ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1146/KH-UBND
|
Ninh Thuận, ngày
28 tháng 3 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG SỐ TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2023 - 2025,
ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
I. CĂN CỨ LẬP
KẾ HOẠCH
Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày
29/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn
2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày
03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc
gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Quyết định số 654/QĐ-TTg ngày
30/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển bưu chính đến
năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Quyết định số 96/QĐ-UBND ngày
02/02/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương
trình hành động số 59-CTr/BCSĐ ngày 27/01/2022 của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân
dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh
ủy về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030.
Các kế hoạch, quyết định UBND tỉnh
đã ban hành liên quan triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số theo chỉ đạo của
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, các bộ, ngành
Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh.1
II. MỤC
ĐÍCH, YÊU CẦU
Phát triển hạ tầng số trên địa
bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận, đồng thời cụ thể hoá và
triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra trong
Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận
giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông
băng rộng, phủ sóng 5G, mỗi người một máy điện thoại thông minh, mỗi hộ gia
đình một đường Internet cáp quang, nền tảng điện toán đám mây, nền tảng danh
tính số và các nền tảng về phần mềm, mạng vạn vật, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối,
an toàn, an ninh mạng để cung cấp như một dịch vụ.
Hạ tầng số được phát triển với
tốc độ cao, băng thông rộng, an toàn, đáp ứng nhu cầu phát triển của chính quyền
số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận và
sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng cao, giá cước phù hợp.
Hạ tầng số là hạ tầng kinh tế
xã hội, do đó phải an toàn, tin cậy, có chức năng về giám sát mạng lưới đến từng
nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo niềm tin cho xã hội khi tham gia
vào các hoạt động trên không gian mạng.
Hạ tầng số phát triển theo hướng
mở, ảo hóa, tối ưu cho việc dùng chung để có thể được cung cấp như một dịch vụ,
được phát triển theo hướng kết nối cơ sở dữ liệu tập trung, lưu trữ, nâng cao
hiệu quả hoạt động và bảo vệ cảnh quan, môi trường.
III. HIỆN TRẠNG
HẠ TẦNG SỐ ĐẾN NĂM 2022
1. Hạ tầng
kết nối
a) Mạng viễn thông băng rộng
di động
Mạng thông tin di động đã được
đầu tư phát triển tại 65 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với tốc độ truy
nhập trung bình là 51 Mb/s, cao hơn mức trung bình của cả nước là 35,29 Mb/s.
Thiết bị thông minh phát triển
đang dần thay thế các thiết bị 2G và tổng số thuê bao điện thoại di động sử dụng
Smartphone 478.946 thuê bao trên tổng số 686.236 thuê bao điện thoại, chiếm 80%
tỷ lệ dân số của tỉnh, cao hơn mức trung bình của cả nước là 70,9%. (dân số
trung bình năm 2022 tỉnh Ninh Thuận 598.683 người).
Toàn tỉnh có 289/289 thôn
(100%) đã được phủ sóng điện thoại di động, các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục
đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ băng rộng di động.
b) Mạng viễn thông băng rộng
cố định
Hạ tầng Internet băng rộng cố định
đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với tốc độ
truy nhập trung bình xấp xỉ với tốc độ trung bình của cả nước là 71,79 Mb/s.
Đến nay, toàn tỉnh có 288/289
thôn (99,6%) đã có hạ tầng cáp quang phục vụ hộ gia đình. Hiện còn thôn Ma Lâm
- xã Phước Tân - huyện Bác Ái chưa có hạ tầng, các doanh nghiệp viễn thông đang
thực hiện triển khai xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ trong năm 2023.
Số thuê bao Internet băng rộng
cố định là 83.958 thuê bao, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 75% hộ
gia đình, trường học, bệnh viện.
2. Hạ tầng
dữ liệu và nền tảng số
Mạng truyền số liệu chuyên dùng
được triển khai đến các cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã. Hiện nay, đã kết nối 65/65
xã, phường, thị trấn; 7/7 huyện, thành phố; các sở, ban, ngành và một số đơn vị
trực thuộc các sở, ngành; phục vụ các cuộc họp trực tuyến từ Trung ương đến cấp
xã trên địa bàn tỉnh. Tốc độ kết nối tối thiểu tại các sở, ban, ngành, huyện/thành
phố là 8Mbps; tốc độ kết nối tối thiểu đối với cấp xã là 4Mbps.
Hệ thống Nền tảng tích hợp,
chia sẻ dữ liệu (LGSP) tỉnh kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nội bộ
của tỉnh và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Quốc gia (NDXP)
để trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan.
