ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH
NGHỆ AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4213/QĐ-UBND
|
Nghệ An, ngày 20 tháng 9 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN GIAO RỪNG, GẮN VỚI GIAO ĐẤT LÂM NGHIỆP VÀ CẤP GIẤY CHỨNG
NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CHO HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN, CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH NGHỆ AN, GIAI ĐOẠN 2018-2021
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm
2013 và các Nghị định của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày
25/4/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn trình tự, thủ tục
giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng
đồng dân cư thôn;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số
07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 29/01/2011 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn và Bộ Tài nguyên Môi trường về việc hướng dẫn một số nội dung về giao
rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp;
Căn cứ các Thông tư hướng dẫn của Bộ
Nông nghiệp &PTNT: Thông tư số 20/2016/TT-BNN ngày 27/6/2016; Thông tư số
08/2011/TT-BNNPTNT ; Thông tư số 25/2011/TT-BNNPTNT ; Thông tư số
47/2012/TT-BNNPTNT và Thông tư số 80/2011/TT-BNNPTNT ;
Căn cứ Quyết định số 112/2008/QĐ-BNN
ngày 19/11/2008 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc ban hành Định
mức kinh tế kỹ thuật giao rừng, cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất lâm nghiệp;
Căn cứ Quyết định 1731/QĐ-UBND ngày 21/4/2016
của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả kiểm kê rừng tỉnh Nghệ An;
Căn cứ Thông báo số 05/TB-HĐND ngày
11/01/2018 của HĐND tỉnh khóa XVII về thực hiện chính sách giao đất, gắn với
giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh;
Căn cứ Thông báo số 567/UBND-NN ngày
30/8/2018 về Thông báo kết luận cuộc họp thường kỳ của UBND tỉnh ngày
23,24/8/2018 thống nhất thông qua Đề án giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp
và cấp GCN-QSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh
Nghệ An giai đoạn 2018 - 2021; Công văn số 7001/BNN-TCLN ngày 10/9/2018 của Bộ
Nông nghiệp & PTNT về việc
sử dụng kinh phí sự nghiệp Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững
của tỉnh Nghệ An.
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp
và PTNT tại Tờ trình số 2284/TTr-SNN ngày 13/9/2018; Công văn số
2529/STC-QLG&CS ngày 15/8/2018 của Sở Tài
chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng trên địa
bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2018-2021 (có đề án kèm theo), gồm những nội dung
chính như sau:
1. Tên Đề án: Đề án giao rừng,
gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia
đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2018-2021
(sau đây gọi tắt là Đề án giao rừng).
2. Phạm vi, thời gian
và đối tượng áp dụng:
a) Phạm vi: Thực hiện
giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
trên diện tích 265.771 ha, cho đối tượng hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân
cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
b) Thời gian thực hiện: Đề án giao rừng
được thực hiện từ năm 2018 đến năm 2021.
c) Đối tượng
áp dụng:
- Rừng và đất quy hoạch rừng sản xuất
(265.771 ha) được giao bao gồm:
+ Đất có rừng tự nhiên;
+ Đất có rừng trồng bằng nguồn vốn đầu
tư của Nhà nước;
+ Đất chưa có rừng xen kẽ (trong trường
hợp thửa đất giao của chủ hộ bao gồm đất có rừng và đất chưa có rừng trên cùng
GCN-QSD đất lâm nghiệp).
- Đối tượng nhận đất, nhận rừng: hộ
gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.
3. Mục tiêu:
a) Từ năm 2018 đến năm 2021 hoàn thành
cơ bản việc giao rừng, là đối tượng rừng sản xuất với tổng diện tích 265.771 ha
cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng quản lý, sử dụng có hiệu quả vào mục đích
lâm nghiệp.
b) Giao rừng để có chủ quản lý, nhằm
thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; giảm thiểu các tác động tiêu cực đến
diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng; ngăn chặn, góp phần hạn chế được hành vi
chuyển nhượng, chuyển đổi, mua bán trái phép đất có rừng tự nhiên và rừng trồng
nguồn vốn của Nhà nước.
c) Góp phần xây dựng được cơ sở dữ liệu
quốc gia về hồ sơ quản lý rừng và đất lâm nghiệp, đến từng chủ quản lý, trạng
thái rừng, trữ lượng rừng, chất lượng rừng.
4. Nhiệm vụ và nội
dung Đề án giao rừng.
a) Khối lượng
diện tích giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp, cấp GCN-QSDĐ là: 265.771 ha
trong đó:
- Giao rừng trên đất đã giao, cấp
GCNQSD đất: 108.234 ha (bao gồm 100.885 ha rừng tự nhiên và 7.349 ha rừng trồng).
