ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH AN GIANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 417/KH-UBND
|
An Giang, ngày
14 tháng 7 năm 2017
|
KẾ HOẠCH
ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÁC THIẾT CHẾ CỦA CÔNG ĐOÀN TẠI CÁC KHU CÔNG
NGHIỆP, CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25 tháng 01 năm
2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội;
Căn cứ Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12 tháng 5
năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế
của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”.
Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch đầu tư
xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp
trên địa bàn tỉnh An Giang như sau:
I. Mục đích, yêu cầu:
1. Mục đích:
Tạo lập quỹ đất, đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trẻ,
công trình văn hóa, thể thao, trung tâm trợ giúp pháp lý,… tại các khu công
nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang nhằm tăng cường sự lãnh đạo
của Đảng, Nhà nước đối với giai cấp công nhân; tạo điều kiện nâng cao đời sống
vật chất, tinh thần để nâng cao hiệu quả làm việc của công nhân lao động, góp
phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
2. Yêu cầu:
Việc triển khai xây dựng các
thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải có sự phối
hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp có sử dụng
lao động tại các khu – cụm công nghiệp; đồng thời, cần có sự quan tâm sâu sắc,
lãnh chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc chấp
thuận chủ trương, chính sách liên quan đến việc triển khai thực hiện.
II. Nội
dung thực hiện:
1. Về việc
tạo quỹ đất:
- Trong quá trình lập quy hoạch,
kế hoạch sử dụng đất và thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng mới, bảo đảm bố
trí đủ quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà trẻ, công
trình văn hóa, thể thao tại các khu – cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Đối với các khu – cụm công
nghiệp đã hình thành nhưng chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở công nhân, thiết
chế công đoàn thì trong quá trình thẩm định, điều chỉnh quy hoạch cần bố trí quỹ
đất phù hợp để thực hiện đầu tư.
- Căn cứ vào tình hình ngân
sách hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng cân đối, bố trí
vốn để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch mời gọi đầu tư các dự án nhà ở xã
hội, nhà ở công nhân và xây dựng các thiết chế của công đoàn.
2. Về đầu
tư xây dựng:
- Khi lập, thẩm định các dự
án xây dựng nhà ở công nhân, nhà trẻ, công trình văn hóa, thể dục thể thao,
trung tâm trợ giúp pháp lý,… thì các cơ quan, đơn vị liên quan phải đối chiếu với
quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành để có giải pháp thiết kế phù hợp, đảm
bảo hiệu quả công năng sử dụng của từng công trình, dự án.
- Các dự án trước khi xây dựng
phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đất đai,
xây dựng như: xin chủ trương đầu tư, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư
trình thẩm định, phê duyệt (nếu dự án có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước),
lập và trình thẩm định, phê duyệt dự án; thực hiện các thủ tục về giao đất, thẩm
định an toàn phòng cháy chữa cháy, thẩm định thiết kế - dự toán để đảm bảo sử dụng
hiệu quả nguồn vốn và an toàn cho người dân trong quá trình sử dụng.
- Sản phẩm nhà ở cung cấp ra
thị trường phải đa dạng, phù hợp với nhiều loại đối tượng, hộ gia đình; hạn chế
tình trạng cung cấp sản phẩm kém chất lượng, không phù hợp thị hiếu người tiêu
dùng, gây lãng phí, anh hưởng đến dư luận xã hội.
- Các công trình công cộng
phục vụ cho công nhân lao động tại các khu – cụm công nghiệp phải đảm bảo về
quy mô, công năng sử dụng; tùy vào tình hình thực tế tại từng khu vực mà có thiết
kế hài hòa, đáp ứng cơ bản nhu cầu về giải trí, thể dục thể thao của người lao
động.
3. Về
nguồn vốn thực hiện:
- Tranh thủ nguồn vốn phân bổ
từ Ngân sách Trung ương, nguồn tài chính của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để
thực hiện đầu tư các dự án nhà ở công nhân, thiết chế công đoàn; đồng thời, tận
dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo chủ trương của
Chính phủ tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính
phủ, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Thông tư số 25/2015/TT-NHNN
ngày 09 tháng 12 năm 2015.
- Nguồn ngân sách của Ủy ban
nhân dân huyện, thị xã, thành phố (chủ yếu tập trung tạo quỹ đất để mời gọi đầu
tư).
- Vốn huy động hợp pháp từ
các tổ chức tín dụng, hộ gia đình, cá nhân.
III.
Trách nhiệm của các Sở, Ban, Ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:
1.
Liên đoàn Lao động tỉnh:
- Chịu trách nhiệm chính
trong việc triển khai, đôn đốc các Sở, Ban, Ngành liên quan và Ủy ban nhân dân
huyện, thị xã, thành phố để thực hiện hiệu quả Kế hoạch này.
- Định kỳ 6 tháng, 01 năm tổng
hợp kết quả thực hiện, tham mưu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Tổng Liên đoàn
Lao động Việt Nam để có hướng chỉ đạo kịp thời nhằm giải quyết những khó khăn,
vướng mắc trong quá trình triển khai hoặc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù
theo thẩm quyền để thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định
số 655/QĐ-TTg .
