiện bởi Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính
phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 81/2019/NĐ-CP ngày
11/11/2019.
II. Cơ chế thực
thi, phối hợp, kiểm soát, giám sát, trao đổi thông tin trong nước và quốc tế
Khả năng phối hợp thực thi và trao đổi
thông tin của các Cơ quan trong nước và quốc tế thực hiện phòng ngừa, ngăn chặn
phổ biến và PF, nhận diện các luồng tài chính cho phổ biến
89. Từ năm 2012, FATF đã chịu trách
nhiệm kết nối nghĩa vụ CPF tới các quốc gia mà yêu cầu áp dụng luật pháp phù hợp
trong nước và yêu cầu thực hiện các nghĩa vụ CPF của FIs trong phạm vi quyền hạn
của mình. Tuy nhiên, ở cấp độ của FATF, những yêu cầu về CPF chủ yếu tập trung
vào thực hiện các biện pháp trừng phạt tài chính được quy định trong UNSCRs,
không phải là phòng ngừa, ngăn chặn PF trong các hoạt động tài chính và phi tài
chính có liên quan. Trong khi đó, các yêu cầu của Liên hợp quốc cho CPF hiện
nay đã vượt qua các yêu cầu của FATF ở thời điểm thực hiện ĐGRR này. Do vậy, ở
cấp độ quốc gia nhận được ít sự quan tâm, phối hợp; việc áp dụng CPF đối với
FIs ở cấp quốc gia và các khu vực tư nhân rất khác nhau và đôi khi không có;
chưa đáp ứng được mong đợi của FIs và DNFBPs. Những khác biệt này dẫn đến các
hướng dẫn chưa cụ thể và đôi khi mâu thuẫn làm cho sự nhận thức và hiểu biết về
CPF hạn chế trong vực FIs và DNFBPs về tài chính được che giấu cho mục đích PF.
FIs và DNFBPs rất khó khăn để đưa ra cách tiếp cận không chỉ đơn thuần là thẩm
định danh sách theo lệnh trừng phạt tài chính mục tiêu của Liên hợp quốc và tập
trung trên một phương pháp tiếp cận các thực thể đối với CPF. Những vấn đề này
càng phức tạp khi thiếu sự hướng dẫn tiếp tục của Liên hợp quốc, cấp chính phủ
và các nhà quản lý. FATF chỉ có vài tuyên bố về CPF kể từ năm 2012 khi lần đầu
tiên được đưa vào trong khuyến nghị của mình; Việt Nam chỉ được yêu cầu một số
nội dung cụ thể trong việc thực thi UNSCRs phục vụ cho đánh giá đa phương vào
năm 2019; trên thực tế, các chính phủ, các nhà quản lý và các tổ chức quốc tế
không chỉ ra được những thực tế tài chính phát sinh của PF và làm thế nào FIs
có thể tránh được hoạt động PF hoặc vô tình tham gia vào hoạt động này và ngược
lại.
90. Bằng cách tiếp cận cấp quốc gia và
chính sách FIs trong khuôn khổ quốc tế cho CPF đã phần nào khắc phục được những
thiếu hụt, sự không đồng đều và hạn chế trong nỗ lực CPF hiện hành. Vì lý do
này, FATF, các chính phủ, cơ quan quản lý và FIs đều có một vai trò quan trọng
trong việc cải thiện khả năng chống lại sự phát triển tài chính toàn cầu cho
PF.
91. Việc nhận diện đường đi của các luồng
tài chính gặp khó khăn vì theo NRA thì lĩnh vực ngân hàng, bất động sản và hệ
thống chuyển tiền ngầm là lĩnh vực có rủi ro cao về rửa tiền; sự phối hợp giữa
các cơ quan thực thi trong nước tuy đã có nhưng việc chia sẻ thông tin còn chậm,
sự liên kết còn hạn chế hoặc chồng chéo dẫn đến lỗ hổng trong quản lý khu vực
FI và DNFBP. Do vậy, lĩnh vực ngân hàng đã tăng cường khả năng kiểm soát của
Ngân hàng Nhà nước và khu vực tư nhân; trong đó có tập trung đánh giá, phân
tích các giao dịch tài chính với các quốc gia nhạy cảm; kiểm soát luồng tài
chính từ bên ngoài vào, từ trong nước ra và giao dịch lòng vòng trong nước; đánh
giá khả năng hệ thống tài chính, phi tài chính chỉ định có thể bị lợi dụng
trung chuyển cho hoạt động PF để đưa ra các biện pháp tăng cường kiểm soát và
giám sát thực thi[31].
Đánh giá điểm yếu của hệ thống kiểm
soát các tuyến đường vận chuyển hàng hóa bao gồm cả hàng hóa lưỡng dụng liên
quan đến phổ biến và PF
92. Do xác định có nguy cơ xảy ra hoạt
động phổ biến từ khu vực địa lý[32],
việc kiểm soát vận tải hàng hóa với các quốc gia nhạy cảm trên các tuyến đường
biển, đường không, trên bộ và đường sắt thông qua các công ty vận tải, các hợp
đồng bảo hiểm hàng hóa, nơi xuất phát, tuyến đường vận chuyển, đích đến; kiểm
soát tiền xuất nhập khẩu, thực thi kiểm soát xuất nhập khẩu và hậu xuất nhập khẩu...
đã có các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định về cơ chế phối hợp, cung cấp
thông tin và kiểm soát hàng hóa, vật liệu, thiết bị lưỡng dụng trong hoạt động
thương mại, đầu tư như quy định về kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư,
danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc phạm vi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, kiểm
soát CBRNs...; phối hợp, cung cấp thông tin và kiểm soát vận chuyển hàng hóa
trên các cảng biển, cảng hàng không, đường bộ, đường sắt liên quan đến phổ biến.
Tuy nhiên, do khu vực kiểm soát trên biển rộng và đường biên giới dài giáp với
khu vực có nguy cơ cao về tội phạm ma túy và xuyên quốc gia; lực lượng, trang
thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu thực tại cho kiểm soát an ninh, trật tự trên
biển có thể dẫn đến sự hạn chế trên hệ thống kiểm soát vận chuyển hàng hóa hoặc
các hoạt động bất hợp pháp trên tuyến đường biển và biên giới, đặc biệt đối với
các loại hàng hóa, công nghệ và thiết bị lưỡng dụng liên quan WMD do
chưa đồng bộ hóa về pháp luật trong lĩnh vực này vì rất phức tạp, liên quan đến
nhiều bộ, ngành, lĩnh vực. Đây có thể là thiếu hụt mà các thực thể có thể lợi
dụng để thực hiện phổ biến và PF.
Đánh giá khả năng phối hợp, thực thi,
thanh tra, giám sát và trao đổi thông tin của các cơ quan trong nước
93. Tuy đã có cơ chế phối hợp, thực
thi cung cấp thông tin, dữ liệu và các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cá nhân,
tổ chức và bao gồm cả các tổ chức phi lợi nhuận dễ bị lợi dụng thực hiện hành
vi phổ biến hoặc PF, nhưng chưa có văn bản pháp luật chính thức điều chỉnh.
Chính phủ đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện UNSCRs về phòng chống phổ biến
và PF, trong đó các lĩnh vực tài chính và phi tài chính được chỉ định; vấn đề
này đã được đánh giá bởi NRA và tính tuân thủ và tính hiệu quả theo quy định của
FATF. Tuy nhiên, chưa phát hiện các giao dịch đáng ngờ có liên quan.
94. Do vậy, việc phối hợp thực thi, trao
đổi thông tin chưa tập trung, chưa có cơ quan đầu mối phối hợp... dẫn đến hiệu
quả chưa cao trong việc phối hợp thực thi về phòng, chống phổ biến và PF. Để khắc
phục vấn đề này ngày 11/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/NĐ-CP về
phòng, chống phổ biến WMD.
95. Cơ chế phối hợp, cung cấp thông
tin và kiểm soát hàng hóa, tiền tệ qua biên giới đã được các ngành chức năng phối
hợp chặt chẽ thông qua quy định của pháp luật như Nghị định số 03/2019/NĐ-CP về
phối hợp bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội giữa Bộ Công an và Bộ Quốc
phòng; các quy chế phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, hải
quan, Biên phòng.... Sự phối hợp đã được thực hiện tương đối tốt giữa các lực
lượng...
96. Việc thanh tra, giám sát của các
cơ quan chuyên ngành đã thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra chung và các
chuyên ngành. Tuy nhiên, lực lượng, phương tiện thanh tra, kiểm soát chuyên
ngành còn hạn chế có thể đã dẫn đến chưa kiểm soát hết được trong các lĩnh vực,
ví dụ như một số vụ việc xảy ra trong thời gian qua như thuốc chữa bệnh, hóa chất,
nguồn nước...
Những thiếu hụt, tồn tại trong phối hợp
thực hiện CPF
97. Hệ thống văn bản pháp luật về chống
phổ biến và PF chưa đồng bộ và phân tán; nguồn nhân lực và phương tiện để thực
hiện các nhiệm vụ phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hoạt động phổ biến còn hạn
chế, chưa được thực hiện theo RBA.
98. Phối hợp giữa các bộ, ngành, địa
phương trong việc triển khai thực hiện UNSCRs về phòng chống phổ biến WMD còn gặp
nhiều khó khăn; nội dung của Khuyến nghị của FATF liên quan đến nhiều lĩnh vực
của đời sống xã hội, có nhiều nội dung khó, phức tạp. Vì vậy, việc triển khai
phải tiến hành theo từng giai đoạn, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của
Việt Nam.
99. Việc tuyên truyền các quy định
liên quan đến WMD cần được đổi mới, thực hiện thường xuyên, liên tục để các cơ
quan, tổ chức, cá nhân hiểu nội dung về thực hiện nghĩa vụ phòng ngừa, ngăn chặn
hoạt động phổ biến và tài trợ phổ biến; từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các
cơ quan thực hiện chức năng quản lý, giám sát việc thực thi trong lĩnh vực này.
100. Cơ quan thực hiện chức năng quản
lý, giám sát việc thực thi trong lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn do thiếu
cán bộ chuyên trách, có nơi nhân sự kiêm nhiệm và thay đổi do thuyên chuyển
công tác; chưa thường xuyên được hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và
nghiệp vụ liên quan để nâng cao năng lực và trình độ về phòng, chống phổ biến
và PF.
101. Những vùng có đông người dân tộc
thiểu số sinh sống thì việc tuyên truyền, phổ biến nội dung của các nghị quyết
theo Khuyến nghị 7 và pháp luật Việt Nam có liên quan gặp khó khăn do có sự
khác biệt về tập tục, văn hóa, vấn đề chuyển tải tinh thần của pháp luật sang
các ngôn ngữ của dân tộc thiểu số... vì vậy, họ có thể bị lợi dụng hoặc trực tiếp
tham gia vào các hoạt động phổ biến và PF của các chủ thể nhà nước hoặc phi nhà
nước tại các khu vực biên giới trên bộ.
102. Việc thực hiện các biện pháp kiểm
soát, ngăn chặn trên biển gặp khó khăn phức tạp do nguồn lực kinh tế và nhân lực
của Việt Nam còn hạn chế, trong khi đó yêu cầu phạm vi tuần tra trên biển lại rất
rộng; nhiều khu vực chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng, chỉ có đường phân định trên
biển nên các đối tượng dễ dàng ra vào khu vực thuộc quyền tài phán, lãnh hải của
Việt Nam và tránh sự ngăn chặn, truy đuổi của các lực lượng thực thi pháp luật
trên biển, rất khó xác định các đối tượng liên quan đến lệnh cấm của Liên hợp
quốc thuộc nước nào.
103. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực
phòng, chống phổ biến và PF hoặc những hành vi bất hợp pháp khác về WMD tuy đã
đạt được những tiến bộ và phù hợp theo yêu cầu của Khuyến nghị 7. Tuy nhiên, do
những điều kiện địa lý, chính trị, kinh tế và thiếu cán bộ chuyên trách nên việc
phối hợp trao đổi thông tin, hợp tác tình báo và các cơ quan thực thi pháp luật
với các nước trong khu vực và quốc tế cũng có phần chưa đáp ứng theo yêu cầu của
Khuyến nghị hoặc chưa khai thác được tiềm năng trong lĩnh vực này.
104. Giai đoạn từ 2012 đến trước thời điểm
ban hành Nghị định 81, chúng ta phải sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp lý
liên quan do liên pháp 2013 có hiệu lực, do vậy việc xây dựng văn bản quy phạm
pháp luật điều chỉnh liên quan đến phòng, chống phổ biến và PF còn bị phụ thuộc
nhiều văn bản khác nên việc triển khai thực hiện theo các yêu cầu của Khuyến
nghị 7 còn chậm.
