ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
45/2021/QĐ-UBND
|
Quảng Ngãi, ngày
10 tháng 9 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ MẠNG CÁP NGOẠI VI VIỄN THÔNG TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Viễn thông ngày
23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số
81/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;
Căn cứ Nghị định số
72/2012/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ về quản lý và sử dụng
chung công trình hạ tầng kỹ thuật;
Căn cứ Nghị định số
25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số
210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài
chính - Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn
cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ
tầng kỹ thuật sử dụng chung;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số
21/2013/TTLT-BXD-BCT-BTTTT ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng
- Bộ trưởng Bộ Công Thương - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về
dấu hiệu nhận biết các loại đường dây, cáp và đường ống được lắp đặt vào công
trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung;
Căn cứ Thông tư số
20/2019/TT-BTTTT ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền
thông ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn
thông”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 947/TTr-STTTT ngày 30 tháng 7 năm
2021; số 1109/TTr-STTTT ngày 01 tháng 9 năm 2021 và ý kiến thẩm định của Sở Tư
pháp tại Báo cáo số 158/BC-STP ngày 28 tháng 7 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý mạng
cáp ngoại vi viễn thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 10 năm 2021 và thay thế Quyết định số 63/2014/QĐ-UBND ngày 15 tháng 12
năm 2014 của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh
Quảng Ngãi.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở:
Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công thương, Tài
chính, Nội vụ; Thủ trưởng các sở, ban ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố; Công ty Điện lực Quảng Ngãi; các doanh nghiệp viễn
thông, doanh nghiệp truyền hình cáp và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Đặng Văn Minh
|
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ MẠNG CÁP NGOẠI VI VIỄN THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG
NGÃI
(Kèm theo Quyết định số 45/2021/QĐ-UBND ngày 10 tháng 9 năm 2021 của UBND tỉnh
Quảng Ngãi)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về quản
lý mạng cáp ngoại vi viễn thông bao gồm: yêu cầu kỹ thuật, cấp giấy phép xây dựng
hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn thông; dùng chung hạ tầng kỹ thuật và sắp xếp, chỉnh
trang, ngầm hóa cáp viễn thông; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân
trong quản lý, lắp đặt, sử dụng mạng cáp ngoại vi viễn thông trên địa bàn tỉnh
Quảng Ngãi.
Quy định này không áp dụng đối
với các tuyến cáp quang, cáp đồng thả biển.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Các cơ quan nhà nước, các tổ chức,
cá nhân có hoạt động liên quan đến quản lý, lắp đặt, vận hành, khai thác mạng
cáp ngoại vi viễn thông.
Điều 3.
Giải thích từ ngữ
Mạng cáp ngoại vi viễn thông
gồm cáp viễn thông, hạ tầng đi cáp viễn thông và thiết bị phục vụ đấu nối,
truyền dẫn tín hiệu viễn thông.
Cáp viễn thông là dây dẫn
vật lý, sử dụng để truyền dẫn tín hiệu viễn thông. Cáp viễn thông bao gồm: Cáp
đồng, cáp quang, cáp đồng trục và các loại cáp vật lý truyền dẫn tín hiệu viễn
thông khác.
Hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn
thông bao gồm cột treo cáp và hạ tầng kỹ thuật ngầm.
Điều 4.
Nguyên tắc quản lý mạng cáp ngoại vi viễn thông
1. Việc lập, phê duyệt quy hoạch,
kế hoạch và đầu tư, xây dựng, lắp đặt, khai thác cáp viễn thông và hạ tầng kỹ
thuật đi cáp viễn thông phải phù hợp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác
có liên quan; đúng với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đảm bảo an toàn, mỹ quan
đô thị.
2. Khuyến khích các doanh nghiệp
viễn thông, tổ chức được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông sử dụng chung
công trình hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn thông.
3. Việc đầu tư xây dựng công
trình hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn thông phải đồng bộ với các công trình khác;
mạng cáp viễn thông phải được ngầm hóa 100% tại các tuyến đường mới trong khu
đô thị, khu dân cư.
4. Bất kỳ một bộ phận nào của
công trình hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn thông bị hư hỏng không còn sử dụng hoặc
ngưng sử dụng phải được tháo dỡ và thu hồi; cáp viễn thông phải được sắp xếp,
chỉnh trang và ngầm hóa.
