Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 5007/BNV-TĐKT Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Nội vụ Người ký: Phạm Thị Thanh Trà
Ngày ban hành: 05/09/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Bộ Nội vụ hướng dẫn về xét, đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ

Bộ Nội vụ hướng dẫn về xét, đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ là nội dung tại Công văn 5007/BNV-TĐKT ngày 05/9/2023 về nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng do Bộ Nội vụ ban hành.

Bộ Nội vụ hướng dẫn về xét, đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ

Theo đó, nhằm chấn chỉnh công tác xét, tặng Cờ thi đua của Chính phủ thì Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành thực hiện tốt các nội dung như sau:

- Việc bình xét để lựa chọn đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ

Căn cứ Điều 25 Luật Thi đua, khen thưởng 2003 và Điều 11 Nghị định 91/2017/NĐ-CP  , các bộ, ngành, tỉnh thực hiện xét, đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ như sau:

Trên cơ sở kết quả xét, lựa chọn tập thể dẫn đầu khối, cụm thi đua, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng bộ, ngành, tỉnh lựa chọn tập thể tiêu biểu, xuất sắc nhất trong tổng số các tập thể được bình xét dẫn đầu khối, cụm thi đua đạt tiêu chuẩn Cờ thi đua cấp bộ, tỉnh để đề nghị Người đứng đầu bộ, ngành, tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ Thi đua của Chính phủ (qua Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương).

Số lượng đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ không quá 20% tổng số tập thể được bình xét dẫn đầu các cụm, khối thi đua.

- Về thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng

Theo quy định tại Điều 51 Nghị định 91/2017/NĐ-CP và Điều 11 Thông tư 12/2019/TT-BNV  , trong Biên bản họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng bộ, ngành phải thể hiện tên cụm, khối thi đua mà đơn vị dẫn đầu để được đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ.

- Về báo cáo thành tích đề nghị tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ

Thực hiện theo đúng Mẫu đã quy định tại Nghị định 91/2017/NĐ-CP  . Báo cáo phải thể hiện rõ thành tích xuất sắc trong thực hiện các chỉ tiêu (nhiệm vụ) được giao trong năm đề nghị khen thưởng, so sánh kết quả thành tích với năm trước liền kề; có mô hình mới, nhân tố mới để các đơn vị khác học tập; các phong trào thi đua tiêu biểu, điển hình đã áp dụng trong thực tiễn sản xuất, công tác.

- Đơn vị được giao chuyên trách về công tác thi đua, khen thưởng các bộ, ngành, tỉnh tham mưu cho Người đứng đầu bộ, ngành, tỉnh tổ chức, chỉ đạo hoạt động của các khối, cụm thi đua, bình xét, tặng Cờ thi đua cấp bộ, ngành , tỉnh và đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ bảo đảm đúng quy định.

Đồng thời, gửi văn bản về chia khối, cụm của bộ, ngành, tỉnh về Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương để tổng hợp, theo dõi, nghiên cứu trong quá trình thẩm định hồ sơ khen thưởng.

- Đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các bộ, ngành, tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khối, cụm thi đua; kịp thời hướng dẫn, giải quyết những vướng mắc, bất cập, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo trong hoạt động của khối, cụm thi đua.

Xem thêm Công văn 5007/BNV-TĐKT ban hành ngày 05/9/2023.

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5007/BNV-TĐKT
V/v nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng

Hà Nội, ngày 05 tháng 09 năm 2023

Kính gửi:

- Các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương;
- Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thời gian qua việc thực hiện các quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng đã từng bước đi vào nền nếp, công tác về thi đua, khen thưởng đã được các cấp, các ngành quan tâm hơn và luôn gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Bên cạnh đó, để tạo cơ sở pháp lý thực hiện công tác về thi đua, khen thưởng, Nhà nước đã xây dựng thể chế và ngày càng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các cơ quan chức năng đã chủ động trong tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi đua, khen thưởng cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế như: hình thức, nội dung và phương pháp tổ chức phong trào thi đua chậm được đổi mới, tiêu chí đánh giá thi đua chưa rõ, có nơi còn áp đặt mang tính hình thức trong việc đề ra các nội dung thi đua, chạy theo thành tích, chưa tạo được động lực, nên phong trào thi đua tác dụng lan tỏa chưa cao. Vẫn còn tình trạng công tác khen thưởng chưa gắn với kết quả phong trào thi đua. Tại một số địa phương, cơ quan, tổ chức, khen thưởng chưa kịp thời, chính xác, chưa bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch, dẫn đến khen thưởng và đề nghị khen thưởng chưa đúng người, đúng việc, vẫn còn tình trạng khen thưởng tập trung cho lãnh đạo, chưa quan tâm, động viên khen thưởng kịp thời đối tượng là người lao động sản xuất trực tiếp và nhân viên cấp dưới…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên với chức năng nhiệm vụ giúp cho Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ban, ngành, các đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết tắt là các bộ, ngành, tỉnh) chấn chỉnh công tác thi đua, khen thưởng và tập trung trọng tâm vào các mặt công tác sau:

I. CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với công tác thi đua, khen thưởng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới theo tinh thần Chỉ thị số 34- CT/TW ngày 07/4/2014 “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”. Khắc phục tình trạng cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền đặc biệt là người đứng đầu, nhận thức về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng, chậm nắm bắt thực tiễn để phát động phong trào thi đua, chưa quan tâm đúng mức đến bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến.

2. Tiếp tục củng cố kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp theo hướng tinh gọn, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Tuyển chọn người có đủ phẩm chất, năng lực, tinh thông về nghiệp vụ, có khả năng tham mưu, nghiên cứu cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là năng lực phát hiện, bồi dưỡng những cá nhân điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua. Các cấp, các ngành cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ để nâng cao năng lực, kiến thức, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách về công tác thi đua, khen thưởng để thực hiện công tác tham mưu có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng.

3. Tiến hành rà soát các trường hợp thuộc bộ, ngành, tỉnh đã được khen thưởng, trước mắt từ ngày 01/6/2014 là ngày có hiệu lực của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng năm 2013 (viết tắt là Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013) nhưng có vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự trong thời gian tính thành tích khen thưởng thì làm thủ tục Huỷ bỏ quyết định khen thưởng và thu hồi hiện vật khen thưởng theo quy định tại Điều 78 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng.

II. CÔNG TÁC THI ĐUA

Thực hiện Luật thi đua, khen thưởng và các văn bản quy định chi tiết, thời gian qua, bộ, ngành, tỉnh đã thực hiện tặng Cờ thi đua cấp bộ, tỉnh và đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị thuộc và trực thuộc bộ, ngành, tỉnh góp phần nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng. Qua công tác quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng thấy:

Việc xét, tặng Cờ thi đua cấp bộ và đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ tại một số bộ, ngành, tỉnh vẫn còn tồn tại, thiếu sót, thực hiện chưa đúng quy định tại Điều 25, Điều 26 Luật thi đua, khen thưởng năm 2013Điều 11, Điều 12 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP. Một số bộ, ngành, tỉnh xét tặng 02 Cờ thi đua cho cùng một đơn vị (Cờ thi đua cấp bộ và đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ) hoặc đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 02 đơn vị trở lên cùng khối, cụm thi đua. Có bộ, ngành xét, tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho đơn vị dẫn đầu khối và tặng Cờ thi đua cấp bộ cho đơn vị xếp thứ nhì, thứ 3. Cá biệt có bộ, ngành không chia cụm, khối thi đua mà chọn đơn vị tiêu biểu để đề nghị Cờ Thi đua của Chính phủ. Báo cáo thành tích đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ chưa đúng quy định tại Nghị định số 91/2017/NĐ-CP .

Để việc xét, tặng Cờ thi đua của Chính phủ và Cờ thi đua cấp bộ, tỉnh đảm bảo đúng quy định của pháp luật, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành chấn chỉnh công tác xét, tặng Cờ thi đua cấp bộ, tỉnh; Cờ thi đua của Chính phủ, hạn chế những tồn tại, thiếu sót nêu trên và thực hiện tốt các nội dung như sau:

1. Tiếp tục tổ chức và chỉ đạo hoạt động của khối, cụm thi đua các đơn vị thuộc và trực thuộc bộ, ngành.

Căn cứ tình hình thực tế, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ và tính chất hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, các bộ, ngành tổ chức phân chia khối, cụm thi đua cho phù hợp, khoa học và hiệu quả.