105. Để khắc phục những thiếu hụt như
đã nêu trên, ngày 11/11/2019, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số
81/2019/NĐ-CP về phòng, chống phổ biến WMD, theo đó giao Bộ Quốc phòng là Cơ
quan đầu mối Quốc gia; Bộ Tư lệnh Hóa học là Cơ quan Thường trực; các đơn vị đầu
mối ở các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương; quy định các biện pháp phòng, chống để thực hiện không chậm trễ trừng
phạt tài chính mục tiêu và trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân...
trong phòng, chống phổ biến và PF. Tuy nhiên, do vị trí địa chính trị, chúng ta
sẽ còn nhiều khó khăn trong việc phòng, chống phổ biến như lực lượng, phương tiện
còn hạn chế, trong khi đó vùng biển rộng và đường biên giới kéo dài là những
khó khăn cần tập trung để khắc phục.
III. Yếu tố
liên quan đến kinh tế và công nghệ
Hoạt động thương mại và tài chính liên
quan
106. Chúng ta có khả năng liên quan tới
PF do mối liên kết toàn cầu và khu vực ngày càng tăng với hệ thống tài chính quốc
tế, lĩnh vực hàng hải lớn và tiếp xúc với hoạt động vận tải biển bất hợp pháp
trong khu vực, nhu cầu ngày càng tăng đối với nguyên liệu thô và hàng nhập khẩu
khác để phát triển kinh tế và quan hệ đa phương trong đó có một số nước có rủi
ro cao về phổ biến, mặc dù chúng ta đã cam kết thực hiện các biện pháp trừng phạt
thương mại và ngành/lĩnh vực của UNSCRs.
107. Kiểm soát hải quan ở giai đoạn
trước, trong và sau khi nhập khẩu, xuất khẩu hoặc trung chuyển hàng hóa còn một
số hạn chế; hoặc có thể có hiện tượng khai khống, khai thấp trên hóa đơn so với
giá trị thật của hàng hóa sẽ là các chỉ số liên quan đến ML/TF và PF dựa trên
thương mại, đây là những thách thức thực sự cho hoạt động phòng, chống phổ biến
và PF; nó sẽ gây những tổn thương cho nền kinh tế nếu các chủ thể phổ biến lợi
dụng.
Khu công nghiệp mở
108. Việc các khu công nghiệp mở là một
vấn đề đáng chú ý, đây là những nhân tố cần được kiểm soát tốt sau nhập khẩu và
xuất khẩu sau khi hàng hóa được sản xuất nhằm tránh bị lợi dụng hợp thức hóa
các hàng hóa liên quan đến WMD, đặc biệt là các mặt hàng nhạy cảm, lưỡng dụng,
các hàng hóa bị cấm đối với nước thứ ba. Tuy nhiên đến nay chúng ta cũng chưa
có báo cáo nào liên quan, ngay cả NRA cũng chưa có đánh giá về khu vực này. Tuy
nhiên, đây cũng là một yếu tố đáng chú ý cần tăng cường kiểm soát
Hoạt động xuất/nhập khẩu và thương mại
trọng yếu và xu hướng liên quan đến luồng tài chính cho PF
109. Như đã đánh giá ở các phần trên,
khu vực Biển Đông có thể bị các chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước lợi dụng
trung chuyển vật liệu liên quan đến WMD. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế,
Đông Nam Á là một mắt xích then chốt trong toàn cầu hóa; là nơi có một số cảng
biển lớn nhất thế giới; có nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong các ngành công
nghiệp cao như Mitsubishi, Norinco, Samsung và công nghệ bán dẫn Đài Loan; đây
cũng là khu vực có gia tăng đáng kể về năng lực hạt nhân và có nhiều mối quan hệ
với một số quốc gia có năng lực về WMD. Qua một số tài liệu mở cho thấy, một số
chuyến hàng đáng nghi ngờ từ tàu thuyền nước ngoài và có dính líu tới hoạt động
mua sắm hàng hóa phục vụ phổ biến từ các nước trong khu vực và châu Âu. Ví dụ,
tháng 6/2009, nhà chức trách Nhật Bản đã bắt giữ 3 nghi phạm đang cố gắng xuất
khẩu trái phép thiết bị đo từ sang Myanmar qua Malaysia (trước đó đã có một
số lô hàng khác được vận chuyển thành công); hoặc Công ty New Eas
intemational Trading đã bị Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản chặn
bắt 3 người đã tìm cách xuất khẩu vật liệu liên quan đến WMD mà không có giấy
phép của nhà chức trách Nhật Bản. Như vậy có thể thấy, một số chủ thể đã lợi dụng
khu vực Đông Nam Á để thực hiện các hoạt động phổ biến và như vậy sẽ gia tăng
nguy cơ PF.
Tác động từ cuộc cách mạng công nghệ
4.0 và những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Internet, viễn thông...
110. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ
tư có tiềm năng làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản trị và vận hành của
xã hội với những thành quả to lớn chưa từng có về năng suất và sự thịnh vượng.
Nhưng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng có mặt trái của nó: Những đột
phá khoa học và những công nghệ mới tạo nên cuộc cách mạng công nghiệp này cũng
có thể bị các phần tử phi nhà nước lợi dụng vì những mục đích xấu. Khi quá
trình này diễn ra và những công nghệ mới như tự hoạt hay vũ khí sinh học trở
nên dễ sử dụng hơn, thì các cá nhân cũng như các nhóm nhỏ sẽ ngày càng có nhiều
khả năng gây ra những hiểm họa to lớn. Khả năng bị tổn thương mới này dẫn đến
những mối quan ngại mới. Vì thế, rất cần phải dự đoán những công nghệ đang nổi
lên của cách mạng 4.0 có thể được sử dụng với mục đích xấu như thế nào và có những
bước phòng, chống và ứng phó những nguy cơ trước khi chúng có thể xảy ra hơn là
phản ứng sau khi chúng được sử dụng và gây ra thiệt hại trên quy mô lớn.
111. Công nghệ 4.0 có thể gồm nhiều
công nghệ, nhưng 5 trong số những công nghệ đang nổi lên và cách chúng có thể
được các phần tử phi nhà nước sử dụng vào mục đích xấu làm cho chúng đặc biệt
đáng lo ngại và là thách thức đối với công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy
diệt hàng loạt hiện nay.
Năm công nghệ đang nổi
lên đảng quan tâm đó là: Phương tiện bay không người lái, trang Web Đen, mã độc,
sinh học tổng hợp, in 3D.
Phương tiện bay không người lái
112. Phương tiện bay không người lái (UAV)
hay phương tiện bay không người lái cỡ nhỏ (drone) không còn quá đắt đỏ và tinh
vi. Thị trường toàn cầu về các UAV thương mại và tiêu dùng đang phát triển
nhanh chóng và được cho là sẽ tăng lên trên 10 tỉ USD vào năm 2025. Sự phổ biến
của những loại UAV này phần lớn được thúc đẩy bởi sự phát triển của ngành công
nghiệp điện thoại thông minh (smartphone) hàng tỉ USD, là ngành đi đầu trong việc
thu nhỏ nhiều bộ phận mà giờ đây cũng được áp dụng cho UAV như camera có độ
phân giải cao, bộ pin lithium dùng lâu, thiết bị GPS độ chính xác cao, xen-xơ lắp
liền trong máy và bộ xử lí tốc độ cao, là những thứ cần thiết cho việc lái tự động
đáng tin cậy. UAV tạo cho các phần tử phi nhà nước những phương tiện lợi hại
chưa từng có trong việc thu thập tin tức tình báo và bám theo các mục tiêu bằng
những cách không thông thường. Có vài trường hợp sử dụng phương tiện bay không
người lái để do thám những cơ sở hạt nhân nhạy cảm, trong đó có các lò phản ứng
hạt nhân và cơ sở vũ khí hạt nhân chiến lược.
113. Ngày càng nhiều tổ chức khủng bố
đã vũ khí hóa phương tiện bay không người lái bằng cách biến chúng thành các vật
nổ tự chế biết bay, hoặc trang bị để chúng có thể thả các vật nổ nhỏ. Ví dụ:
Tháng 9/2019, tổ chức Houthis in Yemen đã nhận trách nhiệm về vụ tiến công
knock-out bằng khoảng 20 phương tiện bay không người lái vào nhà máy lọc dầu
Abqaiq ở A-rập Xê-Út, một cơ sở lọc dầu lớn nhất thế giới, và nhiều người tin rằng
vụ này có Iran đứng sau.
114. Tuy lượng chất nổ trên một UAV nhỏ
hơn rất nhiều so với bom xe, nhưng các UAV được vũ khí hóa có lợi thế là nó có
thể bay qua những rào cản vật lí để tiến công các mục tiêu ở bên trong các khu
phức hợp được bảo vệ an toàn. Những khu phức hợp này có thể là nhà máy điện hạt
nhân, các kho chứa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, các nhà máy sản xuất và
chứa hóa chất, những chuyên hàng chở hóa chất công nghiệp rất độc hại hay các
phòng thí nghiệm an toàn sinh học (biocontainment) lưu giữ sinh phẩm cấp độ
cao. Mặc dù những cơ sở như vậy thường được trang bị các hệ thống an ninh an
toàn kiên cố, nhưng việc sử dụng nhiều UAV có thể đồng thời nhằm mục tiêu vào
nhiều điểm nhạy cảm trong một cơ sở, và tạo thêm nhiều thách thức an ninh.
115. Một ngày nào đó UAV có thể được
dùng để tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Vũ khí hạt nhân có thể sẽ vẫn
quá lớn và quá nặng để được tung từ các loại UAV mà các phần tử phi nhà nước có
thể chế tạo hoặc mua, nhưng các loại vũ khí WMD khác hoàn toàn có thể được phát
tán từ các UAV nhỏ. Có thể lấy ví dụ: Một UAV phun thuốc được sử dụng tại các
nước đang phát triển có thể mang 20 lít thuốc trừ sâu - hoặc chất độc sarin.
Giáo phái Aum Shinrikyo ở Nhật đã giết chết 11 người và làm bị thương trên 1000
người khi họ chỉ thả 6-7 lít sarin vào hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo hồi tháng
3/1995. Tháng 4/2015, một người hoạt động chống hạt nhân đã dùng một UAV nhỏ để
thả một lượng nhỏ đất nhiễm xạ nhẹ lên nóc nhà văn phòng Thủ tướng Nhật Bản. Mặc
dù sự kiện này thực sự là một biểu hiện chính trị vô hại, nhưng nó cho thấy sự
đa dạng của những thứ UAV có thể được sử dụng để phổ biến vũ khí hủy diệt hàng
loạt và chứng tỏ khả năng có thể bị tổn thương của các tòa nhà chính phủ trước
các cuộc tiến công từ trên cao.
Trang Web Đen
116. Trang Web Đen đã tạo cho bọn khủng
bố đang quan tâm đến sở hữu vũ khí WMD - một con đường mới để có được thiết bị
hay vật liệu lưỡng dụng. Mối đe dọa khủng bố CBRNs từ lâu vẫn bị hạn chế bởi sự
không kết nối được giữa người có khả năng phát triển những vũ khí này và những
người có động cơ tìm kiếm và sử dụng chúng. Xưa nay, các tổ chức khủng bố quan
tâm đến việc tìm kiếm được vũ khí WMD như Aum Shinrikyo và al-Qaeda đã rất khó khăn
trong việc tuyển dụng các nhà khoa học tài ba trong lĩnh vực này và trong việc
tiếp cận các cơ sở và vật liệu cần thiết để phát triển những vũ khí có khả năng
gây thương vong hàng loạt. Với việc kích hoạt mua bán nặc danh toàn cầu những vật
liệu liên quan đến CBRNs, Trang Web Đen đã tạo ra phương tiện cho các nhà hóa học
không chuyên nghiệp (amateur), các nhà sinh học tự làm (DIY biologist) và các
nhà khoa học “đỏ” để kiếm tiền bằng những kĩ năng của họ mà không phải chịu những
nguy cơ khi phải hợp tác với một nhóm tội phạm có tổ chức làm trung gian hoặc tự
tìm kiếm khách hàng cho mình.
117. Tương tự, các nhóm khủng bố không
còn bị hạn chế trong việc tuyển dụng các nhà khoa học có chung hệ tư tưởng, họ
có thể tìm kiếm từ bên ngoài những thành tựu kĩ thuật mà họ không thể tự thực
hiện vì không có chuyên gia. Nhờ tầm với toàn cầu của trang Web Đen và việc
tương đối dễ vận chuyển các vật liệu hóa học, sinh học, và phóng xạ mà không bị
phát hiện, những bên bán hàng và bên mua hàng có triển vọng không còn bị hạn chế
bởi yếu tố địa lí.