5. Cáp viễn thông phải có dấu
hiệu nhận biết theo quy định tại Thông tư liên tịch số
21/2013/TTLT-BXD-BCT-BTTTT ngày 27/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng
Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về dấu hiệu nhận
biết các loại đường dây, cáp và đường ống được lắp đặt vào công trình hạ tầng kỹ
thuật sử dụng chung.
6. Các hành vi vi phạm gây ảnh
hưởng đến an toàn cáp viễn thông và hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn thông tùy theo
mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo
quy định của pháp luật.
Chương II
YÊU CẦU KỸ THUẬT ĐỐI VỚI
CÁP TREO, CÁP THUÊ BAO
Điều 5. Yêu
cầu kỹ thuật đối với cáp treo
1. Tuân theo quy định tại QCVN
33:2019/BTTTT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn
thông ban hành kèm theo Thông tư số 20/2019/TT-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng
Bộ Thông tin và Truyền thông (sau đây viết tắt là QCVN 33:2019/BTTTT).
2. Khi treo thêm cáp viễn thông
trên các tuyến đường đã được sắp xếp, chỉnh trang phải bó gọn, đưa vào gông, bảo
đảm đúng yêu cầu kỹ thuật của tuyến cáp treo và phải thông báo đến Sở Thông tin
và Truyền thông, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và đơn vị sở hữu cột treo cáp.
3. Cáp viễn thông treo trên cột
điện của ngành điện không được vượt quá kết cấu chịu lực của cột điện, phải đảm
bảo an toàn của ngành điện.
Điều 6. Yêu
cầu kỹ thuật đối với cáp thuê bao
1. Tuân theo quy định tại QCVN
33:2019/BTTTT.
2. Cáp thuê bao phải kéo thẳng,
bó gọn và không để dự phòng trên cột. Độ dài cáp thuê bao không quá 300m (tại
khu vực các phường của thành phố Quảng Ngãi, các trung tâm huyện, thị xã), các
khu vực còn lại có thể dài hơn 300m nhưng phải đảm bảo suy hao đường dây trong
phạm vi cho phép của doanh nghiệp.
3. Mỗi chủ sở hữu đi không quá
05 cáp thuê bao riêng lẻ trên cùng một tuyến, nếu vượt quá 05 cáp thuê bao
riêng lẻ trên cùng một tuyến phải thay các sợi cáp thuê bao này bằng sợi cáp có
dung lượng lớn hơn (nhiều đôi).
Chương
III
CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG,
DÙNG CHUNG HẠ TẦNG KỸ THUẬT ĐI CÁP VIỄN THÔNG
Điều 7. Cấp
giấy phép xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn thông
Cơ quan cấp giấy phép xây dựng
công trình hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn thông lấy ý kiến Sở Thông tin và Truyền
thông về sự phù hợp quy hoạch tỉnh, phương án dùng chung, tiêu chuẩn, quy chuẩn
kỹ thuật ngành viễn thông trước khi cấp giấy phép.
Điều 8.
Nguyên tắc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn thông
Chủ sở hữu hạ tầng kỹ thuật đi
cáp viễn thông phải tạo điều kiện cho các đơn vị khác sử dụng chung theo nguyên
tắc đảm bảo công bằng, hợp lý về quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên tham
gia; sử dụng hiệu quả hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn thông. Việc tham gia sử dụng
chung hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn thông phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
1. Phải được sự thỏa thuận bằng
văn bản của chủ sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung (hoặc đơn vị
quản lý vận hành được ủy quyền) hoặc hợp đồng thuê (nếu có) của hai
bên.
2. Trong các trường hợp cụ thể
nhằm đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo mỹ quan đô thị, quy hoạch đô thị và một
số trường hợp khác thì Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ quyết định việc sử dụng chung hạ
tầng kỹ thuật.
3. Giá thuê sử dụng chung hạ tầng
kỹ thuật đi cáp viễn thông (đối với công trình đầu tư ngoài nguồn ngân sách
nhà nước) do các bên tự thỏa thuận trên cơ sở Thông tư Liên tịch số
210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài
chính, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn
cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ
tầng kỹ thuật sử dụng chung và các khung giá khác liên quan.
Điều 9.