- Giao rừng đồng thời giao đất, cấp
GCN-QSDĐ lâm nghiệp (giao lần đầu): 157.537 ha. (bao gồm 150.676 ha rừng tự
nhiên và 6861 ha rừng trồng).
- Ngoài ra còn có diện tích đất chưa
có rừng xen lẫn trong diện tích đất có rừng của một số chủ hộ được giao rừng gắn
với giao đất lâm nghiệp.
b) Nguyên tắc giao rừng
- Giao rừng, phải gắn với giao đất và
cấp GCN-QSDĐ lâm nghiệp.
- Giao rừng có sự tham gia của người
dân và chính quyền địa phương, giải quyết hài hòa lợi ích của người dân và cộng
đồng;
- Thực hiện đúng trình tự thủ tục theo
quy định của pháp luật, chính xác và hiệu quả; phù hợp với quy hoạch 3 loại rừng,
quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp của địa phương; ranh giới rõ ràng. Những khu rừng
còn tranh chấp, ranh giới không rõ ràng thì chờ chính quyền địa phương giải quyết
xong rồi mới giao nhưng phải giải quyết dứt điểm trước năm 2021.
- Giao rừng có sự kế thừa diện tích
ranh giới mà hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định từ trước đến nay, đảm bảo ổn
định, hạn chế tối đa việc xáo trộn, tránh xung đột và đảm bảo quyền lợi cho các
hộ gia đình cá nhân sống ven rừng.
c) Hạn mức giao rừng,
gắn với giao đất lâm nghiệp
- Đối với giao rừng gắn với giao đất
lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư: Không vượt quá hạn mức
quy định tại Điều 129, Luật Đất đai năm 2013, (không quá 30 ha/hộ), hạn chế tối
đa việc giao quá manh mún nhỏ hơn 2,0 ha/hộ.
- Đối với diện tích đất, rừng chưa
giao, do hộ gia đình quản lý, sử dụng ổn định nhưng được cộng đồng dân cư công
nhận, chính quyền địa phương xác nhận thì giao theo ranh giới, diện tích thực tế
các hộ dân đang quản lý, sử dụng nhưng phải được sự thống nhất về ranh giới
của các chủ hộ liền kề và không được quá 30 ha.
- Đối với diện tích đã giao đất lâm
nghiệp, cấp GCN-QSDĐ đất, nhưng chưa giao rừng. Căn cứ hồ sơ giao đất, để xác
minh rừng và làm các thủ tục giao rừng, để cập nhật bổ sung vào hồ sơ GCN-QSDĐ
lâm nghiệp.
d) Biện pháp
kỹ thuật xác định đặc điểm khu rừng được giao.
(Nội dung chi tiết được quy định cụ thể
trong Đề án kèm theo Quyết định này và các hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ hiện
hành)
đ) Xây dựng
phương án giao rừng cấp xã.
* Bước 1: Công tác chuẩn bị.
- Cán bộ Kiểm lâm địa bàn tham mưu cho
UBND xã thành lập Hội đồng giao đất, giao rừng cấp xã.
- UBND xã căn cứ quỹ đất, rừng của xã,
dự kiến kế hoạch giao đất gắn với giao rừng, thông báo rộng rãi cho nhân dân về
chủ trương giao đất, giao rừng, tiêu chuẩn, định mức, thời gian, các ưu tiên (nếu có)... và
hướng dẫn các hộ có nhu cầu nộp Đơn đề nghị giao đất, giao rừng (theo mẫu) tại
thôn, bản hoặc tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Hội đồng giao đất, giao rừng của xã
thực hiện các nội dung theo phụ lục 2, Thông tư số 25/2011/TT-BNNPTNT , cụ thể:
+ Tiếp nhận Đơn đề nghị giao đất, giao
rừng của hộ gia đình, cá nhân.
+ Tiếp tục rà soát, kiểm
tra quỹ rừng và đất lâm nghiệp dự kiến giao; xác định nhu cầu sử dụng của hộ
gia đình, cá nhân.
+ Lập phương án giao đất gắn với giao
rừng; tổ chức họp toàn thể đại diện các hộ gia đình của từng thôn để góp ý
phương án; lấy ý kiến góp ý của các
tổ chức đoàn thể ở xã trước khi báo cáo UBND cấp xã xem xét để trình Hội đồng nhân dân
xã thông qua.
+ Thẩm tra về điều kiện giao đất gắn với giao
rừng của từng hộ gia đình, cá nhân có đơn đề nghị được giao đất, rừng.
* Bước 2: Trình duyệt phương
án:
UBND xã thống nhất phương án giao đất,
giao rừng trình Hội đồng nhân dân xã thông qua, sau đó trình hồ sơ, phương án
cho Phòng Tài nguyên và Môi trường và hạt Kiểm lâm thẩm định, tham mưu UBND huyện
phê duyệt.
