BỘ TƯ PHÁP
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2175/QĐ-BTP
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 11 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH ĐỀ ÁN NÂNG CAO VAI TRÒ, VỊ TRÍ CỦA BỘ TƯ PHÁP TẠI
PHÁI ĐOÀN ĐẠI DIỆN THƯỜNG TRỰC CỦA VIỆT NAM BÊN CẠNH LIÊN HỢP QUỐC, TỔ CHỨC
THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI VÀ CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ KHÁC TẠI GIƠ-NE-VƠ GIAI ĐOẠN
2025-2035
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Nghị định số
98/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ
Pháp luật quốc tế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Nâng cao vai trò, vị trí của Bộ Tư pháp
tại Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức
Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ- ne-vơ giai đoạn
2025-2035”.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3.
Quyết định này thay thế Quyết định số 2277/QĐ-BTP ngày 12/9/2013 của Bộ trưởng
Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án Nâng cao vai trò, vị trí của Bộ Tư pháp tại Phái
đoàn đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại
thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ.
Điều 4.
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ
trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng các
đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Cổng TĐTT Bộ Tư pháp (để đăng tải);
- Lưu: VT, Vụ PLQT ( PL ).
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Hải Ninh
|
ĐỀ ÁN
NÂNG CAO VAI TRÒ, VỊ TRÍ CỦA BỘ TƯ PHÁP TẠI PHÁI ĐOÀN ĐẠI DIỆN
THƯỜNG TRỰC CỦA VIỆT NAM BÊN CẠNH LIÊN HỢP QUỐC, TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI VÀ
CÁC TỔ CHỨC QUỐC TẾ KHÁC TẠI GIƠ-NE-VƠ GIAI ĐOẠN 2025-2035
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 2175/QĐ-BTP ngày 15 tháng 11 năm 2024
của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
I. CƠ SỞ
CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ VÀ THỰC TIỄN
Sau khi trở thành thành viên thứ
150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào ngày 07 tháng 01 năm 2007, Việt
Nam có các quyền, nghĩa vụ pháp lý phát sinh từ hệ thống các Hiệp định của WTO
và các cam kết bổ sung tại Báo cáo của Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập
WTO (sau đây gọi tắt là “Báo cáo Ban Công tác”). Là thành viên WTO, tổ chức
đa phương lớn nhất về thương mại quốc tế,[1] Việt Nam cần tham gia đầy đủ, tích cực và trách nhiệm vào các
hoạt động của WTO.
Ngày 08/04/2009, Thủ tướng
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2009/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phái đoàn. Theo Quyết định này và theo Luật về
Cơ quan đại diện CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài năm 2009, trong cơ cấu tổ chức của
Phái đoàn có “Phòng WTO và các vấn đề hợp tác thương mại đa phương”. Trên cơ sở
Quyết định số 51/2009/QĐ-TT, đại diện của Bộ Tư pháp trở thành một thành viên của
Phái đoàn và được bố trí công tác thuộc Phòng WTO. Bên cạnh đó, năm 2013,
trên cơ sở phân công của Chính phủ, Bộ Tư pháp trở thành Cơ quan đầu mối thực
thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị tại Việt Nam (Công văn số
665/VPCP-NC-m ngày 11/04/2013 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo
của Thủ tướng Chính phủ).
Để thực hiện các nhiệm vụ nói
trên, ngày 12/9/2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án Nâng cao vai trò, vị
trí của Bộ Tư pháp tại Phái đoàn (kèm theo Quyết định số 2277/QĐ-BTP ngày
12/9/2013, sau đây gọi tắt là “Đề án năm 2013”). Sau hơn 10 năm triển khai thực
hiện, trên cơ sở Đề án năm 2013, Bộ Tư pháp đã cử 04 lượt cán bộ biệt phái làm
việc tại Phái đoàn. Đại diện của Bộ Tư pháp tại Phái đoàn nhìn chung đã hoàn
thành tốt các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ mà Bộ Tư pháp được
Chính phủ giao như đầu mối triển khai Công ước quốc tế về quyền dân sự và
chính trị (Công ước ICCPR).
Tuy vậy, trong giai đoạn từ năm
2013 đến nay, như đã nêu tại Báo cáo số 14/BC-PLQT ngày 15/12/2023 tổng kết 10
năm tình hình thực hiện Đề án năm 2013, nhiệm vụ của đại diện Bộ Tư pháp tại
Phái đoàn đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, ngày 29/6/2023, Bộ trưởng Bộ Tư
pháp đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BTP quy định vị trí việc làm công chức
nghiệp vụ chuyên ngành tư pháp, trong đó có vị trí đại diện Bộ Tư pháp tại
Phái đoàn (Mục VIII Phụ lục I và Phụ lục VIII). Theo quy định nói trên, các
yêu cầu về trình độ, năng lực với vị trí này đã có một số điều chỉnh so với tại
Đề án năm 2013. Ngoài ra, mặt bằng chung về chuyên môn, nghiệp vụ của các công
chức tại Bộ Tư pháp đã được nâng cao so với thời điểm năm 2013 và các Bộ,
ngành hiện có xu hướng trẻ hoá các cán bộ được cử đi làm việc tại Phái đoàn.
Từ thực tế nêu trên, tại Quyết
định số 3077/QĐ-BTP ngày 29/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Kế hoạch
công tác năm 2024 của Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế được giao xây
dựng Đề án Nâng cao vai trò, vị trí của Bộ Tư pháp tại Phái đoàn đại diện thường
trực của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ
chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ giai đoạn 2025-2035 nhằm thay thế Đề án năm
2013.