Nền tảng tích hợp kho dữ liệu số
dùng chung đã hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu số dùng chung của tỉnh
để kết nối, tích hợp, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu dùng chung của tỉnh,
đang tích hợp các cơ sở dữ liệu tại Trung tâm tích hợp dữ liệu.
Hạ tầng kết nối IoT, một số ứng
dụng đã được thương mại hóa, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong cuộc
sống, triển khai có hiệu quả trong các lĩnh vực nông nghiệp - thủy sản, giám
sát giao thông, giám sát hồ, đập, môi trường nước, v.v.
Hạ tầng công nghệ thông tin tại
Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương vận hành ổn định,
thông suốt, đáp ứng yêu cầu phục vụ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin,
xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh.
Các doanh nghiệp viễn thông
trên địa bàn tập trung chuyển hướng phát triển hạ tầng điện toán đám mây và các
nền tảng ứng dụng, hệ thống trang thiết bị thông minh hóa hạ tầng thiết yếu phục
vụ xây dựng đô thị thông minh và phát triển kinh tế số, xã hội số.
Nền tảng địa chỉ số gắn với bản
đồ số: Bưu điện tỉnh đã thu thập, gán mã địa chỉ số với tổng số 146.338 địa chỉ
của các cơ quan Đảng, Nhà nước, cơ sở y tế, giáo dục, điểm cung cấp dịch vụ bưu
chính của Bưu điện và các địa chỉ nhà dân trên địa bàn tỉnh.
3. Đánh giá
chung
Trong giai đoạn 2015-2022, hạ tầng
số tỉnh Ninh Thuận được quan tâm, đầu tư xây dựng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số
và góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Các chỉ số về điện thoại
thông minh, mạng thông tin di động, Internet cáp quang hộ gia đình của tỉnh
tăng trưởng khá; Mạng truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống nền tảng kết nối
chia sẻ dữ liệu LGSP, các nền tảng cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được triển
khai đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số
của tỉnh; góp phần quan trọng trong tăng trưởng các chỉ số về năng lực cạnh
tranh (PCI) và cải cách hành chính của tỉnh.
IV. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng và phát triển hạ tầng
số tỉnh Ninh Thuận đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng các ngành, lĩnh vực góp
phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, tạo
nền tảng vững chắc cho phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đẩy
mạnh nhiệm vụ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, làm cơ sở thu hút
đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong giai đoạn hiện nay đến
năm 2025, tập trung tăng cường chất lượng kỹ thuật và khả năng đáp ứng của hạ tầng
số, phục vụ mạnh mẽ các môi trường đầu tư kinh doanh, chính quyền số, kinh tế số,
xã hội số; nâng cao thứ hạng đánh giá chuyển đổi số cấp tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Mục tiêu cơ bản đến năm
2025
- Hạ tầng viễn thông băng rộng
(di động, cố định) phủ 100% các thôn trên toàn tỉnh.
- Tỷ lệ dân số được phủ sóng di
động 4G đạt 100%, tốc độ trung bình đạt 80Mb/s.
- 70% các đô thị, khu công nghiệp,
các cơ sở đào tạo, cơ quan nhà nước, địa điểm du lịch được phủ sóng mạng 5G.
- Dung lượng băng rộng di động
tăng ít nhất 30%.
- 90% các hộ gia đình có
Internet cáp quang.
- Tỷ lệ trạm thu phát sóng di động
(BTS) phát triển mới dùng chung hạ tầng/trên tổng số trạm phát triển mới đạt
40%.
- Tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng
ít nhất 01 điện thoại thông minh (Smartphone) đạt 90% trở lên; Tỷ lệ dân số trưởng
thành có điện thoại thông minh đạt trên 97%.
- Bám sát và thực hiện đúng lộ
trình tắt sóng 2G của Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Duy trì và phát triển Nền tảng
tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ
dữ liệu quốc gia (NDXP).
- Kết nối 100% các hệ thống
thông tin trọng yếu, dùng chung của tỉnh vào mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp
II và vận hành ổn định, an toàn, thông suốt, kết nối 4 cấp hành chính từ Trung
ương đến cấp xã.
- 100% hộ gia đình, doanh nghiệp,
cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, … trong tỉnh có địa chỉ số.
- 100% các khu dân cư, khu đô
thị mới được đầu tư ngầm hóa hạ tầng thông tin theo hướng dùng chung hạ tầng.
b) Mục tiêu cơ bản đến năm
2030
Mạng băng rộng di động thế hệ
thứ 5 (5G) phủ sóng 100% dân số các khu vực có nhu cầu sử dụng.