Trách nhiệm của chủ sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn thông sử dụng
chung
1. Căn cứ quy hoạch của tỉnh
hàng năm lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hoặc xây dựng mới hạ tầng kỹ
thuật đi cáp viễn thông sử dụng chung gửi Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu
mối hướng dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện sử dụng chung.
2. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật đi
cáp viễn thông phải phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn về viễn thông và các
quy định, quy chuẩn khác theo quy định.
Điều 10.
Trách nhiệm các tổ chức, cá nhân sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn
thông
1. Khi lắp đặt thêm các thiết bị
vào hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung phải được sự đồng ý của chủ sở hữu công
trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.
2. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về
tài chính, kỹ thuật đã cam kết trong hợp đồng dùng chung (nếu có).
Chương IV
XỬ LÝ, SẮP XẾP, CHỈNH
TRANG VÀ NGẦM HÓA CÁP VIỄN THÔNG
Điều 11. Sắp
xếp, chỉnh trang và ngầm hóa cáp viễn thông
1. Tuân theo quy hoạch của tỉnh
và kế hoạch do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
2. Cáp viễn thông và các thành
phần liên quan của mạng cáp bị hư hỏng, không sử dụng, xây dựng sai quy định hoặc
không thực hiện sắp xếp, chỉnh trang sẽ bị tháo dỡ, thu hồi và xử lý vi phạm
theo quy định.
3. Đối với các khu vực có công
trình hạ tầng kỹ thuật ngầm hiện hữu đáp ứng năng lực sử dụng chung, các doanh
nghiệp viễn thông, tổ chức được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông có
trách nhiệm phối hợp với chủ sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm để thực hiện
ngầm hóa cáp viễn thông theo đúng quy hoạch, thiết kế đã được thẩm định, phê
duyệt.
Điều 12. Xử
lý cáp viễn thông, công trình hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn thông khi bị sự cố
Các đơn vị có cột treo cáp, chủ
sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung (hoặc đơn vị quản lý vận
hành được ủy quyền), đơn vị ký hợp đồng thuê và các đơn vị sử dụng cáp viễn
thông phải thiết lập đường dây nóng với nhau, cung cấp các số điện thoại để
thông tin, liên lạc khi có sự cố hoặc có tình huống khẩn cấp.Trong thời gian 02
(hai) giờ các bên phải phối hợp khắc phục ngay.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Sở
Thông tin và Truyền thông
1. Tham mưu trình Ủy ban nhân
dân tỉnh ban hành kế hoạch và danh mục các tuyến đường cần phải sắp xếp, chỉnh
trang, ngầm hóa cáp viễn thông.
2. Định kỳ hàng năm, chủ trì,
phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan để xác định, công bố công khai
hạ tầng kỹ thuật liên ngành (điện lực, cấp thoát nước, giao thông, xây dựng) mà
các doanh nghiệp viễn thông, tổ chức được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn
thông có thể sử dụng chung.
3. Phối hợp với các sở, ngành,
đơn vị có liên quan xử lý các vướng mắc, tranh chấp về việc tiếp cận, chia sẻ,
sử dụng chung, giá thuê... hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động và hạ tầng kỹ
thuật liên ngành.
4. Tham gia tổ chức hiệp thương
giá sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn thông theo thẩm quyền.
5. Kêu gọi các tổ chức, cá nhân
đủ năng lực tham gia xã hội hóa việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn
thông để dùng chung theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Sở
Giao thông vận tải
1. Trước khi triển khai các dự
án cải tạo, nâng cấp tuyến đường giao thông phải thông báo cho các tổ chức, đơn
vị có công trình hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn thông nằm trong phạm vi đất dành
cho đường bộ biết, phối hợp di dời.
2. Lồng ghép quy hoạch hạ tầng
kỹ thuật đi cáp viễn thông như đường cống, bể cáp, hào, hầm, tuynel kỹ thuật, cột
treo cáp vào quy hoạch xây dựng các công trình giao thông.
3. Thanh tra, kiểm tra và xử lý
các hành vi vi phạm đối với việc đầu tư, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật
đi cáp viễn thông trong phạm vi đất dành cho đường bộ trên các tuyến đường đang
quản lý.
