ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
35/2022/QĐ-UBND
|
Hà
Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ LẬP, ĐỀ XUẤT, PHÊ DUYỆT DANH MỤC VÀ BỐ TRÍ KINH
PHÍ BẢO DƯỠNG, SỬA CHỮA, NÂNG CẤP, CẢI TẠO, MỞ RỘNG, XÂY DỰNG MỚI HẠNG MỤC CÔNG
TRÌNH TÀI SẢN CÔNG SỬ DỤNG NGUỒN KINH PHÍ CHI THƯỜNG XUYÊN CỦA NGÂN SÁCH THÀNH
PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa
phương ngày 16/9/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22/6/2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18/6/2020;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày
18/6/2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17/6/2020;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước
ngày 25/6/2015;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản
công ngày 21/6/2017;
Căn cứ Nghị quyết số 115/2020/QH14
ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính -
ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP
ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 151/2017/NĐ-CP
ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử
dụng tài sản công;
Căn cứ Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày
03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu
tư xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 65/2021/TT-BTC
ngày 29/7/2021 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và
quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài
chính tại Tờ trình số 4565/TTr-STC ngày 18/8/2022 về việc ban hành Quy định về
lập, đề xuất, phê duyệt danh mục và bố trí kinh phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp,
mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình tài sản công sử dụng nguồn kinh phí
chi thường xuyên của ngân sách thành phố Hà Nội.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về lập,
đề xuất, phê duyệt danh mục và bố trí kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp, cải
tạo, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình tài sản công sử dụng nguồn kinh
phí chi thường xuyên của ngân sách thành phố Hà Nội”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 25 tháng 10
năm 2022 và thay thế Quyết định số 07/2020/QĐ-UBND ngày 30/3/2020 của UBND
Thành phố ban hành quy định về lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và bố
trí kinh phí sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất sử dụng
nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách thành phố Hà Nội.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc, Thủ
trưởng các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể thuộc Thành phố; Giám đốc Kho bạc nhà
nước Hà Nội; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các PCT UBND Thành phố;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Cổng thông tin điện tử Thành phố;
- VPUB: Các PCVP, KTTH, NC, TH, Trung tâm TH công báo Thành phố:
- Lưu: VT, KTTH.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hà Minh Hải
|
QUY ĐỊNH
VỀ LẬP, ĐỀ XUẤT, PHÊ DUYỆT DANH MỤC VÀ BỐ TRÍ KINH PHÍ BẢO DƯỠNG, SỬA
CHỮA, NÂNG CẤP, CẢI TẠO, MỞ RỘNG, XÂY DỰNG MỚI HẠNG MỤC CÔNG TRÌNH TÀI SẢN CÔNG
SỬ DỤNG NGUỒN KINH PHÍ CHI THƯỜNG XUYÊN CỦA NGÂN SÁCH THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 35/2022/QĐ-UBND ngày 14 tháng 10 năm 2022 của
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
1. Quy định này quy định về lập, đề xuất,
phê duyệt danh mục và bố trí kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở
rộng, xây dựng mới hạng mục công trình tài sản công sử dụng nguồn kinh phí chi
thường xuyên của ngân sách thành phố Hà Nội, gồm:
a) Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công
là công trình, thiết bị công trình xây dựng giao các cơ quan, đơn vị thuộc
thành phố Hà Nội quản lý, sử dụng; duy tu, bảo dưỡng các công trình đê điều.
b) Nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây mới
các hạng mục công trình thiết yếu bao gồm: phòng cháy chữa cháy, thu gom, xử lý
rác, cấp nước, thoát nước, điện, thiết bị, nhà vệ sinh, tường rào trong cơ sở
đã có của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc tổ chức
chính trị - xã hội do thành phố Hà Nội quản lý. Trường hợp đầu tư xây dựng mới
các hạng mục công trình thiết yếu có giá trị từ 01 tỷ đồng trở lên phải thực hiện,
quản lý như dự án đầu tư công.
Các công trình, thiết bị công trình
xây dựng, công trình thiết yếu thuộc phạm vi điều chỉnh tại Quyết định này được
gọi chung là công trình tài sản công.
2. Quy định này không điều chỉnh đối
với:
a) Xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng
tài sản công theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công và các văn bản
hướng dẫn (trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 nêu trên).
b) Nâng cấp, cải tạo, sửa chữa tài sản
công trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
c) Các lĩnh vực đã có quy định pháp
luật chuyên ngành về quản lý kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công thì thực
hiện theo quy định chuyên ngành đối với từng lĩnh vực.
d) Bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công
giao cho doanh nghiệp nhà nước quản lý, sử dụng thực hiện theo quy định đối với
doanh nghiệp Nhà nước.
e) Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng,
xây dựng mới hạng mục công trình thiết yếu sử dụng nguồn vốn Quỹ phát triển hoạt
động sự nghiệp (phần để chi thường xuyên) của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Quy định áp dụng đối với các cơ quan,
tổ chức, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội được giao quản lý, sử dụng tài sản công
gồm:
1. Cơ quan nhà nước.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam.
4. Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức
chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức
khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội.
5. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao
quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật quản lý, sử dụng tài
sản công và quy định pháp luật có liên quan.
Điều 3. Nguyên
tắc quản lý đối với dự án
1. Các dự án bảo dưỡng, sửa chữa,
nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình tài sản công phải
tuân thủ theo các quy định của pháp luật về: quản lý dự án đầu tư xây dựng công
trình; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý ngân sách nhà nước; bảo trì công
trình xây dựng và các quy định pháp luật có liên quan.
2. UBND các cấp thực hiện quản lý nhà
nước về đầu tư xây dựng đối với các dự án theo phân cấp quản lý nhà nước về hạ
tầng, kinh tế xã hội và phân cấp nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách thuộc
thành phố Hà Nội.
Điều 4. Nguồn
kinh phí
a) Nguồn chi thường xuyên do ngân
sách nhà nước cấp;
b) Nguồn thu phí được trích để lại
theo quy định dành để chi thường xuyên;
c) Các nguồn kinh phí hợp pháp khác
theo quy định pháp luật dành để chi thường xuyên.
Chương II
MỘT SỐ QUY ĐỊNH
CỤ THỂ
Điều 5. Lập, đề
xuất và phê duyệt danh mục bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới
hạng mục công trình (danh mục)
1. Lập, đề xuất danh mục: trước ngày
30/6 hằng năm, để chuẩn bị cho năm kế hoạch tiếp theo, căn cứ hiện trạng và mức
độ xuống cấp của công trình, đơn vị quản lý, sử dụng công trình lập, đề xuất
danh mục bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới hạng mục
công trình tài sản công gồm các nội dung: hiện trạng công trình, sự cần thiết đầu
tư; tên dự án, địa điểm; mục tiêu đầu tư và dự kiến quy mô đầu tư; sơ bộ tổng mức
đầu tư, nguồn vốn thực hiện; dự kiên tiến độ triển khai thực hiện dự án; nội
dung công việc phải triển khai trong giai đoạn chuẩn bị dự án, khái toán kinh
phí chuẩn bị dự án; gửi cơ quan chủ quản (nếu có) tổng hợp.
Đơn vị quản lý, sử dụng công trình,
cơ quan chủ quản (nếu có) thống nhất với cơ quan Tài chính (hoặc bộ phận tài
chính kế toán xã) về các nội dung: sự phù hợp về nguồn vốn thực hiện, khả năng
cân đối ngân sách; chủ trì, phối hợp với cơ quan Tài chính (hoặc bộ phận tài
chính kế toán xã) trình UBND cùng cấp xem xét, phê duyệt danh mục.
2. UBND các cấp xem xét, phê duyệt
danh mục:
Nội dung văn bản phê duyệt gồm: tên dự
án, địa điểm; mục tiêu đầu tư, dự kiến quy mô đầu tư, dự kiến tổng mức đầu tư,
nguồn vốn đầu tư; dự kiến tiến độ triển khai thực hiện dự án; khái toán kinh
phí chuẩn bị dự án.
3. Trong giai đoạn chuẩn bị dự án,
trường hợp sơ bộ tổng mức đầu tư lớn hơn tổng mức đầu tư dự kiến đã được phê
duyệt tại danh mục: chủ đầu tư (cơ quan chủ quản của chủ đầu tư, nếu có) chủ
trì, phối hợp với cơ quan Tài chính (hoặc bộ phận tài chính kế toán xã) báo cáo
UBND cùng cấp xem xét, chấp thuận bằng văn bản trước khi tổ chức phê duyệt dự
án theo quy định.
4. Các trình tự, thủ tục tiếp theo của
dự án trong các giai đoạn: chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng
đưa công trình vào khai thác sử dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật
về đầu tư xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
5. Đối với việc sửa chữa công trình
có chi phí dưới 500 triệu đồng: đơn vị quản lý, sử dụng công trình thực hiện
theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 35 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày
26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng,
thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, không thực hiện lập danh mục.
