Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 12/2021/TT-BKHĐT Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics

Số hiệu: 12/2021/TT-BKHĐT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Người ký: Nguyễn Chí Dũng
Ngày ban hành: 31/12/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2021/TT-BKHĐT

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2021

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH HỆ THỐNG CHỈ TIÊU THỐNG KÊ LOGISTICS

Căn cứ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê ngày 12 tháng 11 năm 2021;

Căn cứ Luật thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê;

Căn cứ Nghị định số 163/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ logistics;

Căn cứ Nghị định số 86/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê;

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics của Việt Nam.

Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics là tập hợp các chỉ tiêu thống kê phản ánh các đặc điểm của hoạt động logistics, chi phí logistics trong nền kinh tế quốc gia và các dịch vụ logistics thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.

Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, thực hiện hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê logistics.

Điều 3. Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics

Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics gồm:

1. Danh mục chỉ tiêu thống kê logistics quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Nội dung chỉ tiêu thống kê logistics quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

a) Thu thập, tổng hợp thông tin thống kê đối với các chỉ tiêu thống kê logistics được phân công, bảo đảm cung cấp số liệu thống kê chính xác, đầy đủ, kịp thời và đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế;

b) Xây dựng và hoàn thiện các hình thức thu thập thông tin về các chỉ tiêu thống kê logistics;

c) Tổng hợp thông tin thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics; theo dõi, hướng dẫn, báo cáo tình hình thực hiện Thông tư này.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình căn cứ vào Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics thực hiện lồng ghép, thu thập, tổng hợp những chỉ tiêu được phân công, cung cấp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để tổng hợp, biên soạn.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2022.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị gửi ý kiến về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để kịp thời có hướng dẫn, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ;
- TANDTC; VKSNDTC;
- Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics VN;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo;
- Website của Chính phủ;
- Website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế, BKHĐT;
- Lưu: VT, TCTK (5)

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Chí Dũng

PHỤ LỤC I.

DANH MỤC CHỈ TIÊU THỐNG KÊ LOGISTICS
(Ban hành kèm theo Thông tư số 12/2021/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Số thứ tự

Mã số

Mã chỉ tiêu thống kê quốc gia tương ứng

Nhóm, tên chỉ tiêu

01. Kết cấu hạ tầng

1

0101

Chiều dài đường bộ hiện có và năng lực mới tăng

2

0102

1209

Chiều dài đường cao tốc hiện có và năng lực mới tăng

3

0103

1208

Chiều dài đường sắt hiện có và năng lực mới tăng

4

0104

1205

Số lượng, năng lực bốc xếp hiện có và mới tăng của cảng thủy nội địa

5

0105

1207

Số lượng, năng lực bốc xếp hiện có và mới tăng của cảng biển

6

0106

1206

Số lượng, năng lực khai thác hiện có và mới tăng của cảng hàng không

7

0107

Số lượng kho ngoại quan đang hoạt động

8

0108

Số lượng kho CFS, kho bảo thuế

9

0109

Số lượng kho lạnh bảo quản nông sản, thủy sản

10

0110

Số lượng trung tâm logistics

11

0111

Số sân bay có trung tâm xử lý hàng hóa

12

0112

Số lượng cảng cạn

13

0113

Vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông

02. Phương tiện vận tải

14

0201

Số lượng xe cơ giới trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể tham gia vào hoạt động logistics

15

0202

Số lượng tàu biển

16

0203

Số lượng phương tiện thủy nội địa

17

0204

Số lượng tàu bay

18

0205

Số lượng đầu máy, toa xe đường sắt

19

0206

Số lượng container

03. Đào tạo nguồn nhân lực

20

0301

Số cơ sở giáo dục đại học có đào tạo về ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng

21

0302

Số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo về ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng

22

0303

Số giảng viên giảng dạy về ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại các cơ sở giáo dục đại học

23

0304

Số giảng viên giảng dạy về ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

24

0305

Số sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh tốt nghiệp ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong các cơ sở giáo dục đại học

25

0306

Số học viên, sinh viên tốt nghiệp ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

04. Doanh nghiệp, lao động

26

0401

0304

Số doanh nghiệp, số lao động, nguồn vốn, tài sản, doanh thu thuần, thu nhập của người lao động, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp logistics

27

0402

Số lượng đại lý làm thủ tục hải quan

28

0403

Tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics

29

0404

Tỷ lệ chi phí thuê ngoài dịch vụ logistics của doanh nghiệp

30

0405

0202

Số lao động, tỷ lệ lao động có việc làm trong lĩnh vực logistics

31

0406

0203

Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực logistics đã qua đào tạo

32

0407

0209

Thu nhập bình quân một lao động đang làm việc trong lĩnh vực logistics

05. Thương mại, dịch vụ

33

0501

1001

Doanh thu bán lẻ hàng hóa

34

0502

1006

Trị giá hàng hóa xuất khẩu

35

0503

1006

Trị giá hàng hóa nhập khẩu

36

0504

1007

Mặt hàng xuất khẩu

37

0505

1007

Mặt hàng nhập khẩu

38

0506

1008

Cán cân thương mại hàng hóa

39

0507

1009

Trị giá dịch vụ xuất khẩu

40

0508

1009

Trị giá dịch vụ nhập khẩu

41

0509

1010

Cán cân thương mại dịch vụ

42

0510

1201

Doanh thu vận tải hàng hóa, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng hóa

43

0511

1301

Doanh thu dịch vụ bưu chính

44

0512

1302

Sản lượng dịch vụ bưu chính

45

0513

1004

Doanh thu dịch vụ logistics khác

06. Ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục hành chính

46

0601

Tỷ lệ hàng hóa xuất/nhập khẩu phải kiểm tra trực tiếp

47

0602

Tỷ lệ thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất/nhập khẩu đã được xử lý trực tuyến

48

0603

Số lượng thủ tục triển khai trên cơ chế một cửa quốc gia

07. Thời gian, chi phí logistics

49

0701

Thời gian trung bình thực hiện thủ tục thông quan hàng xuất/nhập khẩu

50

0702

Thời gian trung bình thực hiện đơn hàng

51

0703

0516

Chi phí logistics so với tổng sản phẩm trong nước

52

0704

Tỷ lệ chi phí logistics trên doanh thu của doanh nghiệp

53

0705

Tỷ lệ chi phí vận tải trên tổng chi phí logistics

08. Năng lực và chất lượng dịch vụ logistics

54

0801

1203

Khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển

55

0802

1204

Khối lượng hàng hóa thông qua cảng

56

0803

0515

Tỷ trọng giá trị tăng thêm của dịch vụ logistics trong tổng sản phẩm trong nước

57

0804

Số tuyến bay, chiều dài đường bay

58

0805

Số chuyến bay chậm chuyến, hủy chuyến

59

0806

Tỷ lệ giao hàng đầy đủ và đúng hạn

60

0807

Tỷ lệ hàng hóa hư hỏng trong quá trình vận chuyển

61

0808

Tỷ lệ hàng hóa bị khiếu nại

62

0809

Tỷ lệ hàng hóa bị trả về

63

0810

Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI)

PHỤ LỤC II.

NỘI DUNG CHỈ TIÊU THỐNG KÊ LOGISTICS
(Ban hành kèm theo Thông tư số 12/2021/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

01. Kết cấu hạ tầng

0101. Chiều dài đường bộ hiện có và năng lực mới tăng

1. Khái niệm, phương pháp tính

a) Chiều dài đường bộ hiện có là tổng chiều dài các loại đường bộ trên cả nước tính đến thời điểm báo cáo.

- Bao gồm:

+ Đường nhựa (bê tông nhựa, láng nhựa), bê tông xi măng, cấp phối, đá, gạch, đất, đường có mặt đường khác;

+ Cầu, hầm đường bộ, đường giao cắt, đường vượt.

- Không bao gồm đường mòn.

b) Năng lực mới tăng đường bộ là số kilomet chiều dài đường bộ, số mét dài cầu đường bộ được xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hoàn thành đưa vào sử dụng trong kỳ báo cáo.

2. Phân tổ chủ yếu

- Cấp kỹ thuật;

- Kết cấu mặt đường;

- Cấp quản lý;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Giao thông vận tải.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giao thông vận tải.

0102. Chiều dài đường cao tốc hiện có và năng lực mới tăng

1. Khái niệm, phương pháp tính

a) Chiều dài đường cao tốc hiện có là tổng chiều dài đường bộ cao tốc (được xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc) hiện có trên cả nước tính đến thời điểm báo cáo.

Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt, không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.

b) Năng lực mới tăng đường cao tốc là số kilomet chiều dài đường cao tốc được xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hoàn thành đưa vào sử dụng trong kỳ báo cáo.

2. Phân tổ chủ yếu: Số làn xe.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Giao thông vận tải.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giao thông vận tải.

0103. Chiều dài đường sắt hiện có và năng lực mới tăng

1. Khái niệm, phương pháp tính

a) Chiều dài đường sắt hiện có là tổng chiều dài của mạng lưới đường sắt đang sử dụng, được tính bằng chiều dài của đường ray đang khai thác chạy tàu trên cả nước tính đến thời điểm báo cáo.

- Bao gồm:

+ Đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, trong đó đường sắt quốc gia được phân thành đường sắt truyền thống, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đôi, đường sắt chạy điện và đường lồng (bao gồm cả đường nhánh và đường ga);

+ Đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.

- Không bao gồm đường sắt chuyên dùng (dùng cho mục đích du lịch, hầm mỏ, rừng hoặc phục vụ công nghiệp, nông nghiệp khác) mà không sử dụng cho mục đích công cộng.

b) Năng lực mới tăng đường sắt là số kilomet chiều dài đường sắt (chính tuyến, đường nhánh, đường ga), số mét dài cầu, hầm đường sắt được xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hoàn thành đưa vào sử dụng trong kỳ báo cáo.

2. Phân tổ chủ yếu

- Cấp kỹ thuật;

- Khổ đường;

- Cấp quản lý.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê của Bộ Giao thông vận tải.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giao thông vận tải.

0104. Số lượng, năng lực bốc xếp hiện có và mới tăng của cảng thủy nội địa

1. Khái niệm, phương pháp tính

a) Số lượng cảng thủy nội địa

Là số lượng cảng thủy nội địa hiện có trong kỳ báo cáo. Cảng thủy nội địa là hệ thống các công trình được xây dựng để phương tiện thủy nội địa, tàu biển, phương tiện thủy nước ngoài neo đậu, xếp, dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện các dịch vụ hỗ trợ khác. Cảng thủy nội địa có vùng đất cảng và vùng nước cảng. Cảng thủy nội địa bao gồm cảng tổng hợp, cảng hàng hóa, cảng hành khách, cảng chuyên dùng.

b) Năng lực bốc xếp hiện có của cảng thủy nội địa

Năng lực bốc xếp hiện có của cảng thủy nội địa là khả năng xếp dỡ hàng hóa thông qua cảng mà cảng có thể đảm nhận được trong kỳ báo cáo.

Năng lực bốc xếp hiện có được tính theo hai chỉ tiêu: Năng lực bốc xếp theo thiết kế và năng lực bốc xếp thực tế.

c) Năng lực bốc xếp mới tăng của cảng thủy nội địa

Là khả năng bốc xếp hàng hóa thông qua cảng mới tăng (theo thiết kế trong xây dựng) do hoạt động đầu tư mở rộng, nâng cấp hoặc xây dựng mới các cảng thủy nội địa được hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trong kỳ báo cáo.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại cảng thủy nội địa;

- Cấp kỹ thuật;

- Cấp quản lý;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Giao thông vận tải.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giao thông vận tải.

0105. Số lượng, năng lực bốc xếp hiện có và mới tăng của cảng biển

1. Khái niệm, phương pháp tính

Cảng biển là khu vực bao gồm vùng đất cảng và vùng nước cảng, được xây dựng kết cấu hạ tầng, lắp đặt trang thiết bị cho tàu thuyền đến, rời để bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện dịch vụ khác. Cảng biển có một hoặc nhiều bến cảng. Bến cảng có một hoặc nhiều cầu cảng.

Số lượng cảng biển là tổng số cảng biển được sử dụng chủ yếu cho mục đích thương mại tính đến thời điểm báo cáo.