* Trường hợp giao rừng trên đất lâm
nghiệp đã được giao và cấp GCN-QSDĐ:
- UBND cấp xã thông báo cho các hộ gia
đình, cộng đồng dân cư nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bổ sung thông
tin giao rừng.
- Ngành Tài nguyên và Môi trường bàn
giao hồ sơ địa chính cho ngành Kiểm lâm thực hiện giao rừng, không phải xây dựng
phương án giao rừng.
(Có mẫu phương
án theo hướng dẫn tại Thông tư 38/2007/TT-BNN)
e) Trình tự
các bước giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp
Quy trình giao rừng thực hiện theo
Thông tư 20/2016/TT-BNN ngày 27/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (Chi tiết
có trong Đề án
giao rừng).
f) Hoàn thiện
hồ sơ cấp GCN-QSDĐ lâm nghiệp
- Hạt Kiểm lâm cấp huyện tham mưu thực
hiện các bước giao rừng theo quy định. Sau khi hoàn thành bước giao rừng, hạt
kiểm lâm bàn
giao hồ sơ giao rừng cho Phòng Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện hồ sơ bổ
sung thông tin về rừng ghi vào GCN-QSDĐ lâm nghiệp giao cho chủ hộ được giao đất,
giao rừng.
- Nội dung thông tin ghi trong giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất thể hiện rõ thông tin về đất và rừng theo Quyết định
giao rừng của UBND cấp
huyện.
5. Các giải pháp chủ
yếu
a) Công tác tổ chức
thực hiện đề án.
- Thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, giúp
việc cấp tỉnh, Ban chỉ đạo cấp huyện, tổ giúp việc cấp huyện để chỉ đạo và triển
khai Đề án giao rừng.
- Các Sở ngành, chính quyền địa phương
cấp huyện, cấp xã, Chi cục Kiểm lâm, Hạt kiểm lâm, các đơn vị liên quan theo chức
năng, nhiệm vụ quy định triển khai thực hiện đề án.
b) Tuyên truyền về chủ trương chính
sách giao rừng
- Tổ chức tuyên truyền cho các cấp,
các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tổ
chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư là đối tượng được giao rừng, gắn với
giao đất lâm nghiệp;
- Nội dung tuyên truyền phổ biến dưới
nhiều hình thức về chủ trương, chính sách, quyền lợi, nghĩa vụ để các tổ chức,
hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn nắm vững về giao rừng, gắn với giao
đất lâm nghiệp.
c) Đào tạo, tập huấn,
huấn luyện nghiệp vụ
- Thông qua nội dung cơ bản của Đề án
giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp tỉnh Nghệ An cho đối tượng hộ gia đình, cá
nhân, cộng đồng.
- Hướng dẫn cho các địa phương xây dựng
Phương án giao rừng gắn với với giao đất lâm nghiệp cấp xã.
- Đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán
bộ Kiểm lâm, Tài nguyên và Môi trường, cán bộ cấp huyện, cấp xã về nghiệp vụ
công tác giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp GCN-QSDĐ lâm nghiệp.
d) Ứng dụng khoa học
kỹ thuật
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong
công tác giao rừng và giao đất lâm nghiệp như: Ảnh viễn thám để xác định hiện
trạng rừng; hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để xác định ranh giới khu rừng;
Công cụ (forest tool) số hóa kết quả đo đạc ngoài thực địa lên bản đồ VN2000 tỷ
lệ theo quy định và phần mềm Mapinfo để tính toán diện tích khu rừng; Phần mềm quản
lý hồ sơ cơ sở dữ liệu giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp ở cấp tỉnh, cấp
huyện.
- Được phép sử dụng tài liệu bản đồ địa
chính cơ sở cấp xã; Kết quả trích đo diện tích các loại đất loại rừng; tài liệu
địa chính về giao đất lâm nghiệp; Tài liệu kết quả kiểm kê rừng tỉnh Nghệ An được
phê duyệt tại Quyết định số 1731/QĐ-UBND ngày 21/4/2016; Tài liệu ảnh viễn
thám; đo đạc bằng máy định vị GPS để phân định ranh giới các thửa đất giao thực
địa.
e) Giải pháp về tài
chính:
- Lồng ghép các nguồn vốn Chương trình
mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020; Nguồn thu từ dịch
vụ môi trường rừng và các chương trình dự án khác; Nguồn đóng góp của dân thông
qua ngày công lao động giao rừng thực địa, đóng mốc, phát dọn ranh giới khu rừng.
- Công tác tập huấn nghiệp vụ giao rừng,
sử dụng nguồn kinh phí tập huấn sử dụng nguồn kinh phí tập huấn được giao hàng
năm của Chi cục Kiểm lâm và xin hỗ trợ từ các nguồn vốn ngân sách tỉnh và các
nguồn hợp pháp khác.
