ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2805/QĐ-UBND
|
Hà Tĩnh, ngày 31
tháng 10 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỒ ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG HUYỆN KỲ ANH
ĐẾN NĂM 2040, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch số
21/2017/QH14 ngày 24/11/2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có
liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018; Luật Xây dựng số
50/2014/QH13 ngày 18/6/2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng
ngày 17/6/2020;
Căn cứ Nghị định số
44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết một số nội dung về
quy hoạch xây dựng; Nghị định số 72/2019/NĐ- CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 và Nghị
định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ; Nghị định số 35/2023/NĐ-CP
ngày 20/6/2023 của Chính phủ ban hành Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị
định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Thông tư số
01/2021/TT-BXD ngày 19/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ
thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng-QCVN 01:2021/BXD; Thông tư số
04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc quy định về hồ
sơ của nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và
quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn;
Căn cứ Quyết định số
1363/QĐ-TTg ngày 08/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch tỉnh Hà
Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày
24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch phân loại đô thị
toàn quốc giai đoạn 2021-2030;
Căn cứ Quyết định số
19/2019/QĐ-UBND ngày 19/4/2019 của UBND tỉnh về việc Ban hành Quy định một số
nội dung về quản lý quy hoạch xây dựng và cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh
Hà Tĩnh; Quyết định số 05/2020/QĐ- UBND ngày 20/02/2020 về việc sửa đổi, bổ
sung Quyết định số 19/2019/QĐ- UBND ngày 19/4/2019 của UBND tỉnh;
Thực hiện Văn bản số
4573/UBND-XD ngày 14/7/2020 của UBND tỉnh về việc lập quy hoạch xây dựng vùng
huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh;Căn cứ Quyết định số 3474/QĐ-UBND ngày 12/10/2020 của
UBND tỉnh về việc phê duyệt nhiệm vụ, dự toán lập Quy hoạch xây dựng vùng
huyện Kỳ Anh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 2797/QĐ-UBND
ngày 30/10/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh Nhiệm vụ quy hoạch
xây dựng vùng huyện Kỳ Anh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050;
Theo đề nghị của Sở Xây dựng
tại Văn bản số 317/SXD-QHKT9 ngày 17/10/2023 (trên cơ sở đề nghị của
UBND huyện Kỳ Anh tại Tờ trình số 112/TTr-UBND ngày 04/10/2023; sau khi tổng hợp
ý kiến các sở, ngành liên quan); ý kiến thống nhất đồng ý của Thành viên Ủy ban
nhân dân tỉnh qua Phiếu biểu quyết,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê
duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Kỳ Anh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm
2050 với các nội dung sau:
1. Tên đồ án: Quy hoạch
xây dựng vùng huyện Kỳ Anh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
2. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch:
UBND huyện Kỳ Anh.
3. Tư vấn lập Quy hoạch: Viện
Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng Hà Tĩnh.
4. Thành phần hồ sơ:
4.1. Phần bản vẽ:
- Sơ đồ vị trí và mối liên hệ
vùng (QH-01).
- Bản đồ hiện trạng vùng (phần
hiện trạng phân bố dân cư và sử dụng đất và hệ thống hạ tầng xã hội), tỷ lệ
1/25.000 (QH-02A).
- Bản đồ hiện trạng vùng (phần
hệ thống hạ tầng kỹ thuật), tỷ lệ 1/25.000 (QH-02B).
- Bản đồ phân vùng quản lý phát
triển; tỷ lệ 1/25.000 (QH-03).
- Bản đồ định hướng phát triển
không gian vùng, tỷ lệ 1/25.000 (QH-04).
- Bản đồ định hướng chuẩn bị kỹ
thuật, tỷ lệ 1/25.000 (QH-05).
- Bản đồ định hướng giao thông,
tỷ lệ 1/25.000 (QH-06).
- Bản đồ định hướng hệ thống điện,
tỷ lệ 1/25.000 (QH-07).
- Bản đồ định hướng hệ thống cấp
nước, tỷ lệ 1/25.000 (QH-08).
- Bản đồ định hướng thoát nước
thải và xử lý nước thải, chất thải rắn và nghĩa trang, tỷ lệ 1/25.000 (QH-09).
- Bản đồ định hướng hạ tầng viễn
thông thụ động, tỷ lệ 1/25.000 (QH-10).
4.2. Phần văn bản:
- Tờ trình thẩm định, phê duyệt
quy hoạch.
- Thuyết minh tổng hợp.
- Dự thảo Quyết định phê duyệt
đồ án quy hoạch.
- Dự thảo Quy định quản lý quy
hoạch.
5. Phạm vi, ranh giới và thời
hạn lập quy hoạch
5.1. Quy mô, phạm vi, ranh giới:
Bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện Kỳ Anh, với tổng diện tích tự nhiên 760,27
km2; ranh giới như sau:
- Phía Bắc giáp huyện Cẩm
Xuyên.
- Phía Nam giáp Thị xã Kỳ Anh.
- Phía Tây giáp tỉnh Quảng
Bình.
- Phía Đông giáp biển Đông.
5.2. Thời hạn quy hoạch: Đến
năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
6. Tính chất, mục tiêu quy
hoạch
6.1. Tính chất:
- Là vùng kinh tế tổng hợp, có
vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Hà Tĩnh.
- Là vùng có tiềm năng phát triển
du lịch với cảnh quan thiên nhiên đa dạng, giàu bản sắc văn hóa.