2. Về việc xét, tặng Cờ thi đua cấp bộ, tỉnh

Căn cứ Điều 26 Luật thi đua, khen thưởng năm 2013, Điều 12 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP và quy chế hoạt động của cụm, khối thi đua các bộ, ngành, tỉnh tổ chức các khối, cụm thi đua thực hiện bình xét, lựa chọn tập thể dẫn đầu khối, cụm thi đua để đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng bộ, ngành, tỉnh xét, đề nghị Bộ, ngành, tỉnh tặng Cờ thi đua cấp bộ, tỉnh.

3. Về xét, đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ

a) Việc bình xét để lựa chọn đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ

Căn cứ Điều 25 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013Điều 11 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP, các bộ, ngành, tỉnh thực hiện xét, đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ như sau:

Trên cơ sở kết quả xét, lựa chọn tập thể dẫn đầu khối, cụm thi đua, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng bộ, ngành, tỉnh lựa chọn tập thể tiêu biểu, xuất sắc nhất trong tổng số các tập thể được bình xét dẫn đầu khối, cụm thi đua đạt tiêu chuẩn Cờ thi đua cấp bộ, tỉnh để đề nghị Người đứng đầu bộ, ngành, tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ Thi đua của Chính phủ (qua Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương). Số lượng đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ không quá 20% tổng số tập thể được bình xét dẫn đầu các cụm, khối thi đua.

b) Về thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng

Theo quy định tại Điều 51 Nghị định số 91/2017/NĐ-CPĐiều 11 Thông tư số 12/2019/TT-BNV ngày 04/11/2019 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng , trong Biên bản họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng bộ, ngành phải thể hiện tên cụm, khối thi đua mà đơn vị dẫn đầu để được đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ.

c) Về báo cáo thành tích đề nghị tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ

Thực hiện theo đúng Mẫu đã quy định tại Nghị định số 91/2017/NĐ-CP. Báo cáo phải thể hiện rõ thành tích xuất sắc trong thực hiện các chỉ tiêu (nhiệm vụ) được giao trong năm đề nghị khen thưởng, so sánh kết quả thành tích với năm trước liền kề; có mô hình mới, nhân tố mới để các đơn vị khác học tập; các phong trào thi đua tiêu biểu, điển hình đã áp dụng trong thực tiễn sản xuất, công tác.

d) Đơn vị được giao chuyên trách về công tác thi đua, khen thưởng các bộ, ngành, tỉnh tham mưu cho Người đứng đầu bộ, ngành, tỉnh tổ chức, chỉ đạo hoạt động của các khối, cụm thi đua, bình xét, tặng Cờ thi đua cấp bộ, ngành , tỉnh và đề nghị tặng Cờ thi đua của Chính phủ bảo đảm đúng quy định. Đồng thời, gửi văn bản về chia khối, cụm của bộ, ngành, tỉnh về Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương để tổng hợp, theo dõi, nghiên cứu trong quá trình thẩm định hồ sơ khen thưởng.

đ) Đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các bộ, ngành, tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khối, cụm thi đua; kịp thời hướng dẫn, giải quyết những vướng mắc, bất cập, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo trong hoạt động của khối, cụm thi đua

III. CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG

Để công tác thẩm định hồ sơ khen thưởng trình Thủ tướng Chính phủ bảo đảm kịp thời, đúng quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, Bộ Nội vụ đề nghị khi lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xét, quyết định khen thưởng và xét, trình Chủ tịch nước quyết định khen thưởng, các bộ, ngành, tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện đầy đủ nội dung sau:

1. Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ

a) Tờ trình của bộ, ngành, tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị đáp ứng đầy đủ căn cứ pháp lý của việc đề nghị khen thưởng, cụ thể:

- Cần báo cáo rõ về việc có đáp ứng quy định hiện hành về hồ sơ, thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn của các tập thể, cá nhân trình khen thưởng; nêu rõ nội dung chưa đáp ứng quy định pháp luật (nếu có).