Năng lực bốc xếp hiện có là khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển theo công suất thiết kế và thực tế trong kỳ báo cáo.

Năng lực mới tăng của cảng biển là năng lực mới tăng (tính theo thiết kế) của cảng biển do hoạt động đầu tư mở rộng, nâng cấp hoặc xây dựng mới được hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trong kỳ báo cáo.

2. Phân tổ chủ yếu: Loại cảng.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Giao thông vận tải.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giao thông vận tải.

0106. Số lượng, năng lực khai thác hiện có và mới tăng của cảng hàng không

1. Khái niệm, phương pháp tính

a) Số lượng cảng hàng không hiện có là số lượng cảng hàng không hiện có tính đến thời điểm báo cáo. Cảng hàng không là khu vực xác định, bao gồm sân bay, nhà ga và trang bị, thiết bị, công trình cần thiết khác được sử dụng cho tàu bay đi, đến và thực hiện vận chuyển hàng không.

b) Năng lực khai thác hiện có của cảng hàng không là khả năng tiếp nhận tàu bay; đưa đón hành khách đi đến; bốc xếp giao nhận, bảo quản hàng hóa và thực hiện các dịch vụ khác của cảng hàng không hiện có trong kỳ, được tính theo năng lực thiết kế hoặc năng lực theo thực tế.

c) Năng lực khai thác mới tăng của cảng hàng không là năng lực khai thác mới tăng (tính theo thiết kế) của hệ thống cảng hàng không đã xây dựng hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trong kỳ, gồm năng lực mới tăng do nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không hiện có.

2. Phân tổ chủ yếu: Nội địa/quốc tế.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Giao thông vận tải.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giao thông vận tải.

0107. Số lượng kho ngoại quan đang hoạt động

1. Khái niệm, phương pháp tính

Kho ngoại quan là khu vực kho, bãi lưu giữ hàng hóa đã làm thủ tục hải quan được gửi để chờ xuất khẩu; hàng hóa từ nước ngoài đưa vào gửi để chờ xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.

Kho ngoại quan được phép thành lập ở các khu vực sau:

- Cảng biển, cảng hàng không dân dụng quốc tế, cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa, cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế;

- Khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu phi thuế quan và các khu vực khác theo quy định của pháp luật;

- Khu kinh tế cửa khẩu hoặc khu vực được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics.

Kho ngoại quan, hàng hóa, phương tiện vận tải ra, vào hoặc lưu giữ, bảo quản trong kho ngoại quan phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan.

Số lượng kho ngoại quan đang hoạt động là tổng số kho ngoại quan đang hoạt động có trên địa bàn tại thời điểm báo cáo.

2. Phân tổ chủ yếu

- Diện tích;

- Công suất thiết kế;

- Mức độ kết nối giao thông;

- Vùng;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Dữ liệu hành chính.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan).

0108. Số lượng kho CFS, kho bảo thuế

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số lượng kho CFS là số lượng khu vực kho, bãi dùng để thực hiện các hoạt động thu gom, chia, tách hàng hóa của nhiều chủ hàng vận chuyển chung container tại thời điểm báo cáo.

Số lượng kho bảo thuế là số lượng kho dùng để chứa nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đã được thông quan nhưng chưa nộp thuế để sản xuất hàng hóa xuất khẩu của chủ kho bảo thuế tại thời điểm báo cáo.

2. Phân tổ chủ yếu

- Diện tích/Dung tích chứa;

- Vùng;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Dữ liệu hành chính.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan).

0109. Số lượng kho lạnh bảo quản nông sản, thủy sản

1. Khái niệm, phương pháp tính

Kho lạnh là một loại kho mà ở đó các kỹ sư chuyên ngành kho lạnh đã thiết kế sao cho phù hợp với đặc điểm của từng mặt hàng với mục đích bảo vệ và bảo quản sản phẩm một cách tốt nhất về lâu dài.

Kho lạnh bảo quản nông sản, thủy sản là kho lạnh sử dụng để bảo quản nông sản, thủy sản nhằm giữ cho hàng hóa được tươi lâu hơn, không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm ban đầu.

Số lượng kho lạnh bảo quản nông sản, thủy sản là tổng số kho lạnh, bảo quản nông sản, thủy sản có trên địa bàn tại thời điểm báo cáo.

2. Phân tổ chủ yếu

- Dung tích chứa;

- Vùng;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Dữ liệu hành chính.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

0110. Số lượng trung tâm logistics

1. Khái niệm, phương pháp tính

Trung tâm logistics là một khu vực nơi thực hiện các hoạt động liên quan đến vận tải, logistics và phân phối hàng hóa nội địa cũng như quốc tế (bao gồm các dịch vụ nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng và các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa), được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau. Các chủ thể này có thể là người chủ sở hữu hoặc là người thuê sử dụng các cơ sở vật chất và trang thiết bị của trung tâm logistics như kho bãi, văn phòng, khu vực xếp dỡ hàng,...

Trung tâm logistics cần phải có và được trang bị các trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động và dịch vụ của trung tâm. Trung tâm logistics cần được kết nối với các phương thức vận tải khác nhau như đường ô tô, đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không,...

2. Phân tổ chủ yếu

- Hạng (I/II/chuyên dụng);

- Diện tích;

- Công suất thiết kế;

- Mức độ kết nối giao thông;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê của Bộ Công Thương.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Công Thương.

0111. Số sân bay có trung tâm xử lý hàng hóa

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số sân bay có trung tâm xử lý hàng hóa là số lượng sân bay có trung tâm xử lý hàng hóa riêng biệt, không tính thiết bị xử lý hành lý của hành khách tại thời điểm báo cáo.

2. Phân tổ chủ yếu

- Diện tích;

- Công suất thiết kế;

- Mức độ kết nối giao thông;

- Nội địa/quốc tế;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Giao thông vận tải.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giao thông vận tải.

0112. Số lượng cảng cạn

1. Khái niệm, phương pháp tính

Cảng cạn là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không, cảng đường thủy nội địa, ga đường sắt, cửa khẩu đường bộ, đồng thời có chức năng là cửa khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng đường biển (Bộ Luật Hàng hải Việt Nam).

Số lượng cảng cạn là số lượng cảng cạn đã được cấp phép và hoạt động trên cả nước, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố mở tại thời điểm báo cáo.

2. Phân tổ chủ yếu

- Diện tích;

- Công suất thiết kế sản lượng hàng hóa thông qua;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Giao thông vận tải.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giao thông vận tải.

0113. Vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông

1. Khái niệm, phương pháp tính

Vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông là tổng số vốn bỏ ra để đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm:

- Vốn đầu tư có tính chất ngân sách nhà nước do Bộ Giao thông vận tải quản lý bao gồm vốn ODA, vốn ngân sách nhà nước, và các nguồn vốn hợp pháp khác do Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải trực tiếp quản lý trong các văn bản giao kế hoạch vốn hàng năm và trung hạn.

- Vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước bao gồm vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, các nguồn vốn thương mại trong nước và quốc tế, các nguồn vốn khác được huy động theo nguyên tắc không dẫn đến nợ công.

2. Phân tổ chủ yếu: Nguồn vốn.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Giao thông vận tải.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giao thông vận tải.

02. Phương tiện vận tải

0201. Số lượng xe cơ giới trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể tham gia vào hoạt động logistics

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số lượng xe cơ giới trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể tham gia vào hoạt động logistics là toàn bộ những loại xe sử dụng động cơ và tốn nhiên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị có tham gia vào hoạt động logistics, gồm xe ô tô; máy kéo; xe cẩu, xe nâng, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; và các loại xe tương tự được thiết kế để chở hàng hóa trên đường bộ, được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh tính đến thời điểm báo cáo; không bao gồm các phương tiện đã hết niên hạn sử dụng, không đăng ký hoặc không đưa vào kiểm định, chỉ phục vụ cho mục đích đi lại của chủ cơ sở không phục vụ cho mục đích sản xuất kinh doanh.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại phương tiện;

- Hình thức sở hữu/Loại hình sở hữu;

- Trọng tải;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng điều tra kinh tế;

- Điều tra doanh nghiệp;

- Điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Tổng cục Thống kê.

0202. Số lượng tàu biển

1. Khái niệm, phương pháp tính

- Số lượng tàu biển hiện có là số lượng tàu biển các loại chạy bằng động cơ tính đến thời điểm báo cáo; bao gồm tàu đang hoạt động, đang sửa chữa, đang thuê (thời hạn trên 1 năm), không bao gồm tàu đang cho thuê (thời hạn trên 1 năm), tàu cá và tàu phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý.

- Tổng dung tích của đội tàu biển (GT) là tổng dung tích theo đăng ký của các tàu biển hiện có đến ngày 31 tháng 12 năm báo cáo; được tính bằng đơn vị GT.

- Tổng trọng tải của đội tàu biển (DWT) là tổng trọng tải theo đăng ký của các tàu biển hiện có đến ngày 31 tháng 12 năm báo cáo; được tính bằng đơn vị tấn.

- Tổng công suất máy của đội tàu biển là tổng công suất máy chính, máy phụ của các tàu biển hiện có đến ngày 31 tháng 12 năm báo cáo; được tính bằng đơn vị cheveaux (CV).

2. Phân tổ chủ yếu

- Tuổi tàu;

- Công dụng;

- Cấp VR (cờ VN/NN).

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Giao thông vận tải.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giao thông vận tải.

0203. Số lượng phương tiện thủy nội địa

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số lượng phương tiện thủy nội địa là số lượng phương tiện thủy nội địa chạy bằng động cơ tính đến thời điểm báo cáo; bao gồm các phương tiện đang hoạt động, đang sửa chữa, chưa dùng đến; không bao gồm các phương tiện đã hết niên hạn sử dụng và các phương tiện phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý.

- Số lượng phương tiện thủy nội địa tham gia giao thông là số lượng phương tiện thủy nội địa hiện có tham gia giao thông trong kỳ, không phụ thuộc vào thời gian hoạt động; không bao gồm phương tiện do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý.

- Tổng trọng tải của phương tiện thủy nội địa (DWT) là tổng trọng tải theo đăng ký của các phương tiện thủy nội địa hiện có đến ngày 31 tháng 12 năm báo cáo; được tính bằng đơn vị tấn.

- Tổng công suất máy của phương tiện thủy nội địa là tổng công suất máy theo đăng ký của các phương tiện thủy nội địa hiện có đến ngày 31 tháng 12 năm báo cáo; được tính bằng đơn vị cheveaux (CV).

2. Phân tổ chủ yếu

- Trọng tải;

- Công dụng;

- Hình thức sở hữu;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Đối với phương tiện thủy nội địa phải đăng kiểm theo quy định: Chế độ báo cáo thống kê ngành Giao thông vận tải;

- Đối với phương tiện thủy nội địa không phải đăng kiểm: Điều tra thống kê ngành giao thông vận tải.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giao thông vận tải.

0204. Số lượng tàu bay

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số lượng tàu bay là số lượng tàu bay thuộc quyền sở hữu và đi thuê (với thời gian tối thiểu 1 năm) của tổ chức, cá nhân Việt Nam tính đến thời điểm báo cáo; bao gồm các loại tàu bay đang hoạt động, đang sửa chữa, bảo dưỡng, chờ điều đi, chờ thanh lý, không dùng đến, còn dự trữ chưa đưa vào hoạt động; không bao gồm số tàu bay cho nước ngoài thuê (thời hạn trên 1 năm), tàu bay hết niên hạn sử dụng và tàu bay quân sự.

2. Phân tổ chủ yếu

- Công suất/sức chở;

- Loại hình sở hữu;

- Loại tàu bay.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Giao thông vận tải.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giao thông vận tải.

0205. Số lượng đầu máy, toa xe đường sắt

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số lượng đầu máy, toa xe đường sắt là số lượng đầu máy, toa xe đường sắt đang lưu hành, đang sửa chữa, bảo dưỡng, chưa dùng đến tính đến thời điểm báo cáo; không bao gồm các phương tiện đã hết niên hạn sử dụng hoặc không đưa vào kiểm định.

2. Phân tổ chủ yếu

- Đường sắt quốc gia/chuyên dùng;

- Loại phương tiện;

- Công suất sức chở.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Giao thông vận tải.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giao thông vận tải.

