ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3037/KH-UBND
|
Tây Ninh, ngày 30
tháng 9 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
TIẾP
TỤC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH THƯƠNG MẠI ĐIỆN
TỬ, KINH DOANH TRÊN NỀN TẢNG SỐ
Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13
tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10
năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý
thuế;
Căn cứ Công văn số 7228/BTC-TCT ngày 11 tháng 7 năm
2024 của Bộ Tài chính về việc phối hợp chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hoạt
động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số;
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch tiếp tục
tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử
(TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan thuế với
các Sở, ban, ngành liên quan (Ngân hàng, Công thương, Công an, Thông tin và
truyền thông, Kế hoạch và đầu tư, Giao thông vận tải, ...) trong việc: cung cấp
thông tin, chia sẻ dữ liệu liên quan đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động
kinh doanh TMĐT, livestream bán hàng (đối tượng, thông tin giao dịch, thông tin
thanh toán, thông tin vận chuyển...) để triển khai kịp thời, hiệu quả các biện
pháp quản lý thuế phù hợp đối với hoạt động của từng người nộp thuế; triển khai
chuyên đề rà soát, xử lý vi phạm đối với các trường hợp có hoạt động kinh doanh
TMĐT, livestream bán hàng không thực hiện đúng đủ nghĩa vụ với cơ quan thuế, cơ
sở kinh doanh không xuất hóa đơn theo quy định nhằm mục đích lan tỏa tính
nghiêm minh của pháp luật.
- Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng có
liên quan trong việc phối hợp cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân kinh
doanh TMĐT. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt
động kinh doanh TMĐT nhằm chấp hành tốt nghĩa vụ kê khai, nộp thuế theo quy định.
2. Yêu cầu
- Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chức năng
có liên quan trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT,
kinh doanh trên nền tảng số.
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt
động TMĐT, đảm bảo việc thu đủ, thu đúng các khoản thuế phát sinh từ hoạt động
TMĐT.
- Tăng cường công tác phối hợp cung cấp thông tin,
chia sẻ dữ liệu liên quan đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh
doanh TMĐT, livestream bán hàng kịp thời, hiệu quả, dựa trên cơ sở chức năng,
nhiệm vụ và quyền hạn được pháp luật quy định.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Cục Thuế tỉnh
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền
thông trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân
tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT, livestream bán hàng, kinh doanh trên nền tảng
số, thông qua thực hiện đồng bộ các hình thức tuyên truyền như: tuyên truyền
trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, truyền hình,...); tổ chức hội
nghị tập huấn chính sách thuế; tổ chức đối thoại trực tiếp với người nộp thuế;
gửi thư ngỏ của Cơ quan thuế đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TMĐT;
công bố số điện thoại, email của cơ quan thuế trên cổng thông tin điện tử để tiếp
nhận vướng mắc, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định,
qua đó nâng cao hiểu biết, nhận thức và tính tự giác trong việc chấp hành pháp
luật thuế của người nộp thuế...
- Chủ động thu thập, rà soát, tổng hợp, xây dựng và
làm giàu cơ sở dữ liệu, các thông tin cần thiết để phục vụ công tác quản lý thuế
đối với lĩnh vực TMĐT qua quá trình thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp là chủ
sở hữu Sàn giao dịch TMĐT, các đơn vị có hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực
TMĐT.
- Rà soát, xác định các sàn giao dịch TMĐT thuộc diện
cung cấp thông tin cho cơ quan thuế trên cơ sở thông tin quản lý thuế thực tế,
thông tin cung cấp từ Sở Công Thương và dữ liệu khai thác trên Cổng thông tin
điện tử của Bộ Công Thương (https://online.gov.vn/) từ đó đôn đốc sàn cung cấp
thông tin theo quy định.
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành và chính quyền địa
phương rà soát, xác định các cá nhân, hộ kinh doanh trên địa bàn có hoạt động
kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, đảm bảo quản lý đầy đủ đối tượng.