- Về máy móc thiết bị, phương tiện, vật
tư, ngày công lao động trong công tác tuyên truyền, hội nghị tập huấn công tác
giao rừng, chi phí quản lý, kiểm tra đôn đốc. Các đơn vị được giao nhiệm vụ triển
khai thực hiện lồng ghép các nguồn kinh phí sự nghiệp thường xuyên của đơn vị để
thực hiện.
- Huy động các nguồn vốn hợp pháp khác
để thực hiện Đề án giao rừng.
6. Kinh phí thực hiện
a) Định mức đơn giá
giao rừng
Định mức kinh tế kỹ thuật để thực hiện
giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
cho đối tượng hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư áp dụng trên địa bàn tỉnh
Nghệ An như sau:
- Trường hợp giao rừng tự nhiên, đồng
thời với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giao lần
đầu): 442.056 đ/1ha;
- Trường hợp giao rừng trồng, đồng thời
với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giao lần đầu):
374.151 đ/1ha;
- Trường hợp giao rừng tự nhiên, trên
đất lâm nghiệp đã giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trên đất đã
giao): 366.555 đ/1ha;
- Trường hợp giao rừng trồng, trên đất
lâm nghiệp đã giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trên đất đã giao):
307.611 đ/1ha;
- Trường hợp thửa đất giao của chủ hộ
bao gồm đất có rừng và đất chưa có rừng xen kẽ trên cùng GCN-QSD đất lâm nghiệp,
đơn giá giao phần diện tích đất trống được tính bằng đơn giá giao diện tích rừng
trồng.
(Có phụ lục
01 đơn giá đính kèm theo)
b) Tổng khái toán
kinh phí dự kiến khoảng: 108,414 tỷ đồng,
Bằng chữ: (Một trăm linh tám phẩy bốn
mốt tỷ đồng), trong đó:
TT
|
Phân theo
nhóm đối tượng
|
Diện tích
(ha)
|
Đơn giá
(VNĐ)
|
Thành tiền
(VNĐ)
|
Làm tròn (tỷ
đồng)
|
Tổng cộng
|
265.771
|
|
108.414.814.281
|
108,414
|
I
|
Giao rừng trên đất
đã giao và đã cấp GCN-QSDĐ
|
157.537
|
|
69.174.279.867
|
69,174
|
1
|
Rừng tự nhiên
|
150.676
|
442.056
|
66.607.229.856
|
66,607
|
2
|
Rừng trồng
|
6.861
|
374.151
|
2.567.050.011
|
2,567
|
II
|
Giao rừng đồng thời
với giao đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ
|
108.234
|
|
39.240.534.414
|
39,240
|
1
|
Rừng tự nhiên
|
100.885
|
366.555
|
36.979.901.175
|
36,979
|
2
|
Rừng trồng
|
7.349
|
307.611
|
2.260.533.239
|
2,260
|
(Có phụ lục
Biểu 4, khái toán kinh phí đính kèm theo)
c) Nguồn kinh phí thực hiện Đề án:
- Ngân sách Trung ương khoảng: 64,89 tỷ
đồng, trong đó:
+ Nguồn kết dư chưa phân bổ của năm
2016, 2017 được giao tại Quyết định 2000/QĐ-BTC ngày 5/10/2017 của Bộ tài chính
khoảng: 44,89 tỷ đồng.
(Theo công văn số 7001/BNN-TCLN ngày
10/9/2018 của Bộ Nông nghiệp &PTNT về việc sử dụng kinh phí sự nghiệp
Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh Nghệ An).
+ Trích từ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện
Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững khoảng 20,00 tỷ
đồng, từ năm 2019 đến năm 2021, mỗi năm trích khoảng 6,7 tỷ đồng cho công tác
giao đất, giao rừng.
- Kinh phí từ nguồn quỹ dịch vụ môi
trường rừng khoảng: 12,43 tỷ đồng.
+ Nguồn vốn tồn dư chưa có hồ sơ chi trả khoảng:
8,43 tỷ đồng.
+ Trích các nguồn thu từ quỹ bảo vệ,
phát triển rừng từ năm 2019 - 2021 mỗi năm trích 1,33 tỷ đồng: Tổng khoảng 4 tỷ
đồng;
- Nguồn ngân sách tỉnh khoảng: 31,09 tỷ
đồng (cấp hàng năm từ năm 2019 đến năm 2021).
d) Quy định về sử dụng nguồn vốn
- Hàng năm, Chi cục Kiểm lâm lập Kế hoạch
kinh phí giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp, trình Sở Nông nghiệp &PTNT
và Sở Tài chính tổng hợp tham mưu, UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đảm
bảo để thực hiện.