- Hướng dẫn Liên đoàn Lao động
huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức công đoàn phổ biến đường lối, chủ
trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền lợi và
nghĩa vụ của đoàn viên công đoàn trong quá trình làm việc, học tập và trong
giao tiếp xã hội.
- Chủ động tiếp cận các nguồn
vốn từ Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phân bổ cho việc thực hiện
đầu tư các thiết chế của công đoàn tại các khu – cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh;
xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai các dự án xây dựng trung tâm văn hóa, thiết
chế công đoàn hàng năm.
2. Sở
Xây dựng:
- Chủ trì, phối hợp cùng các
Sở, Ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn chủ đầu tư thực hiện
đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các khu – cụm công nghiệp trên
địa bàn tỉnh. Trước tiên là dự án Nhà ở công nhân Khu công nghiệp Bình Hòa, xã
Bình Hòa, huyện Châu Thành.
- Khi thẩm định các đồ án
quy hoạch xây dựng mới tại các khu – cụm công nghiệp phải dành quỹ đất xây dựng
nhà ở công nhân và các công trình phụ trợ phục vụ cho công nhân lao động theo
quy định của pháp luật hiện hành; rà soát, bổ sung vào các đồ án quy hoạch điều
chỉnh quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân, nhà trẻ, công trình văn hóa, thể thao tại
các khu – cụm công nghiệp.
- Hướng dẫn nhà đầu tư về
trình tự, thủ tục thực hiện và ưu tiên thẩm định các dự án đầu tư xây dựng nhà ở
công nhân tại các khu – cụm công nghiệp.
3. Sở
Tài nguyên và Môi trường:
- Hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu
tư trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi của nhà nước liên quan đến
lĩnh vực đất đai.
- Có giải pháp linh hoạt,
rút ngắn thời gian giao đất cho nhà đầu tư triển khai thực hiện đầu tư xây dựng
nhà ở công nhân, các thiết chế của công đoàn tại các khu – cụm công nghiệp trên
địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Sở
Xây dựng trong việc hướng dẫn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu
nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các đối tượng được mua, thuê mua nhà
ở xã hội, nhà ở công nhân; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cấp quyết định giao đất
cho tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và
các thiết chế công đoàn tại các khu – cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật
về đất đai.
- Trong quá trình hướng dẫn Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
phải cập nhật, bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trong đó
có các thiết chế công đoàn tại các khu – cụm công nghiệp.
4. Sở Kế
hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp cùng Sở Tài
chính tổng hợp, cân đối nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
có kế hoạch phân bổ vốn để tạo quỹ đất, hỗ trợ thực hiện các dự án nhà ở xã hội,
nhà ở công nhân và các thiết chế công đoàn tại các khu – cụm công nghiệp.
5. Cục
Thuế tỉnh:
Hướng dẫn chủ đầu tư dự án
nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và các thiết chế công đoàn tại các khu – cụm công
nghiệp về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, chính sách thuế giá trị
gia tăng và các chính sách thuế khác có liên quan đến việc đầu tư xây dựng, triển
khai dự án.
6. Ban
Quản lý Khu kinh tế:
- Phối hợp cùng Sở Tài
nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
và trong công tác lập, thẩm định đồ án quy hoạch tại các khu – cụm công nghiệp
để bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân, các thiết chế công đoàn.
- Tạo môi trường thuận lợi,
cung cấp các tài liệu liên quan để các doanh nghiệp tiếp cận, khảo sát quỹ đất
xây dựng nhà ở công nhân, các thiết chế công đoàn và tạo điều kiện thuận lợi để
chủ đầu tư triển khai hoàn thành dự án, đưa vào sử dụng.
7. Ngân
hàng Chính sách xã hội tỉnh:
- Công bố công khai các
thông tin về đối tượng, điều kiện được vay vốn ưu đãi để thực hiện chính sách về
phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
- Lập kế hoạch chi tiết cho
vay đối với doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, thiết
chế công đoàn; cho vay đối với khách hàng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà
ở công nhân.
- Hướng dẫn, hỗ trợ doanh
nghiệp, người dân trong quá trình thực hiện thủ tục vay vốn ưu đãi theo quy định;
thực hiện cho vay công bằng đối với tất cả các đối tượng được vay vốn.
8. Ủy
ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:
- Rà soát, bổ sung vào quy
hoạch đô thị, quy hoạch khu – cụm công nghiệp quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội,
nhà ở công nhân, các thiết chế công đoàn; cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách cấp
huyện hàng năm để tạo lập quỹ đất, mời gọi đầu tư.
- Chỉ đạo các phòng, ban
chuyên môn trực thuộc tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng,
chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc chăm lo đời sống vật chất,
tinh thần cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động bằng nhiều phương tiện
truyền thông để người dân biết, thực hiện.
Trong quá trình triển khai,
nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các Sở, Ban Ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện,
thị xã, thành phố phản ánh về Liên đoàn Lao động tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- TT.TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- VP. UBND tỉnh: LĐVP và các phòng;
- Lưu: VT, KTTH.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Nưng
|