Kính gửi: Cục
Hải quan các tỉnh, thành phố.
Thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính
đã ban hành một số quy định về cơ chế quản lý tài chính, xếp ngạch lương theo vị
trí việc làm liên quan đến chế độ chính sách của người lao động, có ảnh hưởng
nhất định đến tư tưởng của một bộ phận cán bộ công chức, người lao động trong
ngành Hải quan.
Để có cái nhìn đầy đủ, khách quan về những quy định,
chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước nói chung và của Tổng cục Hải quan nói
riêng, Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố:
1. Đăng tải nội dung tuyên truyền về chế độ chính
sách đối với người lao động ngành Hải quan trên các Cổng/Trang thông tin điện tử
(website) của đơn vị (phụ lục kèm theo).
2. Giao Cấp ủy, thủ trưởng đơn vị, các tổ chức công
đoàn, đoàn thanh niên các Cục Hải quan tỉnh, thành phố phổ biến, tuyên truyền đến
đảng viên, người lao động, đoàn viên, hội viên thuộc tổ chức, đơn vị, đồng thời
động viên cán bộ, công chức, người lao động tiếp tục triển khai, thực hiện tốt
nhiệm vụ công tác được giao.
Tổng cục Hải quan thông báo để các đơn vị biết thực
hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- TCT Nguyễn Văn Thọ (để b/c);
- PTCT Trần Đức Hùng (để b/c);
- Lưu: VT, VP-TH (02b).
|
TL. TỔNG CỤC
TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG
Trương Thị Thúy Vinh
|
PHỤ LỤC
TUYÊN TRUYỀN PHỔ BIẾN CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO
ĐỘNG NGÀNH HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Công văn số 5798/TCHQ-VP ngày 22 tháng 11 năm 2024 của
Tổng cục Hải quan)
PHẦN
I
CHUYỂN XẾP NGẠCH CÔNG CHỨC THEO VỊ TRÍ VIỆC LÀM
I. Quy định của Nhà nước về ngạch
của công chức:
1. Quy định về ngạch tại Luật Cán bộ, công chức:
Tại Điều 7 quy định về vị trí việc làm và ngạch như
sau:
“3. Vị trí việc làm là công việc gắn với chức
danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức
trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
4. Ngạch là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực
và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức.”
Tại Điều 43 quy định về chuyển ngạch công chức như
sau:
“1. Chuyển ngạch là việc công chức đang giữ ngạch
của ngành chuyên môn này được bổ nhiệm sang ngạch của ngành chuyên môn khác có
cùng thứ bậc về chuyên môn, nghiệp vụ.
2. Công chức được chuyển ngạch phải có đủ tiêu
chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch được chuyển và phù hợp với nhiệm vụ, quyền
hạn được giao.
3. Công chức được giao nhiệm vụ không phù hợp với
chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức đang giữ thì phải được chuyển ngạch
cho phù hợp.
4. Không thực hiện nâng ngạch, nâng lương khi
chuyển ngạch.”
2. Quy định về quản lý ngạch tại Nghị định số
138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ:
Tại Điều 29 quy định về chuyển ngạch công chức như
sau:
“1. Việc chuyển ngạch được thực hiện khi công chức
thay đổi vị trí việc làm mà ngạch công chức đang giữ không phù hợp với yêu cầu
ngạch công chức của vị trí việc làm mới.
2. Người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức căn
cứ quy định tại Điều 43 Luật Cán bộ, công chức, đề nghị cơ quan quản lý công chức
quyết định chuyển ngạch công chức hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp.”
3. Quy định về nguyên tắc xếp ngạch, xếp
lương:
Tại mục 3, phần II của Thông tư số 79/2005/TT-BNV
ngày 10/8/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức,
viên chức khi thay đổi công việc và các trường hợp được chuyển công tác từ lực
lượng vũ trang, cơ yếu và công ty nhà nước vào làm việc trong các cơ quan nhà
nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước quy định:
“Công chức làm công việc gì thì bổ nhiệm vào ngạch
công chức đó; được bổ nhiệm vào ngạch công chức nào thì xếp lương theo ngạch
công chức đó. Trường hợp chuyển sang làm công việc mới không phù hợp với ngạch
công chức đang giữ thì phải chuyển ngạch..”