Điều 15. Sở
Xây dựng
1. Hướng dẫn lồng ghép nội dung
quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động vào các đồ án quy hoạch xây dựng,
quy hoạch đô thị theo quy định.
2. Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan chuyên môn có liên quan tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định
về quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh.
Điều 16. Sở
Công Thương
Hướng dẫn, chỉ đạo Công ty Điện
lực Quảng Ngãi tăng cường quản lý các tuyến cột và sắp xếp, chỉnh trang lại các
đường dây điện, cáp viễn thông hiện có treo trên hệ thống cột điện đúng quy định
này và các quy định khác có liên quan.
Điều 17. Sở
Tài chính
1. Theo chức năng, nhiệm vụ chủ
trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức hiệp thương giá sử dụng
chung công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung theo thẩm quyền.
2. Chủ trì tiếp nhận văn bản
thông báo đăng ký giá thuê của tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình hạ tầng
kỹ thuật sử dụng chung tại đô thị trong phạm vi địa phương; chủ trì, phối hợp với
các Sở quản lý chuyên ngành xem xét, kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp của thông
báo đăng ký giá thuê.
Điều 18. Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
1. Phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông, các đơn vị liên quan trong việc xây dựng kế hoạch và danh mục các
tuyến đường cần phải sắp xếp, chỉnh trang, ngầm hóa cáp viễn thông.
2. Chủ trì, phối hợp với các
đơn vị liên quan thực hiện kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về sắp xếp, chỉnh
trang và ngầm hóa cáp viễn thông trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
3. Khi triển khai xây dựng các
dự án mới hoặc cải tạo tuyến đường, khu đô thị, khu thương mại, khu dân cư, khu
công nghiệp phải thông báo cho Sở Thông tin và Truyền thông biết để phối hợp
triển khai hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn thông đồng bộ.
Điều 19.
Công ty Điện lực Quảng Ngãi
1. Quản lý chặt chẽ vấn đề treo
cáp viễn thông trên hệ thống cột điện. Có trách nhiệm lập hồ sơ quản lý các tuyến
cột điện có treo cáp viễn thông gồm các nội dung: Đơn vị thuê cột điện; chủng
loại và số lượng từng loại cáp treo trên cột điện; điểm đầu- điểm cuối của tuyến
cáp viễn thông; số và ngày ký hợp đồng thuê cột điện (nếu có).
2. Kiểm tra, tính toán khả năng
chịu lực và tải trọng an toàn của cột điện trước khi tiến hành làm thủ tục cho
treo cáp viễn thông.
3. Định kỳ 03 tháng kiểm tra
các tuyến cáp viễn thông để cập nhật các thông tin: Tình trạng hiện tại của tuyến
cáp treo trên cột điện; số lượng cáp viễn thông phát sinh treo trên cột điện và
báo cáo cho Sở Thông tin và Truyền thông.
4. Tạo điều kiện thuận lợi và
phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc sắp xếp, chỉnh trang, ngầm hóa và
xử lý các sự cố về cáp viễn thông.
Điều 20.
Các đơn vị sở hữu cáp viễn thông và hạ tầng kỹ thuật đi cáp viễn thông
1. Thanh thải, chỉnh trang, bó
gọn, hạ ngầm cáp viễn thông để tăng cường mỹ quan, an toàn và tối ưu hóa dung
lượng, tải trọng cáp để có thể chia sẻ, sử dụng chung hệ thống cống bể cáp, cột
treo cáp.
2. Sử dụng chung hệ thống cột
treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm nếu tuyến, hướng của hệ thống cáp viễn
thông giống nhau.
3. Phối hợp xây dựng kế hoạch sắp
xếp chỉnh trang, lộ trình ngầm hóa cáp viễn thông và sử dụng chung hạ tầng kỹ
thuật đi cáp viễn thông.
4. Phối hợp với Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện việc sắp xếp, chỉnh
trang và ngầm hóa các tuyến cáp viễn thông theo kế hoạch đã được Ủy ban nhân
dân tỉnh ban hành.
5. Bố trí nhân lực, phương tiện,
công cụ và kinh phí cho việc sắp xếp, chỉnh trang, ngầm hóa cáp viễn thông.
Trong quá trình tổ chức thực hiện
nếu có vướng mắc phát sinh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh
bằng văn bản về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung./.