ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 552/KH-UBND
|
Bắc Giang, ngày
06 tháng 10 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG TỈNH BẮC
GIANG GIAI ĐOẠN 2021-2025
Thực hiện Quyết định số
809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát
triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 -2025; Quyết định số 2879/QĐ-BNN-TCLN
ngày 29/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế
hoạch thực hiện Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 -2025. Nhằm
triển khai việc thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn
2021-2025 được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và hiệu quả. Ủy ban nhân dân tỉnh
Bắc Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững
tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch), với các nội
dung sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Cụ thể hóa các nhiệm vụ, định
hướng và giải pháp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; xây dựng
các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ
quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đảm
bảo chất lượng, hiệu quả, đồng bộ, kịp thời và thống nhất.
- Đảm bảo thực hiện có hiệu quả
Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh,
phát triển kinh tế lâm nghiệp nhanh, bền vững trên cơ sở quản lý, bảo vệ phát
triển, sử dụng bền vững rừng và diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp; ứng dụng
khoa học và công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá
trị từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích; góp phần
đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó
với biến đổi khí hậu; thu hút nguồn lực đầu tư vào lâm nghiệp; tạo việc làm,
tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân
làm nghề rừng, đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
2. Yêu cầu
- Việc xây dựng và tổ chức thực
hiện Kế hoạch phải đảm bảo đầy đủ nội dung, cụ thể hóa các định hướng và giải
pháp thực hiện đến các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức,
đơn vị liên quan nhằm tạo đồng thuận và quyết tâm cao trong triển khai, thực hiện.
- Trên cơ sở nội dung định hướng,
giải pháp của Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh,
chính quyền địa phương các cấp tổ chức thực hiện hiệu quả nhằm góp phần thực hiện
thắng lợi các mục tiêu, định hướng, giải pháp đã đặt ra.
- Đôn đốc, hướng dẫn, theo dõi,
kiểm tra, giám sát thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án
thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả, thường xuyên.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển lâm nghiệp trên địa
bàn tỉnh Bắc Giang thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại,
hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng,
bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản; quản lý, bảo vệ,
phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng và diện tích đất quy hoạch cho
phát triển lâm nghiệp; phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để đóng
góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội; góp phần tạo việc
làm, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn
đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, tăng cường khả năng thích ứng với biến
đổi khí hậu, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, giảm phát thải khí nhà
kính, hấp thụ, lưu giữ các-bon từ rừng; góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh.
2. Mục tiêu cụ thể
- Tốc độ tăng giá trị sản xuất
lâm nghiệp bình quân đạt 5%/năm.
- Thực hiện cơ cấu 3 loại rừng
theo Quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm
2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày
17/02/202; đến năm 2025, diện tích quy hoạch 3 loại rừng toàn tỉnh khoảng
142.465 ha, trong đó: Rừng đặc dụng khoảng 13.688 ha, rừng phòng hộ khoảng
20.599 ha, rừng sản xuất khoảng 108.178 ha, theo hướng giảm diện tích rừng sản
xuất, tăng diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ, đảm bảo phát huy hiệu quả chức
năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, góp phần giảm
thiểu tác hại do thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỷ lệ độ che phủ rừng
đạt 37,5%.
- Ổn định vùng rừng nguyên liệu
tập trung khoảng 80 nghìn ha (chiếm 74% tổng diện tích đất rừng sản xuất); hàng
năm trồng khoảng 8.000 ha rừng trồng tập trung và khoảng 6 triệu cây phân tán,
trong đó diện tích rừng trồng gỗ lớn chiếm 30% diện tích rừng trồng hàng năm;
lũy kế đến năm 2025, diện tích rừng trồng gỗ lớn đạt 17.000 ha, diện tích rừng
được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (do tổ chức quốc tế FSC hoặc Văn
phòng chứng chỉ rừng Việt Nam cấp) đạt 12.500 ha; đến năm 2025, năng suất
bình quân rừng trồng sản xuất đạt khoảng 22 m3/ha/năm, sản lượng gỗ
khai thác đạt 1,0 triệu m3, trong đó 40% sản lượng gỗ khai thác rừng
trồng được đưa vào chế biến sâu phục vụ xuất khẩu.