- Là đầu mối giao thông quan trọng
của vùng phía Nam tỉnh Hà Tĩnh.
- Là trung tâm thương mại, dịch
vụ của vùng phía Nam tỉnh Hà Tĩnh.
6.2. Mục tiêu:
- Cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Hà
Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt.
- Phát huy thế mạnh về vị trí
chiến lược, các tiềm năng về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, văn
hóa, sinh thái và cảnh quan để tạo ra bước tăng trưởng kinh tế, nâng cao vai
trò vị thế của huyện trong vùng tỉnh Hà Tĩnh.
- Thiết lập các vùng kinh tế động
lực, vùng đô thị hóa tập trung, các cơ sở kinh tế - xã hội (như công nghiệp, du
lịch, hệ thống hạ tầng xã hội…), khung kết cấu hạ tầng kỹ thuật chủ yếu cấp tỉnh,
cấp huyện là hạt nhân phát triển kinh tế- xã hội của cả huyện theo hướng cân bằng
và bền vững.
- Nghiên cứu đề xuất mô hình
phát triển không gian đô thị - nông thôn vùng huyện, xác định tính chất quy mô
của hệ thống đô thị, lập kế hoạch cải tạo nâng cấp, xây mới, phân loại đô thị…
- Bảo vệ môi trường, di sản văn
hóa-lịch sử, cảnh quan thiên nhiên. Giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa địa
phương.
- Làm cơ sở pháp lý cho công
tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng, lập chương trình, kế hoạch triển khai
các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện.
7. Dự báo phát triển vùng
7.1. Các chỉ tiêu kinh tế
Cơ cấu kinh tế:
+ Năm 2040: Nông, lâm và thủy sản:
16,0%; Công nghiệp - xây dựng: 40%; Dịch vụ - thương mại: 44,0%.
+ Năm 2050: Nông - lâm - ngư
nghiệp 12,0%; Công nghiệp - xây dựng 38,0%; Thương mại - dịch vụ 50,0%.
7.2. Dân số
- Hiện trạng: 123.294 người
(trong đó toàn bộ dân số là nông thôn).
- Đến năm 2040: Dự báo dân số
trung bình khoảng 159.343 người, trong đó dân số đô thị đạt 46.940 người, dân số
nông thôn 112.403 người.
- Đến năm 2050: Dự báo dân số
trung bình khoảng 187.246 người, trong đó dân số đô thị khoảng 63.084 người, dân
số nông thôn 124.162 người.
7.3. Đất đai
- Dự báo đất đai năm 2040: Đất
phát triển đô thị tăng thêm 10.000 ÷ 15.000 ha; đất phát triển các điểm dân cư
nông thôn tăng thêm 1.500 ÷ 2.000 ha; đất dịch vụ, công cộng ngoài đô thị tăng
thêm 200 ÷ 700 ha; đất du lịch tăng thêm 550 ÷ 800ha; đất công nghiệp tăng thêm
150 ÷ 250 ha.
- Dự báo đất đai năm 2050 (so với
năm 2040): đất phát triển đô thị tăng thêm 1.000 ÷5.000 ha; đất phát triển các
điểm dân cư nông thôn tăng thêm 500 ÷ 1.000 ha; đất dịch vụ, công cộng ngoài đô
thị tăng thêm 200 ÷ 500 ha; đất du lịch tăng thêm 300 ÷ 500 ha; đất công nghiệp
tăng thêm 100 ÷ 200 ha.
8. Định hướng phát triển
không gian vùng
8.1. Quan điểm phát triển vùng:
- Phát triển huyện Kỳ Anh đa dạng
dựa trên các điều kiện tự nhiên, đặc điểm địa lý, lợi thế riêng của từng tiểu
vùng nhằm khai thác phát huy những tiềm năng của các vùng: Vùng Tây Nam (vùng
thượng), vùng ven biển, vùng trung tâm, vùng cận đô thị.
- Đón đầu việc mở rộng Khu Kinh
tế Vũng Áng ra phía huyện Kỳ Anh, sẵn sàng trở thành một phần của Khu kinh tế tỉnh.
- Phát triển xã Kỳ Đồng trở
thành đô thị trung tâm của huyện; các đô thị Kỳ Phong, Kỳ Trung, Kỳ Xuân, Lâm Hợp
trở thành các đô thị động lực cho các tiểu vùng.
- Phát triển bền vững, đồng đều
giữa các vùng, có mũi nhọn trong cơ cấu ngành kinh tế và thích ứng biến đổi khí
hậu toàn cầu.
8.2. Phân vùng phát triển đô thị:
a) Đô thị Kỳ Đồng
- Quy mô: Trên cơ sở diện tích
hiện nay của xã Kỳ Đồng là 13,94 km2.
- Loại đô thị: Định hướng đến
năm 2025 đạt đô thị loại V.
- Tính chất đô thị: Là trung
tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, thương mại dịch vụ
của huyện Kỳ Anh.
b) Đô thị Kỳ Xuân
- Quy mô: Trên cơ sở diện tích
hiện nay của xã Kỳ Xuân là 22,93 km2.
- Loại đô thị: Định hướng đến
năm 2030 đạt đô thị loại V.
- Tính chất đô thị: Là trung
tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch biển.
c) Đô thị Kỳ Phong
- Quy mô: Trên cơ sở diện tích
hiện nay của xã Kỳ Phong là 30,06 km2.