118. Việc sử dụng trang Web Đen để tìm
kiếm vật liệu CBRNs không còn là kịch bản giả định. Năm 2013 và 2014, một thiếu
niên Florida đã chuẩn bị và bán các chất độc abrin và ricin (được xếp vào danh mục
vũ khí hóa học bảng 1 theo Công ước về Vũ khí hóa học) cho các khách hàng trên
khắp thế giới. Cũng trong khoảng thời gian này, một kẻ cuồng tín không chuyên
nghiệp đã quảng cáo “sản xuất, thử nghiệm và bán các độc tố sinh học” trên
trang Web Đen, và đã tìm được người mua abrin và cyanide ở California và New
York. Cả hai người cung cấp này đều quảng cáo hàng của họ trên chợ đen của
trang Web Đen có tên gọi là Black Market Reloaded. Mặc dù những người này đã bị
bắt và trang Black Market Reloaded đã bị loại khỏi mạng (offline), song những
trường hợp này đã minh họa cho tiềm năng của việc trang Web Đen bị các nhóm khủng
bố khai thác nhằm tìm đường tắt cho việc tìm kiếm vật liệu hoặc vũ khí WMD.
Mã độc
119. Không gian mạng có một mối đe dọa
khác liên quan đến CBRNs, đó là mã độc. Hiện đang có nguy cơ ngày càng cao về
việc các phần tử phi nhà nước có thể sử dụng các phần mềm độc hại, hay mã độc,
để tiến hành các cuộc tiến công mạng vào các cơ sở sản xuất hoặc lưu trữ vật liệu
hóa học, sinh học, phóng xạ hay hạt nhân. Các cơ sở này ngày càng dễ bị tổn
thương trước các cuộc tiến công kiểu như vậy do việc sử dụng rộng rãi các hệ thống
điều khiển công nghiệp tự hoạt và số hóa cũng như sự kết nối giữa các hệ thống
này với mạng lưới máy tính và Internet. Năm 2014 đã có khoảng 2 triệu hệ thống điều
khiển công nghiệp được kết nối với mạng Internet - đến nay, con số này chắc
chan đã tăng lên nhiều. Năm 2014, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã ghi nhận 245 vụ xâm
phạm, vượt qua các hệ thống an ninh mạng có liên quan đến cơ sở hạ tầng trọng yếu
ở Mỹ, 10% trong số này là những bộ phận thuộc ngành công nghiệp hạt nhân hoặc
hóa chất. Cũng trong năm này, hệ thống điều khiển công nghiệp tại một nhà máy
thép của Đức đã bị trục trặc do một lỗi không ai biết, dẫn đến “sự hư hỏng lớn”
đối với toàn nhà máy. Các cơ sở lưu giữ vật liệu hóa học, sinh học, phóng xạ
hay hạt nhân còn có thể là mục tiêu của bọn tội phạm đang tìm cách đánh cắp dữ
liệu đê bán cho những kẻ muốn mua với giá cao. Đó có thể là những hacker ở phía
đối lập với ngành công nghiệp hạt nhân hoặc hóa chất, hoặc là những kẻ khủng bố
đang muốn gây chết chóc hoặc hủy diệt. Đã có một số sự cố trên khắp thế giới
trong đó mã độc đã xâm nhập vào các cơ sở hạt nhân một cách vô tình hoặc hữu ý.
Rất may là các sự cố này chưa làm gây ra rò rỉ phóng xạ. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu
một sự chuẩn bị toàn cầu để đối phó với mối đe dọa này. Năm 2018, Sáng kiến Giảm
nhẹ mối đe dọa hạt nhân (NTI) đã thống kê được ràng 1/3 số nước sở hữu vật liệu
hạt nhân có thể sử dụng làm vũ khí hoặc sở hữu các cơ sở hạt nhân đang thiếu
các quy định cơ bản về an ninh mạng, còn 2/3 số các nước này không có kế hoạch
phản ứng với một cuộc tiến công mạng vào cơ sở hạt nhân.
Sinh học tổng hợp
120. Những tiến bộ về công nghệ sinh học,
nhất là về sinh học tổng hợp cũng tạo ra những khả năng mới có thể được sử dụng
sai mục đích để gây hại. Sinh học tổng hợp là một thuật ngữ rộng bao gồm những
công cụ và những khả năng được tạo ra để thiết kế, tái tạo các hệ thống sinh học.
Một trong những phần quan trọng nhất của nó là khả năng tổng hợp AND, cho phép
các nhà khoa học tạo ra các gen tùy chỉnh và thậm chí toàn bộ bộ gen virus.
Sinh học tổng hợp nổi lên như một hòn đá tảng của nền kinh tế sinh học đang lớn
mạnh và một ngành công nghiệp tổng hợp AND sôi động, toàn cầu đang được phát
triển để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng nghiên cứu y sinh (biomedical) cũng như
các ngành công nghiệp dược phẩm và công nghệ sinh học. Thị trường hàng hóa và dịch
vụ liên quan đến sinh học tổng hợp dự tính có thể đạt tới 15 tỉ USD vào năm
2025. Năm 2015, một nhóm tư vấn khoa học đã cảnh báo Tổ chức Y tế Thế giới
(WHO) rằng dựa trên những công nghệ đã có hiện nay, ngưỡng làm sống lại virut
variola gây bệnh đậu mùa - một loại virut đã bị triệt tiêu trong tự nhiên và chỉ
còn tồn tại ở hai kho chứa an toàn ở Nga và Mỹ - đã được hạ thấp tới mức các
virus có thể được tổng hợp và tạo ra bởi một kĩ thuật viên phòng thí nghiệm có
trình độ hoặc một sinh viên chưa tốt nghiệp làm việc với virus trong một phòng
thí nghiệm tương đối đơn giản. Nhóm tư vấn đã mô tả việc làm thoát ra virus đậu
mùa nhân tạo như một “kịch bản ác mộng” đối với an ninh y tế toàn cầu, đặc biệt
trong bối cảnh xảy ra đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.
In 3D
121. In 3D, hay còn gọi là sản xuất đắp
dần (addititive manufacturing), được sử dụng để tạo ra các vật thể vật lí bằng
cách đắp dần từng lớp theo các định dạng và tiêu chuẩn nhất định, và không thể
làm được bằng những phương pháp truyền thống. Thành phần quan trọng của nó là
file chế tạo số hóa trong đó chứa bản vẽ thiết kế 3D về vật thể cần được sản xuất,
những vật liệu thô cần thiết để sản xuất ra vật thể và một máy in 3D. Trong khi
các máy in 3D được bán để sử dụng cá nhân thường chỉ có thể in với chất liệu dẻo
(plastic), nhưng các loại máy tiên tiến hơn có thể in với kim loại, gốm, và thậm
chí cả mô sinh học. In 3D cũng có thể bị các phần tử phi nhà nước sử dụng vì
các mục đích sai trái theo vài cách. Thứ nhất, các máy in 3D tạo ra có hội mới
cho việc phổ biến bằng phương thức tự làm: nếu một phần tử phi nhà nước không
thể mua hay đánh cắp một thứ đã được kiểm soát chặt, thì họ có thể tự làm. Đã
có thể in 3D phương tiện bay không người lái nhỏ, súng lục, và lò phản ứng mini
có thể tổng hợp hóa chất. Thứ hai, một nhóm có thể dùng phần mềm công khai tung
ra khắp các nước khác nhau để tìm cách hợp tác về các file thiết kế số hóa đối
với bất kì vật thể nào để rồi dùng nó in 3D ra vật thể mong muốn đó. Thứ ba, có
nhà nước có thể bí mật hỗ trợ một tổ chức khủng bố để chúng có được vũ khí WMD
và các hệ thống phát tán WMD bằng cách cung cấp cho chúng khả năng in 3D và các
file thiết kế số hóa cần thiết để chế tạo những bộ phận then chốt của các vũ
khí này mà không cần phải chuyển giao trực tiếp những vật liệu hoặc thiết bị bị
quốc tế kiểm soát.
Bảy đặc tính nguy hiểm
chết người của các công nghệ 4.0 đang nổi lên bao gồm:
Công dụng kép
122. Thứ nhất, những tiến bộ của tất cả
các công nghệ này đều có công dụng kép: chúng có thể được sử dụng vì mục đích
hòa bình hoặc gây hại, làm cho khó có thể kiểm soát ai là người tiếp cận chúng
cũng như tiếp cận tri thức và kĩ năng liên quan đến chúng vì mục đích đúng hay
sai.
Gây sự đảo lộn
123. Thứ hai, những công nghệ linh hoạt
này mạnh đến mức có thể làm chuyển đổi toàn bộ các ngành công nghiệp và các
lĩnh vực nghiên cứu khoa học, là điều đã làm cho chúng được theo đuổi mạnh mẽ bởi
các cá nhân, tổ chức, chính phủ cả các tập đoàn.
Số hóa
124. Thứ ba, tất cả các công nghệ này
đều dựa ở mức độ nào đó vào bộ phận số hóa, làm cho chúng rất dễ dàng được chia
sẻ và gây khó khăn phức tạp rất nhiều cho những nỗ lực kiểm soát chúng. Các
file sản xuất cho máy in 3D, mã độc và virus đã được sử dụng làm vũ khí mạng và
các chuỗi gen được dùng để tổng hợp virus đều hoàn toàn bằng kĩ thuật số.
Phát tán
125. Thứ tư, nhờ có toàn cầu hóa, những
công nghệ mới này có thể được phát tán nhanh hơn và xa hơn bao giờ hết. Chẳng hạn,
The Cambridge - kho chứa gen phi lợi nhuận đặt tại Massachusett- đã phân phát
trên 1 triệu plasmid (plasmid là phân tử AND mạch đôi, dạng vòng, sợi kép) để sử
dụng trong các thí nghiệm chỉnh sửa gen cho trên 6.000 phòng thí nghiệm ở trên
100 quốc gia. Những nhà cung cấp chất độc hoạt động trên trang Web Đen cũng có
thể cung cấp chất độc cho các khách hàng ở Áo, Canada, Đan Mạch, Anh và Ấn Độ
thông qua hệ thống mail quốc tế.
Phân tán
126. Thứ năm, sự phân bố toàn cầu về
các sáng kiến khoa học và năng lực công nghiệp đã trở nên phân tán: những năng
lực này không còn chỉ tập trung ở các nền kinh tế tiên tiến, mà đã phân bố rộng
hơn tới nhiều loại nhóm quốc gia. Các nước đang phát triển cũng đang rút ngắn khoảng
cách về sáng tạo khoa học và công nghệ so với nhóm các nước có nền kinh tế phát
triển cao.
Hạ thấp trình độ kĩ năng
127. Thứ sáu, mức trình độ kĩ năng cần
thiết để sử dụng thành công những công nghệ này đã được hạ thấp. Điều này được
gọi là hạ thấp trình độ kĩ năng, nó làm cho những công nghệ này có thể được tiếp
cận bởi số lượng người nhiều hơn bao giờ hết.
Tự làm
128. Cuối cùng, sự hội tụ của nhiều xu
thế này đã dẫn đến sự nổi lên của phong trào tự làm xuyên quốc gia, bao gồm những
mạng lưới các nhà sáng chế không chuyên (amateur). Phong trào sinh học tự làm
đã có tới hàng chục nhóm và phòng thí nghiệm cộng đồng ở khu vực Bắc Mỹ, Mỹ
La-tinh, châu Âu và châu Á.
129. Với những đặc tính nêu trên của
công nghệ 4.0 cho chúng ta thấy nguy cơ các tổ chức, các nhân có thể lợi dụng
cho hoạt động phổ biến và PF. Trong khi đó, việc quản lý mạng internet và mạng
xã hội cũng còn một số bất cập như sau:
(i) Hiện nay, các mạng xã hội nước
ngoài như Facebook, Youtube... liên tục cập nhật, bổ sung các tính năng mới,
trong đó đáng chú ý nhất là các tính năng: live stream (truyền hình trực tiếp);
messenger (tích hợp đầy đủ các tính năng quay phim, chụp ảnh, gọi thoại, gọi
video, nhắn tin bằng chữ hoặc âm thanh, gửi tài liệu, hình ảnh...); tạo nhóm
kín để trao đổi; gợi ý nội dung tương tự nội dung người dùng quan tâm hoặc thích
xem (tính năng “Suggest” trên Youtube); hiển thị nội dung theo mối quan tâm của
từng nhóm đối tượng cụ thể (tính năng tài trợ quảng cáo “Sponsored” của
Facebook); đọc tin nhanh (“Instant Article” của Facebook); chia sẻ lợi nhuận quảng
cáo đối với các video clip có nhiều lượt xem (Youtube); hashtag (có cả trên
Facebook, Youtube, công cụ giúp nhóm nhiều thông tin lại với nhau, khi người
dùng nhấn vào một hashtag thì có thể xem được tất cả những thông điệp chứa
hashtag đó)... Đây là những tính năng giúp cho việc kết nối, trao đổi, chia sẻ
thông tin giữa người dùng mạng xã hội trở nên rất tiện lợi và bí mật, đồng thời
giúp cho các thông điệp mà người dùng mạng xã hội muốn chuyển tải đến những người
khác vô cùng dễ dàng và có độ chính xác rất cao theo từng nhóm đối tượng về độ
tuổi, giới tính, quan điểm chính trị, tôn giáo, sở thích, mối quan tâm chung,
công việc, khu vực, địa điểm... trong khi đó hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
liên quan đến công tác quản lý thông tin trên mạng xã hội chưa theo kịp sự phát
triển của thực tế, chưa cụ thể hóa, bao quát hết các đối tượng và hoạt động cần
quản lý, hành vi sai phạm, chế tài xử lý chưa bảo đảm tính răn đe. Trong khi
đó, quy trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trên
lĩnh vực này theo quy định hiện hành mất khá nhiều thời gian, dẫn đến việc quy
định vừa sửa đổi, bổ sung xong đã bắt đầu lạc hậu, gây khó khăn cho công tác quản
lý. Vì vậy, rất cần có cơ chế cho phép thí điểm chính sách đối với lĩnh vực nội
dung số để tháo gỡ khó khăn này.