- Chi cục Kiểm lâm căn cứ kế hoạch nguồn
vốn được giao, phối hợp với Sở Tài chính giao kinh phí cho các đơn vị hạt Kiểm
lâm thực hiện. Các hạt Kiểm lâm cấp huyện xây dựng dự toán kinh phí thực hiện đề
án giao rừng, trình Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp &PTNT thẩm định, phê
duyệt theo quy định.
- Đối với các nội dung các bước kỹ thuật
giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. Hạt Kiểm
lâm hợp đồng với các đơn vị tư vấn có đủ tư cách pháp nhân và năng lực để thực
hiện theo quy định hiện hành.
7. Tiến độ thực hiện
- Đề án triển khai thực hiện từ năm
2018 đến năm 2021, thực hiện theo tiến độ cấp vốn. Trường hợp nguồn vốn không cấp
đủ theo kế hoạch thực hiện Đề án, thì thời gian thực hiện Đề án tiếp tục
triển khai đến năm 2024 (năm 2018 Chi cục Kiểm lâm, Sở nông nghiệp và PTNT căn
cứ tình hình và khả năng triển khai đề án giao rừng trình UBND tỉnh quyết định
để tổ chức thực hiện).
- Tập trung những địa phương có diện
tích rừng lớn và các địa phương đã tiến hành thủ tục trích đo ngoài thực địa
đang tiến hành hoàn thiện thủ tục cấp GCN-QSDĐ. Trong đó ưu tiên giao diện tích
đất lâm nghiệp vùng di dân tái định cư, theo đề nghị của chính quyền địa
phương.
(Có phụ lục
biểu 5 đính kèm theo)
Điều 2. Tổ chức
thực hiện
1. Thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh:
a) Thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh:
UBND tỉnh giao bổ sung nhiệm vụ thực hiện đề án giao rừng, gắn với giao đất lâm
nghiệp cho Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh
giai đoạn 2016 - 2020 (không thành lập mới Ban chỉ đạo).
b) Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo cấp tỉnh:
- Tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt
mục tiêu đề ra của Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp GCN-QSDĐ
trên phạm vi toàn tỉnh.
- Chỉ đạo, điều hành, kiểm tra đôn đốc,
xử lý các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án giao rừng,
gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp GCN-QSDĐ cho tổ chức hộ, gia đình, cá nhân, cộng
đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
- Giúp việc cho Ban chỉ đạo cấp tỉnh
có Tổ giúp việc do Sở Nông nghiệp &PTNT đề nghị thành lập, UBND tỉnh quyết
định.
2. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông
thôn
- Sở Nông nghiệp &PTNT chủ trì chịu
trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án giao rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn
2018-2021.
- Tham mưu UBND tỉnh bổ sung nhiệm vụ chỉ đạo thực
hiện Đề án cho Ban chỉ đạo cấp tỉnh về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh
Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020 và thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện Đề
án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp tỉnh Nghệ An; Ban hành Quy chế hoạt động
của tổ giúp việc, để điều hành thực hiện Đề án giao rừng.
- Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND
tỉnh kế hoạch kinh phí giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp hàng năm, phân bổ cho các hạt
Kiểm lâm cấp huyện
để triển khai thực hiện.
- Phối hợp với sở Tài nguyên và Môi
trường trong quá trình thực hiện Đề án giao rừng, xử lý các vướng mắc liên quan
thuộc trách nhiệm của các Sở.
- Phối hợp với UBND cấp huyện trong việc
triển khai thực hiện Đề án giao rừng:
- Thường xuyên kiểm tra đôn đốc; xử lý
những tồn tại, khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Đề án giao rừng tại các địa
phương, tổng hợp báo cáo tiến độ thực hiện Đề án hàng năm và đột xuất theo quy
định.
- Các nhiệm vụ phát sinh liên quan
khác.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn
theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT
ngày 29/01/2011 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài nguyên và
Môi trường.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp
&PTNT chỉ đạo thực hiện Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp; hướng
dẫn nghiệp vụ về giao đất, cấp giấy chứng nhận QSD đất lâm nghiệp.
- Chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực
hiện việc giao đất, gắn với giao rừng; hướng dẫn Phòng tài nguyên môi trường cấp
huyện về chuyên môn nghiệp vụ giao đất lâm nghiệp và cách ghi chép trên
GCN-QSDĐ lâm nghiệp.
- Cử cán bộ tham gia tổ công tác giao
rừng giúp việc Ban chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện Đề án giao rừng, gắn với giao đất
lâm nghiệp tỉnh Nghệ An.
- Các nhiệm vụ phát sinh liên quan
khác.
4. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp
và PTNT tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí theo kế hoạch hàng năm,
trình HĐND tỉnh thông qua theo quy định và giao cho đơn vị Chi cục Kiểm lâm chủ
trì thực hiện Đề án.
