Kính
gửi:
|
- Trưởng phòng
Giáo dục và Đào tạo các Quận, Huyện;
- Hiệu trưởng các Trường THPT;
- Giám đốc các Trung tâm GDTX;
- Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc.
|
Căn cứ Công văn số 4116/BGDĐT-CNTT
ngày 08 tháng 9 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện nhiệm
vụ CNTT năm học 2017-2018;
Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày
17 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện nhiệm
vụ giáo dục và đào tạo năm học 2017-2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Thực hiện công văn số 2988/GDĐT-VP
ngày 17 tháng 8 năm 2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện
phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016-2020;
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ
Chí Minh hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin (CNTT) năm học 2017 -
2018 với những nội dung cụ thể như sau:
I. Phương hướng
nhiệm vụ:
1. Mục tiêu, định hướng
Năm học 2017 - 2018 là năm học đầu
tiên ngành giáo dục và đào tạo thành phố cùng với ngành giáo dục đào tạo cả nước
thực hiện Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về
việc phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và
hỗ trợ các hoạt động dạy-học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng
giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và Quyết định
số 6200/QĐ-BGDĐT ngày 30/12/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về phê duyệt kế hoạch
ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020; đồng thời tiếp tục thực hiện
Nghị Quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.
Năm học 2017 - 2018 cũng là năm học đầu
tiên ngành giáo dục và đào tạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án số
1020/GDĐT-TTTT ngày 31/3/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo về “Phát triển và ứng
dụng CNTT&TT trong ngành giáo dục và đào tạo thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn
2016 - 2020” nhằm tạo bước chuyển biến đột phá trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ
thông tin và truyền thông
(CNTT&TT) trong giáo dục, từng bước xây dựng mô hình giáo dục thông minh để
cùng thành phố xây dựng đô thị thông minh, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố
xác định:
- Ứng dụng CNTT&TT trong giáo dục
là một bộ phận không thể tách rời trong việc xây dựng Chính quyền điện tử của
thành phố, góp phần cùng thành phố xây dựng đô thị thông minh lấy chính quyền điện tử làm trung tâm;
- Ứng dụng CNTT&TT trong giáo dục
cần được triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt nhất là trong công tác thông
tin, quản lý và điều hành của Ngành Giáo dục và Đào tạo theo hướng tiên tiến,
hiện đại.
- Ứng dụng CNTT&TT trong giáo dục
nhằm góp phần đổi mới phương pháp dạy - học, đổi mới
phương thức quản lý nhà trường. Từng bước xây dựng mô hình trường học tiên tiến,
hiện đại gắn với việc ứng dụng CNTT&TT làm nền tảng theo định hướng xây dựng
trường học điện tử và trường học thông minh.
2. Nhiệm vụ trọng tâm
Nhiệm vụ trọng tâm năm học 2017 -
2018 lĩnh vực công tác ứng dụng CNTT trong giáo dục của Ngành Giáo dục và Đào tạo
thành phố được xác định cụ thể:
1. Hoàn thành việc xây dựng kiến trúc
tổng thể về CNTT của Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố
trên cơ sở đồng bộ với kiến trúc tổng thể (EA) của Thành phố Hồ Chí Minh, cùng
thành phố xây dựng Chính phủ điện tử theo Quyết định số 224/QĐ-STTTT ngày
17/10/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông về phê duyệt dự toán chi tiết công
việc, hạng mục CNTT năm 2016 của hạng mục “Xây dựng kiến trúc tổng thể ngành
giáo dục đào tạo”.
2. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu
quả vận hành, sử dụng hệ thống cổng thông tin điện tử Ngành Giáo dục và Đào tạo
Thành phố đáp ứng yêu cầu thông tin, quản lý, điều hành và cải cách hành chính.
Đảm bảo 100% đơn vị, cơ sở giáo dục có cổng thông tin điện tử và sử dụng cổng thông tin điện tử một cách thực chất và hiệu quả theo văn bản số
3082/GDĐT-TTTT ngày 13/9/2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn tổ chức,
xây dựng và vận hành trang thông tin điện tử hoặc cổng
thông tin điện tử của đơn vị giáo dục.
3. Tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL)
dùng chung của Ngành Giáo dục và Đào tạo theo văn bản số 2986/GDĐT-TTTT ngày
17/7/2017 về sử dụng các hệ thống phần mềm quản lý trường
học để xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành GD-ĐT Thành phố Hồ Chí Minh,
từng bước đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu trên cơ sở kế thừa và phát huy các hệ thống
sẵn có. CSDL cần đảm bảo tính đầy đủ, chính xác cho các bậc học giáo dục mầm
non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Đảm bảo 100% các đơn vị trường
học được triển khai hệ thống phần mềm quản lý trường học trực tuyến. Từ bước
cùng thành phố xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở ngành giáo
dục thành phố.
4. Tiếp tục tổ chức, cập nhật, xây dựng
những chương trình tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng CNTT&TT trong giáo dục
theo chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo
viên thành phố theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thời định hướng theo
chuẩn CNTT quốc tế. Cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tích cực tham dự các lớp
tập huấn theo văn bản số 253/GDĐT-TTTT ngày 03/02/2017 của
Sở Giáo dục và Đào tạo về cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi
dưỡng kiến thức ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học do
Trung tâm Thông tin và Chương trình giáo dục tổ chức.
5. Xây dựng các sân chơi công nghệ
dành cho giáo viên và học sinh nhằm nâng cao hiệu quả việc dạy và học tích hợp CNTT&TT theo định hướng gắn với thực tiễn và nghiên cứu khoa học
như cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT”, cuộc
thi Giờ lập trình - Hour of Code, cuộc thi Thiết kế Kodu Lab - Xây dựng thành
phố thông minh, cuộc thi SROBOT; Dự án “Tăng cường kỹ năng
CNTT cho giới trẻ hội nhập và phát triển - YouthSpark Digital Inclusion”
6. Đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng CNTT
theo định hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.
7. Tăng cường xã hội hóa việc xây dựng,
phát triển và ứng dụng CNTT&TT trong giáo dục và đào tạo. Có thể thí điểm
thực hiện việc thuê dịch vụ CNTT (theo QĐ số 80/2014/QĐ-TTg
ngày 30/12/2014 của Thủ Tướng Chính phủ Quy định thí điểm thuê dịch vụ CNTT
trong cơ quan nhà nước; và theo hình thức hợp tác công tư PPP) nhằm nâng cao hiệu
quả công tác ứng dụng CNTT&TT theo hướng tiên tiến, hiện đại.
II. Nhiệm vụ cụ thể
1. Củng cố đội
ngũ cán bộ phụ trách CNTT
Để triển khai thành công nhiệm vụ
CNTT, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các đơn vị, cơ sở giáo dục phân công đầu mối
theo dõi, phụ trách CNTT như sau:
- Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo
các quận huyện: phân công lãnh đạo phòng và chuyên viên viên làm đầu mối theo
dõi, phụ trách CNTT.
- Đối với mỗi đơn vị trường học: phân
công lãnh đạo đại diện trong ban giám hiệu và cán bộ của trường đảm nhận vị trí
việc làm CNTT (theo Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục
và Đào tạo hướng dẫn khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc
trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập) làm đầu mối theo dõi, phụ trách
CNTT của đơn vị.
2. Xây dựng cơ sở
dữ liệu dùng chung của ngành
Sở Giáo dục và Đào tạo giao Trung tâm
Thông tin và Chương trình Giáo dục xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu dùng chung
cho ngành giáo dục và đào tạo thành phố. Cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành
giáo dục và đào tạo thành phố được xây dựng trên nguyên tắc cơ sở dữ liệu do Sở
Giáo dục và Đào tạo quản lý, vận hành và khai thác. Các hệ thống thông tin quản
lý tập trung phải được Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định trước khi triển khai thực
hiện và phải được tích hợp trong hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành
giáo dục và đào tạo thành phố.
