BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2986/QĐ-BNN-VPĐP
|
Hà Nội, ngày 12 tháng 07 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM HOÀN THIỆN VÀ NHÂN RỘNG MÔ
HÌNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI CÁC XÃ KHÓ KHĂN, BIÊN
GIỚI, HẢI ĐẢO THEO HƯỚNG XÃ HỘI HÓA, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP
ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg
ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Quyết định số 712/QĐ-TTg
ngày 26 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thí điểm
hoàn thiện và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn
mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn
2017 - 2020;
Xét đề nghị của Cục trưởng - Chánh
Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nước
sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực
hiện Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây
dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội
hóa, giai đoạn 2017-2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng - Chánh Văn phòng
Điều phối nông thôn mới Trung ương, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ
sinh môi trường nông thôn, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên
quan thuộc các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tham gia thực hiện Đề án, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia Đề án chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (để b/c);
- Các Bộ: TC, KHĐT, TNMT, KHCN (để p/hợp);
- Thành viên BCĐTW các CTMTQG;
- Cơ quan Trung ương các tổ chức CT-XH (để p/hợp);
- Trung ương Hội Chữ thập đỏ VN (để p/hợp);
- Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Văn phòng Chính phủ (để biết);
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tham gia Đề án (để p/hợp);
- Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (để p/hợp);
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam (để p/hợp);
- Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (để p/hợp);
- Lưu: VT, VPĐP.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Thanh Nam
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM HOÀN THIỆN VÀ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI CÁC XÃ KHÓ KHĂN, BIÊN GIỚI, HẢI ĐẢO THEO HƯỚNG
XÃ HỘI HÓA, GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2986/QĐ-BNN-VPĐP ngày 12 tháng 7 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
I. MỤC TIÊU VÀ YÊU
CẦU
1. Mục tiêu
a) Cụ thể hóa các nội dung của Đề án thí
điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn
mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn
2017 - 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án) trên cơ sở xác định lộ trình phù hợp, khả
thi; huy động tối đa các nguồn lực xã hội, phát huy vai
trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương nhằm triển khai
kịp thời và có hiệu quả Đề án.
b) Thực hiện tốt công tác thông tin,
tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân về tham
gia giữ gìn, bảo vệ môi trường nông thôn, nhất là phát huy vai trò chỉ đạo, tổ
chức hoạt động tuyên truyền, giáo dục của các tổ chức chính trị - xã hội.
c) Phân công, phân cấp, ủy quyền hợp
lý, có sự kết nối chặt chẽ để phát huy được các kết quả đã thực hiện trong thời
gian qua, kế thừa các thành tựu trong nước và quốc tế để
triển khai thực hiện Đề án.
2. Yêu cầu
a) Việc triển khai thực hiện phải bám
sát các nội dung của Đề án, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, thực hiện
đầy đủ các nhiệm vụ và giải pháp được nêu tại Đề án.
b) Các hoạt động của Kế hoạch phải đảm
bảo tính khả thi; phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương; phát huy tối
đa nguồn lực hiện có của các cơ quan, tổ chức có liên quan và của cộng đồng.
c) Đề cao trách nhiệm của các Bộ,
ngành, địa phương tham gia, đồng thời đảm bảo sự phối hợp có hiệu quả giữa Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong
việc triển khai hiệu quả Đề án.
d) Địa phương tham gia Đề án phải có
cam kết đảm bảo tiến độ thực hiện các mô hình, bố trí vốn đối ứng và đề xuất cơ
chế, chính sách, tổ chức công tác quản lý, vận hành mô hình sau đầu tư có hiệu
quả và bền vững.