II. THỰC TRẠNG
VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA BỘ TƯ PHÁP TẠI PHÁI ĐOÀN
1. Kết quả
thực hiện các công việc do đại diện của Bộ Tư pháp đảm nhiệm tại Phái đoàn
Hiện nay, chức năng, nhiệm vụ của
Phái đoàn đã được quy định cụ thể tại Quyết định số 51/2009/QĐ-TTg. Về cơ cấu
nhân sự, Phái đoàn Việt Nam tại Giơ-ne-vơ có 18 thành viên, trong đó có 01 Đại
sứ - Trưởng Phái đoàn, 02 Tham tán Công sứ - Phó trưởng Phái đoàn, 05 Tham
tán, 05 Bí thư thứ nhất, 02 Bí Thư thứ hai, 03 Bí thư thứ ba và 01 Tuỳ
viên. Bộ Tư pháp có 01 đại diện tại Phái đoàn, giữ vị trí Tham tán. Nhiệm vụ
của đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn có thể thay đổi theo phân công của Trưởng
phái đoàn tuỳ theo tình hình thực tế và trong từng giai đoạn.
Trong tổng thể nhiệm vụ của
Phái đoàn được quy định tại Điều 2 Quyết định số 51/2009/QĐ-TTg và thực tiễn
quá trình công tác giai đoạn vừa qua, đại diện của Bộ Tư pháp được phân công đảm
nhiệm các nhóm nhiệm vụ chính là: (1) Theo dõi việc giải quyết tranh chấp
thương mại tại WTO; (2) Đàm phán các quy tắc trong khuôn khổ WTO; (3) Theo
dõi hoạt động hợp tác với Trung tâm tư vấn pháp luật WTO (ACWL); (4) Theo dõi
các hoạt động của Uỷ ban Nhân quyền Liên hợp quốc (UBNQ) và các hoạt động liên
quan đến tình hình thực hiện Công ước ICCPR của Việt Nam; và (5) Một số công
việc khác có liên quan và theo phân công của Phái đoàn, Bộ Tư pháp. Kết quả
thực hiện các nhóm nhiệm vụ nói trên trong thời gian qua như sau:
1.1. Theo dõi việc giải
quyết tranh chấp thương mại tại WTO
Một trong những nhiệm vụ quan
trọng của đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn là theo dõi quá trình giải quyết
tranh chấp thương mại tại WTO trong đó có các vụ liên quan trực tiếp tới Việt
Nam và các vụ kiện mà Việt Nam tham gia với tư cách là Bên thứ ba. Nhiệm vụ
này bao gồm việc theo dõi quá trình tố tụng của vụ kiện để tham mưu, đề xuất kịp
thời tới Đại sứ các bước đi phù hợp, phương án giải quyết vụ kiện… để đảm bảo
quyền và lợi ích của Việt Nam.
Trong thời gian qua, đại diện Bộ
Tư pháp tại Phái đoàn đã tham gia theo dõi một số vụ kiện mà Việt Nam là bên
khởi xướng như vụ kiện DS496 (về các biện pháp của Indonesia áp dụng đối với một
sản phẩm sắt và thép của Việt Nam), DS536 (về các biện pháp chống phá giá của
Hoa Kỳ đối với sản phẩm cá phi-lê của Việt Nam) và DS540 (về các biện pháp liên
quan đến sản phẩm thuỷ sản cá tra của Việt Nam)….
1.2. Đàm phán các quy tắc
trong khuôn khổ WTO
Tại Phái đoàn, đại diện Bộ Tư
pháp được giao các nhiệm vụ về đàm phán hoặc phối hợp với phái đoàn trong nước
đàm phán các hiệp định mới hoặc sửa đổi các hiệp định hiện hành trong khuôn khổ
WTO. Tới nay, đại diện của Bộ Tư pháp tại Phái đoàn đã tham gia đàm phán hoặc
phối hợp với phái đoàn trong
nước đàm phán nhiều hiệp định
mới hoặc sửa đổi các hiệp định hiện hành trong khuôn khổ WTO, trong đó có Hiệp
định chống bán phá giá; đàm phán về trợ cấp thủy sản; đàm phán sửa đổi Hiệp định
giải quyết tranh chấp; Hiệp định Tạo thuận lợi cho đầu tư phục vụ phát triển,
các vấn đề về Thương mại và Phụ nữ…
1.3. Theo dõi các hoạt động
của UBNQ và các hoạt động liên quan đến thực hiện Công ước ICCPR của Việt Nam
Nhiệm vụ theo dõi các hoạt động
của UBNQ và các hoạt động liên quan đến thực hiện Công ước ICCPR của Việt Nam gồm
các công việc như tham dự các cuộc họp của Quốc gia Thành viên của ICCPR, các
cuộc họp thảo luận xây dựng các Bình luận, giải thích các quy định của Công ước
ICCPR; theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình hoạt động, cơ cấu nhân sự của
UBNQ; thông tin, cập nhật về những sửa đổi, bổ sung (nếu có) về quy trình thủ tục
báo cáo của Ủy ban nhân quyền, các ý kiến, báo cáo đánh giá độc lập của các cá
nhân, tổ chức phi chính phủ gửi UBNQ liên quan đến tình hình triển khai Công ước
ICCPR của Việt Nam; và phối hợp hỗ trợ tác các cơ quan trong nước trong các hoạt
động nghiên cứu kinh nghiệm, các chuyến công về các vấn đề liên quan đến việc
thực hiện nghĩa vụ báo cáo của Việt Nam theo Công ước ICCPR….