- Phát triển dịch vụ môi trường
rừng, đa dạng hóa và mở rộng các nguồn thu phù hợp với quy định của pháp luật;
tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2021-2025 tăng 20% so với năm
2020.
- Phát triển kinh tế lâm nghiệp,
trong đó phát triển công nghiệp chế biến và lâm sản ngoài gỗ, công nghiệp phụ
trợ, sản phẩm mới có giá trị tăng cao; giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đến năm
2025 đạt khoảng 3.500 tỷ.
- Nâng cao đời sống của người
dân làm nghề rừng, phấn đấu đến năm 2025 mức thu nhập bình quân của người dân tộc
làm nghề rừng tăng 1,5 lần so với năm 2020.
III. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP
1. Tổ chức
tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Kế hoạch
a) Tổ chức phổ biến, quán triệt
các nội dung Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Kế hoạch của Bộ
Nông nghiệp và PTNT và Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền
vững của UBND tỉnh Bắc Giang đến các cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức cá
nhân có liên quan; nhất là các chủ rừng là tổ chức, như: Các Ban quản lý rừng
phòng hộ, đặc dụng; các công ty, doanh nghiệp lâm nghiệp...
b) Đẩy mạnh tuyên truyền bằng
nhiều hình thức phù hợp khác nhau nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các
ngành và người dân, doanh nghiệp về các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường, đa
dạng sinh học của rừng; tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ và
phát triển rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân, cộng đồng dân cư,
nhất là người dân làm nghề rừng, sống ở gần rừng, ven rừng.
2. Tổ chức
triển khai hiệu quả các hoạt động phát triển lâm nghiệp
a) Bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng
sinh học các khu rừng đặc dụng, phòng hộ
- Về bảo vệ và phát triển bền vững
đối với diện tích rừng hiện có:
+ Tăng cường các biện pháp quản
lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đặc biệt là diện tích trên 55.000 ha rừng
tự nhiên; bảo vệ nghiêm ngặt các khu rừng tự nhiên là rừng đặc dụng, phòng hộ.
Thực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2021-2025 cho các đối tượng theo
quy định hiện hành trên địa bàn tỉnh, với tổng diện tích khoảng 200.000 ha
(bình quân 40.000 ha/năm). Trong đó: Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng thuộc Chương
trình PTLNBV là 72.290 ha (bình quân 14.458 ha/năm), hỗ trợ khoán bảo vệ rừng
thuộc Chương trình MTQG là 127.710 ha (bình quân 25.542 ha/năm); phân theo đối
tượng được hỗ trợ: Khoán bảo vệ rừng là 27.340 ha/năm; hỗ trợ bảo vệ rừng là
12.660 ha/năm. Tiếp tục thực hiện hỗ trợ cộng đồng vùng đệm tại BQL bảo tồn Tây
Yên Tử là 10 cộng đồng/năm.
+ Tăng cường năng lực thực thi
phát luật, giảm căn bản tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó diện tích
rừng bị thiệt hại và số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp không tăng so với giai đoạn
2016-2020.
- Về bảo tồn đa dạng sinh học:
Ưu tiên thực hiện các đề tài, dự án: Xây dựng 01 vườn thực vật nhằm bảo tồn và
phát triển các loài cây bản địa có giá trị cao trong Khu bảo tồn, tỉnh Bắc
Giang; xây dựng cơ sở dữ liệu bảo tồn các loài dược liệu quý làm cơ sở bảo tồn
và phát triển bền vững tại Khu BTTN Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang; xây dựng mô
hình phát triển cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng tại Khu BTTN Tây Yên Tử, tỉnh
Bắc Giang; điều tra tính đa dạng hệ động vật rừng làm cơ sở xây dựng các giải
pháp bảo tồn và phát triển bền vững tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, tỉnh
Bắc Giang. Tiếp tục chính sách hỗ trợ cho cộng đồng dân cư vùng đệm khu rừng đặc
dụng; thực hiện cắm mốc ranh giới xong các khu rừng đặc dụng, phòng hộ. Bảo vệ
và phát triển các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp; bảo tồn đa dạng
sinh học của các hệ sinh thái rừng,…
b) Phát triển rừng
- Đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng
khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng trồng sản
xuất theo hướng tối ưu hóa hệ thống sản xuất và chuỗi giá trị lâm sản.