II. NỘI DUNG VÀ THỜI
GIAN THỰC HIỆN
1. Rà soát, khảo sát, đánh giá, đề
xuất giải pháp hoàn thiện để vận hành bền vững các mô hình bảo vệ môi trường hiện
có
1.1. Nội dung
a) Đối với các mô hình: Nước sạch, xử
lý chất thải rắn, chất thải chăn nuôi, thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực
vật:
- Điều tra, khảo sát, đánh giá thực
trạng hoạt động, các khó khăn bất cập (về cơ chế, chính sách, công nghệ, kỹ thuật,
phương thức vận hành) đối với các mô hình đã triển khai thực hiện thời gian vừa
qua;
- Xác định rõ các bất cập của từng loại
mô hình và đề xuất giải pháp nâng cấp, hoàn thiện (về công nghệ, kỹ thuật,
phương thức vận hành);
- Đề xuất cơ chế, chính sách để vận
hành hiệu quả các mô hình bảo vệ môi trường hiện có trong cả nước.
b) Đối với mô hình tuyên truyền viên
bảo vệ môi trường cấp xã:
- Thu thập, tổng hợp thông tin về mô
hình tuyên truyền viên bảo vệ môi trường môi trường cấp xã hiện có từ các địa
phương.
- Rà soát, đánh giá hiệu quả công tác
tuyên truyền về bảo vệ môi trường tại các địa phương được
lựa chọn.
- Đề xuất cơ chế, chính sách, cách thức
tuyên truyền nâng cao hiệu quả truyền thông đối với những mô hình tuyên truyền
viên bảo vệ môi trường cấp xã hiện có.
1.2. Phân công thực hiện
a) Đơn vị chủ trì
- Trung tâm Quốc gia nước sạch và Vệ
sinh môi trường nông thôn: Triển khai rà soát, khảo sát, đánh giá, đề xuất giải
pháp hoàn thiện để vận hành bền vững các mô hình nước sạch tập trung, mô hình xử
lý chất thải chăn nuôi hiện có.
- Cơ quan thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi
trường được giao chủ trì: Triển khai rà soát, khảo sát, đánh giá, đề xuất giải
pháp hoàn thiện để vận hành bền vững các mô hình xử lý chất thải rắn; mô hình
thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật hiện có.
- Cơ quan Trung ương của các tổ chức
chính trị - xã hội và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: Thực hiện rà soát, khảo sát,
đánh giá, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả các mô hình tuyên truyền viên bảo
vệ môi trường cấp xã hiện có.
b) Đơn vị phối hợp
- Văn phòng Điều phối nông thôn mới
Trung ương;
- Cục Chăn nuôi (phối hợp thực hiện
Mô hình xử lý chất thải chăn nuôi);
- Cục Bảo vệ thực vật (phối hợp thực
hiện Mô hình thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật);
- Các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương có mô hình.
1.3. Thời gian thực hiện: Từ Quý III/2017 - Quý IV/2019.
2. Xây dựng thí điểm các mô hình
2.1. Nội dung
a) Đối với các mô hình: Nước sạch, xử
lý chất thải rắn, chất thải chăn nuôi, thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực
vật:
- Chuẩn bị đầu tư, kêu gọi nhà đầu
tư, lựa chọn nhà đầu tư: Rà soát nhu cầu đầu tư của địa phương, lựa chọn địa điểm
thực hiện mô hình thí điểm; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế
tham gia thực hiện theo mô hình xã hội hóa thông qua các hình thức hỗ trợ cụ thể
(được quy định tại khoản 2, khoản 3, Mục III, Điều 1 của Quyết định
số 712/QĐ-TTg ngày 26/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ).
- Xây dựng dự án đầu tư: Các doanh
nghiệp, tổ chức kinh tế tiến hành xây dựng dự án đầu tư mô hình. Dự án đầu tư
phải thể hiện được cả nội dung về quản lý sau đầu tư của
mô hình. Đối với các mô hình xử lý chất thải rắn, thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị -
xã hội (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh
niên) và Hội Chữ thập đỏ tại địa phương tham gia ở khâu thu gom chất thải rắn,
thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật (trên cơ sở hướng dẫn chuyên môn của Bộ
Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
- Thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư.
- Thực hiện đầu tư: Lập, phê duyệt kế
hoạch đấu thầu cho dự án thành phần; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ
thi công và tổng dự toán; lựa chọn nhà thầu và thực hiện
thi công xây lắp công trình; nghiệm thu, bàn giao đưa vào
sử dụng.
