VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 333/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 10
tháng 12 năm 2021
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI CUỘC HỌP VỀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MƯA LŨ TẠI CÁC TỈNH
MIỀN TRUNG, TÂY NGUYÊN
Ngày 05 tháng 12 năm 2021, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về khắc phục hậu quả mưa lũ
tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng
Chính phủ: Lê Minh Khái và Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và đại diện lãnh đạo các Bộ,
cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc
phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Y tế,
Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Ban
chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên
tai, tìm kiếm cứu nạn. Dự tại các điểm cầu địa phương có Chủ tịch Ủy ban nhân
dân và Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Thừa
Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk.
Sau khi nghe báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về
phòng, chống thiên tai về tình hình thiên tai từ đầu năm 2021, công tác chỉ đạo
ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung và Tây Nguyên từ ngày 27
tháng 11 đến ngày 01 tháng 12 năm 2021, báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các tỉnh, ý kiến của lãnh đạo các Bộ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ kết luận và chỉ đạo như sau:
1. Biến đổi khí hậu đã tác động rõ rệt đến thời tiết,
thiên tai. Gần đây, thiên tai ngày càng bất thường, cực đoan, không theo quy luật,
xảy ra ở mọi nơi, mọi thời điểm. Trong hai tháng 10, 11 năm 2021, đặc biệt những
ngày vừa qua, miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục xảy ra mưa lũ lớn, một số nơi ở
Bình Định, Phú Yên đỉnh lũ gần tương đương mức lũ lịch sử, gây ngập lụt diện rộng,
thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản
xuất của người dân (theo thống kê, mưa lũ đã làm 19 người chết, trên 97.000
ngôi nhà bị ngập, gần 2.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; trên 1.000 gia súc,
gần 70.000 gia cầm bị chết, cuốn trôi; nhiều tuyến giao thông, công trình thủy
lợi, phòng, chống thiên tai bị sạt lở, hư hỏng, ách tắc giao thông).
2. Nguy cơ mưa lũ lớn đã được dự báo, cảnh báo từ sớm,
thông tin kịp thời; Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai
và các bộ, ngành có liên quan đã chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó;
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện, thường xuyên chỉ đạo các ngành, địa
phương tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, giao lãnh đạo cơ quan có
trách nhiệm trực tiếp thăm hỏi, phối hợp với địa phương khắc phục hậu quả; Bí
thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo, triển khai
quyết liệt các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả; huy động lực lượng quân đội,
công an và lực lượng khác trên địa bàn chủ động tổ chức sơ tán, di dời khẩn cấp
hàng nghìn hộ dân ở vùng bị ngập sâu, vùng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an
toàn, góp phần giảm thiệt hại do mưa lũ.
3. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính
phủ chia sẻ những đau thương, mất mát, gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất
đến gia đình những người bị thiệt mạng do mưa lũ vừa qua; chia sẻ khó khăn, vất
vả của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng lũ. Đồng thời, ghi
nhận, biểu dương cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền, lực lượng làm công
tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, lực lượng vũ trang trên
địa bàn, nhất là người dân đã chủ động, nhanh chóng, kịp thời ứng phó mưa lũ,
góp phần giảm thiệt hại về người và tài sản.
4. Qua đợt thiên tai vừa xảy ra cần lưu ý một số vấn
đề trong công tác chỉ đạo, tổ chức ứng phó thiên tai:
- Trong bối cảnh chịu tác động kép của thiên tai và
dịch bệnh, vừa ứng phó với thiên tai, vừa phải tập trung phòng chống dịch
COVID-19 dẫn tới nguồn lực, lực lượng bị phân tán, đòi hỏi phải nắm chắc tình
hình, lãnh đạo, chỉ đạo nhanh nhạy, kịp thời, linh hoạt, chính xác; phối hợp nhịp
nhàng, hiệu quả giữa các lực lượng, các bộ, ngành, địa phương; tuyệt đối không
được chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống thiên tai.
- Thiên tai ngày càng bất thường, khó đoán định, phải
luôn đề cao cảnh giác, nâng cao năng lực dự báo, ứng phó, ý thức của người dân,
chủ động lực lượng ứng phó nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại do thiên tai.