0206. Số lượng container

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số lượng container là số lượng container đang lưu hành, đang sửa chữa, bảo dưỡng, chưa dùng đến tính đến thời điểm báo cáo; không bao gồm các phương tiện đã hết niên hạn sử dụng hoặc không đưa vào kiểm định.

2. Phân tổ chủ yếu: Công suất/sức chở.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Giao thông vận tải.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giao thông vận tải.

03. Đào tạo nguồn nhân lực

0301. Số cơ sở giáo dục đại học có đào tạo về ngành/chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số cơ sở giáo dục đại học có đào tạo về ngành/chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng là những cơ sở giáo dục đại học có đào tạo mã ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Cơ sở giáo dục đại học là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.

Cơ sở giáo dục đại học bao gồm trường đại học và cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình (Công lập/tư thục);

- Loại cơ sở giáo dục đại học;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành giáo dục.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

0302. Số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo về ngành/chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo về ngành/chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng là những cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khoa, bộ môn, tín chỉ đào tạo về ngành/chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm:

- Trung tâm giáo dục nghề nghiệp;

- Trường trung cấp;

- Trường cao đẳng.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình (Công lập/tư thục);

- Loại cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Lao động, Thương binh và Xã hội.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

0303. Số giảng viên giảng dạy về logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại các cơ sở giáo dục đại học

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số giảng viên giảng dạy về logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại các cơ sở giáo dục đại học là số lượng giảng viên giảng dạy về ngành/chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại các cơ sở giáo dục đại học (tính cả hợp đồng từ 3 năm trở lên).

2. Phân tổ chủ yếu

- Giới tính;

- Trình độ chuyên môn.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành giáo dục.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

0304. Số giảng viên giảng dạy về logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số giảng viên giảng dạy về logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là số lượng giảng viên có tham gia giảng dạy về ngành/chuyên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

2. Phân tổ chủ yếu

- Giới tính;

- Trình độ chuyên môn.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Lao động, Thương binh và Xã hội.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

0305. Số sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh tốt nghiệp ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong các cơ sở giáo dục đại học

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh tốt nghiệp ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong các cơ sở giáo dục đại học là những sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh được công nhận và cấp bằng tốt nghiệp ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng tính trong kỳ báo cáo.

2. Phân tổ chủ yếu

- Giới tính;

- Trình độ đào tạo.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành giáo dục.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

0306. Số học viên, sinh viên tốt nghiệp ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số học viên, sinh viên tốt nghiệp ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là những học viên, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được công nhận và cấp bằng tốt nghiệp ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng tính trong kỳ báo cáo.

2. Phân tổ chủ yếu

- Giới tính;

- Trình độ đào tạo.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Lao động, Thương binh và Xã hội.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

04. Doanh nghiệp, lao động

0401. Số doanh nghiệp, số lao động, nguồn vốn, tài sản, doanh thu thuần, thu nhập của người lao động, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp logistics

1. Khái niệm, phương pháp tính

Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.

Số doanh nghiệp logistics là những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics như vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không, đường biển, đường thủy nội địa và vận tải đa phương thức, doanh nghiệp kho bãi và phân phối, đại lý giao nhận, đại lý hải quan...;

Lao động trong doanh nghiệp là toàn bộ số lao động hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp tại thời điểm thống kê, gồm lao động làm đầy đủ thời gian; lao động làm bán thời gian; lao động hợp đồng (có thời hạn và không có thời hạn); lao động thuê ngoài; lao động trực tiếp; lao động gián tiếp,... kể cả những người đang nghỉ chờ việc hay chờ chế độ nghỉ hưu, nhưng vẫn thuộc doanh nghiệp quản lý.

Số lao động trong các doanh nghiệp logistics là toàn bộ số lao động do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quản lý, sử dụng và trả lương, trả công.

Thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp logistics là tổng các khoản mà người lao động nhận được do sự tham gia của họ vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp logistics. Thu nhập của người lao động gồm tiền lương, tiền thưởng và các khoản phụ cấp, thu nhập khác có tính chất như lương; bảo hiểm xã hội trả thay lương; các khoản thu nhập khác không tính vào chi phí sản xuất kinh doanh.

Nguồn vốn trong doanh nghiệp logistics là toàn bộ số vốn của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics được hình thành từ các nguồn khác nhau: Nguồn vốn chủ sở hữu và các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp.

Doanh thu của doanh nghiệp logistics là doanh thu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics như vận chuyển hàng hóa đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa và dịch vụ kho bãi và phân phối hàng hóa, dịch vụ hải quan,... Doanh thu được báo cáo trong báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp.

Lợi nhuận trước thuế của của doanh nghiệp logistics là số lợi nhuận thu được trong năm của doanh nghiệp logistics từ các hoạt động phát sinh trong năm trước khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

2. Phân tổ chủ yếu

- Quy mô doanh nghiệp;

- Ngành kinh tế;

- Loại hình doanh nghiệp;

- Vùng;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.

Riêng lao động phân tổ thêm giới tính; trình độ chuyên môn kỹ thuật.

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng điều tra kinh tế;

- Điều tra doanh nghiệp;

- Dữ liệu hành chính.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Tổng cục Thống kê;

- Phối hợp: Bộ Tài chính.

0402. Số lượng đại lý làm thủ tục hải quan

1. Khái niệm, phương pháp tính

Đại lý làm thủ tục hải quan là doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 20 Luật Hải quan, trong phạm vi được ủy quyền theo thỏa thuận trong hợp đồng ký với người có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi là chủ hàng) thay mặt chủ hàng thực hiện toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ của người khai hải quan quy định tại Khoản 3 Điều 18 Luật Hải quan.

Số lượng đại lý làm thủ tục hải quan là số lượng đại lý làm thủ tục hải quan được công nhận đang hoạt động theo quy định.

2. Phân tổ chủ yếu

- Vùng;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Dữ liệu hành chính.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan).

0403. Tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics là tỷ lệ phần trăm giữa số doanh nghiệp có thuê ngoài dịch vụ logistics so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Các dịch vụ logistics thuê ngoài gồm: dịch vụ vận chuyển hàng hóa, bốc xếp, làm thủ tục thông quan, đóng gói, quét mã vạch, quản lý kho hàng, phân phối sản phẩm, quản lý tồn kho, xúc tiến bán hàng...

2. Phân tổ chủ yếu

- Quy mô doanh nghiệp;

- Ngành kinh tế;

- Loại hình doanh nghiệp;

- Vùng;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng điều tra kinh tế;

- Điều tra doanh nghiệp.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Tổng cục Thống kê.

0404. Tỷ lệ chi phí thuê ngoài dịch vụ logistics của doanh nghiệp

1. Khái niệm, phương pháp tính

Chi phí thuê ngoài dịch vụ logistics là chi phí doanh nghiệp chi trả để thuê các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài thay mặt doanh nghiệp tổ chức và triển khai hoạt động logistics như dịch vụ vận chuyển hàng hóa, bốc xếp, làm thủ tục thông quan, đóng gói, quét mã vạch, quản lý kho hàng, phân phối sản phẩm, quản lý tồn kho, xúc tiến bán hàng...

Tỷ lệ chi phí thuê ngoài dịch vụ logistics của doanh nghiệp là tỷ lệ phần trăm giữa chi phí thuê ngoài dịch vụ logistics trên tổng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Phân tổ chủ yếu

- Ngành kinh tế;

- Loại hình doanh nghiệp;

- Vùng;

- Tỉnh/Thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng điều tra kinh tế;

- Điều tra doanh nghiệp.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Tổng cục Thống kê.

0405. Số lao động, tỷ lệ lao động có việc làm trong lĩnh vực logistics

1. Khái niệm, phương pháp tính

Lao động có việc làm là tất cả những người từ đủ 15 tuổi trở lên, trong thời gian tham chiếu có làm bất cứ việc gì (không bị pháp luật cấm) từ 01 giờ trở lên để tạo ra các sản phẩm hàng hóa hoặc cung cấp các dịch vụ nhằm mục đích tạo thu nhập cho bản thân và gia đình.

Người có việc làm gồm cả những người không làm việc trong tuần nghiên cứu nhưng đang có một công việc và vẫn gắn bó chặt chẽ với công việc đó (vẫn được trả lương/công trong thời gian không làm việc hoặc chắc chắn sẽ quay trở lại làm sau thời gian không quá 01 tháng).

Số lao động có việc làm (đang làm việc) trong lĩnh vực logistics là toàn bộ số lao động tại thời điểm thống kê làm việc trong các ngành liên quan đến logistics.

Tỷ lệ lao động đang làm việc trong lĩnh vực logistics là tỷ lệ phần trăm số lao động đang làm việc trong lĩnh vực logistics so với tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế.

2. Phân tổ chủ yếu

- Giới tính;

- Trình độ chuyên môn kỹ thuật;

- Ngành kinh tế;

- Loại hình kinh tế;

- Vùng;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Điều tra lao động việc làm.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Tổng cục Thống kê.

0406. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực logistics đã qua đào tạo

1. Khái niệm, phương pháp tính

Người lao động đã qua đào tạo là người từ đủ 15 tuổi trở lên có việc làm hoặc thất nghiệp trong thời kỳ tham chiếu đã hội đủ các yếu tố sau đây:

- Người đã được đào tạo ở một trường hay một cơ sở đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ 03 tháng trở lên và đã tốt nghiệp, đã được cấp bằng/chứng chỉ chứng nhận đạt một trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ nhất định, gồm sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học và trên đại học (thạc sỹ, tiến sỹ).

- Hoặc người chưa qua một trường lớp đào tạo nào nhưng do tự học, do được truyền nghề hoặc vừa làm vừa học nên họ đã có được kỹ năng, tay nghề, tương đương với bậc 1 của công nhân kỹ thuật có bằng, chứng chỉ cùng nghề và thực tế đã từng làm công việc này với thời gian từ 3 năm trở lên (hay còn gọi là công nhân kỹ thuật không bằng/chứng chỉ).

Người lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là người từ đủ 15 tuổi trở lên đã được đào tạo ở một trường hay một cơ sở đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ 03 tháng trở lên và đã tốt nghiệp, đã được cấp bằng/chứng chỉ chứng nhận đạt một trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ nhất định, gồm sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học và trên đại học (thạc sỹ, tiến sỹ) có việc làm hoặc thất nghiệp trong thời kỳ tham chiếu.

Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực logistics đã qua đào tạo là tỷ lệ phần trăm của số lao động trong lĩnh vực logistics đã qua đào tạo trong tổng số lao động trong lĩnh vực logistics.

Công thức tính:

Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực logistics đã qua đào tạo (%)

=

Số lao động trong lĩnh vực logistics đã qua đào tạo

x

100

Số lao động trong lĩnh vực logistics

2. Phân tổ chủ yếu

- Giới tính;

- Có bằng, chứng chỉ/không có bằng, chứng chỉ;

- Trình độ chuyên môn kỹ thuật;

- Ngành kinh tế;

- Loại hình kinh tế;

- Vùng;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Điều tra lao động và việc làm;

- Điều tra thống kê.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Tổng cục Thống kê;

- Phối hợp: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

0407. Thu nhập bình quân một lao động đang làm việc trong lĩnh vực logistics

1. Khái niệm, phương pháp tính

Thu nhập của lao động đang làm việc trong lĩnh vực logistics là thu nhập từ tiền công, tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất như lương, gồm tiền làm thêm giờ, tiền thưởng, tiền phụ cấp,... Các khoản thu nhập này có thể bằng tiền hoặc hiện vật.

Thu nhập bình quân một lao động đang làm việc trong lĩnh vực logistics là tổng thu nhập thực tế tính bình quân một lao động trong lĩnh vực logistics.

Công thức tính:

Thu nhập bình quân của lao động đang làm việc trong lĩnh vực logistics

=

∑ LiWi

∑ Li

Trong đó:

i - Thời gian tham chiếu (thường là 1 tháng);

Li - Số lao động tại thời điểm i;

Wi - Thu nhập của lao động trong lĩnh vực logistics trong thời gian tham chiếu.

2. Phân tổ chủ yếu

- Giới tính;

- Ngành kinh tế;

- Loại hình kinh tế;

- Vùng;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Điều tra lao động và việc làm.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Tổng cục Thống kê.