- Quản lý, vận hành sau đầu tư: Công
tác quản lý, vận hành sau đầu tư các mô hình được đưa vào nội dung của Dự án đầu
tư cụ thể, nhằm lựa chọn được phương thức quản lý và đơn vị quản lý phù hợp,
phát huy tính hiệu quả cho công trình.
b) Đối với mô hình tuyên truyền viên
bảo vệ môi trường cấp xã:
- Lựa chọn địa
phương thực hiện xây dựng mô hình thí điểm.
- Xây dựng chương trình tuyên truyền
(nội dung, phương thức, hình thức), tài liệu tuyên truyền: Xây dựng nội dung
tuyên truyền đặc thù cho từng vùng, miền; thiết kế tài liệu tuyên truyền, hình
thức tuyên truyền.
- Hình thành đội ngũ tuyên truyền
viên bảo vệ môi trường (lựa chọn các tuyên truyền viên), tập huấn các nội dung
về môi trường và tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân về tham
gia bảo vệ môi trường.
- Xây dựng quy chế hoạt động cho đội
ngũ tuyên truyền viên; hướng dẫn cơ chế chi trả phụ cấp
cho tuyên truyền viên; cơ chế kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng và hiệu
quả công tác tuyên truyền.
2.2. Cơ chế huy động các nguồn
vốn để triển khai các mô hình
Nguồn vốn để thực hiện Đề án được xem
xét trên cơ sở đặc thù của từng nhóm mô hình, huy động tối đa đóng góp và sự
tham gia của doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng, theo
đó:
- Theo từng loại mô hình và điều kiện
thực tế của từng vùng, miền, quy định cơ cấu huy động nguồn lực cụ thể, trong
đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ: không quá 45% đối với mô hình cấp nước sạch và mô
hình xử lý chất thải rắn quy mô liên xã; không quá 30% đối
với mô hình xử lý chất thải chăn nuôi; không quá 80% đối với mô hình thu gom, xử
lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật.
Riêng đối với mô hình cấp nước uống cho
trường học và trạm y tế tại các xã đảo, ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% kinh
phí xây dựng mô hình.
- Khuyến khích việc xây dựng mô hình (một phần hoặc toàn bộ) thông qua sử dụng các nguồn vốn vay tín dụng.
- Các chính sách ưu đãi khác: áp dụng
thực hiện theo quy định hiện hành.
2.3. Phân công thực hiện
a) Cơ quan chủ trì thẩm định
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn: Chủ trì, phối hợp với các Bộ (Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên
và Môi trường, Khoa học và Công nghệ) và các Bộ, ngành liên quan lựa chọn, thẩm
định, phê duyệt các dự án thuộc mô hình của Đề án; chủ trì thẩm định công nghệ,
hình thức ưu đãi xây dựng mô hình thí điểm cấp nước sạch nông thôn;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường: Chủ
trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm thẩm định
các công nghệ xử lý chất thải rắn, chất thải chăn nuôi, thu gom và xử lý bao
gói thuốc bảo vệ thực vật để xây dựng các mô hình xử lý chất thải nông thôn;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Thẩm định
nguồn vốn và khả năng cân đối vốn Ngân sách Trung ương tham gia thực hiện Dự án
trong các mô hình thí điểm; phương án hỗ trợ theo chính sách khuyến khích doanh
nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
- Bộ Tài chính: Tham gia thẩm định
nguồn vốn và khả năng cân đối vốn Ngân sách Trung ương tham gia thực hiện Dự án
trong các mô hình thí điểm; khả năng hỗ trợ lãi suất vay vốn
từ các tổ chức tín dụng để thực hiện Dự án.
b) Đơn vị chủ trì thực hiện
- UBND các tỉnh, thành phố tham gia xây
dựng mô hình thí điểm: Chủ trì thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, kêu gọi và lựa
chọn nhà đầu tư; thực hiện đầu tư; quản lý, vận hành sau đầu tư các mô hình về
nước sạch tập trung, xử lý chất thải rắn, chất thải chăn nuôi, thu gom và xử lý
bao gói thuốc bảo vệ thực vật.
