Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 272/QĐ-TCTK 2023 Phương án điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ

Số hiệu: 272/QĐ-TCTK Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tổng cục Thống kê Người ký: Nguyễn Thị Hương
Ngày ban hành: 07/03/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
TỔNG CỤC THỐNG KÊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 272/QĐ-TCTK

Hà Nội, ngày 07 tháng 3 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN ĐIỀU TRA HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ

Căn cứ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê ngày 12 tháng 11 năm 2021;

Căn cứ Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Căn cứ Quyết định số 10/2020/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Căn cứ Quyết định số 03/2023/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 143/QĐ-BKHĐT ngày 20 tháng 02 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ủy quyền cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ký quyết định ban hành phương án điều tra thống kê được phân công trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 232/QĐ-TCTK ngày 16 tháng 02 năm 2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về việc ban hành Kế hoạch điều tra thống kê năm 2023 của Tổng cục Thống kê;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin thống kê.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, thay thế các Quyết định:

- Quyết định số 751/QĐ-TCTK ngày 24/6/2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về việc ban hành Phương án điều tra bán buôn, bán lẻ hàng hóa.

- Quyết định số 752/QĐ-TCTK ngày 24/6/2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về việc ban hành Phương án điều tra hoạt động vận tải, kho bãi.

- Quyết định số 990/QĐ-TCTK ngày 07/10/2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về việc ban hành Phương án điều tra dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch và dịch vụ khác.

Điều 2. Giao Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin thống kê chủ trì, phối hợp với Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ và các đơn vị có liên quan của Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện điều tra theo đúng Phương án quy định.

Điều 3. Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin thống kê, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (để báo cáo);
- Lãnh đạo Tổng cục Thống kê;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (để phối hợp chỉ đạo);
- Lưu: VT, TTDL (5).

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Thị Hương

PHƯƠNG ÁN

ĐIỀU TRA HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ
(Kèm theo Quyết định số 272/QĐ-TCTK ngày 07 tháng 3 năm 2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU ĐIỀU TRA

1. Mục đích điều tra

Điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ là điều tra Mẫu thuộc Chương trình điều tra thống kê quốc gia được thực hiện nhằm mục đích:

- Phục vụ công tác quản lý, đánh giá, dự báo tình hình kinh tế - xã hội, lập chính sách, kế hoạch phát triển của toàn bộ nền kinh tế và từng địa phương.

- Phục vụ đánh giá tốc độ tăng trưởng của các ngành và toàn bộ nền kinh tế để phục vụ công tác biên soạn các chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh.

- Đáp ứng nhu cầu của các đối tượng dùng tin khác.

2. Yêu cầu điều tra

- Thực hiện điều tra theo đúng các nội dung quy định trong Phương án.

- Bảo mật thông tin thu thập theo quy định của Luật Thống kê.

- Quản lý và sử dụng kinh phí của cuộc điều tra đúng chế độ hiện hành, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

- Kết quả điều tra phải đáp ứng yêu cầu của người dùng tin trong và ngoài nước; đảm bảo tính so sánh quốc tế.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, ĐƠN VỊ ĐIỀU TRA

1. Phạm vi điều tra

Điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (tỉnh, thành phố) đối với các doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp và các hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), các cơ sở kinh doanh cá thể có hoạt động thuộc các ngành kinh tế từ ngành G đến ngành S (trừ ngành O - Hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị - xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, bảo đảm xã hội bắt buộc) trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

a) Điều tra hằng tháng đối với các ngành kinh tế sau:

- Ngành G: Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và các xe có động cơ khác.

- Ngành H: Vận tải, kho bãi.

- Ngành I: Dịch vụ lưu trú và ăn uống.

- Ngành L: Hoạt động kinh doanh bất động sản.

- Ngành N: Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ.

- Ngành P: Giáo dục và đào tạo.

- Ngành Q: Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (trừ ngành 87 “Hoạt động chăm sóc điều dưỡng tập trung” và ngành 88 “Hoạt động chăm sóc điều dưỡng không tập trung”).

- Ngành R: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (trừ ngành 91 “Hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác” và ngành 92002 “Hoạt động cá cược và đánh bạc”).

- Ngành S: Hoạt động dịch vụ khác (trừ ngành 94 “Hoạt động của các hiệp hội, tổ chức khác”).

b) Điều tra hằng quý đối với các ngành kinh tế sau:

- Ngành J: Thông tin và truyền thông.