- Tham mưu nguồn kinh phí để thực hiện
Đề án giao rừng trong thời gian còn lại của năm 2018.
- Hướng dẫn, kiểm tra, thanh toán, quyết
toán việc sử dụng kinh phí giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp theo đúng quy định
hiện hành của Nhà nước.
- Các nhiệm vụ phát sinh liên quan
khác.
5. Tổ giúp việc cấp tỉnh
Tham mưu giúp việc cho Ban chỉ đạo cấp
tỉnh tổ chức thực
hiện Đề án giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp GCN-QSDĐ lâm nghiệp tỉnh
Nghệ An gồm những nội dung chính sau:
- Xây dựng kế hoạch giao rừng hàng năm
tại các địa phương để phân bổ các nguồn lực cho các địa phương thực hiện;
- Tham mưu chỉ đạo triển khai công tác
tuyên truyền, quán triệt nội dung Đề án này đến các địa phương cấp huyện, cấp xã
và các thôn bản, tổ dân cư;
- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội
ngũ cán bộ kỹ thuật nòng cốt tại các địa phương để triển khai thực hiện Đề án giao rừng.
- Tổ chức kiểm tra, xử lý những vấn đề
vướng mắc liên quan đến thực hiện Đề án giao rừng tại địa phương.
- Thẩm định hồ sơ phương án giao rừng
gắn với giao đất lâm nghiệp của các địa phương cấp xã, khi có đề nghị các đơn vị
cơ sở.
- Tổ chức kiểm tra đôn đốc định kỳ và
kiểm tra nghiệm thu công tác giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp theo Phương
án của cấp xã được duyệt.
- Tổng hợp kết quả thực hiện,
báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh về tiến độ thực hiện Đề án giao rừng gắn với giao đất
lâm nghiệp của các địa phương.
- Các nhiệm vụ phát sinh liên quan
khác.
6. Chi cục Kiểm lâm
Chi cục Kiểm lâm có nhiệm vụ tham mưu
cho Sở Nông nghiệp &PTNT thực hiện các nhiệm vụ tại Mục 1, Điều 2, Quyết định
này; Là đơn vị chủ trì (chủ đầu tư), triển khai thực hiện Đề án, gồm các nhiệm vụ
chính sau:
- Tham mưu Sở Nông nghiệp &PTNT và
UBND tỉnh tổ chức hội nghị toàn tỉnh triển khai nội dung Đề án.
- Tham mưu Sở Nông nghiệp &PTNT
thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện Đề án; Ban hành quy
chế hoạt động và tổ chức họp triển khai nhiệm vụ của tổ giúp việc Ban chỉ đạo.
- Chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các hạt
Kiểm lâm cấp huyện thực hiện nội dung Đề án trên địa bàn huyện;
- Hướng dẫn xây dựng kế hoạch thực hiện
Đề án hàng năm tại các địa phương để phân bổ các nguồn lực cho các địa phương
thực hiện;
- Chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công
tác tuyên truyền, quán triệt nội dung Đề án này đến các địa phương cấp huyện, cấp
xã và các thôn bản, tổ dân cư;
- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội
ngũ cán bộ kỹ thuật nòng cốt tại các địa phương để triển khai thực hiện Đề án
giao rừng.
- Tham mưu cho Sở Nông nghiệp
&PTNT, phối hợp với UBND cấp huyện, Ban chỉ đạo kiểm tra, xử lý những vấn đề
vướng mắc liên quan đến thực hiện Đề án tại địa phương.
- Tham mưu Chương trình làm việc với
các địa phương có diện tích rừng lớn, để phối hợp triển khai Đề án giao rừng tại
địa phương, đồng thời giải quyết các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá
trình thực hiện Đề án.
- Tham mưu cho ý kiến thẩm định phương
án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp của các địa phương cấp xã, khi có đề
nghị các đơn vị cơ sở.
- Tổ chức kiểm tra đôn đốc định kỳ và
kiểm tra nghiệm thu công tác giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp theo Phương
án của cấp xã được duyệt.
- Tham mưu Sở Nông nghiệp &PTNT
báo cáo tiến độ thực hiện Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp của các địa
phương.
- Các nhiệm vụ phát sinh liên quan
khác.
7. UBND các huyện, thành phố, thị xã
(UBND cấp huyện)
UBND cấp huyện thực hiện thẩm quyền
giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp, cấp GCN-QSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân,
cộng đồng dân cư; chịu trách nhiệm về việc thực hiện Đề án giao rừng trên địa
bàn cấp huyện với các nội dung sau:
- Ban hành văn bản giao nhiệm vụ hạt
Kiểm lâm, phòng Tài nguyên Môi trường và UBND cấp xã phối hợp thực hiện Đề án
giao rừng, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của địa phương.