(ii) Các mạng xã hội nước ngoài có số
lượng người sử dụng cao hơn nhiều so với các mạng xã hội trong nước. Thực tế hiện
nay, khoảng 443 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép hoạt động, nhưng lượng
người sử dụng thấp, mức độ tác động, ảnh hưởng xã hội thấp. Các trang mạng xã hội
nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam tuy ít, nhưng số lượng người sử
dụng rất nhiều, tính tương tác cao, mức độ tác động, ảnh hưởng xã hội rất lớn.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự phụ thuộc của người dân nước ta
vào các mạng xã hội nước ngoài là do nước ta chưa xây dựng được một hệ sinh
thái số đủ mạnh, với các dịch vụ internet tương tự như Google, Facebook để nhân
dân có nhiều lựa chọn sử dụng.
(iii) Mạng xã hội đã trở thành kênh
thông tin quan trọng trong đời sống xã hội, có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến
suy nghĩ, nhận thức và hành động của người dân, trong khi đó mô hình quản lý
thông tin trên mạng vẫn theo cách thức quản lý báo chí truyền thống, bộc lộ nhiều
bất cập. Với con số ước tính khoảng 50 triệu người sử dụng mạng xã hội ở Việt
Nam hiện nay, bất kỳ người dùng mạng xã hội nào cũng có thể tạo ra một “cơ quan
truyền thông” của cá nhân mình. Bên cạnh đó, với tính năng “chia sẻ”, “bình luận”
và “lan truyền” thông tin rất tiện lợi, nhanh chóng, mạng xã hội đang trở thành
nơi hình thành các luồng dư luận lớn tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Các
tổ chức, cá nhân cũng xác định sử dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi phổ
biến và PF.
(iv) Thương mại điện tử vẫn là một
ngành phát triển chưa toàn diện ở nước ta do các yếu tố như hệ thống ngân hàng,
việc sử dụng thẻ tín dụng trong nước thấp, quan ngại về lừa đảo trực tuyến và sự
không tin tưởng (thuộc về văn hóa) đối với các giao dịch trên mạng giữa doanh
nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với người tiêu dùng. Mặc dù có một số
trang thông tin điện tử trên mạng phổ biến trong nước do các doanh nghiệp trong
nước quản lý nhưng những website nước ngoài như Facebook và Google vẫn là những
trang xếp ở thứ hạng cao trong danh sách các trang được truy cập nhiều nhất ở
Việt Nam. Như vậy có thể thấy các đối tượng phổ biến và PF sẽ lợi dụng lĩnh vực
thương mại điện tử để thực hiện các hoạt động tài trợ thông qua tiền ảo, thanh
toán điện tử bởi các công ty bình phong...
IV. Yếu tố
liên quan đến chính trị và xã hội
Quan điểm của Việt Nam trong phòng, chống
phổ biến
130. Là thành viên có trách nhiệm của
Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam là luôn nhất quán ủng hộ giải trừ
quân bị, không phổ biến và chống phổ biến, tiến tới loại bỏ hoàn toàn các loại
vũ khí đặc biệt nguy hiểm này; nghiêm chỉnh tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt
Nam là thành viên, trong đó có Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW), Hiệp ước
không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Công ước cấm thử hạt nhân toàn diện
(CTBT), Công ước cấm vũ khí sinh học (BWC), Công ước cấm phát triển, sản xuất,
tàng trữ, sử dụng vũ khí sinh học và việc phá hủy chúng (CWC), Sáng kiến An
ninh Chống phổ biến (PSI); Việt Nam đã chỉ đạo triển khai nghiêm túc việc thực
hiện Nghị quyết 1540 và Nghị quyết 1718, 1737 (2006), cũng như các nghị quyết kế
thừa hiện tại và trong những năm tiếp theo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
131. Để phù hợp với lập trường đó,
ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 1540 (2004) và
Nghị quyết 1718, 1737 (2006), Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo triển khai nghiêm
túc việc thực hiện nghị quyết này cũng như các nghị quyết kế thừa hiện tại và sẵn
sàng hợp tác với các bên liên quan trong nỗ lực này, trong đó có việc bảo đảm
các hoạt động giao dịch thương mại bình thường, chính đáng giữa các quốc gia,
vì hòa bình, ổn định và phát triển lâu dài trong khu vực và trên thế giới. Với
tinh thần đó, ngày 11/11/2019, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định về
phòng, chống phổ biến WMD và có hiệu lực ngay nhằm thực hiện các thiếu hụt của
Việt Nam sau đánh giá đa phương lần thứ nhất vào năm 2012, đáp ứng các yêu cầu
chuẩn mực quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam.
Mối quan hệ ngoại giao và sự hiện diện
của các cơ quan ngoại giao các quốc gia có WMD tại Việt Nam
132. Với chủ trương chủ động, tích cực
hội nhập kinh tế quốc tế, quan hệ kinh tế song phương, khu vực và toàn cầu của
Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế ngày càng được mở rộng. Tính đến thời
điểm hiện tại, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước và vùng
lãnh thổ, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất
cả các châu lục.
Trong lĩnh vực ML, Việt Nam gia nhập
và trở thành thành viên thứ 34 của Tổ chức Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa
tiền (APG) vào tháng 5/2007.
Việt Nam là thành viên tích cực, có
trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và của Liên hợp quốc, Việt Nam đã ký kết và
gia nhập nhiều điều ước quốc tế và khu vực về chống tội phạm nói chung và
AML/CTF/CPF nói riêng. Ngoài ra, Việt Nam đang là quan sát viên tại Ủy ban
Phòng chống tội phạm và Tư pháp hình sự của Liên hợp quốc (CCPCJ) trực thuộc Hội
đồng Kinh tế Xã hội của Liên hợp quốc. Hàng năm, Việt Nam đều cử đoàn tham dự
Khóa họp của Ủy ban tại Viên, Cộng hòa Áo thông qua diễn đàn này khái quát
thành tựu của Việt Nam trong công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc
gia, đặc biệt là tội phạm khủng bố; thực thi các Công ước Liên hợp quốc về chống
tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC) và Công ước Liên hợp quốc chống tham
nhũng (UNCAC); thể hiện quan điểm của Việt Nam về các vấn đề cộng đồng quốc tế
cũng như Việt Nam quan tâm. Là thành viên của APEC, Việt Nam đã tham gia tích cực
vào các hoạt động về phòng, chống tội phạm, phòng, chống khủng bố của APEC. Do
vậy, các nước có WMD cũng không phải là một ngoại lệ và chúng ta có quan hệ ngoại
giao trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt, đối xử và tuân thủ luật pháp quốc tế
và phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Sự hiện diện của các nhân tố khác có mối
quan hệ với quốc gia phổ biến WMD
133. Các nhân tố của các quốc gia phổ
biến WMD hiện diện tại Việt Nam là rất hạn chế dưới hình thức du lịch, làm ăn
kinh tế được thực hiện nghiêm theo các quy định theo UNSCRs nhưng ở mức nhỏ và
sinh viên theo học tại Việt Nam cũng không đáng kể.
C. HẬU QUẢ CỦA HOẠT ĐỘNG
PHỔ BIẾN VÀ PF
I. Ảnh hưởng
đến cuộc sống con người, môi trường hoặc cơ sở hạ tầng
134. Có thể thấy, nếu có các sự kiện về
WMD xảy ra thì có thể ước tính được tác động kinh tế do thiệt hại đối với cơ sở
hạ tầng và thương vong tiềm ẩn là rất lớn, bao gồm cả tác động đến đời sống con
người, môi trường nên được xếp vào loại hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, khả
năng tấn công bằng tên lửa hạt nhân trong khu vực vẫn có thể xảy ra nhưng tương
đối thấp, nhưng khả năng sử dụng các thiết bị phân tán phóng xạ, ám sát có mục
tiêu bằng vũ khí hóa học hoặc sinh học, hoặc một hình thức tấn công hóa học,
sinh học hoặc phóng xạ khác có thể sẽ được ưu tiên sử dụng. Như vậy có thể thấy,
nếu việc PF không được ngăn chặn kịp thời và hiệu quả thì PF cũng chính là một
quy trình tạo ra hậu quả của phổ biến và sử dụng WMD nêu trên. Đối với Việt
Nam, tuy đánh giá nguy cơ về PF ở mức thấp nhưng không loại trừ khả năng bị lợi
dụng cho hoạt động này. Do vậy, hậu quả sẽ là nghiêm trọng nếu Việt Nam là một
khâu trong quá trình phổ biến và PF. Như vậy, chúng ta cũng phải xem xét nghiêm
túc về vấn đề này để phòng ngừa không bị lợi dụng hoặc vô tình tham gia vào các
chuỗi hoạt động phổ biến và PF của các đối tượng phổ biến; hoặc có sự kiện WMD
xảy ra, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi CBRNs trong khu vực, đây là yếu tố không
thể xem nhẹ.
135. Hậu quả của việc các tổ chức phi
nhà nước mua sắm và sử dụng WMD có thể tàn khốc không kém, như đã được chứng
minh qua vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vào tàu điện ngầm Tokyo năm 1995 của
giáo sĩ Aum Shinrikyo của Nhật Bản. Những cáo buộc gần đây hơn về việc quân
chính phủ và nhóm khủng bố Daesh (còn gọi là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria,
ISIS) sử dụng vũ khí hóa học ở Syria cho thấy tầm quan trọng của việc quốc tế
tiếp tục cảnh giác trước những nỗ lực tiềm tàng của các tổ chức phi nhà nước nhằm
mua sắm các nguyên vật liệu liên quan đến WMD; đặc biệt trong bối cảnh các tổ
chức phản động, các thế lực thù địch không ngừng gia tăng các hoạt động chống
phá Đảng, Nhà nước ta.
II. Tác động
đến an ninh hoặc ổn định quốc tế và khu vực
136. Việc hỗ trợ tài trợ cho các hoạt
động phổ biến của các chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước sẽ gây ra những rủi ro
an ninh quốc tế và khu vực nghiêm trọng, như trong thực tế gần đây đã xảy ra
các vụ thử tên lửa đạn đạo, phát triển năng lực vũ khí hạt nhân... làm ảnh hưởng
đến an ninh quốc gia hoặc ổn định quốc tế hoặc khu vực, ngay cả khi các chủ thể
không thực hiện cuộc tấn công hạt nhân.
137. Đối với những nguy cơ từ khu vực
địa chính trị, chúng ta có thể có những hậu quả về an ninh khi bị lợi dụng thành
điểm trung chuyển, hoặc thực hiện các giao dịch tài chính bởi các công ty bình
phong hoặc các hoạt động tăng thu nhập cho chuỗi phổ biến toàn cầu hoặc khu vực.
III. Tác động
đến nền kinh tế hoặc hệ thống tài chính quốc gia
138. Nếu chúng ta không thể hiện nỗ lực
giải quyết các mối đe dọa từ PF hoặc không thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần
thiết để bảo vệ bản thân trước việc tiếp xúc với các hoạt động PF hoặc trốn
tránh lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc trên phạm vi rộng hơn có thể sẽ tạo ra
những hậu quả tiêu cực đáng kể cho nền kinh tế quốc gia hoặc hệ thống tài chính
và ngành công nghiệp hoặc thiệt hại về danh tiếng. Các tổ chức quốc tế và khu vực
về chống rửa tiền cũng như các Ủy ban của Liên hợp quốc sẽ đưa chúng ta vào
danh sách “các khu vực pháp lý có rủi ro cao và được giám sát khác” (Danh
sách đen). Như vậy, các tổ chức tài chính quốc tế và các đối tác
nước ngoài sẽ rất cẩn trọng và hạn chế hoặc chấm dứt hợp tác với chúng ta, hạn
chế nguồn đầu tư vào Việt Nam và như vậy sẽ gây thiệt hại lớn đối với nền kinh
tế của Việt Nam.
