Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 28/2020/QĐ-UBND phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tỉnh Cà Mau

Số hiệu: 28/2020/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau Người ký: Trần Hồng Quân
Ngày ban hành: 14/12/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2020/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 14 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ, về sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ, về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương;

Căn cứ Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 43/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công thương, quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương;

Căn cứ Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 218/TTr-SYT ngày 30 tháng 9 năm 2020 và ý kiến đóng góp của các đồng chí Thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH:

QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP: Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau (UBND cấp huyện); Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) và các tổ chức, cá nhân hoạt động có liên quan đến ATTP trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 3. Nguyên tắc phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

1. Trên cơ sở các quy định của Luật An toàn thực phẩm; Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Bảo đảm sự thống nhất quản lý nhà nước về ATTP giữa các ngành, các cấp có liên quan trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

3. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong lĩnh vực quản lý, trên nguyên tắc không bỏ sót, không chồng chéo trong tham mưu và tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đảm bảo xuyên suốt toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng về ATTP trên địa bàn.

4. Đảm bảo nguyên tắc một cửa, một cơ sở sản xuất, kinh doanh, một loại sản phẩm chỉ chịu sự quản lý về ATTP của một cơ quan quản lý nhà nước.

a) Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nhiều loại sản phẩm thuộc quyền quản lý của 02 cấp trở lên thì cấp trên trực tiếp quản lý.

b) Đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 02 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì cơ quan quản lý sản phẩm có sản lượng lớn nhất trong các sản phẩm của cơ sở sản xuất là cơ quan quản lý.

c) Đối với cơ sở vừa sản xuất, vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 02 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP để thực hiện các thủ tục hành chính.

5. Bảo đảm tính khoa học, đầy đủ và khả thi.

Chương II

PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

Điều 4. Sở Y tế

1. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND) thực hiện quản lý nhà nước về ATTP; là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo).

2. Chủ trì tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức thực hiện chiến lược quốc gia, quy hoạch, Kế hoạch tổng thể về ATTP; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các Chính sách, Kế hoạch, Đề án, Văn bản quy phạm pháp luật về ATTP thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

3. Là cơ quan đầu mối tổng hợp tình hình ATTP tại địa phương để báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP và các Bộ, ngành liên quan; được quyền yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về công tác quản lý ATTP.

4. Triển khai các biện pháp phòng ngừa các bệnh lây truyền qua thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, ngăn chặn sự cố về ATTP; xử lý, cấp cứu, điều trị khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan điều tra, truy xuất nguồn gốc và xử lý các vấn đề liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm.

5. Giúp UBND tỉnh quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm và các cơ sở thực phẩm theo phân cấp của UBND tỉnh (trừ Khoản 4, Điều 5 và Khoản 1, Điều 6 của Quyết định này).

6. Thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh, phân phối của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo quy định; là cơ quan đầu mối tham mưu thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tuyến tỉnh về ATTP; kiểm tra, giám sát ATTP các sản phẩm thực phẩm, sản xuất và kinh doanh trên địa bàn thuộc lĩnh vực quản lý.

7. Quản lý ATTP đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh, phân phối thuộc lĩnh vực phân công quản lý; hướng dẫn, giám sát việc áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

8. Trình cơ quan có thẩm quyền ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương, quy định điều kiện chung về bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ đối với thực phẩm đặc thù của tỉnh.

9. Bố trí đủ nguồn lực làm công tác quản lý về ATTP tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

10. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau là đơn vị tham mưu giúp Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau quản lý nhà nước về lĩnh vực ATTP, bao gồm:

a) Thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định số 1134/QĐ-UBND ngày 22/6/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh, về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 22/QĐ-UBND ngày 06/01/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, về việc Tổ chức lại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau (trừ Điều 16 và Điều 17 của Quyết định này).

b) Cấp và thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với các cơ sở thực phẩm; các cơ sở có sản phẩm tự công bố và công bố sản phẩm; các cơ sở có Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và tương đương trở lên cấp.

11. Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch hàng năm thực hiện theo Chương trình phối hợp giữa UBND tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau về ATTP.