Năm học 2017 - 2018, các cơ sở giáo dục
có thể sử dụng hệ thống các phần mềm trực tuyến đã được thẩm định để cập nhật,
cung cấp các thông tin về giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của
Sở Giáo dục và Đào tạo. Hệ thống được tập trung tại địa chỉ: httt.hcm.edu.vn
3. Ứng dụng CNTT
trong quản lý, điều hành và triển khai chính phủ điện tử
3.1 Triển khai hiệu quả hệ thống Cổng thông tin điện tử
Cổng thông tin điện tử là kênh thông
tin chính thức của ngành giáo dục và đào tạo thành phố; là môi trường truyền tải
các thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà Nước và của
ngành giáo dục đào tạo. Địa chỉ Cổng thông tin điện tử của
ngành giáo dục và đào tạo thành phố: www.hcm.edu.vn
Cổng thông tin
điện tử ngành giáo dục và đào tạo đồng thời tích hợp hệ thống cổng thông tin điện
tử của các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Cổng thông tin điện tử ngành giáo dục và đào tạo
cũng là môi trường tích hợp các hệ thống quản lý trường học trực tuyến nhằm cung cấp kịp thời các thông tin giáo dục đối với xã hội và người dân.
Vì vậy, trong năm học 2017 - 2018 Sở Giáo dục và Đào tạo xác định việc triển
khai một cách quyết liệt để đảm bảo 100% phòng giáo dục và đào tạo các quận huyện,
các cơ sở giáo dục có cổng thông tin điện tử và sử dụng cổng thông tin điện tử
một cách thực chất, hiệu quả là nhiệm vụ trọng tâm. (cổng thông tin điện tử được
triển khai theo Thông tư 53/2012/TT-BGDĐT ngày 20/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo quy định về tổ chức hoạt động, sử dụng thư điện tử và cổng thông
tin điện tử tại sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo và các cơ sở
giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên)
Cổng thông tin điện tử của phòng giáo
dục và đào tạo các quận, huyện và của các cơ sở giáo dục cần xây dựng và phát
triển, vận hành theo hướng dẫn tại văn bản số 3082/GDĐT-TTTT ngày 13 tháng 9
năm 2016 của Sở-Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn tổ chức, xây dựng và vận hành
trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của
đơn vị giáo dục.
Kết nối, liên
thông hệ thống Cổng thông tin điện tử ngành giáo dục và
đào tạo thành phố với Cổng thông tin điện tử thành phố Hồ
Chí Minh.
3.2 Triển khai hệ thống quản lý
hành chính điện tử (e-office)
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản
lý, điều hành của ngành giáo dục và đào tạo thành phố, năm học 2017 - 2018 Sở
Giáo dục và Đào tạo sẽ chính thức đưa vào vận hành hệ thống phần mềm quản lý
văn bản và hồ sơ công việc liên thông từ Sở Giáo dục và Đào tạo đến 24 phòng
giáo dục và đào tạo.
Hệ thống Phần mềm quản lý văn bản và
hồ sơ công việc được xây dựng và phát triển trên cơ sở kết nối liên thông hệ thống
văn bản điện tử của ngành giáo dục và đào tạo với hệ thống của thành phố và quận
huyện theo quy định tại Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử.
3.3 Cung cấp dịch vụ công trực tuyến
- Trên môi trường Cổng thông tin điện tử, phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, các
cơ sở giáo dục cần cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt các dịch vụ
công phục vụ phụ huynh, học sinh, một số dịch vụ cụ thể:
+ Dịch vụ xét tuyển học sinh đầu cấp
(cung cấp đầy đủ các loại mẫu đơn, nộp hồ sơ trực tuyến, công khai danh sách
đăng ký, công khai kết quả xét tuyển và trả kết quả qua mạng).
+ Cung cấp miễn phí thông báo điểm học
tập và rèn luyện qua tin nhắn OTT, email và website trường học. Việc triển khai
tin nhắn thu phí cần thực hiện với sự tự nguyện và đồng thuận của nhà trường và
phụ huynh học sinh.
- Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cần được triển khai một cách tích cực và hiệu quả trên cơ sở định hướng
tăng dần tỷ trọng dịch vụ công mức độ 3, 4.
