BỘ NỘI VỤ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2605/HD-BNV
|
Hà Nội, ngày 25
tháng 05 năm 2020
|
HƯỚNG DẪN
VIỆC SẮP XẾP TỔ CHỨC, BỐ TRÍ VÀ THỰC HIỆN
CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG, NGƯỜI HOẠT ĐỘNG
KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở CẤP XÃ KHI SẮP XẾP CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ
Căn cứ Nghị
quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị
hành chính cấp huyện và cấp xã; Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019
của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện,
cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021; Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của
Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện,
cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021;
Thực hiện ý kiến
chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 656/VPCP-TCCV ngày 13/3/2020 của
Văn phòng Chính phủ;
Sau khi lấy ý
kiến thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương và các Bộ, ngành Trung ương có liên
quan, Bộ Nội vụ hướng dẫn việc sắp xếp tổ chức, bố trí và thực hiện chính sách
đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hoạt động không
chuyên trách ở cấp xã khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, như
sau:
I. SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY
1. Tổ chức
chính quyền địa phương
a) Khi nhập
nguyên trạng các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để hình thành một đơn vị
hành chính cùng cấp mới thì tổ chức chính quyền địa phương và hoạt động của Hội
đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính mới thực hiện theo quy định
tại Điều 134 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
b) Khi thành lập
mới một đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở điều chỉnh một phần của
đơn vị hành chính cùng cấp khác thì tổ chức chính quyền địa phương và hoạt động
của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính mới thành lập thực
hiện theo quy định tại Điều 136 của Luật Tổ chức chính quyền địa
phương.
c) Trường hợp điều
chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp
xã về một đơn vị hành chính cùng cấp khác thì đại biểu Hội đồng nhân dân thuộc
địa bàn điều chỉnh đó là đại biểu của Hội đồng nhân dân đơn vị hành chính mới
cho đến khi hết nhiệm kỳ 2016 - 2021.
d) Trường hợp
Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã do điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính để
thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mà không còn đủ hai
phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân thì Hội đồng nhân dân cấp đó hoạt động
theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 138 của Luật Tổ chức
chính quyền địa phương.
đ) Việc sắp xếp,
kiện toàn tổ chức chính quyền địa phương khi nhập, thành lập mới, điều chỉnh địa
giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm nguyên tắc thống nhất và
gắn với việc sắp xếp tổ chức Đảng cùng cấp; bảo đảm nguyên tắc sắp xếp tổ chức
Đảng trước rồi mới tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức chính quyền địa phương,
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.
2. Các cơ
quan, tổ chức thuộc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện
a) Khi nhập
các đơn vị hành chính cấp huyện để hình thành một đơn vị hành chính cùng cấp mới
thì tiến hành nhập nguyên trạng các Ban của Hội đồng nhân dân cấp huyện có cùng
tên gọi, chức năng, nhiệm vụ với nhau. Trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện
trước khi sáp nhập có tổ chức Ban dân tộc mà đơn vị hành chính cấp huyện kia
không có thì khi hình thành đơn vị hành chính cấp huyện mới, vẫn tổ chức Ban
dân tộc thuộc Hội đồng nhân dân cấp huyện cho đến khi hết nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Từ nhiệm kỳ 2021 - 2026, việc tổ chức Ban dân tộc thuộc Hội đồng nhân dân cấp
huyện mới sau sắp xếp thực hiện theo Điều 2 Nghị quyết số
1130/2016/UBTVQH13 ngày 14/01/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu
chuẩn, điều kiện thành lập Ban dân tộc của Hội đồng nhân dân huyện, thị xã,
thành phố thuộc tỉnh.
b) Khi nhập
các đơn vị hành chính cấp huyện để hình thành một đơn vị hành chính cùng cấp mới
thì tiến hành nhập nguyên trạng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp
huyện (gọi chung là cơ quan chuyên môn) có cùng tên gọi, chức năng, nhiệm vụ.