12. Thực hiện nhiệm vụ khác có liên quan đến ATTP theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Điều 5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chủ trì tham mưu trình UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện các Chính sách, Kế hoạch, Đề án, Văn bản quy phạm pháp luật về ATTP thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

2. Giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về ATTP đối với nước đá sử dụng để bảo quản, chế biến sản phẩm thuộc lĩnh vực theo phân công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sản xuất ban đầu nông, lâm, thủy sản, muối bao gồm: Quá trình trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch, đánh bắt, khai thác nông, lâm, thủy sản, muối; hoạt động giết mổ theo phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thẩm quyền của UBND tỉnh.

3. Thực hiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nông, lâm, thủy sản, muối theo phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thẩm quyền của UBND tỉnh.

4. Thực hiện quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trừ Khoản 10, Điều 4 của Quyết định này), bao gồm:

a) Tàu cá;

b) Cảng cá;

c) Cơ sở nuôi trồng thủy sản;

d) Cơ sở thu gom, sơ chế nhỏ lẻ gia súc, gia cầm;

đ) Chợ đầu mối, chợ đấu giá thực phẩm có nguồn gốc động vật;

e) Kho lạnh bảo quản động vật, sản phẩm động vật tươi sống, sơ chế, chế biến;

f) Cơ sở sơ chế động vật; chợ đầu mối, chợ đấu giá, cơ sở chuyên kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật;

g) Cơ sở trồng trọt rau, củ, quả có gắn hoạt động sơ chế, làm sạch;

h) Cơ sở giết mổ tập trung.

5. Thực hiện quản lý theo Thông tư số 39/2018/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Hướng dẫn kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm muối nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

6. Tổ chức thanh tra, kiểm tra sản phẩm và các cơ sở sản xuất thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định tại Khoản 2, 3, 4, 5 của Điều này.

7. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về ATTP, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi được phân công quản lý tại Khoản 2, 3, 4, 5 của Điều này.

8. Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan trong điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố ATTP, ngộ độc thực phẩm.

9. Hướng dẫn xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

10. Định kỳ, đột xuất báo cáo kết quả công tác ATTP theo lĩnh vực được phân công về cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh (qua Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế) theo quy định.

11. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch hàng năm về thực hiện Chương trình phối hợp giữa UBND tỉnh với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Cà Mau về ATTP thuộc lĩnh vực của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được phân công, phân cấp quản lý.

12. Thực hiện nhiệm vụ khác liên quan đến ATTP theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Điều 6. Sở Công thương

1. Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố Cà Mau tổ chức triển khai thực hiện phát triển và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh và các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực của ngành.

2. Định kỳ, đột xuất tổng hợp báo cáo tình hình hoạt động theo lĩnh vực được phân công về cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh (qua Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế) theo quy định.

Điều 7. Công an tỉnh

1. Điều tra, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về ATTP khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm.

2. Phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất về ATTP. Kiểm soát ngăn chặn việc vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm không đảm bảo an toàn và thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn.

3. Định kỳ, đột xuất báo cáo kết quả công tác kiểm tra ATTP về cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh (qua Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế) theo quy định.

Điều 8. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng Kế hoạch định kỳ tổ chức thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và bếp ăn tập thể của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT).

2. Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan giám sát môi trường lao động; theo dõi, đánh giá tình hình sức khỏe và thực hiện công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe đối với người lao động; đảm bảo dự phòng và điều trị, điều tra, can thiệp y tế kịp thời đối với các trường hợp ngộ độc thực phẩm, ngộ độc trong môi trường làm việc và các loại dịch bệnh đối với người lao động trong KCN, KKT.

Điều 9. Sở Giáo dục và Đào tạo

1. Chịu trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể, căn tin, các cơ sở hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn cho trường học phải bảo đảm đủ điều kiện ATTP, thường xuyên giám sát các điều kiện đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể trong các cơ sở giáo dục. Kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định cung ứng dịch vụ ăn uống cho các trường trực thuộc. Triển khai các mô hình điểm bếp ăn tập thể bảo đảm ATTP cho các trường.

2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức về ATTP trong trường học, huy động giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh tham gia tích cực vào công tác bảo đảm ATTP tại trường học.

3. Chủ động phối hợp với Sở Y tế trong kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể tại các trường học, cơ sở giáo dục; điều tra, truy xuất nguồn gốc, khắc phục và giải quyết hậu quả ngộ độc thực phẩm tại các trường học, cơ sở giáo dục.

Điều 10. Sở Khoa học và Công nghệ

1. Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan, rà soát các quy định liên quan đến đo lường chất lượng, tiêu chuẩn và nhãn sản phẩm thực phẩm; khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào lĩnh vực ATTP.