- Nội dung đề nghị khen thưởng phải phù hợp với thành tích của tập thể, cá nhân đạt được; thành tích khen thưởng phải cụ thể, rõ ràng.

b) Để thuận tiện cho việc đối chiếu, lưu trữ và tra cứu, đề nghị nên lập riêng các tờ trình đề nghị khen thưởng đối với:

- Theo từng loại hình khen thưởng: Theo công trạng và thành tích đạt được; theo đợt (hoặc chuyên đề); đột xuất; quá trình cống hiến; theo niên hạn; đối ngoại.

- Khen thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh; Danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc; Danh hiệu vinh dự Nhà nước; Giải thưởng Hồ Chí Minh; Giải thưởng Nhà nước.

- Không gộp chung thẩm quyền quyết định khen thưởng của Chủ tịch nước với Thủ tướng Chính phủ hoặc Chính phủ trong một Tờ trình.

- Chế độ mật riêng, chế độ không mật riêng.

c) Trường hợp đề nghị khen thưởng áp dụng theo thủ tục đơn giản cũng phải nêu rõ trong tờ trình.

2. Tuyến trình khen thưởng

a) Tuyến trình cụ thể đối với các bộ, ngành, tỉnh thực hiện theo Điều 46 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP.

b) Để việc khen thưởng không bị trùng lặp về thành tích, đối tượng, đảm bảo tuyến trình và thẩm quyền của cấp đề nghị khen thưởng các bộ, ngành, tỉnh không đề nghị đối với các tập thể, cá nhân không thuộc phạm vi quản lý theo đúng khoản 1 Điều 46 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định: “Cấp nào quản lý về tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quỹ lương thì cấp đó có trách nhiệm khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý”.

3. Về khen thưởng phong trào thi đua theo đợt (chuyên đề)

- Khen thưởng theo chuyên đề cấp Nhà nước cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong các phong trào thi đua theo đợt (chuyên đề) được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 12/2019/TT-BNV

- Không đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước (Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương) cho tập thể, cá nhân không do bộ, ngành quản lý chuyên môn theo ngành dọc.

4. Báo cáo thành tích

a) Báo cáo thành tích thực hiện theo các mẫu quy định tại phụ lục kèm theo Nghị định số 91/2017/NĐ-CP. Không dùng mẫu báo cáo thành tích loại hình khen thưởng này thay thế bằng báo cáo thành tích loại hình khen thưởng khác.

b) Báo cáo thành tích khen thưởng phải đảm bảo không bị trùng với các thành tích đã đề nghị khen thưởng trước đó, thực hiện đúng quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 12/2019/TT- BNV: “2. Không tặng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được”.

c) Báo cáo thành tích khen thưởng quá trình cống hiến của cá nhân đã hy sinh, từ trần phải do cơ quan quản lý trực tiếp cá nhân trước khi hy sinh, từ trần lập và đề nghị.

d) Xác nhận báo cáo thành tích của cấp trình khen thưởng thực hiện theo Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ về công tác văn thư.

đ) Trong báo cáo phải ghi cụ thể số quyết định, ngày, tháng, năm được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công nhận sáng kiến... của cấp có thẩm quyền theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư số 12/2019/TT-BNV.

e) Trường hợp khen thưởng về thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát minh, sáng chế phải có quyết định nghiệm thu, công nhận của cấp có thẩm quyền và các tài liệu chứng minh việc áp dụng đạt hiệu quả cao trong thực tiễn.

5. Về thẩm quyền công nhận sáng kiến và hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến

Quy định của nhiều bộ, ngành, tỉnh có phân biệt sáng kiến cấp cơ sở, sáng kiến cấp bộ, ngành, tỉnh và sáng kiến cấp toàn quốc. Do đó, dẫn đến việc bộ, ngành, tỉnh quy định về thẩm quyền công nhận sáng kiến cấp bộ, ngành, tỉnh và sáng kiến cấp toàn quốc như đã thực hiện thời gian qua là không đúng quy định.