05. Thương mại, dịch vụ

0501. Doanh thu bán lẻ hàng hóa

1. Khái niệm, phương pháp tính

Bán lẻ hàng hóa là bán những hàng hóa loại mới, hàng đã qua sử dụng, chủ yếu cho tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình, tại các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, hợp tác xã mua bán, quầy hàng bán tại chợ hoặc bán lưu động,...

Doanh thu bán lẻ hàng hóa gồm toàn bộ số tiền thu được, hoặc sẽ thu được từ bán lẻ hàng hóa (kể cả các khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá bán, nếu có) của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản.

2. Phân tổ chủ yếu

a) Kỳ tháng, quý phân tổ theo: Nhóm hàng chủ yếu;

b) Kỳ năm phân tổ thêm:

- Vùng;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Tháng, quý, năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng Điều tra kinh tế;

- Điều tra doanh nghiệp;

- Điều tra bán buôn, bán lẻ hàng hóa;

- Điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Tổng cục Thống kê.

0502. Trị giá hàng hóa xuất khẩu

1. Khái niệm, phương pháp tính

a) Khái niệm

Hàng hóa xuất khẩu gồm toàn bộ hàng hóa có xuất xứ trong nước và hàng hóa nước ngoài tái xuất khẩu, được đưa ra nước ngoài, làm giảm nguồn của cải, vật chất của đất nước. Trị giá xuất khẩu hàng hóa được tính theo điều kiện giao hàng FOB hoặc tương đương, là giá của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất (không gồm phí bảo hiểm quốc tế và phí vận tải quốc tế), được tính cho một thời kỳ nhất định và tính theo một loại tiền thống nhất là Đô la Mỹ. Trong đó:

- Hàng hóa có xuất xứ trong nước là hàng hóa được khai thác, sản xuất, chế biến trong nước theo các quy định về xuất xứ hàng hóa của Việt Nam;

- Hàng hóa tái xuất khẩu là hàng hóa có xuất xứ nước ngoài mà trước đó đã được nhập khẩu và được thống kê là hàng nhập khẩu, sau đó lại xuất khẩu nguyên trạng hoặc chỉ chế biến giản đơn, bảo quản, đóng gói lại, không làm thay đổi tính chất cơ bản của hàng hóa.

b) Phạm vi thống kê

Hàng hóa được tính trong thống kê xuất khẩu gồm:

(1) Hàng hóa mua/bán theo các hợp đồng thương mại thông thường ký với nước ngoài;

(2) Hàng hóa thuộc loại hình hàng đổi hàng với nước ngoài, không sử dụng các hình thức thanh toán;

(3) Hàng hóa thuộc các hợp đồng gia công, lắp ráp ký với nước ngoài, có hoặc không thay đổi quyền sở hữu, bao gồm: Thành phẩm hoàn trả sau gia công, lắp ráp; nguyên liệu/vật tư xuất khẩu để gia công, lắp ráp; hàng hóa làm mẫu phục vụ cho gia công, lắp ráp; máy móc, thiết bị trực tiếp phục vụ gia công, lắp ráp, được thỏa thuận trong hợp đồng gia công, lắp ráp;

(4) Hàng hóa thuộc các giao dịch giữa doanh nghiệp mẹ với doanh nghiệp con, chi nhánh đầu tư trực tiếp ở nước ngoài, hàng hóa giao dịch giữa người mua và người bán có mối quan hệ đặc biệt;

(5) Hàng hóa tái xuất: Hàng hóa nước ngoài đã nhập khẩu và được thống kê vào nhập khẩu trước đó, sau đó lại xuất khẩu nguyên dạng hoặc chỉ sơ chế, bảo quản, đóng gói lại, không làm thay đổi tính chất cơ bản của hàng hóa, trừ hàng hóa tạm nhập khẩu phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan và phải tái xuất theo quy định của pháp luật;

(6) Hàng hóa xuất khẩu thuộc loại hình vay nợ, viện trợ chính phủ, phi chính phủ, các tổ chức quốc tế và các hình thức viện trợ nhân đạo khác;

(7) Hàng hóa thuộc hợp đồng thuê/cho thuê tài chính(máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải), theo đó người thuê có quyền lợi, trách nhiệm, chịu rủi ro,... liên quan đến hàng hóa. Nếu trong hợp đồng không xác định rõ các nội dung trên thì căn cứ vào thời hạn thuê là 12 tháng trở lên;

(8) Hàng hóa trả lại trong kinh doanh xuất khẩu (hàng hóa mà trước đó đã được thống kê vào hàng nhập khẩu, sau đó được tái xuất);

(9) Hàng hóa tạm xuất có thời hạn để sử dụng tạm thời cho mục đích cụ thể nhưng sau đó được chuyển đổi loại hình hải quan để không thực hiện tái nhập. Những hàng hóa đó bao gồm: Hàng hóa hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm; tài liệu hội nghị, hội thảo, nghiên cứu khoa học, giáo dục, thi đấu thể thao, biểu diễn văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, khám chữa bệnh, nghiên cứu và phát triển sản phẩm; phương tiện vận tải, công ten nơ và các thiết bị liên quan đến vận tải; các động sản khác;

(10) Hàng hóa mua/bán, trao đổi qua biên giới, không có hợp đồng thương mại;

(11) Các hàng hóa đặc thù:

- Vàng phi tiền tệ: Là vàng ở các dạng bột, thanh, thỏi, miếng, xu, vàng trang sức,... dưới dạng tinh chế, thô hoặc dạng bán sơ chế do các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại (trừ ngân hàng, tổ chức khác nhận ủy quyền thực hiện giao dịch của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) xuất khẩu cho mục đích kinh doanh, sản xuất, gia công, chế tác,... theo quy định của pháp luật;

- Tiền giấy, chứng khoán chưa phát hành, tiền xu không hoặc chưa đưa vào lưu thông; các bộ sưu tập tiền xu hoặc tiền giấy;

- Phương tiện lưu giữ thông tin, hình ảnh: Băng từ, đĩa từ, CD-ROM, thẻ thông minh,... đã hoặc chưa ghi âm, hình, dữ liệu, trò chơi điện tử, phần mềm,... được sản xuất để dùng chung cho mọi khách hàng hoặc để mua/bán thông thường mà không được đặt hàng theo yêu cầu riêng (trừ các loại được sản xuất theo yêu cầu riêng của khách hàng hoặc bản gốc phim ảnh, tác phẩm nghệ thuật, chương trình truyền hình, chương trình biểu diễn nghệ thuật,...);

- Hàng hóa gửi qua đường bưu điện hoặc dịch vụ chuyển phát nhanh;

- Điện năng xuất khẩu;

- Hàng hóa xuất khẩu sử dụng phương thức thương mại điện tử: Việc trao đổi thông tin, đặt hàng, ký kết hợp đồng thương mại và thanh toán với nước ngoài được thực hiện qua mạng Internet nhưng hàng hóa được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, thực hiện các thủ tục hải quan thông thường, được tính đến trong thống kê nếu hàng hóa thuộc phạm vi thống kê;

- Hàng hóa, nhiên liệu bán cho các phương tiện vận tải nước ngoài sử dụng trong hành trình giao thông quốc tế;

- Dầu thô và khoáng sản được khai thác trong khu vực thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hải phận quốc tế, vùng chồng lấn được bán với nước ngoài;

- Thiết bị giàn khoan do doanh nghiệp bán ngoài khơi, không thực hiện tờ khai hải quan;

- Máy bay, tàu thuyền và phương tiện vận tải khác thuộc các giao dịch không thực hiện tờ khai hải quan;

- Hàng hóa gửi đi cho các tổ chức quốc tế (trừ hàng hóa gửi giữa các tổ chức quốc tế);

- Hàng hóa là tài sản di chuyển, hàng hóa là hành lý của người xuất cảnh phải khai theo quy định;

- Chất thải và phế liệu có giá trị thương mại.

- Vệ tinh trong trường hợp có thay đổi quyền sở hữu giữa các tổ chức, cá nhân trong nước với nước ngoài;

Hàng hóa không tính trong thống kê gồm:

(1) Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ: Hàng hóa do thương nhân Việt Nam ký hợp đồng bán với thương nhân nước ngoài nhưng được giao tại Việt Nam theo chỉ định của thương nhân nước ngoài.

(2) Hàng hóa do thương nhân Việt Nam mua của nước ngoài và bán thẳng cho nước thứ ba, hàng hóa không về Việt Nam hoặc có về Việt Nam nhưng không làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu thông thường tại Hải quan Việt Nam.

(3) Hàng hóa bán tại các cửa hàng miễn thuế (Duty Free Shop).

(4) Hàng hóa tạm xuất có thời hạn sau đó được tái nhập như: Hàng tham dự triển lãm, hội chợ, giới thiệu sản phẩm; tài liệu hội nghị, hội thảo, nghiên cứu khoa học, giáo dục, thi đấu thể thao, biểu diễn văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, khám chữa bệnh, nghiên cứu và phát triển sản phẩm; phương tiện vận tải, công ten nơ và các thiết bị liên quan đến vận tải.

(5) Hàng hóa chỉ đơn thuần đi qua lãnh thổ Việt Nam với mục đích chuyển tải, quá cảnh.

(6) Các loại hàng hóa đặc thù gồm:

- Hàng hóa thuộc hợp đồng cho thuê hoạt động (máy bay, tàu thuyền, máy móc thiết bị): Không có sự chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa sau thời gian cho thuê;

- Hàng hóa của Chính phủ Việt Nam gửi với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế của Việt Nam ở nước ngoài;

- Vàng tiền tệ: Vàng thuộc giao dịch của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc các tổ chức được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ủy quyền xuất khẩu cho mục đích cân đối tiền tệ theo quy định của pháp luật;

- Tiền xu đang lưu hành, tiền giấy, tiền séc và chứng khoán đã phát hành trong khâu lưu thông;

- Hàng hóa với chức năng là phương tiện rỗng dùng để chứa hàng hóa:

Công-ten-nơ, các thùng, chai, lọ và các loại khác theo phương thức quay vòng chỉ nhằm mục đích vận chuyển hàng hóa;

- Các sản phẩm, nội dung truyền nhận theo phương thức điện tử (phần mềm, các sản phẩm âm thanh, hình ảnh, phim, sách điện tử và loại khác);

- Phương tiện trung gian dùng để chứa thông tin, hình ảnh, chứa phần mềm được sản xuất theo yêu cầu hoặc đơn đặt hàng riêng;

- Hàng hóa đưa ra lãnh thổ Việt Nam bất hợp pháp;

- Hàng hóa đưa ra khỏi lãnh thổ hải quan của Việt Nam với mục đích sửa chữa hoặc bảo trì nếu hoạt động đó không làm thay đổi xuất xứ của hàng hóa;

- Hàng hóa xuất khẩu là vũ khí, khí tài nhằm bảo vệ lợi ích, chủ quyền và an ninh quốc gia thuộc các danh mục bí mật của nhà nước;

- Chất thải, phế liệu không có trị giá thương mại.

c) Phương pháp tính

Thời điểm thống kê: Là thời điểm cơ quan Hải quan chấp nhận đăng ký tờ khai hải quan.

Những thay đổi trên tờ khai hải quan trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan sẽ được cập nhật vào hệ thống thông tin hải quan và được điều chỉnh trong các báo cáo thống kê.

Trị giá thống kê hàng hóa xuất khẩu: Là trị giá do cơ quan hải quan xây dựng phục vụ cho mục đích thống kê trên cơ sở trị giá khai báo và tuân theo các nguyên tắc sau:

- Là giá của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất, không bao gồm phí bảo hiểm quốc tế và phí vận tải quốc tế (trị giá tính theo điều kiện giao hàng FOB hoặc tương đương);

- Trong trường hợp trị giá thống kê của hàng hóa không xác định được theo điều kiện giao hàng FOB hoặc tương đương thì căn cứ vào hồ sơ hải quan và các nguồn thông tin khác để quy đổi.

