ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 473/QĐ-UBND
|
Kon Tum, ngày 24
tháng 8 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ
43/NQ-HĐND NGÀY 13 THÁNG 7 NĂM 2023 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ KẾT QUẢ GIÁM
SÁT VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày
15 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số
156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
Căn cứ Nghị định số
83/2020/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
Thực hiện Nghị quyết số
43/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám
sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng;
Theo đề nghị của Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 2395/SNN-CCKL ngày 27 tháng 7 năm
2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động
triển khai Nghị quyết số 43/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng nhân
dân tỉnh về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, bảo
vệ rừng.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3.
Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban ngành, các đơn vị chủ
rừng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các
đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh;
- Chi cục Kiểm lâm;
- VP UBND tỉnh: CVP (đ/b);
- Lưu: VT, NNTN.NTT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hữu Tháp
|
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/NQ-HĐND NGÀY 13 THÁNG 7 NĂM 2023
CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT TRONG
CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG
(Kèm theo Quyết định số 473/QĐ-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2023 của Ủy ban nhân
dân tỉnh)
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải
pháp để triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2023
của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật trong
công tác quản lý, bảo vệ rừng (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 43/NQ-HĐND) đảm
bảo chất lượng, hiệu quả, đồng bộ, kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế.
2. Yêu cầu
Việc xây dựng và tổ chức thực
hiện Chương trình hành động phải đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp đã
nêu tại Nghị quyết số 43/NQ-HĐND ; trong đó đảm bảo việc triển khai nghiêm túc,
có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các sở, ban ngành, địa phương và đơn vị
có liên quan đúng theo quy định.
Nâng cao trách nhiệm quản lý
nhà nước của các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn
vị chủ rừng, nhất là vai trò của người đứng đầu trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng
trên địa bàn quản lý.
Tổ chức khắc phục các hạn chế,
khuyết điểm đã được chỉ ra tại Nghị quyết số 43/NQ-HĐND ; thường xuyên kiểm tra,
theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện đảm bảo đạt mục tiêu đề ra.
II. NHIỆM VỤ,
GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đẩy mạnh
công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý bảo vệ rừng
a) Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ
biến, quán triệt, giáo dục pháp luật sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức
và các tầng lớp Nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp
luật của Nhà nước và các Nghị quyết, Văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ
Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác quản lý bảo vệ rừng đảm bảo phong
phú về nội dung và đa dạng về hình thức; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức,
ý thức trách nhiệm của người dân đối với công tác quản lý bảo vệ rừng.
- Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
- Đơn vị thực hiện: Các sở, ban
ngành thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị chủ rừng.
b) Tiếp tục phát động phong
trào toàn dân tham gia quản lý bảo vệ rừng; tích cực phản ánh, tố giác kịp thời
các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp đến các cơ quan chức năng, chính quyền địa
phương; tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân
đối với công tác quản lý bảo vệ rừng.
- Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
- Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan.
2. Nâng
cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác quản lý bảo vệ rừng
a) Xác định công tác quản lý bảo
vệ rừng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, liên tục của từng đơn vị,
địa phương. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng,
cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý hoặc để xảy ra
việc các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về lâm nghiệp.
- Thời gian thực hiện: Hằng
năm.
- Đơn vị thực hiện: Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị
chủ rừng.
b) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo
triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về quản
lý bảo vệ rừng đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước.
- Thời gian thực hiện: Hằng
năm.
- Đơn vị thực hiện: Các sở, ban
ngành thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị chủ rừng.
3. Nâng
cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về thực hiện công tác quản lý
bảo vệ rừng
a) Tiếp tục tổ chức thực hiện đồng
bộ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý bảo vệ và
phát triển rừng, nhất là Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban
Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý,
bảo vệ và phát triển rừng và Kế hoạch số 34-KH/TU ngày 05 tháng 5 năm 2017 của
Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư
Trung ương.
- Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
- Đơn vị thực hiện: Các sở, ban
ngành thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị chủ rừng.
b) Rà soát, tham mưu cụ thể hóa
và triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, kiến nghị đề xuất đã
được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tại Báo cáo số 251-BC/TU ngày 19 tháng 4 năm
2023.
- Thời gian thực hiện: Xây dựng
Kế hoạch thực hiện trong tháng 8 năm 2023 và triển khai thực hiện.
- Đơn vị thực hiện: Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương
liên quan.
c) Tổ chức thực hiện có hiệu quả
các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý bảo vệ rừng tại Quyết định số
240/QĐ-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành
Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 25 tháng 4 năm
2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát thực hiện chỉ tiêu kế hoạch
trồng rừng trên địa bàn tỉnh.
- Thời gian thực hiện: Thường
xuyên và báo cáo kết quả trước ngày 10 tháng 9 năm 2023.
- Đơn vị thực hiện: Các sở, ban
ngành thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị chủ rừng.
d) Tăng cường công tác phối hợp
giữa các lực lượng: Kiểm lâm, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân,
chính quyền địa phương các cấp, chủ rừng trong từng khâu, từng bước xử lý để đảm
bảo tất cả các vụ án, vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp được phát hiện kịp thời,
sớm tổ chức điều tra, xác minh và đưa ra xử lý theo quy định của pháp luật; đặc
biệt là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu.
- Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
- Đơn vị thực hiện: Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Công an, Viện Kiểm sát
nhân dân, Tòa án nhân dân, chính quyền địa phương các cấp và các đơn vị chủ rừng.
đ) Xây dựng kế hoạch khắc phục
hậu quả đối với các diện tích buộc trồng lại rừng theo quy định sau vi phạm. Cơ
quan ban hành quyết định xử phạt tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp
hành quyết định xử phạt, tiến độ trồng lại rừng; đơn vị chủ rừng thực hiện nghiệm
thu đối với các diện tích trồng lại rừng theo đúng quy trình lâm sinh.
- Thời gian thực hiện: Định kỳ
tháng 12 hằng năm rà soát, xây dựng kế hoạch xử lý cụ thể và tiếp tục thực hiện
thường xuyên.
- Đơn vị thực hiện: Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Công an tỉnh,
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các đơn vị chủ rừng và các đơn vị có liên
quan căn cứ nhiệm vụ chức năng rà soát và tổ chức thực hiện.
e) Tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ về xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo công
tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp được thi hành thống nhất,
đồng bộ và đúng quy định của pháp luật.
- Thời gian thực hiện: Hằng
năm.
- Đơn vị thực hiện: Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố.
g) Thực hiện công tác thẩm định,
phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán trồng rừng thay thế của các chủ rừng chặt
chẽ, đồng bộ đúng quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu
hoàn thành trồng rừng thay thế theo quy định tại Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT
ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Thời gian thực hiện: Hằng
năm.
- Đơn vị thực hiện: Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng,
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các đơn vị chủ rừng được giao trồng rừng
thay thế.
h) Thực hiện quản lý, sử dụng,
thanh quyết toán tiền dịch vụ môi trường rừng, tiền trồng rừng thay thế, các
nguồn vốn hỗ trợ thuộc ngân sách trung ương, ngân sách địa phương theo đúng quy
định.
- Thời gian thực hiện: Hằng
năm.
- Đơn vị thực hiện:
+ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng
chủ trì, phối hợp với chủ rừng (chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân
cư; các doanh nghiệp;…), Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, tổ chức khác được
Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng, thực hiện quản lý, sử dụng, thanh quyết
toán tiền dịch vụ môi trường rừng, tiền trồng rừng thay thế theo quy định của
Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2018 của
Chính phủ, Thông tư 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản quy định hiện hành.