- Chỉ đạo công tác phối hợp
giữa hạt Kiểm lâm và phòng Tài nguyên Môi trường triển khai Đề án giao rừng. Kiểm
tra xử lý những vướng mắc trong từng bước công việc của Đề án giao rừng.
- Tổ chức hội nghị quán triệt triển
khai Đề án giao rừng trên địa bàn huyện và tuyên truyền chủ trương, giao đất,
giao rừng đến từng địa bàn xã và thôn bản nơi có rừng.
- Chỉ đạo Tổ chức hội nghị tập huấn
cho tổ công tác giúp việc của huyện và cán bộ Kiểm lâm, địa chính tại các địa
phương làm công tác giao rừng.
- Chỉ đạo việc bàn giao tài liệu địa
chính từ phòng Tài nguyên Môi trường cho hạt Kiểm lâm để xây dựng kế hoạch giao
rừng.
- Tổ giúp việc giao rừng cấp huyện, phối
hợp với UBND cấp xã xây dựng phương án giao rừng cấp xã, trình thẩm định, phê
duyệt để triển khai thực hiện.
- Thực hiện trình tự các bước giao rừng
theo phương án giao rừng cấp xã được duyệt. Sau khi hoàn thành bước giao rừng,
hạt Kiểm lâm bàn
giao hồ sơ kết quả
giao rừng cho Phòng Tài nguyên Môi trường, (có biên bản xác nhận bàn giao báo
cáo UBND cấp huyện biết để chỉ đạo).
- Ký và cấp GCN-QSDĐ có ghi thông tin
giao rừng đất cho hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư theo quy định.
- Các nhiệm vụ phát sinh liên quan
khác.
8. Thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện
a) Thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện:
UBND huyện có quyết định giao và bổ
sung nhiệm vụ chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm
nghiệp trên địa bàn huyện cho Ban chỉ đạo cấp huyện về Chương trình mục tiêu
phát triển lâm nghiệp bền vững huyện giai đoạn 2016 - 2020, Ban hành quy chế hoạt
động (không thành lập mới Ban chỉ đạo).
b) Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo cấp huyện
- Chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án giao
rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp GCN-QSDĐ trên địa bàn huyện.
- Chỉ đạo công tác phối hợp giữa hạt
Kiểm lâm và phòng Tài nguyên Môi trường triển khai thực hiện Đề án giao rừng.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc xử lý những vướng mắc trong từng bước công việc
của Đề án giao rừng.
- Giúp việc cho Ban chỉ đạo cấp huyện
có Tổ giúp việc do UBND cấp huyện thành lập trên cơ sở đề xuất của hạt Kiểm lâm huyện.
- Các nhiệm vụ phát sinh liên quan
khác.
9. Tổ giúp việc cấp huyện
Tổ giúp việc có nhiệm vụ tham mưu triển
khai thực hiện các nhiệm vụ của Ban chỉ đạo cấp huyện và hoàn thành công tác
giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện theo mục tiêu Đề án đề ra gồm những nội
dung sau:
- Tổ chức hội nghị quán triệt triển
khai Đề án trên địa bàn huyện và tuyên truyền chủ trương giao rừng đến từng địa
bàn xã và thôn bản nơi có rừng.
- Tổ chức hội nghị tập huấn cho tổ
công tác giúp việc của huyện và cán bộ Kiểm lâm, địa chính tại các địa phương
làm công tác giao rừng.
- Xây dựng kế hoạch triển khai Đề án
giao rừng hàng năm báo cáo Chi cục Kiểm lâm tổng hợp tham mưu Sở Nông nghiệp
&PTNT và Sở Tài chính trình UBND tỉnh phân bổ kinh phí để thực hiện.
- Bàn giao tài liệu địa chính từ phòng
Tài nguyên Môi trường cho hạt Kiểm lâm để xây dựng kế hoạch giao rừng.
- Phối hợp với UBND cấp xã xây dựng
phương án giao rừng cấp xã, trình thẩm định, phê duyệt để triển khai thực hiện.
- Thực hiện trình tự các bước giao rừng
theo phương án giao rừng cấp xã được duyệt.
- Thực hiện và hoàn thành việc giao rừng,
gắn với giao đất lâm nghiệp, cấp được GCN-QSDĐ đất cho hộ gia đình cá nhân, cộng
đồng trên địa bàn huyện theo đúng tiến độ và yêu cầu chất lượng đề ra.
- Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Đề án giao rừng
trên địa bàn huyện, định kỳ 6 tháng và hàng năm theo quy định.
- Các nhiệm vụ phát sinh liên quan
khác.
10. Hạt Kiểm lâm cấp huyện
- Hạt Kiểm lâm cấp huyện chủ trì về thực
hiện Đề án trên địa
bàn huyện, trực tiếp chịu trách nhiệm thực hiện công tác giao rừng và tiến độ thực hiện
đề án trên địa bàn huyện.