Trường hợp đơn
vị hành chính cấp huyện trước khi sáp nhập có các cơ quan chuyên môn đặc thù
thì Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ tiêu chí thành lập cơ quan đặc thù và
khung số lượng cơ quan chuyên môn cấp huyện quy định tại Nghị định số
37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên
môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trình Hội đồng
nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định việc tiếp tục duy trì hoặc không duy trì
cho phù hợp với đặc điểm, đặc thù của địa phương.
c) Khi nhập
các đơn vị hành chính cấp huyện tại các địa phương đang thực hiện một số mô
hình thí điểm theo Kết luận số 34-KL/TW ngày 07/8/2018 của Bộ Chính trị thì tiến
hành nhập nguyên trạng các cơ quan, tổ chức đang thực hiện thí điểm có cùng tên
gọi, chức năng, nhiệm vụ và tiếp tục thực hiện việc thí điểm theo đúng kế hoạch,
lộ trình của địa phương đã đề ra. Trường hợp tại các đơn vị hành chính cấp huyện
đang thực hiện các mô hình thí điểm khác nhau (ví dụ: khi nhập huyện A với huyện
B trong đó huyện A đang thực hiện thí điểm mô hình hợp nhất Văn phòng cấp ủy
huyện với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện thành 01 Văn
phòng giúp việc chung nhưng huyện B không thực hiện nội dung thí điểm này) thì Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Ban Thường vụ tỉnh ủy xem xét quyết định cho phù
hợp.
3. Các đơn vị
sự nghiệp công lập
Sau khi sắp xếp
các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải tiến hành sắp xếp các đơn vị sự nghiệp
công lập, cụ thể như sau:
a) Hợp nhất,
sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cùng
loại trên địa bàn đơn vị hành chính cấp huyện mới phải bảo đảm tinh gọn đầu mối,
phù hợp với quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và hướng dẫn của Bộ quản lý
ngành, lĩnh vực.
b) Khi hợp nhất,
sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập cần xem xét mức độ tự chủ về tài chính
và thực hiện theo lộ trình, bảo đảm không tăng thêm số lượng người làm việc hưởng
lương từ ngân sách nhà nước và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.
c) Khi sắp xếp
các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, ngoài việc phải bảo
đảm các nguyên tắc nêu tại điểm a và điểm b khoản này, cần lưu ý:
- Trong năm học
2019 - 2020 vẫn giữ ổn định số lượng các trường học (mầm non, tiểu học, trung học
cơ sở, trung học phổ thông) trên địa bàn của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp
xã mới hình thành sau sắp xếp để không ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh,
đảm bảo chất lượng dạy và học, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất hiện có
của các trường học. Đối với các địa phương đã có kế hoạch, lộ trình sắp xếp các
trường học trước khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
thì tùy tình hình thực tiễn của địa phương mà tiếp tục hoặc không tiếp tục thực
hiện việc sắp xếp các trường học theo kế hoạch, lộ trình đã được cấp có thẩm
quyền phê duyệt.
Bắt đầu từ năm
học 2020 - 2021 trở đi thì việc sắp xếp các trường học thực hiện theo chỉ đạo của
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Đối với các
Trung tâm y tế cấp huyện, các Trạm y tế cấp xã thì thực hiện nhập nguyên trạng
theo nguyên tắc bảo đảm tinh gọn đầu mối và bộ máy quản lý, nhưng trước mắt vẫn
phải duy trì các hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở hiện có để phục vụ nhu
cầu của người dân trên địa bàn. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Y tế chủ
trì phối hợp với Sở Nội vụ và Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc sắp xếp
các trung tâm y tế, trạm y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
II. SẮP XẾP, BỐ TRÍ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG Ở CẤP
HUYỆN, CẤP XÃ VÀ NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở CẤP XÃ
1. Đối với đơn
vị hành chính cấp huyện mới hình thành
Căn cứ nội
dung Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương trong
giai đoạn 2019 - 2021 đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem
xét, thông qua và ban hành Nghị quyết (sau đây gọi chung là Đề án), Ủy ban nhân
dân cấp huyện mới hình thành thực hiện việc sắp xếp, bố trí và giải quyết các
chế độ, chính sách đối với số lượng cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao
động dôi dư. Cụ thể, căn cứ biên chế cán bộ, công chức, số lượng người làm việc,
số lượng hợp đồng lao động được cấp có thẩm quyền phê duyệt và số lượng cán bộ,
công chức, viên chức, hợp đồng lao động tại các đơn vị hành chính cấp huyện trước
khi sáp nhập, cơ quan có thẩm quyền ở cấp huyện mới hình thành thực hiện:
- Rà soát, sắp
xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động đủ điều kiện để tiếp
tục làm việc tại các cơ quan, đơn vị của đơn vị hành chính cấp huyện mới;
- Cán bộ, công
chức, viên chức, người lao động dôi dư (kể cả những người đủ điều kiện, tiêu
chuẩn giữ lại làm việc nhưng tự nguyện xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác
khác...) thì giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật hiện
hành.