Do vậy, đề nghị các bộ, ngành, tỉnh thực hiện theo đúng các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản quy định chi tiết, cụ thể:

a) Công nhận sáng kiến

- Sáng kiến được công nhận theo quy định của Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ ban hành Điều lệ Sáng kiến và Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN ngày 01 tháng 8 năm 2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số quy định của Điều lệ Sáng kiến được ban hành theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP .

- Đề tài nghiên cứu khoa học để làm căn cứ xét, tặng danh hiệu thi đua các cấp và khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng thực hiện theo quy định khoản 2 Điều 6 Thông tư số 12/2019/TT-BNV.

b) Việc công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến được quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 91/2017/NĐ-CPkhoản 1 Điều 6 Thông tư số 12/2019/TT-BNV.

c) Một sáng kiến chỉ được sử dụng một lần khi làm tiêu chuẩn đề nghị khen thưởng, sáng kiến đã sử dụng khi xét danh hiệu thi đua thì không được dùng trong xét hình thức khen thưởng và ngược lại. Không dùng một sáng kiến để xét nhiều hình thức khen thưởng.

6. Về thủ tục, hồ sơ

a) Thủ tục, hồ sơ thực hiện theo quy định tại các khoản 4, khoản 7, khoản 10 Điều 45 và Điều 52, 53, 54, 57 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP.

Lưu ý: Thời gian qua, nhiều hồ sơ của bộ, ngành, tỉnh khi trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị khen thưởng còn thiếu ý kiến bằng văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy và Đảng ủy trực thuộc trung ương, Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn đối với cá nhân thuộc quyền quản lý. Do vậy, đề nghị các bộ, ngành, tỉnh thực hiện theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 45 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP.

b) Các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phải lấy ý kiến nhân dân trước khi họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 12/2019/TT-BNV và phải có tài liệu minh chứng cho việc này được thể hiện trong hồ sơ đề nghị khen thưởng.

c) Thời gian nhận hồ sơ đề nghị khen thưởng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP. Quá thời hạn trên, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trả lại hồ sơ cho bộ, ngành, tỉnh và không phải chịu trách nhiệm về việc chậm này.

d) Hội đồng Thi đua - Khen thưởng họp xét khen thưởng thực hiện theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 12/2019/TT-BNV, khi xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phải bỏ phiếu, không biểu quyết.

đ) Biên bản họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thực hiện theo mẫu quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP và Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước. Không đưa vào hồ sơ các văn bản, tài liệu không hợp lệ thay cho biên bản họp Hội đồng như: Trích biên bản; Biên bản tổng hợp lấy ý kiến thành viên Hội đồng (không họp mà gửi văn bản cho tất cả thành viên Hội đồng lấy ý kiến), Biên bản tổng hợp ý kiến xét duyệt của Hội đồng...

e) Trường hợp đặc biệt để khen thưởng đột xuất phục vụ nhiệm vụ chính trị, phải có đề án, dự án, kế hoạch được phê duyệt đồng ý của cấp có thẩm quyền. Cơ quan được giao thường trực phục vụ nhiệm vụ đó có trách nhiệm xây dựng hướng dẫn xét khen thưởng về tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện chi tiết cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đó (sau khi đã thống nhất với Bộ Nội vụ (qua Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) và tổng hợp, lựa chọn các trường hợp có thành tích tiêu biểu xuất sắc để trình cấp có thẩm quyền xét, quyết định khen thưởng.

g) Các tài liệu minh chứng trong hồ sơ đề nghị khen thưởng phải là bản gốc hoặc bản sao có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền.

Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, tỉnh có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện để đảm bảo đúng các quy định hiện hành. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, đề nghị phản ánh về Bộ Nội vụ (qua Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) xem xét, đánh giá, tổng hợp, tham mưu sửa đổi bổ sung cho phù hợp./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ;
- Lưu: VT, Ban TĐ-KTTW.

BỘ TRƯỞNG




Phạm Thị Thanh Trà

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Công văn 5007/BNV-TĐKT ngày 05/09/2023 về nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng do Bộ Nội vụ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


6.579

DMCA.com Protection Status
IP: 13.59.95.170
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!