+ Các sở, ban ngành thuộc tỉnh,
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh
phí thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng từ ngân sách trung ương, ngân sách địa
phương theo phân cấp hiện hành theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước
và các văn bản quy định hiện.
i) Nâng cao chất lượng tham mưu
thẩm định, phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất, giao đất, cho
thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các dự án liên quan đến
chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp đúng theo đúng trình tự, thủ
tục. Tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ đất đai, kịp thời báo cáo
các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đồng thời xử lý nghiêm các
trường hợp sử dụng đất sai mục đích trên địa bàn tỉnh.
- Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
- Đơn vị thực hiện: Sở Tài
nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
k) Tăng cường công tác kiểm
tra, quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án (kể cả các dự án bắt đầu cho chủ
trương khảo sát) có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là các dự án
chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác. Phối hợp với đơn vị
có liên quan tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất
đối với các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây
thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất
và đời sống của Nhân dân; không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc thực hiện
các dự án để vi phạm Luật Lâm nghiệp.
- Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
- Đơn vị thực hiện: Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa
phương liên quan.
l) Rà soát, xác định lại diện
tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh để thực hiện việc kiểm kê rừng
năm 2024 chặt chẽ, đồng bộ; đảm bảo phù hợp với các chỉ tiêu về đất lâm nghiệp
tại Quyết định số 326/QĐ -TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ
và tình hình thực tế của địa phương để quản lý rừng bền vững.
- Thời gian thực hiện: Năm
2024.
- Đơn vị thực hiện: Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường,
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
m) Tiếp tục rà soát các quy định
hiện hành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn trong việc giải quyết các vướng mắc liên quan đến “quy
định cụ thể về giá cho thuê rừng” để kịp thời triển khai thực hiện việc cho
thuê rừng đúng quy định.
- Thời gian thực hiện: Tháng 8
năm 2023.
- Đơn vị thực hiện: Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính.
n) Thường xuyên rà soát, củng cố,
kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng
cấp tỉnh, huyện, xã theo hướng tinh gọn, đảm bảo triển khai thực hiện thông suốt
nhiệm vụ trên địa bàn; cụ thể hóa, phân công, phân cấp, quy định rõ trách nhiệm,
nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý bảo vệ rừng và chịu
trách nhiệm chính đối với các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn quản lý.
- Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
- Đơn vị thực hiện: Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố, chủ rừng.
o) Tập trung rà soát và sớm
hoàn thành công tác bàn giao diện tích rừng do Ủy ban nhân dân cấp xã đang quản
lý cho các đơn vị chủ rừng theo Quyết định số 1047/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm
2021 và Văn bản số 1660/UBND-NNTN ngày 05 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân
tỉnh.
- Thời gian thực hiện: Hoàn
thành trong năm 2023.
- Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố, các đơn vị chủ rừng tổ chức thực hiện; Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng
dẫn.
4. Thực
hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn
tỉnh
a) Xây dựng Kế hoạch cụ thể để tổ
chức thực hiện công tác tuyên truyền đảm bảo mục tiêu đề ra, thiết thực và có
hiệu quả; xây dựng tài liệu và thực hiện phù hợp với từng đối tượng được tuyên
truyền. Chú trọng việc phát hiện, nêu gương, nhân rộng điển hình trong phong
trào toàn dân tham gia bảo vệ rừng. Đề xuất biểu dương kịp thời các tổ chức, cá
nhân tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác quản lý bảo vệ rừng
nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội.
- Thời gian thực hiện: Hằng
năm.
- Đơn vị thực hiện: Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị
chủ rừng và các đơn vị liên quan.
b) Thực hiện kiểm tra định kỳ
hoặc đột xuất, giám sát công tác quản lý bảo vệ rừng tại các địa phương, đơn vị
chủ rừng để chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản lý bảo vệ rừng, xử lý hoặc đề xuất
cấp thẩm quyền xử lý các trường hợp chưa thực hiện tốt nhiệm vụ được giao theo
quy định.
- Thời gian thực hiện: Hằng năm
.