- Ngành K: Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (trừ ngành 65 “Bảo hiểm, tái bảo hiểm và bảo hiểm xã hội (trừ bảo đảm xã hội bắt buộc)” và ngành 66 “Hoạt động tài chính khác”).

- Ngành M: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ.

Danh mục ngành chọn Mẫu được quy định tại Phụ lục I.

2. Đối tượng điều tra

Đối tượng điều tra bao gồm:

Cơ sở sản xuất, kinh doanh có hoạt động bán buôn, bán lẻ hàng hóa; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú, ăn uống; thông tin và truyền thông; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; chuyên môn khoa học và công nghệ; hành chính và dịch vụ hỗ trợ; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; dịch vụ khác.

3. Đơn vị điều tra

Đơn vị điều tra bao gồm:

(i) Các doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố được thành lập và chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp và các Luật chuyên ngành như: Luật Đầu tư, Luật Thương mại, ...

(ii) Các hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã được thành lập và chịu sự điều chỉnh của Luật Hợp tác xã.

(iii) Các cơ sở kinh doanh cá thể.

Lưu ý: Đối với hợp tác xã và cơ sở kinh doanh cá thể không thực hiện thu thập thông tin liên quan đến hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.

III. LOẠI ĐIỀU TRA

Điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ là điều tra chọn Mẫu. Quy mô Mẫu được phân bổ bảo đảm mức độ đại diện cho các ngành kinh tế thuộc phạm vi điều tra theo tỉnh, thành phố trong điều kiện ngân sách hạn chế.

Phương pháp và quy trình chọn Mẫu được quy định tại Phụ lục II.

IV. THỜI GIAN, THỜI KỲ VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA

1. Thời gian điều tra

- Đối với điều tra hằng tháng: Thời gian điều tra thực hiện từ ngày 01 đến ngày 12 hằng tháng.

- Đối với điều tra theo quý: Thời gian điều tra thực hiện từ ngày 01 đến ngày 12 tháng cuối quý.

2. Thời kỳ thu thập thông tin:

Thu thập thông tin đối với các chỉ tiêu của cuộc điều tra là số liệu thực hiện của tháng, quý trước và dự tính số liệu của tháng, quý báo cáo.

3. Phương pháp điều tra

Điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ thu thập thông tin theo phương pháp gián tiếp kết hợp thu thập thông tin theo phương pháp trực tiếp.

Thu thập thông tin gián tiếp: Đơn vị thực hiện cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử điều tra của Tổng cục Thống kê (Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin thống kê - Cục TTDL). Điều tra viên (ĐTV) có trách nhiệm cung cấp tài khoản (tên đăng nhập và mật khẩu) tới đơn vị điều tra để thực hiện cung cấp thông tin trên phiếu điều tra điện tử (Phiếu webform); hướng dẫn cung cấp thông tin trên phiếu điều tra và kiểm tra, nghiệm thu phiếu điều tra của các đơn vị được phân công thực hiện.

Thu thập thông tin trực tiếp: Áp dụng đối với cơ sở kinh doanh cá thể. ĐTV đến từng cơ sở gặp người cung cấp thông tin (chủ cơ sở) để phỏng vấn, kết hợp quan sát đối tượng điều tra để ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điện tử được thiết kế trên thiết bị điện tử di động (phiếu CAPI).

V. NỘI DUNG, PHIẾU ĐIỀU TRA

1. Nội dung điều tra

Điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ thu thập các thông tin sau:

- Thông tin nhận dạng đơn vị điều tra.

- Thông tin về kết quả kinh doanh, tình hình hoạt động của đối tượng điều tra.

2. Phiếu điều tra

Điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ sử dụng 11 loại phiếu điều tra như sau:

Phiếu 1.1/DN-TM-T: Phiếu thu thập thông tin đối với doanh nghiệp/hợp tác xã (Áp dụng đối với doanh nghiệp/chi nhánh doanh nghiệp, hợp tác xã có hoạt động bán buôn, bán lẻ hàng hóa);

Phiếu 1.2/DN-LAD-T: Phiếu thu thập thông tin đối với doanh nghiệp/hợp tác xã (Áp dụng đối với doanh nghiệp/chi nhánh doanh nghiệp, hợp tác xã có hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch);

Phiếu 1.3/DN-VT-T: Phiếu thu thập thông tin đối với doanh nghiệp/hợp tác xã (Áp dụng đối với doanh nghiệp/chi nhánh doanh nghiệp, hợp tác xã có hoạt động vận tải, kho bãi);