Trong giai đoạn 2013-2018, đại
diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn đã tích cực hỗ trợ Đơn vị đầu mối của Bộ Tư
pháp (Vụ Pháp luật quốc tế) trong xây dựng, nộp và bảo vệ thành công Báo cáo quốc
gia lần thứ ba của Việt Nam về thực hiện Công ước ICCPR (Báo cáo đầu tiên Bộ Tư
pháp được giao chủ trì xây dựng). Trong giai đoạn 2022-2023 vừa qua, đại diện Bộ
Tư pháp tại Phái đoàn đã tích cực phối hợp, trao đổi với Ban Thư ký để cung
thông tin phục vụ xây dựng và nộp thành công Báo cáo quốc gia thực thi Công ước
ICCPR lần thứ tư của Việt Nam vào tháng 3/2023 theo yêu cầu của UBNQ. Đến nay,
đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp luật
quốc tế trong quá trình thực hiện Công ước ICCPR, các khuyến nghị của UBNQ và
các nhiệm vụ khác của Cơ quan đầu mối quốc gia thực thi Công ước, đáp ứng yêu cầu
của Công ước, UBNQ.
1.4. Theo dõi hoạt động hợp
tác với Trung tâm ACWL
Đại diện của Bộ Tư pháp tại
Phái đoàn được giao theo dõi hoạt động hợp tác với Trung tâm ACWL, bao gồm các
công việc như tham gia các cuộc họp Đại hội đồng (mỗi năm 2 lần), các cuộc
họp Ban điều hành Trung tâm ACWL; phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước
trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi quy chế hoạt động, thông qua kế hoạch và
báo cáo chi tiêu tài chính của ACWL; phối hợp với các cơ quan chức năng trong
nước nhằm tăng cường việc sử dụng dịch vụ của ACWL (đề nghị cung cấp ý kiến pháp
lý về các vấn đề liên quan đến WTO, dịch vụ luật sư cho các vụ việc giải quyết
tranh chấp)…. Ngoài ra, đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn sẽ hỗ trợ các đơn vị
thuộc Bộ tổ chức các chuyến công tác, học tập, đào tạo ngắn hạn, dài hạn cho
cán bộ Bộ Tư pháp tại WTO và ACWL.
Đến nay, đại diện của Bộ Tư
pháp tại Phái đoàn đã tích cực xây dựng và duy trì mối quan hệ công tác chặt
chẽ với ACWL và trên cơ sở đó, giúp Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành có liên quan của
Việt Nam trao đổi về các vấn đề pháp lý cần thiết với Trung tâm. Bên cạnh đó, đại
diện của Bộ Tư pháp tại Phái đoàn đã giúp thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội để các
công chức, viên chức của Việt Nam sang học việc tại ACWL. ACWL còn là trung
tâm đào tạo luật sư cho chính phủ các nước thành viên tham gia tư vấn và
tranh tụng về các vụ kiện thương mại tại WTO. Tính đến thời điểm hiện tại ACWL
đã đào tạo cho 02 cán bộ của Việt Nam (trong đó có 01 cán bộ của Bộ Tư pháp).
Trong tương lai, Việt Nam có thể tiếp tục cử người sang đào tạo tại tổ chức
này.
1.5. Một số công việc
khác có liên quan và theo phân công của Phái đoàn, Bộ Tư pháp
Đại diện Bộ Tư pháp tại Phái
đoàn hiện nay cũng đã xây dựng được mối quan hệ công tác với các tổ chức quốc
tế có trụ sở tại Thuỵ Sỹ và các cơ quan của nước sở tại, chẳng hạn như: Bộ Tư
pháp Liên bang, cơ quan tư pháp các bang, Toà án Liên bang, các tổ chức nghề
nghiệp, cơ sở đào tạo nghề luật…, và hỗ trợ các cơ quan trong nước thực hiện
các hoạt động hợp tác với các cơ quan, tổ chức này.
Bên cạnh đó, đại diện của Bộ Tư
pháp tại Phái đoàn cũng phối hợp với các Đơn vị thuộc Bộ tổ chức các chuyến
công tác, khoá đào tạo, trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan, tổ chức quốc tế
đặt tại Thuỵ Sỹ cũng như các cơ quan nhà nước sở tại.
2. Các
khó khăn, tồn tại trong quá trình công tác của đại diện Bộ Tư pháp tại Phái
đoàn
2.1. Các khó khăn, tồn tại
Hiện nay, hoạt động phối hợp của
Bộ Tư pháp với Phái đoàn và sự tham gia của đại diện Bộ Tư pháp tại Phái
đoàn còn có một số tồn tại, khó khăn như sau:
Thứ nhất, so với giai đoạn
trước đây, nhiệm vụ của đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn đã có nhiều thay đổi.
Hiện nay, đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn được giao một nhiệm vụ mới có tính
chất phức tạp, đòi hỏi kiến thức, chuyên môn về hội nhập quốc tế nói chung thay
vì tập trung chủ yếu vào thương mại quốc tế như: theo dõi một số nội dung mới
tại WTO như Thương mại và Giới, đàm phán Hiệp định Tạo thuận lợi cho đầu tư phục
vụ phát triển (IFDA); theo dõi, cung cấp thông tin và hỗ trợ các công việc liên
quan đến thực hiện các công ước của Liên hợp quốc về quyền con người mà Việt
Nam là thành viên như Công ước ICCPR. Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ liên quan
đến thương mại quốc tế (theo dõi hoạt động của các Uỷ ban của WTO, phòng vệ
thương mại) do đại diện Bộ Tư pháp đảm nhiệm giai đoạn trước đây đã được điều
chuyển cho đại diện của các bộ, ngành khác. Điều này cũng ảnh hưởng tới vai
trò của đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn.
Thứ hai, trong một số
giai đoạn, mối liên hệ của đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn với các Đơn vị
thuộc Bộ tương đối mờ nhạt, chưa có nhiều hoạt động phối hợp, hỗ trợ và trao đổi
thông tin, cụ thể là các vấn đề hợp tác đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật và nhân sự
pháp lý chuẩn bị cho hội nhập sâu rộng hơn. Cơ chế trao đổi thông tin còn hạn
chế, chưa linh hoạt, chủ yếu thông qua Công điện chung của Phái đoàn gửi các Bộ,
ngành có liên quan tại Việt Nam hoặc trong một số ít trường hợp, thông qua trao
đổi không chính thức giữa đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn với các đơn vị thuộc
Bộ.
