BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 732/QĐ-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 06 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA
CHI CỤC HÀNG HẢI VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số
123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Nghị định số
101/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của
Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ;
Căn cứ Nghị định số
56/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Quyết định số
319/QĐ-BGTVT ngày 27 tháng 3 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hàng hải Việt Nam;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục
Hàng hải Việt Nam tại Tờ trình số 1325/TTr-CHHVN ngày 11 tháng 4 năm 2023;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ
Tổ chức cán bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị
trí và chức năng
1. Chi cục Hàng hải Việt Nam là
cơ quan trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Cục
trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quản lý nhà nước và thực thi quy định của pháp luật
về hàng hải.
2. Chi cục Hàng hải Việt Nam có
tư cách pháp nhân, có trụ sở riêng, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản
tại Kho bạc Nhà nước.
3. Chi cục Hàng hải Việt Nam gồm
có:
a) Chi cục Hàng hải Việt Nam tại
thành phố Hải Phòng (tên giao dịch viết bằng tiếng Anh là Branch of Viet Nam
Maritime Administration in Hai Phong City).
b) Chi cục Hàng hải Việt Nam tại
thành phố Hồ Chí Minh (tên giao dịch viết bằng tiếng Anh là Branch of Viet Nam
Maritime Administration in Ho Chi Minh City).
Điều 2. Nhiệm
vụ và quyền hạn
1. Thực hiện đăng ký thuyền
viên, đăng ký tàu biển, xóa đăng ký tàu biển, cấp các giấy tờ, tài liệu liên
quan đến thuyền viên và tàu biển theo quy định của pháp luật.
2. Thực hiện thu và cấp giấy chứng
nhận Hội phí IMO theo quy định.
3. Tham gia xây dựng chiến lược,
quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm, các chương trình dự án quốc gia, các đề
án phát triển thuộc ngành hàng hải.
4. Tham gia xây dựng, tổ chức
thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và tham gia tổ chức tuyên truyền, phổ
biến pháp luật về hàng hải đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân hoạt động trong
lĩnh vực hàng hải.
5. Tham gia giám sát việc thực
hiện niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa công - te - nơ
bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển theo quy định.
6. Phê duyệt phương án vận tải
hàng hóa siêu trường hoặc hàng hóa siêu trọng đối với phương tiện thủy nội địa
rời bến cảng biển theo quy định.
7. Về tổ chức quản lý đầu tư
xây dựng, khai thác cảng cạn
a) Tổ chức kiểm tra, giám sát
việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng, khai thác đối với cảng cạn được giao
theo quy định;
b) Tham gia thẩm định việc chuyển
đổi điểm thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu thành cảng cạn theo quy định của
pháp luật.
8. Tham mưu, đề xuất các giải
pháp tăng cường kết nối các phương thức vận tải với cảng biển.
9. Thực hiện cấp mới, cấp lại
và thu hồi giấy xác nhận phù hợp về tuyển dụng và cung ứng thuyền viên theo quy
định của pháp luật.
10. Phối hợp với các Hiệp hội
chuyên ngành thực hiện phân tích, đánh giá tình hình hoạt động chuyên ngành
hàng hải tại khu vực, đề xuất cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho
doanh nghiệp và giải pháp quản lý nhà nước về nâng cao chất lượng các loại hình
dịch vụ nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước của Cục Hàng hải Việt Nam.
11. Phối hợp tổ chức đối thoại
với doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định, thủ tục hành
chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, thuyền viên, tàu biển,
vận tải biển nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong
lĩnh vực hàng hải tại khu vực.
12. Phối hợp với Thanh tra hàng
hải tham gia thực hiện thanh tra chuyên ngành hàng hải theo quy định của pháp
luật.
13. Tham gia thực hiện nhiệm vụ
quản lý nhà nước về vận tải biển và dịch vụ hàng hải theo quy định của pháp luật.
14. Tham gia thực hiện các
chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ về biến đổi khí hậu, phát triển cảng xanh,
tàu xanh và giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh, sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực hàng hải.
15. Tham gia xây dựng, triển
khai các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án ứng dụng công nghệ thông tin, quản
lý cơ sở dữ liệu, bảo đảm dịch vụ thông tin phục vụ quản lý nhà nước để xây dựng
Chính phủ điện tử, định hướng xây dựng Chính phủ số trong lĩnh vực hàng hải và
đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hàng hải.
16. Xây dựng và tổ chức thực hiện
chương trình cải cách hành chính của đơn vị theo mục tiêu và nội dung chương
trình cải cách hành chính nhà nước của Cục Hàng hải Việt Nam.
17. Tổ chức tiếp công dân, thực
hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật.
18. Quản lý bộ máy, biên chế,
công chức, người lao động; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính
sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức và người lao động thuộc phạm
vi quản lý của Chi cục theo quy định của pháp luật.
19. Tổ chức thực hiện thu, nộp
phí, lệ phí và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp, nguồn thu phí hàng hải,
nguồn thu từ phí, lệ phí và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật; được
áp dụng cơ chế tài chính đặc thù theo quy định để thực hiện nhiệm vụ được giao;
quản lý tài chính, tài sản và nguồn ngân sách được giao theo quy định của pháp
luật.
20. Được thừa uỷ quyền của Cục
trưởng Cục Hàng hải Việt Nam hoặc trực tiếp quan hệ với các cơ quan nhà nước,
đơn vị, tổ chức có liên quan để phối hợp giải quyết các công việc theo chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
21. Thực hiện quản lý, lưu trữ
hồ sơ, tài liệu về hoạt động của Chi cục theo quy định của pháp luật.
22. Thực hiện chế độ thống kê, báo
cáo theo quy định.
23. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn
khác do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam giao.
Điều 3. Cơ
cấu tổ chức
1. Các tổ chức giúp việc Chi cục
trưởng
a) Phòng Hành chính - Tổng hợp;
b) Phòng Nghiệp vụ hàng hải.
2. Chi cục trưởng Chi cục Hàng
hải Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức giúp việc
Chi cục trưởng.
Điều 4.
Lãnh đạo
1. Chi cục Hàng hải Việt Nam có
Chi cục trưởng là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Hàng hải
Việt Nam và pháp luật về toàn bộ hoạt động của Chi cục. Giúp việc Chi cục trưởng
có Phó Chi cục trưởng, chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và pháp luật về
nhiệm vụ được phân công. Số lượng Phó Chi cục trưởng thực hiện theo quy định của
pháp luật.
2. Chi cục trưởng Chi cục Hàng
hải Việt Nam do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy
định của pháp luật. Phó Chi cục trưởng, Kế toán trưởng do Cục trưởng Cục Hàng hải
Việt Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Chi cục trưởng và theo quy định
của pháp luật.
3. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm
các chức danh khác thuộc Chi cục Hàng hải Việt Nam thực hiện theo phân cấp quản
lý các chức danh lãnh đạo, quản lý của Cục Hàng hải Việt Nam.
Điều 5. Hiệu
lực và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực
thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2419/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 11
năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Hàng hải Việt Nam.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh
Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, các Chi cục trưởng
Chi cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như khoản 2 Điều 5;
- Các Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
- Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải;
- Lưu: VT, TCCB (S – 10 bản).
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Thắng
|