Phiếu 1.4/DN-DVK-T: Phiếu thu thập thông tin đối với doanh nghiệp/hợp tác xã (Áp dụng đối với doanh nghiệp/chi nhánh doanh nghiệp, hợp tác xã có hoạt động dịch vụ kinh doanh bất động sản và một số dịch vụ khác);

Phiếu 1.5/DN-TT.KHCN-Q: Phiếu thu thập thông tin đối với doanh nghiệp/hợp tác xã (Áp dụng đối với doanh nghiệp/chi nhánh doanh nghiệp, hợp tác xã có hoạt động dịch vụ thông tin và truyền thông, chuyên môn khoa học công nghệ);

Phiếu 1.6/DN-TC-Q: Phiếu thu thập thông tin đối với doanh nghiệp/hợp tác xã - (Áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài);

Phiếu 2.1/CT-TM-T: Phiếu thu thập thông tin đối với cơ sở kinh doanh cá thể (Áp dụng đối với cơ sở kinh doanh cá thể có hoạt động bán buôn, bán lẻ hàng hóa);

Phiếu 2.2/CT-LA-T: Phiếu thu thập thông tin đối với cơ sở kinh doanh cá thể (Áp dụng đối với cơ sở kinh doanh cá thể có hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống);

Phiếu 2.3/CT-VT-T: Phiếu thu thập thông tin đối với cơ sở kinh doanh cá thể (Áp dụng đối với cơ sở kinh doanh cá thể có hoạt động vận tải, kho bãi);

Phiếu 2.4/CT-DVK-T: Phiếu thu thập thông tin đối với cơ sở kinh doanh cá thể (Áp dụng đối với cơ sở kinh doanh cá thể có hoạt động dịch vụ kinh doanh bất động sản và một số dịch vụ khác);

Phiếu 2.5/CT-TT.KHCN-Q: Phiếu thu thập thông tin đối với cơ sở kinh doanh cá thể (Áp dụng đối với cơ sở kinh doanh cá thể có hoạt động dịch vụ thông tin và truyền thông, chuyên môn khoa học và công nghệ).

Các loại phiếu điều tra quy định tại Phụ lục III.

VI. PHÂN LOẠI THỐNG KÊ SỬ DỤNG TRONG ĐIỀU TRA

Điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ sử dụng các danh mục và bảng phân loại thống kê sau:

1. Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Danh mục các đơn vị hành chính ban hành theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ cập nhật đến thời điểm điều tra.

VII. QUY TRÌNH XỬ LÝ VÀ TỔNG HỢP KẾT QUẢ ĐIỀU TRA

1. Quy trình xử lý thông tin

- Thông tin trên phiếu điều tra điện tử được truyền về và lưu trữ trên máy chủ của Tổng cục Thống kê ngay sau khi việc thu thập thông tin được hoàn thành ở từng đơn vị điều tra. Dữ liệu được kiểm tra, duyệt và nghiệm thu bởi các giám sát viên (GSV) huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện), GSV cấp tỉnh, thành phố (gọi chung là cấp tỉnh) và GSV trung ương.

2. Tổng hợp kết quả điều tra

Kết quả Điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ được tổng hợp để phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thuộc các Hệ thống chỉ tiêu thống kê theo yêu cầu Mẫu biểu của Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ.

VIII. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH ĐIỀU TRA[1]

Điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ được thực hiện theo kế hoạch sau:

TT

Nội dung công việc

Thời gian thực hiện

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

1

Xây dựng Phương án điều tra

Tháng 5 - 11/2022

Cục TTDL

Vụ TMDV, Đơn vị liên quan

2

Thiết kế và hoàn thiện phiếu điều tra

Tháng 5 - 11/2022

Cục TTDL

Vụ TMDV

3

Thiết kế biểu đầu ra và hướng dẫn cách tính

Tháng 7 - 11/2022

Vụ TMDV

Cục TTDL

4

Xây dựng các loại tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, hướng dẫn sử dụng các phần mềm và tài liệu khác liên quan

Tháng 8 - 12/2022

Cục TTDL

Vụ TMDV

5

Xây dựng các chương trình phần mềm (bao gồm xây dựng các yêu cầu về thiết kế bảng hỏi, yêu cầu chức năng của các phần mềm)