II. Quy định về vị trí việc
làm và xếp ngạch theo vị trí việc làm:
Căn cứ phần II của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày
21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về
cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng
vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, chỉ đạo: “Nhà nước trả lương
cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức
danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước….” và “Xây
dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức
vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang
lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng”.
Căn cứ Điều 5, Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày
01/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức quy định: “Vị
trí việc làm phân loại theo tính chất, nội dung công việc, gồm: Vị trí việc làm
lãnh đạo, quản lý; Vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành; Vị trí việc làm nghiệp
vụ chuyên môn dùng chung; Vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ”
Căn cứ quy định tại Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày
30/12/2022 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản
lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức,
hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ
trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 06/2024/TT-BNV ngày
28/6/2024 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ Nội vụ dẫn trên thì “Nhóm vị trí việc
làm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung gồm: Thanh tra, hợp tác quốc tế, pháp chế,
tổ chức cán bộ, văn phòng, kế hoạch tài chính, công nghệ thông tin và an toàn
thông tin. Đối với các vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung được xếp
ngạch công chức chuyên ngành hành chính, kế toán, văn thư, pháp chế…”
Tại khoản 1, Điều 7 của Thông tư số 12/2022/TT-BNV
dẫn trên quy định: “Đối với công chức lãnh đạo, quản lý và công chức, viên
chức được bố trí tại các vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ hiện đang hưởng lương
theo ngạch, bậc, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì tiếp tục được thực hiện
cho đến khi có hướng dẫn mới về chế độ tiền lương theo quy định.”
Căn cứ quy định tại Thông tư số 54/2023/TT-BTC ngày
15/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về vị trí việc làm công chức
nghiệp vụ chuyên ngành tài chính trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành, lĩnh vực
tài chính thì Tổng cục Hải quan có 6 vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành
gồm: Thuế xuất nhập khẩu, Giám sát quản lý về hải quan, Điều tra chống buôn lậu,
Quản lý rủi ro hải quan, Kiểm định hải quan, Kiểm tra sau thông quan hải quan.
Công chức được phân công đảm nhiệm vị trí việc nghiệp vụ chuyên ngành hải quan được
xếp lương ngạch công chức chuyên ngành hải quan (Kiểm tra viên chính hải
quan, kiểm tra viên hải quan, kiểm tra viên trung cấp hải quan, nhân viên hải
quan).
Ngày 14/6/2024, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số
1348/QĐ-BTC về việc phê duyệt vị trí việc làm công chức Tổng cục Hải quan, quyết
định có hiệu lực kể từ ngày ký. Theo đó, Quyết định 1348/QĐ-BTC dẫn trên đã quy
định ngạch công chức theo từng vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành, vị trí
việc làm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung.
III. Chế độ phụ cấp ưu đãi nghề
đối với công chức được xếp ngạch công chức chuyên ngành Hải quan:
1. Quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối
với công chức Hải quan
Theo quy định tại Quyết định số 07/2007/QĐ-TTg ngày
12/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với
công chức hải quan của Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính và Thông tư số
94/2007/TTLT-BTC-BNV ngày 02/8/2007 của Liên Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ thì: “Công
chức được xếp ngạch công chức chuyên ngành Hải quan (kể cả Tổng cục trưởng Tổng
cục Hải quan) của Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính được áp dụng phụ cấp ưu
đãi theo nghề đối với công chức Hải quan, gồm Kiểm tra viên cao cấp hải quan,
kiểm tra viên chính hải quan, kiểm tra viên hải quan, kiểm tra viên trung cấp hải
quan, nhân viên hải quan, mức hưởng tương ứng từ 10% đến 25%. Phụ cấp ưu đãi
nghề được tính trên mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và
phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).”