139. Việc kinh doanh có thể cố ý hoặc
vô tình liên quan đến PF hoặc trốn tránh các biện pháp trừng phạt có thể khiến
doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm truy tố tại quốc gia liên quan hoặc bị phong
tỏa, tịch thu tài sản khi thực hiện thanh toán, chuyển tiền quốc tế, hoặc sẽ bị
đưa vào danh sách đen.
IV. Ảnh hưởng
đến các lĩnh vực công nghiệp; thiệt hại về uy tín toàn cầu
140. Nếu chúng ta bị đưa vào danh sách
đen, ngoài những thiệt hại nêu trên về hệ thống tài chính và nền kinh tế, các
ngành kinh tế trọng điểm, nhạy cảm cũng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ và thậm chí bị
cấm vận không thể phát triển được. Ví dụ như các ngành công nghiệp sản xuất
hàng hóa công nghệ cao hoặc lưỡng dụng, công nghệ tên lửa, hàng không vũ trụ,
quân sự hoặc các ngành liên quan sẽ là mắt xích đầu tiên trong quá trình mua sắm
và sẽ bị kiểm soát chặt chẽ như: các bí quyết và năng lực công nghệ nhạy cảm
trong các phòng thí nghiệm hoặc trung tâm nghiên cứu quốc gia; quá trình sản xuất
và xuất/nhập khẩu tiếp theo của hàng hóa và thanh toán cho những hàng hóa đó;
hoặc bảo hiểm hàng hóa hoặc ngành tái bảo hiểm; các doanh nghiệp xuất nhập khẩu,
giao nhận hàng hóa lớn hoặc hoạt động thương mại quan trọng... Tất cả chuỗi hoạt
động này sẽ bị kiểm soát chặt chẽ, bị hạn chế và có thể bị cấm vận dẫn đến hậu
quả thiệt hại về kinh tế, thương mại và phát triển khoa học, công nghệ, quốc
phòng, an ninh.
141. Như đã nêu ở trên, nếu chúng ta
không nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả trong phòng, chống phổ biến và PF
thì sẽ bị đưa vào danh sách đen, uy tín của Việt Nam trên toàn cầu sẽ bị sụt giảm,
ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ đối ngoại và vai trò của Việt Nam trên trường
quốc tế, trực tiếp là trong các tổ chức quốc tế, đa phương và các điều ước mà
Việt Nam là thành viên.
D. KẾT LUẬN MỨC ĐỘ RỦI
RO VỀ PF CỦA VIỆT NAM
142. Kết luận mức độ rủi ro quốc gia về
PF tại Việt Nam dựa trên cơ sở đánh giá nguy cơ, tính tổn thương quốc gia và hậu
quả có thể xảy ra.
Căn cứ từ những phân tích, đánh giá tại
Phần II trên đây cho thấy:
(i) Nguy cơ từ mối đe dọa liên quan tới
CBRNs nói chung và nguy cơ về phổ biến và PF nói riêng là các nguy cơ hiện hữu
với các nước ASEAN. Vì đây là địa bàn tiềm ẩn nguy cơ phổ biến và PF do tập
trung nhiều hoạt động của các tổ chức tội phạm nguồn, tội phạm có tổ chức xuyên
quốc gia. Trong khi đó, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có một số
quốc gia đang phải chịu các lệnh trừng phạt, cấm vận quốc tế và cấm vận đơn
phương do liên quan đến các hoạt động phổ biến và PF. Trong khi đó, việc phát
hiện, truy dấu và xử lý các vi phạm/nghi ngờ có vi phạm liên quan đến phổ biến
và PF chúng ta còn gặp nhiều khó khăn do cần hoàn thiện các văn bản pháp lý về
phòng, chống phổ biến và PF; khó khăn trong công tác triển khai, phối hợp giữa
các bộ, ngành và địa phương cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định
đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; hạn chế về nguồn lực, kỹ thuật phương
tiện kiểm soát các hoạt động vận chuyển hàng hóa, giao dịch tiền tệ... Trong
nhiều trường hợp, các mối đe dọa liên quan đến CBRNs không đến từ các hoạt động
nội địa, nhưng đôi khi do những hạn chế về nhận thức từ khu vực công hoặc tư
nhân cũng như nguy cơ từ môi trường địa lý và hạn chế từ lực lượng, phương tiện
trong phòng ngừa nguy cơ phổ biến có thể sẽ dẫn đến những nguy cơ về PF tại Việt
Nam ở mức TRUNG BÌNH CAO.
(ii) Tuy nhiên, những nguy cơ đe dọa về
PF sẽ bị hạn chế rất đáng kể do ngày 11/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định
số 81/2019/NĐ-CP về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nghị định
này sẽ tạo ra cơ chế phối hợp, thực thi, kiểm soát trong nước và quốc tế đối với
các mối đe dọa về phổ biến và PF, nhằm kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn và ứng
phó với nguy cơ CBRNs cũng như các hoạt động phổ biến và PF tại Việt Nam. Như vậy,
chúng ta có thể đánh giá mức độ tổn thương quốc gia trước những nguy cơ từ PF
là THẤP.
(iii) Đối với việc xác định những hậu
quả có xảy ra do các hành vi phổ biến và PF, mặc dù chưa có báo cáo nào xác nhận
từ các cơ quan thực thi pháp luật trên biển, khu vực biên giới cũng như các báo
cáo của khu vực tài chính và phi tài chính được chỉ định. Tuy nhiên, căn cứ vào
NRA về rửa tiền và tài trợ khủng bố, chúng ta đã tăng cường kiểm soát trong
lĩnh vực này để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và phá vỡ các hoạt động phổ biến
và PF theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên mặc dù còn một số thiếu
hụt, bất cập cần sớm được khắc phục. Như vậy, hậu quả gây ra từ hoạt động phổ
biến và PF cho nền kinh tế, chính trị, thương mại... của Việt Nam hiện được
đánh giá là ở mức độ THẤP do chúng ta đã ban hành được Nghị định
81.
143. Như vậy, từ những nhận định, đánh
giá đoạn 142 trên có thể xác định mức độ rủi ro guốc gia về PF ở Việt
Nam là THẤP. Tuy nhiên, nếu chúng ta không tiếp tục nâng cao nhận
thức và có biện pháp triển khai thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống phổ
biến và PF nhằm giảm thiểu nguy cơ và khắc phục những rủi ro về PF, có thể các
cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có thể bị lợi dụng, lôi kéo, chủ động
hoặc thậm chí cố ý tham gia vào các hoạt động phổ biến và PF vì lợi nhuận. Điều
này sẽ dẫn đến những hệ lụy chính trị, kinh tế và đối ngoại phải xử lý rất khó
khăn, phức tạp.
Phần
III
KIẾN
NGHỊ MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU RỦI RO VỀ TÀI TRỢ PHỔ BIẾN WMD ĐẾN NĂM 2025
I. Nghiên cứu, bổ
sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật về chống phổ biến và PF của Việt
Nam
144. Giao Cơ quan đầu mối quốc gia chủ
trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở Quyết định số 432/QĐ-TTg
ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực
hiện Nghị định 81 đánh giá một cách toàn diện các quy định trong công tác
phòng, chống phổ biến và tài trợ cho hoạt cộng phổ biến cũng như các hành vi bất
hợp pháp khác về WMD ở Việt Nam. Qua đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung và hoàn
thiện quy định của pháp luật phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam và luật
pháp quốc tế, trên cơ sở nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm pháp luật về chống
phổ biến và PF của các quốc gia thành viên thuộc APG và FATF, trong đó có việc
hình sự hóa tội phổ biến và PF, xây dựng các chế tài xử phạt hình sự, hành
chính hoặc dân sự.
II. Tăng cường hợp
tác quốc tế và khu vực trong hoạt động phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố
và chống phổ biến
145. Trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc
UNSCRs, Cơ quan đầu mối quốc gia chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương xây dựng chiến lược,
kế hoạch hợp tác với các quốc gia thành viên của APG và FATF về CPF và các tội
phạm khác có liên quan đến rửa tiền, khủng bố và phổ biến; đồng thời, trao đổi
việc thu thập, phân tích và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về tổ chức, thực thi
Khuyến nghị cũng như thực tiễn các biện pháp, phương tiện và sử dụng trang thiết
bị có hiệu quả về phòng, chống phổ biến và PF.
III. Tăng cường kiểm
tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về chống phổ biến và PF theo Nghị định 81
và pháp luật có liên quan
146. Cơ quan đầu mối quốc gia chủ trì,
phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế
hoạch hàng năm thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về chống phổ biến và
PF đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động kinh tế, thương mại, tài
chính; các cơ quan được giao một số nhiệm vụ chuyên ngành liên quan đến xuất nhập
cảnh, xuất nhập khẩu, vận tải, các ngành công nghiệp công nghệ cao và liên quan
đến CBRNs, FIs và DNFBPs theo quy định của Nghị định 81.
IV. Tiếp tục tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống phổ biến và PF tại bộ, cơ quan ngang
bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các khu vực tư
nhân
147. Giao các bộ, ngành, địa phương
quán triệt và đưa nội dung cam kết thực hiện của Việt Nam đối với khuyến nghị của
FATF về CPF là một nguyên tắc bắt buộc đối với tất cả cơ quan, tổ chức, cá
nhân; thường xuyên cập nhật và phổ biến thông tin và pháp luật liên quan đến
WMD cho các khu vực FI, DNFBP và khu vực tư nhân nhằm tăng cường nhận thức và
khả năng phòng ngừa khi tham gia hoạt động kinh tế, thương mại, tài chính...,
khắc phục hạn chế về nhận thức trong lĩnh vực này; đây cũng là một nội dung được
APG yêu cầu rất cao trong đánh giá tính hiệu quả của việc tuân thủ các tiêu chí
về CPF đối với khu vực FI, DNFBP và tư nhân.
V. Tổ chức nguồn lực,
nhân lực thực hiện cam kết quốc tế về AML/CTF/CPF
148. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ
vào Nghị định 81 và kết quả ĐGRR của bộ, ngành, địa phương mình sắp xếp, bố trí
nhân lực phù hợp bao gồm cả chuyên trách và bán chuyên trách nhằm đảm bảo nhiệm
vụ CPF; hoàn thiện chế độ chính sách; thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật
và nghiệp vụ để nâng cao năng lực và trình độ về phòng, chống phổ biến và PF của
đội ngũ nhân lực này; tổ chức huy động nguồn lực, đầu tư trang, thiết bị hỗ trợ
công tác kiểm tra, kiểm soát trong cải cách hiện đại hóa kiểm soát biên giới, cửa
khẩu, đáp ứng được các nghĩa vụ của Việt Nam trong thực hiện cam kết quốc tế
AML/CTF/CPF và pháp luật có liên quan.
VI. Đôn đốc triển
khai thực hiện Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ
về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 81 và những hành động
sau đánh giá đa phương của APG
149. Giao Cơ quan đầu mối quốc gia chủ
trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục
rà soát, đôn đốc và bố trí nguồn lực hoàn thành các nội dung của Kế hoạch triển
khai thực hiện Nghị định 81[33]
bao gồm cả việc đưa ra các biện pháp trừng phạt vì không tuân thủ các nghĩa vụ
của AML/CTF và CPF; lập danh sách những người và thực thể bị chỉ định đưa lên
trang web Bộ Quốc phòng nhằm triển khai CPF không được chậm trễ; kiểm tra,
thanh tra đột xuất và định kỳ FIs và DNFBPs về việc thực hiện nghĩa vụ pháp lý
trong CPF theo Nghị định 81 và ban hành hướng dẫn về các biện pháp trừng phạt của
UNSCRs phù hợp bối cảnh của Việt Nam; chuẩn hóa và xây dựng cơ chế trao đổi
thông tin để kịp thời phổ biến, cập nhật các danh sách chỉ định của UNSCRs tới
tất cả các lĩnh vực, bộ, ngành, địa phương; thiết lập và thực hiện cơ chế giám
sát việc tuân thủ các nghĩa vụ về CPF của FIs và DNFBPs.
150. Các bộ chủ quản như Bộ Khoa học
và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam ... tập trung đánh giá tác động của công nghệ 4.0 và khắc
phục những thiếu hụt, bất cập trong quản lý Internet, hạn chế mặt trái của công
nghệ 4.0, các ngành nghề công nghệ cao bị lợi dụng cho phổ biến và PF trong phạm
vi quản lý.
151. Cơ quan đầu mối quốc gia chủ trì,
phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm
túc các hành động sau đánh giá đa phương sau khi APG công bố kết quả đánh giá
đa phương đối với Việt Nam năm 2019.