Điều 6. Bố trí
kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới hạng mục
công trình tài sản công từ nguồn vốn ngân sách nhà nước
1. Điều kiện bố trí kinh phí trong dự
toán hằng năm:
Hằng năm, căn cứ hướng dẫn xây dựng dự
toán ngân sách nhà nước, nhiệm vụ thực hiện trong năm kế hoạch và các quy định
tại văn bản này, cơ quan, đơn vị trực thuộc lập dự toán kinh phí thực hiện bảo
dưỡng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình,
tổng hợp chung vào dự toán của cơ quan, đơn vị mình và gửi cơ quan chủ quản
(đơn vị dự toán cấp I - nếu có) để xem xét, tổng hợp chung vào dự toán của đơn
vị dự toán cấp I gửi cơ quan Tài chính cùng cấp tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền
quyết định. Điều kiện bố trí kinh phí cụ thể như sau:
a) Đối với sửa chữa công trình có chi
phí dưới 500 triệu đồng:
Kế hoạch sửa chữa và dự toán chi phí
sửa chữa do đơn vị quản lý, sử dụng công trình phê duyệt theo quy định của pháp
luật về đầu tư xây dựng, bảo trì công trình xây dựng. Kế hoạch sửa chữa gồm các
nội dung: tên dự án, bộ phận công trình cần sửa chữa, lý do sửa chữa, mục tiêu
sửa chữa, khối lượng sửa chữa, dự kiến kinh phí sửa chữa, thời gian thực hiện
và thời gian hoàn thành.
b) Đối với dự án bảo dưỡng, sửa chữa công
trình có chi phí từ 500 triệu đồng trở lên hoặc dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng,
xây dựng mới hạng mục công trình:
- Kinh phí chuẩn bị dự án: có văn bản
phê duyệt danh mục của cấp có thẩm quyền và dự toán kinh phí chuẩn bị dự án do
cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật.
- Kinh phí thực hiện dự án: có quyết
định phê duyệt dự án đầu tư của cấp có thẩm quyền hoặc báo cáo thẩm định của cơ
quan chuyên môn chủ trì thẩm định dự án theo quy định. Trường hợp mới có báo
cáo thẩm định dự án thì phải có quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi cơ quan
Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND các cấp trình HĐND cùng cấp phê duyệt phân bổ
ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Thời hạn phân bổ dự toán của ngân
sách các cấp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
2. Điều chỉnh, bổ sung kinh phí phát
sinh trong năm:
a) Việc điều chỉnh, bổ sung kinh phí
dự án trong năm kế hoạch được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân
sách nhà nước. Thời hạn điều chỉnh dự toán kinh phí được thực hiện trước ngày
15/11 năm hiện hành.
b) Điều kiện bố trí kinh phí cho dự
án mới phát sinh trong năm:
- Kinh phí chuẩn bị dự án: có văn bản
phê duyệt danh mục của cấp có thẩm quyền và dự toán kinh phí chuẩn bị dự án do
cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật.
- Kinh phí thực hiện dự án: có quyết
định phê duyệt dự án đầu tư.
Điều 7. Bố trí
kinh phí dự án từ nguồn thu phí được để lại theo chế độ quy định để chi thường
xuyên; các nguồn vốn khác để chi thường xuyên
1. Việc bố trí kinh phí dự án từ nguồn
thu phí được để lại theo chế độ quy định để chi thường xuyên do Thủ trưởng đơn
vị quyết định theo quy định về chế độ tự chủ của các cơ quan hành chính nhà nước
tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ quy định chế độ tự
chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối
với cơ quan nhà nước; Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ
sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005; cơ
chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày
21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp
công lập, các văn bản pháp luật khác liên quan và phải đảm bảo đầy đủ thủ tục đầu
tư xây dựng theo quy định pháp luật.
2. Việc bố trí kinh phí dự án từ các
nguồn vốn khác để chi thường xuyên thực hiện theo quy định pháp luật có liên
quan.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Quy định
chuyển tiếp
Kể từ ngày Quy định này có hiệu lực,
đối với các dự án đã thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo
quy định tại Quyết định số 07/2020/QĐ-UBND ngày 30/3/2020 của UBND Thành phố được
thực hiện như sau:
- Dự án đã có Quyết định phê duyệt dự
án, chủ đầu tư thực hiện các bước tiếp theo theo Quy định này (không phải phê
duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án).
- Dự án được phê duyệt trong trường hợp
phải điều chỉnh dự đã được UBND các cấp phê duyệt danh mục hoặc Quyết định phê
duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được phê duyệt dự án thì đơn vị quan lý sử dụng,
cơ quan chủ quan (nếu có) thực hiện rà soát phạm vi, quy mô, tính chất công
trình đảm bảo phù hợp với Quy định này trước khi lập, trình, phê duyệt dự án
(không phải phê duyệt điều chỉnh danh mục hoặc chủ trương đầu tư đã được phê
duyệt).
Điều 9. Tổ chức
thực hiện
1. Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban,
ngành, hội, đoàn thể Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch
UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo đúng quy định pháp
luật và Quy định này.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện,
trường hợp có vướng mắc phát sinh, các đơn vị phản ánh kịp thời bằng văn bản gửi
Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, giải quyết theo quy định./.