3.4 Tăng cường sử dụng văn bản điện
tử
Thực hiện chỉ thị số 15/CT-TTg ngày
22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử
trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ
quan, trường học tăng cường sử dụng văn bản điện tử, cụ thể:
- Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển
khai việc ban hành các loại văn bản như: thư mời, thông báo, kế hoạch, báo cáo,
tài liệu tập huấn... bằng hình thức văn bản điện tử và gửi đến các cơ quan, đơn
vị cơ sở giáo dục thông qua hệ thống cổng thông tin điện tử ngành giáo dục và
đào tạo; hệ thống thư điện tử; hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Năm
học 2017 - 2018 Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chính thức triển khai hệ thống tin nhắn
thương hiệu HCM-Edu nhằm tăng cường kênh thông tin chỉ đạo đạo điều hành
của ngành một cách nhanh chóng, kịp thời.
- Các cơ quan, trường học có chế độ cập
nhật thông tin đảm bảo tối thiểu hai lần một ngày (buổi sáng: trước 8 giờ; buổi
chiều: trước 5 giờ) thông qua hai kênh thông tin chính: Cổng
thông tin điện tử của ngành và thư điện tử (e-mail) của đơn vị. Các cơ quan,
trường học cũng cần tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong công tác quản lý,
điều hành và thông tin liên lạc của đơn vị mình. Đảm bảo chế độ thông tin chính
xác và kịp thời. Đảm bảo 100% các đơn vị, cơ sở giáo dục và lãnh đạo các đơn vị
có địa chỉ thư điện tử tên miền giáo dục (...*@hcm.edu.vn...., ....*@....edu.vn, ...@moet.edu.vn hoặc ....sgddt@tphcm.gov.vn) để sử dụng trong
công tác, khuyến khích các đơn vị cung cấp thư điện tử tên miền giáo dục cho
giáo viên và học sinh. Thường xuyên sử dụng và sử dụng có hiệu quả hộp thư điện tử. Không sử dụng thư điện tử
tên miền xã hội (...@gmail, ... @yahoo,...) trong quan hệ công tác.
- Các cơ quan, trường học cần áp dụng
công nghệ và triển khai tiêu chuẩn định dạng đọc tin tự động RSS (Really Simple
Syndication) trong trang thông tin điện tử của đơn vị mình để tiếp nhận trực tiếp các thông tin quản lý điều hành
của ngành từ Cổng thông tin điện tử Sở Giáo dục và Đào tạo
thành phố.
3.5 Tăng cường sử dụng phần mềm quản
lý trong nhà trường và sử dụng sổ điện tử trong quản lý và lưu trữ
- Sử dụng phần mềm quản lý trong nhà
trường:
Tăng cường sử dụng phần mềm quản lý
trong trường phổ thông. Phần mềm quản lý trường học là các hệ thống phần mềm
theo công nghệ trực tuyến. Phần mềm phải có chức năng quản lý và in ra được sổ
điện tử đảm bảo đúng nội dung, đúng mẫu theo quy định.
Đảm bảo 100% các
đơn vị trường học được triển khai hệ thống phần mềm quản lý trường học trực tuyến.
Dữ liệu cập nhật trên hệ thống phải đảm bảo tính chính
xác, đầy đủ. Tập trung triển khai và cập nhật tối thiểu các mô đun quản lý học
sinh, đội ngũ, xếp thời khóa biểu; đảm bảo kết nối liên thông dữ liệu từ trường
đến phòng, sở giáo dục và đào tạo.
- Sử dụng sổ điện tử trong quản lý và lưu trữ:
Từ năm học 2015 - 2016, Sở Giáo dục
và Đào tạo đã có văn bản số 3260/GDĐT-GDTrH ngày 09/10/2015 hướng dẫn việc quản
lý, sử dụng Sổ gọi tên và ghi điểm điện tử từ năm học 2015
-2016. Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận huyện, các trường trung học phổ thông
cần xem xét và triển khai thực hiện theo đúng hướng dẫn.
Ngoài ra, một số phần mềm trực tuyến
đã được Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định và đáp ứng yêu cầu công tác như:
- Phần mềm xếp thời khóa biểu.
- Phần mềm quản lý nhân sự (PMIS).
Các phần mềm quản lý trong trường học
cần được Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định thông qua Trung tâm Thông tin và
Chương trình Giáo dục. Trong quá trình triển khai các hệ thống thông tin quản
lý tập trung, các cơ sở giáo dục phải làm chủ, sở hữu cơ sở dữ liệu giáo dục phục
vụ cho công tác quản lý giáo dục. Không cho phép các tổ chức, cá nhân và doanh
nghiệp sở hữu và khai thác tài sản dữ liệu giáo dục vào bất kỳ mục đích nào khi
chưa được phép của cơ quan quản lý.