Thứ ba, công tác quy hoạch,
bồi dưỡng, chọn và cử cán bộ kế nhiệm sau mỗi nhiệm kỳ cho vị trí đại diện Bộ
Tư pháp tại Phái đoàn chưa thực sự hiệu quả. Trong một số năm gần đây, mặc dù
nội dung Đề án năm 2013 được thông tin rộng rãi tới các công chức tại Bộ Tư
pháp nhưng số lượng công chức đăng ký ứng tuyển vào vị trí này không nhiều. Độ
tuổi trung bình của các công chức Bộ Tư pháp được cử làm việc tại Phái đoàn
tương đối cao;[2] và Bộ Tư
pháp hiện chưa có đội ngũ công chức trẻ kế cận có thể ứng tuyển vào vị trí
này trong tương lai. Do đó, việc chọn, cử đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn
theo Đề án năm 2013 gặp khó khăn, chưa hỗ trợ hiệu quả được công tác đào tạo
cán bộ phục vụ công tác hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế của Bộ Tư pháp và
chưa đảm bảo tính kế thừa trong đào tạo, bồi dưỡng và chọn cử cán bộ.
2.2. Nguyên nhân của các
khó khăn, tồn tại
Thứ nhất, sự thay đổi về
chức năng, nhiệm vụ của đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn xuất phát từ nguyên
nhân khách quan gắn với sự thay đổi của tình hình thế giới, trong nước cũng
như yêu cầu công việc thực tế của Phái đoàn trong tình hình mới. Bên cạnh đó,
hiện cũng chưa có cơ chế để trao đổi giữa Bộ Tư pháp và Phái đoàn trong trường
hợp nhiệm vụ của đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn có sự điều chỉnh, gây ảnh
hưởng tới vai trò đại diện của Bộ tại Phái đoàn.
Thứ hai, một số đơn vị
thuộc Bộ chưa quan tâm đến kênh trao đổi, khai thác thông tin, yêu cầu hỗ trợ kỹ
thuật từ đại diện của Bộ Tư pháp tại Phái đoàn trong quá trình xử lý các nhiệm
vụ được giao. Bên cạnh đó, do một số nhiệm vụ mà đại diện của Bộ Tư pháp tại
Phái đoàn hiện đang đảm nhiệm không liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ
của Bộ Tư pháp và các trao đổi về những nội dung này sẽ được thực hiện thông
quan cơ quan quản lý chuyên ngành thay vì trao đổi trực tiếp giữa đại diện Bộ
Tư pháp tại Phái đoàn, Phái đoàn và Bộ Tư pháp. Điều này dẫn tới việc trao đổi
thông tin giữa các đơn vị thuộc Bộ với đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn chưa
được thường xuyên, hiệu quả.
Thứ ba, công tác quy hoạch,
chọn cử cán bộ làm đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn chưa như kỳ vọng do
các nguyên nhân sau: (1) Tiêu chuẩn chọn cử vị trí đại diện Bộ Tư pháp tại
Phái đoàn theo Đề án năm 2013 không còn phù hợp với yêu cầu thực tế của công
việc tại Phái đoàn và chưa thống nhất với điều kiện cho vị trí, việc làm này
tại Thông tư số 02/2023/TT-BTP ; (2) Tiêu chí quy hoạch, bồi dưỡng phục vụ
chọn, cử đại diện của Bộ Tư pháp tại Phái đoàn theo Đề án năm 2013 chưa rõ
ràng; không có chế độ, chính sách đặc thù hỗ trợ cho các cá nhân thuộc diện
quy hoạch, đặc biệt là Bộ Tư pháp không được cấp kinh phí phục vụ đào tạo, bồi
dưỡng ở nước ngoài nên không có sự chủ động, kịp thời trong đào tạo, bồi dưỡng
nâng cao đối với các cá nhân thuộc diện quy hoạch; và (3) Nhiệm kỳ công tác tại
Phái đoàn kéo dài 03 năm gây ra băn khoăn, e ngại với các cán bộ được quy hoạch,
chọn cử do có khả năng ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống cá nhân.
III. MỤC
TIÊU VÀ PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu
1.1. Mục tiêu tổng thể
- Duy trì và nâng cao vị trí,
vai trò của Bộ Tư pháp tại Phái đoàn;
- Gắn kết các công việc của đại
diện của Bộ Tư pháp tại Phái đoàn với các nhiệm vụ, công việc trọng tâm của Bộ
Tư pháp;
- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ
công chức, viên chức trẻ kế cận của Bộ Tư pháp có khả năng đảm nhận vị trí đại
diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn.
1.2. Mục tiêu cụ thể
- Xác định rõ các nhiệm vụ, vị
trí, vai trò của đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn; mối quan hệ công tác giữa
đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn với các đơn vị thuộc Bộ;
- Duy trì mối quan hệ công tác
chặt chẽ giữa đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn và các Đơn vị thuộc Bộ;
- Xây dựng cơ chế quy hoạch nguồn
nhân lực dự bị tiềm năng; cơ chế bồi dưỡng, lựa chọn, cử đại diện của Bộ Tư
pháp làm việc tại Phái đoàn; đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện rõ ràng, phù hợp
để lựa chọn và cử đại diện Bộ Tư pháp có khả năng tham gia hiệu quả vào công
việc liên quan tại Phái đoàn và góp phần vào công tác bồi dưỡng, phát triển
các cán bộ trẻ có chuyên môn, trình độ về pháp luật quốc tế tại Bộ Tư pháp.