- Công tác phòng, chống thiên tai cần có cách tiếp
cận toàn dân, để người dân chủ động vào cuộc dưới sự tổ chức, chỉ đạo của cấp ủy
đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Phải lấy người dân
là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực trong công tác phòng, chống
thiên tai.
- Phải rà soát quy trình chỉ đạo, chỉ huy ứng phó
thiên tai, phối hợp chặt chẽ trong vận hành liên hồ chứa đảm bảo khoa học, phù
hợp với thực tiễn, thông suốt. Việc xả lũ của các hồ chứa phải được phối hợp nhịp
nhàng, thông tin kịp thời, có dự lệnh, động lệnh để các địa phương và người dân
ở vùng hạ du các hồ chứa chủ động ứng phó. Ngoài kịch bản vận hành xả lũ chung
của cả hệ thống, mỗi hồ chứa còn phải có các kịch bản phù hợp với đặc điểm
riêng.
- Hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu
ứng phó với thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhất là ứng phó mưa lũ lớn;
nhiều công trình còn gây cản lũ, thường xảy ra ngập, sạt lở khi mưa lũ (nhất là
hệ thống cầu trên các tuyến giao thông liên huyện, liên tỉnh, vùng núi); công
tác dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai còn yếu; trang thiết bị hỗ
trợ ra quyết định, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu.
5. Các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:
a) Nhiệm vụ cấp bách trước mắt:
- Tập trung nâng cao năng lực, chất lượng công tác
dự báo, cảnh báo thiên tai, đảm bảo kịp thời, chính xác để các địa phương và
nhân dân biết, chủ động đề phòng.
- Tập trung hỗ trợ bảo đảm cuộc sống cho người dân
sau mưa lũ, không để người dân thiếu đói, thiếu chỗ ở và các điều kiện sinh hoạt
thiết yếu, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ. Đề nghị các Tỉnh ủy chỉ đạo
cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhất là cấp cơ sở rà soát, nắm rõ các hộ cần cứu
trợ khẩn cấp, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho các hộ
có nguy cơ thiếu đói, nhất là những hộ có người chết, bị thương, hộ có nhà bị sập,
đổ, trôi, mất tài sản sau mưa lũ, hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn.
- Khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, huy động
lực lượng quân đội, công an, đoàn thanh niên, lực lượng xung kích ở cơ sở hỗ trợ
nhân dân sửa chữa nhà cửa, xử lý vệ sinh môi trường sau lũ; khôi phục cung cấp
điện, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc, bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người
dân; khắc phục nhanh công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là giao thông, thủy
lợi, y tế, giáo dục bị hư hỏng, chuẩn bị giống cây, con, vệ sinh đồng ruộng để
sớm đưa học sinh trở lại trường học, từng bước khôi phục sản xuất, ổn định đời
sống cho người dân.
- Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để bổ sung,
hoàn thiện các quy định, phương án phòng chống thiên tai; rà soát, hoàn thiện
quy trình vận hành hồ đập phù hợp với điều kiện đặc thù của từng hồ, từng lưu vực.
b) Về lâu dài, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức nghiên cứu,
đánh giá toàn diện, khoa học, bài bản về tình hình thiên tai ở miền Trung và
Tây Nguyên, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp căn cơ, lâu dài, hiệu quả để chủ
động thích ứng, bảo đảm an toàn, từng bước ổn định cuộc sống cho người dân khu
vực miền Trung và Tây Nguyên, cập nhật, hoàn thiện vào Chương trình tổng thể
phòng, chống thiên tai quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm
2022.
c) Phân công nhiệm vụ cụ thể đối với một số Bộ, ngành
- Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Bộ Y tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao kịp thời xử lý, trình cấp có
thẩm quyền xử lý kiến nghị cứu trợ khẩn cấp của các địa phương liên quan đến
hàng dự trữ quốc gia, nhất là gạo, thuốc men, hóa chất khử trùng, xử lý nguồn
nước, môi trường.
- Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo khắc phục ngay các
tuyến giao thông trọng yếu, bảo đảm cho hoạt động vận chuyển hàng hóa thiết yếu,
hàng cứu trợ, đồng thời bảo đảm an toàn giao thông cho người dân.
- Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thực hiện
công tác tiêu độc khử trùng, xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường, không để bùng
phát dịch bệnh sau lũ, nhất là dịch COVID-19.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo vệ sinh trường lớp,
khắc phục công trình bị hư hỏng, hỗ trợ bổ sung sách vở, đồ dùng, thiết bị phục
vụ dạy và học, tạo điều kiện để học sinh sớm trở lại trường.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo
chuẩn bị giống vật nuôi, cây trồng để hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương khôi
phục sản xuất nhằm sớm ổn định đời sống người dân sau lũ; chỉ đạo kiểm tra, rà
soát, kịp thời sửa chữa các hồ đập thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ.
- Bộ Công Thương chỉ đạo khôi phục hệ thống điện, sản
xuất công nghiệp; có phương án bảo đảm cung ứng hàng hóa, kiểm soát thị trường,
không để xảy ra khan hiếm hàng dẫn tới tăng giá bất hợp lý, tiêu thụ hàng giả,
kém chất lượng. Chỉ đạo rà soát, kiểm tra các hồ đập thủy điện, kịp thời sửa chữa
khắc phục các sự cố hồ đập để bảo đảm an toàn.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với
địa phương rà soát các hộ dân bị ảnh hưởng mưa lũ, kịp thời đề xuất hỗ trợ
lương thực, không để người dân thiếu đói, sớm ổn định đời sống.
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo chức năng nhiệm vụ
chỉ đạo sẵn sàng lực lượng chi viện, hỗ trợ địa phương và nhân dân khắc phục
nhanh hậu quả mưa lũ theo đề nghị của các địa phương và bảo đảm an ninh, trật tự,
kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, không để phức tạp tình hình.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo nâng cao chất
lượng công tác dự báo thiên tai, nhất là dự báo mưa lũ tại miền Trung, Tây
Nguyên; tổ chức thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc vận hành xả lũ của các hồ chứa
nước vừa qua, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm trong vận hành (nếu có); tổ
chức rà soát các quy trình vận hành liên hồ chứa để kịp thời điều chỉnh, bảo đảm
vận hành khoa học, hợp lý, hiệu quả, khắc phục những bất cập trong vận hành
liên hồ.
6. Về đề xuất, kiến nghị hỗ trợ khẩn cấp của các địa
phương:
- Về hỗ trợ gạo cứu đói: Giao Bộ Tài chính trước mắt
xuất cấp 3.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho 03 tỉnh: Quảng Ngãi,
Bình Định, Phú Yên (mỗi tỉnh 1.000 tấn) để thực hiện cứu trợ cho người dân vùng
lũ có nguy cơ thiếu đói; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh chịu trách nhiệm chỉ
đạo, tổ chức cứu trợ bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng. Giao Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn
trương rà soát, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ gạo của các địa phương, trình Thủ tướng
Chính phủ xem xét, quyết định theo đúng quy định của pháp luật.
- Về hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ sản xuất
nông nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ: Các địa phương triển khai thực hiện theo
đúng quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 và Nghị định
số 02/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ.
- Về hỗ trợ thuốc khử trùng, hóa chất xử lý nước,
môi trường: Giao Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức
năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương xử lý hỗ trợ các địa phương theo quy định.
- Về khắc phục khẩn cấp công trình hạ tầng thiết yếu
bị thiệt hại: Trước mắt, địa phương chủ động bố trí từ nguồn ngân sách địa
phương để triển khai thực hiện. Trường hợp địa phương khó khăn, Ban chỉ đạo quốc
gia về phòng chống thiên tai chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch
và Đầu tư, Lao động - Thương Binh và Xã hội và các cơ quan liên quan rà soát cụ
thể, tổng hợp nhu cầu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định
theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và pháp luật về ngân
sách nhà nước.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan biết,
thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: NN&PTNT, KHĐT, TC, QP, CA, TNMT, GTVT, CT, YT, GDĐT, LĐTBXH;
- Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT;
- Ủy ban QG ứng phó sự cố thiên tai và TKCN;
- Tỉnh ủy, UBND các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,
Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk.
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: KTTH, CN, NN, NC, QHĐP;
- Lưu: VT, NN (2).NXT
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Cao Lục
|