Xác định trị giá thống kê trong những trường hợp đặc thù

- Trường hợp tờ khai hải quan đăng ký một lần nhưng xuất khẩu nhiều lần thì trị giá thống kê là trị giá thực tế của hàng hóa khi xuất khẩu;

- Tiền giấy, tiền kim loại và các giấy tờ có giá chưa phát hành, chưa đưa vào lưu thông: Trị giá thống kê là chi phí để sản xuất ra tiền giấy, tiền kim loại và các giấy tờ có giá (không phải là mệnh giá của tiền giấy, tiền kim loại hay các giấy tờ có giá này);

- Phương tiện trung gian dùng để chứa thông tin bao gồm: Băng từ, đĩa từ, CD-ROM, thẻ thông minh và các phương tiện trung gian khác đã hoặc chưa chứa thông tin, trừ loại được sản xuất theo yêu cầu hoặc đơn đặt hàng riêng: Thống kê theo trị giá hải quan toàn bộ của các hàng hóa này (không phải chỉ là trị giá của các phương tiện trung gian chưa có thông tin);

- Hàng hóa được phép ghi giá tạm tính khi đăng ký tờ khai hải quan thì trị giá thống kê phải được điều chỉnh khi có giá chính thức trên tờ khai sửa đổi, bổ sung;

- Hàng gia công, chế biến, lắp ráp: Tính trị giá toàn bộ hàng hóa nguyên liệu trước khi gia công, chế biến, lắp ráp và toàn bộ giá trị thành phẩm hoàn trả sau gia công, chế biến, lắp ráp;

- Các giao dịch không khai trị giá (ví dụ: Hàng đổi hàng, hàng viện trợ nhân đạo,...) thì trị giá của hàng hóa trong thống kê được tính theo nguyên tắc xác định trị giá hải quan;

- Hàng trả lại: Trị giá thống kê là trị giá hàng hóa được xác định theo trị giá của giao dịch xuất khẩu ban đầu.

- Điện năng xuất khẩu: Trị giá thống kê là trị giá khai trên tờ khai hải quan;

- Hàng hóa theo hợp đồng thuê tài chính: Tính trị giá của hàng hóa trên cơ sở giá bán của hàng hóa tương tự (loại trừ các dịch vụ cung cấp kèm theo hợp đồng cho thuê như chi phí đào tạo, bảo trì, phí tài chính);

- Hàng hóa kèm dịch vụ: Trị giá thống kê xác định theo giá FOB hoặc tương đương (đối với hàng xuất khẩu) của hàng hóa và loại trừ các phí dịch vụ;

Loại tiền và tỷ giá: Trị giá thống kê hàng hóa xuất khẩu tính bằng Đô la Mỹ (USD). Cơ quan hải quan căn cứ vào quy định hiện hành về tỷ giá tính thuế đối với hàng hóa xuất khẩu để quy đổi các ngoại tệ sử dụng trong thống kê.

Đơn vị tính lượng: Sử dụng đơn vị tính quy định trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam.

Đối với đơn vị tính lượng quy đổi sử dụng trong các mẫu biểu thống kê: Các đơn vị tính lượng khác nhau được quy đổi về đơn vị tính thống nhất trong mẫu biểu căn cứ vào các dữ liệu từ hồ sơ hải quan.

Nước, vùng lãnh thổ cuối cùng hàng đến: Là nước hoặc vùng lãnh thổ mà tại thời điểm xuất khẩu, người khai hải quan biết được hàng hóa của Việt Nam sẽ được chuyển đến để bốc dỡ, không tính nước mà hàng hóa trung chuyển, quá cảnh.

2. Phân tổ chủ yếu

a) Kỳ tháng phân tổ theo:

- Loại hình kinh tế;

- Nước/vùng lãnh thổ cuối cùng hàng đến;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

b) Kỳ quý, năm phân tổ theo:

- Loại hình kinh tế;

- Ngành kinh tế;

- Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam;

- Nước/vùng lãnh thổ cuối cùng hàng đến;

- Hàng tái xuất;

- Phương thức vận tải;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Tháng, quý, năm.

4. Nguồn số liệu

- Dữ liệu hành chính: Hồ sơ hải quan gồm: Tờ khai hải quan hoặc các chứng từ thay thế tờ khai hải quan; các chứng từ có liên quan như: Hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và các chứng từ liên quan khác;

- Báo cáo của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan;

- Các thông tin từ các hệ thống nghiệp vụ hải quan;

- Các thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, các hãng vận tải, hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức nước ngoài.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Bộ Tài chính;

- Phối hợp: Tổng cục Thống kê.

0503. Trị giá hàng hóa nhập khẩu

1. Khái niệm, phương pháp tính

a) Khái niệm

Hàng hóa nhập khẩu gồm toàn bộ hàng hóa đưa từ nước ngoài vào Việt Nam, làm tăng nguồn của cải, vật chất của đất nước. Trị giá nhập khẩu được tính theo điều kiện giao hàng CIF hoặc tương đương, là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, được tính cho một thời kỳ nhất định, tính theo một loại tiền thống nhất là Đô la Mỹ.

Hàng hóa nhập khẩu gồm toàn bộ hàng hóa có xuất xứ nước ngoài và hàng Việt Nam tái nhập khẩu, được đưa từ nước ngoài vào Việt Nam, trong đó:

- Hàng hóa có xuất xứ nước ngoài là hàng hóa được khai thác, sản xuất, chế biến ở nước ngoài theo các quy định về xuất xứ hàng hóa của Việt Nam;

- Hàng hóa tái nhập khẩu là hàng hóa của Việt Nam đã xuất khẩu và được thống kê vào hàng xuất khẩu trước, sau đó lại nhập khẩu nguyên trạng hoặc chỉ chế biến giản đơn, bảo quản, đóng gói lại, không làm thay đổi tính chất cơ bản của hàng hóa.

b) Phạm vi thống kê (thống nhất với hàng hóa xuất khẩu)

Hàng hóa được tính trong thống kê nhập khẩu gồm:

(1) Hàng hóa mua/bán theo các hợp đồng thương mại thông thường ký với nước ngoài;

(2) Hàng hóa thuộc loại hình hàng đổi hàng với nước ngoài, không sử dụng các hình thức thanh toán;

(3) Hàng hóa thuộc các hợp đồng gia công, lắp ráp ký với nước ngoài, có hoặc không thay đổi quyền sở hữu;

(4) Hàng hóa thuộc các giao dịch giữa doanh nghiệp mẹ với doanh nghiệp con, chi nhánh đầu tư trực tiếp ở nước ngoài, hàng hóa giao dịch giữa người mua và người bán có mối quan hệ đặc biệt;

(5) Hàng hóa tái nhập: Hàng hóa trong nước đã xuất khẩu và được thống kê vào xuất khẩu trước đó, sau đó lại nhập khẩu nguyên dạng hoặc chỉ sơ chế, bảo quản, đóng gói lại, không làm thay đổi tính chất cơ bản của hàng hóa, trừ hàng hóa tạm xuất khẩu phải chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan và phải tái nhập theo quy định của pháp luật;

(6) Hàng hóa nhập khẩu thuộc loại hình vay nợ, viện trợ chính phủ, phi chính phủ, các tổ chức quốc tế và các hình thức viện trợ nhân đạo khác;

(7) Hàng hóa thuộc hợp đồng thuê/cho thuê tài chính (máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải);

(8) Hàng hóa trả lại trong kinh doanh nhập khẩu;

(9) Hàng hóa tạm nhập có thời hạn để sử dụng tạm thời cho mục đích cụ thể nhưng sau đó được chuyển đổi loại hình hải quan để không thực hiện tái xuất;

(10) Hàng hóa mua/bán, trao đổi qua biên giới, không có hợp đồng thương mại;

(11) Các hàng hóa đặc thù:

- Vàng phi tiền tệ;

- Tiền giấy, chứng khoán chưa phát hành, tiền xu không hoặc chưa đưa vào lưu thông; các bộ sưu tập tiền xu hoặc tiền giấy;

- Phương tiện lưu giữ thông tin, hình ảnh;

- Hàng hóa gửi hoặc nhận qua đường bưu điện hoặc dịch vụ chuyển phát nhanh;

- Điện năng nhập khẩu;

- Hàng hóa nhập khẩu sử dụng phương thức thương mại điện tử;

- Hàng hóa, nhiên liệu mua để sử dụng trong hành trình giao thông quốc tế;

- Dầu thô và khoáng sản được khai thác trong khu vực thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hải phận quốc tế, vùng chồng lấn được bán với nước ngoài;

- Thiết bị giàn khoan do doanh nghiệp mua ngoài khơi, không thực hiện tờ khai hải quan;

- Máy bay, tàu thuyền và phương tiện vận tải khác thuộc các giao dịch không thực hiện tờ khai hải quan;

- Hàng hóa nhận được từ các tổ chức quốc tế (trừ hàng hóa nhận giữa các tổ chức quốc tế);

- Hàng hóa là tài sản di chuyển, hàng hóa là hành lý của người nhập cảnh phải khai theo quy định;

- Chất thải và phế liệu có giá trị thương mại.

- Vệ tinh trong trường hợp có thay đổi quyền sở hữu giữa các tổ chức, cá nhân trong nước với nước ngoài;

Hàng hóa không tính trong thống kê gồm:

(1) Hàng hóa nhập khẩu tại chỗ: Hàng hóa do thương nhân Việt Nam ký hợp đồng mua với thương nhân nước ngoài nhưng được nhận tại Việt Nam theo chỉ định của thương nhân nước ngoài.

(2) Hàng hóa do thương nhân Việt Nam mua của nước ngoài và bán thẳng cho nước thứ ba, hàng hóa không về Việt Nam hoặc có về Việt Nam nhưng không làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu thông thường tại Hải quan Việt Nam.

(3) Hàng hóa bán tại các cửa hàng miễn thuế (Duty Free Shop).

(4) Hàng hóa tạm xuất có thời hạn sau đó được tái nhập như: Hàng tham dự triển lãm, hội chợ, giới thiệu sản phẩm; tài liệu hội nghị, hội thảo, nghiên cứu khoa học, giáo dục, thi đấu thể thao, biểu diễn văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, khám chữa bệnh, nghiên cứu và phát triển sản phẩm; phương tiện vận tải, công ten nơ và các thiết bị liên quan đến vận tải.

(5) Hàng hóa chỉ đơn thuần đi qua lãnh thổ Việt Nam với mục đích chuyển tải, quá cảnh.

(6) Các loại hàng hóa đặc thù gồm:

- Hàng hóa thuộc hợp đồng đi thuê hoạt động (máy bay, tàu thuyền, máy móc thiết bị): Không có sự chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa sau thời gian thuê;

- Hàng hóa của Chính phủ Việt Nam nhận với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế của Việt Nam ở nước ngoài;

- Vàng tiền tệ: Vàng thuộc giao dịch của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc các tổ chức được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ủy quyền nhập khẩu cho mục đích cân đối tiền tệ theo quy định của pháp luật;

- Tiền xu đang lưu hành, tiền giấy, tiền séc và chứng khoán đã phát hành trong khâu lưu thông;

- Hàng hóa với chức năng là phương tiện rỗng dùng để chứa hàng hóa: Công-ten-nơ, các thùng, chai, lọ và các loại khác theo phương thức quay vòng chỉ nhằm mục đích vận chuyển hàng hóa;

- Các sản phẩm, nội dung truyền nhận theo phương thức điện tử (phần mềm, các sản phẩm âm thanh, hình ảnh, phim, sách điện tử và loại khác);

- Phương tiện trung gian dùng để chứa thông tin, hình ảnh, chứa phần mềm được sản xuất theo yêu cầu hoặc đơn đặt hàng riêng;

- Hàng hóa đưa ra lãnh thổ Việt Nam bất hợp pháp;

- Hàng hóa đưa vào lãnh thổ hải quan của Việt Nam với mục đích sửa chữa hoặc bảo trì nếu hoạt động đó không làm thay đổi xuất xứ của hàng hóa;

- Hàng hóa nhập khẩu là vũ khí, khí tài nhằm bảo vệ lợi ích, chủ quyền và an ninh quốc gia thuộc các danh mục bí mật của nhà nước;

- Chất thải, phế liệu không có trị giá thương mại.

c) Phương pháp tính

Thời điểm thống kê: Là thời điểm cơ quan Hải quan chấp nhận đăng ký tờ khai hải quan.

Những thay đổi trên tờ khai hải quan trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan sẽ được cập nhật vào hệ thống thông tin hải quan và được điều chỉnh trong các báo cáo thống kê.

