ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
62/2024/QĐ-UBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 26 tháng 8 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH VIỆC QUẢN LÝ, THU CHI TÀI CHÍNH CHO CÔNG TÁC TỔ CHỨC
LỄ HỘI VÀ TIỀN CÔNG ĐỨC, TÀI TRỢ CHO DI TÍCH VÀ HOẠT ĐỘNG LỄ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
THỪA THIÊN HUẾ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm
2020;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa
ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Tín ngưỡng, tôn
giáo ngày 18 tháng 11 năm 2016;
Căn cứ Nghị định số
98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Di sản văn hóa;
Căn cứ Nghị định số 110/2018/NĐ-CP
ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội;
Căn cứ Thông tư số
04/2023/TT-BTC ngày 19 tháng 01 năm 2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý,
thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di
tích và hoạt động lễ hội;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Tài chính tại Tờ trình số 1903/TTr-STC ngày 10 tháng 6 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
1. Quyết định này quy định việc
quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ
cho di tích và hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Lễ hội, di tích quy định tại
Quyết định này bao gồm:
a) Lễ hội theo Điều 3 Nghị định
số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý và
tổ chức lễ hội, gồm: Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề, lễ
hội có nguồn gốc từ nước ngoài được tổ chức trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
b) Di tích theo Điều 11 Nghị định
số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Di sản văn hóa, gồm: Di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di
tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
3. Quy định này không điều chỉnh:
a) Quản lý, thu chi tiền công đức,
tài trợ đối với cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên
Huế chưa được: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Thủ tướng Chính phủ cấp bằng xếp hạng di tích hoặc
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo
quy định của Luật Di sản văn hóa.
b) Quản lý, thu chi tiền công đức,
tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc
trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
4. Các nội dung không quy định
tại Quyết định này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2023/TT-BTC
ngày 19 tháng 01 năm 2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính
cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động
lễ hội (viết tắt là Thông tư số 04/2023/TT-BTC) và các quy định có liên quan.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
1. Tổ chức, cá nhân tổ chức lễ
hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm: Lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức
và lễ hội không phải do cơ quan nhà nước tổ chức.
2. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu
hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, bao gồm:
Người đại diện cơ sở tín ngưỡng, người đại diện cơ sở tôn giáo, chủ sở hữu di
tích tư nhân, đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý di tích kiêm nhiệm.
3. Tổ chức, cá nhân có liên
quan đến quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức,
tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 3. Quản
lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội
Thực hiện theo quy định tại
Chương II Thông tư số 04/2023/TT-BTC .
Điều 4. Quản
lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập
quản lý, sử dụng
1. Đơn vị sự nghiệp công lập thực
hiện tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo quy
định tại Điều 9 Thông tư số 04/2023/TT-BTC .
2. Số tiền công đức, tài trợ đã
tiếp nhận (trừ các khoản công đức, tài trợ có mục đích, địa chỉ cụ thể) được
phân bổ và sử dụng như sau:
a) Trích 10% để tạo nguồn kinh
phí tu bổ, phục hồi đối với các di tích trên địa bàn tỉnh (không áp dụng đối với
di tích có số thu tiền công đức, tài trợ thấp không đủ chi cho hoạt động lễ hội
và chi thường xuyên): Số tiền này chuyển vào tài khoản riêng của Sở Văn hóa và
Thể thao theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 04/2023/TT-BTC .
b) Trích để lại 15% để chi hoạt
động lễ hội theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 04/2023/TT-BTC (áp dụng đối với
di tích có hoạt động lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức định kỳ tại di tích).
Trường hợp đơn vị không được Ban tổ chức lễ hội giao quản lý, sử dụng kinh phí
tổ chức lễ hội thì chuyển số tiền này vào tài khoản của đơn vị được Ban tổ chức
lễ hội giao quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức lễ hội theo quy định tại điểm a
khoản 2 Điều 5 Thông tư số 04/2023/TT-BTC .
c) Trích để lại 30% để chi hoạt
động thường xuyên của đơn vị theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư số
04/2023/TT-BTC: Đơn vị được tự chủ sử dụng theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn
vị và được tổng hợp vào các khoản thu xác định mức tự bảo đảm chi thường xuyên
theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21
tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự
nghiệp công lập và các quy định có liên quan.
d) Số còn lại, được để lại chi
các khoản đặc thù theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư số 04/2023/TT-BTC.
Đến cuối năm, số dư kinh phí (nếu có) được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục
sử dụng cho các nhiệm vụ đặc thù của di tích.
3. Đơn vị sự nghiệp công lập thực
hiện việc lập dự toán, chấp hành dự toán, hạch toán kế toán và quyết toán thu,
chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo quy định của
pháp luật có liên quan. Các khoản thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích
và hoạt động lễ hội được hạch toán kế toán và quyết toán vào nguồn hoạt động
khác được để lại của đơn vị theo quy định của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp
hiện hành.
