ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 02/CT-UBND
|
Hà Nội, ngày 13
tháng 03 năm 2024
|
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG TIẾT KIỆM CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo
của Thành ủy, sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân Thành phố, sự chỉ đạo,
điều hành quyết liệt, sát sao, kịp thời của Ủy ban nhân dân Thành phố, công tác
thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước
được đẩy mạnh và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, theo kết quả giám
sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân Thành phố về việc thực hiện chính sách,
pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kết luận của các cơ quan
thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và qua tổng hợp báo cáo, quyết toán ngân sách địa
phương hằng năm cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế, lãng phí trong quản
lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công,... ảnh hưởng đến kỷ cương, kỷ luật
hành chính và hiệu quả sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước.
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg
ngày 04/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm chi ngân sách
nhà nước; để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đáp ứng yêu cầu quản
lý, tiết kiệm chi, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định
của pháp luật, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành
phố về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả
sử dụng ngân sách nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các Giám
đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố (sau đây gọi chung
là sở, ngành Thành phố), Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã (sau đây gọi
chung là quận, huyện, thị xã) tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm
vụ, giải pháp sau đây:
1. Về xây dựng,
hoàn thiện thể chế
a) Sở Tài chính và các sở, ban,
ngành Thành phố tham gia ý kiến với Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương
trong quá trình triển khai xây dựng, hoàn thiện thể chế về tài chính - ngân sách
theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 04/01/2024.
b) Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư,
Xây dựng, Giao thông vận tải theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tiếp
tục rà soát, hoàn thiện, ban hành định mức, đơn giá phù hợp; chỉ đạo quản lý đầu
tư công chặt chẽ, tiết kiệm chi ngay từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt dự án và
thiết kế, dự toán xây dựng công trình.
c) Các sở, ngành Thành phố và
quận, huyện, thị xã triển khai kịp thời, hiệu quả:
- Các quy định về giá dịch vụ sự
nghiệp công, dịch vụ công ích sử dụng ngân sách nhà nước đã được ban hành (như
giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, giá dịch vụ giáo dục,…). Tiếp tục rà
soát, báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình
triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công
lập theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ.
- Kế hoạch số 166/KH-UBND ngày
06/6/2023 của UBND Thành phố về sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp
có vốn nhà nước thuộc UBND thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.
- Các nhiệm vụ trọng tâm theo
quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về
đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí và Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 08/6/2023 của UBND Thành phố triển
khai thực hiện Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ về thực hiện
Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội.
2. Tăng cường
tiết kiệm chi thường xuyên; đẩy mạnh cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, giảm dần
tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới cơ chế phân bổ chi thường xuyên, bảo
đảm chi cho con người, an sinh xã hội, y tế, môi trường, quốc phòng, an ninh và
các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ… theo quy định của pháp
luật
a) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp
với các sở, ngành Thành phố và các quận, huyện, thị xã:
- Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại
chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, giảm tỷ trọng chi thường xuyên;
tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, chi trả nợ trong tổng chi ngân sách địa
phương và giảm bội chi ngân sách địa phương.
- Tổng hợp, lập, trình cấp có
thẩm quyền quyết định dự toán chi ngân sách địa phương hằng năm, phương án xử
lý bù giảm thu (nếu có) theo khả năng cân đối của ngân sách cấp Thành phố theo
quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản pháp luật có liên quan và các
văn bản hướng dẫn, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, hướng tới cân đối
ngân sách hằng năm và trong trung hạn.
- Điều hành dự toán chi ngân
sách nhà nước chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, rà soát, cắt giảm
các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai,... dành nguồn lực cho phục
hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch
bệnh, biến đổi khí hậu, thực hiện các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, bảo đảm an
ninh, quốc phòng và cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo tinh
thần Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung
ương khóa XII.
b) Các sở, ngành Thành phố và
các quận, huyện, thị xã:
- Tổ chức thực hiện chi ngân
sách nhà nước theo dự toán được giao, bảo đảm phân bổ, giao dự toán cho các đơn
vị sử dụng ngân sách và cấp dưới theo đúng thời hạn và quy định của Luật Ngân
sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh dự toán
chi theo quy định; chủ động cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết; giảm
các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi công tác trong và
ngoài nước, nhất là nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; năm 2024 cắt giảm, tiết
kiệm 5% ngay từ đầu năm dự toán chi thường xuyên so với dự toán được giao để
tăng cho đầu tư cho hạ tầng chiến lược, y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu và an
sinh xã hội[1]; đồng
thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị biết để chủ động tiết kiệm trong cân đối
thu chi.