Trị giá thống kê hàng hóa nhập khẩu: Là trị giá do cơ quan hải quan xây dựng phục vụ cho mục đích thống kê trên cơ sở trị giá khai báo và tuân theo các nguyên tắc sau:

- Là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên (trị giá tính theo điều kiện giao hàng CIF hoặc tương đương);

- Trong trường hợp trị giá thống kê của hàng hóa không xác định được theo điều kiện giao hàng CIF hoặc tương đương thì căn cứ vào hồ sơ hải quan và các nguồn thông tin khác để quy đổi.

Xác định trị giá thống kê trong những trường hợp đặc thù

- Trường hợp tờ khai hải quan đăng ký một lần nhưng nhập khẩu nhiều lần thì trị giá thống kê là trị giá thực tế của hàng hóa khi nhập khẩu;

- Tiền giấy, tiền kim loại và các giấy tờ có giá chưa phát hành, chưa đưa vào lưu thông;

- Phương tiện trung gian dùng để chứa thông tin bao gồm;

- Hàng hóa được phép ghi giá tạm tính khi đăng ký tờ khai hải quan thì trị giá thống kê phải được điều chỉnh khi có giá chính thức trên tờ khai sửa đổi, bổ sung;

- Hàng gia công, chế biến, lắp ráp;

- Các giao dịch không khai trị giá (ví dụ: Hàng đổi hàng, hàng viện trợ nhân đạo,...) thì trị giá của hàng hóa trong thống kê được tính theo nguyên tắc xác định trị giá hải quan;

- Hàng trả lại: Trị giá thống kê là trị giá hàng hóa được định giá theo trị giá của giao dịch nhập khẩu ban đầu;

- Điện năng nhập khẩu: Trị giá thống kê là trị giá khai trên tờ khai hải quan;

- Hàng hóa theo hợp đồng thuê tài chính;

- Hàng hóa kèm dịch vụ: Trị giá thống kê xác định theo giá CIF hoặc tương đương của hàng hóa và loại trừ các phí dịch vụ;

Loại tiền và tỷ giá: Trị giá thống kê hàng hóa nhập khẩu tính bằng Đô la Mỹ (USD). Cơ quan hải quan căn cứ vào quy định hiện hành về tỷ giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để quy đổi các ngoại tệ sử dụng trong thống kê.

Đơn vị tính lượng: Sử dụng đơn vị tính quy định trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam.

Đối với đơn vị tính lượng quy đổi sử dụng trong các mẫu biểu thống kê: Các đơn vị tính lượng khác nhau được quy đổi về đơn vị tính thống nhất trong mẫu biểu căn cứ vào các dữ liệu từ hồ sơ hải quan.

Nước đối tác thương mại:

Nước, vùng lãnh thổ xuất xứ: Là nước hoặc vùng lãnh thổ mà tại đó hàng hóa được nuôi trồng, khai thác, sản xuất hoặc chế biến, theo các quy định về xuất xứ hàng hóa của Việt Nam.

2. Phân tổ chủ yếu

a) Kỳ tháng phân tổ theo:

- Loại hình kinh tế;

- Nước/vùng lãnh thổ xuất xứ;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

b) Kỳ quý, năm phân tổ theo:

- Loại hình kinh tế;

- Ngành kinh tế;

- Danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam;

- Nước/vùng lãnh thổ xuất xứ;

- Hàng tái nhập;

- Phương thức vận tải;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Tháng, quý, năm.

4. Nguồn số liệu

- Dữ liệu hành chính: Hồ sơ hải quan gồm: Tờ khai hải quan hoặc các chứng từ thay thế tờ khai hải quan; các chứng từ có liên quan như: Hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và các chứng từ liên quan khác;

- Báo cáo của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan;

- Các thông tin từ các hệ thống nghiệp vụ hải quan;

- Các thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, các hãng vận tải, hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức nước ngoài.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Bộ Tài chính;

- Phối hợp: Tổng cục Thống kê.

0504. Mặt hàng xuất khẩu

1. Khái niệm, phương pháp tính

Mặt hàng xuất khẩu gồm các hàng hóa thuộc phạm vi thống kê, tương ứng với quy định về chỉ tiêu “Trị giá hàng hóa xuất khẩu - mã số 0502 trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê này”, được tính theo mặt hàng chủ yếu và các phân loại hàng hóa khác nhau.

2. Phân tổ chủ yếu

- Nước/vùng lãnh thổ cuối cùng hàng đến;

- Hàng trong nước/hàng tái xuất;

- Mặt hàng chủ yếu;

- Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam;

- Loại hình kinh tế;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Tháng, quý, năm. (Đối với phân tổ “Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam” chỉ phân tổ theo kỳ: Quý, năm).

4. Nguồn số liệu

- Dữ liệu hành chính: Hồ sơ hải quan gồm: Tờ khai hải quan hoặc các chứng từ thay thế tờ khai hải quan; các chứng từ có liên quan như: Hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và các chứng từ liên quan khác;

- Báo cáo của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan;

- Các thông tin từ các hệ thống nghiệp vụ hải quan;

- Các thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, các hãng vận tải, hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức nước ngoài.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Bộ Tài chính;

- Phối hợp: Tổng cục Thống kê.

0505. Mặt hàng nhập khẩu

1. Khái niệm, phương pháp tính

Mặt hàng nhập khẩu gồm các hàng hóa thuộc phạm vi thống kê, tương ứng với quy định về chỉ tiêu “Trị giá hàng hóa nhập khẩu - mã số 0503 trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê này”, được tính theo mặt hàng chủ yếu và các phân loại hàng hóa khác nhau.

2. Phân tổ chủ yếu

- Mặt hàng chủ yếu;

- Nước/vùng lãnh thổ xuất xứ;

- Hàng tái nhập;

- Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam;

- Loại hình kinh tế;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Dữ liệu hành chính: Hồ sơ hải quan gồm: Tờ khai hải quan hoặc các chứng từ thay thế tờ khai hải quan; các chứng từ có liên quan như: Hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và các chứng từ liên quan khác;

- Báo cáo của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan;

- Các thông tin từ các hệ thống nghiệp vụ hải quan;

- Các thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, các hãng vận tải, hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức nước ngoài.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Bộ Tài chính;

- Phối hợp: Tổng cục Thống kê.

0506. Cán cân thương mại hàng hóa

1. Khái niệm, phương pháp tính

Cán cân thương mại hàng hóa là mức chênh lệch giữa trị giá hàng hóa xuất khẩu và trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam với các nước trong một thời kỳ nhất định. Trong cán cân thương mại hàng hóa, trị giá xuất khẩu được tính theo giá FOB, trị giá nhập khẩu được tính theo giá CIF.

Khi trị giá xuất khẩu lớn hơn trị giá nhập khẩu thì cán cân thương mại mang dấu dương (+) hay còn gọi là xuất siêu; khi trị giá nhập khẩu lớn hơn trị giá xuất khẩu thì cán cân thương mại mang dấu âm (-) hay còn gọi là nhập siêu.

2. Phân tổ chủ yếu

- Châu lục: Phân tổ theo khu vực địa lý;

- Khối nước: Gồm các khối EU, ASEAN, OPEC, APEC;

- Nước/vùng lãnh thổ.

3. Kỳ công bố: Tháng, quý, năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Tổng cục Thống kê;

- Phối hợp: Bộ Tài chính.

0507. Trị giá dịch vụ xuất khẩu

1. Khái niệm, phương pháp tính

Trị giá dịch vụ xuất khẩu là tổng trị giá các khoản thu về dịch vụ do người (đơn vị) thường trú Việt Nam cung cấp cho người (đơn vị) không thường trú, tương ứng với sản lượng dịch vụ đã cung cấp.

Loại dịch vụ gồm 12 loại theo Danh mục dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam dựa vào Phân loại dịch vụ mở rộng trong cán cân thanh toán quốc tế:

- Dịch vụ gia công hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

- Dịch vụ bảo dưỡng, bảo trì và sửa chữa chưa được chi tiết ở nơi khác;

- Dịch vụ vận tải;

- Dịch vụ du lịch và dịch vụ đi lại khác;

- Dịch vụ xây dựng;

- Dịch vụ bảo hiểm và hưu trí;

- Dịch vụ tài chính;

- Phí sử dụng quyền sở hữu trí tuệ;

- Dịch vụ máy tính, thông tin và viễn thông;

- Dịch vụ kinh doanh khác;

- Dịch vụ cá nhân, văn hóa và giải trí;

- Hàng hóa, dịch vụ chính phủ chưa phân loại ở nơi khác.

Trong đó có 02 dịch vụ liên quan đến logistics là:

- Dịch vụ gia công hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

- Dịch vụ vận tải.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại dịch vụ;

- Nước/vùng lãnh thổ chủ yếu.

3. Kỳ công bố: Quý, năm.

4. Nguồn số liệu

- Điều tra xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ;

- Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Tổng cục Thống kê;

- Phối hợp: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ, ngành có quản lý dịch vụ.

0508. Trị giá dịch vụ nhập khẩu

1. Khái niệm, phương pháp tính

Trị giá dịch vụ nhập khẩu là tổng trị giá các khoản chi về dịch vụ do người thường trú của Việt Nam trả cho người không thường trú, tương ứng với sản lượng dịch vụ đã tiêu dùng.

Loại dịch vụ gồm 12 loại theo Danh mục dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam dựa vào Phân loại dịch vụ mở rộng trong cán cân thanh toán quốc tế; trong đó có các dịch vụ liên quan đến logistics là:

- Dịch vụ gia công hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

- Dịch vụ vận tải.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại dịch vụ;

- Nước/vùng lãnh thổ chủ yếu.

3. Kỳ công bố: Quý, năm.

4. Nguồn số liệu

- Điều tra xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ;

- Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Tổng cục Thống kê;

- Phối hợp: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ, ngành có quản lý dịch vụ.

0509. Cán cân thương mại dịch vụ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Cán cân thương mại dịch vụ là mức chênh lệch giữa trị giá dịch vụ xuất khẩu và trị giá dịch vụ nhập khẩu của Việt Nam với các nước trong một thời kỳ nhất định.

- Xuất siêu dịch vụ phản ánh tình trạng cân đối thương mại dịch vụ khi tổng giá trị xuất khẩu dịch vụ lớn hơn tổng giá trị nhập khẩu dịch vụ của đất nước trong một thời kỳ nhất định.

- Nhập siêu dịch vụ phản ánh tình trạng cân đối thương mại dịch vụ khi tổng giá trị nhập khẩu dịch vụ lớn hơn tổng giá trị xuất khẩu dịch vụ của đất nước trong một thời kỳ nhất định.

2. Phân tổ chủ yếu: Nước/vùng lãnh thổ chủ yếu.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Điều tra xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ;

- Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Tổng cục Thống kê.

0510. Doanh thu vận tải hàng hóa, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng hóa

1. Khái niệm, phương pháp tính

- Doanh thu vận tải hàng hóa là số tiền thu được sau khi thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa trong nước và ngoài nước cho bằng các phương tiện vận chuyển đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường ống, đường hàng không;

- Doanh thu dịch vụ hỗ trợ cho vận tải hàng hóa là số tiền thu được do thực hiện các hoạt động dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng hóa gồm doanh thu do thực hiện các hoạt động cho thuê các loại kho, bãi để lưu giữ, bảo quản hàng hóa.

Phương pháp tính:

Doanh thu vận tải hàng hóa, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng hóa

=

Doanh thu vận tải hàng hóa

+

Doanh thu dịch vụ hỗ trợ cho vận tải hàng hóa (bốc xếp, kho bãi, DV vận tải khác)

Trong đó:

- Doanh thu vận tải hàng hóa được tính bằng số hàng hóa thực tế vận chuyển được (kể cả bao bì nếu có) nhân với đơn giá cước bình quân thực tế (theo chế độ quy định của nhà nước hoặc theo thỏa thuận của chủ hàng và chủ phương tiện).

- Doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng hóa:

+ Doanh thu bốc xếp hàng hóa: bằng khối lượng hàng hóa bốc xếp thực tế từ phương tiện ra khỏi phương tiện (hoặc ngược lại từ ngoài lên phương tiện) nhân với đơn giá cước bình quân thực tế (theo chế độ quy định của nhà nước hoặc theo thỏa thuận của chủ hàng với người bốc xếp).