3.6 Tổ chức và khai thác sử dụng
có hiệu quả các phần mềm đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp
Tiếp tục sử dụng và khai thác có hiệu
quả các phần mềm đã được Bộ GD&ĐT cung cấp miễn phí dùng thống nhất trên toàn quốc, cụ thể:
- Hệ thống thông tin quản lý phổ cập
giáo dục và chống mù chữ. Hệ thống đã được chuyển giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo
thành phố Hồ Chí Minh quản trị, vận hành và khai thác. Địa
chỉ hệ thống:
http://phocapgiaoduc.hcm.edu.vn
- Phần mềm hỗ trợ kiểm định chất lượng
giáo dục trường mầm non cung cấp tại:
http://mamnon.eos.edu.vn.
- Phần mềm thống kê chất lượng giáo dục
tiểu học, cung cấp tại:
http://eqms.eos.edu.vn.
- Phần mềm thống kê số liệu quản lý
giáo dục cung cấp tại:
http://thongke.moet.gov.vn
hoặc http://thongke.smas.edu.vn.
- Phần mềm quản lý cán bộ công chức,
viên chức trực tuyến ePMIS.
3.7 Khai thác các website giáo dục
Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ
quan, các cơ sở giáo dục thông tin đến toàn thể cán bộ quản lý giáo dục, giáo
viên, học sinh và phụ huynh học sinh địa chỉ Cổng thông
tin điện tử của ngành giáo dục và đào tạo thành phố www.hcm.edu.vn và địa
chỉ trang thông tin điện tử của đơn vị mình để kịp thời cập nhật thông tin cũng
như tuyên truyền cho các chủ trương, chính sách của ngành giáo dục và đào tạo.
Các đơn vị, trường học cũng cần hướng
dẫn học sinh (đặc biệt học sinh lớp 12) truy cập và khai thác thông tin Cổng thông tin Thi và tuyển sinh của Bộ: www.thituyensinh.vn.
Hướng dẫn giáo viên, cán bộ quản lý
và học sinh thường xuyên truy cập Cổng thông tin điện tử của
Bộ tại moet.gov.vn để cập nhật tin tức về ngành giáo dục đào tạo.
Hướng dẫn giáo viên, cán bộ quản lý,
học sinh và các nhà trường thường xuyên truy cập Trang thông tin điện tử của Cục
CNTT e-ict.gov.vn để cập nhật thông tin và tài nguyên liên quan đến triển
khai ứng dụng CNTT toàn ngành.
Các đơn vị trường học thực hiện việc
cung cấp tài khoản đến tất cả cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh trên cổng
thông tin “Trường học kết nối” của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại địa chỉ truonghocketnoi.vn để khai thác và thực hiện tập huấn, dạy học,
trao đổi chuyên môn, từng bước hình thành và xây dựng cộng đồng giáo dục một
cách hiệu quả.
4. Ứng dụng CNTT
trong đổi mới phương pháp dạy và học
4.1 Triển khai đề án “Tăng cường kỹ năng CNTT cho giới trẻ hội nhập và
phát triển - YouthSpark Digital Inclusion”
Căn cứ Quyết định số 3348/QĐ-BGDĐT
ngày 11 tháng 9 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo
triển khai Dự án “Tăng cường kỹ năng CNTT cho giới trẻ hội nhập và phát triển -
YouthSpark Digital Inclusion”;
Thực hiện văn bản số 397/CNTT ngày
18/9/2017 của Cục CNTT - Bộ Giáo dục và Đào tạo về Thông báo kế hoạch tập huấn
giáo viên tham gia dự án Tăng cường kỹ năng CNTT cho giới trẻ hội nhập và phát
triển” năm 2017, năm học 2017 - 2018 Sở Giáo dục và Đào tạo chính thức triển
khai Dự án “Tăng cường kỹ năng CNTT cho giới trẻ hội nhập
và phát triển - YouthSpark Digital Inclusion” dành cho các đơn vị đã đăng ký
tham dự. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản hướng dẫn cụ
thể việc triển khai dự án tại thành phố.