- Quán triệt yêu cầu triệt để
tiết kiệm các khoản chi ngân sách nhà nước, nhất là chi thường xuyên ngay từ
khâu xác định nhiệm vụ; bảo đảm việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu
lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Chủ động
rà soát các chính sách, nhiệm vụ, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi thực hiện
theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện trong năm hiện
hành để xây dựng dự toán sát khả năng thực hiện. Bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ,
chương trình, dự án, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở nguồn
ngân sách nhà nước được phân bổ; chủ động sắp xếp, xử lý để triển khai các nhiệm
vụ được giao phát sinh trong năm dự toán; hạn chế tối đa bổ sung ngoài dự toán
được giao, hủy dự toán hoặc chuyển nguồn sang năm sau.
- Chỉ trình cấp có thẩm quyền
ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo
đảm; dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ
mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
- Xử lý số dư, chuyển nguồn,
quyết toán các nhiệm vụ chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo đúng quy định
của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn; không chuyển nguồn sang
năm sau đối với các khoản kinh phí đã hết nhiệm vụ chi hoặc hết thời gian giải
ngân để giảm bội chi ngân sách địa phương; rà soát để thu hồi các khoản tạm ứng
chi ngân sách kéo dài nhiều năm đã hết thời gian thực hiện theo quy định.
- Đẩy mạnh việc sắp xếp bộ máy,
tinh giản biên chế, thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập
trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn của từng ngành, từng đơn vị để giảm
chi thường xuyên và cơ cấu lại ngân sách nhà nước. Xây dựng phương án tăng cường
mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định; thúc đẩy
sự tham gia của các thành phần trong xã hội vào việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp
công, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, đồng thời giảm áp lực
lên ngân sách địa phương.
- Đầu tư xây dựng, mua sắm tài
sản công theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, bảo đảm tiết kiệm. Tổ chức rà
soát, sắp xếp lại tài sản công bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định
mức theo chế độ quy định và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh việc xử lý
tài sản không còn nhu cầu sử dụng đúng quy định của pháp luật, công khai, minh
bạch; kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt
tiêu chuẩn, định mức; không để lãng phí thất thoát tài sản công.
3. Thanh
tra Thành phố, Sở Tài chính:
a) Phối hợp chặt chẽ với các sở,
ngành Thành phố và các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra, giám sát và thực hiện công khai việc sử dụng ngân sách nhà nước, siết chặt
kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý, sử
dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm chi ngân sách nhà nước theo dự toán, đúng chế
độ, tiêu chuẩn, định mức chi và quy định pháp luật.
b) Tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí; xử lý nghiêm theo quy định đối với các sai phạm trong quản lý,
sử dụng ngân sách đã được cơ quan kiểm toán, thanh tra phát hiện, kiến nghị.
4. Sở
Tài chính chủ trì theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị
này, kịp thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố các vấn đề phát sinh
vượt thẩm quyền theo quy định.
5. Văn
phòng Ủy ban nhân dân Thành phố theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được
giao.
Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu
Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố và Chủ tịch
UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm
Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ; (để báo cáo)
- Thường trực Thành ủy; (để báo cáo)
- Thường trực HĐND Thành phố; (để báo cáo)
- Chủ tịch UBND TP;
- Các Phó Chủ tịch UBND TP;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể TP;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUB: CVP, các PVP, TH, KTTH, các phòng chuyên môn;
- Lưu: VT, KTTH.
|
CHỦ TỊCH
Trần Sỹ Thanh
|
[1] Nội dung này thực
hiện sau khi có hướng dẫn của Chính phủ.