- Loại đô thị: Định hướng đến
năm 2030 đạt đô thị loại V.
- Tính chất đô thị: Là trung tâm
kinh tế, văn hóa, xã hội, công nghiệp.
d) Đô thị Lâm Hợp
- Quy mô: Trên cơ sở diện tích
hiện nay của xã Lâm Hợp là 60,79 km2 (sáp nhập từ xã Kỳ Lâm và Kỳ Hợp
theo Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH11 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
- Loại đô thị: Định hướng đến
năm 2030 đạt đô thị loại V.
- Tính chất đô thị: Là trung
tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, logictis, đầu mối phía Tây Nam của huyện.
e) Đô thị Kỳ Trung
- Quy mô: Trên cơ sở diện tích
hiện nay của xã Kỳ Trung là 30,06 km2.
- Loại đô thị: Định hướng đến
năm 2030 đạt đô thị loại V.
- Tính chất đô thị: Là trung
tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch, thể dục thể thao kết hợp cảnh quan.
8.3. Phân vùng phát triển nông
thôn
a) Vùng dân cư nông thôn: Vùng dân
cư nông thôn bố trí trên cơ sở các đồ án quy hoạch chung xây dựng các xã, quy
hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn.
b) Vùng sản xuất nông nghiệp
- Vùng đồi núi: Gắn với các sản
phẩm chủ lực là cây chè chất lượng cao, cây nguyên liệu, cây dược liệu, vùng
chăn nuôi tập trung bò thịt, lợn thịt, gia cầm (gà, vịt),…; trong đó:
+ Vùng trồng chè tập trung chủ
yếu tại các xã: Lâm Hợp, Kỳ Thượng, Kỳ Tây, Kỳ Sơn, Kỳ Trung, Kỳ Lạc.
+ Vùng trồng cây nguyên liệu,
dược liệu tập trung phía Tây, chủ yếu tại các xã: Kỳ Sơn, Lâm Hợp, Kỳ Tây, Kỳ
Thượng, Kỳ Lạc…
+ Vùng chăn nuôi tập trung tại
các xã: Lâm Hợp, Kỳ Tây, Kỳ Phong, Kỳ Lạc, Kỳ Thượng.
- Vùng đồng bằng và vùng trung
tâm: Gồm khu vực các xã Kỳ Bắc, Kỳ Tiến, Kỳ Giang, Kỳ Phong, Kỳ Phú, Kỳ Khang,
Kỳ Tân, Kỳ Đồng, Kỳ Văn. Sản phẩm chủ lực: lúa, rau màu chất lượng cao và chăn
nuôi gia súc (bò), gia cầm, cá tôm,…
- Vùng ven biển: Gồm các xã Kỳ
Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Khang, Kỳ Hải, Kỳ Thọ. Trước năm 2030 là nuôi trồng thủy sản,
phát triển nuôi tôm thâm canh công nghệ cao tại các xã ven biển, xây dựng các
khu dịch vụ hậu cần nghề biển. Sau 2030 chuyển hướng dần từ nuôi trồng thủy sản
sang các dịch vụ hỗ trợ du lịch và các sản phẩm phục vụ du lịch. Quy hoạch, xác
định các khu vực phù hợp để đầu tư các dự án, phát triển các chương trình phù hợp
và tránh xung đột với khu vực khai thác du lịch.
8.4. Phân vùng phát triển công
nghiệp
- Quy hoạch xây dựng 5 cụm công
nghiệp: Cụm công nghiệp Kỳ Phong; Cụm công nghiệp Đồng Khang; Cụm công nghiệp Kỳ
Khang; Cụm công nghiệp Kỳ Tân; Cụm công nghiệp Lâm Hợp.
- Quy hoạch các vùng phát triển
năng lượng tái tạo ở các khu vực có lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu tại
Kỳ Xuân, Kỳ Khang, Kỳ Phú, Kỳ Lạc, Kỳ Sơn, Kỳ Tân...
8.5. Phân vùng phát triển trung
tâm kinh tế
a) Tiểu vùng 1 - Vùng kinh tế
tiệm cận đô thị phía Nam
Với sự phát triển ngày càng mạnh
mẽ của đô thị thị xã Kỳ Anh, khu kinh tế Vũng Áng, các vùng phụ cận sẽ có cơ sở,
tiền đề để phát triển các dịch vụ hỗ trợ đô thị như: Hạ tầng, thương mại dịch vụ,
sản xuất nông nghiệp chất lượng cao cung ứng cho đô thị và khu kinh tế Vũng
Áng. Bên cạnh đó với lợi thế tuyến đường tránh Quốc lộ 1 đi qua đô thị Kỳ Anh,
nút giao đường bộ cao tốc Bắc - Nam tại xã Kỳ Tân tạo ra động lực phát triển dịch
vụ vận tải, trung chuyển hành khách, logistic…
Trong tiểu vùng 1 có khu vực
nút giao cao tốc: Là vùng đặc thù, hình thành sau khi đường bộ cao tốc Bắc -
Nam đi qua khu vực bố trí nút giao, quy hoạch thành vùng phát triển hỗn hợp
thương mại dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, công viên cây xanh, đầu
mối hạ tầng kỹ thuật, khu ở dân cư và các chức năng khác phù hợp.