4. Trường hợp trong phạm vi địa
bàn di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng có di tích đồng
thời là cơ sở tôn giáo, thì việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức,
tài trợ đối với di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo thực hiện như sau:
a) Người đại diện cơ sở tôn
giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công
đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo
đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di
sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.
b) Người đại diện cơ sở tôn
giáo có trách nhiệm chi trả cho đơn vị sự nghiệp công lập một phần chi phí sửa
chữa, bảo dưỡng, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình phụ trợ dùng
chung; chi phí bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh,
vệ sinh môi trường và các chi phí quản lý chung khác trên địa bàn di tích giao
cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng.
Mức chi trả do đại diện đơn vị
sự nghiệp công lập và đại diện cơ sở tôn giáo cùng thống nhất quyết định đảm bảo
phù hợp với mức độ sử dụng thực tế các công trình phụ trợ dùng chung; chi phí bảo
đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi
trường và các chi phí quản lý chung khác trên địa bàn từng di tích cụ thể.
Điều 5. Quản
lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích giao cho Ban quản lý di tích
kiêm nhiệm quản lý, sử dụng
1. Ban quản lý di tích thực hiện
tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo quy định
tại Điều 9 Thông tư số 04/2023/TT-BTC .
2. Số tiền công đức, tài trợ đã
tiếp nhận (trừ các khoản công đức, tài trợ có mục đích, địa chỉ cụ thể) được
phân bổ và sử dụng như sau:
a) Trích 10% để tạo nguồn kinh
phí tu bổ, phục hồi đối với các di tích trên địa bàn tỉnh (không áp dụng đối với
di tích có số thu tiền công đức, tài trợ thấp không đủ chi cho hoạt động lễ hội
và chi thường xuyên): Số tiền này chuyển vào tài khoản riêng của Sở Văn hóa và
Thể thao theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 04/2023/TT-BTC (nếu có).
b) Trích để lại 15% để chi hoạt
động lễ hội theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 04/2023/TT-BTC (áp dụng đối với
di tích có hoạt động lễ hội do cơ quan nhà nước tổ chức định kỳ tại di tích).
Trường hợp Ban quản lý di tích không được Ban tổ chức lễ hội giao quản lý, sử dụng
kinh phí tổ chức lễ hội thì chuyển số tiền này vào tài khoản của đơn vị được
Ban tổ chức lễ hội giao quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức lễ hội theo quy định
tại điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư số 04/2023/TT-BTC .
c) Trích để lại 30% để chi hoạt
động thường xuyên của Ban quản lý di tích theo quy định tại khoản 1 Điều 15
Thông tư số 04/2023/TT-BTC .
d) Số còn lại, được để lại chi
các khoản đặc thù theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư số 04/2023/TT-BTC.
Đến cuối năm, số dư kinh phí (nếu có) được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục
sử dụng cho các nhiệm vụ đặc thù của di tích.
3. Ban quản lý di tích kiêm nhiệm
phân công cho một đơn vị có đại diện là thành viên Ban quản lý di tích để thực
hiện các nhiệm vụ sau:
a) Mở tài khoản, mở sổ sách, mở
sổ kế toán để ghi chép đầy đủ, kịp thời việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền
công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội vào nguồn hoạt động khác được
để lại của đơn vị.
b) Hằng năm, thực hiện lập dự
toán và báo cáo quyết toán thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt
động lễ hội theo quy định, trình Trưởng ban Ban quản lý di tích phê duyệt; gửi
cơ quan tài chính và cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cấp trên để phục vụ
cho công tác quản lý và giám sát thực hiện.
4. Trường hợp trong phạm vi địa
bàn di tích giao cho Ban quản lý di tích kiêm nhiệm quản lý, sử dụng có di tích
đồng thời là cơ sở tôn giáo, thì việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức,
tài trợ đối với di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo thực hiện theo quy định tại
khoản 1 Điều 10 Thông tư số 04/2023/TT-BTC .
Điều 6. Hiệu
lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực kể từ
ngày 09 tháng 9 năm 2024.
Điều 7. Tổ
chức thực hiện
1. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân
dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính, Văn hóa và Thể thao; Thủ trưởng, Giám đốc
các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Huế và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này.
2. Trong quá trình triển khai
thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương
có liên quan phản ánh về Sở Tài chính để tổng hợp, tham mưu, đề xuất Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Như Điều 7;
- Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- HĐND, Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBND tỉnh: CT, các PCT;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các cơ quan thuộc UBND tỉnh;
- Báo Thừa Thiên Huế;
- VP UBND tỉnh: CVP và các PCVP;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, VH, TC.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thanh Bình
|