VII. Bộ, ngành, địa
phương thực hiện ĐGRR về PF; thu thập, thống kê số liệu, thông tin để thực hiện
ĐGRR quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 (5 năm/1 lần)
152. Căn cứ vào ĐGRR quốc gia, các bộ,
cơ quan ngang bộ, UBND các cấp, các FI, DNFBP phải thực hiện ĐGRR của mình,
trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch hành động phòng, chống PF[34] theo cách tiếp
cận từ trên xuống dưới hoặc từ dưới lên như sau: Đánh giá rủi ro quốc gia, đánh
giá rủi ro theo bộ, ngành, địa phương và đánh giá rủi ro cá nhân, tổ chức[35] trên cơ sở các
hạng mục của PF[36]
bao gồm: (i) Các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên quan trực tiếp đến buôn bán
hàng hóa nhạy cảm với việc phổ biến vũ khí; (ii) Các hoạt động tăng doanh thu hợp
pháp và bất hợp pháp, bao gồm một loạt các hoạt động tạo ra doanh thu để tài trợ
cho việc mua sắm và phát triển WMD, các phương tiện giao hàng và các nguyên vật
liệu liên quan; (iii) Cơ sở hạ tầng tài chính hoặc doanh nghiệp tạo điều kiện
cho hai hạng mục trên./.
PHỤ
LỤC I
NGUỒN
THÔNG TIN
(Kèm theo Đánh
giá rủi ro quốc gia về tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Quyết định
số 828/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ)
NGUỒN THÔNG
TIN
|
CÁC BÊN
LIÊN QUAN
|
LOẠI THÔNG TIN
|
Tổ chức quốc tế
|
Báo cáo của Hội đồng chuyên gia Liên
hợp quốc
|
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
|
Thông tin chi tiết về các tác nhân
gây phổ biến vũ khí, khả năng của tác nhân gây phổ biến vũ khí, các mô hình
và phân loại và PF, và sự phát triển trong các chế độ trừng phạt phổ biến vũ
khí.
|
Hướng dẫn của FATF về Tài trợ Phổ biến
vũ khí
|
FATF
|
Các nghĩa vụ liên quan đến CPF đối với
chính phủ và khu vực tư nhân, và các thông lệ tốt nhất để thực hiện chế độ PF
quốc gia.
|
Báo cáo phân loại FATF về PF
|
FATF
|
Các kiểu mẫu và phân loại PF, chỉ
báo cờ đỏ.
|
Các báo cáo của Ủy ban UNSCR 1540
|
Ủy ban UNSCR 1540
|
Thông tin về việc các quốc gia thực
hiện các biện pháp ngừng buôn bán hàng hóa bị kiểm soát.
|
Vận chuyển tích hợp toàn cầu
Hệ thống thông tin
|
Tổ chức Hàng hải quốc tế
|
Thông tin về tàu và các hoạt động của
tàu, bao gồm cả quyền sở hữu và các sự cố.
|
Chính phủ (Trong và
ngoài nước)
|
Thực thi pháp luật
và tình báo
|
Báo cáo và dữ liệu tình báo tài
chính
|
Các đơn vị tình báo tài chính
|
Thông tin chi tiết về mạng lưới tài
chính và các kiểu hành vi các phần tử phổ biến sử dụng, bao gồm báo cáo giao
dịch/hoạt động đáng ngờ (STR và SAR), báo cáo vận chuyển tiền mặt qua biên giới,
báo cáo giao dịch quốc tế và các sản phẩm phân tích tình báo.
|
Các chỉ định và danh sách trừng phạt
|
Sở ngoại vụ, sở thương mại quốc tế,
các đơn vị tình báo tài chính
|
Thông tin chi tiết về các đối tượng
bị xử phạt, các báo cáo liên quan đến lệnh trừng phạt và các hành động thực
thi.
|
Hồ sơ điều tra, truy tố tội phạm, hồ
sơ điều tra tố tụng dân sự
|
Tòa án, cơ quan hành pháp, các cơ
quan điều tra khác
|
Thông tin chi tiết về các trường hợp
trước đây liên quan đến mạng lưới tài chính bất hợp pháp và các kiểu hành vi
được những kẻ phổ biến vũ khí sử dụng.
|
Dữ liệu/thông tin liên quan khác
(tài chính và vấn đề khác)
|
Cơ quan tình báo, các cơ quan chính
phủ có liên quan khác
|
Dữ liệu về sự hiện diện ngoại giao
và hoạt động của các quốc gia phổ biến vũ khí, thông tin về khả năng của các
quốc gia phổ biến vũ khí hạt nhân và các ưu tiên mua sắm liên quan đến phổ biến
vũ khí và thông tin liên quan khác về việc trốn tránh các biện pháp trừng phạt
phổ biến vũ khí.
|
Kinh tế và tài
chính
|
Báo cáo kinh tế, tài chính và thương
mại
|
Sở tài chính, sở kinh tế phát triển,
sở thương mại, sở công nghiệp, cơ quan quản lý tài chính
|
Dữ liệu và số liệu thống kê về quy
mô nền kinh tế và khu vực tài chính, thông tin về quy mô và hoạt động của các
ngành cụ thể, thông tin về lĩnh vực sản xuất liên quan, thông tin về quy mô
và bản chất của các mối quan hệ thương mại và mô hình thương mại với các nước
khác.
|
Quy định
|
Tài liệu xuất/nhập khẩu
|
Chính quyền cảng, cơ quan tài trợ
thương mại, sở thương mại
|
Dữ liệu nhập/xuất khẩu, dữ liệu về
quy mô và bản chất của các mối quan hệ và mô hình thương mại, thông tin về
các tuyến vận tải và/hoặc quá cảnh quốc tế, và dữ liệu về các mối quan hệ tài
trợ thương mại.
|
Hồ sơ nhập cư và việc làm
|
Cục di trú, Cục lao động
|
Dữ liệu về lao động nhập cư và dữ liệu
về các cá nhân có hộ chiếu từ các quốc gia liên quan, bao gồm cả công dân hai
quốc tịch.
|
Hồ sơ quản lý, sở hữu và kiểm tra
tàu
|
Cơ sở dữ liệu quản lý và sở hữu tàu,
cơ sở dữ liệu kiểm soát trạng thái cảng theo khu vực
|
Thông tin về tính chất và quy mô hoạt
động của tàu thuyền nước ngoài và trong nước.
|
Sự tham gia của khu
vực tư nhân
|
Vận đơn, các tài liệu xuất/nhập khẩu
|
Công ty vận tải biển, nhà cung cấp
tài trợ thương mại, nhà cung cấp dịch vụ xuất/nhập khẩu
|
Dữ liệu nhập/xuất khẩu, dữ liệu về
quy mô và bản chất của các mối quan hệ và mô hình thương mại, thông tin về
các tuyến vận tải và/hoặc quá cảnh quốc tế, và dữ liệu về các mối quan hệ tài
trợ thương mại.
|
Các tài liệu bảo hiểm tàu thuyền và
hàng hóa
|
Nhà cung cấp bảo hiểm, công ty vận
chuyển
|
Dữ liệu về hoạt động và các mối quan
hệ thương mại, dữ liệu về các mối quan hệ tài trợ thương mại, thông tin về
các tuyến đường và mô hình vận tải quốc tế, dữ liệu về hoạt động thương mại của
các thực thể bị nghi ngờ tham gia vào các hoạt động liên quan đến phổ biến vũ
khí.
|
Quan hệ đối tác chia sẻ thông tin
tài chính
|
Các tổ chức tài chính, nhà cung cấp
bảo hiểm, hiệp hội ngành, DNFBPs, các bên liên quan của chính phủ
|
Thông tin về thực hành thẩm định của
khu vực tư nhân và bất kỳ thách thức nào trong việc hiểu và thực hiện các
nghĩa vụ CPF của khu vực tư nhân và thông tin về các đơn vị liên quan đến PF
và các mẫu hành vi.
|
Tham gia không chính thức
|
Các tổ chức tài chính, nhà cung cấp
bảo hiểm, hiệp hội ngành, DNFBPs, các bên liên quan của chính phủ
|
Thông tin về thực hành thẩm định của
khu vực tư nhân và bất kỳ thách thức nào trong việc hiểu và thực hiện các
nghĩa vụ CPF của khu vực tư nhân và thông tin về các đơn vị liên quan đến PF
và các mẫu hành vi.
|
Các nguồn
khác
|
Các nghiên cứu điển hình trước đây
và phân tích phạm vi tài phán tương tự
|
Các cơ quan nghiên cứu, khu vực tư
nhân có liên quan và các bên liên quan của chính phủ
|
Thông tin về các mối đe dọa và hoạt
động của PF ở các khu vực pháp lý tương tự, bao gồm các đối tượng tham gia
vào PF và các kiểu hành vi của họ, và các ví dụ về thành công hoặc thất bại
trong nỗ lực giảm rủi ro liên quan đến PF ở các khu vực pháp lý tương tự.
|
Hệ thống nhận dạng tự động
(AIS) dữ liệu
|
Các nhà cung cấp theo dõi AIS
|
Dữ liệu về vị trí, tuyến đường di
chuyển và lịch sử ghé cảng của tàu.
|
Báo cáo truyền thông
|
Nguồn báo chí
|
Thông tin nguồn mở và phân tích về
các thực thể và hoạt động liên quan đến PF.
|
PHỤ
LỤC II
CÁC
BÊN LIÊN QUAN
(Kèm theo Đánh giá rủi ro quốc gia về tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng
loạt tại Quyết định số: 828/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2021 của Thủ tướng Chính
phủ)
Các bên
liên quan
|
Vai trò
trong việc đánh giá rủi ro quốc gia
|
Kiểm soát xuất khẩu, hải quan và cơ
quan kiểm soát biên giới
|
Các cơ quan này thực thi việc tuân
thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu liên quan đến việc phổ biến vũ khí và
hàng hóa bất hợp pháp hoặc bị trừng phạt khác. Họ sẽ có thể cung cấp thông
tin về:
• Hàng hóa, dịch vụ và các lĩnh vực
đã (hoặc có thể là) lợi dụng để phổ biến vũ khí
• Những người phổ biến vũ khí và mô
hình hoạt động của họ
• Các biện pháp kiểm soát và lỗ hổng
trong kiểm soát xuất khẩu, hải quan hoặc biên giới có thể bị khai thác bởi
các phần tử phổ biến.
|
Các cơ quan tình báo
|
Các cơ quan này có thể cung cấp
thông tin về:
• Các mối đe dọa phổ biến vũ khí
đang hoạt động - các hoạt động và khả năng của các bên phổ biến và các đối tượng
bị trừng phạt
• Các mối đe dọa, mô hình phổ biến
vũ khí và hậu quả tiềm ẩn của một sự kiện liên quan đến phổ biến vũ khí.
|
Các đơn vị tình báo tài chính
|
Các đơn vị này đóng một vai trò quan
trọng trong việc thực hiện đánh giá rủi ro CPF vì họ có quyền truy cập vào
nhiều loại dữ liệu tài chính. Họ cũng thực hiện phân tích mạng lưới, đưa ra định
hướng điều tra và cung cấp thông tin về STR, có thể xác định các cá nhân,
doanh nghiệp, tài khoản và mô hình hoạt động bị nghi ngờ.
|
Cơ quan truy tố và thực thi pháp luật
|
Các cơ quan này chịu trách nhiệm thi
hành luật CPF hình sự và có vai trò quan trọng trong các cuộc điều tra CPF,
có thể đưa ra thông tin hữu ích cho công việc của các cơ quan khác. Điều này
bao gồm thông tin về:
• Các vụ việc và điều tra PF đang diễn
ra hoặc đã xảy ra trong khu vực pháp lý, để hiểu rõ hơn về các xu hướng PF quốc
gia.
• Thông tin về các trường hợp PF
đang diễn ra hoặc trước đây và các cuộc điều tra ở các khu vực pháp lý khác.
|
Các cơ quan quản lý và Giám sát tài
chính
|
Các cơ quan này có thể giám sát sự
tuân thủ của các tổ chức khu vực tư nhân để đảm bảo rằng các biện pháp trừng
phạt được thực hiện hiệu quả. Các cơ quan này sẽ hiểu rõ về bản chất, tầm cỡ
và quy mô của các hoạt động kinh doanh trên từng lĩnh vực.
Các giám sát viên và cơ quan quản lý
cũng có thể nắm thông tin về mức độ hiểu biết của các tổ chức khu vực tư nhân
về nghĩa vụ PF của họ và mức độ nhận thức của họ về các rủi ro PF.