b) Tiểu vùng 2 - Vùng kinh tế
phía Tây Nam
Phát triển kinh tế rừng, vườn đối
với các sản phẩm: Cây nguyên liệu, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi gia
súc, gia cầm công nghệ cao,…bên cạnh việc phát triển đô thị miền núi, thương mại
dịch vụ, đầu mối giao thương sản phẩm sản xuất cho người dân địa phương,
logistic. Ngoài ra cùng với dự án thủy lợi Rào Trổ, Khu di tích Quốc gia Lũy đá
cổ ở Kỳ Lạc, cảnh quan rừng núi cũng là động lực phát triển du lịch, thương mại
dịch vụ cho vùng này.
c) Tiểu vùng 3- Vùng kinh tế biển
Khu vực này thuận lợi cho việc
phát triển du lịch, dịch vụ, kinh tế biển với các loại hình như dịch vụ nghỉ dưỡng,
thương mại dịch vụ, đánh bắt, nuôi trồng, thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề
cá. Dọc theo trục đường ven biển, khai thác quỹ đất để hình thành khu vực phát
triển dịch vụ công nghiệp hỗ trợ Khu kinh tế Vũng Áng, đón đầu nhu cầu phát triển
mở rộng của Khu kinh tế.
d) Tiểu vùng 4 - Vùng kinh tế
trung tâm theo trục Quốc lộ 1
Khu vực đã có quá trình hình
thành lâu dài và là trục phát triển thương mại chính của huyện Kỳ Anh. Trên cơ
sở hiện trạng cùng với việc phát triển của các đô thị và vùng kinh tế dọc theo
trục Quốc lộ 1, khu vực trung tâm này vẫn sẽ là vùng kinh tế quan trọng cho huyện
Kỳ Anh với lợi thế phát triển thương mại dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp chất
lượng cao…
8.6. Phân vùng phát triển du lịch
- Vùng du lịch trung du và miền
núi: Thuộc các xã Kỳ Trung, Kỳ Giang, Kỳ Tây, Kỳ Thượng,…khai thác lợi thế về địa
hình miền núi, trung du kết hợp các hồ đập lớn, các di chỉ văn hóa, các vùng sản
xuất nông nghiệp tập trung tạo nên tiềm năng phát triển du lịch khám phá, du lịch
cảnh quan, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm… góp phần tăng trưởng kinh tế và
đa dạng du lịch cho huyện.
- Vùng du lịch biển: Thuộc các
xã Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Khang, khai thác lợi thế của hơn 24km bờ biển với cảnh
quan thiên nhiên đa dạng, biển kết hợp với núi, đá... Đây là vùng đặc thù ven
biển Hà Tĩnh có sự đa dạng về địa hình biển tạo nên sức hút lớn đối với du
khách. Bên cạnh đó kết hợp các di tích văn hóa, các vùng sản xuất để phát triển
khu vực du lịch kinh tế động lực cho toàn huyện; kết nối với các khu du lịch
khác như Thiên Cầm, Cẩm Lĩnh, Kỳ Ninh tạo thành chuỗi du lịch biển cho khu vực
phía Nam Hà Tĩnh.
- Chuỗi du lịch văn hóa tâm
linh, địa chỉ đỏ: Huyện Kỳ Anh có nhiều di tích lịch sử cấp Quốc gia, cấp tỉnh,
là tiềm năng để phát triển chuỗi du lịch văn hóa tâm linh, địa chỉ đỏ hoặc liên
kết với các địa điểm, hình thức du lịch khác. Như chuỗi du lịch thăm quan địa
chỉ văn hóa kết hợp du lịch tâm linh như Chùa Hữu Lạc, Đền Phương Giai (xã Kỳ Bắc),
Lũy đá cổ Kỳ Anh (tại xã Kỳ Lạc),…
8.7. Các khu vực bảo vệ, bảo tồn
a) Khu vực rừng phòng hộ: Phân
bố ở vùng phòng hộ ven biển, rừng phòng hộ ven sông. Phục hồi và phát triển bền
vững hệ thống rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn bền vững để bảo vệ các cơ sở
nuôi trồng thủy sản vùng sản xuất nội đồng, khu công nghiệp, khu du lịch. Rừng
phòng hộ cần được bảo vệ nhằm bảo vệ cho nguồn nước, đất, điều hòa khí hậu, bảo
tồn đa dạng sinh học,...
b) Khu vực rừng đặc dụng: Phân
bố ở phía Tây của huyện. Việc phát triển, sử dụng rừng đặc dụng phải bảo đảm sự
phát triển tự nhiên của rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan khu rừng, bảo
tồn nguồn gen, trong đó quan tâm đặc biệt đến các loài động vật đặc hữu, nguy cấp,
quý hiếm.
c) Khu vực hồ đập: Toàn huyện
có 29 hồ chứa nước quy mô lớn, vừa và nhỏ. Khi khai thác du lịch và nguồn nước
ngọt cung cấp sinh hoạt cần phải đảm bảo các quy định về an toàn công trình, vệ
sinh môi trường, quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước và các tiêu chuẩn, quy
chuẩn khác và lưu vực nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, an toàn hồ đầu nguồn.
