VĂN PHÒNG
CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 259/TB-VPCP
|
Hà Nội ngày 04
tháng 7 năm 2023
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN LƯU QUANG TẠI CUỘC HỌP VỀ DỰ THẢO
NGHỊ QUYẾT CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÁC GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC LIÊN QUAN
ĐẾN CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG RỪNG ĐỂ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ
HỘI
Ngày 30 tháng 6 năm 2023 tại
Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì cuộc họp về
dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án phát triển
kinh tế - xã hội. Tham dự cuộc họp có đại diện Lãnh đạo và chuyên viên các Bộ: Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị
báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các Bộ đối với dự thảo Nghị quyết, ý kiến
của Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng
Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kết luận như sau:
Ngày 16 tháng 6 năm 2022, Quốc
hội ban hành Nghị quyết số 61/2022/QH15 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu
quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ
khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch,
trong đó quy định: “Quy hoạch quy định tại điểm c khoản 1 Điều
59 của Luật Quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày 01 tháng
01 năm 2019 được tiếp tục thực hiện, kéo dài thời kỳ và điều chỉnh nội dung
theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực
thi hành cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời
kỳ 2021 - 2030 theo Luật Quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt”. Theo đó,
quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh thuộc Danh mục
các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh
(theo Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2019, Nghị quyết số
131/NQ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ) được tiếp tục thực hiện, kéo
dài thời kỳ và điều chỉnh nội dung cho đến khi Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia,
quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Để đáp ứng yêu cầu về “sự
phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp” trong quá trình lập, thẩm định, trình cấp có
thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích
khác, trong khi Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến
năm 2050 đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, chưa được cấp có thẩm quyền
phê duyệt; thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội, nhiều địa phương
đã điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh.
Tuy nhiên còn phát sinh khó khăn, vướng mắc, làm chậm tiến độ trong việc lập,
thẩm định, phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
để thực hiện các dự án cấp thiết về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội
thiết yếu (giao thông, thủy lợi, bảo vệ, phát triển rừng,…), dự án tạo nguồn điện
và hệ thống truyền tải năng lượng quốc gia, dự án phục vụ quốc phòng, an ninh.
Tại Nghị quyết số 88/NQ-CP
ngày 08 tháng 6 năm 2023 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2023,
Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp khẩn trương dự thảo Nghị quyết của Chính phủ
về việc áp dụng quy định trình tự, thủ tục liên quan đến chuyển mục đích sử dụng
rừng. Trên cơ sở báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến
phát biểu của đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Văn phòng
Chính phủ, cuộc họp thống nhất một số nội dung như sau:
1. Về tên Nghị quyết: “Nghị
quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công
tác chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án cấp
thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh”.
2. Về nội dung dự thảo Nghị
quyết
Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo hướng:
- Bổ sung nội dung tóm tắt về
bối cảnh, sự cần thiết và mục đích của việc ban hành Nghị quyết nhằm thực hiện
có hiệu quả Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội,
giải quyết khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong công tác quản lý, điều
chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh và
công tác lập hồ sơ, xem xét quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng
để thực hiện các dự án cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc
phòng, an ninh.
- Trên cơ sở Nghị quyết số
61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội, thống nhất: Đối với các địa
phương chưa có quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 được cấp có thẩm quyền
phê duyệt, thì quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh
được tiếp tục thực hiện, kéo dài thời kỳ và điều chỉnh nội dung theo quy định của
pháp luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành cho đến
khi quy hoạch lâm nghiệp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo
Luật Quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, đảm bảo đúng theo quy định tại
Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội.
Việc điều chỉnh quy hoạch bảo
vệ và phát triển rừng cấp tỉnh được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại
Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành
Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn được ban hành trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh
được lập, phê duyệt theo quy định về trình tự, thủ tục của văn bản quy phạm
pháp luật nào thì khi điều chỉnh nội dung, kéo dài thời kỳ áp dụng trình tự, thủ
tục điều chỉnh quy định tại văn bản quy phạm pháp luật đó hoặc văn bản sửa đổi,
bổ sung được cấp có thẩm quyền ban hành trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực
thi hành. Trường hợp quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh được lập, phê duyệt trước
ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành nhưng không theo quy định tại văn bản
quy phạm pháp luật nào thì khi điều chỉnh thực hiện theo trình tự, thủ tục quy
định tại Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập,
phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (được sửa đổi,
bổ sung tại Nghị định số 04/2008/NĐ- CP ngày 11 tháng 01 năm 2008) và Thông tư
số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn
tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu.
- Bổ sung trách nhiệm của Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác kiểm tra việc điều chỉnh và
tổ chức thực hiện quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch 3 loại rừng cấp
tỉnh, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; rà soát, đề xuất sửa đổi,
bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan đến quy hoạch trong lĩnh vực
lâm nghiệp, đảm bảo quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, nâng
cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch lâm nghiệp, bảo vệ và phát
triển rừng.
- Xác định rõ thời gian có
hiệu lực thực hiện của Nghị quyết, đảm bảo rõ ràng, khả thi, đúng quy định của
pháp luật.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho
phép gửi lấy ý kiến các Thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị quyết theo
Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP
ngày 18 tháng 6 năm 2022.
Văn phòng Chính phủ thông
báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- TTgCP, các PTTgCP;
- Các Bộ: NNPTNT, TP, KHĐT;
- UBND các tỉnh, tp trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, các Vụ: NN, PL, CN, TH;
- Lưu: VT, NN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Cao Lục
|