Tháng 9 - 12/2022

Cục TTDL

Vụ TMDV

6

Chọn Mẫu và rà soát danh sách Mẫu điều tra

Tháng 10 - 12/2022

Cục TTDL, CTK

Vụ TMDV

7

In tài liệu

Tháng 10 - 12/2022

CTK

Đơn vị liên quan

8

Tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ cấp trung ương, cấp tỉnh

Tháng 11 - 12/2022

Cục TTDL, CTK

Vụ TMDV, Đơn vị liên quan

9

Thu thập thông tin

Hằng tháng, quý

CTK

Cục TTDL, Đơn vị liên quan

10

Kiểm tra và duyệt dữ liệu

Hằng tháng, quý

CTK, Cục TTDL

Đơn vị liên quan

11

Xử lý số liệu điều tra

Hằng tháng, quý

Cục TTDL

Vụ TMDV

12

Tổng hợp kết quả

Hằng tháng, quý

Cục TTDL

Vụ TMDV

13

Phân tích kết quả điều tra và chuẩn bị công bố kết quả điều tra

Hằng tháng, quý, năm

Vụ TMDV

Đơn vị liên quan

IX. TỔ CHỨC ĐIỀU TRA

1. Công tác chuẩn bị

a) Chọn Mẫu và rà soát danh sách Mẫu điều tra

Cục TTDL chủ trì phối hợp với Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (TMDV), Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (TKQG) chọn Mẫu các đơn vị điều tra; chủ trì phối hợp với Cục Thống kê tỉnh, thành phố (Cục Thống kê) rà soát, cập nhật đơn vị điều tra phục vụ công tác thu thập thông tin.

Cục Thống kê chỉ đạo thực hiện việc rà soát, cập nhật đơn vị điều tra trên phạm vi tỉnh, thành phố.

b) Tuyển chọn giám sát viên và điều tra viên thống kê

Cục Thống kê chỉ đạo, thực hiện tuyển chọn ĐTV phục vụ công tác thu thập thông tin của cuộc điều tra, đảm bảo tiến độ và chất lượng thông tin thu thập.

GSV là lực lượng thực hiện công việc giám sát các hoạt động của mạng lưới ĐTV và hỗ trợ chuyên môn cho GSV cấp dưới (nếu có) và các ĐTV trong quá trình điều tra thực địa. GSV có 03 cấp: cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện.

c) Tập huấn nghiệp vụ điều tra

Tập huấn nghiệp vụ điều tra thực hiện ở 02 cấp: Cấp trung ương và cấp tỉnh. Mỗi cấp tập huấn trong 02 ngày (trong đó: 01 ngày giới thiệu phương án điều tra, hướng dẫn nghiệp vụ và 01 ngày hướng dẫn sử dụng thiết bị điều tra phiếu điện tử và Trang Web điều hành tác nghiệp).

- Cấp trung ương: Cục TTDL chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn cho các giảng viên cấp tỉnh và GSV cấp tỉnh.

- Cấp tỉnh: Cục Thống kê cấp tỉnh chủ trì tổ chức tập huấn cho ĐTV và GSV cấp huyện.

d) Tài liệu điều tra

Tài liệu điều tra bao gồm các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ và phần mềm do Tổng cục Thống kê biên soạn. Cục Thống kê chủ động in và phân phối theo khối lượng thực tế của đơn vị.

đ) Chương trình phần mềm

Chương trình phần mềm sử dụng trong điều tra bao gồm: Chương trình chọn Mẫu đơn vị điều tra, chương trình thu thập thông tin trên web form, CAPI, chương trình quản lý giám sát, kiểm tra, chương trình tổng hợp kết quả điều tra và các chương trình phần mềm liên quan.

2. Công tác điều tra thực địa

Cục Thống kê chủ trì chỉ đạo thực hiện công tác điều tra thu thập thông tin tại địa bàn, đảm bảo tiến độ và chất lượng thông tin thu thập.

3. Công tác kiểm tra, giám sát

Nhằm bảo đảm chất lượng của cuộc điều tra, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện ở tất cả các khâu của cuộc điều tra.

Nội dung kiểm tra, giám sát bao gồm: Kiểm tra, giám sát việc tổ chức các lớp tập huấn, thu thập thông tin của đơn vị điều tra, số lượng và chất lượng thông tin do đơn vị cung cấp,…

Hình thức kiểm tra, giám sát: Kiểm tra, giám sát trực tuyến trên Trang Web điều hành tác nghiệp; kiểm tra, giám sát trực tiếp công tác tập huấn và thu thập thông tin.