4.2 Ứng dụng CNTT trong dạy - học:
Việc ứng dụng CNTT&TT đổi mới
phương pháp dạy - học cần được thực hiện một cách sáng tạo và thiết thực theo
hướng giáo viên tự tích hợp CNTT vào từng môn học để nâng cao hiệu quả bài giảng.
Giáo viên sử dụng thành thạo phần mềm trình chiếu, kết hợp các phần mềm mô phỏng,
thí nghiệm ảo và phần mềm dạy học, đồng thời ứng dụng cáp công cụ trực tuyến nhằm
nâng cao hiệu quả công tác quản lý lớp học, tương tác với học sinh trong lớp học.
Để việc ứng dụng CNTT&TT trong
giáo dục đạt hiệu quả cao, thủ trưởng các đơn vị, giáo viên cần thực hiện các
nhiệm vụ cụ thể sau:
- Tích cực tham gia các lớp bồi
dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT cho giáo viên và
cán bộ quản lý giáo dục
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tiếp
tục triển khai các chương trình tập huấn theo định hướng cung cấp các chương
trình nâng cao năng lực và ứng dụng CNTT&TT trong giáo dục theo chuẩn năng
lực CNTT của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên thành phố theo hướng
dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT ngày 21 tháng 6 năm 2016
của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông đồng thời định hướng
theo chuẩn CNTT quốc tế, cụ thể:
+ Chương trình
Tin học căn bản, nâng cao, theo chuẩn của Bộ, IC3, MOS.
+ Chương trình Nâng cao năng lực ứng dụng CNTT&TT trong quản lý và dạy học dành cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên.
+ Chương trình Dạy học theo dự án.
+ Chương trình Phát triển kỹ năng dạy
học tương tác.
+ Chương trình thiết kế bài giảng điện
tử e-Learning.
+ Chương trình Kỹ thuật trình chiếu
nâng cao.
- Tích cực tham gia các sân
chơi công nghệ:
+ Sân chơi công nghệ dành cho giáo
viên: Năm học 2017 - 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tiếp tục triển khai
Cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin năm học
2017-2018” cấp thành phố lần thứ 3. Cuộc thi là sân chơi công nghệ trí tuệ dành
cho giáo viên các cấp. (văn bản số 3411/GDĐT-TTTT ngày 14/9/2017 của Sở Giáo dục
và Đào tạo).
+ Sân chơi công
nghệ dành cho học sinh với phương pháp giáo dục STEM
Năm học 2017 - 2018, Sở
Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức cuộc thi “Giờ lập trình - Hour of code” nhằm
xây dựng một sân chơi ứng dụng CNTT cho học sinh thành phố tiếp cận với những
chuẩn kiến thức, kỹ năng lập trình quốc tế. (dành cho học
sinh Tiểu học, THCS)
Sân chơi Thiết kế Kodu
Lab (dành cho học sinh THCS)
Sân chơi SROBOT với chủ đề
“Chơi vui robot - Học tốt Pascal” dành cho học sinh THCS, THPT.
5. Xây dựng mô
hình giáo dục điện tử, trường học điện tử:
Nhằm từng bước xây dựng mô hình giáo
dục thông tminh, Sở Giáo dục và Đào tạo khuyến khích mỗi nhà trường tùy thuộc
vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, xây dựng mô hình trường học điện tử đảm bảo
nguyên tắc ứng dụng CNTT một cách hiệu quả, thiết thực, nhằm hiện đại hóa công
tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy-học, góp phần nâng cao chất lượng giáo
dục. Mô hình trường học điện tử bao gồm các nội dung cơ bản như
sau:
- Hạ tầng và trang
thiết bị CNTT phục vụ quản lý và dạy - học gồm: mạng LAN, Internet tốc độ cao,
mạng không dây (wifi), phòng máy tính, máy tính phục vụ quản
lý, máy tính phục vụ chuyên môn, máy in, webcam/camera, thiết bị trình chiếu
(màn chiếu, màn hình)... và một số trang thiết bị tiên tiến,
được bố trí trong phòng có đủ diện tích, ánh sáng và bàn ghế, tiện nghi phụ trợ
phù hợp.