- Phát triển vùng rừng trồng
cung cấp nguyên liệu tập trung, ưu tiên trồng rừng gỗ lớn theo Quyết định số
1733/QĐ-UBND ngày 23/8/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, phê duyệt kết quả
xây dựng “Bản đồ số hóa các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm
nông sản chủ lực, đặc trưng; các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.
- Trồng rừng tập trung 40.000
ha, bình quân mỗi năm 8.000 ha. Trong đó:
+ Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng
300 ha (bình quân mỗi năm 60 ha);
+ Trồng rừng sản xuất 39.700 ha
(rừng gỗ lớn lũy kế đến năm 2025 đạt 17.000 ha, đạt trên 21% diện tích vùng trồng
nguyên liệu sản xuất tập trung).
- Trồng cây phân tán 30,0 triệu
cây các loại, bình quân mỗi năm trồng 6,0 triệu cây.
- Chăm sóc rừng trồng tập trung
khoảng 120.000 ha, bình quân mỗi năm chăm sóc 24.000 ha.
- Hàng năm thực hiện tốt công
tác khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, nuôi dưỡng và làm
giàu rừng.
- Triển khai có hiệu quả Đề án
“Phát triển huyện Yên Thế trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp
của tỉnh Bắc Giang” đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số
2916/QĐ-UBND ngày 12/9/2022. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với việc sản
xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, ưu tiên phát triển giống được sản
xuất từ cây mô để trồng rừng sản xuất; đến năm 2025 tỷ lệ cây giống được sản xuất
bằng công nghệ cao (nuôi cây mô) chiếm 80% tổng số cây giống lâm nghiệp sản xuất
hàng năm.
c) Nâng cao năng suất, chất lượng
rừng
- Đầu tư thâm canh, áp dụng các
biện pháp kỹ thuật lâm sinh để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; đưa
các giống mới có năng suất, chất lượng được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy
mô và giâm hom vào trồng rừng, như các giống bạch đàn: DH32-29, AH1, UP54,
PNCT3, PN108 và các giống keo lai: BV10, BV33, BV73,... phấn đấu đến năm 2025
năng suất rừng trồng bình quân đạt từ 22m3/ha/năm trở lên.
- Trồng mới, chuyển hóa diện
tích rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, đưa diện tích rừng trồng
gỗ lớn trên địa bàn các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế với tổng diện
tích đến năm 2025 đạt khoảng 17.000 ha. Giai đoạn 2021-2025 tổng sản lượng gỗ
khai thác của tỉnh đạt khoảng 4,5 triệu m3, bình quân mỗi năm khai
khoảng 900 nghìn m3 gỗ; sản lượng khai thác gỗ đạt 1,0 triệu m3
trở lên vào 2025.
d) Quản lý rừng bền vững: Tổ chức
thực hiện tốt các nội dung theo phương án quản lý rừng bền vững (7/11 chủ rừng
là tổ chức) đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; chỉ đạo các chủ rừng
là tổ chức, doanh nghiệp lâm nghiệp còn lại hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt
Phương án quản lý rừng bền vững theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp. Giai đoạn
2021-2025, tăng diện tích có phương án quản lý rừng bền vững thêm khoảng 8.000
ha; nâng tổng số diện tích rừng thực hiện phương án quản lý rừng bền vững khoảng
trên 48.600 ha.
Khuyến khích hộ gia đình, cá
nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình cá nhân liên kết hình thành nhóm hộ để
xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng
bền vững; đẩy mạnh mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, nâng
diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến năm 2025 đạt khoảng
12.500 ha.
e) Lâm sản ngoài gỗ: Tăng cường
các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu, nhãn
hiệu cho các loại cây dược liệu, các sản phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu là
các loại cây dược liệu. Từng bước hình thành được vùng trồng các loài cây dược
liệu như Ba Kích, Nấm Lim, Sa Nhân, Khôi Nhung..., là sản phẩm hàng hóa tại huyện
Sơn Động; giai đoạn 2021-2025, diện tích trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược
liệu đạt khoảng 200 ha.