2. Quản lý nhà nước, chủ trì thanh, kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ về thực phẩm thuộc phạm vi chức năng của Sở Khoa học và Công nghệ theo quy định của pháp luật.

3. Quản lý, phối hợp quản lý và nâng cao năng lực tổ chức kiểm nghiệm thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

4. Định kỳ, đột xuất thực hiện việc mua mẫu thực phẩm lưu thông trên thị trường để thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng, báo cáo kết quả cho Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh (qua Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế) và các đơn vị có liên quan.

Điều 11. Sở Thông tin và Truyền thông

1. Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ban, ngành liên quan tăng cường hướng dẫn chỉ đạo các cơ quan báo chí, Cổng Thông tin điện tử tỉnh để đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức về các quy định của pháp luật và hoạt động đảm bảo ATTP cho nhân dân.

2. Chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin; Trung tâm văn hóa, Truyền thông và Thể thao các huyện, thành phố Cà Mau để tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật, các hoạt động về đảm bảo ATTP trên địa bàn.

3. Quản lý việc quảng cáo thực phẩm; phối hợp các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố Cà Mau trong kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về nội dung quảng cáo thực phẩm.

Điều 12. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Quản lý nhà nước các hoạt động quảng cáo ngoài trời liên quan đến ATTP.

2. Phối hợp tuyên truyền đảm bảo ATTP tại các cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ; các khu/điểm du lịch có kinh doanh dịch vụ ăn uống đảm bảo đủ điều kiện ATTP theo quy định của pháp luật; tuyên truyền các thông điệp về ATTP tại các Lễ hội, điểm tập trung đông người và các đầu mối giao thông, văn hóa, văn minh tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Điều 13. Sở Nội vụ

Phối hợp với các Sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện bố trí biên chế làm công tác quản lý nhà nước về ATTP trong tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

Điều 14. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án trong lĩnh vực ATTP theo quy định hiện hành.

Điều 15. Sở Tài chính

Rà soát, đối chiếu trên cơ sở thống nhất về dự toán kinh phí của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh cho các hoạt động ATTP trên địa bàn tỉnh theo nhiệm vụ, chức năng được giao cho Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sở Tài chính tổng hợp dự toán kinh phí hàng năm trình cấp thẩm quyền theo quy định.

Điều 16. UBND cấp huyện

1. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về quản lý ATTP trên địa bàn.

2. Chủ tịch UBND huyện, thành phố Cà Mau là Trưởng Ban Chỉ đạo về vệ sinh an toàn thực phẩm cấp huyện, chỉ đạo hoạt động quản lý nhà nước về ATTP của UBND xã, phường, thị trấn; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quản lý về ATTP của cấp dưới; bố trí nguồn nhân lực; bố trí nguồn lực cho các cơ quan chuyên môn để thực hiện quản lý nhà nước về ATTP; xử lý cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý thuộc lĩnh vực được phân công; tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP theo quy định; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và pháp luật khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP thuộc phạm vi quản lý.

3. Tổ chức triển khai thực hiện các quy định của Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND tỉnh về ATTP trong phạm vi quản lý, báo cáo kịp thời tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý ATTP trên địa bàn về Ban Chỉ đạo tỉnh.

4. Chủ trì thực hiện hoặc phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức triển khai các Chương trình, Đề án, Dự án về ATTP; xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn.

5. Triển khai các biện pháp phòng ngừa các bệnh lây truyền qua thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, ngăn chặn sự cố về ATTP; phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ban, ngành có liên quan trong điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.

6. Thực hiện công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP cho nhân dân; thực hiện giám sát mối nguy thực phẩm và cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm; phối hợp với ngành Y tế tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ làm công tác ATTP tuyến dưới.

7. Cấp và thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn do cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trừ cơ sở có sản phẩm tự công bố và công bố sản phẩm); tổ chức thẩm định cơ sở, ký cam kết đảm bảo ATTP theo quy định đối với các cơ sở thực phẩm trên địa bàn thuộc đối tượng quản lý; tập huấn kiến thức ATTP theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân, bao gồm:

a) Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do UBND huyện/thành phố cấp hoặc không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh quy mô từ 50 - 200 suất ăn/lần phục vụ.

b) Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong các khu du lịch, lễ hội, các chợ dân sinh thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện.

c) Các cơ sở thực phẩm do cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

d) Tổ chức quản lý các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khai thác, sản xuất muối,...) thuộc địa bàn quản lý.

8. Phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với các cơ sở thực phẩm, ban hành Quyết định thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành tuyến huyện về ATTP; kiểm tra và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về ATTP theo phân cấp quản lý (tại Khoản 7, Điều 16 của Quyết định này).

9. Định kỳ, đột xuất báo cáo kết quả công tác ATTP trên địa bàn về cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh (qua Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế) theo quy định.

10. Đảm bảo nhân lực thực hiện công tác quản lý ATTP trên địa bàn.

11. Trung tâm Y tế huyện, thành phố là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo huyện, thành phố, tham mưu và chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện quản lý nhà nước về ATTP và thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan theo phân cấp quy định.

12. Thực hiện nhiệm vụ khác về ATTP theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Điều 17. UBND cấp xã

1. Chịu trách nhiệm trước UBND cấp huyện về ATTP trên địa bàn quản lý.

2. Tổ chức, điều hành Ban Chỉ đạo cấp xã. Thực hiện các quy định của pháp luật và UBND cấp trên về công tác ATTP.

3. Triển khai các biện pháp phòng ngừa các bệnh lây truyền qua thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, ngăn chặn sự cố về ATTP; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.

4. Thực hiện công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP cho nhân dân trên địa bàn; thực hiện giám sát mối nguy thực phẩm và cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

5. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với các cơ sở thực phẩm; ban hành Quyết định thành lập các Đoàn thanh tra liên ngành tuyến xã về ATTP; tổ chức thẩm định cơ sở thực phẩm; kiểm tra và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về ATTP theo phân cấp quản lý.

6. Thực hiện hoặc phối hợp tổ chức triển khai các Chương trình, Dự án, Đề án về ATTP.

7. Quản lý ATTP đối với:

a) Các cơ sở thực phẩm không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận doanh nghiệp, chứng nhận đầu tư trên địa bàn.

b) Các cơ sở thực phẩm không có địa điểm cố định.

c) Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô dưới 50 suất ăn/lần phục vụ.

d) Cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong các khu du lịch, lễ hội, các chợ dân sinh, các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp xã.

đ) Các hoạt động đông người ăn uống (từ 30 người trở lên) tại các hộ gia đình như: Đám cưới, đám hỏi, đám giỗ, đám tang, mừng thọ...

e) Các dịch vụ nấu ăn (phục vụ đám tiệc) theo yêu cầu.

8. Tổ chức ký cam kết đảm bảo ATTP đối với các cơ sở thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý tại các xã xét công nhận nông thôn mới.

9. Đảm bảo nhân lực thực hiện công tác quản lý ATTP.

10. Trạm Y tế, Phòng khám đa khoa khu vực là bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo xã, tham mưu giúp UBND cấp xã quản lý nhà nước về ATTP và thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan theo phân cấp quy định.

11. Định kỳ, đột xuất báo cáo kết quả công tác ATTP về UBND cấp huyện theo quy định.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Quy định chuyển tiếp

1. Các Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Giấy xác nhận kiến thức về ATTP và các Giấy chứng nhận khác được cấp trước đây vẫn còn giá trị cho đến khi hết hiệu lực được ghi trong giấy.

2. Trường hợp các Văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu trong quy định này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng thực hiện theo quy định mới tại các Văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Điều 19. Tổ chức thực hiện

1. Giao Sở Y tế chủ trì, triển khai, hướng dẫn, kiểm tra và giám sát thực hiện Quyết định này. Định kỳ 06 tháng và hằng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh.

2. Các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định này.

3. Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Điều 20. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021 và bãi bỏ một phần Khoản 1, Điều 1 của Quyết định số 281/QĐ-UBND ngày 27/02/2019 của UBND Cà Mau, về việc phân công thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau về: Tiếp nhận, thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện ATTP và cấp Giấy xác nhận kiến thức về ATTP thuộc Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý trước đây.

2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương gửi Công văn phản ánh về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- VPCP (báo cáo);
- Các Bộ; Y tế, CT, NN&PTNT (báo cáo);
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh (báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố Cà Mau;
- Công báo tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- UBND xã, phường, thị trấn;
- Lưu: HCTC, KGVX.52, L30/12.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hồng Quân

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 28/2020/QĐ-UBND ngày 14/12/2020 quy định về phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.444

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.115.125
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!