- Trong Quý II năm 2025, chọn
cử 01 cán bộ kế nhiệm đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn Geneva (nhiệm kỳ
2025-2028); trong năm 2026, xây dựng Danh sách quy hoạch cho nhiệm kỳ tiếp theo
(2028-2031); và sau năm 2026, tiếp tục xây dựng Danh sách quy hoạch; lựa chọn
và cử cán bộ làm đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn trên cơ sở Danh sách Quy
hoạch đúng thời hạn; tổng kết tình hình thực hiện Đề án và xây dựng phương hướng
giai đoạn tiếp theo.
2. Phạm vi
Đánh giá toàn diện về việc tham
gia của Bộ Tư pháp, đại diện của Bộ Tư pháp vào công việc của Phái đoàn, công
tác phối kết hợp giữa đại diện của Bộ Tư pháp với Bộ Tư pháp trong thời gian từ
năm 2013 tới nay; từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm duy trì,
nâng cao vị trí của Bộ Tư pháp tại Phái đoàn và thúc đẩy việc đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ trẻ, có chuyên môn trong lĩnh vực pháp luật quốc tế phục vụ công
tác chọn, cử đại diện của Bộ Tư pháp làm việc tại Phái đoàn trong giai đoạn
2025-2035.
IV. CÁC NHIỆM
VỤ, GIẢI PHÁP
1. Thiết
lập, duy trì và nâng cao hiệu quả cơ chế thông tin, liên lạc giữa Bộ Tư pháp và
đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn
- Chậm nhất 01 tháng sau khi Đề
án được phê duyệt, cử cán bộ đầu mối trong thông tin, liên lạc với đại diện Bộ
Tư pháp tại Phái đoàn; kịp thời thông tin đến đại diện Bộ Tư pháp tại Phái
đoàn các kế hoạch công tác, đặc biệt là các công việc trọng tâm của Bộ Tư
pháp có liên quan, và tiếp nhận các thông tin về hoạt động của WTO, Liên hợp quốc
và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ
của Bộ Tư pháp
- Duy trì cơ chế thông tin, báo
cáo định kỳ, đột xuất giữa Bộ Tư pháp và đại diện của Bộ Tư pháp tại Phái
đoàn liên quan đến các công việc trong khuôn khổ WTO, nhân quyền tại Phái
đoàn;
- Kịp thời phối hợp khi Bộ Tư
pháp được giao các nhiệm vụ liên quan hoặc có nhu cầu trao đổi thông tin với
các cơ quan, tổ chức quốc tế, sử dụng miễn phí dịch vụ tư vấn pháp lý, khai
thác các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của ACWL hoặc tìm hiểu quy định pháp
luật của Thuỵ Sỹ.
- Trong trường hợp cần thiết, kịp
thời trao đổi với Phái đoàn trong trường hợp nhiệm vụ của đại diện Bộ Tư pháp
tại Phái đoàn được điều chỉnh gây ảnh hưởng tới vai trò của Bộ Tư pháp tại
Phái đoàn.
2. Quy hoạch,
đào tạo, bồi dưỡng và chọn, cử đại diện của Bộ Tư pháp làm việc tại Phái đoàn
2.1.
Quy hoạch cán bộ là nguồn để cử làm đại diện của Bộ Tư pháp tại Phái đoàn
- Định kỳ 03 năm lập Danh sách
quy hoạch các cán bộ là nguồn để cử làm đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn; thời
điểm lập Danh sách Quy hoạch chậm nhất 01 năm kể từ ngày bắt đầu nhiệm kỳ công
tác của đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt.
- Danh sách quy hoạch phải bao
gồm ít nhất 03 cá nhân là công chức, viên chức của Bộ Tư pháp đã đáp ứng các
yêu cầu hoặc đã tiệm cận[3]
các yêu cầu của vị trí việc làm (VTVL) đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn đã được
phê duyệt;
- Ưu tiên quy hoạch các công chức
của Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế;
các công chức, viên chức trẻ đang giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý tại các đơn
vị thuộc Bộ và các công chức trong Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công
chức, viên chức chuyên môn sâu về pháp luật của Bộ Tư pháp giai đoạn 2021-2025,
định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 1805/QĐ-BTP ngày 02
tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
- Danh sách quy hoạch có thể được
điều chỉnh dựa trên yêu cầu thực tế nếu cần thiết.
2.2.
Chế độ đào tạo, bồi dưỡng đối với các cá nhân trong Danh sách quy hoạch
Các cá nhân trong Danh sách quy
hoạch được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của vị
trí đại diện của Bộ Tư pháp tại Phái đoàn, cụ thể như sau:
- Ưu tiên cử tham gia các khoá
đào tạo, bồi dưỡng có nội dung phù hợp theo các Chương trình, Kế hoạch đào tạo,
bồi dưỡng của Bộ Tư pháp, trong đó có Kế hoạch đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ
chuyên gia pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp theo Quyết định số 1692/QĐ-BTP ngày
9/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/BCSĐ
ngày 14/4/2022 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về những định hướng lớn về công
tác pháp luật quốc tế của Bộ Tư pháp đến năm 2023.
- Ưu tiên cử tham gia các khoá
đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước có thời gian phù hợp về thương mại quốc
tế, đầu tư quốc tế, pháp luật quốc tế về quyền con người, ngoại ngữ là ngôn ngữ
chính thức của WTO (tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha), đặc biệt là
các khoá đào tạo (trực tuyến, trực tiếp) hoặc thực tập tại WTO, Phái đoàn và
Trung tâm ACWL.