100% các khu công nghiệp, khu
công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, điểm du lịch, công viên, công cộng và
các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, trường học, bệnh viện, địa điểm du lịch được phủ
sóng mạng 5G.
Tỷ lệ trạm BTS phát triển mới
dùng chung hạ tầng hiện trạng đạt 60% tổng số trạm phát triển mới.
V. NHIỆM VỤ
1. Xây dựng, hoàn thiện cơ
chế, chính sách phát triển hạ tầng số
Rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ
chế, chính sách thúc đẩy phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp bưu chính, viễn thông,
hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng số phát triển thành hạ tầng số an toàn, hiện
đại, đáp ứng nhu cầu phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Triển khai, áp dụng các chính
sách ưu tiên người sử dụng thiết bị do Việt Nam sản xuất và hỗ trợ, trợ giá cho
các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, gia đình có công trên địa bàn tỉnh
(kết hợp Chương trình viễn thông công ích) đảm bảo 100% người dân được tiếp cận
chương trình phổ cập thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng).
2. Phát triển hạ tầng viễn
thông
Đẩy mạnh đầu tư, xây dựng trạm
thu phát sóng di động (BTS) 4G phủ sóng 100% các thôn, xóm và nâng cao chất lượng
dịch vụ tại các khu vực sóng yếu; ưu tiên, tập trung phát triển 5G tại trung
tâm các huyện, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cơ quan nhà nước và
phục vụ, hỗ trợ phát triển các hạ tầng đô thị, giao thông, năng lượng, y tế...
Tắt sóng công nghệ 2G trên địa bàn tỉnh theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền
thông.
Triển khai chương trình hỗ trợ
điện thoại thông minh từ nguồn vốn của Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông
công ích đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để người dân có công cụ giao tiếp với
chính quyền trên môi trường số.
Chuyển đổi toàn bộ mạng lưới, hệ
thống thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin sáng ứng dụng địa chỉ giao thức
Internet thế hệ mới (IPv6).
Duy trì và nâng chất mạng truyền
số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước đến cấp xã. Phát triển hạ
tầng kết nối phục vụ xây dựng Chính phủ số trên cơ sở kết hợp giữa mạng truyền
số liệu chuyên dùng, mạng Internet công cộng và các trung tâm dữ liệu.
Tăng cường phối hợp, chia sẻ, sử
dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động để tăng hiệu quả đầu tư,
phát triển, xây dựng hạ tầng của doanh nghiệp bảo đảm mỹ quan và an toàn cho
người dân; triển khai các phương pháp chia sẻ hạ tầng tiên tiến.
Thúc đẩy phát triển Internet
băng rộng cố định đến hộ gia đình; triển khai các chương trình hỗ trợ giá cước,
hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Chương trình cung
cấp dịch vụ viễn thông công ích.
Đầu tư, xây dựng, phát triển hạ
tầng kết nối mạng IoT đáp ứng được yêu cầu của các lĩnh vực có liên quan như
giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị, nông nghiệp; ứng dụng IoT vào quản lý,
giải quyết các bài toán phát triển và quản lý hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng đô
thị, chú trọng phát triển nông thôn thông minh.
Phát triển hệ thống truy cập
Internet không dây công cộng miễn phí tại các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh,
hành chính, bệnh viện, công viên,… đặc biệt tại các điểm công cộng (khu vực
trung tâm xã, nơi sinh hoạt cộng đồng, điểm du lịch cộng đồng,…) thuộc các xã
nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
3. Triển khai các nền tảng số
quốc gia và của tỉnh
Triển khai nền tảng định danh
và xác thực điện tử trên địa bàn tỉnh cho phép xác thực truy cập và cấp quyền tập
trung khi tham gia sử dụng các sản phẩm số, dịch vụ số của tỉnh; bảo đảm mỗi
người dân có một định danh điện tử trên môi trường mạng.
Triển khai nền tảng thanh toán
trực tuyến theo hướng mở rộng đa dạng hình thức thanh toán và triển khai nhân rộng
cho các dịch vụ sự nghiệp công (học phí, viện phí,…) và các giao dịch dân sự
(thương mại điện tử,….).
Triển khai các nền tảng số dùng
chung của tỉnh bảo đảm phù hợp, tương thích và có khả năng triển khai trên hạ tầng
điện toán đám mây (nền tảng số hóa, nền tảng du lịch số, nền tảng công dân số,
nền tảng thanh toán trực tuyến; các nền tảng công nghệ triển khai phạm vi cấp tỉnh…).
Triển khai các nền tảng số quốc gia dùng chung theo ngành, lĩnh vực do các bộ,
ngành Trung ương chủ trì và công bố.