- Trung tâm Quốc gia nước sạch và Vệ
sinh môi trường nông thôn: Chủ trì thực hiện các dự án thuộc mô hình cấp nước uống
cho trường học, trạm y tế các xã đảo.
- Trung ương Hội Nông dân Việt Nam,
Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt
Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: Chủ
trì thực hiện xây dựng mô hình tuyên truyền viên bảo vệ
môi trường cấp xã. Trong phạm vi Đề án, dự kiến triển khai khoảng 30 mô hình
tuyên truyền; các tổ chức đoàn thể sẽ thống nhất về số lượng, địa bàn triển
khai xây dựng mô hình của mỗi ngành.
c) Đơn vị phối hợp
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam: Hỗ
trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, hỗ trợ lãi suất để
xây dựng các mô hình trong Đề án.
- Ngân hàng Chính
sách xã hội Việt Nam: Hỗ trợ các hộ dân được vay vốn tham gia đối ứng, đóng góp
xây dựng mô hình, ưu tiên về nước sạch và xử lý chất thải chăn nuôi.
- Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam: Ưu
tiên bố trí vốn vay để thực hiện xây dựng mô hình trong Đề án.
- Các đơn khác vị có liên quan.
2.4. Thời gian thực hiện: Từ Quý III/2017 đến Quý IV/2019.
3. Tổng kết, đánh giá kết quả thực
hiện, đề xuất nhân rộng
3.1. Nội dung
Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện
và xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng, vận
hành và duy trì, đề xuất nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường theo hình thức
xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới.
3.2. Phân công thực hiện:
a) Đơn vị chủ trì: Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn chủ trì, giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương
tham mưu hoạt động tổng kết Đề án.
b) Đơn vị phối hợp:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính: Đề xuất cơ chế, chính sách tài chính để thực hiện xã hội hóa các mô hình
bảo vệ môi trường.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ
Khoa học và Công nghệ: Đề xuất hoàn thiện công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật về xây
dựng, vận hành hiệu quả các mô hình xử lý chất thải rắn, chất thải chăn nuôi,
thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn (Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn): Đề xuất
công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng, vận hành hiệu quả các mô hình nước sạch.
- Các tổ chức chính trị - xã hội: Đề
xuất nội dung, giải pháp, cơ chế hỗ trợ xây dựng và duy trì mô hình tuyên truyền
viên bảo vệ môi trường cấp xã.
- UBND các tỉnh, thành phố tham gia đề
án.
3.3. Thời gian thực hiện: Quý I/2020.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các cơ quan Trung ương
a) Văn phòng Điều phối nông thôn mới
Trung ương
- Trình Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn thành lập Tổ công tác liên ngành, do Cục trưởng - Chánh
Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương làm Tổ trưởng, để giúp Bộ tổ chức
triển khai thực hiện Đề án. Thành viên của Tổ công tác liên ngành là đại diện
lãnh đạo cấp vụ của các đơn vị liên quan, gồm: Văn phòng Điều phối nông thôn mới
Trung ương, Trung tâm Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn,
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và
Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, các tổ chức chính trị - xã hội
tham gia thực hiện Đề án;
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có
liên quan, hàng năm tổng hợp kế hoạch và đề xuất phương án phân bổ vốn ngân
sách Trung ương (từ nguồn vốn của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới) thực
hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án theo quy định;
- Phối hợp với Cơ quan Trung ương của
các tổ chức chính trị - xã hội và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thống nhất lập kế hoạch
khung, xác định nội dung, cơ chế, cách thức xây dựng và triển khai mô hình tuyên
truyền viên bảo vệ môi trường cấp xã;
- Đầu mối tổng hợp ý kiến thẩm định
các mô hình, dự án thuộc Đề án của các Bộ, ngành Trung ương và hoàn thiện Hồ
sơ, thủ tục trình Bộ phê duyệt theo quy định;
- Đầu mối tổng hợp chung kết quả thực
hiện nội dung “Rà soát, khảo sát, đánh giá, đề xuất giải pháp hoàn thiện để vận
hành bền vững các mô hình bảo vệ môi trường hiện có” từ các cơ quan được giao
chủ trì thực hiện theo phân công của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại Khoản
1, Mục II của Kế hoạch này;
- Chủ trì tổng hợp, đôn đốc các đơn vị
có liên quan báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện Đề án định kỳ (hàng Quý, 6
tháng, hàng năm, tổng kết Đề án), báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ
và Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc
gia giai đoạn 2016-2020;
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có
liên quan định kỳ, đột xuất tổ chức kiểm tra, giám sát
tình hình thực hiện Đề án.