- Hệ thống phần mềm ứng dụng CNTT
trong quản lý giáo dục gồm:
+ Website trường học để cung cấp,
công khai thông tin ra xã hội; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến tới phụ
huynh, học sinh.
+ Sử dụng thư điện tử trao đổi thông
tin quản lý và dạy - học.
+ Sử dụng phần mềm quản lý nhà trường
trực tuyến, gồm: quản lý hành chính điện tử (e-office), quản lý học sinh, quản lý giáo viên, quản lý các kỳ thi, xếp thời khóa biểu,
quản lý tài chính, quản lý cơ sở vật chất, quản lý thư viện... Ứng dụng sổ điện
tử, học bạ điện tử.
- Ứng dụng CNTT&TT đổi mới nội dung,
phương pháp dạy và học, gồm: sử dụng hiệu quả các thiết bị, phần mềm dạy học,
thí nghiệm ảo, phần mềm mô phỏng; Ứng dụng một cách có hiệu quả hệ thống ứng dụng
dạy - học thông minh, hiện đại ở những nơi có điều kiện; ứng dụng kho bài giảng
e-Learning, sách điện tử, sách giáo khoa điện tử đổi mới
phương pháp dạy - học; ứng dụng hệ thống đánh giá người học trực tuyến...
- Không ngừng nâng cao nhận thức,
năng lực ứng dụng CNTT của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên theo hướng chuẩn
hóa và chuyên nghiệp, từng bước đạt chuẩn quốc tế.
- Ban hành hệ thống quy chế quản lý,
vận hành, duy trì và ứng dụng các hệ thống CNTT trong nhà trường một cách khoa học và hiệu quả.
6. Tăng cường đầu
tư cơ sở hạ tầng và thiết bị CNTT
Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối
hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh đầu tư hệ thống máy chủ đặt tại Trung tâm dữ liệu thành phố đáp ứng yêu cầu vận hành toàn
bộ Hệ thống thông tin giáo dục và Hệ thống thông tin quản lý giáo dục của ngành
giáo dục và đào tạo thành phố. Từng bước kết nối cơ sở dữ liệu ngành giáo dục
và đào tạo với dữ liệu chung của thành phố, cùng thành phố xây dựng Chính quyền
điện tử. Đảm bảo hệ thống vận hành ổn định, an toàn an ninh thông tin.
Đối với cơ sở giáo dục: việc đầu tư hạ
tầng CNTT cần đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, đảm bảo tính sư phạm,
có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và có sự phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Việc đầu tư hạ tầng CNTT cần tập trung cho các nhiệm vụ:
- Đảm bảo 100% các đơn vị, cơ sở giáo
dục được kết nối cáp quang Internet. Khuyến khích nhà trường sử dụng Internet đồng
thời của nhiều nhà mạng khác nhau để đảm bảo chất lượng và sự ổn định dịch vụ
Internet.
- Trang bị đủ thiết bị CNTT phục vụ
công tác quản lý, điều hành: mỗi trường trang bị ít nhất 02 bộ máy tính, 01 máy
in và 01 webcam. Mỗi tổ bộ môn trong trường có máy tính dùng riêng.
- Trang bị thiết bị CNTT phục vụ dạy
- học. Đảm bảo đủ máy tính phục vụ dạy - học môn Tin học (tiểu học đạt tỷ lệ 24
học sinh/1 máy tính, trung học cơ sở đạt tỷ lệ 16 học sinh/1 máy tính và trung
học phổ thông đạt tỷ lệ 12 học sinh/1 máy tính). Các phòng máy tính phục vụ dạy
học phải được nối mạng Internet.
- Triển khai các biện pháp đảm bảo an
toàn an ninh đối với các hệ thống CNTT (phần cứng, phần mềm, wesbite...). Thường
xuyên rà soát, khắc phục các nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin. Đẩy
mạnh tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh kỹ năng nhận biết, phòng tránh các nguy cơ
mất an toàn thông tin đối với các thiết bị CNTT cá nhân như điện thoại thông
minh, máy tính, máy tính bảng.