3. Xây dựng,
triển khai hiệu quả chất lượng Quy hoạch lâm nghiệp, các chương trình, đề án, dự
án, kế hoạch phát triển ngành lâm nghiệp
a) Triển khai hiệu quả Quy hoạch
lâm nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022, nhất là
việc xây dựng, thực hiện phương án chuyển loại rừng; quản lý chặt chẽ việc chuyển
mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu rừng
và đất lâm nghiệp bằng công nghệ viễn thám GIS để thống nhất quản lý; xử lý
kiên quyết các vi phạm pháp luật về mua, bán, chuyển nhượng rừng và đất lâm
nghiệp trái phép trên địa bàn.
b) Triển khai tổ chức thực hiện
Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm
2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày
01/4/2021; Quyết định số 3458/QĐ-BNN-TCLN ngày 03/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và PTNT ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày
01/4/2021; Kế hoạch số 482/KH-UBND ngày 04/10/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang về
thực hiện Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030,
tầm nhìn đến năm 2050.
c) Tiếp tục triển khai có hiệu
quả các cơ chế, chính sách hiện hành; Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn
thi hành luật Lâm nghiệp; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất sửa đổi,
bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về lâm nghiệp; nghiên cứu, xây dựng, triển
khai cơ chế chính sách mới về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh sau khi Chính phủ
ban hành Nghị định quy định về Chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng,
chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp. Trong đó tiếp tục triển khai tổ
chức thực hiện có hiệu quả các Chương trình, đề án, dự án, phương án, kế hoạch
đã được phê duyệt. Cụ thể:
- Quyết định số 1270/QĐ-UBND
ngày 26/6/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án hỗ trợ cấp Chứng chỉ quản
lý rừng bền vững tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2020-2030, và được phê duyệt điều chỉnh,
bổ sung tại Quyết định 765/QĐ-UBND ngày 12/5/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh;
- Quyết định số 1605/QĐ-UBND
ngày 29/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công
trình Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng; bảo vệ và phát triển rừng tỉnh
Bắc Giang;
- Quyết định số 2185/QĐ-UBND
ngày 29/10/2021của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án nâng cao năng lực quản
lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn khu vực Hồ Cấm Sơn;
- Đề án số 1080/ĐA-UBND ngày
24/11/2021 của UBND huyện Lục Ngạn hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội 04 xã
vùng lòng hồ Cấm Sơn huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025.
- Kế hoạch số 4679/KH-UBND ngày
22/10/2020 của UBND tỉnh về phòng cháy chữa cháy rừng tỉnh Bắc Giang giai đoạn
2021-2025;
- Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày
09/02/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây
xanh theo Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa
bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021 - 2025, và được phê duyệt tại Kế hoạch số
266/KH -UBND ngày 27/4/2022 của UBND tỉnh;
- Kế hoạch số 685/KH-UBND ngày
23/12/2021 của UBND tỉnh về cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn
2021-2025;
- Kế hoạch số 229/KH-UBND ngày
05/4/2022 của UBND tỉnh về thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông
thôn bền vững giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bắc
Giang;
- Kế hoạch số 379/KH-UBND ngày
21/6/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển
kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bắc Giang giai
đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;
- Các Phương án quản lý rừng bền
vững của các Tổ chức, Doanh nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt.
d) Tăng cường các nguồn lực, bố
trí đủ kinh phí hàng năm cho các dự án, đề án, chính sách trong lĩnh vực lâm
nghiệp đã được phê duyệt trong thời gian qua để đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu
quả trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, như: Đề án nâng
cao năng lực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn khu vực Hồ Cấm
Sơn; Đề án hỗ trợ cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững tỉnh Bắc Giang giai đoạn
2020-2030; Dự án đầu tư xây dựng công trình Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa
cháy rừng; bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bắc Giang; Chương trình mục tiêu quốc
gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh
Bắc Giang giai đoạn 2021-2030; Quyết định quy định mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng,
khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên không trồng bổ sung trên địa bàn tỉnh
Bắc Giang.