- Đơn vị thực hiện: Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố, chủ rừng.
c) Kiểm tra, giám sát chặt chẽ
hoạt động công vụ của lực lượng làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng; quán triệt,
nghiêm túc tổ chức xem xét kiểm điểm trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân
khi để xảy ra các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng trên địa bàn quản lý; đặc biệt
là việc buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý và tiếp tay cho
các đối tượng phá rừng trái pháp luật.
- Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
- Đơn vị thực hiện: Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố, chủ rừng.
d) Xác định, khoanh vùng các
khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra vi phạm; rà soát, sắp xếp, kiện toàn, bổ
sung duy trì hoạt động các chốt, trạm bảo vệ rừng tại các vị trí, khu vực xung
yếu dễ xảy ra vi phạm. Tập trung lực lượng đủ mạnh tổ chức đồng loạt mở các đợt
cao điểm tuần tra, truy quét (đặc biệt trong các dịp nghỉ Lễ, Tết) nhằm
chủ động, kịp thời trong phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ vi phạm, không để
tình trạng vi phạm diễn biến phức tạp, kéo dài, trở thành điểm nóng.
- Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
- Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên
quan.
đ) Tăng cường công tác phối hợp
giữa các cơ quan, đơn vị trong việc tiếp nhận nắm bắt và xử lý thông tin về
tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp; bảo đảm lực lượng, trang thiết bị sẵn sàng
phối hợp ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng; đặc biệt các
đơn vị chủ rừng cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, các
cơ quan đơn vị đóng chân trên địa bàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản
lý bảo vệ rừng.
- Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
- Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan.
e) Triển khai thực hiện tốt
công tác phòng cháy chữa cháy rừng, đặc biệt chú trọng công tác phòng cháy chữa
cháy rừng đối với diện tích rừng mới trồng, đang trong giai đoạn chăm sóc, các
khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; bố trí lực lượng thường xuyên ứng trực,
tuần tra, canh gác tại các khu vực có nguy cơ cao về xảy ra cháy rừng kịp thời
phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.
- Thời gian thực hiện: Thường
xuyên trong mùa khô.
- Đơn vị thực hiện: Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị
chủ rừng.
g) Thực hiện cập nhật diễn biến
rừng theo đúng quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm
2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa
các đơn vị chủ rừng và Hạt Kiểm lâm sở tại; tham mưu trình cấp có thẩm quyền
công bố hiện trạng rừng hàng năm đúng thời gian quy định.
- Thời gian thực hiện: Hàng
năm.
- Đơn vị thực hiện: Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị
chủ rừng.
h) Các đơn vị chủ rừng là tổ chức
tăng cường khoán bảo vệ rừng cho các cộng đồng, hộ gia đình cá nhân, tạo sinh kế
để người dân an tâm thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, chủ động tuần tra,
kiểm tra rừng, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên diện tích rừng được
giao khoán.
- Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
- Đơn vị thực hiện: Đơn vị chủ
rừng phối hợp với cộng đồng, hộ gia đình cá nhân.
i) Các đơn vị chủ rừng thực hiện
rà soát, điều chỉnh Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 đảm bảo
theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế sau khi được cấp thẩm quyền thực
hiện bàn giao diện tích rừng, đất lâm nghiệp.
- Thời gian thực hiện: Thường
xuyên.
- Đơn vị thực hiện: Các đơn vị
chủ rừng.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và
các đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết
số 43/NQ-HĐND và Chương trình này; báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn trước ngày 10 tháng 02 năm 2024 để tổng hợp, tham mưu Ủy
ban nhân dân tỉnh báo cáo Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh trước
ngày 01 tháng 3 năm 2024.
2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn các đơn vị, địa
phương tổ chức thực hiện Chương trình hành động theo quy định. Trong quá trình
tổ chức thực hiện, trường hợp gặp khó khăn vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, các
sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan chủ
động báo cáo đề xuất gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh cho phù hợp./.