+ Doanh thu kinh doanh kho bãi được tính bằng số tiền đã hoặc sẽ thu được do cho thuê kho, bãi để bảo quản, lưu giữ hàng hóa.

2. Phân tổ chủ yếu

- Ngành đường (vận tải hành khách, hàng hóa (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không)/bốc xếp/kho bãi);

- Loại hình kinh tế;

- Vùng;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng điều tra kinh tế;

- Điều tra doanh nghiệp;

- Điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Tổng cục Thống kê.

0511. Doanh thu dịch vụ bưu chính

1. Khái niệm, phương pháp tính

Doanh thu dịch vụ bưu chính là tổng số tiền đã và sẽ thu về do việc cung cấp dịch vụ bưu chính trong nước và quốc tế cho khách hàng của các doanh nghiệp bưu chính trong kỳ báo cáo.

Dịch vụ bưu chính gồm dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát (trong nước và quốc tế) thư, gói, kiện bằng các phương thức, từ địa điểm của người gửi đến địa điểm của người nhận (không gồm dịch vụ chuyển tiền bưu điện, tiết kiệm bưu điện).

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình kinh tế;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Điều tra hoạt động cung cấp dịch vụ thông tin và truyền thông;

- Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Bộ Thông tin và Truyền thông;

- Phối hợp: Tổng cục Thống kê.

0512. Sản lượng dịch vụ bưu chính

1. Khái niệm, phương pháp tính

Sản lượng dịch vụ bưu chính gồm sản lượng dịch vụ thư và dịch vụ kiện, gói hàng hóa do các doanh nghiệp bưu chính thực hiện trong kỳ báo cáo. Trong đó:

- Sản lượng dịch vụ thư và số lượng thư có địa chỉ nhận, không địa chỉ nhận (thư truyền thông, thư quảng cáo) được chấp nhận, vận chuyển và phát trong nước, quốc tế.

- Sản lượng dịch vụ gói, kiện hàng hóa là số lượng gói, kiện hàng hóa được chấp nhận, vận chuyển và phát trong nước, quốc tế.

2. Phân tổ chủ yếu: Loại sản phẩm chủ yếu.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Điều tra hoạt động cung cấp dịch vụ thông tin và truyền thông;

- Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Bộ Thông tin và Truyền thông;

- Phối hợp: Tổng cục Thống kê.

0513. Doanh thu dịch vụ logistics khác

1. Khái niệm, phương pháp tính

Doanh thu hoạt động dịch vụ logistics khác gồm số tiền đã thu và sẽ thu từ cung cấp các dịch vụ logistics khác như:

- Doanh thu dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật (ngành VSIC71200) là toàn bộ số tiền đã thu và phải thu từ cung cấp dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật cho khách hàng.

- Doanh thu dịch vụ đóng gói (ngành VSIC82920) là toàn bộ số tiền đã thu và phải thu từ cung cấp dịch vụ đóng gói cho khách hàng.

2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng điều tra kinh tế;

- Điều tra doanh nghiệp;

- Điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Tổng cục Thống kê;

- Phối hợp: Bộ, ngành có quản lý dịch vụ.

06. Ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục hành chính

0601. Tỷ lệ hàng hóa xuất/nhập khẩu phải kiểm tra trực tiếp

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ lệ hàng hóa xuất/nhập khẩu phải kiểm tra trực tiếp là số lượng hàng hóa xuất/nhập khẩu phải kiểm tra trực tiếp so với tổng số hàng hóa xuất/nhập khẩu.

Việc kiểm tra được thực hiện dựa trên Căn cứ quy định tại Điều 29 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/04/2018 của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập, tái xuất).

2. Phân tổ chủ yếu: Xuất khẩu/nhập khẩu.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Dữ liệu hành chính.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan).

0602. Tỷ lệ thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất/nhập khẩu đã được xử lý trực tuyến

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ lệ thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất/nhập khẩu đã được xử lý trực tuyến là số lượng các thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất/nhập khẩu đã được xử lý trực tuyến so với tổng số thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu của tất cả các Bộ, ngành.

2. Kỳ công bố: Năm.

3. Nguồn số liệu

- Dữ liệu hành chính;

- Điều tra thống kê.

4. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan).

- Phối hợp: Bộ, ngành liên quan.

0603. Số lượng thủ tục triển khai trên cơ chế một cửa quốc gia

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số lượng thủ tục triển khai trên cơ chế một cửa quốc gia là số lượng thủ tục triển khai trên cơ chế một cửa quốc gia của tất cả các Bộ, ngành, bao gồm cả thủ tục xuất khẩu và thủ tục nhập khẩu cùng các thủ tục khác.

2. Phân tổ chủ yếu: Loại thủ tục.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Dữ liệu hành chính.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan).

- Phối hợp: Bộ, ngành liên quan.

07. Thời gian, chi phí logistics

0701. Thời gian trung bình thực hiện thủ tục thông quan hàng xuất nhập khẩu

1. Khái niệm, phương pháp tính

Thời gian trung bình thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa xuất/nhập khẩu là thời gian trung bình tính từ thời điểm cơ quan hải quan tiếp nhận và đăng ký hồ sơ hải quan đến khi cơ quan hải quan ra quyết định thông quan/giải phóng hàng/mang hàng về bảo quản.

Thời gian từ khi cơ quan hải quan ra quyết định thông quan/giải phóng hàng đến khi hàng hóa được đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan không được tính vào thời gian tác nghiệp của cơ quan hải quan và thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu; doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng, do đó không tính vào thời gian thông quan.

2. Phân tổ chủ yếu: Xuất khẩu/nhập khẩu.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Dữ liệu hành chính.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan).

0702. Thời gian trung bình thực hiện đơn hàng

1. Khái niệm, phương pháp tính

Thời gian trung bình thực hiện đơn hàng được định nghĩa là khoảng thời gian từ khi khách hàng gửi đơn đặt hàng và cung cấp đầy đủ chứng từ hợp lệ đến khi khách hàng nhận được hàng hóa. Các yếu tố của thời gian đặt hàng bao gồm thời gian đặt hàng, thời gian tập hợp và xử lý đơn đặt hàng, thời gian bổ sung dự trữ, thời gian sản xuất và thời gian giao hàng. Những khoảng thời gian này có thể được kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua việc lựa chọn và thiết kế cách thức chuyển đơn đặt hàng, chính sách dự trữ, thủ tục xử lý đơn đặt hàng, phương thức vận chuyển, phương pháp lập kế hoạch.

2. Phân tổ chủ yếu

- Nhóm ngành sản phẩm;

- Nội địa/quốc tế.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Điều tra thống kê ngành giao thông vận tải.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giao thông vận tải.

0703. Chi phí logistics so với tổng sản phẩm trong nước

1. Khái niệm, phương pháp tính

Chi phí logistics bao gồm chi phí liên quan đến dịch vụ vận chuyển hàng hóa, bốc xếp, làm thủ tục thông quan, đóng gói, quét mã vạch, quản lý kho hàng, phân phối sản phẩm, quản lý tồn kho, xúc tiến bán hàng...

Chi phí logistics so với tổng sản phẩm trong nước cho biết để tạo ra một đồng tổng sản phẩm trong nước thì cần sử dụng bao nhiêu đồng chi phí logistics.

Công thức tính:

Chi phí logistics so với tổng sản phẩm trong nước

=

Chi phí logistics

x

100

Tổng sản phẩm trong nước

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình kinh tế;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng điều tra kinh tế;

- Điều tra doanh nghiệp;

- Điều tra sản xuất kinh doanh cá thể;

- Chế độ báo cáo thống kê.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Tổng cục Thống kê;

- Phối hợp: Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải.

0704. Tỷ lệ chi phí logistics trên doanh thu của doanh nghiệp

1. Khái niệm, phương pháp tính

Chi phí logistics bao gồm chi phí liên quan đến dịch vụ vận chuyển hàng hóa, bốc xếp, làm thủ tục thông quan, đóng gói, quét mã vạch, quản lý kho hàng, phân phối sản phẩm, quản lý tồn kho, xúc tiến bán hàng...

Tỷ lệ chi phí logistics trên doanh thu của doanh nghiệp là chi phí logistics mà doanh nghiệp bỏ ra so với doanh thu của doanh nghiệp.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại chi phí;

- Ngành kinh tế;

- Vùng;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng Điều tra kinh tế;

- Điều tra doanh nghiệp.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Tổng cục Thống kê.

0705. Tỷ lệ chi phí vận tải trên tổng chi phí logistics

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ lệ chi phí vận tải trên tổng chi phí logistics là tỷ lệ phần trăm giữa chi phí vận tải trên tổng chi phí logistics của doanh nghiệp.

2. Phân tổ chủ yếu

- Ngành kinh tế;

- Vùng;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng điều tra kinh tế;

- Điều tra doanh nghiệp.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Tổng cục Thống kê.

08. Năng lực và chất lượng dịch vụ logistics

0801. Khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển

1. Khái niệm, phương pháp tính

a) Khối lượng hàng hóa vận chuyển

Khối lượng hàng hóa vận chuyển là khối lượng hàng hóa đã được vận chuyển trong kỳ, không phân biệt độ dài quãng đường vận chuyển. Đơn vị tính khối lượng hàng hóa vận chuyển là tấn (T), vận tải đường ống là mét khối (m3), nhưng quy đổi ra tấn để cộng chung khi tính tổng khối lượng vận chuyển.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển được tính theo trọng lượng thực tế của hàng hóa vận chuyển (kể cả bao bì nếu có). Khối lượng hàng hóa vận chuyển chỉ được tính sau khi kết thúc quá trình vận chuyển, đã vận chuyển đến nơi giao nhận theo quy định trong hợp đồng vận chuyển và làm xong thủ tục giao nhận. Đối với hàng hóa cồng kềnh vận chuyển bằng ô tô, trong điều kiện không thể cân đo trực tiếp được khối lượng thì quy ước tính bằng 50% tấn trọng tải phương tiện hoặc tính theo thỏa thuận giữa chủ phương tiện và chủ hàng để tính khối lượng hàng hóa thực tế.

b) Khối lượng hàng hóa luân chuyển

Khối lượng hàng hóa luân chuyển là khối lượng hàng hóa được vận chuyển tính theo chiều dài của quãng đường vận chuyển.

Công thức tính:

Khối lượng hàng hóa luân chuyển (T.Km)

=

Khối lượng hàng hóa vận chuyển (T)

x

Quãng đường vận chuyển (Km)

2. Phân tổ chủ yếu

- Ngành vận tải (đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không);

- Loại hình kinh tế;

- Trong nước/ngoài nước;

- Vùng;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Quý, năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng điều tra kinh tế;

- Điều tra doanh nghiệp;

- Điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể;

- Điều tra hoạt động vận tải, kho bãi.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Tổng cục Thống kê.

0802. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng

1. Khái niệm, phương pháp tính

Khối lượng hàng hóa thông qua cảng là khối lượng hàng hóa thực tế xuất hoặc nhập cảng trong kỳ gồm:

Khối lượng hàng hóa xuất cảng là số tấn hàng hóa thực tế được các cảng xếp lên phương tiện vận tải đường biển, đường thủy nội địa và hàng không đã rời đến các cảng khác.

Khối lượng hàng hóa nhập cảng là số tấn hàng hóa thực tế do phương tiện đường biển, đường thủy nội địa và hàng không vận chuyển từ các cảng khác tới cập cảng đã được bốc dỡ ra khỏi phương tiện đó.

Khối lượng hàng hóa thông qua cảng gồm hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu, hàng xuất nội, hàng nhập nội, hàng nước ngoài quá cảnh; không gồm hàng do cảng bốc xếp nhưng ở ngoài phạm vi cảng, lượng chất lỏng qua cảng phục vụ tàu thuyền như: nước ngọt, nhiên liệu và lượng hàng tổn thất trong quá trình bốc xếp tại cảng.

2. Phân tổ chủ yếu

- Cảng biển/cảng thủy nội địa/cảng hàng không;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Quý, năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Giao thông vận tải.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giao thông vận tải.