đ) Nghiên cứu xây dựng, ban
hành các chính sách mới trong lĩnh lâm nghiệp để thúc đẩy phát triển lâm nghiệp
tương xứng với tiềm năng hiện có của tỉnh, trong đó trước mắt tập trung xây dựng:
Đề án xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh
Bắc Giang giai đoạn 2022-2024; chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu, cây
lâm sản ngoài gỗ khác dưới tán rừng; chính sách hỗ trợ phát triển rừng trồng sản
xuất thâm canh gỗ lớn, chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Bên cạnh đó, cần tiếp
tục nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn
công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh theo từng thời kỳ.
4. Kiện
toàn, đổi mới tổ chức sản xuất
- Tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ 02
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lục Nam và Mai Sơn tìm kiếm đối tác góp vốn để hoàn
thành phương án sắp xếp, chuyển đổi mô hình sang Công ty TNHH Hai thành viên;
trong trường hợp 02 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lục Nam và Mai Sơn không tìm kiếm
được đối tác góp vốn để hoàn thành phương án chuyển đổi thành Công ty TNHH Hai
thành viên, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo đánh giá việc thực hiện chỉ đạo
của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 326/TTG-ĐMDN ngày 29/02/2016 trong đó đề
xuất với Thủ tướng Chính phủ cho giữ nguyên mô hình Công ty TNHH Một thành viên
đối với 02 doanh nghiệp trên theo tinh thần văn bản số 2797/UBND-KTTH ngày
11/6/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc xử lý sắp xếp đối với 02 công ty TNHH
MTV lâm nghiệp Mai Sơn và Lục Nam. Khuyến khích hình thành các công ty cổ phần,
hợp tác xã lâm nghiệp và các hình thức liên kết hợp tác giữa các chủ rừng trong
phát triển rừng sản xuất để hình thành vùng nguyên liệu tập trung phù hợp với
quy hoạch lâm nghiệp tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa
phương; thúc đẩy triển khai thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành lâm nghiệp.
- Chấm dứt tình trạng các công
ty lâm nghiệp được giao đất, cho thuê đất nhưng không đầu tư, tổ chức sản xuất
mà khoán trắng cho các hộ gia đình, cá nhân; đảm bảo thực hiện theo đúng tinh
thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày
16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
- Tiếp tục thực hiện Nghị định số
57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh
nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
- Tổ chức sản xuất chuỗi liên kết,
từ trồng rừng, khai thác rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu
quả sản xuất và năng lực cạnh tranh; có cơ chế chính sách khuyến khích các
doanh nghiệp lớn, có uy tín, có thương hiệu để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến
gỗ và lâm sản tại các vùng nguyên liệu gỗ tập trung của tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu,
nhân rộng các mô hình hợp tác trong lâm nghiệp; thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi
để nông dân, hộ gia đình góp cùng doanh nghiệp để tổ chức sản xuất lâm nghiệp
hàng hóa; khai thác và tận dụng lợi thế tiềm năng hiện có, xây dựng và phát triển
các vùng sản xuất quy mô lớn.
- Khuyến khích hình thành các
hiệp hội, hợp tác xã, tổ hợp tác để hỗ trợ nhau phát triển sản xuất lâm nghiệp,
chế biến lâm sản; cùng nhau tạo ra cơ hội để mở rộng, ổn định thị trường tiêu
thụ trong nước và xuất khẩu; tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện năng lực
quản lý, khả năng tự đổi mới của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm và
cuối cùng là mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao cho doanh nghiệp chế biến
gỗ và người trồng rừng.
5. Khoa học
công nghệ và khuyến lâm
Tập trung thực hiện Đề án phát
triển giống cây trồng lâm nghiệp tỉnh Bắc Giang đã được phê duyệt để sản xuất
cây con giống theo phương pháp nuôi cấy mô tế bào có chất lượng cao, đáp ứng
nhu cầu trồng rừng của người dân, doanh nghiệp trong tỉnh cũng như xuất bán ra
ngoài tỉnh. Quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng
lâm nghiệp; mở rộng, nâng cấp các cơ sở sản xuất cây giống, đến năm 2025 tỷ lệ
cây giống được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô, hom đạt khoảng 80% so với
tổng số cây giống sản xuất hàng năm (gồm cả mầm mô, hom nhập từ địa phương
khác về để sản xuất). Tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp ứng dụng
cơ giới hóa trong khâu làm đất, khai thác rừng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng
rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cho người làm nghề rừng.