d) Các khu vực di tích, bảo tồn:
Có các giải pháp trong quá trình cải tạo, xây dựng, quy hoạch phát triển để nhằm
bảo tồn các di tích văn hóa lịch sử, di chỉ văn hóa trên địa bàn như: Lũy đá cổ
Kỳ Anh, đền Phương Giai, Chùa Dền, Khu mộ Mai Lão Bạng, …
8.8. Phân vùng phát triển hạ tầng
xã hội
a) Hạ tầng xã hội cấp huyện: Hạ
tầng xã hội cấp vùng huyện tập trung chủ yếu ở đô thị Kỳ Đồng và một số xã; một
số công trình: Trung tâm chính trị huyện, trung tâm y tế huyện, trung tâm văn
hóa huyện ở Kỳ Đồng, khu du lịch biển ở Kỳ Xuân, trung tâm logistics Lâm Hợp, Kỳ
Trung,…
b) Hạ tầng xã hội cấp đô thị: Tập
trung chủ yếu ở 05 đô thị với quỹ đất xây dựng các công trình chính trị, văn
hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng, y tế, TDTT… cấp đô thị. Vị trí cụ thể được
quy định tại các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
c) Hạ tầng xã hội cấp xã: Bố
trí tại trung tâm của các xã, bao gồm quỹ đất xây dựng các công trình trung tâm
chính trị, hành chính, thiết chế văn hóa cấp xã; các vị trí công trình cụ thể
được quy định trong các đồ án quy hoạch nông thôn.
9. Định hướng phát triển hệ
thống hạ tầng kỹ thuật
9.1. Định hướng phát triển giao
thông
a) Đường bộ:
- Quy hoạch các tuyến Quốc lộ,
cao tốc:
+ Đường bộ cao tốc Bắc - Nam
phía Đông: Hướng tuyến và quy mô mặt cắt ngang thực hiện theo Quyết định số
1454/QĐ-TTg ngày 01/09/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch mạng lưới
đường bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Tuyến đi qua địa bàn huyện Kỳ
Anh có chiều dài khoảng 24,3km; được quy hoạch với quy mô 6 làn xe, đi qua các
xã Kỳ Phong, Kỳ Trung, Kỳ Văn, Kỳ Tân và Kỳ Lạc.
+ Đường bộ cao tốc Vũng Áng -
Cha Lo (CT.18) kết nối Khu kinh tế Vũng Áng với Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan với
quy mô như sau: Chiều dài tuyến khoảng 115,0km, đoạn tuyến đi qua địa bàn huyện
có quy mô 4 làn xe.
+ Quốc lộ 1: Đoạn đi qua địa bàn
huyện có chiều dài khoảng 22,58km. Định hướng giữ nguyên cấp đường hiện trạng
(riêng đoạn tuyến đi qua khu đô thị Kỳ Đồng có quy mô theo đồ án quy hoạch
chung đô thị Kỳ Đồng).
+ Quốc lộ 1 tuyến tránh: Đoạn
tuyến đi qua địa bàn huyện có chiều dài khoảng 6,75km. Định hướng quy hoạch
nâng cấp, mở rộng tuyến đường rộng 32,5m gồm 6 làn xe (kết nối theo đồ án Quy
hoạch chung thị xã Kỳ Anh đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
+ Quốc lộ 12C: Tuyến đi qua địa
bàn huyện dài khoảng 36,0km. Định hướng quy hoạch đến 2050 nâng cấp tuyến đạt
tiêu chuẩn đường cấp III, quy mô 2-4 làn xe. Đối với những đoạn tuyến đi qua
các khu đô thị quy mô quy hoạch theo quy hoạch đô thị.
- Quy hoạch các tuyến đường tỉnh:
+ Đường tỉnh 547 (ĐT.547): Tuyến
đi qua địa bàn huyện có chiều dài khoảng 24,00 km. Định hướng đến năm 2050: Quy
hoạch quy mô tuyến tối thiểu là đường cấp III đồng bằng (Bnền/Bmặt
=12,0m/11,0m).
+ Đường tỉnh 551 (ĐT.551): Chiều
dài tuyến khoảng 44,8 km. Định hướng đến năm 2023-2050 nâng cấp tuyến tối thiểu
đạt tiêu chuẩn đường cấp IV (các đoạn tuyến đi qua các khu vực đô thị tuân thủ
theo các đồ án được phê duyệt).
+ Đường tỉnh 554 (ĐT.554): Chiều
dài tuyến trên địa bàn huyện khoảng 40,0 km. Định hướng đến năm 2023-2050 nâng
cấp tuyến tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III với quy mô 2 làn xe (các đoạn
tuyến đi qua các khu vực đô thị tuân thủ theo các đồ án được phê duyệt).
+ Đường tỉnh 555 (ĐT.555): Chiều
dài tuyến trên địa bàn huyện khoảng 7,0 km. Định hướng đến năm 2023-2050 nâng cấp
tuyến tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV (các đoạn tuyến đi qua các khu vực
đô thị tuân thủ theo các đồ án được phê duyệt).