- Ưu tiên cử tham gia các khoá
đào tạo kỹ năng trong và ngoài nước về đàm phán, biên dịch, phiên dịch, lễ
tân, đối ngoại;
2.3 Chọn
và cử đại diện của Bộ Tư pháp làm việc tại Phái đoàn
2.3.1. Điều kiện, tiêu chuẩn
cán bộ được cử làm đại diện của Bộ Tư pháp tại Phái đoàn
Cá nhân được chọn, cử làm đại
diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của VTVL
tại thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ tại Phái đoàn, cụ thể như sau:
- Về phẩm chất cá nhân: Đáp ứng
các tiêu chuẩn chung của cán bộ, công chức và tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ
ngành tư pháp; tuyệt đối trung thành, tin tưởng, nghiêm túc chấp hành chủ
trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, quy định của cơ quan;
tinh thần trách nhiệm cao với công việc, với tập thể, phối hợp công tác tốt;
trung thực, thẳng thắn, kiên định nhưng biết lắng nghe; điềm tĩnh, nguyên
tắc, cẩn thận, bảo mật thông tin; khả năng đoàn kết nội bộ; chịu được áp lực
trong công việc; tập trung, sáng tạo, tư duy độc lập và logic.
- Trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành luật; ưu tiên công chức có bằng thạc
sĩ, tiến sĩ chuyên ngành luật thương mại quốc tế, đầu tư quốc tế, pháp luật
nhân quyền quốc tế. Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng quản lý nhà nước
đối với công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương hoặc có bằng cao cấp
lý luận chính trị - hành chính.[4]
- Ưu tiên các cá nhân đã qua
các khoá đào tạo, bồi dưỡng có liên quan theo các Chương trình, Kế hoạch đào
tạo, bồi dưỡng của Bộ Tư pháp; các cá nhân đã tham gia các khoá đào tạo (trực
tuyến hoặc trực tiếp), các khoá thực tập tại WTO, Phái đoàn và Trung tâm
ACWL.
- Kinh nghiệm chuyên môn:
+ Có thời gian giữ ngạch chuyên
viên và tương đương từ đủ 09 năm trở lên. Trường hợp có thời gian tương đương
với ngạch chuyên viên thì thời gian giữ ngạch chuyên viên tối thiểu 01 năm (đủ
12 tháng). Đối với các công chức được tuyển dụng theo quy định tại Nghị định số
140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn
cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, có thời gian giữ
ngạch chuyên viên ít nhất 03 năm kể từ khi có quyết định tuyển dụng.[5]
+ Trong thời gian công tác đã
tham gia xây dựng, thẩm định ít nhất 01 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề
tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên mà
cơ quan sử dụng công chức được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng đã được cấp có
thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu.[6]
+ Ưu tiên các cá nhân có kinh
nghiệm tham gia đàm phán, góp ý các thoả thuận quốc tế, điều ước quốc tế, giải
quyết tranh chấp thương mại quốc tế, đảm nhiệm các nhiệm vụ liên quan thực hiện
các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên.
- Về ngoại ngữ: sử dụng thành
thạo ít nhất một ngôn ngữ chính thức của WTO.[7]
2.3.2 Quy trình chọn, cử cán
bộ đại diện của Bộ Tư pháp tại Phái đoàn
a) Giai đoạn lựa chọn
- Chậm nhất trong thời hạn 07
tháng trước khi đại diện của Bộ Tư pháp đang biệt phái tại Phái đoàn hết thời hạn
nhiệm kỳ công tác, Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định về cá nhân cụ thể thuộc Danh
sách quy hoạch trên cơ sở đề cử của Vụ Tổ chức cán bộ.
b) Giai đoạn cử
- Trong trường hợp cá nhân được
Lãnh đạo Bộ đồng ý cử làm đại diện của Bộ Tư pháp tại Phái đoàn không phải là
cán bộ của Vụ Pháp luật quốc tế hoặc Vụ Hợp tác quốc tế, chậm nhất là 03 tháng
trước khi bắt đầu nhiệm kỳ tại Phái đoàn, cán bộ này được sẽ được điều động
tạm thời về làm việc Vụ Pháp luật quốc tế và/hoặc Vụ Hợp tác quốc tế (tuỳ thuộc
vào yêu cầu bổ sung kinh nghiệm thực tiễn cho cán bộ) cho đến thời điểm chính
thức nhận nhiệm vụ tại Phái đoàn.
- Phối hợp với Bộ Ngoại giao ra
quyết định cử người thay thế và phong hàm ngoại giao cho cán bộ được lựa chọn
làm đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn chậm nhất là 03 tháng trước khi đại diện
của Bộ Tư pháp đang biệt phái tại Phái đoàn hết thời hạn nhiệm kỳ công tác.
- Cá nhân được cử làm đại diện
của Bộ Tư pháp tại Phái đoàn phải sang nhận nhiệm vụ tại Phái đoàn ở Giơ-ne-vơ,
Thuỵ Sỹ trước khi người tiền nhiệm hết nhiệm kỳ 30 ngày để nhận bàn giao công
việc từ người tiền nhiệm.
c) Gia hạn công tác tại Phái
đoàn
Trong trường hợp đại diện của Bộ
Tư pháp đang biệt phái tại Phái đoàn xin gia hạn công tác tại Phái đoàn thì phải
đề xuất bằng văn bản gửi Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ trước thời điểm
hết thời hạn nhiệm kỳ ít nhất là 08 tháng để kịp thời tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo
Bộ xem xét, quyết định.
2.4.
Kinh phí cho hoạt động của đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn
Ngoài các chế độ được hưởng tại
Phái đoàn theo quy định, đại diện Bộ Tư pháp được hỗ trợ kinh phí khi thực hiện
các nhiệm vụ (ngoài các nhiệm vụ được phân công tại Phái đoàn) được Bộ Tư pháp
giao, cụ thể là:
- Đại diện Bộ Tư pháp tại Phái
đoàn được thanh toán tiền vé máy bay từ nguồn ngân sách của Bộ Tư pháp để về
nước 01 (một) lần/năm báo cáo trực tiếp công tác trong năm của mình.