Thực hiện các giải pháp mang
tính đột phá trong phát triển lâm nghiệp. Cụ thể: Sử dụng phần mềm giám sát lửa
rừng, biến động rừng và đất lâm nghiệp để theo dõi, phát hiện tình trạng mất rừng,
phòng cháy, chữa cháy rừng, diễn biến tài nguyên rừng; ứng dụng máy bay không người
lái trong công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát những vùng trọng điểm về cháy
rừng, phá rừng; Ứng dụng công nghệ GIS để xác định điều kiện lập địa thích hợp
cho một số loài cây trồng rừng chủ yếu, nâng cao năng suất và chất lượng rừng
trồng sản xuất, hiệu quả kinh doanh rừng trên địa bàn tỉnh; thu hút đầu tư xây
dựng nhà máy chế biến sâu, công suất lớn, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu
sang thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản....
- Xây dựng, triển khai thực hiện
các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, chọn tạo cải thiện giống cây rừng,
lâm sản ngoài gỗ (cây bản địa, cây nhập nội có năng suất, chất lượng cao); kỹ
thuật thâm canh rừng và trồng rừng gỗ lớn; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ
tiên tiến trong các khâu trồng rừng, khai thác, chế biến gỗ và lâm sản để nâng
cao năng suất, chất lượng. Kết hợp nghiên cứu với đào tạo, chuyển giao công nghệ
và hoạt động khuyến lâm.
- Đầu tư tăng cường năng lực quản
lý, điều phối, giám sát ngành lâm nghiệp. Duy trì, phát triển và sử dụng có hiệu
quả hệ thống cơ sở dữ liệu về theo dõi, giám sát đánh giá Chương trình gắn với
công tác thống kê ngành lâm nghiệp; tăng cường năng lực dự báo, đảm bảo thông
suốt, kịp thời, hiệu quả, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Thực hiện
chuyển đổi số trong theo dõi, giám sát, quản lý tài nguyên rừng và phòng cháy
chữa cháy rừng. Cụ thể: Xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành quản lý bảo vệ rừng
trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, lắp đặt hệ thống camera giám sát, cảnh báo, phát
hiện sớm cháy rừng, phá rừng; ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng ảnh viễn
thám trong quản lý, theo dõi diễn biến rừng (sử dụng ứng dụng cảnh báo mất rừng
trên trang thông tin điện tử của Cục Kiểm lâm); ứng dụng công nghệ thông tin
tích hợp bản đồ hiện trạng rừng vào Smartphone và máy tính bảng phục vụ quản lý
bảo vệ rừng và theo dõi diễn biến rừng” cho cán bộ Kiểm lâm địa bàn,...
6. Tổ chức
sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực trong công tác quản lý, đào tạo nguồn
nhân lực
a) Tăng cường năng lực trong
công tác quản lý
- Nâng cao năng lực, hiệu quả
quản lý của lực lượng kiểm lâm đảm bảo tinh gọn, thống nhất, hoạt động hiệu lực,
hiệu quả, chuyên nghiệp.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm
của các chủ rừng, nhất là ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn tỉnh
và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.
b) Tổ chức sản xuất kinh doanh
- Khuyến khích các hình thức
liên doanh, liên kết hợp tác, tích tụ đất lâm nghiệp trong trồng rừng, phát triển
rừng, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ sản xuất, chế biến gỗ
và lâm sản. Phát triển các hình thức liên kết giữa các thành phần kinh tế, kinh
tế hợp tác, kinh tế chia sẻ trong lâm nghiệp.
- Tiếp tục đổi mới và nâng cao
hiệu quả hoạt động của công ty lâm nghiệp; phát triển lâm nghiệp hộ gia đình,
trang trại, cộng đồng thôn bản và hợp tác xã.