- Quy hoạch các tuyến đường huyện
gồm 9 tuyến, cụ thể:
TT
|
Tên tuyến đường
|
Quy hoạch Giai đoạn 2024-2040 (cấp đường tối thiểu)
|
Quy hoạch Giai đoạn đến năm 2050 (cấp đường tối thiểu)
|
1
|
Đường Bắc – Xuân (ĐH.86)
|
Đô thị IV ĐB
|
Đô thị IV ĐB
|
2
|
Đường Tiến – Xuân (ĐH.87)
|
III ĐB
|
III ĐB
|
3
|
Đường Đồng - Giang - Trung (ĐH.88)
|
III MN
|
III MN
|
4
|
Đường QL1 – Biển Kỳ Khang (ĐH.89)
|
III ĐB
|
III ĐB
|
5
|
Đường Thọ - Ninh (ĐH.90)
|
IV ĐB
|
III ĐB
|
6
|
Đường Thọ - Trung (ĐH.91)
|
III MN
|
III MN
|
7
|
Đường Văn – Tây (ĐH.92)
|
III MN
|
III ĐB
|
8
|
Đường Sơn – Thượng (ĐH.93)
|
IV MN
|
III MN
|
9
|
Đường Sơn – Lạc (ĐH.94)
|
IV MN
|
III MN
|
- Quy hoạch các tuyến đường liên
xã gồm 18 tuyến, cụ thể:
TT
|
Tên tuyến đường
|
Quy hoạch Giai đoạn 2024-2040 (cấp đường tối thiểu)
|
Quy hoạch Giai đoạn đến năm 2050 (cấp đường tối thiểu)
|
1
|
Đường liên xã Phong - Bắc (LX.1)
|
IV ĐB
|
IV ĐB
|
2
|
Đường liên xã Kỳ Phong – Cẩm Minh (LX.2)
|
III ĐB
|
III ĐB
|
3
|
Đường liên xã Kỳ Xuân – Cẩm Lĩnh (LX.3)
|
Đô thị V MN
|
Đô thị III MN
|
4
|
Đường liên xã Tiến – Xuân (LX.4)
|
Đô thị IV ĐB
|
Đô thị IV ĐB
|
5
|
Đường liên xã Xuân – Phú (LX.5)
|
IV ĐB
|
IV ĐB
|
6
|
Đường liên xã Phú – Khang (LX.6)
|
IV ĐB
|
IV ĐB
|
7
|
Đường liên xã Khang – Ninh (LX.7)
|
V ĐB
|
IV ĐB
|
8
|
Đường liên xã Khang - Thọ (LX.8)
|
IV ĐB
|
IV ĐB
|
9
|
Đường liên xã Thọ - Thư (LX.9)
|
V ĐB
|
IV ĐB
|
10
|
Đường liên xã Văn - Thư - Hải (LX.10)
|
IV ĐB
|
IV ĐB
|
11
|
Đường liên xã Văn – Tân (LX.11)
|
IV ĐB
|
IV ĐB
|
12
|
Đường liên xã Tân – Lâm Hợp (LX.12)
|
III MN IV ĐB
|
III MN IV ĐB
|
13
|
Đường liên xã Châu – Hải (LX.13)
|
Đô thị IV ĐB
|
Đô thị IV ĐB
|
14
|
Đường liên xã Trung - Tây - Văn (LX.14)
|
V ĐB
|
IV ĐB
|
15
|
Đường Giang- Trung (LX.15)
|
V MN
|
III MN
|
16
|
Đường liên xã Tây - Thượng (LX.16)
|
IV MN
|
III MN
|
17
|
Đường liên xã Kỳ Lạc - Ngư Hóa (LX.17)
|
IV MN
|
III MN
|
18
|
Đường liên xã Kỳ Đồng - Kỳ Khang (LX.18)
|
Đô thị VI ĐB
|
Đô thị V ĐB
|
- Quy hoạch các tuyến đường chiến
lược phát triển kinh tế xã hội:
Định hướng quy hoạch mới 03 tuyến
đường chiến lược: Tuyến đường chiến lược phát triển du lịch biển Khang - Phú;
tuyến đường chiến lược phát triển kinh tế xã hội Đồng - Phú - Khang; tuyến đường
chiến lược phát triển kinh tế xã hội Kỳ Đồng - Kỳ Khang.
- Quy hoạch hệ thống bến xe: Bến
xe khách huyện Kỳ Anh (Kỳ Đồng); Bến xe Kỳ Lâm.
- Bãi đỗ xe: Quy hoạch 04 điểm
đỗ xe tại các xã Kỳ Phong, Kỳ Phú, Kỳ Thọ và khu vực bãi tắm Kỳ Xuân.
b) Mạng lưới đường thủy
- Quy hoạch tuyến sông Kinh đoạn
từ Kỳ Tiến đến Kỳ Hải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật sông cấp V.
- Giai đoạn đến 2040 định hướng
quy hoạch 08 bến thủy nội địa (1 bến do tỉnh quản lý và 7 bến do địa phương quản
lý). Cụ thể: Bến thủy tại thôn Vĩnh Phú, xã Kỳ Khang; xung quanh hồ Rào Trổ bố
trí 04 bến thuyền; xung quanh hồ Sông Rác bố trí 03 bến thuyền.
c) Hệ thống đường sắt
Quy hoạch 2 tuyến đường sắt:
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ.
9.2. Định hướng chuẩn bị kỹ thuật
- San nền:
+ Đối với các khu vực đã có quy
hoạch xây dựng (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết) thì
tuân thủ theo quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.
+ Đối với các khu vực chưa có
quy hoạch xây dựng: Lựa chọn cốt xây dựng đảm bảo an toàn cho các khu vực xây dựng,
phù hợp với đặc điểm, tần xuất chống lũ, có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu và
nước biển dâng.
- Thoát nước mưa:
Lưu vực thoát nước và nguồn tiếp
nhận được chia thành 4 lưu vực chính:
+ Lưu vực 1: Gồm các xã Kỳ Lạc,
Kỳ Tây, Kỳ Thượng, Kỳ Sơn, Lâm Hợp, nước thoát theo các khe, rào hiện trạng rồi
đổ ra sông Rào Trổ.