Như vậy, theo quy định trên thì công chức được xếp
ngạch công chức chuyên ngành Hải quan được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề,
mức hưởng từ 10% - 25% của mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo
và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
2. Thực hiện chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi
nghề đối với công chức Hải quan
Từ trước 01/7/2024, Tổng cục Hải quan đã thực hiện
chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức được xếp ngạch công chức Hải
quan theo quy định, kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề Hải quan
được sử dụng từ nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp theo quy định. Riêng đối
với công chức không xếp ngạch Hải quan được Tổng cục hỗ trợ thu nhập tương
đương với mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức xếp ngạch Hải quan,
nguồn kinh phí hỗ trợ được trích từ Quỹ phúc lợi của ngành.
Từ sau ngày 01/7/2024, Tổng cục Hải quan vẫn thực
hiện chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức được xếp ngạch công
chức Hải quan theo quy định. Do từ sau ngày 01/7/2024, không còn quỹ phúc lợi
nên Tổng cục không có nguồn để hỗ trợ thu nhập tương đương với mức phụ cấp ưu
đãi theo nghề đối với công chức không xếp ngạch Hải quan.
IV. Thực hiện chuyển xếp ngạch
theo vị trí việc làm trong ngành Hải quan:
1. Thống kê số lượng công chức trong ngành sẽ
không giữ ngạch Hải quan theo quy định hiện nay
Theo báo cáo của các đơn vị thuộc và trực thuộc thì
dự kiến có khoảng 1.300 công chức không giữ chức vụ lãnh đạo sẽ không giữ ngạch
công chức Hải quan theo quy định hiện nay.
2. Thực tế khi thực hiện quy định:
Theo quy định tại Quyết định số 07/2007/QĐ-TTg dẫn
trên thì công chức được xếp lương ngạch chuyên ngành hải quan được hưởng chế độ
phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Công chức đảm nhiệm VTVL chuyên môn dùng chung, hỗ
trợ, phục vụ sẽ không được xếp lương ngạch chuyên ngành hải quan phải chuyển xếp
sang ngạch lương phù hợp, nên sẽ không được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Căn cứ Quyết định số 2028/QĐ-BTC ngày 21/10/2021 của
Bộ Tài chính quy định Danh mục vị trí công tác và thời hạn điều động, chuyển đổi
vị trí công tác đối với công chức, viên chức tại các đơn vị thuộc và trực thuộc
Bộ Tài chính thì thời hạn điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công
chức thuộc Tổng cục Hải quan từ đủ 02 năm đến 5 năm. Tổng cục Hải quan đã
triển khai, quán triệt thực hiện quy định về điều động, chuyển đổi vị trí công
tác tại các đơn vị thuộc và trực thuộc.
PHẦN
II
CƠ CHẾ TÀI CHÍNH VÀ THU NHẬP ĐẶC THÙ CỦA CƠ QUAN HẢI
QUAN HIỆN NAY
Ngày 06/11/2024, Văn phòng Chính phủ có Công văn số
8137/VPCP-KTTH về việc triển khai Nghị quyết số 104/2023/QH15 và Nghị quyết số
142/2024/QH15 về sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù của các
cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, trong đó Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc có ý kiến:
"Căn cứ quy định tại Nghị quyết số 104/2023/QH15 và Nghị quyết số
142/2024/QH15 của Quốc hội thì cần sửa đổi bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập
đặc thù của cơ quan, đơn vị trước ngày 31/12/2024. Trong thời gian chưa sửa đổi
hoặc bãi bỏ các quy định về cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù thì được tiếp tục
áp dụng; riêng tiền lương và thu nhập tăng thêm thực hiện theo đúng quy định tại
Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội”.
Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của
Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công
chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì cán bộ, công chức, viên chức trong
Ngành tiếp tục được thực hiện chế độ tiền lương và tiền lương tăng thêm bảo đảm
không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6 năm
2024. Ngoài ra, đơn vị được bố trí Quỹ tiền thưởng hằng năm bằng 10% tổng quy
tiền lương (không bao gồm phụ cấp) theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc và cấp bậc
quận hàm của các đối tượng trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị để thưởng
đột xuất theo thành tích công tác và thưởng định kỳ hằng năm theo kết quả đánh
giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc của từng người hưởng lương trong cơ
quan, đơn vị./.