- Đẩy mạnh thu hút các hợp tác
xã, doanh nghiệp lâm nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lâm nghiệp, tăng cường sự
liên kết chặt chẽ giữa nhà máy chế biến với các hộ gia đình, doanh nghiệp theo
chuỗi hành trình sản phẩm từ khâu tạo nguyên liệu tới khai thác, chế biến và
tiêu thụ sản phẩm,... Thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào xây dựng nhà máy
chế biến gỗ với công nghệ hiện đại, sản xuất các sản phẩm gỗ chất lượng cao, đến
2025 có ít nhất 01 nhà máy với công suất khoảng 100.000 m3 sản phẩm/năm/1
nhà máy. Sản phẩm chế biến chủ yếu ván MDF, ván ghép thanh, ván ép phủ phin phục
vụ cho xuất khẩu và sử dụng trong nước.
c) Đào tạo nguồn nhân lực
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về
chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên
trách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; thực thi
pháp luật về lâm nghiệp; chú trọng đào tạo cán bộ có trình độ chuyên sâu trong
lĩnh vực dự báo, cảnh báo cháy rừng, suy giảm diện tích, chất lượng rừng và suy
thoái rừng; cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ứng dụng lâm nghiệp
công nghệ cao trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng;
thường xuyên tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
Là cơ quan thường trực của Ban
chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bắc Giang; chủ trì, phối
hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch này. Tham mưu
kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bắc
Giang, kiện toàn Văn phòng Ban chỉ đạo; thời gian hoàn thành xong trong tháng
10 năm 2022.
Đề xuất tham mưu xây dựng, ban
hành các cơ chế, chính sách, đề án, dự án; thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học
trong phát triển lâm nghiệp.
Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc
thực hiện Kế hoạch; hàng năm, chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương,
tham mưu UBND tỉnh xây dựng báo cáo đánh giá kết quả triển khai thực hiện; tiến
hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch và đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ
sung nội dung, nhiệm vụ Kế hoạch trong trường hợp cần thiết.
2. UBND các huyện, thành phố:
Căn cứ nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch, khẩn trương triển khai tổ chức thực
hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững phù hợp với tình hình thực tế
tại địa phương. Riêng các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế xây dựng
kế hoạch để triển khai thực hiện; thời gian hoàn thành xong trong tháng
12/2022.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham
mưu phân bổ vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương, vốn đầu tư ngân sách tỉnh
hàng năm đảm bảo mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025
trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Tài chính: Tham
mưu phân bổ vốn sự nghiệp của trung ương, tỉnh hàng năm đảm bảo mục tiêu phát
triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Khoa học và Công nghệ:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan có liên quan triển khai
thực hiện các đề tài khoa học trong lĩnh vực lâm nghiệp, nhất là các đề tài, dự
án nghiên cứu trồng một số giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất chất lượng
cao để đưa vào trồng rừng trên địa bàn tỉnh.
6. Báo Bắc Giang, Đài Phát
thanh-Truyền hình tỉnh: Tăng cường thời lượng tuyên truyền, phổ biến chủ
trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo, quản lý của tỉnh
về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tới các tầng lớp nhân dân để tổ
chức thực hiện và giám sát việc thực hiện.
7. Ủy ban Mặt trận tổ quốc
và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân: Đẩy mạnh các hoạt
động tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; vận động nhân dân,
đoàn viên, hội viên gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý,
bảo vệ và phát triển rừng.
8. Các chủ rừng là tổ chức: Đối
với các đơn vị chưa xây dựng, thực hiện xây dựng, trình thẩm định, phê duyệt
Phương án quản lý rừng bền vững theo quy định. Theo chức năng nhiệm vụ được
giao, căn cứ vào nội dung, nhiệm vụ tại Kế hoạch này và phương án quản lý rừng
bền vững đã được phê duyệt, phương án kinh doanh của đơn vị, phải tổ chức thực
hiện tốt các nội dung của Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển
lâm nghiệp bền vững tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025.
9. Các sở, ngành khác:
Căn cứ nội dung, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoặc lồng
ghép các nội dung thực hiện nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch hàng năm hoặc 05
năm; tổ chức triển khai các nhiệm vụ và hoạt động ưu tiên của của Kế hoạch này.
Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch.
10. Chế độ thông tin báo cáo:
Định kỳ hàng năm các sở, ngành, địa phương tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế
hoạch Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT
trước ngày 15/11 để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền theo
quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT ((b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Tổng cục Lâm nghiệp;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chi cục Kiểm lâm;
- Văn phòng UBND tỉnh:
+ LĐVP, TH, KT, KTN, TKCT.