Nâng cấp, phát triển nền tảng
tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh; triển khai xây dựng Kho dữ liệu số và Cổng dữ
liệu mở của tỉnh; duy trì vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh, hệ thống
SOC (giám sát, quản lý tập trung cấp tỉnh).
Triển khai các nền tảng số phục
vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và các nền tảng số phục vụ thúc đẩy phát triển
kinh tế - xã hội. Khai thác và sử dụng hiệu quả các nền tảng số, cơ sở dữ liệu
Quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đám mây của cơ quan nhà nước phục vụ quản
lý nhà nước và đáp ứng nhu cầu khai thác của người dân, doanh nghiệp.
Tổ chức triển khai thông báo, gắn
biển địa chỉ số đến từng nhà ở, trụ sở, công trình, địa điểm đã được tạo địa chỉ
số.
4. Phát triển hạ tầng bưu
chính
Tăng cường xây dựng các hệ thống
hạ tầng và dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử.
Triển khai Mã địa chỉ bưu chính
Vpostcode gắn với bản đồ số theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông,
hình thành cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ xây dựng chính quyền số gắn với xây
dựng thành phố thông minh, phục vụ người dân và hoạt động vận chuyển, giao nhận
hàng hóa trong thương mại điện tử và logistics.
Thúc đẩy hoạt động cung ứng dịch
vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích góp phần cải
thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
(PCI); nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ bưu chính KT1 khi gửi tài liệu, vật
mang bí mật nhà nước tại các cơ quan Đảng, Nhà nước.
5. Các nhiệm vụ trọng tâm
khác
a) Chuyển đổi từ cung cấp dịch
vụ viễn thông truyền thống sang cung cấp dịch vụ số, phát triển các nền tảng
cung cấp hạ tầng dịch vụ như:
Xây dựng Chính quyền số, triển
khai các hạ tầng số phục vụ xây dựng Chính quyền số. Đầu tư, xây dựng, phát triển
các nền tảng số cung cấp hạ tầng dịch vụ phục vụ cho các lĩnh vực kinh tế số,
xã hội số.
Phát triển các nền tảng, dịch vụ
thanh toán điện tử, tăng cường sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu
lớn để khai thác, phân tích dữ liệu, biến dữ liệu thành tài sản.
b) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng,
quyền lợi người dùng
Chủ động thực hiện đồng bộ các
biện pháp phát hiện, xử lý các nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật; từ
chối hợp tác, kinh doanh với các tổ chức, doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp
luật và không để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật
sử dụng hạ tầng của mình.
Phát triển hệ thống nền tảng, hạ
tầng, mạng lưới gắn với bảo đảm an toàn, an ninh mạng, có khả năng tự sàng lọc,
phát hiện tấn công và tự bảo vệ; phát hiện và xử lý các vấn đề mất an toàn, an
ninh thông tin.
Xử lý triệt để tình trạng rác
viễn thông (SIM thuê bao di động có thông tin không đúng quy định, tin nhắn
rác, cuộc gọi rác, thư điện tử rác); xây dựng các công cụ chặn lọc, làm sạch
các dịch vụ được cung cấp trên hạ tầng số của tỉnh.
Bảo đảm an toàn, an ninh thông
tin khi cung cấp các dịch vụ trên nền tảng số cho tổ chức, cá nhân; có phương
án, hệ thống dự phòng bảo đảm an toàn, an ninh cho các tình huống xấu nhất.
Đảm bảo chất lượng dịch vụ; giải
quyết tranh chấp; ngăn chặn, xử lý thông tin giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực viễn
thông.
VI. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Thông tin và Truyền
thông
Là đầu mối phối hợp, hỗ trợ các
Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các doanh nghiệp hoạt động
trong lĩnh vực hạ tầng số tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này; theo dõi,
đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp; tổng
hợp, định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện kế hoạch
này.
Nghiên cứu chính sách quản lý
và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào hạ tầng số; phát triển hạ
tầng băng rộng đảm bảo hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ
dịch vụ rộng đảm bảo các mục tiêu đề ra; thúc đẩy tối đa việc kết nối và thực
hiện chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp viễn thông.
Phối hợp với các sở, ban,
ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các
doanh nghiệp trong việc cấp giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ
động trên địa bàn tỉnh và sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật giữa các ngành xây dựng,
giao thông, điện lực.
Phối hợp các cơ quan chuyên môn
thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác quản lý nhà nước về hạ tầng số
triển khai các giải pháp định hướng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong ngành
trên địa bàn tỉnh phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh.
Xây dựng, phát triển hệ thống thông tin quản lý hạ tầng số tỉnh tích hợp với bản
đồ số; thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước về hạ tầng số.