+ Lưu vực 2: Gồm các xã Kỳ Tân,
Kỳ Văn, Kỳ Thọ, Kỳ Thư, Kỳ Hải, Kỳ Châu nước thoát theo các khe, suối hiện trạng
rồi đổ ra sông Nhà Lê, sông Trí và ra biển.
+ Lưu vực 3: Gồm Kỳ Trung, Kỳ
Tiến, Kỳ Giang, Kỳ Đồng, Kỳ Khang, một phần xã Kỳ Phú, xã Kỳ Bắc, Kỳ Phong nước
thoát theo các khe, suối hiện trạng rồi đổ ra sông Nhà Lê, hồ Sông Rác.
+ Lưu vực 4: Gồm một phần xã Kỳ
Phú, xã Kỳ Xuân nước thoát theo các khe, suối hiện trạng rồi đổ ra biển.
9.3. Định hướng cấp điện
- Nguồn điện:
+ Trạm 110/35/22KV Kỳ Anh 2 đặt
tại xã Kỳ Đồng cấp điện cho huyện Kỳ Anh thông qua lưới điện 22KV, 35KV.
+ Xây dựng nhà máy điện gió:
Nhà máy điện gió Kỳ Anh PT1, PT2, PT3 tại xã Kỳ Tân, Kỳ Tây, Lâm Hợp và Kỳ Văn;
nhà máy điện gió Kỳ Khang; nhà máy điện gió hồ Đá Cát; nhà máy điện gió Cẩm
Lĩnh - Kỳ Bắc...
+ Xây dựng nhà máy điện mặt trời:
Nhà máy điện mặt trời hồ Rào Trổ; nhà máy điện mặt trời Kỳ Sơn...
- Lưới điện:
Lưới điện phân phối trung thế
22kV và 35kV: Quy hoạch các tuyến đường dây trung thế đi đến các xã trước khi hạ
thế phục vụ nhu cầu dùng điện.
9.4. Định hướng cấp nước
a) Cấp nước sinh hoạt
- Nhà máy cấp nước cho khu vực
Kỳ Đồng và vùng phụ cận công suất là 20.000 m3/ngđ; cấp nước cho các
xã Kỳ Bắc, Kỳ Tiến, Kỳ Giang, Kỳ Phú, Kỳ Khang, đô thị Kỳ Xuân, Kỳ Phong và đô
thị Kỳ Đồng.
- Nhà máy nước Lâm Hợp: Công suất
3.000 m3/ngđ và nhà máy nước Kỳ Lạc công suất 1.000 m3/ngđ;
cấp nước cho 02 xã Kỳ Lạc, Kỳ Sơn và đô thị Lâm Hợp.
- Nhà máy nước Kỳ Thượng: Công
suất 5.000 m3/ng.đ, nguồn nước cấp lấy từ hồ Rào Trổ; cấp nước cho
02 xã Kỳ Thượng, Kỳ Tây và đô thị Kỳ Trung.
- Nhà máy nước Khu kinh tế Vũng
Áng cấp nước cho các xã Kỳ Thư, Kỳ Châu, Kỳ Hải, Kỳ Văn, Kỳ Tân và Kỳ Thọ.
b) Quy hoạch thủy lợi:
Giải pháp cấp nước nông nghiệp
toàn huyện được phân ra 3 vùng cấp nước như sau:
- Vùng I: Gồm các xã Kỳ Xuân, Kỳ
Bắc, Kỳ Phong, Kỳ Tiến, Kỳ Giang, Kỳ Phú, một phần Kỳ Khang, Kỳ Trung và Kỳ Đồng.
Sử dụng hệ thống cấp nước tưới từ kênh N1 và N1-1 của hệ thống thủy lợi sông Rác,
kênh Nhà Lê và các hồ, đập nhỏ và các nhánh sông đi qua khu vực.
- Vùng II: Gồm một phần xã Kỳ
Khang, xã Kỳ Thọ, một phần xã Kỳ Thư và một phần xã Kỳ Văn. Sử dụng nguồn nước
từ các kênh của hệ thống thủy lợi sông Rác thông qua các tuyến kênh chính N1-2,
N1-3 và các hồ, đập nhỏ và các nhánh sông đi qua khu vực thông qua các trạm bơm
nhỏ phục vụ, trong đó có trạm bơm thôn Tiến Thành 1,2 của xã Kỳ Khang.
- Vùng III: Gồm một phần xã Kỳ
Thư, các xã Kỳ Văn, Kỳ Hải, một phần Kỳ Châu và xã Kỳ Tân. Sử dụng nguồn nước từ
hệ thống thủy lợi sông Trí thông qua các kênh thủy lợi từ thị xã Kỳ Anh cấp đến.
- Vùng IV: Gồm các xã Kỳ Thượng,
Kỳ Sơn, Lâm Hợp, Kỳ Tây, Kỳ Lạc. Theo dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng,
từ hệ thống Rào Trổ và hồ thượng sông Trí, nước phục vụ canh tác nông nghiệp, cấp
nước sinh hoạt, chăn nuôi của vùng này sẽ được lấy từ hồ Rào Trổ.
9.5. Định hướng thông tin liên
lạc:
Mạng thông tin khu vực nghiên cứu
trong giai đoạn tới sẽ được tổ chức thành các hệ thống riêng trên cơ sở hiện trạng.
Đảm nhiệm chức năng thoại, truyền hình, truyền số liệu, truy cập Internet và mạng
truyền thanh, truyền hình.