+ Lưu: VT, NN Thăng.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Ô Pích
|
Phụ lục: KẾ HOẠCH
Thực hiện Chương trình Phát triển Lâm nghiệp bền vững
tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025
(Ban
hành kèm theo Kế hoạch số 552/KH -UBND ngày 06/10/2022 của UBND tỉnh Bắc Giang)
TT
|
Nhiệm vụ
|
Cơ quan, đơn vị chủ trì
|
Cơ quan, đơn vị phối hợp
|
Thời gian xây dựng, phê duyệt
|
Thời gian thực hiện
|
Ghi chú
|
1
|
Kiện toàn BCĐ Chương trình mục
tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh Bắc Giang
|
Sở NN&PTNT
|
Các Sở, ngành; UBND các huyện/TP,
các cơ quan, đơn vị có liên quan
|
Năm 2022
|
Hàng năm
|
|
2
|
Kiện toàn Văn phòng BCĐ
Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững tỉnh Bắc Giang
|
BCĐ Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững
|
Sở NN&PTNT, các cơ quan,
đơn vị có liên quan
|
Năm 2022
|
Hàng năm
|
|
3
|
Triển khai hiệu quả Quy hoạch
lâm nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 219/QĐ- TTg ngày 17/02/2022.
|
Sở NN&PTNT
|
UBND các huyện/TP, các cơ
quan, đơn vị có liên quan
|
Hàng năm
|
2021- 2025
|
|
4
|
Chỉ đạo xây dựng, thực hiện
phương án chuyển loại rừng theo Quy hoạch tỉnh Bắc Giang
|
Chủ rừng
|
Sở NN& PTNT; UBND các huyện/TP,
các cơ quan, đơn vị có liên quan
|
Năm 2023
|
Hàng năm
|
|
5
|
Xây dựng Trung tâm giám sát,
điều hành quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
|
Sở NN&PTNT
|
UBND các huyện/TP, các cơ
quan, đơn vị có liên quan
|
Năm 2022
|
2022- 2024
|
|
6
|
Xây dựng, thực hiện Đề án
Phát triển huyện Yên Thế trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng lâm
nghiệp của tỉnh Bắc Giang
|
Sở NN&PTNT
|
UBND các huyện/TP, các cơ
quan, đơn vị có liên quan
|
Năm 2022
|
2022- 2030
|
|
7
|
Xây dựng Chính sách hỗ trợ phát
triển cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ khác dưới tán rừng
|
Sở Nông nghiệp và PTNT
|
Các Sở: Tài chính, Kế hoạch
và Đầu tư; Khoa học và CN; UBND các huyện, thành phố
|
Năm 2023
|
Hàng năm
|
|
8
|
Xây dựng Chính sách hỗ trợ
phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn, chuyển hoá rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn
|
Sở Nông nghiệp và PTNT
|
Các Sở: Tài chính, Kế hoạch
và Đầu tư; Khoa học và CN; UBND các huyện, thành phố
|
Năm 2023
|
Hàng năm
|
|
9
|
Tiếp tục triển khai hiệu quả
các Chương trình, Dự án, Đề án, Kế hoạch đã được phê duyệt
|
Sở NN&PTNT
|
Các Sở: Tài chính, Kế hoạch
và Đầu tư; Khoa học và CN; UBND các huyện/TP, các cơ quan, đơn vị có liên
quan
|
Hàng năm
|
2021- 2025
|
|
10
|
Theo dõi, tổng hợp, đánh giá
tình hình thực hiện Kế hoạch.
|
Sở NN&PTNT
|
UBND các huyện/TP; Các đơn vị
lâm nghiệp trực thuộc Sở
|
Hàng năm
|
Hàng năm
|
|
11
|
Định kỳ sơ kết, tổng kết đánh
giá kết quả thực hiện Kế hoạch.
|
Sở NN&PTNT
|
UBND các huyện/TP; Các đơn vị
lâm nghiệp trực thuộc Sở
|
Hàng năm; 5 năm
|
Hàng năm; 5 năm
|
|