III. Tổ chức thực hiện
1. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Giao trách nhiệm tổ chức và triển
khai nhiệm vụ CNTT cho Trung tâm Thông tin và Chương trình giáo dục (sau đây gọi
tắt là Trung tâm). Trung tâm có trách nhiệm phối hợp với
các phòng ban Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm
vụ CNTT.
Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường
công tác kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ CNTT của các cơ sở, đơn vị
giáo dục, đồng thời tổ chức sơ kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ CNTT
giữa năm học và tổ chức đánh giá, tổng kết công tác ứng dụng CNTT năm học
2017-2018 vào thời điểm tổng kết năm học.
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở
Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh:
- Hoàn thành việc
xây dựng kiến trúc tổng thể về CNTT ngành giáo dục và đào tạo thành phố làm cơ
sở kết nối các hệ thống thông tin và hệ thống thông tin quản lý giáo dục trong
toàn ngành.
- Triển khai phần mềm Quản lý văn bản
và hồ sơ công việc liên thông từ Sở Giáo dục và Đào tạo đến 24 phòng giáo dục
và đào tạo các quận huyện trên cơ sở liên thông với trục
liên thông 36a của thành phố, cùng thành phố xây dựng chính phủ điện tử theo chỉ
đạo của chính phủ.
2. Phòng Giáo dục và Đào tạo các
quận huyện
Xây dựng kế hoạch triển khai và ứng dụng
CNTT nhằm hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện nhiệm vụ CNTT năm học 2017
- 2018. Kế hoạch triển khai gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo thông qua Trung tâm
Thông tin và Chương trình Giáo dục trước ngày 30/9/2017.
Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận huyện
tổ chức sơ kết và tổng kết công tác ứng dụng CNTT cũng như đánh giá việc triển khai công tác đối với các đơn vị trực thuộc.
3. Các trường trung học phổ thông,
các trung tâm giáo dục thường xuyên và các đơn vị
trực thuộc:
Các trường trung học phổ thông, các
trung tâm giáo dục thường xuyên và các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch thực
hiện nhiệm vụ CNTT năm học 2017 - 2018. Kế hoạch triển khai gửi về Sở Giáo dục
và Đào tạo thông qua Trung tâm Thông tin và Chương trình Giáo dục trước ngày
30/9/2017.
Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ hực tiếp
đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ CNTT năm học 2017 - 2018 của các trường
trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên và các đơn vị trực thuộc.
Kế hoạch triển khai nhiệm vụ CNTT năm
học 2017-2018 của phòng giáo dục và đào tạo các quận huyện, các trường trung học
phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên và các đơn vị trực thuộc gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo qua địa chỉ:
Trung
tâm Thông tin và Chương trình Giáo dục
66-68 Lê Thánh Tôn, Ph. Bến Nghé, Quận 1
Điện thoại: 3.829.18.75
E_mail: tttt_ctgd@hcm.edu.vn
Việc triển khai
nghiêm túc nhiệm vụ CNTT năm học sẽ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung
của Ngành giáo dục và Đào tạo thành phố, vì vậy Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố
đề nghị thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc triển khai, thực hiện những nội dung
công việc theo kế hoạch.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó
khăn, vướng mắc cần báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo (Trung tâm Thông tin và Chương
trình Giáo dục) để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời./.
Nơi nhận:
- Như trên (để thực hiện);
- Cục CNTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo (để báo cáo);
- Giám đốc Sở GD&ĐT (để báo cáo);
- Các phòng ban Sở GD&ĐT (để phối hợp);
- Lưu VP, TTTT&CTGD (HT).
|
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
Nguyễn Văn Hiếu
|
* Đính kèm:
- Văn bản số 3260/GDĐT-GDTrH ngày
09/10/2015 hướng dẫn việc quản lý, sử dụng Sổ gọi tên và
ghi điểm điện tử từ năm học 2015 - 2016.
- Văn bản số 3082/GDĐT-TTTT ngày 13
tháng 9 năm 2016 về hướng dẫn tổ chức, xây dựng và vận hành trang thông tin điện
tử hoặc cổng thông tin điện tử của đơn vị giáo dục.
- Danh sách các đơn vị tham gia dự án
“Tăng cường kỹ năng CNTT cho giới trẻ hội nhập và phát triển” năm 2017.