ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 493/QĐ-UBND
|
Đắk Nông, ngày 13
tháng 4 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
ĐẮK NÔNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày
12 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng
3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh
nghiệp nhỏ và vừa;
Căn cứ Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng
6 năm 2019 của Chính phủ về Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Căn cứ Thông tư liên tịch số
157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12 tháng 10 năm 2010 của liên Bộ: Tài chính - Tư
pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân
sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01
năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên
ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Nghị quyết số 42/2019/NQ-HĐND ngày 11
tháng 12 năm 2019 của HĐND tỉnh Đắk Nông về sửa đổi, bổ sung một số điều của
quy định về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông ban hành
kèm theo Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND ngày 02 tháng 8 năm 2019 của HĐND tỉnh Đắk
Nông;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ
trình số 33/TTr-STP ngày 31 tháng 3 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Trên địa
bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban,
ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh;
- Hội Doanh nhân trẻ tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH, NCKSTT (Dg).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Xuân Hải
|
CHƯƠNG TRÌNH
HỖ
TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG GIAI ĐOẠN
2021 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 493/QĐ-UBND ngày 13/4/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh)
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm hỗ trợ pháp
lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và
thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, phòng chống các rủi ro về pháp lý và
tăng cường năng lực cạnh tranh, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng
pháp luật đối với doanh nghiệp.
- Đảm bảo tính chủ động, thống nhất trong công tác
chỉ đạo, điều hành và triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
nhỏ và vừa.
2. Mục tiêu cụ thể
- Khắc phục cơ bản tình trạng doanh nghiệp gặp khó
khăn trong việc tiếp cận, tìm hiểu các thông tin pháp luật có liên quan.
- Đáp ứng cơ bản yêu cầu bồi dưỡng kiến thức pháp
luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp và kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ
pháp chế trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức tại các
cơ quan, đơn vị thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
thúc đẩy sự phát triển của tổ chức pháp chế trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa
trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật
về hoạt động sản xuất, kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa,
người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh và
các đối tượng có liên quan.
II. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HỖ TRỢ PHÁP
LÝ
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động sản xuất,
kinh doanh trên địa bàn tỉnh không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức
và lĩnh vực hoạt động.
III. NỘI DUNG
1. Tuyên truyền, phổ biến các
văn bản quy phạm pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
a) Xây dựng, cấp phát miễn phí tài liệu cho doanh
nghiệp nhỏ và vừa
- Nội dung thực hiện: Biên soạn, in ấn, phát hành,
cấp phát tài liệu như: tờ gấp pháp luật, bản tin hỗ trợ doanh nghiệp, sổ tay giới
thiệu các văn bản có liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với
các Sở, Ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
b) Xây dựng Chương trình Pháp luật đời sống trên
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.
- Nội dung: Giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật
có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Đài
Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các Sở, Ban, ngành có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Định kỳ 03 tháng/lần.
2. Duy trì, cập nhật, khai
thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật trên Cổng thông tin
điện tử của tỉnh
- Nội dung thực hiện: Duy trì, thường xuyên cập nhật
văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp có liên quan đến hoạt động
kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử
của tỉnh, trừ văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật,
tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa khai thác, sử dụng.
- Thực hiện: Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp
với Sở Tư pháp, các Sở, Ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
3. Duy trì, cập nhật, khai thác
và sử dụng cơ sử dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp
- Nội dung thực hiện:
+ Cập nhật và đăng tải các bản án, quyết định của
tòa án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc
cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp được
phép công khai, có hiệu lực thi hành mà UBND tỉnh là một bên có liên quan lên Cổng
thông tin điện tử tỉnh hoặc kết nối với Cổng thông tin điện tử công khai các
văn bản này.
+ Hệ thống hóa, cập nhật dữ liệu các văn bản trả lời
của các cơ quan, đơn vị đối với các vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa
trong áp dụng chung về pháp luật lên Cổng thông tin điện tử tỉnh trong thời hạn
15 ngày kể từ ngày văn bản được ký ban hành.
- Thực hiện: Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp
các Sở, Ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
4. Tổ chức tọa đàm/đối thoại và
bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; người làm công tác hỗ trợ pháp
lý cho doanh nghiệp
- Nội dung thực hiện:
+ Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc và đưa ra
giải pháp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
+ Giới thiệu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nội dung
các văn bản quy phạm pháp luật mới, các chuyên đề pháp luật trong phạm vi, lĩnh
vực quản lý của UBND tỉnh liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh
doanh.
+ Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ thực
hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
- Thực hiện: Các Sở, Ban, ngành; Hiệp hội doanh
nghiệp tỉnh; UBND các huyện, thành phố.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
5. Giải đáp pháp luật cho doanh
nghiệp nhỏ và vừa
- Nội dung:
+ Tiếp nhận đề nghị giải đáp pháp luật của các
doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của ngành.
+ Trả lời đề nghị, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp
bằng các hình thức như: Giải đáp bằng văn bản, thông qua thư điện tử, các bản
tin của các lĩnh vực chuyên ngành, giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại
và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác ứng dụng
công nghệ thông tin trong việc tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
trên địa bàn tỉnh.
- Cơ quan thực hiện: Các Sở, Ban, ngành; UBND các
huyện, thành phố.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
6. Tự kiểm tra, rà soát văn bản
quy phạm pháp luật
- Nội dung thực hiện: Thực hiện tự kiểm tra, rà
soát các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh để đề xuất sửa đổi, bổ
sung hoặc bãi bỏ, thay thế đối với những văn bản không phù hợp với Nghị định số
55/2019/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.
- Thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở,
Ban, ngành; các cơ quan, đơn vị có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
7. Triển khai chính sách về hỗ
trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh
- Nội dung thực hiện: Tham mưu UBND tỉnh triển khai
các chính sách về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Hội
Luật gia tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các Sở, Ban, ngành có liên quan và
UBND các huyện, thành phố.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG
TRÌNH
Kinh phí đảm bảo thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp
lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được dự toán trong ngân sách hàng năm của tỉnh
theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên
quan. Đồng thời, huy động sự đóng góp, tài trợ, hỗ trợ hợp pháp của các tổ chức,
cá nhân trong và nước ngoài phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tư pháp
a) Là đầu mối, chịu trách nhiệm chung về tổ chức thực
hiện Chương trình; đồng thời theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện
Chương trình.
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển
khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Mục III Chương trình này.
c) Tổng hợp kết quả, báo cáo Bộ Tư pháp, UBND tỉnh
theo quy định.
2. Sở Tài chính
Hàng năm phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh
cấp kinh phí đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nội dung trong Chương trình này.
3. Các Sở, Ban, ngành; UBND các huyện, thành phố
a) Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chương
trình này.
b) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao báo cáo kết
quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gửi Sở Tư pháp để tổng
hợp.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó
khăn, vướng mắc, yêu cầu các đơn vị, địa phương báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Tư
pháp) để xem xét, chỉ đạo./.