- Phối hợp trao đổi thông tin thường xuyên với các
ngân hàng thương mại, các công ty tài chính, các công ty cung cấp dịch vụ trung
gian thanh toán để cung cấp thông tin giao dịch của các tổ chức, cá nhân có hoạt
động kinh doanh TMĐT trong nước và xuyên biên giới, đặc biệt là các tổ chức, cá
nhân trong nước nhận thu nhập từ các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường
trú tại Việt Nam.
- Tăng cường kiểm soát hóa đơn điện tử trong quản
lý thuế, chỉ đạo các Phòng, Chi cục Thuế và các bộ phận liên quan yêu cầu các
cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm việc xuất hóa đơn điện tử, đảm bảo 100% giao
dịch, bao gồm cả các giao dịch TMĐT được ghi nhận và xuất đầy đủ hóa đơn điện tử;
từng bước kiểm soát chặt chẽ hóa đơn đầu vào, đảm bảo việc kê khai, nộp thuế
đúng quy định pháp luật, từ khâu sản xuất đến lưu thông, từ khâu nhập khẩu đến
bán hàng.
- Phối hợp với cơ quan Công an các cấp xử lý vi phạm
đối với các tổ chức cá nhân kinh doanh TMĐT có hành vi chống đối không đăng ký
kê khai nộp thuế, chống đối người thi hành công vụ, gây mất trật tự, an toàn xã
hội.
2. Sở Công Thương
- Phối hợp và cung cấp cho cơ quan Thuế thông tin dữ
liệu về các tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh,
cụ thể:
+ Thông tin giấy phép hoạt động và các thông tin
liên quan đến tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT (nếu có phát
sinh) như: tên, địa chỉ, hàng hóa, mã số thuế, số thẻ căn cước công dân, số tài
khoản mở tại các tổ chức tín dụng, website TMĐT bán hàng; website cung cấp dịch
vụ TMĐT; ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT; ứng dụng TMĐT bán hàng và các thông
tin liên quan đến tổ chức, cá nhân sở hữu website hoặc ứng dụng TMĐT……;
+ Thông tin của các tổ chức, cá nhân bán hàng thông
qua sàn giao dịch TMĐT của tỉnh (http://tayninhtrade.com); các tổ chức, cá nhân
thiết lập website TMĐT để buôn bán hàng hóa nhưng chưa được phê duyệt thông qua
công tác thanh tra, kiểm tra.
- Phối hợp với cơ quan Thuế, các ngành liên quan và
chính quyền địa phương để thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động
kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp
luật về thuế, nghĩa vụ kê khai nộp thuế, các loại thuế phải thực hiện kê khai
trong hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh TMĐT thông qua các
phương tiện truyền thông.
- Triển khai thực hiện các giải pháp công nghệ,
tăng cường giám sát, quản lý giao dịch trên môi trường trực tuyến, tăng cường
quản lý nhà nước với các nhà cung cấp dịch vụ Internet, dịch vụ nội dung số
xuyên biên giới.
4. Cục Quản lý thị trường
- Phối hợp với các cơ quan xây dựng cơ chế quản lý,
giám sát mô hình kinh doanh trên ứng dụng công nghệ số, mua bán thông qua nền tảng
di động, website bán hàng, trang mạng xã hội.
- Phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối
với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, hoạt động
livestream bán hàng vi phạm pháp luật về TMĐT.
5. Sở Giao thông vận tải
Phối hợp cung cấp thông tin theo đề nghị của cơ
quan Thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT bằng hình
thức dịch vụ vận chuyển, dịch vụ ký gửi hàng để làm căn cứ cho cơ quan thuế yêu
cầu các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân kê khai và nộp thuế theo quy định của
pháp luật.
6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Chi nhánh tỉnh Tây Ninh
- Chỉ đạo các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh
cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin các đơn vị, cá nhân có liên quan
đến hoạt động kinh doanh TMĐT; cung cấp thông tin trả tiền dịch vụ các đơn vị
nước ngoài có liên quan đến hoạt động TMĐT với việc khai, nộp thuế nhà thầu;
các cá nhân nhận tiền từ các nhà cung cấp nước ngoài, giá trị hàng hóa mua bán
khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý thuế.