b) Các đơn vị chủ trì thực hiện các nội
dung của Đề án (tại khoản 1, khoản 2 Mục II)
- Chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để
triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo phân công;
- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ
(hàng Quý, 6 tháng, hàng năm, tổng kết Đề án), báo cáo đột xuất gửi Văn phòng Điều
phối nông thôn mới Trung ương để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ.
c) Vụ Tài chính
- Phối hợp với Văn phòng Điều phối
nông thôn mới Trung ương và các đơn vị có liên quan, hàng năm tổng hợp kế hoạch và đề xuất
phương án phân bổ vốn ngân sách Trung
ương (từ nguồn vốn của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới) thực hiện các
nội dung, nhiệm vụ của Đề án theo quy định;
- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương trình Bộ trưởng giao
dự toán thực hiện các mô hình, dự án do các đơn vị trong Bộ chủ trì thực hiện;
- Chủ trì trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt
dự toán chi tiết kinh phí thực hiện các mô hình, dự án theo quy định;
- Hướng dẫn các đơn vị trong Bộ quản
lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí được giao đúng quy định của Nhà nước;
- Quyết toán với Bộ Tài chính phần
kinh phí được giao cho Bộ để thực hiện Đề án.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương tham gia thực hiện Đề án
a) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên
quan đề xuất dự án xây dựng mô hình, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
(thông qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương) để
thẩm định, phê duyệt theo quy định và tổ chức triển khai thực hiện;
b) Bố trí mặt bằng, hạ tầng thiết yếu
theo quy định để thuận lợi cho việc triển khai xây dựng mô hình; bố trí đủ ngân sách đối ứng của địa phương (theo cơ
chế dự kiến trong Đề án) cho các dự
án được phê duyệt và triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh;
c) Tuyên truyền, vận động các tổ chức
kinh tế (doanh nghiệp, HTX) và người dân tích cực tham gia đầu tư xây dựng, quản
lý vận hành sau đầu tư các mô hình.
d) Đề nghị doanh nghiệp, Hợp tác xã
tham gia đầu tư, quản lý vận hành mô hình: Đối ứng kinh
phí thực hiện đầu tư xây dựng mô hình (theo cơ chế tại khoản
2.2); quản lý vận hành theo quy định của mô hình; triển khai thực hiện theo
đúng tiến độ, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện, những vướng
mắc và đề xuất phương án tháo gỡ kịp thời.
đ) Chỉ đạo Quỹ bảo lãnh tín dụng cho
doanh nghiệp vừa và nhỏ của địa phương ưu tiên bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn để
tham gia đầu tư xây dựng các mô hình thuộc phạm vi Đề án;
e) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc
triển khai xây dựng và thực hiện các mô hình trên địa bàn; đề xuất cơ chế,
chính sách phù hợp để xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường
hiệu quả.
g) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ
(hàng Quý, 6 tháng, hàng năm, tổng kết Đề án), báo cáo đột xuất gửi Văn phòng Điều
phối nông thôn mới Trung ương để tổng hợp.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Đề
án, nếu có vấn đề phát sinh, đề nghị phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn (qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Nhà B9, Số 2 Phố
Ngọc Hà, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội) để hướng dẫn thực hiện./.