2. Đối với đơn
vị hành chính cấp xã mới hình thành
a) Đối với cán
bộ, công chức cấp xã
Căn cứ nội
dung Đề án, Ủy ban nhân dân cấp huyện có đơn vị hành chính cấp xã mới hình
thành thực hiện việc sắp xếp, bố trí và giải quyết các chế độ, chính sách đối với
số lượng cán bộ, công chức cấp xã dôi dư. Cụ thể như sau:
- Rà soát, sắp
xếp, bố trí cán bộ, công chức cấp xã đủ điều kiện để tiếp tục làm việc tại đơn
vị hành chính cấp xã mới theo số lượng quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP
ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công
chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố
(sau đây gọi chung là Nghị định số 34/2019/NĐ-CP) và các văn bản hướng dẫn thực
hiện;
- Cán bộ, công
chức dôi dư (kể cả những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn giữ lại làm việc nhưng
tự nguyện xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác...) thì giải quyết chế độ,
chính sách theo quy định của pháp luật hiện hành.
b) Đối với người
hoạt động không chuyên trách
Số lượng người
hoạt động không chuyên trách được bố trí tại đơn vị hành chính cấp xã mới hình
thành khi thực hiện sắp xếp thực hiện theo quy định tại Nghị định số
34/2019/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Ủy ban nhân
dân cấp huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch, thực hiện lộ trình sắp xếp, bố trí
và giải quyết chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp
xã dôi dư theo nội dung Đề án.
3. Về số lượng
cán bộ cấp trưởng, cấp phó của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ
quan chuyên môn của cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp
theo thực hiện theo quy định của Đảng, của Luật Tổ chức chính quyền địa phương
(sửa đổi) và các văn bản khác có liên quan.
4. Việc bố
trí, sắp xếp cán bộ cấp xã giữ các chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp
phải được tiến hành đồng bộ với các tổ chức trong hệ thống chính trị. Việc bố
trí, sắp xếp cán bộ cấp xã giữ các chức vụ Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc,
Trưởng đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã phải căn cứ theo Hướng dẫn số
28-HD/BTCTW ngày 28/02/2020 của Ban Tổ chức Trung ương về việc thực hiện sắp xếp
tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các
đoàn thể chính trị - xã hội ở những địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành
chính cấp huyện, cấp xã và hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, cơ quan Trung ương của các đoàn thể.
5. Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh có trách nhiệm khẩn trương hoàn thiện và ban hành danh mục, số lượng
vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện
tinh giản biên chế tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành
sau sắp xếp theo quy định của Đảng và pháp luật.
III. CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI
LAO ĐỘNG Ở CẤP HUYỆN, CẤP XÃ VÀ NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở CẤP XÃ DÔI
DƯ
1. Cán bộ,
công chức, viên chức thuộc diện dôi dư do sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện,
cấp xã thì căn cứ theo từng đối tượng mà thực hiện các chế độ, chính sách theo
quy định của Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 09/3/2015 của Chính phủ quy định
chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm
giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt
Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày
20/11/2014, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về chính
sách tinh giản biên chế, Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 của Chính phủ
quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức và các quy định
khác có liên quan.