- Chỉ đạo các Ngân hàng thương mại khấu trừ, nộp
thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường
trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số
với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam theo quy định tại Khoản 3 Điều 27 Luật Quản lý
thuế.
7. Công an tỉnh
- Hỗ trợ rà soát cung cấp thông tin, quản lý người
dùng mạng xã hội có hoạt động TMĐT, mua bán sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông
tin trên môi trường mạng và nền tảng số.
- Phối hợp cùng cơ quan thuế trong việc nắm bắt
tình hình, phát hiện, tiếp nhận xử lý các hành vi vi phạm về trốn thuế, gian lận
thuế, vi phạm về hóa đơn bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ theo quy định của
pháp luật.
- Tăng cường triển khai nhiệm vụ đảm bảo an ninh
kinh tế, an ninh trật tự trong hoạt động giao dịch điện tử và TMDT; phòng ngừa,
đấu tranh và xử lý nghiêm đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
8. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố
- Tuyên truyền thực hiện có hiệu quả Công điện số
56/CĐ-TTg ngày 06/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường công
tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng
số. Phối hợp tuyên truyền phổ biến ứng dụng dịch vụ trên nền tảng di động, ứng
dụng chữ ký số, thực hiện hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử và thanh toán không
dùng tiền mặt. Tăng cường phối hợp quản lý, giám sát hoạt động TMĐT; phòng chống
buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện
tốt công tác tuyên truyền chính sách thuế, nghĩa vụ đăng ký kê khai, nộp thuế
trong hoạt động kinh doanh TMĐT để mọi người dân, người nộp thuế nắm bắt và chủ
động trong việc đăng ký kê khai, nộp thuế nếu có phát sinh hoạt động kinh doanh
TMĐT,...
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với cơ
quan Thuế xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh
TMĐT không chấp hành nghĩa vụ thuế, không đăng ký thuế, kê khai thuế theo quy định
của pháp luật.
9. Đài Phát thanh - Truyền hình
tỉnh, Báo Tây Ninh
Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về hoạt động TMĐT,
công khai các vụ việc đã phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động TMĐT để nâng
cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân; giúp người
dân hiểu tác hại của việc sử dụng các trang website, mạng xã hội để kinh doanh
hàng hóa vi phạm pháp luật.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đề nghị Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo
Tây Ninh phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thuế trong triển khai thực hiện các nhiệm
vụ, giải pháp của kế hoạch nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về
thuế trong TMĐT, chống thất thu thuế.
2. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Tây Ninh, các đơn vị
có liên quan, hàng quý trước ngày 10 tháng đầu quý tiếp theo báo cáo kết quả thực
hiện về Cục Thuế tỉnh (Phòng Quản lý hộ kinh doanh cá nhân và thu khác, điện
thoại: 02763.823.017).
3. Giao Cục Thuế tỉnh chịu trách nhiệm tổng hợp số
liệu, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Tổng cục Thuế kết quả thực hiện Kế hoạch
hàng quý (vào ngày 15 tháng đầu quý tiếp theo).
Đề nghị các Sở, ban, ngành, các huyện, thị xã,
thành phố triển khai thực hiện nghiêm Kế hoạch này. Trong quá trình triển khai
thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, các đơn vị chủ động báo cáo, đề xuất Ủy
ban nhân dân tỉnh (thông qua Cục Thuế tỉnh) xem xét, cho ý kiến./.
Nơi nhận:
- Tổng cục Thuế;
- TT: TU, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- Công an tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cục Thuế tỉnh;
- Ngân hàng Nhà nước - CN tỉnh;
- Cục Quản lý thị trường;
- Báo Tây Ninh; Đài PTTH tỉnh;
- LĐVP; PKT;
- Lưu: VP, VP.
|
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Dương Văn Thắng
|