Với sự hiểu biết của họ về quy mô của
ngành và mối quan hệ với nền kinh tế rộng hơn, các nhà giám sát và quản lý
cũng hữu ích trong việc xác định các hệ quả kinh tế của PF đối với nền kinh tế
quốc dân.
|
Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu
tư
|
Các cơ quan này cần nhận thức được rủi
ro PF khi xem xét có cung cấp hỗ trợ cho thương mại hay không. Các cơ quan
này cũng có thể thu thập thông tin về các mô hình mua sắm bất hợp pháp có thể
được chia sẻ với các cơ quan chính phủ khác.
|
Các cơ quan chính sách như đối ngoại,
tài chính, nội vụ, nhập cư hoặc tư pháp
|
Các cơ quan này có thể đóng một vai
trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng chế độ pháp lý CPF của một quốc gia
tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế và các cơ chế thực tiễn đó mạnh mẽ và hiệu quả
trong việc giảm mức độ rủi ro của một quốc gia đối với rủi ro PF.
Các cơ quan ngoại giao cũng đóng một
vai trò quan trọng trong hợp tác quốc tế về CPF và trong trường hợp rủi ro quốc
gia đặt trong bối cảnh các rủi ro và mô hình phổ biến vũ khí hạt nhân ở khu vực
và quốc tế.
Ở nhiều nước, các cơ quan đối ngoại
cũng có trách nhiệm phổ biến thông tin về các nghĩa vụ quốc tế và các biện
pháp trừng phạt cho các cơ quan chính phủ khác và cho phép miễn trừ các biện
pháp trừng phạt. Bằng cách này, các cơ quan này có thể đóng vai trò quan trọng
trong việc giảm thiểu các lỗ hổng liên quan đến PF. Chúng cũng có thể hữu ích
trong việc hỗ trợ điều phối liên ngành trong chính phủ.
Các cơ quan xuất nhập cảnh có thể
cung cấp thông tin về sự hiện diện của công dân hoặc công dân hai nước của
các quốc gia đang phổ biến vũ khí trong quốc gia của họ.
|
Các cơ quan liên quan đến việc thực
hiện các biện pháp trừng phạt tài chính có mục tiêu hoặc các biện pháp trừng
phạt theo ngành
|
Có thể có các cơ quan khác không được
đề cập ở trên tham gia vào việc thực hiện các biện pháp trừng phạt tài chính
có mục tiêu hoặc các biện pháp trừng phạt theo ngành. Các cơ quan này có thể
tham gia liên lạc với các cơ quan của Liên hợp quốc, điều phối quốc gia hoặc
các hoạt động giám sát và tiếp cận cộng đồng. Các quốc gia cần đảm bảo rằng họ
xác định tất cả các cơ quan liên quan không được đề cập cụ thể ở trên.
|
Các thực thể khu vực tư nhân
|
Các đơn vị thuộc khu vực tư nhân chịu
trách nhiệm thực hiện các biện pháp kiểm soát CPF nhất định cũng cần được coi
là các bên liên quan phù hợp và cần được tham khảo ý kiến tương ứng. Các chủ
thể thuộc khu vực tư nhân có thể bao gồm: các tổ chức tài chính; DNFBPs; nhà
cung cấp bảo hiểm; hiệp hội ngành; công ty chuyển phát hàng; nhà cung cấp dịch
vụ xuất khẩu/nhập khẩu; các ngành sản xuất có liên quan; và các ngành kỹ thuật
và đào tạo có liên quan. Các tổ chức tư nhân có thể hỗ trợ cơ quan chức năng
xác định các cá nhân và doanh nghiệp đáng ngờ và trong việc phát triển các kiểu
mẫu cho các loại giao dịch tài chính đáng ngờ.
|
PHỤ
LỤC III
DANH
SÁCH MỘT SỐ MỐI ĐE DỌA
(Kèm theo Đánh giá rủi ro quốc gia về tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng
loạt tại Quyết định số 828/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2021 của Thủ tướng Chính
phủ)
Các sản phẩm và dịch vụ tài chính
liên quan trực tiếp đến buôn bán hàng hóa nhạy cảm với phổ biến vũ khí.
|
Sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài
trợ thương mại và dịch vụ thanh toán sạch để mua bán hàng hóa nhạy cảm với phổ
biến vũ khí.
|
Sử dụng các công ty bình phong, công
ty vỏ bọc hoặc công ty môi giới để có được các sản phẩm và dịch vụ tài trợ
thương mại hoặc là các bên thực hiện các khoản thanh toán sạch.
|
Sử dụng các công ty để cung cấp dịch
vụ chuyển tiền không có giấy phép.
|
Công dân hoặc công dân kép của các
quốc gia đang gia tăng, hoặc thành viên gia đình của những người đó (bất kể
quốc tịch), được sử dụng làm trung gian ở các quốc gia không lo ngại về phổ
biến để tạo điều kiện mua hàng hóa và/hoặc thanh toán ngân quỹ.
|
Sử dụng các trường đại học hoặc
trung tâm nghiên cứu để mua hàng hóa lưỡng dụng và/hoặc để thanh toán các khoản
tiền, bao gồm các thể chế của chủ thể phổ biến.
|
Dịch vụ chuyển tiền dùng để chuyển
tiền liên quan đến mua sắm hàng hóa.
|
Sử dụng các nước thứ ba để phân bổ
các giao dịch tài chính liên quan đến các giao dịch khai thác.
|
Sử dụng các công ty và trung gian
chuyên nghiệp để che giấu các bên tham gia giao dịch và người dùng cuối.
|
Sử dụng tài khoản cá nhân để mua các
mặt hàng công nghiệp.
|
Sử dụng các mô tả không cụ thể, vô
thưởng vô phạt hoặc gây hiểu lầm về hàng hóa hoặc mục đích thanh toán.
|
Sử dụng các tài liệu giả mạo hoặc
gian lận liên quan đến vận chuyển, hải quan hoặc thanh toán để tạo thuận lợi
cho các giao dịch hoặc tài trợ thương mại.
|
Sử dụng các hình thức tài chính liên
quan đến việc vận chuyển hàng hóa nhạy cảm hoặc đến các quốc gia không xem
xét về phổ biến vũ khí.
|
Sử dụng các tàu không thu hút chú ý
về tài trợ vũ khí để nhận các sản phẩm bảo hiểm hàng hải hoặc hàng hóa.
|
Sử dụng các công ty vận tải biển,
nhà môi giới và đại lý để mua bảo hiểm hoặc các dịch vụ tài chính khác liên
quan đến vận tải biển.
|
Các hoạt động tăng thu nhập bất hợp
pháp.
|
Buôn bán vũ khí (nhỏ và thông thường)
được sử dụng bởi các tổ chức nhà nước và phi nhà nước để tăng doanh thu.
|
Bán vũ khí, thiết bị hoặc công nghệ
phi hạt nhân, hoặc thiết bị hoặc công nghệ bán quân sự của các quốc gia phổ
biến vũ khí hạt nhân cho các quốc gia khác.
|
Bán than do nhà nước và ngoài quốc
doanh sử dụng để tăng doanh thu.
|
Ngành xây dựng và/hoặc các ngành nghề
liên quan được sở hữu hoặc điều hành bởi hoặc đại diện cho công dân hoặc công
dân hai nước của chủ thể phổ biến hoặc các thực thể của chủ thể phổ biến. Lợi
nhuận từ việc thanh toán các hợp đồng là một phần trong các hoạt động nâng
cao doanh thu của chủ thể phổ biến.
|
Buôn lậu qua biên giới tiền mặt,
vàng hoặc hàng hóa có giá trị cao khác bằng con la để hỗ trợ các hoạt động phổ
biến vũ khí của nhà nước và phi nhà nước.
|
Buôn lậu qua biên giới tiền mặt,
vàng hoặc hàng hóa có giá trị cao khác bằng con la để hỗ trợ các hoạt động phổ
biến vũ khí của nhà nước và phi nhà nước.
|
Tội phạm mạng, chẳng hạn như hack
tài khoản để lấy những thứ có giá trị phần lớn được sử dụng bởi các tổ chức
nhà nước.
|
Buôn bán ma tuý bởi các tổ chức nhà
nước và phi nhà nước, bao gồm cả thông qua các mối liên hệ với các mạng lưới
tội phạm có tổ chức. Tiền thu được dùng để hỗ trợ các hoạt động phổ biến vũ
khí.
|
Xuất khẩu tác phẩm nghệ thuật hoặc
tượng của chủ thể phổ biến hoặc liên quan đến các tổ chức và cá nhân được chủ
thể phổ biến chỉ định để tăng doanh thu.
|
Bán khoáng sản (vàng, sắt, thép, đồng,
kẽm, v.v.) của chủ thể phổ biến hoặc liên quan đến các tổ chức và cá nhân được
chủ thể phổ biến chỉ định để tăng doanh thu.
|
Các khoản thanh toán cho người lao động
hoặc người làm việc (công dân hoặc song tịch) từ chủ thể phổ biến. Các khoản
thanh toán sau đó phần lớn bị chủ thể phổ biến tịch thu như một phần của các
hoạt động nâng cao doanh thu.
|
Nhà hàng hoặc các cơ sở kinh doanh
quy mô vừa và nhỏ khác, chủ yếu dựa vào tiền mặt do hoặc nhân danh công dân
hoặc song tịch của chủ thể phổ biến sở hữu hoặc điều hành. Lợi nhuận từ các
doanh nghiệp được gửi đến chủ thể phổ biến như một phần của các hoạt động
nâng cao doanh thu
|
Xuất khẩu thủy sản có nguồn gốc từ
khu vực bị trừng phạt hoặc liên quan đến các tổ chức và cá nhân được chủ thể
phổ biến chỉ định.
|
Xuất khẩu hàng dệt may có xuất xứ từ
khu vực bị trừng phạt hoặc liên quan đến các tổ chức và cá nhân được chủ thể
phổ biến chỉ định.
|
Buôn bán động vật hoang dã của các tổ
chức nhà nước và ngoài nhà nước, bao gồm cả thông qua các mối liên hệ với các
mạng lưới tội phạm có tổ chức.
|
Các khoản “thuế” và “nghĩa vụ” do
các nhóm khủng bố thu trong các khu vực được kiểm soát, cũng như các khoản
quyên góp cho các nhóm khủng bố, như một phần của các hoạt động nâng cao
doanh thu để hỗ trợ mua sắm vật liệu vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là
vũ khí hóa học hoặc sinh học.
|
Cơ sở hạ tầng tài chính và doanh
nghiệp hỗ trợ sự luân chuyển của tài chính và hàng hóa.
|
Sử dụng các ngân hàng và các tổ chức
tài chính khác có chi nhánh nước ngoài hoạt động tại các quốc gia có nguy cơ
phổ biến vũ khí.
|
Sử dụng tiền điện tử để tránh hệ thống
tài chính chính thức.
|
Sử dụng các nhà ngoại giao, viên chức
lãnh sự hoặc các cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự để xây dựng mạng lưới,
bao gồm cả mạng lưới công ty, trong một quốc gia. Các mạng lưới này sau đó tạo
điều kiện cho một loạt các hoạt động nâng cao doanh thu cũng như tạo điều kiện
cho các sản phẩm hoặc dịch vụ tài chính liên quan đến thương mại hàng hóa.
|
Sử dụng các chi nhánh ngân hàng và tổ
chức tài chính địa phương có trụ sở tại các quốc gia lo ngại phổ biến vũ khí.
|
Các doanh nghiệp đổi tiền được sử dụng
để chuyển tiền mặt nhằm hỗ trợ mạng lưới phổ biến vũ khí, trong đó việc chuyển
tiền liên quan
đến các cá nhân hoặc tổ chức được sở hữu hoặc kiểm soát bởi các tác nhân phổ
biến vũ khí. Cũng có thể liên quan đến các khoản thanh toán có cấu trúc cho mạng
lưới tội phạm có tổ chức liên quan đến các hoạt động nâng cao doanh thu.
|
Sử dụng hệ thống chuyển tiền phi
chính thức (IVTS) hoặc hệ thống trao đổi chuyển giao giá trị để thanh toán và
giải quyết các khoản nợ giữa các thành viên của mạng lưới phổ biến vũ khí.
|
Sử dụng hệ thống thanh toán sổ cái
giữa các thành viên của mạng lưới để giảm thiểu nhu cầu giao dịch tài chính
quốc tế. Ngân hàng có thể được sử dụng để tạo điều kiện cho một số thanh toán
cuối kỳ giữa các công ty và/hoặc cá nhân.
|
Các tổ chức tài chính có lịch sử
cung cấp tài khoản hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tài chính của
các quốc gia phổ biến vũ khí.
|
Sử dụng các công ty để cung cấp các
dịch vụ chuyển tiền trái phép giữa các thành viên của mạng lưới hoặc để thực
hiện các giao dịch đột xuất.
|
Sử dụng các trung gian chuyên nghiệp
và các nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp để che giấu sự hiện diện của các tác
nhân phổ biến vũ khí.
|
Sử dụng thương mại hoặc các quan hệ
kinh tế khác của các quốc gia có liên kết hoặc tiếp xúc đáng kể với một quốc
gia phổ biến vũ khí. Thường được hỗ trợ bởi một mạng lưới công ty phức tạp.