- Tham mưu thành lập Ban chỉ đạo và tổ
công tác giúp việc cho Ban chỉ đạo; Ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo
và tổ công tác giao rừng cấp huyện. (Tổ giúp việc cho Ban chỉ
đạo giao rừng cấp huyện do hạt trưởng Kiểm lâm làm Tổ trưởng,
Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường làm Tổ phó và các thành
viên cử cán bộ hạt Kiểm lâm và chuyên viên
phòng Tài nguyên Môi trường tham gia).
- Xây dựng kế hoạch triển khai Đề án
hàng năm báo cáo UBND huyện và Chi cục Kiểm lâm để Chi cục kiểm lâm tổng hợp
tham mưu Sở Nông nghiệp &PTNT và Sở Tài chính trình UBND tỉnh phân bổ kinh
phí để thực hiện.
- Trên cơ sở nguồn kinh phí được giao
hàng năm, xây dựng dự toán chi tiết, trình Sở Nông nghiệp &PTNT phê duyệt;
lựa chọn đơn vị tư vấn đủ năng lực thực hiện công tác giao rừng theo phương án
được duyệt.
- Các nhiệm vụ phát sinh liên quan
khác do Chi cục Kiểm lâm và UBND huyện, ban chỉ đạo cấp huyện giao.
11. Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp
huyện
- Chủ trì tham mưu cho UBND huyện thực
hiện công tác giao đất lâm nghiệp và cấp GCN-QSDĐ.
- Thực hiện việc bàn giao tài liệu địa
chính cho hạt Kiểm lâm thực hiện việc giao rừng.
- Cử cán bộ có trình độ năng lực tốt để
tham gia Tổ giúp việc giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp do UBND huyện
thành lập.
- Căn cứ hồ sơ được bàn giao của hạt
Kiểm lâm, hoàn thiện hồ sơ cấp GCN-QSDĐ lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá
nhân; Trình UBND cấp huyện ký GCN-QSDĐ lâm nghiệp cho các chủ hộ được giao rừng,
gắn với giao đất lâm nghiệp; Tổng hợp kết quả báo cáo UBND cấp huyện.
- Các nhiệm vụ phát sinh liên quan
khác do UBND huyện và Ban chỉ đạo cấp huyện giao.
12. UBND các xã, phường, thị trấn (gọi
chung là UBND cấp xã)
Hạt Kiểm lâm cấp huyện tham mưu trực
tiếp cho Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện Đề án giao rừng, gắn với giao đất lâm
nghiệp gồm nội dung sau:
- Thành lập Hội đồng giao rừng, gắn với
giao đất lâm nghiệp trên địa bàn xã do Chủ tịch UBND xã làm Chủ tịch và các thành
viên có liên quan do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định.
- Tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ
biến chủ trương, chính sách của Nhà nước về giao rừng, gắn với giao đất lâm
nghiệp; tuyên truyền vận động nhân dân tham gia công tác giao rừng; phổ biến quán triệt
về quyền lợi và nghĩa vụ của chủ hộ được giao rừng đến mọi người dân biết hưởng ứng thực
hiện.
- Xây dựng phương án giao rừng, gắn với
giao đất lâm nghiệp và cấp GCN-QSDĐ lâm nghiệp trên địa bàn phạm vi địa giới
hành chính của xã trình hạt Kiểm lâm và Phòng Tài nguyên Môi trường thẩm định;
Trình thông qua HĐND cấp xã xem xét cho ý kiến; Hoàn thiện phương án trình UBND
cấp huyện phê duyệt để tổ chức thực hiện.
- Thực hiện các bước giao rừng, gắn với
giao đất lâm nghiệp tại địa phương. Tiếp nhận đơn và hồ sơ xin giao rừng, thẩm
định đơn xin giao rừng. Phối hợp với tổ giao đất, giao rừng cấp huyện để thực hiện
phương án giao rừng, gắn với giao đất và cấp GCN-QSDĐ lâm nghiệp trên địa bàn
xã.
- Ký xác nhận các loại hồ sơ giao rừng,
gắn với giao đất lâm nghiệp của các chủ hộ nhận đất, nhận rừng theo quy định.
Điều 3. Quyết
định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc
các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài
chính, Kế hoạch & Đầu tư; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Chủ tịch UBND
các huyện, thành phố, thị xã, Chủ tịch UBND các xã và Thủ trưởng các đơn vị có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND (để b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (để b/c);
- Phó Chủ tịch NN UBND tỉnh;
- Chánh VP, PCVPKT UBND tỉnh;
- Phòng NN VP UBND tỉnh ( A Canh);
- Lưu VT, CVNN ( D. Hùng).
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đinh Viết Hồng
|