- Đại diện Bộ Tư pháp tại Phái
đoàn được hỗ trợ kinh phí phục vụ các hoạt động đối ngoại nhằm thực hiện các
nhiệm vụ được Bộ Tư pháp giao ngoài các nhiệm vụ được giao tại Phái đoàn.
- Bộ Tư pháp tận dụng, phát huy
lợi thế về chuyên môn của cán bộ được cử đại diện của Bộ Tư pháp tại Phái đoàn
bằng việc giao cho cán bộ này tham gia thực hiện một số đề tài, chuyên đề, đề
án, văn bản hợp tác quốc tế và xử lý các vấn đề pháp lý khác phù hợp với chuyên
môn và thời gian của cán bộ biệt phái. Việc thực hiện các công việc này của đại
diện của Bộ Tư pháp tại Phái đoàn được Bộ Tư pháp thanh toán kinh phí theo quy
định của pháp luật.
3. Tăng
cường hợp tác, sử dụng dịch vụ của ACWL và các tổ chức tư vấn pháp lý khác ở
Giơ-ne-vơ thông qua đại diện của Bộ Tư pháp tại Phái đoàn
- Tăng cường việc khai thác, sử
dụng miễn phí dịch vụ tư vấn, cung cấp ý kiến pháp lý, các chương trình đào tạo,
bồi dưỡng của ACWL mà Việt Nam là thành viên cũng như các tổ chức tư vấn pháp
lý khác ở Giơ-ne-vơ thông qua đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn.
- Đại diện Bộ Tư pháp tại Phái
đoàn tăng cường tìm kiếm thông tin, cơ hội về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, kể cả
cơ hội thực tập, tại các cơ quan, tổ chức tại Thuỵ Sỹ để hỗ trợ công tác đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ của Bộ Tư pháp. Ưu tiên tìm kiếm các cơ hội đạo tạo, bồi dưỡng
kèm theo học bổng.
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Vụ Pháp
luật quốc tế
Vụ Pháp luật quốc tế, trong phạm
vi thẩm quyền, có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
- Chủ trì, phối hợp với các đơn
vị thuộc Bộ, đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn thực hiện các nhiệm vụ, giải
pháp tại Mục IV.1 Đề án.
- Chủ trì, phối hợp với các Đơn
vị có liên quan đề xuất công chức, viên chức đủ điều kiện vào Danh sách quy hoạch
để làm đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn gửi Vụ Tổ chức cán bộ để giải quyết
theo thẩm quyền theo Mục IV.2.1 Đề án.
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng
công chức, viên chức được đưa vào Danh sách quy hoạch và tiếp nhận, đào tạo
thực tế cho cán bộ được biệt phái tới làm việc tại Vụ trước khi chính thức nhận
nhiệm vụ tại Phái đoàn theo Mục IV.2.2 Đề án.
- Chủ trì xây dựng dự toán kinh
phí hàng năm cho hoạt động của đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn trình cấp
có thẩm quyền phê duyệt theo Mục IV.2.4 Đề án.
- Giúp Lãnh đạo Bộ theo dõi,
đôn đốc việc thực hiện Đề án; định kỳ 05 năm sơ kết và định kỳ 10 năm tổng kết
thực hiện Đề án.
2. Vụ Tổ
chức cán bộ
Vụ Tổ chức cán bộ, trong phạm
vi thẩm quyền, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
- Phối hợp với Vụ Pháp luật quốc
tế xây dựng quy hoạch cán bộ là nguồn để cử làm đại diện của Bộ Tư pháp tại
Phái đoàn theo Mục IV.2.1 Đề án; cử cán bộ trong Danh sách
quy hoạch đi đào tạo, bồi dưỡng theo Mục IV.2.2 Đề án.
- Thực hiện các thủ tục có liên
quan để lựa chọn và cử cán bộ làm đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn trên cơ
sở đề xuất của Vụ Pháp luật quốc tế và quyết định của Lãnh đạo Bộ theo Mục IV.2.3 Đề án.
3. Vụ Hợp
tác quốc tế
Vụ Hợp tác quốc tế, trên cơ sở
chức năng, nhiệm vụ, thực hiện nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
- Chủ động liên lạc trực tiếp
hoặc thông qua Vụ Pháp luật quốc tế liên lạc, trao đổi với đại diện Bộ Tư pháp
tại Phái đoàn để xử lý các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực nhân quyền theo Mục IV.1 Đề án.
- Phối hợp với Vụ Pháp luật quốc
tế, Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về quy hoạch, đào tạo,
bồi dưỡng, lựa chọn và cử cán bộ làm đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn; tiếp
nhận, đào tạo thực tế cho cán bộ được biệt phái tới làm việc tại Vụ trước khi
chính thức nhận nhiệm vụ tại Phái đoàn theo Mục IV.2.1, Mục
IV.2.2 và Mục IV.2.3 Đề án.
4. Đại diện
Bộ Tư pháp tại Phái đoàn
Đại diện Bộ Tư pháp tại Phái
đoàn chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Đề án, cụ thể như sau:
- Là đầu mối thường xuyên cung
cấp thông tin, phối hợp (qua văn bản chính thức, thư điện tử hoặc phương thức
phù hợp khác) thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến WTO, nhân quyền giữa Vụ Pháp
luật quốc tế, các Đơn vị khác thuộc Bộ Tư pháp với Phái đoàn, đại diện của các
Bộ, ngành khác tại Phái đoàn trong thực hiện các nhiệm vụ cụ thể liên quan đến
Bộ Tư pháp.
- Kịp thời báo cáo về Vụ Pháp
luật quốc tế khi có sự thay đổi trong nhiệm vụ được phân công tại Phái đoàn;
và trong trường hợp cần thiết, có đề xuất để Vụ Pháp luật quốc tế báo cáo,
tham mưu Lãnh đạo Bộ trao đổi, can thiệp nhằm đảm bảo vai trò của Bộ Tư pháp tại
Phái đoàn.