2. Thực hiện bảo
lưu các chế độ, chính sách (như tiền lương, phụ cấp lãnh đạo,...) đối với những
người được tiếp tục làm việc nhưng không giữ các chức vụ bầu cử trước đây cho đến
hết nhiệm kỳ bầu cử (đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo do bầu cử) hoặc hết
thời hạn bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo (đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo do
bổ nhiệm). Cụ thể, cán bộ, công chức đang đảm nhận các vị trí lãnh đạo của Hội
đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, các Ban của Hội đồng nhân dân
cấp huyện, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và người đứng
đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã khi thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc giữ chức
vụ có phụ cấp chức vụ thấp hơn trước khi sắp xếp nhưng vẫn là cán bộ, công chức
tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị ở đơn vị hành chính mới
hình thành sau sắp xếp hoặc ở các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khác thì
được bảo lưu lương và phụ cấp chức vụ đến hết nhiệm kỳ 2016 - 2021 (đối với cán
bộ lãnh đạo của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã), nhiệm kỳ
đương nhiệm (đối với người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã) hoặc đến
hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm (đối với công chức lãnh đạo). Trường hợp đang
giữ chức vụ bổ nhiệm hoặc nhiệm kỳ bầu cử còn dưới 06 tháng thì được bảo lưu 06
tháng. Sau khi hết thời hạn được bảo lưu, thì lương và phụ cấp chức vụ (nếu có)
được thực hiện theo chức vụ, chức danh hiện giữ hoặc giải quyết nghỉ chế độ
theo quy định.
Cán bộ, công
chức cấp huyện, cấp xã tự nguyện xin nghỉ việc thì giải quyết các chế độ, chính
sách theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Việc giải
quyết chế độ, chính sách đối với công chức cấp xã giữ chức danh Trưởng công an
xã nhằm thực hiện chủ trương bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh
công an xã thực hiện theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018, Pháp lệnh
Công an xã năm 2008, Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã, Nghị định số
34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ, Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày
06/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức
cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, Công
văn số 1157/BNV-CQĐP ngày 06/3/2020 của Bộ Nội vụ về việc giải quyết một số vướng
mắc, khó khăn khi thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018, Nghị Quyết số
653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019, Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 và
hướng dẫn của Bộ Công an về việc chi trả trợ cấp một lần cho công an xã theo
Nghị định số 73/2009/NĐ-CP .
4. Ngoài những
chế độ, chính sách nêu tại các khoản 1, 2, 3 Mục này, trên cơ sở cân đối ngân
sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban
hành chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng
lao động và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư tại các đơn vị
hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ủy ban nhân
dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, triển
khai thực hiện sắp xếp tổ chức, bố trí và thực hiện chế độ, chính sách đối với
cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc
chính quyền địa phương khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo
đúng nội dung Đề án, theo Hướng dẫn này và quy định của các cơ quan có thẩm quyền.
2. Ủy ban nhân
dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương định kỳ trước ngày 30 tháng 9
hàng năm gửi Bộ Nội vụ báo cáo kết quả thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính
cấp huyện, cấp xã; sắp xếp tổ chức, bố trí và thực hiện chế độ, chính sách đối
với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị
và các nội dung khác có liên quan khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp
huyện, cấp xã. Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương liên quan tổ
chức kiểm tra việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở
các địa phương để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực
hiện, bảo đảm việc sắp xếp tổ chức, bố trí và thực hiện chế độ, chính sách đối
với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo đúng lộ trình đã nêu tại
Đề án.
3. Trong quá
trình thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nếu có khó
khăn, vướng mắc, kể cả trường hợp do đặc điểm thực tiễn ở địa phương mà không
thể thực hiện việc giải quyết số lượng cán bộ, công chức, viên chức và hợp đồng
lao động dôi dư theo đúng kế hoạch, lộ trình của Đề án, đề nghị Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời gửi văn bản (có đề xuất, kiến
nghị kèm theo) về Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính
phủ./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các ban đảng trực thuộc Trung ương;
- Ủy ban Kiểm tra Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH;
- Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ;
- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bộ Nội vụ: Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Lưu: VT, CQĐP.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Anh Tuấn
|