9.6. Thoát nước thải, quản lý
chất thải rắn và nghĩa trang
- Thoát nước thải:
+ Khu vực đô thị, công nghiệp,
khu du lịch: Quy hoạch hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn, có các trạm xử lý
nước thải đạt tiêu chuẩn và được kiểm soát.
+ Khu vực nông thôn: Quy hoạch
hệ thống thoát nước chung. Nước thải được xử lý qua bể tự hoại xây dựng đúng
quy cách, sau đó xả ra hệ thống thoát nước chung, dẫn ra ao hồ để xử lý sinh học.
- Chất thải rắn:
+ Chất thải rắn Y tế: Thu gom,
phân loại tại các cơ sở y tế, sau đó được vận chuyển về các khu xử lý rác thải
hợp vệ sinh, đảm bảo theo quy định.
+ Chất thải rắn công nghiệp:
Khai thác tối đa công suất Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp tại xã Kỳ Tân để
xử lý chất thải công nghiệp trong các cụm công nghiệp và các địa bàn khác trong
tỉnh.
+ Chất thải rắn sinh hoạt: Được
xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Hoành Sơn tại xã Kỳ Tân.
- Nghĩa trang: Các nghĩa trang
tại các xã tuân thủ theo quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch chung xây
dựng các xã. Quy hoạch 01 nghĩa trang tập trung tại xã Kỳ Tiến và 01 nghĩa
trang chung cho đô thị Kỳ Xuân và các vùng phụ cận. Một số nghĩa trang có ảnh
hưởng lớn đến cảnh quan môi trường và quy hoạch sử dụng đất phải có các giải
pháp đề xuất điều chỉnh đảm bảo phù hợp với tổng thể quy hoạch vùng huyện.
9.7. Bảo vệ môi trường
- Có giải pháp bảo vệ cảnh quan
thiên nhiên, các di tích lịch sử - văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch, dịch
vụ; xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường; đảm bảo an toàn cho nguồn cấp nước
sinh hoạt, tưới tiêu, bảo vệ môi trường đất, môi trường không khí; bảo vệ rừng,
các hệ sinh thái đặc trưng.
- Giảm thiểu tác động tiêu cực
đến môi trường thông qua các biện pháp: Giám sát, xử lý các vi phạm gây ô nhiễm;
đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường đối với từng dự án;
tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức và bảo vệ môi trường; áp dụng các tiến
bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ thích hợp trong các hoạt động bảo vệ môi trường;
xây dựng Quy chế quản lý bảo vệ môi trường.
10. Các dự án ưu tiên đầu tư
và nguồn lực thực hiện
10.1. Các dự án ưu tiên đầu tư
- Hoàn thành các dự án đầu tư để
đạt chuẩn huyện nông thôn mới ở các lĩnh vực: Giao thông, cấp điện, thủy lợi, y
tế - văn hóa - giáo dục và môi trường.
- Xây dựng phát triển du lịch,
dịch vụ, cải tạo nâng cấp các di tích lịch sử
- văn hóa, danh lam thắng cảnh.
- Các công trình ở khu vực
trung tâm đô thị Kỳ Đồng.
- Khu du lịch ven biển Kỳ Xuân.
- Trung tâm văn hóa huyện.
- Trung tâm logictics Lâm Hợp.
- Xây dựng hạ tầng các cụm công
nghiệp.
- Nhà máy nước Kỳ Đồng và vùng
phụ cận.
- Nhà máy điện gió Hồ Đá Cát.
- Nhà máy điện mặt trời Kỳ Sơn.
- Tuyến đường chiến lược phát
triển du lịch biển Khang Phú.
- Xây dựng mới bến xe Kỳ Đồng.
10.2. Nguồn lực thực hiện
- Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước
dành chủ yếu xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển hạ tầng các vùng sản xuất tập
trung.
- Nguồn vốn nước ngoài từ các
nhà đầu tư chiến lược, đầu tư vào các ngành công nghiệp, du lịch.
- Nguồn vốn từ các doanh nghiệp:
Đầu tư vào các hoạt động du lịch, thương mại, đô thị, sản xuất nông nghiệp nông
thôn trên địa bàn huyện.
- Nguồn vốn hợp pháp khác.
Điều 2. UBND
huyện Kỳ Anh (cơ quan tổ chức lập quy hoạch), Sở Xây dựng (cơ quan thẩm định, đề
xuất) chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh và cơ quan thanh
tra, kiểm tra về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, nội dung thẩm định,
sự phù hợp với các quy định pháp luật và các kiến nghị, đề xuất tại các Văn bản
trình, thẩm định nêu trên.
Điều 3. Giao
trách nhiệm cho các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan :
1. UBND huyện Kỳ Anh ban hành
quy định quản lý theo đồ án quy hoạch; tổ chức công bố công khai đồ án quy hoạch;
thực hiện quản lý quy hoạch, quản lý đất đai theo đúng quy định hiện hành; tổ
chức tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn tham
gia quản lý và thực hiện quy hoạch.
2. Các sở: Kế hoạch và Đầu tư,
Tài chính hàng năm rà soát, cân đối, tham mưu bố trí, lồng ghép nguồn vốn ưu tiên
đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo đúng quy hoạch được duyệt.
Điều 4. Quyết
định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám
đốc các sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường,
Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Thông tin
và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Y tế; Chủ
tịch UBND huyện Kỳ Anh; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Chủ tịch; các PCT UBND tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo - Tin học;
- Lưu: VT; XD,XD2.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Báu Hà
|