|
PHỤ
LỤC IV
DANH
SÁCH CÁC ĐIỂM YẾU (LỖ HỔNG)
(Kèm theo Đánh giá rủi ro quốc gia về tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng
loạt tại Quyết định số 828/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2021 của Thủ tướng Chính
phủ)
Phân loại
|
Điểm yếu
|
Các nhân tố pháp lý và cơ chế
|
• Khả năng thực thi hạn chế
• Những khó khăn, hạn chế trong hợp
tác quốc tế
• Hiệu quả của các biện pháp chống lại
các mạng lưới tội phạm có tổ chức tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp
• Thiếu sót trong điều phối liên
ngành và chia sẻ thông tin
• Khả năng điều tra và tình báo tài
chính còn hạn chế
• Những khiếm khuyết trong việc kiểm
soát để phát hiện vận chuyển xuyên biên giới tiền mặt, kim loại quý và đá (đặc
biệt là vàng) và các công cụ chuyển nhượng không ghi tên
• Thiếu sót trong các biện pháp kiểm
soát để phát hiện sự di chuyển xuyên biên giới của các sản phẩm từ động vật
hoang dã
• Cơ chế hạn chế để chia sẻ qua lại
dữ liệu/thông tin liên quan với các cơ quan chức năng
• Khu vực tư nhân và khu vực công cộng
hạn chế tiếp cận, hướng dẫn hoặc nâng cao nhận thức về PF, bao gồm các chỉ
báo cờ đỏ và lưu hành các loại hình
• Tiếp cận khu vực tư nhân hạn chế
và hướng dẫn về các nghĩa vụ trừng phạt, bao gồm các cơ chế báo cáo cụ thể về
các biện pháp trừng phạt (trái ngược với báo cáo giao dịch đáng ngờ)
• Cơ chế giám sát và thực thi tuân
thủ của khu vực tư nhân còn hạn chế
• Luật pháp yếu kém, bao gồm yếu kém
trong phổ biến vũ khí và PF tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế
• Khung quy định yếu kém, bao gồm cả
những lỗ hổng trong kiến thức về thị trường
• Sự tồn tại của một cơ quan đăng ký
vận chuyển, bao gồm một cơ quan đăng ký đưa ra những dấu hiệu thuận tiện.
|
Pháp nhân và dàn xếp pháp lý
|
• Thiếu sự minh bạch của pháp nhân
và các thỏa thuận pháp lý, bao gồm cơ cấu sở hữu có lợi của doanh nghiệp
• Thiếu sự quyết liệt trong các quy
trình mua sắm của chính phủ để rà soát các rủi ro trừng phạt
• Thiếu sự quyết liệt trong các yêu
cầu gia nhập thị trường đối với các tổ chức tài chính, DNFBP, pháp nhân và
các thỏa thuận pháp lý.
|
Địa lý và nhân tố môi trường
|
• Biên giới đất xốp
• Đường biên giới chung trên đất liền
hoặc khu vực lân cận với các quốc gia đang phổ biến vũ khí hoặc các khu vực
khác có rủi ro pháp lý cao đối với hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân
• Các vùng lãnh thổ xa bờ gần với
các quốc gia đang phổ biến vũ khí
• Hoạt động vận tải đáng kể (trung
tâm vận tải), và do đó có nhiều khả năng tham gia vào các luồng bất hợp pháp
• Chủ của động vật hoang dã hoặc các
sản phẩm tự nhiên khác được bảo vệ, ví dụ như theo Công ước về buôn bán quốc
tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), được sử dụng như một phần
của các hoạt động nâng cao doanh thu của các thực thể phổ biến vũ khí (ví dụ:
sừng tê giác và ngà voi).
|
Yếu tố kinh tế và công nghệ
|
• Phụ thuộc quá nhiều vào các phương
thức kinh doanh thân thiện để thu hút đầu tư nước ngoài
• Kiểm soát thương mại hoặc vận chuyển
còn yếu kém
• Sự tồn tại của tiền điện tử và
trao đổi tiền điện tử
• Kiến thức hạn chế, thiếu quy định
hoặc tiếp cận hạn chế đối với các sàn giao dịch tiền điện tử
• Quy định hoặc giám sát còn hạn chế
với các nền tảng Internet cho thương mại
• Công nghiệp hóa chất hoặc hóa dầu
và/hoặc thương mại
• Các ngành công nghiệp và/hoặc
thương mại hàng hóa sử dụng kép hoặc được kiểm soát
• Công nghiệp và/hoặc thương mại
công nghệ cao
• Bảo hiểm hàng hải hoặc hàng hóa hoặc
ngành tái bảo hiểm
• Thành phần tên lửa, hàng không vũ
trụ, quân sự hoặc các ngành liên quan và/hoặc thương mại
• Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và
hoạt động thương mại (trung tâm) quan trọng, và do đó có nhiều khả năng tham
gia vào các dòng tài chính bất hợp pháp liên quan
• Ngành tài trợ thương mại quan trọng
• Trung tâm tài chính khu vực quan
trọng tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tiền quốc tế và tiếp cận thị
trường quốc tế
• Sự tồn tại của các khu thương mại
tự do
• Các doanh nghiệp giao nhận hàng
hóa lớn.
|
Các nhân tố xã hội và chính trị
|
• Thiếu ý chí chính trị hoặc ưu tiên
chính trị để phòng chống tài trợ phổ biến vũ khí
• Nhận thức kém trong nước về các hoạt
động ngoại giao của nước thứ ba
• Cộng đồng cư dân đáng kể của công
dân hoặc song tịch từ các quốc gia đang phổ biến vũ khí với quy định hạn chế
về lao động và việc làm nước ngoài
• Chế độ miễn thị thực với các nước
đang phổ biến vũ khí
• Tổ chức các chuyến làm việc ngoại
giao hoặc lãnh sự của các quốc gia đang phổ biến vũ khí
• Sự hiện diện của các trường đại học
hoặc các cơ quan nghiên cứu khác tham gia vào chủ đề có khả năng liên quan đến
WMDs hoặc đào tạo hoặc phát triển hàng hóa sử dụng kép - đặc biệt là các trường
đại học có quan hệ với các cơ quan pháp lý về vấn đề phổ biến vũ khí hoặc với
sinh viên nước ngoài từ các quốc gia có lo ngại về phổ biến vũ khí.
|
PHỤ
LỤC V
BA
HẠNG MỤC PF
(Kèm theo Đánh giá rủi ro quốc gia về tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng
loạt tại Quyết định số 828/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2021 của Thủ tướng Chính
phủ)
|
|
Mấu chốt
|
Các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên
quan tới hàng hóa nhạy cảm với phổ biến vũ khí
|
|
Các hoạt động nâng cao doanh thu (hợp pháp
và bất hợp pháp)
|
|
Cơ sở hạ tầng tài chính và các doanh nghiệp
hỗ trợ cho việc dịch chuyển các luồng tái chính và hàng hóa
|
|
|
|
1. Các sản phẩm và dịch vụ tài chính
liên quan trực tiếp đến buôn bán hàng hóa nhạy cảm với việc phổ biến vũ khí.
Hạng mục đầu tiên này là định nghĩa hẹp
nhất của PF. Nó bao gồm các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên quan đến thương
mại hàng hóa có thể sử dụng trực tiếp hoặc có thể sửa đổi để sử dụng trong quá
trình phát triển WMD, các phương tiện giao hàng và các nguyên liên quan. Cũng
bao gồm cả các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên quan đến nhập khẩu hoặc xuất
khẩu hàng hóa cũng như vận chuyển hàng hóa: ví dụ: tài trợ thương mại, bảo hiểm
hàng hải hoặc hàng hóa và bảo lãnh xuất khẩu. Các hoạt động trong hạng mục này
không giới hạn ở các quốc gia bị trừng phạt; hạng mục này cũng bao gồm cả các sản
phẩm và dịch vụ tài chính liên quan đến việc mua sắm hàng hóa của các tổ chức
phi nhà nước bị cấm theo UNSCR 1540.
2. Các hoạt động tăng doanh thu hợp
pháp và bất hợp pháp. Hạng mục thứ hai bao gồm một loạt các hoạt động tạo ra
doanh thu để tài trợ cho việc mua sắm và phát triển WMD, các phương tiện giao
hàng và các nguyên vật liệu liên quan, bao gồm:
• Các hoạt động được coi là bất hợp
pháp bất kể tác nhân nào, chẳng hạn như buôn lậu hàng hóa bất hợp pháp. Do đó,
hạng mục này tính đến cả các hoạt động của cả các quốc gia và các tác nhân phi
chính phủ bị trừng phạt. Ví dụ, các nhóm khủng bố cũng có thể sử dụng các hoạt
động tăng thu bất hợp pháp để tài trợ cho việc mua sắm WMD và các phương tiện vận
chuyển.
• Các hoạt động thường được coi là hợp
pháp nếu hoạt động đó không phải được thực hiện bởi một chủ thể phổ biến vũ khí
bị Liên hợp quốc nghiêm cấm tham gia vào các hoạt động này. Ví dụ như hoạt động
của các nhà hàng, doanh nghiệp thủy sản hoặc công ty xây dựng sẽ thuộc hạng mục
này. Hạng mục này cũng bao gồm việc mua hàng hóa hợp pháp được kiểm soát nhập
khẩu vì việc bán những hàng hóa này là một phần của các hoạt động nâng cao
doanh thu của chủ thể phổ biến, cũng như các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên
quan trực tiếp đến thương mại hàng hóa bị kiểm soát khác đối với chủ thể phổ biến.
3. Cơ sở hạ tầng tài chính hoặc doanh
nghiệp tạo điều kiện cho hai hạng mục đầu tiên.
Hạng mục thứ ba phản ánh định nghĩa rộng
nhất về PF. Nó bao gồm bất kỳ loại cơ sở hạ tầng tài chính hoặc doanh nghiệp
nào tạo điều kiện cho các hoạt động được tính đến trong hai hạng mục ở trên,
cũng như bất kỳ tài sản hoặc dịch vụ tài chính nào được cung cấp cho các cá
nhân hoặc tổ chức bị trừng phạt tài chính mục tiêu.
Do đó, cơ sở hạ tầng tài chính hoặc
doanh nghiệp không cần lấy mục đích duy nhất và chủ yếu là PF và cũng có thể bị
sử dụng một cách vô tình cho các hoạt động PF. Danh mục này bao gồm các loại hoạt
động tài chính hoặc doanh nghiệp sau:
• Việc thành lập các pháp nhân (đặc biệt
là các công ty) và các thỏa thuận pháp lý như cơ cấu ủy thác.
• Việc thành lập các doanh nghiệp liên
doanh.
• Việc cung cấp các dịch vụ tài chính
ngân hàng và phi ngân hàng, bất kể đơn vị được đề cập có được cấp phép cung cấp
các dịch vụ đó hay không.
• Việc cung cấp các dịch vụ của DNFBPs
(chẳng hạn như luật sư, kế toán hoặc đại lý bất động sản) liên quan đến bất động
sản.
• Dịch vụ thanh toán dựa trên sổ cái,
chẳng hạn như hawala.[37]
• Tiền hoặc giấy có giá trị khác được
sử dụng để vận chuyển tiền vật chất, vàng hoặc các tài sản có giá trị khác qua
biên giới, kể cả việc sử dụng túi ngoại giao.
Hạng mục thứ ba không nhất thiết phải
loại trừ các tác nhân phi nhà nước, hạng mục này chủ yếu dựa vào các mạng lưới
và phương pháp phức tạp được sử dụng bởi các quốc gia bị trừng phạt.
Khi tiến hành đánh giá rủi ro quốc gia
về PF, các cơ quan tài phán nên xem xét ba loại PF được mô tả trong phần này. Cần
lưu ý rằng một điều khoản đơn lẻ về tội PF sẽ là không đủ để nắm bắt được đầy đủ
các hoạt động tài chính hỗ trợ phổ biến được gói gọn trong ba hạng mục nêu
trên. Ngoài ra, các cơ quan tài phán cần lưu ý rằng các khía cạnh rộng hơn của
PF (đặc biệt là hạng mục thứ ba) có thể bị chống lại bằng các biện pháp phi
hình sự như các biện pháp phòng ngừa được áp dụng thông qua các biện pháp kiểm
soát theo quy định.
Để hỗ trợ các cơ quan tài phán trong
việc xác định PF nhằm mục đích xác định phạm vi đánh giá rủi ro, Phụ lục III liệt
kê các mối đe dọa từ PF tương ứng với ba loại hạng mục hoạt động đã xác định.
Các khu vực pháp lý phải nắm rõ về các hoạt động PF sẽ được đưa vào trong báo
cáo đánh giá rủi ro trước khi bắt tay vào thực hiện đánh giá rủi ro.