0803. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của dịch vụ logistics trong tổng sản phẩm trong nước

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ trọng giá trị tăng thêm của dịch vụ logistics trong tổng sản phẩm trong nước là tỷ lệ phần trăm giá trị tăng thêm được tạo ra của dịch vụ logistics so với tổng sản phẩm trong nước trong thời kỳ nhất định.

Công thức tính:

Ilogistics

=

VAlogistics

x

100

GDP

Trong đó:

Ilogistics: Tỷ trọng giá trị tăng thêm của dịch vụ logistics trong tổng sản phẩm trong nước.

VAlogistics: Giá trị tăng thêm của dịch vụ logistics.

GDP: Tổng sản phẩm trong nước của toàn bộ nền kinh tế.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình kinh tế;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng điều tra kinh tế;

- Điều tra doanh nghiệp;

- Điều tra sản xuất kinh doanh cá thể;

- Chế độ báo cáo thống kê.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Tổng cục Thống kê;

- Phối hợp: Bộ Công thương; Bộ Giao thông vận tải.

0804. Số tuyến bay, chiều dài đường bay

1. Khái niệm, phương pháp tính

- Số tuyến bay là số đường bay vận chuyển hàng hóa, hành khách có tính chất thường xuyên trong một thời kỳ nhất định; được tính từ điểm đầu (nơi xuất phát) đến điểm cuối (nơi kết thúc) của mạng lưới giao thông hàng không.

- Chiều dài đường bay là chỉ tiêu phản ánh chiều dài của một hoặc một số chặng bay liên tiếp (được tính bằng km) từ sân bay đầu tiên lấy khách, hàng hóa, hành lý đến sân bay cuối cùng trả khách, hàng hóa, hành lý và ngược lại, bao gồm cả đường bay tam giác.

2. Phân tổ chủ yếu: Nội địa/quốc tế.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Giao thông vận tải.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giao thông vận tải.

0805. Số chuyến bay chậm chuyến, hủy chuyến

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số chuyến bay chậm chuyến, hủy chuyến là số lượng chuyến bay khởi hành chậm hoặc hủy chuyến từ các cảng hàng không của Việt Nam đến các cảng hàng không khác. Khái niệm về chuyến bay bị chậm, hủy chuyến theo quy định hiện hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Phân tổ chủ yếu: Nội địa/quốc tế.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Giao thông vận tải.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giao thông vận tải.

0806. Tỷ lệ giao hàng đầy đủ và đúng hạn

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ lệ giao hàng đầy đủ là tỷ lệ hàng hóa được giao đầy đủ cho khách hàng trên tổng khối lượng số hàng hóa theo đơn hàng của khách hàng.

Tỷ lệ giao hàng đúng hạn là tỷ lệ hàng hóa được giao đúng hạn cho khách hàng trên tổng lượng hàng hóa được vận chuyển đầy đủ cho khách hàng.

Tỷ lệ giao hàng đầy đủ và đúng hạn là hiệu quả của hoạt động logistics trong việc đáp ứng yêu cầu của khách hàng, được tính bằng tổng số hàng hóa được vận chuyển đầy đủ và đúng hạn cho khách hàng so với tổng khối lượng hàng hóa được giao cho khách hàng.

2. Phân tổ chủ yếu

- Giao hàng đầy đủ/giao hàng đúng hạn/giao hàng đầy đủ và đúng hạn;

- Cơ sở cá thể, doanh nghiệp (sản xuất/bán buôn/bán lẻ);

- Loại hình kinh tế;

- Vùng;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Điều tra thống kê ngành giao thông vận tải.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giao thông vận tải.

0807. Tỷ lệ hàng hóa hư hỏng trong quá trình vận chuyển

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ lệ hàng hóa hư hỏng trong quá trình vận chuyển được tính bằng số chuyến hàng có hàng hóa hư hỏng trong quá trình vận chuyển trên tổng số chuyến hàng được vận chuyển đến khách hàng.

2. Phân tổ chủ yếu

- Cơ sở cá thể, doanh nghiệp (sản xuất/bán buôn/bán lẻ);

- Loại hình kinh tế;

- Vùng;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Điều tra thống kê ngành giao thông vận tải.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giao thông vận tải.

0808. Tỷ lệ hàng hóa bị khiếu nại

1. Khái niệm, phương pháp tính

Hàng hóa bị khiếu nại là hàng hóa đến muộn, hàng không đến, hàng bị hỏng, vỡ,... do lỗi của hoạt động logistics.

Tỷ lệ hàng hóa bị khiếu nại được tính bằng số chuyến hàng có hàng hóa bị khiếu nại do lỗi của hoạt động logistics trên tổng số chuyến hàng được vận chuyển đến khách hàng.

2. Phân tổ chủ yếu

- Cơ sở cá thể, doanh nghiệp (sản xuất/bán buôn/bán lẻ);

- Loại hình kinh tế;

- Vùng;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Điều tra thống kê ngành giao thông vận tải.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giao thông vận tải.

0809. Tỷ lệ hàng hóa bị trả về

1. Khái niệm, phương pháp tính

Hàng hóa bị trả về là lượng hàng hóa bị khách hàng không chấp nhận và trả lại người bán do lỗi của hoạt động logistics.

Tỷ lệ hàng hóa bị trả về được tính bằng khối lượng hàng hóa bị trả về do lỗi của hoạt động logistics trên tổng khối lượng hàng hóa được vận chuyển đến khách hàng.

2. Phân tổ chủ yếu

- Cơ sở cá thể, doanh nghiệp (sản xuất/bán buôn/bán lẻ);

- Ngành kinh tế;

- Vùng;

- Tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Điều tra thống kê ngành giao thông vận tải.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Giao thông vận tải.

0810. Chỉ số hiệu quả Logistics (LPI)

1. Khái niệm, phương pháp tính

Logistics là một mạng lưới các dịch vụ hỗ trợ việc chuyển dịch hàng hóa, thương mại qua biên giới và thương mại nội địa, vì vậy Chỉ số LPI gồm hai chỉ số thành phần là LPI quốc tế và LPI trong nước.

Chỉ số LPI quốc tế được đánh giá trên 6 tiêu chí, bao gồm:

- Hạ tầng: Chất lượng của cơ sở hạ tầng liên quan đến thương mại và vận tải (cơ sở hạ tầng về cảng biển, sân bay, đường sắt, đường bộ, đường biển, hàng không, phương tiện chuyển tải, kho bãi, hạ tầng công nghệ thông tin và các dịch vụ IT);

- Vận tải quốc tế: Mức độ dễ dàng khi thu xếp vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu với giá cả cạnh tranh, liên quan đến các chi phí như phí đại lý, phí cảng, phí cầu đường, phí lưu kho bãi...;

- Năng lực, chất lượng dịch vụ logistics: Năng lực và chất lượng của các nhà cung cấp dịch vụ logistics, ví dụ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và vận tải đa phương thức; doanh nghiệp kho bãi và phân phối; đại lý giao nhận; cơ quan hải quan; cơ quan kiểm tra chuyên ngành; cơ quan kiểm dịch; đại lý hải quan; các hiệp hội liên quan đến thương mại và vận tải; người giao và người nhận hàng;

- Khả năng theo dõi và truy xuất: Khả năng theo dõi và truy xuất các lô hàng;

- Thời gian giao hàng: việc giao hàng đúng lịch khi tới đích so với thời hạn đã định: các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu làm thủ tục thông quan và giao đúng thời hạn.

- Thông quan: Hiệu quả của các cơ quan kiểm soát tại biên giới, ví dụ như tốc độ, tính đơn giản, và khả năng dự đoán trước của các thủ tục khi thông quan.

Sáu tiêu chí của LPI quốc tế có thể được phân làm 02 nhóm chính:

Đầu vào chính của chuỗi cung ứng: các tiêu chí liên quan đến cơ chế, chính sách (Thông quan, Hạ tầng và Năng lực dịch vụ) Đầu ra của chuỗi cung ứng : các chỉ số về Thời gian, Chi phí và Mức độ tin cậy (tương ứng với các tiêu chí Thời gian, Giao hàng và truy xuất) LPI sử dụng kỹ thuật thống kê chuẩn để tổng hợp tất cả dữ liệu của các tiểu chỉ số thành phần vào một chỉ số duy nhất (phương pháp cụ thể sẽ được giới thiệu ở phần sau của tài liệu). Chỉ số này sẽ được sử dụng để so sánh giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ và giữa các nhóm nước có thu nhập khác nhau.

Đối với LPI trong nước gồm 4 tiêu chí:

- Hạ tầng: Chất lượng của cơ sở hạ tầng liên quan đến thương mại và vận tải (cơ sở hạ tầng về cầu cảng, sân bay, đường sắt, đường bộ, đường biển, hàng không, phương tiện chuyển tải, lưu kho, lưu bãi, hạ tầng công nghệ thông tin và các dịch vụ IT);

- Dịch vụ: Năng lực, mức độ phát triển của dịch vụ logistics;

- Thủ tục và thời gian làm thủ tục tại biên giới: Thủ tục hải quan và kiểm tra chuyên ngành;

- Độ tin cậy của chuỗi cung ứng: Khả năng đáp ứng của các nhà cung cấp dịch vụ logistics trong nước.

2. Phân tổ: Nội địa/quốc tế.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Điều tra thống kê;

- Chế độ báo cáo thống kê.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Tổng cục Thống kê;

- Phối hợp: Bộ Công thương.

MINISTRY OF PLANNING AND INVESTMENT OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom – Happiness
---------------

No. 12/2021/TT-BKHDT

Hanoi, December 31, 2021

 

CIRCULAR

ON Logistics Statistics Index System

Pursuant to the Law on Statistics dated November 23, 2015 and the Law on amendments to certain Articles and Appendix on the List of national statistical indexes of the Statistics Law dated November 12, 2021; 

Pursuant to the Law on Commercial dated June 14, 2005;

Pursuant to Decree No. 94/2016/ND-CP dated January 01, 2016 of the Government of Vietnam providing detailed regulations and implementation guidance of certain Articles of the Law on Statistics;

Pursuant to Decree No. 163/2017/ND-CP dated December 30, 2017 of the Government on logistics business services;

Pursuant to Decree No. 86/2017/ND-CP dated July 25, 2017 of the Government of Vietnam on function, tasks, powers and organizational structures of the Ministry of Planning and Investment of Vietnam;

At the request of the Director General of the General Statistics Office of Vietnam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 1. Scope

This Circular provides for the Logistics statistics index system of Vietnam.

The Logistics statistics index system is a collection of statistical indexes reflecting characteristics of logistics operations, logistics costs in the national economy and logistics services provided in Vietnam’s territory. 

The logistics services mean commercial operations of which traders perform one or multiple tasks including receipt, transfer, storage of goods, preparation of customs procedures, other procedures related to documents, client consultation, packaging, marking, delivery thereof  or other services related to goods as agreed with the clients for remuneration.

Article 2. Regulated entities

This Circular is applicable to agencies, organizations and individuals providing information, performing statistical operations and using logistics statistics information.

Article 3. Logistics statistics index system

The Logistics statistics index system includes:

1. The list of logistics statistics indexes prescribed in Appendix I issued hereto;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 4. Organizing implementation

1. The Ministry of Planning and Investment (General Statistics Office of Vietnam) shall take charge and cooperate with relevant agencies in:

a) collecting and consolidating statistical information on logistics statistics indexes that it is assigned; ensuring provision of statistical data in an accurate, adequate and prompt manner and in a manner of meeting international comparison requirements;

b) developing and completing methods for collecting information about logistics statistics indexes;

c) consolidating statistics information under the Logistics statistics index system; monitoring, instructing and inform the implementation of this Circular.

2. Ministers, Heads of ministerial agencies, Heads of governmental agencies and Heads of relative agencies, under their tasks and powers, on the basis of the Logistics statistics index system, shall integrate, collect and consolidate assigned indexes, and provide them to the Ministry of Planning and Investment (General Statistics Office of Vietnam) for consolidation and compilation.

Article 5. Effect

1. This Circular comes into force from March 01, 2022.

2. Difficulties that arise during the period of implementation of this Circular should be reported to the Ministry of Planning and Investment (General Statistics Office of Vietnam) for further instructions./.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

MINISTER




Nguyen Chi Dung

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 12/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021 về Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


10.445

DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.98.111
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!