- Phối hợp với Vụ Pháp luật quốc
tế, Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ Tổ chức cán bộ trong đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ
nằm trong Danh sách Quy hoạch bằng các hình thức phù hợp như: đề xuất nội dung
đào tạo, bồi dưỡng; tham gia trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn các cán bộ được
chọn cử trong thời gian chờ biệt phái tới Phái đoàn...
- Chủ động đề xuất kinh phí hoạt
động của năm tiếp theo (nếu có) gửi về Vụ Pháp luật quốc tế trước ngày 30
tháng 6 để tổng hợp, báo cáo có thẩm quyền phê duyệt.
- Phối hợp và hỗ trợ các cán bộ
của Bộ Tư pháp được cử sang Giơ-ne-vơ để đàm phán hoặc thực hiện các nhiệm vụ
liên quan đến WTO và nhân quyền.
- Báo cáo bằng văn bản định kỳ
06 tháng một lần về Bộ Tư pháp trong đó nêu rõ tình hình thực hiện nhiệm vụ của
mình, các thông tin liên quan đến tình hình hoạt động chung của Phái đoàn, việc
phối hợp trong công tác với đại diện các Bộ, ngành khác, những vướng mắc, bất
cập và đề xuất việc hỗ trợ của Bộ Tư pháp.
5. Các đơn
vị liên quan thuộc bộ
Các đơn vị liên quan thuộc Bộ,
trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
- Chủ động liên lạc trực tiếp
hoặc thông qua Vụ Pháp luật quốc tế để liên lạc, trao đổi với đại diện Bộ Tư
pháp tại Phái đoàn khi được giao các nhiệm vụ liên quan hoặc có nhu cầu về
trao đổi thông tin với các cơ quan, tổ chức quốc tế, sử dụng miễn phí dịch vụ
tư vấn pháp lý, khai thác các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của ACWL hoặc
tìm hiểu quy định pháp luật của Thuỵ Sỹ theo Mục IV.1 và IV4 dự thảo Đề án.
- Phối hợp với Vụ Pháp luật quốc
tế, Vụ Tổ chức cán bộ trong xây dựng Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn
và cử cán bộ làm đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn theo Mục
IV.2.1, Mục IV.2.2 và Mục IV.2.3 Đề án.
6. Cục Kế
hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ
Bố trí kinh phí để đảm bảo thực
hiện Đề án này theo quy định của pháp luật về ngân sách và phù hợp với tình
hình thực tế.
7. Kinh phí
thực hiện Đề án
Kinh phí thực hiện Đề án được sử
dụng từ nguồn Ngân sách Nhà nước cấp hàng năm cho Bộ Tư pháp và các nguồn kinh
phí hợp pháp khác./.
[1]
Có thể khái quát bốn trụ cột chính của WTO bao gồm: đàm phán thương mại; theo
dõi, giám sát thực thi các Hiệp định; giải quyết tranh chấp và thương mại phát
triển.
[2]
02/4 lượt công chức được cử đến tuổi nghỉ hưu khi kết thúc nhiệm kỳ tại Phái
đoàn.
[3]
Được đánh giá dựa trên khả năng bồi dưỡng để đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện
của VTVL từ thời điểm được quy hoạch tới thời điểm được chọn, cử làm việc tại
Phái đoàn.
[4]
Theo nội dung Bồi dưỡng, chứng chỉ tại Mục 5.1 Bản mô tả VTVL vị trí đại diện
Bộ Tư pháp tại Phái đoàn theo Thông tư số 02/2023/TT-BTP
[5] Theo Thông tư số số 02/2023/TT-BTP , tiêu chuẩn
về kinh nghiệm chuyên môn như sau:
Có thời gian giữ ngạch chuyên
viên và tương đương từ đủ 09 năm trở lên. Trường hợp có thời gian tương đương
với ngạch chuyên viên thì thời gian giữ ngạch chuyên viên tối thiểu 01 năm (đủ
12 tháng).
Tuy nhiên, đối với các trường hợp
công chức được tuyển dụng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của
Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất
sắc, cán bộ khoa học trẻ quy định về điều kiện nâng ngạch, thăng hạng chức
danh nghề nghiệp viên chức như sau:
“Điều 13. Nâng ngạch công
chức hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức
1. Sinh viên tốt nghiệp xuất
sắc, cán bộ khoa học trẻ sau khi tuyển dụng được đặc cách cử tham dự kỳ thi
nâng ngạch chuyên viên chính hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức
tương đương ngạch chuyên viên chính nếu đáp ứng các điều kiện sau:
a) Được xếp loại ở mức
hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ trong 03 năm liên tiếp kể từ ngày có quyết
định tuyển dụng;
b) Cán bộ khoa học trẻ có
trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa
cấp I ngoài quy định tại điểm a khoản này phải có ít nhất một đề tài khoa học
được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín ở trong nước hoặc
khu vực hoặc quốc tế;
c) Cán bộ khoa học trẻ có trình độ tiến sĩ, bác
sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II ngoài quy định tại điểm a khoản
này phải có ít nhất một công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp
chí khoa học chuyên ngành ở khu vực hoặc quốc tế (ISI hoặc SCI)….”
[6]
Mục 5.1 Bản mô tả VTVL vị trí đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn theo thông tư
số 02/2023/TT-BTP
[7]
Căn cứ tiêu chuẩn tại điểm b khoản 2 Điều 17 Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN
Việt Nam ở nước ngoài; Mục 5.2 Bản mô tả VTVL vị trí đại diện Bộ Tư pháp tại
Phái đoàn theo thông tư số 02/2023/TT- BTP, đại diện Bộ Tư pháp tại Phái đoàn
cần có trình độ ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu công việc.