2. Sở Tài chính
Phối hợp Sở Thông tin và Truyền
thông tham mưu kinh phí chi thường xuyên thực hiện Kế hoạch phát triển hạ tầng
số trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tế và trong khả năng cân đối
ngân sách địa phương hàng năm.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông, đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp thu
hút vốn đầu tư hợp pháp từ doanh nghiệp, xã hội để phát triển hạ tầng số theo
quy định.
4. Sở Xây dựng
Nghiên cứu, sửa đổi ban hành việc
áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong việc tích hợp các thành phần của hạ tầng
số trong xây dựng dân dụng.
5. Sở, ban, ngành, UBND các
huyện, thành phố
Xây dựng, bảo đảm quy hoạch, kế
hoạch phát triển của từng địa phương phải có phương án quản lý, thúc đẩy phát
triển hạ tầng số; có các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư vào hạ tầng số
như: cắt giảm thủ tục hành chính, bố trí không gian, địa điểm để lắp đặt thiết
bị, nhà trạm, công trình viễn thông, hỗ trợ, thúc đẩy dùng chung hạ tầng viễn
thông và hạ tầng kỹ thuật liên ngành.
Thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp
phát triển hạ tầng số, theo hướng đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đơn
giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng hạ tầng viễn thông tại các địa bàn, khu vực
cần khuyến khích đầu tư.
Phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông tổ chức thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định của pháp luật và chức
năng nhiệm vụ được giao.
6. Các doanh nghiệp bưu
chính, viễn thông
Trên cơ sở những nội dung định
hướng nêu tại Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đảm
bảo chất lượng, hiệu quả phục vụ chuyển đổi số của tỉnh. Gửi kế hoạch về Sở
Thông tin và Truyền thông trước 15 tháng 12 hàng năm.
Các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng,
dịch vụ viễn thông, Internet triển khai đảm bảo mạng 3G, 4G phủ sóng toàn tỉnh,
phát triển mạng 5G đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số theo mục tiêu kế hoạch; triển
khai cáp quang băng rộng đến tất cả các xã, phường, thị trấn đảm bảo nhu cầu sử
dụng và phục vụ chuyển đổi số; triển khai nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt,
hóa đơn điện tử.
Tuân thủ các quy định về quản
lý xây dựng, sử dụng đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động;
chấp hành các quy định về sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật; tăng cường việc chia
sẻ, sử dụng chung hạ tầng viễn thông và hạ tầng kỹ thuật liên ngành; xác định
giá cho thuê công trình hạ tầng kỹ thuật được sử dụng chung do doanh nghiệp đầu
tư đúng quy định.
Tích cực tham gia, đồng hành
cùng tỉnh phát triển hệ thống Wifi công cộng trên địa bàn.
Phối hợp với các Sở, ban,
ngành, các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến đầu tư hạ tầng, thống nhất
phương án đầu tư xây dựng và sử dụng chung cơ sở hạ tầng; đầu tư xây dựng các
công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đồng bộ với đầu tư các công
trình hạ tầng kỹ thuật khác.
Đề xuất các cơ chế, chính sách
để thúc đẩy, triển khai kế hoạch phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch Phát triển
hạ tầng số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, yêu
cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các doanh nghiệp
bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh căn cứ chức năng,
nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này. Trong quá trình
thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị gửi báo cáo về Sở Thông tin và
Truyền thông để tổng hợp, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ TT&TT (báo cáo);
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Công ty Điện lực Ninh Thuận;
- Các doanh nghiệp BC, VT, CNTT;
- VPUB: LĐ, KTTH;
- Lưu: VT. NV
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Long Biên
|
1
Kế hoạch số 4108/KH-UBND ngày 11/11/2020, Kế hoạch số 4125/KH-UBND ngày
16/11/2020, Quyết định số 2314/QĐ-UBND ngày 15/12/2021, Quyết định số
96/QĐ-UBND ngày 02/2/2022, Kế hoạch số 562/KH- UBND ngày 14/2/2022, Kế hoạch số
1131/KH-UBND ngày 21/3/2022, Quyết định số 330/QĐ-UBND ngày 24/3/2022, Kế hoạch
số 1297/KH-BĐHCĐS ngày 30/3/2022, Quyết định số 852/QĐ-UBND ngày 08/7/2022, Kế
hoạch số 3420/KH-UBND ngày 05/8/2022, Kế hoạch 3656/KH-UBND ngày 22/8/2022, Kế
hoạch số 3748/KH- UBND ngày 26/8/2022, Kế hoạch 4233/KH-UBND ngày 28/9/2022.