Để đảm bảo chất lượng thông tin thu thập, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện ngay trong quá trình thu thập thông tin, GSV thường xuyên kiểm tra dữ liệu trên chương trình phần mềm và thông báo đề nghị đơn vị, ĐTV xác minh hoàn thiện phiếu điều tra.

4. Nghiệm thu và xử lý thông tin

a) Nghiệm thu phiếu điều tra

Cục TTDL chủ trì nghiệm thu dữ liệu điều tra trên phạm vi cả nước. Cục Thống kê chủ trì việc nghiệm thu dữ liệu điều tra trên phạm vi tỉnh, thành phố.

b) Xử lý thông tin

Cục TTDL chủ trì phối hợp với Vụ TMDV, Vụ TKQG, các đơn vị liên quan và Cục Thống kê kiểm tra, làm sạch và hoàn thiện cơ sở dữ liệu điều tra phục vụ tổng hợp và phân tích kết quả điều tra; thực hiện tính quyền số suy rộng tổng hợp kết quả đầu ra theo yêu cầu.

5. Tổ chức thực hiện

a) Cục TTDL: Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau: Thiết kế và chọn Mẫu đơn vị điều tra; xây dựng các loại tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ điều tra; xây dựng các phần mềm; tổ chức in ấn tài liệu; tổ chức tập huấn cấp trung ương; tổ chức công tác kiểm tra, giám sát; kiểm tra, làm sạch, xử lý, thiết kế Mẫu biểu sử dụng chung và tổng hợp kết quả điều tra.

b) Vụ TMDV và các đơn vị liên quan: Chủ trì xây dựng Mẫu biểu tổng hợp kết quả đầu ra, kiểm tra hệ biểu tổng hợp kết quả đầu ra và phân tích kết quả điều tra thuộc lĩnh vực phụ trách. Phối hợp với Cục TTDL và các đơn vị liên quan trong việc xây dựng phương án, phiếu điều tra; xây dựng các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ điều tra; tổ chức tập huấn; kiểm tra, giám sát; nghiệm thu, làm sạch và hoàn thiện cơ sở dữ liệu; ...

c) Vụ Kế hoạch tài chính: Chủ trì, phối hợp với Cục TTDL, Vụ TMDV dự trù kinh phí điều tra; hướng dẫn sử dụng, quản lý và quyết toán kinh phí điều tra.

d) Văn phòng Tổng cục Thống kê: Phối hợp với Cục TTDL và các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị tập huấn cấp trung ương, thực hiện công tác giám sát, biên soạn, phát hành báo cáo kết quả điều tra.

đ) Vụ Pháp chế và Thanh tra thống kê: Chủ trì tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra cuộc điều tra theo kế hoạch được phê duyệt.

e) Cục Thống kê: Tổ chức, chỉ đạo, toàn diện cuộc điều tra trên địa bàn tỉnh, thành phố từ khâu rà soát cập nhật đơn vị điều tra; tuyển chọn; tập huấn cho ĐTV và GSV; thu thập thông tin; giám sát, kiểm tra; nghiệm thu phiếu điều tra,...

Phối hợp với Cục TTDL và các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê thực hiện: Kiểm thử các loại phần mềm; hỗ trợ các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra cấp trung ương.

X. KINH PHÍ ĐIỀU TRA

Kinh phí Điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ do Ngân sách nhà nước bảo đảm cho các hoạt động quy định trong Phương án này. Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí được thực hiện theo Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc Điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia; Thông tư số 37/2022/TT-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2022 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung khoản 9 Điều 3 và Mẫu số 01 kèm theo Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc Điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia và các quy định có liên quan.

Tổng cục Thống kê có trách nhiệm hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí điều tra theo đúng quy định của văn bản hiện hành. Trong phạm vi dự toán được giao, Thủ trưởng các đơn vị được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt cuộc Điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ theo đúng nội dung của Phương án điều tra, văn bản hướng dẫn của Tổng cục và các chế độ tài chính hiện hành./.



[1] Các chữ viết tắt trong bảng:

Vụ TMDV: Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ.

CTK: Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 272/QĐ-TCTK ngày 07/03/2023 về Phương án điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ do Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.347

DMCA.com Protection Status
IP: 18.224.43.74
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!